Trung-quán-luận hay Trung-quán Ngâm khúc
(Madhyamaka-káriká) là một
tập thơ của Nàgàrjuna để giảng Giáo lý của đức Phật. Tập thơ viết vào
khoảng thế
kỷ II sau KT, đã được Kumarajiva (Cưu-ma-la-thập) dịch Hán văn và gần
đây được
T.tọa Thích Viên Lý dịch sang Việt văn. Huyền Trang đời Đường gọi
Nàgàrjuna là Bồ-tát
Long-thọ. Trung-quán-luận là triết lý mở đầu Phật giáo Đại thừa, tức là
Bồ-tát
thừa.
Bài dưới đây trích từ một cuốn sách sẽ xuất bản.
Phẩm XXV (Quán Niết-bàn, Nirvàna Pariksa) tiếp theo Quán Thánh-đế
để giảng về Niết-bàn như một sắc thái hiện thực được của Chân-đế.
Niết-bàn hay Nát-bàn (Nibbàna, Nirvàna) là một cõi ẩn (với nghĩa
là không hiển hiện) mà chỉ có những ai đã được Chính đẳng Chính giác và
thành
Phật, hay ít ra đã rời bỏ được hết các phiền trược (ràng buộc), đoạn
diệt được
tham ái, không còn hệ lụy bởi những lậu hoặc, mới thấy và nhập vào được.
Trong
Niết-bàn, không có sự khổ đau, không có sự biến hoại, không có sự giao
động,
không có sự sống chết.
Niết-bàn là Cõi ngoài Cõi Ta-bà (Samsàra) và là Chân không. Ta-bà
Samsàra là cõi ta đang sống ở trong, được định bằng ba tính (Tam-tướng,
Trilaksana): vô thường, khổ đau, vô ngã, trong đó sự sống và sự chết đi
theo những
vòng gọi là “luân hồi” mãi mãi không thôi.
Đạo Phật là con đường với một Giáo pháp để sống và tu tập, khởi thủy
với mục đích là thoát ra ngoài Cõi Samsàra và nhập được vào Cõi Nibbàna,
Nirvàna.
Nàgàrjuna đã thu tất cả cõi Samsàra, tức là thế giới như chúng ta
đang sống, thấy và biết, trong một chữ Không. Không cũng là điều kiện
tiên quyết
để ta có thể từ cõi Samsàra hiện sinh chuyển sang cõi Nirvàna
(Niết-bàn).
Nay ta theo lời giảng của Nàgàrjuna về Niết-bàn.
Tôi bỏ khúc 1 là lời trách của đối phương và bắt đầu ngay với lời
của Nàgàrjuna:
2. Nếu vạn pháp không Không
Tất không sinh, không diệt,
Đoạn trừ gì, bỏ gì,
Để Niết-bàn được nhập?
(Vì vạn pháp trong cõi hiện sinh là Không và có sinh có diệt nên mới
có thể có được Bát Chánh Đạo để diệt khổ và giải thoát con người vào cõi
Niết-bàn).
Có sinh có diệt đồng nghĩa với vô thường. Không là không có tự
tính tự hữu, không có ngã, và vì thế cũng đồng nghĩa với vô thường.
Đoạn trừ gì? Đoạn trừ tham, sân, si; đoạn trừ sự tham ái.
Phá bỏ gì? Phá bỏ các chấp kiến; phá bỏ các phiền trược (ràng buộc).
Không tạo nghiệp.
Sự đoạn trừ và phá bỏ là điều kiện cần thiết nhưng chưa đủ để nhập
Niết-bàn. Sự tu hành còn đòi hỏi giới, định, tuệ.
Niết-bàn là gì?
3. Không bỏ cũng không đạt,
Không đoạn cũng không thường,
Không sinh cũng không diệt,
Đó là cõi Giải thoát.
(Niết-bàn là phiên âm Pàli và Sanskrit-ngữ. Hán văn gọi là cõi Đoạn
diệt hay cõi Giải thoát).
Ba câu đầu là ba cặp định tính (attributs), đối nghịch nhau. Cả
sáu định tính kể ra đều là Không cả. Niết-bàn là cõi không thể tả được.
Tính từ,
trạng từ của ngôn ngữ là để tả những tính cách (qualité) hay định tính
(attribut) tương đối và có thứ bực. Niết-bàn là “cái” không tĩnh từ,
trạng từ,
vì ra ngoài mọi sự đối đãi hay so sánh:
Không rời bỏ, lẽ ra thì là đạt, là đến là tới; nhưng cũng không đạt,
không đến, không tới;
Không cắt đứt (đoạn diệt) lẽ ra thì là thường tại, thường hằng;
nhưng cũng không thường.
Không sống lẽ ra thì là chết, không sinh lẽ ra thì là diệt; nhưng
cũng không diệt, không chết.
Niết-bàn là “cái” không thể tả ra được bằng lời. Nhưng có Niết-bàn
hay không có Niết-bàn? Nàgàrjuna trình bày sự biết của Ông trên nhiều
khía cạnh,
mỗi cạnh với bốn câu hỏi, trong mười bốn khúc ca ngâm (4-18) mà tôi chia
ra như
sau để cho rõ nghĩa (Chúng sinh: theo Cưu-ma-la-thập).
4. Niết-bàn không hiện hữu (abhàva):
Hiện hữu thì già chết
Không có gì hiện hữu
Thoát được sự lão diệt.
5. Nếu Niết-bàn hiện hữu (bháva)
Thì là pháp do duyên (C: hữu vi)
Hiện hữu không do duyên (C: Hiện hữu không hữu vi)
Pháp ấy chưa đâu thấy.
6. Nếu Niết-bàn hiện hữu,
Thì sao không tương liên?
(C: Không thụ chấp)
Hiện hữu không tương liên,
(C: Hiện hữu không thụ chấp)
Pháp ấy chưa đâu thấy.
Ba khúc này (4-5-6) giảng về sự không hiện hữu của Niết-bàn. Niết-bàn
không hiện hữu vì ba điều hay ba lý do:
1. Cái gì hiện hữu thì có biến hoại, nghĩa là có già, có chết (có
thành cũ, rồi bị hủy diệt), mà Niết-bàn thì không biến hoại;
2. Cái gì hiện hữu đều do nhân do duyên sinh khởi, Hán văn dịch là
“hữu vi” nghĩa là có cấu tạo, mà Niết-bàn thì không do duyên sinh, tức
là vô
vi, vô cấu (ba từ ngữ này đồng nghĩa);
3. Cái gì hiện hữu đều tương liên, tương đối, Hán văn dịch là thụ
(thọ) chấp, với nghĩa là “lãnh thụ và chấp thủ”.
Sự dịch ba khúc này có những khó khăn đặc biệt, trước hết vì ngôn
từ triết lý cổ ấn và Phật giáo (sanskrit-ngữ) rất khúc mắc, và ngôn từ
Hán văn
của Cưu-ma-la-thập lại cô đặc đến độ tối nghĩa. Nàgàrjuna dùng từ /
bhàva /,
Hán văn dịch là /hữu/, /coming to be/. Thích Viên Lý dịch là /thật hữu/,
tôi dịch
là /hiện hữu/ không có một từ dịch nào đúng với sanskrit /bhàva/ cả.
Trong câu thứ ba của mỗi khúc, Nàgàrjuna dùng từ /bhàvo/. Bhàvo/
là danh từ, còn /bhàva/ là cận danh từ (adjective, ngữ pháp cổ gọi là
tĩnh từ,
hình dung từ, trạng từ). Cưu-ma-la-thập dịch là /hữu pháp/. Anh văn dịch
là
/existent entily/. Là sát theo ngữ pháp. Tôi dịch là /hiện hữu/ nếu là
văn suôi
thì tôi để vạch nối; hay viết liền /hiện hữu/ nếu là sách triết chuyên
môn;
nhưng vì dịch thơ nên tôi bỏ vạch nối); vị trí của /hiện hưu/ trong câu
là vị
trí danh từ, tiếp theo câu sau lại có danh từ /pháp/, tôi nghĩ rằng đủ
để các độc
giả nhận /hiện hữu/ ở câu ba là danh từ.
Lại có hai từ /abhávo/ và /abháva/ trong sách MMK của Nàgàrjuna. Đầu
phần [a-] nghĩa là ‘không’ Hán văn dịch là /vô/ trước một danh từ và
/bất/ trước
một cận từ, nhưng có khả năng thu lại là /vô/ khi là /vô hữu/. Việt ngữ
dịch là
/không hiện hữu/ khi là cận từ (adjective) hay động từ (verb) và vô hiện
hữu
khi là danh từ (noun), trừ khi theo sát Hán văn. Nhưng Hán văn, dịch là
/hữu/
và /vô hữu/, không thể phân biệt giữa /be/ và /exist/ hay /become/ là
những từ
đối nghịch trong ngôn ngữ thông thường và hoàn toàn trái ngược nhau
trong ngôn
từ triết học. Anh văn dịch /abhàva/ là /non-existent/ và /abhàvo/ là
/non-existent entity/. /Non-being/ (Pháp: non-étant hay no-être) hoàn
toàn
khác.
Ở nhiều phần trên ta lại đã thấy /svabhàva/ ‘tự hữu’ ‘tự tính’,
(self-nature,
essence).
Đi sâu hơn nữa vào vấn đề Niết-bàn và Chân đế (Đệ Nhất Nghĩa đế),
sự khó khăn sẽ lớn dần thêm nữa vì Việt ngữ chỉ mới được dùng vào triết
học
trong một thời gần đây và chưa có được một triết gia nào đáng kể trong
lịch sử
tư tưởng của thế giới, nên ngôn ngữ có phần yếu kém.
Tôi dịch lại sáu khúc đầu (1-6) thành văn suôi cho rõ nghĩa và giảng
thêm về triết lý Phật giáo cùng với triết lý Nàgàrjuna.
Nàgàrjuna đối diện với người công kích thuyết Không tính. Cả hai ở
trong thế giới hiện sinh mà tất cả chúng ta cũng đang, cùng đang lặn
ngụp, ăn
làm, xoay sở, cười đùa, vùng vẫy, lo lắng, sợ hãi, vật lộn, cho đến khi
hai tay
buông xuôi. Đây là cõi Sa-bà (Ta-bà - mà đạo Phật gọi là Samsara (cõi
Luân hồi)
ta tạm coi là cõi đời. Báo chí, tivi cho ta thấy một số lặt vặt và vụn
vặt những
chuyện và hình ảnh hằng ngày của Sa-bà địa, nhưng quan trọng hơn với ta
là những
ồn ào náo nhiệt của chợ búa, đường sá và của nội tâm ta. Mắt ta thấy,
tai ta
nghe, lòng ta giao động. Ta lăng quăng trong thành phố nhung nhúc, với
cái cảm
tưởng rằng mình tự do như con bọ gậy trong vại nước, hay một hạt bụi bị
xô đẩy
bởi các đụng chạm với các phân tử trong một vũng đục.
1. Người đối thủ nói:
Niết-bàn là cõi Đoạn diệt, đó là nghĩa từ nguyên của chữ Nibbàna
mà chính đức Phật đã dạy. Nhưng mà đoạn diệt cái gì, khi tất cả đều
Không và
không sinh không diệt như ông nói?
2. Nàgàrjuna trả lời, dùng đúng câu nói của đối thủ chỉ đổi đi một
chút.
Niết-bàn là cõi Đoạn diệt, như đức Phật dạy. Nhưng mà đoạn diệt
cái gì nếu tất cả không là Không và không sinh không diệt như ông nghĩ?
[“Không” là không có tự tính và được sinh ra trong những hoàn cảnh gọi
là “nhân
duyên”. Vì có sinh ra nên mới có mà diệt đi. Vì hễ có sinh thì phải có
diệt,
nên mới có thể diệt được: hoặc là diệt khi chưa sinh, không cho sinh,
bằng cách
cắt đứt các nhân duyên (tham, sân, si, tham ái) và không tạo nghiệp
(giới luật/vô-vi),
hoặc là rập tắt khi mới chớm]. Ông hãy nghe tôi nói cho ông biết về cảnh
Niết-bàn.
3. Niết-bàn là cõi Không – luân hồi (Không Hiện sinh, vô-
Samsara). Cái gì Cõi luân hồi là, cái ấy Cõi Niết-bàn không là. Trong
cõi Niết-bàn,
không có sự từ bỏ, cũng không có sự đạt tới (Cưu-ma-la-thập: không có sự
chứng
đắc, cũng không có sự đạt đến”); không có sự dứt đoạn, cũng không có sự
hủy diệt.
Ba cặp niệm trong cõi đời hiện hữu, hiện sinh. Cõi Niết-bàn không có
những đối
nghịch ấy.
[Sự từ bỏ và sự chứng đắc là hai mục tiêu đối nhau của đời sống,
trong đó có sự tu hành cũng như các ước nguyện khác, như thi đỗ làm quan
hay
thu tài lộc làm giàu. Trong Niết-bàn, không có sự tham ái, kể cả sự cầu
đạo;
Giáo lý là cái bè đã được bỏ ở ngoài bờ.]
Đoạn và thường là hai chấp kiến đối nghịch của trí thức trong cõi
hiện sinh. giữa hai cực đoan ấy, tâm trí người ta giao động với những lo
sợ và
ước mong. Ngày mai sẽ biến loạn hay an bình? Năm nay liệu trời có yên
lành hay
lại mưa nắng thất thường gây ra nhiều tai họa cho người, vật và mùa
màng? Và
câu hỏi tối hậu: người ta chết là hết, hay vẫn còn và còn phải chịu
những hình
phạt hay tưởng tưởng về những việc làm khi còn sống? Trong cõi Niết-bàn,
đoạn
hay thường đều trở nên vô nghĩa trước sự êm ả của tâm hồn không ước ao,
ghen tị,
mở rộng với đất trời, cây cỏ, không phân biệt cái dụng với cái thể, cái
lợi với
cái hại, không coi nhẹ sự mềm mại của cọng sen trắng trước sự hùng vĩ
của ngọn
núi cao ngất trời xanh.
Trong Cõi đời, hễ có sinh thì có tử, không có một tế bào hay một
con người nào đã có sống mà không sẽ chết, không có vật chất nào có
thành mà
không biến hoại và tiêu tan. Và với mỗi sinh biệt tử li, là con người có
tình,
làm sao tránh khỏi những đau thương nhớ tiếc. Trong cõi Niết-bàn, mười
một chiều
vật lý tương đối đã bị xóa nhòa, bốn năng lượng căn bản của vũ trụ được
hợp làm
một, sự sống muôn màu là những dòng đời liên tục đan kết vào nhau không
đứt đoạn
cho đến vô tận vì thời gian tràn ngập mà vô hướng; tình yêu độc cực và ô
nhiễm
bởi ngã mạn chỉ còn là đống rơm rác héo khô đã trút bỏ ở cõi xưa, vì ở
đây chỉ
có những tâm Bồ-đề trong suốt mở rộng cho tất cả và mỗi chúng sinh còn
bị trói
buộc trong vòng tranh đấu với lo sợ và khổ đau. Ở đây, có sự hạnh mà
không có sự
ham, kể cả sự ham cái hạnh của Giải thoát, một sự hạnh vô biên vô cùng,
không
có lời để tả vì không giới hạn trong năm uẩn và không có dấu vết của
thời gian.
Sự mĩ diệu của cái thực, gột sạch hết những u ám của tính hữu dụng và
trị giá
tiền bạc, vượt lên trên các giả tạo ảo huyễn tinh vi và tài tình nhất
của văn
minh. Sự tử sinh không có vì không có sinh nên không có tử, người ta chỉ
gõ vào
gốc ngọc lan mà nói rằng con hồ điệp bữa qua nay đã thành ông Trang Châu
đang
lượn trong gió ở bể Bắc].
4-5-6. Cõi sống của ta, loài người, và của chúng sinh là thuộc về
Samsara (cõi Luân hồi). Nói theo đời nay, thì là sinh cầu của trái đất
(Biosphere), gồm tầng ngoài cùng của vỏ địa cầu và tầng dưới cùng của
khí quyển
bao quanh quả đất.
Khi trái đất mới thành thì còn nóng quá nên không thể có được sự
sống.
Theo khoa học hiện đại, sự sống bắt đầu có vào cuối thời tiền – cambrien
(pre-cambrian) dưới những hình thức nguyên sinh mà nay ta chưa biết rõ,
chủ yếu…
có lẽ là những dây DNA (Deoxyribonucleic acid), từ đó thành những tế bào
đơn độc,
rồi biến đổi, trong những điều kiện dị biệt của mặt đất, thành những
thực vật
và động vật của ngày nay.
Bằng cách nào sự sống phát khởi? Đức Phật dạy rằng khởi thủy là Vô
minh, tôi hiểu là sự Hỗn mang Nguyên thủy, từ đó duyên Hành, và ở đây
tôi hiểu
là cái đặc sự (singularity) tạo ra sự sống ở mặt đất. Trong một Kinh
(Patikasutta, K. Balê, Digha-nikaya 24: 15-17), đức Phật giảng rằng sự
sống từ
một thế giới khác đang co rút (chuyển hoại) di cư đến đây. Các nhà sinh
hóa học
Tây phương xưa nghĩ rằng trong đống bùn lầy ựa ra từ các núi lửa, những
đụng chạm
vô số của các phân tử đã làm thành một chất nguyên sinh. Nhưng gần đây,
người
ta đã ngã sang giả thuyết rằng sự sống có một nguồn gốc ngoài địa cầu,
và được
đưa đến mặt đất bởi một hòn thiên thạch người ta gọi là “sao băng”. Một
phi
thuyền hiện đang đi dò xét hành tinh Mars (mà ta gọi theo Trung quốc một
cách rất
sai lầm là “Kim tinh”) để hy vọng khám phá ra một bằng chứng cho giả
thuyết
này.
Samsara như vậy là có một khởi thủy. Thành hình trong sự vần xoay
của mặt trời, nó đã là chỗ để chúng sinh ở đậu và biến hình biến dạng
thành
ngàn vạn loài, ăn lẫn nhau mà sống. Trong vũ trụ, nó chỉ là một cục vật
chất đã
được vê tròn để cho quay dưới sức hút của nhật cầu, theo những định luật
thiên
cơ mà Newton đã khám phá ra. Nhưng mặt khác, nó đã thành quả đất “của”
loài người
và về phương diện ấy, Samsara và tất cả những gì trong cõi Samsara đều
theo luật
của đức Phật (vô thường, đau khổ, vô ngã) mà Nàgàrjuna viết lại là:
1. Hoại diệt (lão tử) (khúc 4)
2. Duyên sinh (hữu vi) (khúc 5)
3. Tương liên (thụ chấp) (khúc 6)
Không cần phải nói, chúng ta hiểu rằng ba điểm của Nàgàrjuna đồng
trị và đồng nghĩa với ba điểm của Thế Tôn và cả sáu điểm làm cho Samsara
là cõi
hiện hữu, hiện sinh và hiển hiện.
Nirvàna (Niết-bàn) là cõi Không-Samsara. Nirvàna là cõi:
1. Không hoại diệt (khúc 4)
2. Không duyên sinh (khúc 5)
3. Không tương liên (khúc 6)
Tức là cõi không vô thường, không đau khổ, không vô ngã, và không
hiện hữu.
Không hoại diệt hay không già chết (lão tử) chỉ là một cách khác để
nói rằng Niết-bàn không vô thường, và vì thế không khổ đau.
Không duyên sinh là ở ngoài vòng nhân duyên. Người ta biết và khoa
học đã lập những thuyết1 khả tin ở ngoài sự sáng thế bởi một Đấng hóa
công rằng
thế giới đã khởi sinh rồi thành và rồi sự sống đã bắt đầu và biến hóa
với những
nhân, những duyên tuy dị thường nhưng không phải là siêu nhiên thần bí.
Vũ trụ
và thế gian thì thế, nhưng Niết-bàn thì không có nhân, có duyên, không
có cấu tạo
(vô vi) vì rằng không vô ngã, không vô tự tính.
Không tương liên nghĩa là tự tại, tự chứng, có mà không phải dựa
vào cái gì khác ở ngoài mà có; tất cả những gì ở trong cũng tự nhiên tự
có chứ
không có vì một lý do gì, nhưng là lợi ích cho tự ngã hay sinh mệnh của
ai
trong cõi hiện sinh. một bông hồng là một bông hồng là một bông hồng chứ
không
phải là một tặng vật hay một món trang sức. Một dòng sông là một dòng
sông và
không còn là một con đường biết đi. Và các sao trên trời có thể lấp lánh
như những
hạt kim cương trên những mắt của lưới Indra làm thành bằng những siêu
thằng
năng lượng mà không còn bị lợi dụng vào việc bấm số cho những người cầu
tài cầu
lợi2.[2]
7. Niết-bàn không hiện hữu
Hẳn cũng phải không hữu?
Niết-bàn không hiện hữu
Cõi Niết-bàn không Không.
8. Niết-bàn nếu không hữu,
Sao thể không tương liên?
(C: không thụ chấp).
Cái gì không tương liên
(C: không thụ chấp)
Không thể nào vô hữu.
9. Cái gì đến và đi
(C: sinh và diệt)
Đều duyên sinh biến hoại
Không do nhân do duyên
Niết-bàn là chính cõi.
Ba khúc này (7-8-9) bề ngoài có vẻ như nghịch với ba khúc trên
(4-5-6) nhưng thực ra vẫn nối tiếp sự biện luận trước. Ba khúc trên xoay
quanh
sự nhận xét rằng Niết-bàn là cõi không hiện hữu nên (vì) không hoại
diệt, không
duyên sinh, không tương liên. Ba khúc sau nói rằng Niết-bàn không tương
liên,
không duyên sinh, không biến hoại nên là Cõi không Không, vì cõi hiện
sinh
Samsara là cõi Không (không tự tính).
Niết-bàn, cõi không Không, là cõi thực hữu.
7. Nàgàrjuna mở đầu bằng sự chọi hai tính cách của Niết-bàn, với
hai từ ngữ: sự hữu và sự không hiện hữu. Hai câu đầu.
Niết-bàn không hiện hữu
Hẳn cũng phải không hữu.
Là Nàgàrjuna giả danh đối thủ luận rằng “Niết-bàn không hiện hữu,
chắc hẳn là vì không có Niết-bàn”. Đó là ý nghĩ tự nhiên của người
thường, chỉ
tin rằng cái gì mình thấy được, nắm được, thì mới là có thực. Chẳng hạn
như mùi
hương của bó hồng, họ không biết rằng đó là vật chất cho đến khi khoa
học cân
được khí hương. Còn như lương tâm của con người ta, tuy rằng không ai
thấy và
khoa học chưa bao giờ cân được, nhưng đã làm người thì ai cũng có ít
nhiều. Ấy
là ta hy vọng như thế! Nàgàrjuna khẳng định ngay rằng Niết-bàn không
hiện hữu,
nhưng không thể không có. Samsara có hiện hữu và là Không (không có tự
tính)
còn Niết-bàn thì không hiện hữu và không Không.
8-9. Nàgàrjuna tiếp tục chứng minh rằng Niết-bàn không phải là vô
hữu. Nếu vô hữu thì làm sao Niết-bàn có thể không tương liên, ở ngoài
mọi tương
đối trói buộc. Không có một cái gì không tương liên mà lại có thể vô
hữu.
Cũng vậy, tất cả những gì có đến có đi, có sinh có diệt, tức là tất
cả các pháp trên đời, đều duyên sinh (có nhân, có duyên, và dựa vào
nhau) và đều
biến hoại (có lão, có tử và bị đào thải, tiêu diệt).
Niết-bàn và tất cả những gì trong cõi Niết-bàn đều ở ngoài vòng
nhân duyên nên không có sự tương liên tương đối và không có sự sinh sự
tử; vì lẽ
ấy cũng không có sự tái sinh và luân hồi. Niết-bàn không hiện hữu và là
cõi vô
sinh.
Garfied đưa ra một cách hiểu khác về khúc 9
9. (dG)- Cái gì đến và đi
Là tương liên biến hoại
Khi không liên không biến,
Niết-bàn chính là cõi. (dG).
Theo Garfield thì hai câu trên nói về cõi Samsara (và tất cả chúng
ta có lẽ đều đồng ý nếu không chống đối Phật giáo quan đến triệt để rằng
trên
cõi Hiện sinh này, cái gì đến rồi đi (sinh ra và già, chết) đều tương
liên và
chịu sự biến hoại. Nhưng nếu bỏ hết các chấp kiến vật hóa (reification)
đi, thì
không còn thấy sự tương liên và biến hoại nữa, cõi đời này và sự sinh
hoạt
trong đó liền trở thành Niết-bàn. Thế giới là cõi Luân hồi hay cõi Giải
thoát
tùy theo ta còn những chấp thủ (thiên kiến) hay đã đoạn diệt hết các
chấp trong
ta.
*
10. Trong Kinh Đạo sư dạy
Phải diệt hữu, phi hữu
Vậy Niết-bàn là cõi
Không hữu cũng không vô.
Đây là chính lời của Thế Tôn dạy Vacchagotta. Sau đó, Vacchagotta
xin quy y, được chấp nhận và nhanh chóng đạt Giải thoát.
Không hữu, không phi hữu là một công thức quan trọng và Nàgàrjuna
nói lại điều ấy dưới hình thức phản nghịch trong bốn khúc liền:
11. Và Niết-bàn chẳng phải
Vừa hữu lại vừa vô
Vừa hữu và vừa vô
Không phải là giải thoát.
12. Nếu Niết-bàn mà lại
Vừa hữu vừa phi hữu
Thì không không tương liên,
Tương liên là hữu vô (thụ chấp).
Tương liên và có thụ chấp là khởi sinh trong vòng nhân duyên của
cõi đời. Ở trên đã nói, hữu cũng bị sự tương liên (Interdépendence)
(khúc 6) mà
phi hữu cũng tương liên (khúc 8), và cả hai phải chịu sự sinh diệt (khúc
9).
13. Làm sao là Niết-bàn
Lại vừa hữu vừa vô?
Niết-bàn không cấu tạo
(là vô vi)
Hữu, vô đều cấu tạo
(hữu vi)
Vẫn biện luận theo đường ấy: Ở trong vòng nhân duyên tức là có sự
hữu vi, sự cấu tạo, hay như ta nói đời nay, có một cơ cấu, và có bị sự
biến
hóa, sự hoại diệt khi cơ cấu bị phá hay bị hủy.
14. Niết-bàn sao có thể
Đã hữu lại còn vô?
Hữu vô không chung đụng
Như ánh nắng với tối.
Vừa hữu lại vừa vô là một sự nghịch lý như trời tối giữa trưa hè
hay đang đêm lại có nắng.
*
Đối phương lập lại lý lẽ cuối cùng này của Nàgàrjuna và hỏi lại
hai điều.
Nếu Niết-bàn vừa phi hữu và phi vô (phi phi hữu) mà lập thành được,
thì cái vừa hữu vừa vô (phi hữu) cũng lập thành được, tại sao (ông lại
nói rằng)
không?
15. Ông nói rằng Niết-bàn
Phi hữu, phi phi hữu
Thì hữu và phi hữu,
Tại sao lại không được?
Và có ai là người đã thấy được cái Niết-bàn phi hữu phi vô mà ông
nói?
16. Nói rằng Niết-bàn là
Không có lại không không
Ai là người chứng ngộ
Cái không có, không không?
*
Đến lúc quyết liệt vì đối phương đòi sự thực chứng tức là sự Chính
đẳng Chính giác Chân đế, Nàgàrjuna phải viện dẫn chính đức Như lai, rồi
nói dến
sự chứng ngộ của chính mình.
Trước hết, đức Thế Tôn được kể ra như hiện thân của Niết-bàn, và
đây có lẽ là lần đầu tiên mà pháp thân (dharmakaya) và báo thân
(Sambhogakaya)
của đức Phật được nói tới một cách minh bạch, trừ có những danh từ chỉ
thành
hơn một thế kỷ sau:
17. Khi đức Phật tịch diệt,
Không biết Ngài còn, mất
Hay vừa còn vừa mất
Đã mất mà không mất?
18. Khi Ngài đang tại thế,
Ngài có hay là không,
Hay vừa có vừa không
Hoặc không nhưng không không không?
Và sau là Niết-bàn trong sự thực chứng của Bồ-tát Nàgàrjuna;
19. Niết-bàn với thế gian
Không mẩy may khác biệt
Giữa thế gian, Niết-bàn
Không một chút sai khác
20 Biên giới của Niết-bàn
Là biên giới cõi thế;
Không chút nào sai biệt
Giữa hai lằn giới ranh.
Những gì mà Nàgàrjuna nói ra ở đây, trong bốn khúc ngâm tụng này,
sau những khúc nói về Chân đế và Tục đế (phẩm XXIV: 8,9,10), có thể nói
là cốt
tủy của triết học Nà gàrjuna, nên tôi muốn lưu ý quý độc giả.
Trước hết về chính bản thân đức Thế Tôn. Khi Thế Tôn tại thế, một
vài môn đồ hỏi Ngài về tình trạng của Ngài sau khi Ngài diệt độ. Mỗi lần
được hỏi,
Ngài im lặng và chỉ một lần Ngài nói rằng “khi nào thấy Pháp thì thấy
ta, khi
nào thấy Ta thì thấy pháp” (Samyutta nikáya 22-87). Lúc Ngài sắp nhập
Đại bát
Niết-bàn, Ananda xin Ngài cho một lời chỉ giáo, Ngãi cũng nói:
Này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình
nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng Chánh pháp làm
ngọn đèn,
dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác.
(Digha-nikàya=Trường bộ XI Kinh Đại Bát Niết-bàn, 3:26)
Trong vị trí của người trần, ta có thể nghĩ rằng những lời nói quá
cao siêu này của Thế tôn đã mở cửa cho tin tưởng và lý thuyết Tam thân
của Phật
tổ. Giống như trong các đạo khác, những cao đồ đã thành đạo, thấy pháp,
và những
tín đồ có lòng tin mãnh liệt rất có thể đã nhìn thấy Phật hiện ra, không
những
trong những thế kỷ sau khi Ngài tịch diệt, mà ngay cả đời nay giữa chúng
ta. Sự
nẩy nở huy hoàng của những dòng nghệ thuật Phật giáo ở Ấn Độ, Lanka,
Thái
Lan, Miến Điện, Indonesia, Cambodia, Trung Á, Tibet, Mongolia, Trung
Hoa,
Korea, Nhật Bản, Việt Nam, với không biết bao nhiêu trăm ngàn nghệ sĩ vô
danh
đã tạc tượng Phật vào núi đá và lấy đá núi ra để tạc tượng Phật, đủ để
chứng tỏ
những ước vọng và vui mừng của những quần chúng ở giải lục địa đông đảo
nhất của thế giới này.
Quan niệm “Pháp thân” (Dharma-káya) của Phật Tổ thành hình từ đó.
Bắt nguồn từ lời của Phật, nuôi dưỡng bởi lời dạy của Tăng già, hiển
hình trong
lòng kính tin của đại chúng vô số vạn kiếp, Pháp thân thành cái thân
siêu thế của
đức Phật, tràn ngập khắp không gian của sự sống và vĩnh cửu cùng với
thời gian
vĩnh cửu của thế giới. Pháp (Dharma/Dharma) không những là Giáo pháp mà
Như lai
đã dạy, mà còn là tinh túy của luật pháp thế tục và giới luật tu hành.
Với hai
ý nghĩa, vừa tôn giáo vừa đạo lý, Pháp thân của Như Lai là cái thân hiện
hữu ở
khắp nơi mà không ai trông thấy, nhưng biết hết hiểu hết (toàn giác ),
thương
yêu hết, không bỏ một ai và không phân biệt riêng ai trong cả ba ngàn
thế giới
(khúc 17).
“Báo thân” (Sàmbhogika-káya) của Phật Tổ là đức Phật tại thế, sau
khi Ngài thành Đạo và lên đường giảng Giáo pháp mà Ngài đã lập thành.
/Báo/ là
hưởng. Sau khi đã thành tựu được các ước nguyện qua hằng sa kiếp tu hành
bố thí
và cuối cùng đạt chứng
Chính đẳng Chính giác, Bồ-tát trong xác thân của Thái tử Tất Đạt
Đa (Siddhatta) thành Phật. Khi ấy, Ngài nhập Pháp giới (Dharmadhatu),
hưởng sự
trong lành và sáng lạn của Pháp giới, sự toàn giác thuần trí của Pháp
giới, sự
tịch tịnh yên ả của pháp giới. Và trong mấy tuần liền không rời Cõi trên
(cõi
phi tưởng phi phi tưởng và diệt thọ tưởng của Thiền định) trước khi tự ý
trở về
cõi trần tục trong cái thân xác cũ để giảng dạy Đạo pháp vô thượng. Báo
thân là
cái thân hai thể, đã là Phật và vẫn là người, ở ngoài sự sinh tử nhưng
vẫn già,
vẫn khổ, vẫn bệnh, vẫn chết (khúc 18). Vì chúng sinh. Cho mãi mãi.
Asanga (Vô trước) và Vasubandhu (Thế Thân) sau này sẽ dạy thêm về
Hóa thân (Nirmàna-kaya) để lập thành thuyết Tam Thân (Tri-kaya) của Phật
tổ.
Hóa thân là Ngài trước khi thành Đạo, theo nghĩa hẹp là Thái tử
Siddhatta của lịch
sử hay Bồ-tát thác sinh, theo nghĩa rộng là tất cả những kiếp chúng sinh
trong
các Jakarta mà Ngài đã trải qua từ sau khi được gặp Như lai Nhiên Đăng
cho đến
khi từ gốc cây Bồ-đề Ngài đứng dậy. Báo thân là đức Phật lịch sử đã lập
ra Giới
pháp và Tăng. Còn Pháp thân là Pháp tính (Dharmatà) tràn ngập khắp Pháp
giới
(Dharma-dhatu) để dìu dắt chúng sinh vào cõi Giải thoát qua ba thừa
(Thanh văn,
Bồ-tát và Kim cương).
Cõi Giải thoát là Cõi mà đức Phật sau khi thành đạt Chính đẳng
Chính giác đã vào rồi lại ra, rồi vào ra khi nào muốn trong năm mươi năm
dạy
Pháp cho Tăng già và quần chúng đau khổ ở một vực sống giữa hai con sông
Grandka và Yamuda. Nó cũng là Cõi mà các môn đồ đã gặt quả Arahan của
thể nhập
vào khi thiền định. Niết-bàn là tên Đức Thế Tôn đã dùng để gọi Cõi giải
thoát.
Nàgàrjuna giảng về Niết-bàn như đã được thực chứng và những lời của
Bồ-tát nói
vang lên một cách bất ngờ kỳ diệu rằng “Niết-bàn với thế gian là một là
không
phải là hai cõi địa ký khác nhau”.
Sự khải thị này chấm dứt những giả thuyết cho rằng người ta phải rời
hẳn khỏi cõi Hiện sinh, cả tâm lẫn thân, để nhập vào cõi Niết-bàn, như
trong
Brahma-Hindu giáo hay Islam giáo, phải chết đi thì atman hay linh hồn
của mình
mới bay lên và nhập vào cõi Trên của Chúa Trời Brahma và Allah. Cũng
chấm dứt
nhưng ước vọng mộng mị của những nhà cách mạng vị thành niên, muốn tạo
dựng Niết-bàn
dưới thế. Niết-bàn là cõi thế, không cần phải với tay lên mà kéo nó
xuống, Niết-bàn
là ngay đây, chỗ này, và khắp mọi nơi, Tây phương, Đông phương Bắc
phương, Nam
phương, Trung phương cũng như Địa ngục.
Nàgàrjuna đã thuyết minh từng bước dần dần cho chúng ta thấy rõ để
quyết tâm đoạn diệt với những tàn độc phi lý vô nghĩa của sự hiện sinh
mà tìm sự
giải thoát ngay tại đây, ngay bây giờ và có được sự tĩnh tịnh an lạc vô
biên của
Niết-bàn.
Phẩm II, Bồ-tát giảng rằng không có sự di động cũng không có sự an
trụ . Trên cõi sống của ta, chúng ta đều thấy, chỉ có sự rẫy rụa, sự
vùng vẫy,
sự ngược suôi không đi đến đâu. Nhưng Niết-bàn không ở đâu khác là khắp
chung
quanh ta và với những người thân của ta, các người đang cùng sống với
ta, mà
không ai, trong sự ngọ nguậy, khuấy động liên tục của cuộc đời, có thể
thấy được.
Phẩm XXIV (Quán Thánh đế), sau khi giảng về hai Chân lý trong giáo
pháp (Tục đế và Chân đế), Bồ-tát lại nói thêm:
10. Phải y cứ Tục đế,
Mới ngộ được Chân đế,
Không chứng được Chân đế,
Không thể có Giải thoát.
Tục đế là Chân lý của thế gian, tức là Không tính và sự tương liên
của vạn pháp. Chân đế là chân lý thâm sâu, tối cao, tối hậu, ở ngoài sự
diễn tả
nhị nguyên của ngôn ngữ thế tục, mà chỉ những ai đã trút bỏ được các ác
căn,
các chấp kiến, các lậu hoặc, mới thấy được cái Thực không vị kỷ như
Chân, cái đẹp
siêu thế vô ích.
Nhưng Tục đế và Chân đế không cách biệt, không riêng rẽ. Phải dựa
vào Tục đế mới thấy được Chân đế; rời bỏ được hư vô chủ nghĩa và tự hữu
chủ
nghĩa, bước lên cái bục của Trung quán thì mới chứng được Chân đế mà
thực hiện
được Niết-bàn trong tâm. Vì Trung quán không phải theo thông lệ là con
đường ở
giữa. Trung quán là con đường giữa và ở trên, vượt ra ngoài và lên trên
mặt đường
thế tục, sau khi đã biết rằng tất cả những gì ta thấy đều Không và Không
cũng
là Không (XXIV, 18).
Đến phẩm này (XXV) quán Niết-bàn, Nàgàrjuna mới đi vào sự giải
thích rõ rằng có Niết-bàn, và Niết-bàn với cõi Samsara không có một mảy
may
khác biệt. Cũng không cần phải rời cõi thế này để sang cõi Giải thoát.
Hai cõi
là một, chung một biên giới. Cõi thế là cõi hiện sinh của ta, trong đó
ta sống,
ta làm việc, ta lo lắng và vui chơi, ta yêu, ta ghét và hờn giận và uất
ức và
hy vọng và ước mong. Cái ta bao trùm cả nhân gian và mọi vật, mọi sự
được nhồi
cho một tự hữu phản ảnh của ngã. Lột cái màn che phủ ấy đi, thấy tất cả
đều
Không, đó là Chân đế, là Chân không, là Niết-bàn. Niết-bàn là trong tâm.
Niết-bàn
ở khắp mọi nơi. Niết-bàn là cõi thế.
Bồ-tát có vào Niết-bàn không? Bồ-tát không vào Niết-bàn. Bồ-tát ở
cõi thế cho đến khi nào hết sự khổ đau trên nhân gian. Bồ-tát chối
Niết-bàn để ở
cõi thế toàn thân toàn thể, chịu sự khổ đau thay cho chúng sinh hay cứu
độ những
người oan khổ. Sau Nàgàrjuna, Asanga (Vô trước) sẽ giảng Niết-bàn Vô
trú. Niết-bàn
Vô trú (ApratisthitaNirvàna) là Niết-bàn của Báo thân Như lai và của
Quán Thế
Âm Bồ-tát. Niết-bàn Vô trú chỉ có thể có nếu Niết-bàn và thế gian là
một.
21. Kiến giải sau khi chết
Về hữu biên, vô biên
Về thường trụ, bất biến
Niết-bàn, đều sai hết.
22. Hữu biên hay vô biên
Vừa hữu lại vừa vô,
Vô hữu lại vô vô,
Không tính xóa đi cả.
23. Đồng nhất hay dị biệt
Thường tại hoặc vô thường
Vừa thường vừa vô thường
Không thường, không vô thường.
24. Trị bình mọi lý thuyết
Diệt trừ mọi ảo huyễn,
Không bao giờ, ở đâu,
Đức Phật nói một câu.
Bốn khúc cuối cùng của Phẩm Quán Niết-bàn nhắc lại những chấp kiến
về vật chất và về thế giới, những chấp kiến mà đức Phật đã kể ra trong
kinh
Brahmajalasutta (Digha–Nikàya 2) nhưng im lặng không giảng khi các môn
đồ nêu lại
và hỏi. Thế giới và vạn pháp là Tục đế với cái màn vô minh phủ lên, dầy
đặc với
những ảo kiến mà cả triệu năm làm người đã dựng lên trong xã hội, trong
ngôn ngữ,
trong tâm trí, đến cả trong tiềm thức và súc sinh thức. Niết-bàn cũng
không
khác, vì Niết-bàn với Sa bà là một, không mảy may dị biệt. Sa bà là
Không, Niết-bàn
cũng là Không và ở một từng siêu thế, là Chân không.
Vì thế nên nói rằng trong năm mươi một năm tại thế giảng Giáo pháp
cho người đời, đức Phật đã nói hết mà chưa hề nói một câu.
Chú thích:
Bản Hán văn của Trung luận theo Cưu-ma-la-thập được in lại đầy đủ
trong Trung luận (Madhyamakakàrikà) của Thích Viên Lý (Viện triết lý
Việt Nam
& Triết học thế giới xuất bản 1994). Mọi đối chiếu phải trở về gốc
là bản ấy.
Tôi chép lại Niết-bàn Phẩm, đệ nhị thập ngũ, theo âm Hán Việt mà xin cảm
ơn vị
hữu học ẩn danh đã duyệt lại bản phiên âm (đánh số thêm để dễ so sánh)
Trong việc dịch và giảng Trung quáng Ngâm khúc của Nàgàrjuna, tôi
còn dựa vào bản dịch Anh văn từ bản Tibet-ngữ (Jay T. Garfield-The
Fundamental
Wisdom of the Middle Way, Oxford University Press 1995) và sách của
Murti (là học
trò của Ramakrisman) giảng theo bản Sanskrit-ngữ. Các điều sai biệt là
do ý kiến
riêng.
[1] Laplace (1749-1827) nói với Napleon: “Thưa Hoàng Thực (trong
khoa học) chúng tôi không cần đến giả thuyết Tạo hóa”
[2] Đó là ý nghĩa của lời đức Phật: người ta nhìn thấy các pháp
như thực. Niết-bàn là cõi Chân như trong đó người ta thấy cái Chân thực
Chân mỹ
bằng chân tâm và được hưởng chân hạnh phúc không tương liên, tương đối
và vô chấp.
Trích: Khuông Việt