Có bao giờ chúng ta được sống
đơn độc thanh thoát chăng? Hay chúng ta luôn luôn mang theo bên mình cả cái
đống bùi nhùi của quá khứ?
Có câu chuyện về hai vị sư , một
hôm, trong lúc đi trên con đường từ làng này qua làng khác, hai người gặp một
cô gái ngồi bên bờ sông sụt sùi khóc. Một vị bèn bước tới bên cô, hỏi:
- Tại sao cô khóc?
Cô gái đáp:
- Thầy có thấy căn nhà bên kia
sông không? Sáng nay con từ nhà lội sang bên này, không có trở ngại gì, nhưng
bây giờ nước sông dâng lên, con không lội về được mà lại không có ghe thuyền gì
cả.
Vị sư nói:
- Ồ, cô khỏi lo, không thành vấn
đề!
Vừa nói, ông vừa bế xốc cô ta
lên, lội phăng phăng qua sông, bỏ cô xuống bờ bên kia, rồi cùng người bạn đồng
tu tiếp tục lặng lẽ bước.
Vài giờ sau, nhà sư kia lên tiếng:
- Sư huynh, chúng ta đã nguyện không đụng vào phụ
nữ. Việc sư huynh mới làm là một trọng tội. Bộ chuyện sờ vào đàn bà làm cho sư
huynh vui thú, khoái lạc lắm hay sao?
Thì vị sư đã giúp cô gái qua sông trả lời:
- Tôi bỏ cô ta lại phía sau đã
hai giờ đồng hồ rồi. Còn sư đệ, chú vẫn mang cô ta theo đấy à?
Chúng ta đều thế cả. Suốt đời,
chúng ta mang theo đủ loại linh tinh, không bỏ chúng lại phía sau. Chỉ khi nào
chúng ta chú tâm vào một vấn đề, giải quyết ngay lập tức, trọn vẹn, không để
dây dưa đến ngày sắp tới, đến phút giây sắp tới, khi đó chúng ta sẽ có thời
gian thanh tịnh, cô tịch. Trong trường hợp đó thì dù chúng ta đang ở trong căn
nhà đông người hoặc trên xe buýt, chúng ta vẫn đang sống trong sự tịch mịch,
trống vắng. Tâm trí trong trạng thái trống vắng đó là tâm trong sáng, hồn nhiên.
Một nội tâm trong sáng, trống
vắng, là điều vô cùng quan trọng để có thể tự do thoải mái trong mọi hành động,
tự do đi lại, bay nhẩy. Tóm lại, lòng tốt chỉ nẩy nở từ một nội tâm khoáng đạt,
không bị gò bó, cũng như trí tuệ chỉ phát triển khi có tự do. Chúng ta có thể
có tự do về vấn đề chính trị, nhưng nội tâm chúng ta không khai phóng cho nên
chúng ta không có khoảng trống cho tâm hồn. Thiếu khoảng trống mênh mông, thiếu
sự phóng khoáng này trong nội tâm thì không có trí tuệ, không có phẩm chất giá
trị nào có thể hoạt động và phát triển. Khoảng trống mênh mông và sự tĩnh lặng
của tâm hồn thật là cần thiết vì chỉ khi nào tâm trí ở trong trạng thái cô
liêu, tịch mịch, không bị ảnh hưởng, không bị gò ép, không bị tràn ngập với đầy
dẫy những kinh nghiệm linh tinh, thì tâm hồn mới sẵn sàng tiếp thu được những
điều hoàn toàn mới mẻ.
Người ta chỉ có thể nhận chân sự
thật "như là chính nó" khi tâm
trí tĩnh lặng và trong sáng. Mục đích của thiền định ở Đông phương là để đưa
tâm trí đến tình trạng kiểm soát được tư tưởng, cũng như liên tục nhắc lại một
lời cầu nguyện để cho tâm được an tịnh với hy vọng trong tình trạng đó, người
ta có thể thấu suốt, giải quyết được những nỗi đau khổ của kiếp người.
Nhưng trừ phi người ta đặt được
nền móng, đó là giải thoát khỏi sự sợ hãi, khỏi sự đau buồn, lo lắng và tất cả
những vướng mắc mà họ tự quàng vào, tôi không thấy cách nào có thể làm cho tâm
trí thật sự tĩnh lặng.