Lời mở đầu
Trong nhiều kinh điển, Đức Phật dạy về đạo hiếu hạnh của người con đối
với bậc sinh thành, đó là Cha sinh, Mẹ dưỡng. Những lời dạy quí báu đó là khuôn
vàng thước ngọc, nếu chúng ta, thuộc nhiều thế hệ khác nhau, biết đem áp dụng
vào cuộc sống hằng ngày thì ích lợi cho mình và cho người biết bao nhiêu.
Mùa Vu Lan hằng năm đến với người con Phật, trong nỗi niềm thương nhớ
khôn nguôi công ơn trời biển của Cha và Mẹ. Vu Lan năm nay 2004, kính mời quí
vị theo dõi nỗi niềm tâm sự của một người con hiếu thảo, hướng về các bậc sinh
thành, ghi nhớ công ơn giáo dưỡng theo Chánh pháp của người Cha già lúc còn
sinh thời. Các bậc sinh thành tinh tấn tu tập, còn biết dạy dỗ các con theo lời
của chư Phật, quả là một gia tài hiếm quí, không gì sánh bằng, để khi bước ra
trường đời, theo dấu chân xưa, những người con có phước này có thể vận dụng
giáo lý thâm sâu vi diệu của đạo Phật, được thấm nhuần nhờ các bậc Tôn Đức và
sự hướng dẫn tại gia của Cha Mẹ, chuyển hóa cuộc sống khổ đau thành niềm vui
tịnh lạc. Nỗi niềm tâm sự này được diễn đạt qua bài viết tựa đề: "Theo Dấu
Chân Xưa", với ngòi bút của tác giả Nguyên Thảo, một nữ Phật tử hiện cư
trú tại thành phố Houston, bang Texas, Hoa Kỳ.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Cơ sở Phật học Tịnh Quang Canada
Mẹ kính yêu của con,
Mẹ ơi, bây giờ con không biết
Mẹ đang làm gì ở nơi xa đó, Mẹ có biết là con đang nhớ tới Mẹ thật nhiều không?
Năm nào cũng vào độ cuối mùa Hè, lòng con thương nhớ Mẹ xôn xao. Nỗi nhớ dâng
tràn nhiều hơn bao giờ hết, ghép lại thành những giòng thư con gửi về cho Mẹ,
đúng vào ngày rằm tháng Bảy - mùa Vu Lan báo hiếu mỗi năm.
Khi từ biệt Mẹ để ngập ngừng bước
những bước chân vụng dại vào đời - cuộc đời mà niềm vui chừng như không có bao
nhiêu, so với nỗi bận rộn, lo âu, phiền muộn. Con mới chợt nhận biết ra niềm
hạnh phúc vô biên mình bỏ lại, kể từ khi bên cạnh đời con vắng đi bóng dáng gần
gủi, thân yêu của Mẹ rồi. Con ước gì thời gian quay trở lại, để con không quá ơ
hờ, mãi hồn nhiên bơi lội trong giòng sông mát ngọt yêu thương, mà không hề
nghĩ có một ngày sẽ đến mai này, con chim non là con đủ lớn khôn, tung đôi cánh
nhỏ bay đi lìa tổ ấm. Mẹ ơi, không phải đợi đến khi xa cách Mẹ rồi con mới
hiểu, mà đã từ lâu trong lòng con luôn cảm nhận, ngọn núi uy nghi trầm lặng của
tình Cha. Còn Mẹ, Mẹ là giòng suối từ bi mát ngọt tuôn tràn, là bóng mát êm đềm
cho con nép mình nương tựa suốt bao năm. Đã biết bao nhiêu lần con bắt gặp, ánh
mắt buồn bã âm thầm của đấng sinh thành, như cố nuốt vào lòng những nỗi buồn
đau, bởi những biến động, thăng trầm trong cuộc sống, cho nên dù ráng hết sức
mình, vẫn có đôi lần bó tay nhìn các con thiếu thốn ,lầm than, trong một vài giai
đoạn ngắn vào thời niên thiếu. Con tự trách mình đã có lần ngu ngơ, khờ dại, tỏ
lộ ra sự buồn bã bi quan, khi thầm so sánh với đám bạn bè may mắn hơn hơn mình,
không phải sinh ra trong một gia đình quá đổi nhiều con, cho nên mọi thứ đều
được sẻ chia trong giới hạn. Và bên cạnh đó, là những luật lệ vô cùng nghiêm
khắc, mà Cha đã đặt ra để uốn nắn đàn con, bởi tự biết mình không có thời giờ
để gần gủi con nhiều như các con cần. Cho mãi đến sau này con mới hiểu, vì đâu
Cha vẫn tỏ ra có vẻ quá khắc khe với các con. Con vẫn chưa quên chuyện anh trai
có tánh nghịch ngợm nhất nhà, thường bị Cha nghiêm trị mỗi khi có người hàng
xóm nào lên tiếng than phiền. Ngày đó con là đứa em gái nhỏ, thường nắm áo theo
anh trong những trò chơi cuả anh với lũ trẻ ở chung quanh. Con biết rõ ai là người
phá phách, thường nghĩ ra những trò quá quắt, để chọc phá xóm giềng. Nhưng mỗi khi
nghe tiếng than phiền, thì luôn luôn anh con là người bị đòn roi đánh phạt của
Cha. Trong trí óc non dại của con ngày đó, có chút gì tủi hờn khi nghĩ tại sao
Cha chẳng thương chúng con nhiều như Cha Mẹ nhà người. Họ vẫn luôn luôn bằng
mọi cách bênh vực và bao che lầm lỗi của con mình, dù biết rõ ràng những chuyện
mà con họ đã gây ra. Cha cho biết lỗi của anh là không tự thắng chính mình,
biết lũ trẻ quá quắt làm tổn hại cho người khác, vẫn góp mặt để chung vui dù
bản thân chẳng có tham gia. Tội "biết mà cố phạm" của anh đủ để bị
phạt đòn, bởi Cha dạy đừng để ý tới lầm lỗi của người, mà chỉ cần nhận biết ra
lầm lỗi của mình thôi. Tánh nhẫn nhục, không hơn thua tranh cãi, không cho mình
đúng, người sai, theo năm tháng đã thấm nhuần trong tâm hồn đàn con của Mẹ Cha.
Đã thật lâu rồi, con có lần nghe anh trai than thở, rằng cuộc đời không phải là
bóng mát êm đềm, cho nên tính nhịn nhường không tranh cải hơn thua, mà Cha đã
luyện cho từ ngày nhỏ, đôi khi khiến anh có cảm tưởng như mình bị người ta nhìn
như một người khờ dại chẳng bằng ai! Mẹ ơi, đó chỉ là những năm tháng đầu tiên
bắt đầu đối mặt với cuộc đời. Bởi càng đi xa hơn nữa chúng con càng khám phá ra
rằng, giữa những hơn thua phải quấy, đúng sai ở chung quanh, thái độ điềm nhiên
ngắm nhìn như khi đang xem một vỡ tuồng trên sân khấu, rồi mỉm cười không nói
năng gì, đã đem lại cho chúng con biết bao là an lạc, nhẹ nhàng, dù quanh mình
có xảy ra những nghịch cảnh trớ trêu.
Mẹ ơi, con ước gì ngày xưa con
hiểu được, tấm lòng trời biển cao vời của một người Cha có đàn con mười đứa, đã
một mình tận tụy hy sinh hứng trọn những cay đắng, nhục nhằn trong cuộc sống,
chỉ mong đổi lấy một ngày mai tốt đẹp cho con. Những buồn tủi thoáng qua ngày
đó, đã thay vào lòng biết ơn không gì sánh được lúc con lớn khôn theo với thời
gian. Không phải chỉ riêng sự giáo huấn, mà con nhận được từ Cha Mẹ, con và những
người bạn thân tình còn có cùng cảm nhận với nhau rằng, dường như những đứa trẻ
được lớn lên trong sự dắt dìu nghiêm khắc của người Cha, đến lúc trưởng thành thường
thay cho sự hờn tủi, buồn phiền ngày thơ dại, bằng lòng biết ơn sâu thẳm tận bên
trong, cũng như có sự gắn bó rất đậm sâu với Mẹ Cha và những người thân, nhờ vào
sự ràng buộc bởi trách nhiệm về hành vi của từng người ngay khi còn nhỏ dại.
Với Mẹ, hành trang đi vào đời
mà Mẹ đã cho con, là món quà vô giá không gì so sánh được. Đó là một tấm lòng
đối với mọi người, biết sẻ chia nỗi khổ, niềm đau của tha nhân. Cũng nhờ nhận
được một phần gia sản quý báu này từ nơi Mẹ, mà những bước chân đi vào đời của
con kể từ khi xa mái ấm gia đình không đến nỗi quá gian nan. Con đã đi bằng những
bước chậm, nhưng thanh thản, êm đềm vì biết mở lòng ra, gạt ra ngoài những bon chen,
ganh ghét, tỵ hiềm... giống y như cách mà Mẹ Cha đã sống. Mẹ ơi, con không hiểu
tại sao ngày đó, con có lần ngước nhìn lên so sánh với chung quanh, mà không biết
ngó xuống để nhìn thấy Mẹ đang thật gần bên cạnh, lặng lẽ âm thầm đón nhận sự
nhọc nhằn, vất vả một đời. Mẹ dường như quên luôn chính mình đi, để chỉ biết vì
con, sống cho con, không ngoài nổi ước mơ con lớn khôn trở nên người hữu dụng
cho đời, và có một tấm lòng từ ái chan hòa, thương người như thể thương thân.
Mẹ ơi, làm sao con quên được bài
học từ bi mà Mẹ dạy chúng con. Năm đó gia đình mình theo thời cuộc đẩy đưa bởi
sống trong một đất nước triền miên chinh chiến. Ngay kế bên căn nhà vừa mới dọn
đến của gia đình, là nỗi kinh hoàng cuả Mẹ Cha và đám trẻ thơ khờ dại chúng
con. Người đàn bà khó nghèo triền miên vì không kham nổi những khổ đau trong
cuộc sống, đã ngày mỗi ngày trút hết sự căm hờn lên gia đình mình, chỉ vì Cha Mẹ
có khả năng để lo cho chúng con đủ mặc, đủ ăn! Những tiếng chưởi rủa được gào
lên bất kể lúc nào khi có thời giờ rãnh rỗi, không cứ đêm ngày. Cha lặng lẽ lắc
đầu, rồi vỗ về, trấn an lũ con thơ. Còn Mẹ thì lâm râm niệm Phật, cầu xin cho
người sớm thoát ra cảnh khổ, được ấm áo, no cơm để không tạo nghiệp thêm. Họ
hàng, người thân chứng kiến cảnh này, không ai nghĩ gia đình mình chịu nổi, và
có lời khuyên nên thu xếp dọn đi. Nhưng Cha vẫn bình thản an nhiên, còn Mẹ thì
không bao giờ từ chối giúp người khốn khó, dù gặp lần đầu trong khu xóm nghèo
nàn, mặc dù vơi hoàn cảnh một gia đình đông con và có duy nhất một người đi làm
việc là Cha. Mẹ đã xẻ áo, chia cơm không phân biệt dù người dữ, người hiền, dù
cả Mẹ và Cha đang gánh trên vai gánh nặng oằn vai.
Giòng chinh chiến lại đẩy đưa
thêm lần nữa, đàn con hầu hết đã lớn khôn cùng với thời gian. Căn nhà cuối cùng
gia đình mình cư ngụ ở quê hương, là căn nhà nhỏ trong một xóm nghèo lao động
giữa thành phố xa hoa, náo nhiệt. Ở đây, con đã vô cùng thất vọng, trong khoảng
thời gian đầu đối diện với bộ mặt đa dạng của một môi trường sống hoàn toàn xa
lạ với Mẹ Cha và cả chúng con. Con ngẩn ngơ chới với, khi thấy và nghe đứa bé
vưà tập nói ở cạnh nhà, phát ra tiếng bập bẹ đầu tiên là tiếng chửi tục tằn
giống như mỗi đầu câu nói của người lớn chung quanh nó. Con càng đau khổ và
ngượng ngùng nhiều hơn nữa, khi thấy và nghe cô láng giềng trạc tuổi bằng mình
có khuôn mặt sáng sủa dễ nhìn, cũng buông tiếng chửi thề lúc đi ngang qua cửa
nhà mình, khi nói chuyện bình thường với đám con trai hay gái trong khu xóm. Có
những buổi trưa hè oi ả, vẳng trong lời hát à ơi ru cháu cuả bà ngoại hiền từ,
là tiếng chửi rủa vút cao vượt qua con hẻm nhỏ không sâu. Người ta chửi nhau vì
bênh con, vì len lén lấn đất sang sân nhà người bên cạnh, và vì đủ thứ nguyên
do hoặc không có nguyên do - giống như cả nhà mình đã bị kêu ra chửi để... giải
sầu chỉ vì giọt sương đọng lại trong đêm từ trên căn gác nhỏ, vô tình rớt xuống
gánh hàng rong. Con tưởng tượng như địa ngục trần gian là ở nơi nầy, và chị em
con giống như đang bị lưu đày tách biệt khỏi mảnh đất êm đềm của thời mộng mơ
khi vừa mới lớn. Nhưng đã quen với những thăng trầm thế sự, coi cuộc đời là hư
ảo, phù du, như diễn vở có đủ tiếng cười và nước mắt. Mẹ coi như không có những
lời hiềm khích, những hành động hiếp đáp thẳng tay của lũ trẻ chung quanh đối
với em trai nhỏ hiền lành hơn ai hết cuả con. Mẹ đối xử không phân biệt, bất cứ
người nào tìm đến với mình, dù thật lòng hay chỉ là bề ngoài để được Mẹ giúp
cho từ chuyện nhỏ nhoi. Bài học từ bi từ nơi Mẹ, đã giúp con thêm "can
đảm", để nở ra được nụ cười thân thiện thật lòng, với cô láng giềng có
tiếng chưởi thề giòn như pháo nổ, thay vì cúi mặt tránh xa giống như bao bạn
gái ở chung quanh. Con quên nói cho Mẹ biết, là con đã nhận lại ánh mắt rưng
rưng chớp nhẹ, và nụ cười thật ấm áp vô cùng. Từ đó, con thôi không còn nghe
tiếng chửi, và cảm động làm sao bởi có một ngày, cô láng giềng đặc biệt này
dừng chân trước cửa nhà mình, gọi con ra để tặng cho chùm ổi còn dính cuống
mượt mà, là những trái ổi xá lị thơm tho, hái từ quê nhà ở miền Tây mà cô vừa
đem ở quê lên, tặng cho con như một cách để tỏ tình thân. Từ đó với con xóm lao
động nhỏ không còn là địa ngục trần gian như con nghĩ. Vì anh trai nghịch ngợm
ngày xưa giờ đã là sinh viên trường Vạn Hạnh, anh ra sức dạy kèm cho những cô
bé học trò trung học những môn học mà đám học trò con gái như con vẫn ngại
ngùng, vì hiếm khi có được điểm cao. Mẹ còn nhớ không, những mùa Hè sau đó, Mẹ
Cha có thể an tâm đi về căn nhà lá trên miền rừng núi, để cho con mặc tình làm
đầy ắp căn nhà nhỏ nơi xóm nghèo lao động ở Saigon. Vẫn theo gót chân anh như
ngày nhỏ, con tập họp lại những đứa trẻ la cà, nghịch ngợm, dạy hát, dạy viết
chính tả, tập đọc và tập làm những bài luận ngắn dễ làm cùng với em gái út của
con. Xóm nhỏ không còn lằn ranh phân biệt, giữa những đứa trẻ con nhà lao động lầm
than, và đám học trò thướt tha áo trắng, giống như đã có từ bao năm trước. Có một
điều đặc biệt, mà chúng con khám phá ra, là cô bé có tiếng chửi giòn như pháo
ngày nào, giờ thay vào bằng tiếng hát thật trong trẻo, vút cao, mà con thường
được nghe ngay chính trong căn nhà nhỏ của mình. Cha đã hài lòng nói với các
con rằng: Nếu như biết sống, thì dù ở nơi đâu cũng tìm thấy sự an vui.
Mẹ kính yêu của con ơi,
Mỗi năm cứ vào ngày rằm tháng
Bảy, mùa Vu Lan báo hiếu ở đây. Con đi vào chùa để được cài lên trên ngực áo
cành hoa hồng màu đỏ. Lòng con cảm nghe nổi ấm áp tràn lan, tưởng chừng con
đang có Mẹ thật gần bên cạnh. Mỗi khi nở trên môi nụ cười thân thiện, gửi một ánh
mắt nhìn ấm áp dịu dàng, hay lắng nghe trong sự cảm thông, mà không hề phán đoán,
chê khen. Và nhận lại những tấm chân tình, con có cảm tưởng như Mẹ thật sự là
đang ở trong con, Mẹ có biết không?
Mẹ ơi, có phải cuộc đời như là
một giấc mơ không? Ngày xưa con nắm chặt tà áo màu lam, nép mình bên Mẹ, giẫm
những bước chân thơ dại trên đá sỏi lao xao nơi sân chùa mà Mẹ vẫn thường đi. Để
rồi ngày nay ở nơi này, trong nổi nhớ, niềm thương dành cho Mẹ, đã dẫn đưa con
đi tìm lại dấu chân xưa. Cũng nhờ hạt giống lành mà Mẹ đã gieo trồng lên mảnh
đất tâm con ngày đó, mà ngày nay hạt giống nẩy mầm. Bởi giữa những ngọn sóng đời
cuộn cuồn vây quanh, con đã tìm ra một trú xứ an lành khi đi tìm dấu chân Mẹ trong
sân chùa và sân thiền viện. Sân chuà ngày cũ, tiếng mõ chuông thuở xa xưa, những
câu kinh tụng mà con đã ơ hờ vì không thấu hiểu... bây giờ chính là một phần không
thể tách rời trong cuộc sống của con ở nơi đây. Con cảm nghe thân yêu, gần gủi
lắm như đã tìm ra đường về lại nhà xưa, sau bao năm trời lạc dấu, xa xôi. Bây
giờ thì Mẹ có thể mỉm cười, bởi không còn băn khoăn lo lắng về con giống trước
kia. Không gần Mẹ nhưng con đã tìm ra một nơi chốn thật an lành, để nương tựa
trên quãng đường đời còn lại - bây giờ và mãi mãi về sau.
Mẹ ơi, ân Tam Bảo sâu dầy biết
mấy. Ân Mẹ Cha vời vợi biển trời. Giờ đây con còn mang ân nặng của quý Thầy và
của quý Sư cô - những bậc tôn túc đã dẫn dắt và chỉ bày con đi vào nẻo đường
lành. Biết sống đời tỉnh thức và chuyển hoá những phiền muộn, khổ đau thành ra
an lạc và hạnh phúc. Cho dù cuộc đời có thật sự là vui ít, buồn nhiều, nhưng
con không còn sợ hãi, âu lo và nghi ngại giống thuở xưa.
Mẹ kính yêu của con.
Hôm nay con xin mượn những vần
thơ của người bạn đạo nơi xa, dâng tặng Mẹ cùng tất cả những người Mẹ yêu dấu
trên đời, để nói lên tấm lòng thành, quý kính thương yêu của chúng con, khi may
mắn còn có Mẹ - người Mẹ tuổi hạc mong manh như những giọt sương trong buổi sớm
mai.
Mẹ
Mẹ là đức Quan Âm
Hiện thân nơi cõi trần
Ban tình thương vô tận
Gieo rắc mầm Phật tâm
Trước lòng Mẹ từ bi
Quỉ ma quỳ sám hối
Giủ sạch bụi sân si
Trên dốc đời u tối
Bao phen con lao đao
Giữa giòng đời điên đảo
Mẹ đã là chiếc phao
Dìu con vào bến đạo
Trong chập chùng mê lộ
Con khóc cười vô thanh
Chỉ còn vòng tay Mẹ
Là nơi chốn an lành
Mẹ mong manh tuổi hạc
Mẹ tinh tuyền như sương
Thân tâm hòa an lạc
Thơm ngát nước nhành dương.
(Thơ AI CƠ)
Nguyên Thảo
Houston, Texas. Mùa Vu
Lan