Nếu chúng ta không có chánh niệm
tỉnh giác để nhìn sâu và thấy rõ được những công ơn to lớn đó, thì ta sẽ không
có được sự hiếu kính, hoặc nếu có, thì cũng không phải là sự hiếu kính đích
thực. Ta chỉ có sự hiếu kính đích thực, khi nào có chánh niệm tỉnh giác.
Nhìn bàn tay, nhìn trái tim, nhìn tâm hồn của ta và thấy được trong tất cả các
yếu tố đó đều có mặt của cha mẹ ta. Và khi ta thấy được rằng, trong sự hiện hữu
của mình luôn luôn có cha mẹ, thì đó là sự hiện hữu có gốc rễ và mình sẽ không
cảm thấy bị lạc loài. Đây là điểm hết sức quan trọng, khi thế kỷ 21 này, người ta
có khuynh hướng làm ra những con người nhân tạo.
Và khi những con người nhân
tạo (nhân bản vô tính hay bằng máy) bắt đầu xuất hiện trên trái đất thì chúng
ta sẽ có một thảm họa và thế giới con người sẽ là một thảm họa, bởi vì những
con người được “sinh ra” bởi thai nhân tạo sẽ không biết được cha mẹ nó ở đâu,
nó không có gốc rễ. Khi đã không có gốc rễ, nó sẽ hành động theo thú tính hoàn
toàn. Nó sẽ hành động theo cảm giác bơ vơ, lạc lõng như một loài không có gốc
rễ và đó là cái nguy hiểm cho thế giới con người. Các nhà đạo đức, các học giả
trên thế giới vẫn đang còn tranh cãi nhiều về vấn đề này.
Người ta giả tưởng rằng, khi mà
thế giới con người ra đời bằng bào thai nhân tạo, người ta vẫn chưa tưởng tượng
ra được thế giới con người lúc đó sẽ như thế nào, nhưng chắc chắn rằng, nó sẽ
thấp kém hơn, sẽ bi đát hơn thế giới con người chúng ta đang có mặt. Bởi vì
sao? Bởi vì trong sự tương quan, khi chúng ta nói một em bé mà em bé đó không
nghe, thì chúng ta có thể nói với cha mẹ nó, với cô dì chú bác, hoặc có thể với
ông bà nội, ông bà ngoại của nó...
Nhưng, nếu một đứa bé được sinh ra từ bào
thai nhân tạo, khi nó hư hỏng mình sẽ nói với ai? Một con người có chánh niệm
tỉnh giác, mình sẽ rất vinh dự khi thấy rằng, mình có mặt là bởi vì cha mẹ mình
đã có mặt, và cha mẹ đã luôn luôn có mặt ở trong mình. Dù đang ở Sài Gòn hay Hà
Nội, ở Mỹ hay Pháp, chỉ cần nhìn bàn tay của mình trong chánh niệm, mình sẽ
tiếp xúc được với cội rễ của mình và từ đó cảm giác cô đơn của những người con
tha hương sẽ không có cơ hội trỗi dậy.
Chúng ta đi những bước đi là
không những đi cho chúng ta, hay đi cho cá nhân ta, mà là đi cho cha mẹ mình.
Cha mẹ mình có an toàn hay không, là tùy thuộc vào bước chân an toàn của chính
mình. Mình cười, và thở cũng là cười và thở cho cha mẹ mình. Ngay cả mình học,
mình đỗ đạt, cũng chính là học và đỗ đạt cho cha mẹ mình.
Kỳ thi đại học vừa
qua, có những em bị rớt không vào đại học được, trong gia đình cha mẹ buồn thiu
như là nhà có đám vậy, và dọn cơm ra không ai ăn được cả. Rõ ràng là chúng ta
đâu phải học cho cá nhân mình, mà là học cho cha mẹ, cho anh em mình. Người đệ
tử Phật nhìn sâu vào sự hiện hữu của mình, sẽ nhận ra rằng, mình luôn luôn hiện
hữu với cha mẹ, với anh chị em, với bạn bè mình. Khi nghe bạn mình thi rớt,
chúng ta cũng ăn không được. Rõ ràng, mình đâu chỉ học cho riêng mình, mà còn
học cho bạn mình.
Ta hiện hữu là hiện hữu với thầy
của mình, trong mình có thầy. Nếu mình có những hành xử sơ suất, thì không
những mình bị thiệt hại, đau khổ mà thầy mình cũng buồn, cũng đau khổ. Có một vị
thầy ở Đà Nẵng ra Huế thăm tôi, thăm quý thầy ở Từ Hiếu và sau đó bày tỏ lòng
biết ơn đối với hội đồng giáo thọ tại tổ đình Từ Hiếu, đã chăm sóc người học
trò của vị đó một cách chu đáo.
Sau thời gian ở đây, người học
trò của vị thầy đó đã trở về lại trú xứ và đã hướng dẫn cho Phật tử tu tập rất
có hiệu quả. Như vậy, mình tu không phải chỉ là tu cho mình, mà còn tu cho thầy
mình. Mình học không phải chỉ đem lại vinh quang cho bản thân mình, mà còn đem
lại vinh quang cho thầy mình, cho những người đồng cảm với mình. Trong mỗi động
tác đều có cha mẹ, có thầy, có bạn của mình.
Nếu động tác của mình sơ suất,
xuống hố, thì thầy của mình cũng rơi xuống hố, cha mẹ của mình cũng sẽ rơi
xuống hố, và bạn bè mình cũng vậy. Nếu động tác của mình thăng tiến, thì mình thăng
tiến, cha mẹ mình thăng tiến, thầy mình cũng thăng tiến và bạn bè mình cũng
thăng tiến. Khi có chánh niệm tỉnh giác, mình thấy được như vậy, thì trong từng
giây phút mình đi đâu, ở đâu cũng có cha mẹ, có thầy, có bạn bè ở trong mình.
Nếu mình không có chánh niệm tỉnh giác, thì mình sẽ không thể biết ơn cha mẹ,
biết ơn thầy, bạn một cách sâu sắc được. Nhìn kỹ, mình sẽ thấy trong mình là
hiện hữu của tất cả hết thảy mọi người.
Chúng ta ăn cơm chánh niệm, chúng
ta phải thấy những thực phẩm mà chúng ta khất thực là từ tâm hồn của những
người dâng cúng, mỗi người, mỗi kiến thức để nấu và chế tác ra món ăn, rồi đem
món ăn đó về quần tụ ở nơi một đạo tràng tu học, và đặt những thực phẩm vào
những vị trí đã được quy định. Và chúng ta cùng đi khất thực, chúng ta đã tiếp
xúc được rất nhiều món ăn ở trong một bữa ăn, và rất nhiều món ăn trong một bát
cơm.
Bát cơm mình ăn, đâu phải chỉ là
của mình, mà còn có bác nông dân ở trong, có chị bán cải, có bác thợ rèn,
v.v... Nếu không có bác thợ rèn, mình không thể nào gọt và cắt cho đàng hoàng
được. Có người làm đậu khuôn, có chị làm chả, có anh làm nấm, có người xay gạo,
người giã gạo, người nấu cơm, có ông giám đốc và nhân viên nhà máy đèn, nhà máy
nước, có những nhà sản xuất chén bát, có giám đốc và nhân viên ngân hàng,
v.v...
Cho nên, chúng ta phải thấy bát cơm của ta ăn là một bát cơm được tạo ra
từ một trường đại học bách khoa thực tiễn của đời sống. Nên, nhìn sâu vào một
bát cơm bằng tuệ giác, ta sẽ cảm thấy rất hạnh phúc và rất sung sướng. Ăn một
miếng cơm mà có mặt của nhiều người như vậy, nếu mình ăn với một lòng tham, ăn
mà lật đật, thì làm sao xứng đáng! Thường thường mình hay phụ bạc nhau một cách
rất là ghê gớm, nếu không có chánh niệm tỉnh giác trong khi ăn.
Chúng ta thử nghiệm mà xem! Mẹ ở
nhà lặt rau muống, nấu cơm, nấu canh... rồi dọn lên sẵn trên bàn cho mình; vợ
hay chị mình nấu cơm, nấu canh, làm thành những thực phẩm của một bữa ăn, rồi
dọn sẵn lên bàn ăn cho mình bằng tất cả tấm lòng, nhưng khi ta đi làm việc về
đến nhà, ta ăn, rồi chê mặn, chê lạt, hoặc chỉ lùa vài ba miếng cho xong
chuyện, rồi lại xem tivi, xem đá bóng. Ta sống và ăn như vậy, thì đời sống của
ta quả thật là phụ bạc và vô vị!
Tại sao mẹ, vợ, chị mình đã thương và lo cho
mình những thực phẩm để ăn như vậy, mà mình không ngồi vào bàn để mà ăn cho
đàng hoàng và sâu sắc, để mà thấy tâm hồn của mẹ mình, của vợ và của chị ở
trong tô canh, ở trong bát cơm? Con người ăn mà không biết giá trị của cái ăn
và những gì đã tạo nên cho cái ăn ấy, đó là con người gì? Khi con người đã coi
thường ân nghĩa của chính cha mẹ mình, của những người thương yêu mình, thì
người đó sẽ là người như thế nào ở trong cõi người?
Triết gia Tây phương
E.Fromm nói thế kỷ 20 là thế kỷ mà con người đã chết. Đã chết là vậy đó! Chết
từ trong tâm hồn của mình, chết từ trong bữa ăn của gia đình mình, chết từ
trong dòng họ của mình, và chết từ trong cuộc sống của mình.
Thực tập chánh niệm tỉnh giác là
lấy lại chủ quyền của con người trong đời sống hàng ngày của mình, để trong đời
sống hàng ngày của con người, khi nào cũng có mặt của cha mẹ, của thầy, của bạn
bè, những người thương yêu của mình, đồng loại của mình, và đâu phải chỉ là
đồng loại mà là cả muôn loài. Ta không thấy thực vật, nó luôn có mặt trong bữa
ăn của mình đó sao!
Khi một thực vật được hoàn thành để trở thành thức ăn, thì
không biết bao nhiêu loài chúng sinh đã chết trong thực vật đó, để cho mình ăn.
Bao nhiêu sâu trùng đã phải hy sinh thân mạng của chúng để mình có được rau quả
tươi ngon!
Cho nên, nếu ăn một miếng cơm mà
có chánh niệm tỉnh giác, thì mỗi miếng cơm là một niềm hạnh phúc lớn, chứ không
phải đến lúc ăn no mới hạnh phúc. Khi đưa muỗng cơm chạm vào trong miệng mình,
đó là một hạnh phúc lớn, một cảm giác kỳ lạ trong đời sống của chính mình. Hạnh
phúc lớn là ở đó, chứ không phải hạnh phúc là ở nơi miếng thịt, nơi ly bia, ly
rượu. Chúng ta có thể ăn ít cũng được, nhưng mà phải ăn cho sâu sắc.
Với chất liệu chánh niệm tỉnh
giác này, dù trải qua bao thời đại, người đệ tử Phật không bao giờ là kẻ phản
bội. Họ ở trong gia đình, thì họ xây dựng gia đình tốt đẹp; họ ra giữa làng xã,
thì họ xây dựng làng xã tốt đẹp; họ ở trong quốc gia nào, thì họ sẽ xây dựng
quốc gia đó trở thành tốt đẹp. Vì một vị đệ tử Phật có chánh niệm tỉnh giác, vị
ấy biết rất rõ rằng, đối với đời sống, ta nên làm gì và không nên làm gì. Nên,
vị ấy sống ở đâu thì họ làm đẹp ở đó và có sự hòa bình ở đó. Điều đó là điều mà
lịch sử loài người đã xác chứng.
Những giáo hữu Kitô nói rằng:
“Thà mất nước không thà mất Chúa”. Nghĩa là nước sẵn sàng để cho mất, nhưng mà
Chúa sẽ không để cho mất. Còn trong đạo Phật, người Phật tử nói: “Thà mất nước
không thà mất hạnh ”. Bởi vì hạnh là nếp sống, là văn hóa, đạo đức, là chánh
niệm tỉnh giác, là tuệ quán minh triệt, là niềm tin sáng trong, thuần tịnh.
Mình mất nước mà còn có chánh niệm tỉnh giác, còn giữ được nếp sống, còn có
niềm tin trong sáng và thuần tịnh, thì mình còn có cơ hội phục hồi lại đất
nước. Nếu nước chưa mất mà hạnh đã mất, chánh niệm tỉnh giác không còn, niềm
tin bị phá sản, thì coi như nước cũng đã mất.
Hạnh của người đệ tử Phật là gì?
Là hành, là nếp sống. Mà nếp sống của người đệ tử Phật là nếp sống có chánh
niệm tỉnh giác, có quán chiếu minh triệt, có niềm tin sáng trong thuần tịnh.
Trong chánh niệm, vừa có giới, tức là niềm tin đạo đức. Trong chánh niệm, vừa
có định, tức là sự vững chãi. Và trong chánh niệm, vừa có tuệ, tức là sự quán
chiếu sâu sắc, sự hiểu biết minh triệt. Chính những cái đó tạo ra cái hạnh của
người đệ tử Phật.
Trong đời sống của một con người,
có khi thăng, khi trầm, khi tán, khi tụ, khi buồn, khi vui. Đời sống của một
gia đình cũng vậy, khi thăng, khi trầm, khi tán, khi tụ, khi buồn, khi vui.
Giàu đó rồi nghèo đó, vinh đó, rồi nhục đó, phú quý đó, rồi cơ hàn đó, đoàn tụ
đó rồi phân ly đó. Mình nhìn kỹ, thì gia đình nào cũng có tình trạng như vậy
hết, nhưng mà gia đình có chất liệu đệ tử của Phật, thì khi giàu mình cũng có
chánh niệm tỉnh giác, khi nghèo mình cũng có chánh niệm tỉnh giác, khi vinh cũng
như khi nhục, luôn giữ được chất liệu chánh niệm tỉnh giác. Nếu mình mất chánh
niệm tỉnh giác, mất niềm tin trong sáng trong đời sống hàng ngày, thì người đệ
tử Phật xem như là mất hạnh, mất nết, mất nếp sống của mình.
Và khi nếp sống của mình đã mất,
thì mình không còn có cơ hội gì để gọi là biết ân thầy, bạn, cha mẹ, mọi người.
Mà đã không biết ân, thì làm sao bảo vệ? Có biết ân cha mẹ, mình mới bảo vệ
thanh danh của cha mẹ mình. Có biết ơn thầy, mình mới bảo vệ danh tiết của
thầy, mình mới đi theo cái khí tiết của thầy mình. Có biết ân bạn bè, thì mình
mới sống có nghĩa. Có biết ân quê hương xứ sở, thì mình mới bảo vệ quê hương.
Có biết ơn con người, thì mình mới chăm sóc, mới trân trọng quyền sống của con
người.
Chúng ta thấy ân nghĩa, hiếu
kính, quyền sống, cũng đều từ nơi chánh niệm tỉnh giác mà ra cả. Nếu không có
chánh niệm tỉnh giác, thì không có tuệ, và không có tuệ thì đâu có thấy được sự
liên hệ giữa mình và người. Giới định tuệ là chất liệu xuyên suốt trong mọi
lãnh vực, trong mọi hành xử của người đệ tử Phật mà chánh niệm tỉnh giác cần
phải thực tập miên mật để giới định tuệ luôn luôn sống động và hiện tiền.
Đám mây ở trên trời không có liên
quan gì đến mình ở dưới đất này hết. Nghĩ như vậy và nói như vậy, tức là không
có chánh niệm tỉnh giác. Đám mây ở trên trời nó vẫn có liên quan chặt chẽ với
mình. Giả như đám mây đó bị nhiễm độc, và một trận mưa rơi xuống, thì liệu ở
dưới này mình có thảnh thơi được hay không? Nếu đám mây bị vẩn đục, nó đi vào
trong không khí, vào trong nước mưa, nó rơi xuống, thì cả thế gian này đều lãnh
sẹo hết.
Nếu có dịp, chúng ta đi về biển,
ngắm mặt trăng, ngắm sóng biển, chúng ta sẽ thấy được sự liên hệ rất là chặt
chẽ của chúng. Khi mặt trăng lên là nước biển lên, và nước biển lên như là nó
đùa giỡn với mặt trăng vậy. Nó đẹp đến thế! Với con mắt của phàm tục, con mắt
thiếu chánh niệm tỉnh giác, thì mình sẽ thấy mặt trăng và sóng biển không có
liên hệ gì với nhau cả. Khi ta có chánh niệm tỉnh giác, thì ta nhìn cái gì cũng
vui, đi đâu mình cũng có bạn cả, mặt trời là bạn mình, đám mây bạc là bạn mình,
núi xanh là bạn mình, con đường, đám hoa dại, con còng bò trên bãi cát cũng đều
là bạn mình, v.v...
Vậy thì có gì mà ta lại sợ cô
đơn! Lẽ đương nhiên chúng ta phải thực tập để có được chất liệu chánh niệm tỉnh
giác, có chất liệu của tuệ quán minh triệt trong đời sống hằng ngày, để niềm
tin sáng trong của chúng ta có thể khởi sinh từ chất liệu thực tập ấy, khiến
chúng ta có thể cảm nhận được rằng: “Sự sống là tất cả ”.
Thích Thái Hòa (GNO)