Điều kiện môi trường
Do di truyền và điều kiện lớn lên khác nhau nên mỗi
cá thể sở hữu một bản năng khác nhau. Nói đúng hơn là có những bản năng
đã được thuần phục cho thuận với nguyên tắc điều hợp của vũ trụ và sự
tiến hóa của xã hội, nhưng cũng có những bản năng còn rất hoang sơ chỉ
biết đi tìm những gì đem tới cảm xúc thỏa mãn cho chính bản thân mà
không suy xét đến những cái giá rất đắt phải trả. Cho nên Chân - Thiện
- Mỹ là mục tiêu phấn đấu cao cả của con người, ai không tiếp xúc được
ba chất liệu đó thì vẫn chưa thể hiện được chức năng thiêng liêng mà
trời đất đã hiến tặng và vẫn chưa đạt được giá trị hạnh phúc và bình an
thật sự trong đời sống. Kẻ ấy vẫn chưa có phương hướng sống.
Khi một đứa bé không còn ưa thích món đồ chơi mới
mua ngày hôm qua mà chính nó đã nài nỉ đòi cho bằng được, thì ta biết
đứa bé này có khuynh hướng mau chóng nhàm chán. Nhàm chán là thuộc tính
của tất cả những ai đang sở hữu bản năng cảm xúc quá mạnh. Bản năng này
sẽ thúc đẩy ta tìm kiếm những đối tượng có thể đem tới sự dễ chịu thoải
mái cho các giác quan như "bắt mắt", "êm tai", "hợp khẩu vị"… mà lý trí
không đủ sức can thiệp rằng ta chưa đủ khả năng để nắm bắt đối tượng
đó, hoặc nếu ta nắm bắt được thì nó sẽ ảnh hưởng đến đời sống của ta và
những người sống chung quanh ta ra sao. Chỉ khi nào cơn cảm xúc tàn rụi
thì ta mới biết sự chọn lựa ấy là sai lầm đáng tiếc.
Đây là một tâm lý rất xấu đã hình thành ngay từ thuở
nhỏ mà chúng ta ít được người lớn chỉ vẽ và lưu ý tới. Nếu ta sinh ra
trong một gia đình nghèo khó, hoặc lớn lên trong bối cảnh xã hội có
nền kinh tế lạc hậu, thì sự chọn lựa những thứ mà ta yêu thích sẽ bị
giới hạn. Bản năng ấy có thể bị cô lập hóa đến mức xói mòn nếu điều
kiện không thể chọn lựa duy trì trong khoảng thời gian khá dài, đủ để
bản năng hình thành một thói quen hay bản tính mới. Cái này cũng tùy,
nhưng phần lớn những đứa bé không có điều kiện hưởng thụ từ nhỏ thì bản
tính nhàm chán không có cơ hội phát triển. Ta hãy quan sát một đứa bé
sở hữu hàng chục món đồ chơi đắt tiền, nhưng nó vẫn cứ đòi mua những
món đồ chơi khác mà nó đã thấy của bạn bè hay quảng cáo trên ti-vi. Gặp
cha mẹ quá bận rộn, thay vì giải thích cho con hiểu đó là thói quen
không tốt hay tìm cho con những sinh hoạt khác lành mạnh hơn, thì cha
mẹ lại nuông chìu để cho con vui và cho mình khỏe.
Lớn lên, nếu ta trở thành một thiếu nữ xinh đẹp hay
một chàng thanh niên đa tài thì ta nghiễm nhiên được nhiều người ngưỡng
mộ và yêu thích, ta lại có điều kiện được chọn lựa và mau chóng nhàm
chán. Hễ dễ dàng chọn lựa là mau chóng đưa tới sự nhàm chán, đó là cấu
trúc rất tự nhiên của tâm lý. Rồi khi ta kiếm được nhiều tiền, ta có
quyền mua sắm mọi thứ trang phục, xe cộ, nhà cửa… theo ý mình, song
chắng mấy chốc ta lại muốn thay đổi kiểu dáng khác. Ta chỉ đơn giản
phát biểu rằng ta không thích kiểu đó nữa, kiểu đó xưa rồi, kiểu đó
không hợp với "gu" mới của những giới sành điệu, nhưng ta không hề biết
rằng mình đang bị cảm xúc điều khiển, đang nuôi dưỡng thói quen nhàm
chán mà nó là tiền đề cho những cuộc tình sớm vội tàn phai hay đổ vỡ
trong tương lai.
Từ nhàm chán đến phản bội
Khi ta nói nhàm chán nhau tức là ta cho rằng đối
tượng kia đã có sự xuống cấp, không còn khả năng hấp dẫn hay tạo nên sự
mến mộ trong ta nữa. Sự xuống cấp ấy có thể là hình thức bên ngoài hoặc
là phẩm chất đạo đức bên trong. Nếu vì sự xuống cấp hình thức bên ngoài
mà khiến ta trở nên nhàm chán tức là trước kia ta đến với nhau bằng cảm
xúc thỏa mãn hơn là tình yêu đích thực. Khi ấy mỗi bên cố gắng đem tới
sự mới lạ về hình thức để đáp ứng nhu cầu yêu thích của đối phương, dù
có khi phải vắt kiệt năng lượng mới có thể tạo dựng được một hình ảnh
ấn tượng, mục đích không gì hơn là khiến cho bên kia hệ lụy vào mình
hơn, biến họ thành đối tượng sở hữu vững chắc của mình hơn.
Nhưng làm sao người kia đủ sức để tạo dựng những
hình ảnh gợi cảm mới lạ mãi được. Tại vì họ còn bao nhiêu chuyện cần
phải làm chứ đâu phải lúc nào cũng dành hết năng lực cho ta, vả lại,
nhu cầu hưởng thụ của ta cứ tăng tốc mà năng lực trong người kia cứ suy
giảm theo thời gian. Và khi người kia không còn đủ sức để cung cấp thức
ăn cảm xúc cho ta nữa, ta sẽ lâm vào tình trạng đói khát và sự phản bội
sẽ dễ dàng xảy ra. Ta trách người kia cũng đúng vì chính họ đã nuông
chìu ta, đã tập cho ta thói quen yêu bằng cảm xúc thay vì đánh thức ta
thăng hoa những giá trị tâm hồn. Nhưng lỗi ở nơi ta nhiều hơn, ta biết
"mới chuộng cũ vong" là bản tính nằm trong máu thịt của mình, đáng lẽ
ta phải tìm cách chế phục nó trước khi quyết định sống chung với người
khác, thì ta lại biến đối tượng thương yêu trở thành kẻ phục tùng cho
bản năng hưởng thụ quá lớn của mình.
Nếu vì sự xuống cấp về phẩm chất bên trong của người
kia mà khiến ta trở nên nhàm chán thì chứng tỏ tình yêu của ta dành cho
họ chưa đủ lớn. Lẽ dĩ nhiên là khi người kia không còn giữ được những
cái hay cái đẹp trong tâm hồn mà ta đã từng ngưỡng mộ, trái lại họ còn
tập tành theo những thói quen mới rất kỳ cục khiến ta vô cùng khó chịu
và mệt mỏi, thì sự đổ vỡ hình ảnh đẹp là điều có thể xảy ra. Nhưng ta
sẽ không dễ dàng nhàm chán và đi tới sự ruồng rẫy nếu lý trí trong ta
đủ mạnh, kịp thời soi sáng cho ta giải quyết vấn đề theo chiều hướng
khác. Bởi khi sự hiểu biết được thắp sáng, ta sẽ nhận ra sự xuống cấp
của người kia chỉ là một hiện tượng nhất thời chứ không phải là toàn bộ
con người của họ, hoặc có thể họ đang bị kẹt vào một nhận thức sai lầm
nào đó nên khiến họ không muốn giữ gìn phong độ của mình nữa, hoặc do
chính ta là thủ phạm đã khiến họ không còn niềm tin vào bản thân để có
cảm hứng duy trì và phát huy những điểm sáng.
Ta đừng quên nguyên tắc của thương yêu là phải có sự
hiến tặng và chia sớt. Ta phải có những năng lượng tích cực để hiến
tặng cho người ta thương để họ được hay thêm và đẹp thêm khi gắn bó
cuộc đời với ta. Mỗi khi người kia rơi vào tình cảnh khó khăn bế tắc,
bị gục ngã giữa muôn trùng cám dỗ của cuộc đời thì ta phải có khả năng
đánh thức và đưa cánh tay tình thương đến để nâng đỡ hay chở che. Chứ
mình nói mình thương người ta mà khi người ta bị xuống cấp, cần sự giúp
đỡ của mình, thì mình lại than van là nhàm chán và muốn bỏ chạy. Cái đó
chỉ là một sự đổi chác sòng phẳng chứ đâu phải là tình thương. Ta phải
có trách nhiệm với bất cứ những gì ta đã gây ra. Ta đã đi vào cuộc đời
của người ấy và đã góp phần đẩy tâm thức họ tới mức yếu kém như vậy thì
ta không thể đổ thừa hay than trách gì cả. Thái độ đúng đắn nhất là mở
lòng ra chấp nhận và giúp đỡ.
Nhưng có khi bên kia chẳng hề có một thay đổi nào,
họ vẫn hay vẫn đẹp như họ trước đây, nhưng ta lại không hạnh phúc khi
nhìn thấy họ nữa, ta nói ta nhàm chán mà không lý giải được tại sao. Có
thể tâm thức ta đang bị khủng hoảng bởi những biến động của hoàn cảnh,
hay do ta bị vướng kẹt vào thành kiến từ một việc làm sai trái gần đây
của người kia mà ta không còn nhìn thấy họ như chính họ đang là, ta
nhìn họ bằng một tâm thức khác mà ta cứ ngỡ là họ đang thay đổi. Cũng
có thể do nhu yếu hưởng thụ trong ta đang tăng tốc, ta tiếp xúc thế
giới bên ngoài và ngưỡng mộ những nhân vật mà ta cho là chuẩn mực rồi
ta muốn người thương của mình phải được như vậy, nếu người thương của
ta không làm được thì ta cho rằng ta đang tiến bộ còn họ thì đang bị
tụt lùi. Cũng có thể ta vẫn còn thấy cái hay cái đẹp của người ấy,
nhưng họ lại không phục tùng ta, trái lại họ có vẻ khinh thường ta nên
cuối cùng ta cũng trở nên nhàm chán họ.
Mới chuộng cũ vong
Thái độ nhàm chán thường xuất phát từ sự ích kỷ của
ta, ta chỉ muốn người kia phải như thế này hoặc như thế nọ để phục vụ
cho cảm xúc thỏa mãn của ta thôi, chứ ta không nghĩ gì đến cuộc đời của
họ. Chính vì vậy mà người có bản tính mau chóng nhàm chán thì rất sợ
gánh phần trách nhiệm, họ luôn bận tâm để tìm tòi khám phá cái mới chứ
không sẵn sàng chi tiêu năng lượng để đền bù cho những thứ mà họ muốn
từ bỏ. Nhưng đạo đức không cho phép họ làm như vậy. Làm người mà chỉ
biết rút tỉa năng lượng của kẻ khác thì còn kém xa loài ong lấy mật hoa
mà không hề làm cho hoa tổn thương. Họ không xứng đáng tiếp tục nhận
lãnh năng lượng tình thương và che chở của đất trời. Họ chắc chắn sẽ
không có những tháng ngày bình yên và sẽ bị đào thải dù sớm hay muộn.
Ý thức được mình đang sở hữu một bản năng bình
thường hóa cảm xúc rất lớn, ta hãy quyết tâm quay về chăm sóc lại tâm
hồn mình, dừng bớt cuộc rong ruổi đi tìm những đối tượng hấp dẫn ở bên
ngoài. Ta hãy thường xuyên tập ngồi xuống thật yên cho tâm tư lắng đọng
mà không tiếp tục dùng nó để thăng hoa những cảm xúc không cần thiết.
Từ khi thức dậy cho đến khi lên giường ngủ, lúc nào nhận biết tâm mình
đang lang thang đi tìm những cảm giác mới lạ thì ta hãy nhìn vào tình
trạng tâm thức lúc ấy bằng một thái độ không thành kiến và nở một nụ
cười thật tươi để xác nhận là ta và cảm xúc vừa có cuộc chạm trán. Khả
năng phát hiện này sẽ giúp cho ta nhạy bén hơn khi nhìn ra tâm của mình
trong những lần sau và góp phần làm cho cảm xúc bị suy yếu.
Nếu khi "mới chuộng" mà ta không đủ sức để ngăn chặn
thì ta hãy quan sát lại tâm mình khi "cũ vong". "Mới chuộng" và "cũ
vong" là hai tâm thức khác nhau. Một cái quá hưng phấn muốn có cho bằng
được, còn một cái quá nhàm chán muốn bỏ cho bằng được. Ta thấy có nhiều
người để cho cảm xúc này tràn lấp ra lời nói và hành động, khiến ta có
cảm tưởng như họ đang bơi đuối sức trong một dòng nước đang chảy xiết.
Cảm xúc cũng giống như dòng nước, mức độ mãnh liệt của nó có thể khiến
người ta vượt núi băng đèo để tìm đến nhau, nhưng cũng sẵn sàng dùng
tới những thủ đoạn kinh rợn nhất để tiêu diệt nhau. Cho nên thiết lập
được thói quen quan sát và buông bỏ bớt thái độ nhàm chán sẽ giúp ta
không dễ trở thành kẻ bội bạc, dù có khi ta không vượt thắng nó nhưng
ít ra ta cũng có cơ hội hiểu rõ hơn guồng máy hoạt động của cơ chế cảm
xúc trong ta.
Ta có thể tháo gỡ cơ chế ấy ra từng mảnh vụn từ
những cảm xúc yêu thích và chống đối nhỏ nhặt vẫn thường xảy ra trong
đời sống. Mỗi khi ta muốn thay đổi cách ăn mặc, giọng nói, thể hình, xe
cộ, chỗ ở, sở thích đến cả quan hệ bạn bè, thì ta nên tự hỏi có phải
mình đang muốn tạo dựng thêm cảm giác mới lạ cho chính mình và những
đối tượng kia không, có phải vì ta không đủ niềm tin phẩm chất bên
trong có giá trị đích thực nên ta chú trọng tới hình thức bên ngoài
không? Điều đó chẳng tội vạ gì nhưng đó là lý do mà ta trở thành nạn
nhân của kẻ không giữ được lập trường, hay dễ dàng bỏ cuộc khi gặp khó
khăn. Lẽ dĩ nhiên đời sống là phải luôn khám phá sáng tạo, nhưng nó
phải được thực hiện trên một tâm thức vững vàng, một lý trí kiên định
và một tinh thần trách nhiệm thì ta mới đủ bản lĩnh đi về phía mặt trời
sáng tỏ mà không bị tan chảy như những giọt sương.
Cảm xúc cũng vô thường
Nắng bừng vỡ giọt sương
Mời lên tâm tỉnh thức
Càng nhìn lại càng thương.
Minh Niệm (Theo GNO)