Không
hiểu thế nào và tại sao, Đức Đạt Lai Lạt Ma lại dành nhiều ưu ái cho
dân tộc Việt thông qua những lần gặp gở các Phật tử Việt Nam trong cũng
như ngoài nước.
Sau tháng 11 năm 2011 ngài đã tiếp đoàn Việt, ngày 27/09/2012, một
phái đoàn phật tử Việt Nam theo hệ phái Tây Tạng đã đến Dharamsala, Ấn
Độ, năm nay vào ngày 01-03/7/2013, tại Tu viện Namgyal, Dharamsala, Ấn
Độ, đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, vị lãnh đạo tối cao của Phật giáo Tây
Tạng đã có 3 ngày thuyết giảng đặc biệt dành cho cộng đồng Việt Nam.
Hơn 300 tăng, ni, phật tử từ Việt Nam và hàng ngàn Việt kiều từ các
quốc gia trên thế giới đến tham dự buổi thuyết giảng đặc biệt với chủ
đề: “Ba điểm tinh yếu của đường tu Giác Ngộ” với “Mười bốn đoản kệ của
Sơ tổ Tông Khách Ba (Tsongkhapa 1357-1419) dòng Hiền Nhân (Gelug)”. Đức
Đạt Lai Lạt Ma xin lỗi đã để đoàn Phật tử Việt Nam đợi lâu, vì phải
tiếp đoàn dân tộc của Ngài đến trước. Ngài nói: “ Tôi
đã gặp rất nhiều người Việt Nam ở Mỹ, Pháp, Úc… và tôi luôn luôn giữ
một tình cảm đặc biệt đối với đất nước và dân tộc Việt Nam, nhưng đặc
biệt hơn cả là đối với những người Việt Nam đến từ Việt Nam”. vì thế,
Ngài thường gọi những người Việt là: "các anh chị em tôi đến từ Việt
Nam".
Thật vậy, những Pháp hội trên thế giới, nơi nào có người Phật tử Việt
là chắc chắn những Phật tử đó tình nguyện tham gia trực tiếp hoặc gián
tiếp công sức cho Ban tổ chức một cách hăng say đầy nhiệt huyết, nhất
là ở Virginia cách đây ba năm. Chính vì thế, người Việt Nam được gặp
Ngài thường xuyên bất cứ nơi đâu, đã trở thành pháp quyến của Ngài một
cách thân thiện. Vả lại, lịch sử dân tộc Tạng hiện nay đã là lịch sử
quá khứ của dân tộc Việt trãi nghiệm bao đau thương của lòng tham từ kẻ
mạnh.
Một vị lãnh đạo dân tộc lưu vong cũng là vị thế lãnh đạo tâm linh,
không những của tộc Tạng mà còn là đại biểu sáng ngời cho Phật giáo
hiện nay trên thế giới với một trí tuệ tuyệt vời. Một bậc chân tu quá ư
giản dị, nhưng tấm lòng nhân hậu bao la và kiến thức đạo đời quá ư
uyên thâm, nhất là lãnh vực khoa học và tâm lý đạo đức vượt ngoài khuôn
phép tôn giáo. Có lẽ do tính đa dạng ẩn tàng trong một con người siêu
tục, khi nhìn lại và hòa lẫn với trần tục, Ngài thường dí dỏm, hài hước
và hồn nhiên như trẻ thơ; nhìn lại quy tắc tôn giáo của mình, ngài
cũng buồn cười khi làm lễ phải mặc pháp phục đúng nghi tắc, thị giả dâng
pháp phục, ngài nói: "Để làm lễ, họ bắt tôi phải mặc pháp phục nầy,
làm như áo nầy sẽ làm cho tôi Thánh thiện hơn hay sao!" cũng như Ngài
bị kẻ bất đồng chính kiến ghép cho là quỷ dữ, Ngài cười, nhìn đoàn
nói:"hôm nay quý anh chị em được tận mắt nhìn thấy quỷ dữ nhé!"
Trong bất cứ thời giảng nào, ở bất cứ nơi đâu, Ngài thường đặt nặng
vấn đề giáo dục, đạo đức cho mọi tầng lớp, vì Ngài biết rằng cho dù tôn
giáo nào cũng hướng thiện, nhưng do tánh chấp thủ của tín đồ, biến tôn
giáo mình thành tuyệt đối, từ đó khó thông cảm cho nhau, chỉ có giáo
dục tốt và đạo đức con người vượt khỏi rào cản tôn giáo thì nhân loại
mới có hòa bình; vì vậy, khi một người ngỏ ý mời Ngài tham quan Trường
Sa, nơi Việt Nam xây dựng ngôi chùa, Ngài khuyên "nên xây dựng trung
tâm Phật học ở Sài Gòn hoặc Hà Nội vẫn hữu ích hơn ở ngoài đảo vắng".
Cũng có người muốn thỉnh Ngài về Việt Nam, Ngài nói: "nếu chính phủ ngỏ
ý, Ngài sẵn sàng". Tuy Ngài chưa từng đến Việt Nam, nhưng Ngài am tường
sâu sắc về mọi tình hình sinh hoạt chính trị và cuộc sống của người
dân Việt, chứng tỏ Ngài rất quan tâm cho Việt Nam như từng quan tâm cho
dân tộc mình.
Được biết, thời gian đoàn Phật tử Việt Nam lưu trú lại Dharamsala,
Ngài sắp xếp chỗ nghỉ không xa quá, Ngài luôn ưu ái quan tấm đến sinh
hoạt ăn ở của đoàn suốt ba ngày.
Với tình cảm đặc biệt như thế, nếu Vesak 2014 diễn ra tại Hà Nội,
được Ngài tham dự, lúc đó, vị thế chính trị Việt Nam trên thế giới có
sắc thái mới; bạn bè năm châu ngưỡng phục Việt Nam vì đã chứng minh
được tính độc lập chủ quyền chính trị hiện nay. Phật giáo Việt Nam cũng
rạng rỡ hơn sau nhiều tháng năm chật vật vươn mình trỗi dậy. Chẳng
những thế, với số lượng nhân sự tháp tùng và khách du lịch khắp nơi đổ
về, ngành du lịch Việt Nam sẽ nở hoa, người dân ăn theo cũng rộ nở như
từng rộ nở khi đoàn Làng Mai có mặt trên đất nước mình.
Hy vọng ánh hào quang của một khôi nguyên "Nobel Hòa bình", một lãnh
đạo tâm linh của dân tộc nhỏ bé nhưng nổi tiếng hiền hòa như tộc Tạng,
một vị thế chính trị ngoài mong muốn của Ngài đã tạo cảm tình hầu hết
trong các quốc gia, các giới chính trị, khoa học, điện ảnh, giáo dục
học đường... mà hiện nay chưa có nhân vật nào trên thế giới sánh vai,
khi đặt chân đến Việt Nam vào mùa Vesak, chắc chắn luồng sinh khí mới
vực dậy một đất nước Việt hiện nay sung sức hơn, hãnh diện hơn và thông
thoáng hơn; để xứng đáng với lòng ưu ái của Ngài dành cho dân tộc Việt
từ lâu.
Minh Mẫn (02/10/2013)