"Phù sinh nhược mộng,
Nhân thế vô thường" (1)
Hồ Sinh thuộc dòng dõi thế gia vọng tộc, thông minh đĩnh ngộ, là con trai thứ của một gia đình mộ đạo giàu có trong làng. Lúc nhỏ Sinh đã có tiếng, văn hay chữ tốt nên thầy học vẫn thường khen chàng cho rằng sau này có thể đỗ đạt cao làm rạng rỡ tông môn. Mẹ mất sớm lúc Sinh còn bé, cha lại phải đi lập nghiệp ở phương xa nên Sinh được bà nội và chị cưng chiều hết mực. Mới vài tuổi đầu, chàng đã tỏ ra là một đứa bé lạ đời. Nhiều hôm chàng có thể ngồi hàng giờ tại bến đò để nghe một người nghệ sĩ mù đánh đàn độc huyền cầm, quên cả bữa cơm chiều. Chị chàng phải chạy đi kiếm em đôn đáo. Lại còn cái tật thích uống trà thơm hay ăn cơm chay ở các chùa chiền trong làng làm cho bà nội càng thêm nuông chiều, cho là mình được đứa cháu nội có căn tu. Bà nội Sinh thường hay dẫn chàng đến lạy Phật và làm công quả nơi chùa cổ trong làng. Có lần vị Sư già trụ trì nhìn chàng khá lâu rồi xoa đầu Sinh bảo:
- A Di Ðà Phật. Thằng bé này có tướng tốt lắm, chắc sẽ hưởng được nhiều phúc phần sau này, nhưng nếu biết phép cách dạy dỗ thì có thể trở thành một bậc chân tu thôngbiện, quả vị ở thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng không xa vời lắm đâu.
Rồi vị Sư trưởng vui vẻ bảo nội chàng:
- A Di Ðà Phật. Hay là nữ thí chủ cho nó thí phát quy y Tam Bảo đi? Lão tăng này cũng vui lòng nhận chú bé làm đệ tử để nối truyền y bát kẻo nó lại đắm nhiễm vào vòng tài sắc danh lợi của cõi dục giới này thì thật là uổng phí cả một kiếp người.
Bà nội chàng cung kính đáp:
- Bạch Thầy, nó còn nhỏ lắm, chỉ ham rong chơi với bọn trẻ sợ e không kham nổi cuộc sống đạm bạc ở chốn thiền môn đâu. Nó lại còn có vài tật lạ đời, Thầy không biết thôi. Mới từng tuổi ấy mà đã ghiền uống trà như một người lớn vậy. Mỗi sáng ông nhà tôi thường hay uống trà sớm. Nó cũng hay ngồi nhìn ông nội tráng chén, rót trà vào chung và chờ khi ông nội nó uống tuần nước nhất xong là nó lật đật xin nội một chung tuần hai. Nhìn nó trịnh trọng cầm chung trà, ngửi lấy mùi thơm rồi uống từng hớp nhỏ khề khà như một người sành điệu, ông nó cũng phải khen cái phong cách uống trà của thằng cháu nội. Mà không phải thứ trà nào cũng được, phải là trà thơm ướp nhụy sen thì nó mới chịu. Có lần nội nó hỏi thì nó cười nói là dường như nó đã từng uống trà ướp nhụy sen từ lâu rồi, nhưng từ lúc nào thì nó cũng không rõ. Cả gia đình đều cười cho là chuyện lạ, nhưng vì nó là đứa cháu nội út nên ông nó cưng lắm. Tôi phải bỏ nhiều tiền để mua trà ướp nhụy sen cho hai ông cháu nó uống. Sư phụ, Ngài có thấy lạ không?
Vị Sư già trụ trì chíu cặp chưn mày dường như suy tư:
- A Di Ðà Phật. Tiếc thật, tiếc thật! Tỳ kheo già này lại không có duyên phần với chú bé rồi.
Bà nội Sinh là một Phật tử thuần thành, tu tại gia, ăn chay trường, nên chị của Hồ Sinh phải nấu cơm chay cho bà dùng riêng. Lần nào chú bé cũng kèo nhèo đòi ăn chung với nội. Chị có rầy thì Sinh bảo là thích ăn cơm chay lắm. Chàng thường hay lén chị đến sân chùa chơi và nhiều khi đến bữa cơm trưa không thấy Sinh về, người nhà có đến tìm thì thấy Sinh điềm nhiên ngồi thọ trai với mấy chú tiểu sa di của chùa dưới tàn cây đại thọ. Chị có rầy nhiều lần vì sợ em ăn thiếu thốn mà ốm yếu đi nhưng Sinh vẫn chứng nào tật nấy, lâu lâu lại lén chị đi ăn cơm chùa. Riết rồi nhà phải đem gạo cùng hoa quả, tương chao đến cúng dường nhà chùa gọi là bù đắp lại cái tật ham ăn cơm chùa của chàng. Càng lớn lên Sinh càng có tính hào hoa, thích mọi vẻ đẹp của tạo hóa. Chàng có thể đứng hàng giờ để ngắm nhìn một cành mai đẹp đang nở hoa ngoài sân chùa hay trầm lặng chiêm ngưỡng một bức tranh thủy mạc vẽ một cây thông già cằn cỗi chơ vơ gie ra bên bờ vực thẳm, trên một đỉnh núi cao, mây trắng bao phủ quanh năm. Dưới gốc thong dong một con hạc trắng... Chàng vẫn thường hay gật gù bảo các bạn:
- Hóa công tạo ra không biết bao nhiêu vẻ đẹp thiên nhiên trong trời đất này. Cứ nhìn các loài hoa thì rõ. Từ những loài hoa bình dị như hoa móng tay, hoa đuôi chuột đến những loài hoa đài các như hoa mai, hoa huệ, trong trắng thanh khiết như hoa sen nơi chốn thiền môn hay vương giả như mẫu đơn, thược dược hoặc cao quí hiếm hoi như hoa lan nơi rừng thẳm, mỗi loài đều có cái đẹp riêng của nó, cái hương sắc đặc biệt của mỗi giống. Thử ngắm nhìn các chậu hoa thược dược nõn nà, các đóa hoa hồng màu sắc rực rỡ hay vài chậu mẫu đơn Diêu Hoàng vì có hoa màu vàng hoặc Ngụy Tử hoa đỏ tía mà người Tàu vẫn tôn là Chúa Hoa và sách Tàu cho là Chi Hoa Vương Giả, há lại chẳng làm cho tâm hồn của khách hào hoa trở nên sảng khoái lâng lâng sao? Còn nói gì đến hoa lan thì thật là cả một tuyệt tác của tạo hóa, trăm muôn ngàn vẻ, hương sắc vẹn toàn, đài các thanh cao như một tiên nữ xõa mớ tóc dài tắm suối trần gian vậy. Thật là:
"Sắc trong Thanh Ngọc hương thơm mộng,
Một giấc mơ tiên thoáng xuống trần"
(Nhất Linh: Mơ Lan Thanh Ngọc)
Cũng vì cái tính mê hoa này mà các bạn hữu đều cho Sinh là kẻ đa tình dễ bị đắm say nữ sắc sau này. Sinh chỉ cười không cãi. Tuy nhiên các bạn bè thấy Sinh vẫn hồn nhiên trước gái đẹp và vẫn giữ đúng lễ giáo của con nhà thế gia chi tộc, nên cũng không dám lạm bàn đến nữa. Suốt ngày Sinh chỉ thích đọc sách, ngâm thơ hay miệt mài trong kinh điển của nhà Phật, ít chịu đèn sách gắng công với lối học thi cử để mong đoạt lấy bảng vàng làm rạng rỡ tông môn. Chị chàng có cằn nhằn khuyên nhủ, mong em đỗ đạt thành tài, nhưng Sinh vẫn tính gàn chỉ thích thênh thang nơi vườn trúc, màn gió bạn trăng, ngắm hoa thưởng nguyệt toàn là những thú vui thanh nhã của khách tao nhân. Nhưng vì thấy thầy học vẫn khen Sinh là học trò giỏi nên chị chàng cũng chiều em đành để cho Sinh mặc tình phóng túng. Có lẽ nhờ được cái bẩm khiếu thông minh của trời đất ban cho nên tuy không chuyên cần mà đến năm 20 tuổi Sinh vẫn đỗ được Tú Tài và ba năm sau lại đỗ Cử Nhân. Gia đình càng thêm mừng rỡ mong chàng được nối nghiệp cha, khuếch trương cái sản nghiệp mà cha chàng đã khổ công gây dựng. Nhưng Sinh không có khiếu về thương mãi, chỉ thích việc văn chương thi phú, tiếu ngạo giang hồ chẳng màng đến việc lợi danh. Bà nội và chị định hỏi vợ cho chàng ở một gia đình lễ giáo, dòng dõi thi hương nhưng Sinh cứ khất lần bảo là chưa gặp được thiếu nữ nào vừa ý. Riết rồi chị chàng cũng không biết phải làm sao?
Một hôm Sinh đang ngồi đọc quyển Kinh Duy Ma trước cổng nhà, vừa nhâm nhi một tách trà sen. Chàng suy nghĩ băn khoăn vì không nắm được cái lý huyền diệu ẩn dụ trong kinh và chưa thấu triệt được cái cốt lõi về thuyết Bất Nhị của nhà Phật. Chợt có vị đầu đà tăng hành cước đi khất thực ngang qua nhà. Vị sư già, lông mày bạc phết, tăng bào rách rưới, đôi dép cỏ te tua nhưng trông rắn rỏi không mất vẻ tiên phong đạo cốt của một nhà tu hành. Sinh tò mò cung kính hỏi:
- Ðại Hòa Thượng trụ trì ở chùa nào mà tôi chưa có duyên được gặp? Có thể chỉ cho đệ tử ngu muội này đường tu để đến Tịnh Ðộ không?
Nhà sư mỉm cười hiền lành bảo:
- A Di Ðà Phật. Không cứ phải vào chùa mới gọi là tu, mà tu ở đâu lại chẳng được. Gặp hoàn cảnh nào tu cũng được, chỉ cần chuyển tâm chớ không chuyển cảnh.
Rồi nhìn cuốn kinh chàng đang cầm trên tay nhà sư tiếp:
- A Di Ðà Phật. Thí chủ, người đọc kinh Duy Ma mà không hiểu là nước Phật ở ngay trong tâm mình sao?
Sinh bàng hoàng nhìn nhà sư với đầy vẻ kính phục:
- Ðại Sư Phụ, con thật ngu dốt lại không được bậc chân tu chỉ dạy, nay có duyên gặp Ngài, xin hãy từ bi hỉ xả chỉ cho chỗ u mê, vạch con đường sáng để chỉ điểm mở đường cho con được nhờ.
Vị đầu đà nhìn chàng chậm rãi đáp:
- A Di Ðà Phật. Thí chủ phải hiểu: "Nước Phật ở ngay trong thế gian này, không phải tìm đâu xa vời. Tâm có thanh tịnh thì cõi nước mới thanh tịnh, thấy cái gì cũng thanh tịnh cả. Tâm không thanh tịnh thì thấy cái gì cũng không thanh tịnh. Trí huệ sáng suốt thì cõi Ta Bà sẽ biến thành Tịnh Ðộ, ngược lại nếu vô minh che lấp cái chân tánh đi thì Tịnh Ðộ cũng thành Ta Bà mất. Thí chủ, cốt tủy của kinh Duy Ma là Tâm tịnh thì quốc độ tịnh, cõi Phật tịnh. Lấy Bất Nhị hay Pháp Môn Không Hai chẳng qua là bỏ Tướng nhập Tánh, bỏ phân biệt đối đãi, ly ngôn ngữ để thâm nhập huyền nghĩa của kinh" (2)
Sinh trố mắt nhìn nhà sư đầy vẻ kinh ngạc lẫn niềm kính phục.
Nhà sư bỗng bật cười bảo chàng:
- Rong chơi ở thế giới Ta Bà đã mấy kiếp rồi, thí chủ đã thỏa thích chưa hay lại còn muốn hưởng thú dục lạc của trần gian thêm vài kiếp nữa? A Di Ðà Phật, sao thí chủ vẫn còn chìm đắm trong vô minh mờ mịt chưa chịu quay đầu lại để trở về bờ giác? Thế gian này chỉ là mộng ảo, sao lại tham luyến dục lạc để cho càng ngày càng lặn hụp trong sáu nẻo luân hồi?
Sinh lại càng thêm kinh ngạc hốt hoảng, chưa kịp nói gì thì nhà sư nhìn chàng mỉm cười một cách hiền từ thương mến, chợt hỏi:
- Cái thú uống trà nhụy sen ở chốn không môn ngày xưa đã quên rồi sao? Thân nơi cửa Phật, chay lạt là môn sở trường, sớm tối nghe kinh, chuông mõ đã quen, khói nhang từng thở, chỉ vì vọng tưởng mê muội mà trôi nổi ở cõi trần đến nay đã nhiều kiếp làm cho đầu đà này phải lang thang mang thân vào chốn bụi trần để tìm thí chủ đấy.
Rồi nhìn Hồ Sinh nhà sư điềm đạm tiếp:
- A Di Ðà Phật, bần tăng với thí chủ vốn có duyên thầy trò với nhau. Kiếp xưa thí chủ là đệ tử của đầu đà này, chỉ vì một phút vọng tưởng đam mê mà phải luân hồi trôi nổi hơn hai trăm năm rồi, đắm mình vào chốn khổ lụy trần ai. Cũng may là hạt giống từ bi của nhà Phật vẫn còn trong tiềm thức, nên biết tránh hố sâu tội lỗi, thích vướng víu nơi chốn công môn. Nhà cũ đã quen, không còn nhớ lại nữa à? Pháp danh ngày xưa Thầy ban là: Hư Thân, mượn ý nhắc nhở con vậy. Chợt nhà sư vỗ đầu chàng một cái.
Hồ Sinh bàng hoàng như người chợt tỉnh giấc mơ dài, đầu óc chàng bỗng trở nên sáng suốt. Chàng nhìn sững nhà sư già chăm chú rồi cười ha hả, quỳ xuống lạy nhà sư:
- Ðại Sư Phụ, Sư Phụ vẫn còn nhớ đến đứa đệ tử hư đốn này à? Con thật mê muội nhưng nay đã giác ngộ rồi. Con không còn quyến luyến cái trần cảnh ảo mộng này nữa đâu. Duyên nợ trần ai đến đây xem như chấm dứt. Con xin theo hầu Sư Phụ để trở về chốn cũ hư vô. Rồi đỡ lấy tay nải của nhà sư già, cả hai thầy trò chậm rãi cất bước ra đi. Ðược một quãng, Sinh chợt ngoảnh đầu lại nhìn cổng nhà chàng một lần chót.
Vị lão tăng chợt bảo:
- A Di Ðà Phật, trần gian vốn là cõi khổ, người tu hành phải biết cắt đứt các ràng buộc luyến ái thường tình. Duyên nợ đã dứt sao còn chần chừ chưa thức tỉnh để tâm dao động mà vướng mắc vào vòng tục lụy nữa sao? Rồi kéo chàng đi nhanh chóng cho đến khi khuất dạng.
*
* *
Cả gia đình Sinh đều không hay biết, đến khi tìm Sinh không thấy đâu mới đổ xô ra tìm kiếm nhưng vẫn biệt vô tăm tích. Bà nội chàng và chị khóc lóc không nguôi. Sau có người cùng làng thấy Sinh và một vị sư già đang đi ở ven rừng. Sinh nhắn lại với người này về cho gia đình hay là chàng đã theo thầy để trở về Vô Môn Tự nơi chốn cũ của chàng. Chàng vốn không phải là người thế tục, chỉ ở tạm chốn trần gian vài kiếp thôi. Nội và chị không nên buồn khổ và đừng tìm kiếm chàng nữa. Duyên phần xem như đã mãn, chàng không còn dính líu với việc trần nữa. Gia đình vốn đã có phước phần rồi, nên tiếp tục gieo hạt thiện, trồng căn lành thì được hưởng nhiều phước đức.
Thời gian qua nhanh. Ba chục năm sau, chị của Hồ Sinh vẫn không quên được đứa em thân thương ngày xưa. Gặp một vị Tăng đi khất thực nào hay có dịp đi viếng danh sơn cổ tự nào, chị của Hồ Sinh cũng dò hỏi thăm Vô Môn Tự. Nhưng dường như không ai nghe nói đến tên này và lẽ dĩ nhiên không ai biết cái chùa ấy ở nơi nao.
Một hôm có bà bạn thân rủ chị của Hồ Sinh đi hành hương ở núi Yên Tử, một danh lam thắng cảnh và cũng là một danh sơn có nhiều cổ tự của Phật Giáo Việt Nam đời Trần. Lúc nào cũng mong hy vọng tìm gặp lại em nên chị của Hồ Sinh vui vẻ nhận lời. Lần lượt viếng thăm các chùa Giải Oan, rồi đến chùa Hoa Yên cũng là ngôi chùa to và đẹp nhất trên núi Yên Tử. Vách đá cheo leo, đường quanh khúc khuỷu, rợp mát bóng tùng, tháp Tổ chín tầng thật là cổ kính thoát tục.
"Muôn thuở mến sư chim lắng kệ,
Bốn mùa vãn cảnh khách đề thơ" (3)
Men theo sườn núi về phía trái của chùa Hoa Yên, đường đi dường như dựng đứng, không khí trong lành, núi cao chớn chở, cảnh thiên nhiên thật là hùng vĩ ngoạn mục. Bỗng chị của Hồ Sinh tình cờ thấy, dựa vào vách núi cao, một cái am nhỏ bỏ hoang, tường vách đổ xiêu, nhang tàn khói lạnh. Bên trong thì cỏ mọc rêu phong, dây leo chằng chịt, ngó lên đầu núi mây trắng bao phủ bềnh bồng. Trước cổng am lờ mờ ba chữ đại tự, không rõ là chữ gì? Nhân hỏi một vị lớn tuổi, có vẻ là một bậc túc nho, cùng đi chung một chuyến hành hương. Ông ta cố nhìn hồi lâu rồi bảo chị của Hồ Sinh, ba chữ đó là: VÔ MÔN TỰ. Chị Hồ bàng hoàng đứng lặng, dòng lệ bỗng tuông trào, lẩm bẩm:
- Chỗ ở cũ của em tôi đây mà ! -
Chú thích:
(1) Ðời như giấc mộng lớn, cuộc sống vô thường (Không rõ tác giả)
(2) (Viết theo Ðường Tu Không Hai, Phẩm Phật Quốc của Minh Tâm).
(3) (Trích tài liệu Những Ngôi Chùa Danh Tiếng của Nguyễn Quảng Tuân)