Phật Học Online

Bí ẩn chuyện “đầu thai” của thiền sư Việt

Trong truyền thuyết và thực tế cho đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp khó lý giải khi những đứa trẻ kể rành mạch "cuộc sống kiếp trước" của bản thân mình.

Việt Nam cũng đã có trường hợp này. Thậm chí đến nay, nhiều tư liệu lịch sử thể hiện những bậc thiền sư "biết rành mạch kiếp sau" của mình và dặn đệ tử trước khi viên tịch, để họ tìm cách ứng phó.

Từ giai thoại “đầu thai” làm vua để trả ơn cứu mạng

Câu chuyện mang màu sắc tâm linh này gắn liền với vị thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072 - 1116). Đến nay người dân xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội nơi có danh lam chùa Thầy, nơi vị thiền sư này tu hành vẫn còn kể cho nhau nghe về câu chuyện kỳ lạ này. Đương thời, thiền sư Đạo Hạnh nổi tiếng là người có thể khiến cho các giống sơn cầm, dã thú vây quanh. Chúng thật hiền lành thuần phục, thiền sư bấm đốt ngón tay cầu đảo mưa rơi, phun nước trị bệnh, không lúc nào không ứng nghiệm.

Tương truyền, vua Lý Nhân Tông (1066 - 1127) không có con nối ngôi đành nhận một đứa bé 3 tuổi, người ở phủ Thanh Hoa (Ninh Bình) thông minh, lại tự xưng là con vua. Triều thần can ngăn cho rằng, nếu đứa trẻ kia quả thực là linh dị, tất phải thác thai ở nơi cung cấm thì sau mới lập được. Nhà vua nghe theo, bèn mở đại hội 7 ngày đêm để làm phép thác thai.

Từ Đạo Hạnh nghe tin, cho rằng, đứa trẻ kia là yêu ma quái dị bèn tìm cách phá hỏng. Nhân có chị gái là Từ Nương làm thị nữ trong triều, cũng là người túc trực ở thai đàn, ông bí mật đưa cho Từ Nương mấy viên ấn phù và tấm bùa chú bảo đặt ở trên rèm. Hội đã qua 3 ngày đêm, nhưng đứa trẻ kia không thể đầu thai được bèn tâu lên rằng: Khắp biên giới trong nước đều có lưới sắt vây che, cửa khóa mấy tầng, cẩn mật kiên cố, mọi lối đi đều bị chẹn kín, tuy muốn thác thai mà sợ không được vậy. Lời tâu chưa hết thì bỗng nhiên ngã lăn ra chết.

Vua Lý Nhân Tông rơi lệ thương tiếc, sai người kiểm soát trong ngoài đạo tràng, quả nhiên tìm được một dải mấy viên ấn phù ở trên rèm. Tra hỏi thì Từ Nương nói rằng, có em trai Đạo Hạnh bảo đặt lên. Nhà vua lệnh cho gọi Đạo Hạnh đến rồi hội họp các bá quan văn võ cùng bàn bạc định tội chết cho thiền sư Đạo Hạnh. Duy chỉ có hoàng thân Sùng Hiền hầu, vốn biết Đạo Hạnh là người đắc đạo chân nhân, tâu rằng: "Đạo Hạnh lục trí thần thông, thiên hạ đã biết từ lâu. Thiết nghĩ Giác Hoàng nếu có thần lực thì Đạo Hạnh làm sao có thể tiêu trừ được. Nay, vì Giác Hoàng mà luận tội Đạo Hạnh thì có ích gì với quốc gia?". Nhà vua bằng lòng và Đạo Hạnh được tha về.

Bất ngờ với trường hợp "đứa con lạc" ở Hoà Bình

Hiện nay, viện Nghiên cứu Tiềm năng Con người có ghi nhận trường hợp cháu Bùi Văn Bình ở bản Cọi, xã Yên Phú, Lạc Sơn, Hoà Bình là trường hợp kỳ lạ. Cháu là con đẻ của cặp vợ chồng anh Bùi Văn Hoan và chị Bùi Thị Dự, người Mường nhưng lại cho rằng mình có tên là Nguyễn Phú Quyết Tiến con vợ chồng ông Nguyễn Phú Tân, bà Thuận ở thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn. Cháu bé này đã chỉ cho mẹ đẻ của mình về nơi mình từng "sống kiếp trước" và còn kể rành mạch nơi mình bị chết đuối trước đây!?

Sùng Hiền hầu mời thiền sư về nhà chúc mừng. Đạo Hạnh nói: "May được quan nhân cứu giúp mà mỗ tôi được bảo toàn. Một tấm chân tâm ngang tàng, thân này không biết lấy gì để báo đáp, nguyện xin được thác thai cung để cảm tạ ân đức lớn, hầu nghe lời nói hợp ý liền gật đầu đồng ý". Chỉ trong phút chốc, phu nhân của Sùng Hiền hầu ở trong buồng tự nhiên cảm thấy thân mình động đậy như có thai.

Đạo Hạnh lại nói với Sùng Hiền hầu rằng: "Nhân duyên kiếp trước được làm nghĩa cha con, nay nguyện đầu thai làm con nối dõi của hầu", sau đó xin từ biệt trở về. Trước khi về ông có dặn, đến kỳ sinh nở, phải đến báo cho biết trước! Đến tháng, phu nhân Sùng Hiền hầu động sản sai người  cấp báo cho Đạo Hạnh. Đạo Hạnh nghe tin, liền nói với môn đồ là thiền sư Minh Không: "Nhân duyên kiếp trước chưa hết, còn phải thác sinh làm vua". Dặn Minh Không rằng, 20 năm sau có tin vua bị bệnh thì đích thân mang thuốc này vào chữa trị (chuyện rằng, trước lúc thiền sư Đạo Hạnh đi đầu thai, ông đang mang bệnh và uống thuốc). Sau đó, thiền sư Đạo Hạnh bèn leo lên động, đập đầu vào tường đá, rồi giậm chân lên bàn đá nghiễm nhiên mà hóa (tức nay là động Thánh Hóa trên núi Sài Sơn, hiện dấu vết vẫn còn).

Đạo Hạnh nhập vào cõi niết bàn và hóa, ra đời làm con của Sùng Hiền hầu, không dưỡng dục mà ngày càng lớn; không giáo huấn mà thông minh, dung nhan tuấn tú đẹp đẽ, tài hùng biện không ai sánh bằng. Vua Lý Nhân Tông chưa có con nối ngôi, khi tuổi đã cao, bèn ban chiếu thư xuống cho con trai của các em ruột nhà vua là Sùng Hiền hầu, Thành Khánh hầu, Thành Chiêu hầu, Thành Quảng hầu và Thành Hưng hầu vào cung để chọn người tài giỏi lập làm Hoàng Thái tử. Con của Sùng Hiền hầu mới lên ba tuổi, thông tuệ minh mẫn, nghe một biết mười, ứng đối tiến thoái không gì không hợp lòng thánh thượng. Vua Nhân Tông vô cùng yêu quý, đặt tên là Dương Hoán và lập làm Hoàng Thái tử, sau khi vua Nhân Tông băng hà, Dương Hoán được lên ngôi (13 tuổi), đổi niên hiệu là Thiên Thuận tức vua Lý Thần Tông.

Chùa Thầy, nơi có động Thánh Hoá, được cho là

nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh đập đầu vào đá chết để đi đầu thai sang kiếp sau.

Đến năm vua Lý Thần Tông 20 tuổi, lâm bệnh, không có ai có thể trị được. Quần thần liền đi thông báo khắp thiên hạ cầu người tài đến giúp. Thiền sư Minh Không liền vào cung, vì nhớ lời thầy dặn trước đây, đưa thuốc ra chữa trị. Quả đúng, ứng nghiệm, vua Lý Thần Tông uống vào đột nhiên người khoẻ mạnh hẳn.

Đến những dòng chữ kỳ lạ trên lưng vua Minh Thần Tông

Chưa có lời giải thoả đáng

Theo ông Vũ Thế Khanh, Giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ, tin học ứng dụng (UIA), thì đầu thai là hiện tượng được ghi nhận ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, các câu chuyện lịch sử thường mang tính chất truyền kỳ nên, khó xác định đó có phải là hiện tượng đầu thai hay không, hay chỉ một cách ghi nhớ lịch sử trong dân gian. Tuy nhiên, nói về hiện tương đầu thai, ông Vũ Thế Khanh cho rằng, cũng như nhiều hiện tượng khoa học chưa thể lý giải trong cuộc sống. Trường hợp của cháu Bùi Văn Bình không phải là hiếm gặp. Nếu dựa vào lý luận của Phật giáo về kiếp luân hồi thì đây là chuyện không có gì lạ, tuy nhiên mọi thứ rất khó để xác định rõ ràng.

Cũng như câu chuyện về việc thiền sư Từ Đạo Hạnh chủ động đi đầu thai làm vua, để trả ơn cứu mạng thì chuyện về kiếp trước của Minh Thần Tông, hoàng đế thứ 13 của triều Minh (Trung Quốc) cũng liên quan đến một vị thiền sư và họ "biết trước được kiếp sau" của mình sẽ được đầu thai làm vua.

Câu chuyện này được người dân ở xã Quang Minh, huyện Gia Lộc, Hải Dương vẫn còn lưu truyền, gắn liền với vị thiền sư Huyền Chân, tu tại chùa Quang Minh, làng Bóng. Tương truyền, khi đã về già, một hôm, thiền sư Huyền Chân nằm mơ thấy Phật A Di Đà đến nói: "Ngươi dày công với Phật đã lâu, lòng từ bi của ngươi đã được Phật Tổ thấu hiểu, vì thế, đến kiếp sau, ngươi sẽ được làm Đại đế ở phương Bắc". Tỉnh dậy, Thiền sư Huyền Chân liền kể lại giấc mơ với đệ tử của mình và dặn: "Sau này, lúc ta viên tịch, các con hãy lấy son viết lên vai ta mấy chữ sau: An Nam quốc, Quang Minh tự, Sa Việt Tì khưu, sau đó mới đem nhục thân của ta đi hỏa thiêu. Các đệ tử ghi nhớ, làm theo đúng ý của thiền sư Huyền Chân.

Càng kỳ lạ hơn, trong nhiều câu chuyện truyền kỳ đến nay vẫn được người dân nơi đây lưu truyền cho biết “kiếp sau” của vị thiền sư này chính là vua Minh Thần Tông. Theo truyền thuyết, thì đời vua Lê Kính Tông (1599-1619), triều đình cử một đoàn sứ bộ sang nước Minh do Nguyễn Tự Cường, tiến sỹ khoa thi Giáp Thìn (1604) làm Chánh sứ. Đến Bắc Kinh, sứ thần Nguyễn Tự Cường bất ngờ vì vua Minh Thần Tông bỗng hỏi sứ thần Nguyễn Tự Cường rằng: "Người ở nước Nam, vậy có biết chùa Quang Minh của nước Nam ở đâu không?". Sau đó, Nguyễn Tự Cường được nghe kể lại: "Lúc mới sinh ra, trên vai ta đã có hàng chữ son, nói rõ kiếp trước của ta chính là vị thiền sư ở chùa Quang Minh. Nay, ta muốn xóa dòng chữ ấy đi mà chưa biết phải làm như thế nào". Nguyễn Tự Cường thưa: "Thần nghe nói nhà Phật có nước công đức để tẩy trần. Nếu Bệ hạ là "kiếp sau" của thiền sư trụ trì chùa Quang Minh thì phải lấy nước giếng của chính chùa Quang Minh mới có thể rửa được".

Về nước, Nguyễn Tự Cường đem việc này tâu với triều đình. Triều đình bèn cử người đi tìm ngôi chùa mà Minh Thần Tông đã nói tới. Ngôi chùa đó chính là chùa Bóng tên chữ là Quang Minh Tự  nay thuộc xã Quang Minh, huyện Gia Lộc. Sau khi tìm được ngôi chùa, vua Lê Kính Tông sai người múc nước giếng của ngôi chùa này, sau đó cử Nguyễn Tự Cường đích thân dẫn đoàn người sang trao cho vua Minh Thần Tông. Điều kỳ lạ, sau khi vua Minh Thần Tông tắm nước đó, thì chữ ở trên người mất hết. Vua Minh rất vui mừng và ban thưởng cho Nguyễn Tự Cường 300 lượng vàng.

Theo Trinh Phúc - Người đưa tin


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage