Phật Học Online

Độc đáo những ngôi chùa cách mạng ở An Giang

Trong niềm hân hoan của nhân dân, chư tăng và phật tử ở An Giang không thể nào quên các vị Hoà thượng, thầy trụ trì những ngôi chùa một thời đồng hành cùng sự nghiệp kháng chiến và giải phóng dân tộc; lập nên biết bao kỳ tích đấu tranh, trở thành dấu ấn lịch sử trên vùng đất cách mạng năm xưa. 

Chính điện Phước Hội Tự (xã Hội An, huyện Chợ Mới) nơi cất giấu nhiều tài liệu cách mạng.

Cái Tàu Thượng (giáp ranh An Giang – Đồng Tháp) là một trong những địa danh tiêu biểu của cù lao Ông Chưởng và ngay cả khu vực Lấp Vò – Long Xuyên. Với ngôi chùa Phước Hội, nơi làm việc của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh xã Hội An (huyện Chợ Mới 1945-1946) và tạo dựng nên một Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng. Ngôi chùa bằng tre lá do bà Lê cất lâu đời, đến năm Nhâm Tuất (1922) mới được xây dựng lại và lấy tên Phước Hội Tự. Bấy giờ, xung quanh chùa được đào nhiều hầm chôn vũ khí, đạn dược… và ngôi chính điện cũng là chỗ cất giấu tài liệu, trú ẩn của cán bộ.


Di tích Lịch sử - cách mạng chùa Phước Hội.

Những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, cả vùng Mặc Cần Dưng ai cũng biết ông Đạo Cậy (ngọn Bình Hoà), người sáng lập ra ngôi chùa Tân An. Bởi lẽ, ông có biệt tài cứu dân độ thế và lân la khắp xứ; rồi thông qua đó là liên lạc, mốc nối với cơ sở cách mạng, hoạt động từ đồng bằng cho đến vùng Bảy Núi. Người đời gọi “chùa Ông Đạo Cậy – chùa Tân An” với biệt danh “ổ chứa” Việt cộng hoạt động rất kín đáo, mãnh liệt, kiên cường đến đỗi khiến quân lính và nguỵ quyền Sài Gòn phải bao phen mệt mỏi, truy tìm manh mối. 


Trải qua nhiều năm liền, bọn chúng chẳng làm gì được ngôi chùa này. Trong khi đó, nhiều vị của Huyện uỷ, Huyện đội, du kích huyện Châu Thành và xã Bình Hoà trú ẩn vẫn bảo đảm an toàn; các loại súng đạn, lương thực, tài liệu được cất giấu chu đáo; sinh hoạt cơ sở diễn ra bình thường dưới hình thức hốt thuốc và trị bệnh người dân.
Di tích Lịch sử - Cách mạng Hòa Thạnh Tự (xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên)

Điều ít ai ngờ rằng, không chỉ bản thân các vị trụ trì trực tiếp tham gia hoạt động, mà còn tuyên truyền giáo dục và thu hút phật tử cùng đi theo cách mạng. Do vậy, ngôi chùa trở thành trạm giao liên, cơ sở trú ẩn, cầu nối an toàn giữa tuyến hành lang biên giới Campuchia – Việt Nam và ngược lại. Đồng thời, được đông đảo phật tử ủng hộ, vận động gia đình đóng góp vật chất, nuôi chứa cán bộ hoạt động chu đáo và bảo vệ cơ sở cho đến ngày cách mạng thành công.


Di tích lịch sử - Cách mạng Giồng Thạnh Tự (thị xã Tân Châu)

Ngôi chùa Bồng Lai – Bà Bài bên dòng kênh Vĩnh Tế, vị thế chẳng mấy gì thuận lợi. Vậy mà, góp phần không nhỏ vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc; là một trong những đầu mối giao liên quan trọng của Thị xã uỷ Châu Đốc, các đơn vị địa phương quân An Giang và bộ đội chủ lực Miền lúc bấy giờ.


Di tích lịch sử - Cách mạng Bồng Lai Tự (xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc)

Ngay cả nội thành Long Xuyên, mỗi khi nhắc đến Phước Thạnh Tự (phường Mỹ Thới) thì cũng ít ai nghĩ đến, đây là cơ sở cách mạng hoạt động suốt 2 thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước. Bởi, ngôi chùa do Cai tổng Ngô Văn Nhung dựng lên năm 1825 và sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Vị trí gần như khoảng giữa trung tâm tỉnh lỵ Long Xuyên và khu vực Vàm Cống.


Di tích lịch sử - Cách mạng Phước Thạnh Tự (thành phố Long Xuyên)

Thời kỳ đầu thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Hoà thượng Huệ Chơn trụ trì Phước Thạnh Tự là người có tinh thần yêu nước, vận động phật tử tham gia các tổ chức, phong trào cách mạng và lực lượng Thanh niên Tiền phong. Sau đó, ngài bị Pháp truy nã và bắt giết tại Sa Đéc (Đồng Tháp). Noi gương Hoà thượng Huệ Chơn, các vị trụ trì, phật tử Phước Thạnh Tự tiếp tục giữ vững truyền thống và phát huy tinh thần cách mạng tiến công, bảo vệ cơ sở, giữ gìn ngôi chùa cho đến ngày 30/04/1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng và thống nhất đất nước.


Bài và ảnh: Phan Trọng Ân


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage