Phật Học Online

Đối Trị Tâm Sân Hận
Hoàng Liên Tâm

Cách nay đã lâu lắm, chúng tôi được nghe một bài pháp của một vị lạt ma Tây Tạng giảng về cách thực hành Phật pháp trong đời sống hàng ngày. Thầy giảng về ba cái bệnh trầm kha, khó chữa trị của chúng sinh, “Tham, Sân, và Si”, một cách rõ ràng để mọi người nhớ và thực hành. Chúng tôi đã và đang thực hành hàng ngày và cảm thấy có tiến bộ sau một thời gian dài. Nay xin nói ra để chia xẻ cùng với quý độc giả.


Khi đề cập đến căn bệnh thứ hai, thầy định nghĩa về chữ “Sân” trước, sau đó là những biến chứng của nó và cuối cùng là cách thức đối trị với chúng. Theo thầy chữ Sân phải đi kèm với chữ Hận mới nói lên đầy đủ. Sân là lòng giận giữ, nỗi bất bình vì bất như ý điều gì hay vì bị xúc phạm. Còn hận là lòng oán ghét thù hằn giữ lại trong tâm, sau cơn giận giữ, để tìm cơ hội trả thù cho vừa lòng. Biến chứng của lòng sân hận sẽ là lòng căm thù, sự đố kỵ, và tai họa chống lại sự sống, là những nghiệp xấu tệ hại nhất, mà chúng ta phải ghánh chịu một kết quả xấu trầm trọng trong những kiếp sống sau này.

Muốn đối trị bệnh sân, thầy nói điều kiện trước tiên là phải giữ giới không sát sanh, không nghĩ - nói những lời ác, và chỉ nghĩ - nói những điều thiện. Việc thứ hai là luyện tập hàng ngày cùng một lúc tính nhẫn nhục và lòng từ bi. “Sân hận khôn bao giờ dập tắt được sân hận, chỉ có lòng từ bi mới chiến thắng được hận thù”. Đức Phật đã dạy chúng ta như thế, thầy lập lại.

Đó là công thức đối trị, nhưng phải thực hành làm sao? Thầy dạy, “Khi cơn giận nổi lên, một niệm tưởng thù ghét đối với người nào đó hay vật gì đó sẽ khởi lên ngay sau đó trong chúng ta. Chúng ta phải nhận biết niệm tưởng này là niệm tưởng xấu và phải suy niệm rằng người mình đang thù ghét này đã từng là bạn bè hay bà con của chúng ta hoặc là chủ nợ hay là con nợ trong vô lượng những kiếp sống của chúng ta, và chúng ta phải sinh lòng từ bi đối với họ, như thể là những chúng sinh mê muội và khổ sở.

Hàng ngày, hàng giờ hay từng sát na thời gian, chúng ta phải khởi lên ý niệm từ bi và tốt lành với tất cả chúng sinh để chuyển hóa những hành động của chúng ta thành sự tu tập Phật Pháp. Ví dụ như khi chúng ta ăn cơm, nếu như chúng ta ăn với tư tưởng hưởng thụ để thỏa mãn lòng tham ăn ngon, thì đó là một hành động bất thiện. Ngược lại, nếu như chúng ta tự quán niệm với tư tưởng rằng, chúng ta tiêu thụ thức ăn nhằm nuôi sống sinh mạng của mình để chúng ta có thể dùng sinh mạng của mình như là một công cụ, một phương tiện phụng sự chúng sinh, thì đó là một hành động thiện.”

Nhờ công thức và phương án thực hành trên mà chúng tôi hóa giải được rất nhiều sân hận trong cuộc sống hàng ngày. Ngay cả đối với con cái, chúng tôi cũng tập nhẫn và khi chúng vô tình có những lời “lớn tiếng”, chúng tôi cũng suy niệm biết đâu trong một kiếp xa xôi nào đó chúng là ông bà hay chủ nợ của mình. Khi suy niệm như thế là tự nhiên hóa giải ngay cơn giận. Đối với nhiều người, những người Cộng Sản là kẻ thù bất cộng đái thiên, nhưng đối với chúng tôi, trong tâm chúng tôi không hề có một niệm tưởng thù oán. Có thể do nghiệp trong quá khứ của chúng tôi tốt, hay có một cộng nghiệp họ hàng hai bên không có một ai bị giết chết hay bị đánh đập trong suốt cuộc chiến tranh. Chúng tôi cảm thông và luôn luôn có những ý niệm tốt lành, thương sót với những người ở cả hai bên chiến tuyến, ở Việt Nam, ở hải ngoại hay ở A Phú hãn.




© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage