Phật Học Online

Lama
Diễm Âu

1.

Khoảng thời gian năm tôi lên tám, lên chín tuổi, lâu lâu vào ngày Chủ Nhật, bố mẹ tôi vẫn hay dắt chị em chúng tôi tới một tiệm sách chuyên bán sách báo của Pháp nằm xế bên hông Vương Cung Thánh Đường Sàigòn. Cái không khí tĩnh lặng, tinh khôi, trong vắt như một ly nước suối trong tiệm sách đó đã luôn luôn là cảm giác rất quyến rũ cho một đứa bé sớm thích mơ mộng như tôi. Tôi nhớ mang máng (và không biết mình có nhớ lầm không), phía trên những kệ sách dài khắp bốn bờ tường là những khung kính hình chữ nhật, nơi những khoanh nắng rất tươi của buổi sáng luôn hối hả luồn vào. Tiệm sách sáng trong, ánh sáng cũng tinh khôi như ly nước suối. Có những hôm, tôi ngồi khoanh chân dưới đất, trong lòng ôm một quyển sách mở toang. Tôi giở nhẹ từng trang giấy, và lúc đó, thầm ước, phải chi có một ông nhà văn nào đó, chẳng hạn như là người đã viết cái quyển sách đang mở toang trong lòng tôi này, tình cờ bước chân vào tiệm sách, tình cờ nhìn thấy tôi với quyển sách của ông... Ông sẽ cúi xuống mỉm cười với tôi, xoa tóc tôi, và sẽ hỏi, bé con, em thích nhất trang nào trong quyển sách của tôi, em có muốn đóng vai con bé con trong đêm khuya khoắt bị sai đi lấy gầu ra giếng kéo nước trong truyện của tôi không? Và tôi sẽ gật đầu, và sẽ trả lời ông rằng, vâng, em thích được đóng vai con bé bị hất hủi ấy lắm, và em sẽ đóng... rất hay!

Buồn cười, tôi luôn luôn hay mơ mộng những chuyện lăng nhăng và buồn cười như thế! Và tôi hay mơ mộng lăng nhăng như thế là bởi vì tôi ít khi thích bỏ thời giờ ra ngồi nhá mấy quyển sách Pháp văn mà chúng tôi bị bắt phải đọc trong trường. Thường thường, tôi chỉ đọc đoạn nào tôi thích nhất, rồi tha hồ vẽ ra những bức tranh tưởng tượng trong đầu. Tranh mặc tình nhảy muá uyển chuyển như sóng lụa, tôi cũng mải mê uốn mình bay bổng trên sóng lụa, đợt ngày tiếp đợt kia, quên tuốt mất những trang còn lại trong cuốn sách cần phải đọc, nên cuối cùng, có nhớ được gì đâu! Lý do là bởi vì tôi yêu tiếng Việt và say mê đọc sách, đọc truyện tiếng Việt hơn cả, nhất là sử Việt, bởi thế, Pháp văn tôi chưa từng bao giờ giỏi ngày nào, vốn liếng chỉ vừa đủ dùng mà thôi!

Nhưng thủa ấy, tôi thích đọc, hay xem, truyện hình "Tin-Tin" bằng tiếng Pháp lắm (bởi vì nó nhiều hình, ít chữ!). Và lạ lùng thay, bây giờ, hơn ba mươi mấy năm sau, tôi mới hiểu ra được rằng, chính "Tin-Tin" đã là cái giềng mối sớm nhất và đầu tiên nhất trong đời gợi cho tôi nhớ lại được những quan hệ cội rễ vô cùng mật thiết bắt nguồn từ những... tiền kiếp xa xôi!

Buổi trưa hôm ấy, tôi đã ngồi xem "Tin-Tin" trên chiếc giường mà tôi ngủ với bà tôi mỗi tối, vừa xem vừa cười khúc khích. Nhưng chỉ mới đọc được vài trang thì tôi đã khựng lại. Trong tranh, tôi nhớ, có vẽ hình con thú bốn chân trông giống một con lừa. Đó là một con... la ở xứ Peru! Người dẫn đường bản xứ, một anh trai trẻ người Peru đội mũ quấn khăn sặc sỡ, đã cắt nghĩa cho Tin-Tin biết... đây là con "lama" (La-ma), cẩn thận nhé, khi nào nó giận thì nó phun nước miếng đấy! Anh ta phải cắt nghĩa như vậy vì con lừa mất lịch sự ấy vừa mới phun xong nước miếng vào mặt ông già thuyền trưởng đang đứng sớ rớ ngay đó không thương xót. Ít phút trước đó, nó đã bị ông ta chọc ghẹo! Cuối cùng, trước khi quay lưng bỏ đi, hình như ông bạn già lẩm cẩm này của Tin-Tin đã vùng vằng la lên mắng nó, đại khái..."đồ con la-ma".

Tôi đọc đến đây thì... khựng lại. Tôi còn nhớ như in cái cảm giác ngỡ ngàng, tột cùng ngỡ ngàng trong lòng vào giây phút ấy! Ba mươi mấy năm sau, mà cái cảm giác ngỡ ngàng vẫn còn hiện rõ như một vết cắt ngọt sớt trên mảnh da non khi hồi nhớ lại. Tôi đã ngồi thừ rất lâu, cố moi móc trong đầu ra xem tại sao con lừa ngu ngốc và kém lịch sự này lại có tên là con La-ma như vậy. Lúc ấy, tôi đã lý luận rất đơn sơ rằng, đây là con lừa, không phải con... La-ma, và nếu hỏi tôi tại sao tôi quả quyết như thế thì tôi không trả lời được. Đơn giản lắm, tôi nghĩ, La-ma là... La-ma, là tiếng gọi một.. cái gì khác, nhưng nhất quyết, không phải tiếng để gọi con lừa! Cái cảm giác ngỡ ngàng và khó chịu đã đeo theo tôi suốt buổi, cho đến tối. Ăn cơm xong, tôi lấy quyển sách truyện hình ra đưa cho bố tôi xem. Tôi chỉ tay vào hình con lừa xứ Peru và hỏi bố tôi rằng, "tại sao" người ta lại gọi con lừa này là con La-ma vậy hở Bố? Lúc hỏi câu hỏi ấy xong, tôi chỉ mong chờ thấy bố tôi nhíu mày lại, hay cũng kêu lên một tiếng gì đó biểu lộ sự ngạc nhiên chẳng hạn. Nhưng ông không ngạc nhiên, và cũng chẳng nhíu mày. Ông đã trả lời hết sức hồn nhiên và điềm đạm, đâu có gì "tại sao" đâu con, đây là một con lừa, nhưng người dân Peru gọi nó là con "Llama" (La-ma), tiếng đó cũng có nghĩa giống như là con lừa, giống như tiếng Pháp người ta gọi con lừa là "l'âne" ( đọc âm là 'lan', chú thích của người viết). Tôi đã im mất một lúc lâu sau đó. Rồi tôi ngớ ngẩn nhắc lại cái lý luận rất đơn sơ và cũng rất ngớ ngẩn của mình... Tôi nói một cách cương quyết: 

- Bố ơi Bố, nhưng mà La-ma không phải là con lừa! La-ma là tiếng để gọi... cái gì khác!

Bố tôi hỏi tôi: 

- Vậy thì con nghĩ đó là tiếng gọi... cái gì?

Tôi lắc đầu: 

- Con không biết. Bố không biết thật hay sao Bố?

Bố tôi cũng lắc đầu. Và câu chuyện buổi tối của hai bố con tôi chấm dứt ở đó! Quahôm sau, tôi hỏi mẹ tôi, rồi hỏi bà ngoại tôi, cùng một câu hỏi ấy. Qua hôm sau nữa, tôi đem sách truyện ra chỉ cả cho hai chị giúp việc trong nhà tôi xem, và cũng hỏi cùng một câu hỏi ấy. Tôi vào lớp học, chờ đúng lúc (hay không hẳn là... đúng lúc), giơ tay lên hỏi cô giáo, hỏi Soeur giám thị, hỏi luôn mấy con bé bạn thân nhất của tôi, rằng "La-ma" có phải "đúng" là tiếng gọi một con lừa không, rồi vội vàng lập lại điều tôi quả quyết, rằng con lừa "không thể" là... "La-ma" được! Lẽ dĩ nhiên, mỗi người trả lời tôi hoặc góp ý với tôi một cách khác, tùy theo trình độ hiểu biết của từng người, nhưng chẳng có một ai nói lên điều tôi mong mỏi cả! 

Ba mươi mấy năm sau, khi ngồi viết lại những giòng này, tôi thấy trong lòng một niềm vui nhẹ nhàng như hương trà buổi sớm, khói mỏng manh quyện lên cao, dấy lên những cánh cung tròn lơ lửng. Không biết bám vào đâu, mà cũng chẳng bám vào đâu. Ôi, con La-ma của tôi! 

Tôi thấy tôi thật buồn cười, và... ngây thơ không kém gì cái cậu-bé-tác-giả St. Exupéry của truyện Hoàng-Tử-Bé ! Cũng gần gần, đâu đó! Lên sáu tuổi, cậu vẽ bức tranh một con trăn quấn mồi, nuốt tuột con mồi vào bụng. No nê, bụng trăn căng phình lên, to như cái trống với một cái lõm lún xuống ngay giữa bụng. Câụ đem bức hình đi khoe với mọi người, gặp người quen người lạ nào cậu cũng hỏi, có biết em vẽ cái gì đây không? Ai cũng trả lời cậu, đây là cái mũ, em vẽ cái mũ, phải không? Cậu lắc đầu, trong lòng buồn bã. Không, đây là con trăn nuốt mồi, bụng nó căng cứng, phình to lên đó! Mọi người nhìn cậu trố mắt, chẳng biết phải nói năng gì. Rồi cậu thôi, không vẽ nữa, chẳng buồn vẽ nữa. Cậu bỏ mộng làm họa sĩ vì cái kinh nghiệm vẽ vời không được mấy vừa ý của những ngày bé thơ. Cho đến khi cậu trở thành một người đàn ông, điềm nhiên, chững chạc. Người đàn ông quên mất chuyện con trăn-cái mũ và giấc mộng vẽ vời, say mê học lái máy bay, trở thành một phi công tài giỏi. Người phi công đó đã được gặp Hoàng-Tử-Bé trong một hoàn cảnh cực kỳ lạ lẫm, không thể ngờ trước được, và ông bắt đầu vẽ trở lại, vì người bạn tí hon của ông, là người cũng có thể nhìn thấy được con mồi trong bụng chú trăn tham ăn. Mà còn hơn thế nữa, bạn ông còn thấy được cả con cưù con hiền lành ngơ ngác trong bức hình ông vẽ một chiếc hộp kín bưng nữa kìa!

Hỏi mãi về La-ma không xong, tôi cũng đành... thôi không hỏi nữa. Nhưng cái cảm giác lấn cấn cứ còn nguyên vẹn trong lòng. Như một hạt cát mỏng kẹt đâu đó trong chiếc giầy đang mang vừa chân. Cho đến năm cả gia đình chúng tôi chạy tỵ nạn sang Hoa Kỳ, hạt cát mỏng lâu lâu vẫn làm chân tôi ngưa ngứa, chỉ vừa đủ ngưa ngứa thôi chứ không còn ngỡ ngàng, khó chịu như buổi đầu tiên. Tôi vào lớp Bảy, ghi tên đủ hết cả các môn học, kể cả Pháp văn. Khi bắt đầu quen thân với bà giáo dạy Pháp văn hơn, tôi lại tự động đem câu hỏi cũ ra nhào nắn. Mười ba tuổi, khôn ngoan hơn một chút, tôi biết đặt vấn đề một cách dè dặt hơn, và không cả quyết điều gì nữa hết. Tôi hỏi, thưa Bà, tôi đọc thấy trong truyện người ta viết con lừa bên Peru họ gọi là con Llama (La-ma), như thế có đúng không ạ? Có phải đúng là có một giống vật giống con lừa gọi là con... Llama không thưa Bà? Lẽ dĩ nhiên, bà giáo Pháp văn vui vẻ gật đầu! Tôi liền vào thư viện trong trường, tìm sách về... Peru để đọc, và lục tự điển tìm chữ "Llama" để tra! Đó là vào khoảng năm 75, 76. Hơn hai mươi lăm, hai mươi sáu năm trước, hoặc là sách giáo khoa và tự điển ở Hoa Kỳ vẫn còn thiếu sót nhiều lắm, tầm nhìn của soạn giả thu hẹp trong văn hoá và địa lý của Mỹ Châu và Ấu Châu, hoặc là vì nhân duyên chưa đủ nên tôi tra không đúng được một quyển tự điển có tầm nhìn bao quát hơn cũng không biết chừng... Dù sao đi nữa, điều gì tôi tìm thấy trong sách hay trong tự điển vào thời gian đó cũng đều công nhận những câu trà lời tôi đã đuợc nghe từ bao lâu nay. 

Tôi bỏ cuộc, không đi tìm La-ma (mà-không-phải-là-con-lừa-xứ-Peru) nữa!

Tôi lớn lên, trở thành một cô gái dậy thì, thích mơ mộng, biết yêu rất sớm, rồi trở thành vợ, thành mẹ, và sống êm đềm trong cái tổ chim ấm áp có lót những cọng rơm hiu hiu vàng còn thơm nức hương mùa xuân. Tôi học vẽ, rồi bỏ vẽ. Mon men viết văn, rồi bỏ viết văn. Làm kiến trúc, rồi bỏ kiến trúc. Theo Kháng Chiến, bỏ Kháng Chiến. Học Hán văn, bỏ Hán văn. Say mê sách thiền, rồi bỏ cả sách thiền. Chuyện gì tôi cũng làm nửa chừng, dang dở. Nhưng tôi không thấy tiếc nuối hay khó chịu với những cái dang dở của tôi. Buồn cười thế đấy! Lúc nào cũng có những chuyện "mới mẻ" khác đang chờ, những cánh buồm no căng mới đang chực giong ra khơi. Lâu lâu, rảnh rang một chút, tôi lại ngồi lan man nghĩ đến con... La-ma của tôi! Rồi tôi nghiệm thấy rằng, hình như chỉ có mỗi mình câu chuyện dang dở này là vẫn còn làm tôi băn khoăn, khó chịu mỗi khi nhớ đến, có lạ lùng chưa!

 

2.

Và cứ thế, mãi sau này, cho đến ngày hôm nay (và biết đâu... sau hơn nữa), truyện trẻ thơ luôn luôn trở thành những đầu mối tháo gỡ được những gút mắc trong tôi.

Lạ thật! Như con lừa kém lịch sự trong một quyển truyện bằng tranh!

Khoảng giữa năm 1990, khi chúng tôi có ý định thụ thai để mang vào đời những hạt giống mới, chồng tôi mua về làm quà cho tôi một quyển truyện bằng tranh rất dễ thương (chắc chắn là dễ thương gấp bội phần truyện bằng tranh của Tin-Tin và con lừa kém lịch sự). Quyển truyện mang tên, Những Rặng Núi Ở Tây-Tạng, trong đó có những bức họa màu sắc tươi vui, nét vẽ đơn sơ mềm mại. Chồng tôi viết, "để em-bé-Mẹ đọc cho em-bé-Con nghe"... Anh biết vốn dĩ tôi cũng vẫn còn ưa thích truyện trẻ con lắm. Tôi luôn luôn tìm thấy trong đó những khám phá mới mẻ, nhẹ nhàng nhưng lại rất... vằng vặc. Cũng có thể, tôi nghĩ, truyện trẻ con vừa giống như là nắng đầu ngày, vừa giống cả bờ hồ phản ảnh ánh trăng vào đêm. Người ta thức dậy buổi sáng, ngắm ánh nắng ban mai chan hòa, rồi hấp tấp vội vàng đến sở. Quên lửng mất đi. Khuya về, tình cờ bắt gặp mảnh trăng lung linh trên nước, có thể người ta sẽ nhớ đến nắng sớm mai, mà cũng có thể... sẽ không hề nhớ đến. Nhưng không có nắng đó, thì làm gì có được trăng đó? Thi sĩ hay làm thơ ca tụng ánh trăng non, trăng ngà, mà quên mất bầu mặt trời vòi vọi. Bởi thế tôi vẫn thường hay nghĩ đến những quyển sách truyện bé thơ như những luồng sáng non, mà về đêm, nếu để lòng lắng xuống một chút, chúng ta cũng có thể bắt gặp được luồng sáng non đó trên một chiếc tô ngà, chiếc tô trăng tròn xoe, nạm vàng, đang nhởn nhơ dầm mình trong nước mát. 

Quà tặng của chồng tôi là một quyển truyện kể về cuộc đời tầm thường, đơn sơ của một ông lão tiều phu người Tây-Tạng. Tôi đã từng dịch quyển truyện trẻ con này ra, và đã đăng báo trong một truyện ngắn tôi viết tặng cho con trai đầu lòng. Ông lão tiều phu sinh ra và lớn lên trên những rặng núi trắng tuyết ở xứ Tây-Tạng. Từ ngày còn là một chú bé, ông đã rất mê thả diều. Những khi đứng thả diều, chú bé cũng thường thả hồn mình bay xa, bay vượt qua khỏi những rặng núi cao bao bọc quanh ngôi làng chú ở. Chú mơ ước có ngày sẽ được đi du lịch đến những xứ sở khác, viếng thăm những nơi chốn xa xôi khác. Chú bé lớn hơn nữa, trở hành một người đàn ông, lấy vợ, có con, sống an bình cho đến ngày chú trở thành một ông lão. Đến khi ông lão ra đi khỏi cuộc đờI này, ông chưa hề một lần bước chân ra khỏi ngôi làng nơi ông đã sinh ra. Bây giờ đã đến lúc ông phải chạm mặt với cái chết và chạm mặt với những chọn lựa khác nhau trong giai đoạn chuyển tiếp sau khi chết. Bao nhiêu những hình ảnh, âm thanh và ánh sáng liên tục hiện ra, rầm rập, ào ào. Xuất hiện trước mắt ông, bao nhiêu là những kỳ quang của vũ trụ, những đền đài tráng lệ, thành phố nguy nga, những khu rừng nhiệt đới, những dải biển biếc xanh, những nơi ông mơ ước được đi thăm nhưng chưa bao giờ đuợc đặt chân đến. Ông còn thấy nào chim bay, nào cá lội, từng đoàn thú vật diễn hành tuần tự qua trước mặt ông. Chỉ suýt chút nữa thôi là ông đã quyết định để đầu thai làm một con chim hải âu đang lượn cánh bay tuyệt đẹp, nhưng vô tình ông cũng nhìn thấy một đứa bé đang đứng thả diều ngay phía dưới, trên bãi cát mịn màng, tiếng cười của nó lắc rắc như thủy tinh trong suốt, bay cao. Ông nhớ đến những cánh diều ngũ sắc sặc sỡ của ông ngày còn thơ... Thế là ông đổi ý, muốn đuợc làm người thay vì làm chim. Rồi bỗng nhiên ông lại nhìn thấy một vùng núi cao không hiểu sao quen thuộc lắm, gợi trong lòng ông nhiều nỗi rưng rưng. Ông thấy thêm rất nhiều những ông bố và những bà mẹ trẻ đang dang tay ra mời gọi ông hãy đến làm con của họ. Ông nghĩ, tôi muốn trở lại nơi vùng núi cao đó, làm con của một ông bố có vòng tay bao bọc, và của một bà mẹ có nụ cười êm ái sưởi ấm lòng tôi. Nhưng trước kia tôi đã từng làm con trai, giờ đây, tôi muốn được đầu thai làm con gái, để xem làm con gái sẽ ra thế nào. Và bức tranh minh hoạ cuối cùng trong sách vẽ hình một cô bé gái thắt bím, mặc áo mang ủng sặc sỡ, đang thả bay con diều ngũ sắc trên một rặng núi cao. Cô bé con người Tây-Tạng, chào đời trên một rặng núi tuyết, mê thả diều không kém gì ông lão tiều phu năm xưa! 

Ở trang sau chót của quyển truyện, tôi tìm thấy có ghi mấy giòng giới thiệu tác giả Mordicai Gerstein, nhà văn chuyên viết truyện nhi đồng, người đã từng đoạt được một số giải thưởng cao quý trong lãnh vực văn chương thiếu nhi. Trong mấy câu giới thiệu ngắn ngủi trên, có kèm theo một giòng, chỉ một giòng, còn... ngắn ngủi hơn thế nữa!. Chỉ một giòng thôi, mà lại chính là cái chìa khóa rất khéo, rất tinh xảo, mở hé ra khung cửa quá khứ trong tôi.

Chỉ một giòng đó, như sau... "Tác giả cảm hứng câu chuyện thiếu nhi này sau khi đuợc đọc quyển Tử-Thư Tây-Tạng.

Tử -Thư Tây-Tạng" Cho đến giờ phút ấy, tôi chưa bao giờ nghe đến cả! Sách dành cho người chết? Sách viết về cõi chết? Về cái chết? Tôi đứng vụt dậy khỏi chiếc ghế mây đang ngồi trong căn phòng ngập ánh sáng, một phòng sách nhỏ, với một ô cửa kính rộng đối diện hướng Nam - căn phòng có nhiều ánh sáng nhất trong một căn nhà thiếu ánh sáng. Phòng nào trong nhà cũng tối, ngoại trừ căn phòng sách của chúng tôi! Trong cõi sáng tầm thường bình dị của căn phòng sách nhỏ, tôi đã tình cờ bắt được sợi dây-mối dẫn dắt tôi lần mò tìm về lại với một cõi ánh sáng khác, một cõi bao la không thể nghĩ bàn!

Nhưng... phải mãi đến tận sau này, tôi mới hiểu ra được điều đó!

Tôi rời khỏi chiếc ghế đang ngồi, đi tìm chồng tôi để hỏi xem anh có biết Tử -Thư Tây-Tạng là gì không? Anh có bao giờ đọc nó chưa? Tôi tin là anh sẽ biết vì vốn liếng về văn hoá và lịch sử thế giới của anh rất dồi dào. Chúng tôi hay đùa với nhau rằng, lẽ ra anh phải nên làm một nhà ngoại giao quốc tế, để có thể sử dụng khả năng giao thiệp và vốn liếng ngôn ngữ, văn hoá, lịch sử thế giới của mình, thay vì làm một kỹ sư vi tính, và theo đuổi một công việc không mấy hứng thú đối với anh! Tử -Thư Tây-Tạng? Anh bảo anh có nghe nói đến, anh chưa đọc nó bao giờ, và anh thêm rằng không phải chỉ người Tây-Tạng mà người Ai-Cập cũng có một quyển sách viết riêng cho người chết, gọi là Tử-Thư Ai-Cập, quyển đó thì anh nhớ mang máng là đã có xem qua một lần.

Tôi ôm câu trả lời của chồng tôi và ôm hình bóng quyển kinh chưa một lần giáp mặt vào lòng, như ôm một chiếc gối lông ngỗng. Chiếc gối mềm, êm, chỉ mới lần đầu chạm tay vào thôi mà không hiểu sao đã thấy có nhiều hơi hướm thơm tho, quen thuộc. Tôi gối đầu trên chiếc gối ấy, ngủ những giấc ngủ mơ màng. Khi thức dậy, khi làm công việc hằng ngày, khi bận rộn chăm lo cho con, khi đi chợ, mua sắm bó rau, chiếc bánh, trong lòng rất nhiều lúc thấy nhơ nhớ chiếc gối êm, thèm được ngã đầu lên đó!

Khi ấy, tôi chẳng có một khái niệm gì rõ rệt về Tây-Tạng cả. Tôi không biết là Tây-Tạng đã bị Trung Cộng chiếm đóng từ năm 1959. Tây-Tạng mất chủ quyền, bị buộc phải sát nhập vào lãnh thổ của Trung-quốc. Hằng ngàn tu viện bị phá hủy và kinh sách đã bị đốt ra tro. Hằng chục ngàn tu sĩ phải sa vào vòng tù ngục, bị giết hại, bị tra tấn. Ở một quốc gia mà một phần tư dân số là tu sĩ Phật giáo sống hiền hoà trong tu viện, thì chắc chắn, vũ khí của quốc gia ấy không phải là súng đạn và bạo lực để có thể chống đỡ lại với bạo lực xâm lăng của một cường quốc như Trung Hoa. Khi ấy, tôi hoàn toàn không biết gì về những chuyện này, mãi cho đến về sau...

Một hôm, chúng tôi có dịp đi ra biển Laguna Beach, đó là một vùng biển rất thơ mộng ở miền Nam tiểu bang California, Hoa Kỳ. Phố chính của biển Laguna có những tiệm bán tranh và sản phẩm tiểu công nghệ tuyệt đẹp. Nghệ sĩ, hoạ sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, lãng tử... lang thang khắp nơi, góc đường nào cũng có. Phố chính nằm giáp lưng vào một rặng núi sững, rậm xanh. Có núi chở che, nên thành phố mang nét vững vàng, yên ổn. Từ phố chính, người ta có thể nhìn băng qua con lộ hẹp, băng qua một công viên có bãi cỏ mượt, băng qua vùng cát óng, nhìn suốt ra đến tận dải nước sẫm màu ngọc bích của Thái Bình Dương. Thành phố nghệ sĩ này, lãng mạn đến độ có thể biến thành một... cuộn phim tình đen trắng, vưà cổ kính, vừa tân thời, có lúc ồn aò mời mọc, có lúc im lắng mà như chỉ muốn gào lên những tiếng sóng lòng mênh mang! Vợ chồng chúng tôi hay rủ nhau, dắt nhau ra thành phố ven biển này vào bất kể lúc nào, có khi còn thuê phòng trọ ngủ lại qua đêm (cho dù chúng tôi chỉ ở cách đó chưa đầy 15 dặm). Chỉ để sáng hôm sau được thức dậy trong... cuộn phim tình đen trắng! Ở đó còn có một tiệm sách mà chúng tôi yêu thích lắm, mang tên Farenheit 451. Đó là tên một quyển truyện khoa học giả tưởng viết về những kẻ thù ghét văn chương (một loại Tần Thủy Hoàng thời đại). Họ đã đi lùng tìm đốt sạch ra tro hết tất cả sách vở khiến thức nhân loại, nhưng cuối cùng, đành bó tay trước lòng can đảm tột cùng của những người một lòng yêu quý sách, chịu hy sinh tất cả để cho văn chương kiến thức được trường tồn.

Và cũng chính trong cái tiệm sách Farenheit 451 mà tôi đã tìm thấy ra được tập Tử-Thư Tây-Tạng* lần đầu tiên! Một điều tôi không bao giờ ngờ đến... Cái thành phố làm bối cảnh đóng phim tình đã đem trả về cho tôi tập kinh viết về sự chết và cái chết, về âm thanh và ánh sáng, của một cõi bao la không thể nghĩ bàn.

Đó là bản dịch bằng Anh-Ngữ của ông Walter Y. Evans-Wentz, giáo sư đại học Oxford tại Anh quốc. Bản dịch này được phát hành lần đầu vào năm 1927. Thật ra, đây là một công trình nhuận biên của giáo sư Evans-Wentz khởi đầu từ tài liệu được cung cấp bởi một số người Tây-Tạng trong đó có ông Kazi Dawa Samdup. Ông Kazi Dawa Samdup đã từng là thông dịch viên cho chính quyền Anh-quốc ở tiểu quốc Sikkim cũng như cho tòa lãnh sự của Tây-Tạng tại Ấn-quốc. Ông còn là thầy dạy ngôn ngữ và thông dịch viên riêng của bà Alexandra David-Neel trong thời gian bà trú ngụ tại xứ Sikkim. Đó là người đàn bà đầu tiên đã khởi đầu những cuộc thám hiểm Xứ Tuyết Tây-Tạng, một người đàn bà can đảm và phi thường. Ông Kazi Dawa Samdup mất đi vào năm 1922, khoảng 5 năm trước khi bản dịch Tử-Thư Tây-Tạng đầu tiên được giáo sư Evans-Wentz cho xuất bản, gây ra nhiều tranh luận sôi nổi ngay trong vuơng triều Anh-quốc và trong giới trí thức khoa bảng tại Luân-Đôn thời bấy giờ.

Buổi tối trở về phòng trọ ven biển, tôi nằm nhẩn nha đọc quyển Tử-Thư của Evans-Wentz bên cạnh chồng và chỉ chừng chưa đầy một chục trang sau đó, tôi đã cảm thấy một nỗi thất vọng tràn dâng. Chưng hửng! Chiếc gối lông ngỗng mà tôi hằng ao ước và mơ tưởng sao không giống một chiếc gối lông ngỗng chút nào, nó nặng nề, trì trì như một tảng đá. Tôi không thể phủ nhận công trình đồ sộ cũng như hông thể phủ nhận sự dốc tâm dốc lòng của giáo sư Evans-Wentz, nhưng phải vất vả lắm, tôi mới có thể bắt ý và đoán mù mờ được về những điều ông đã nhuận dịch. Văn phong của ông là văn phong của thời đại... của ông, nó cứng ngắc, thuần lý, thấm nhuần rất nhiều tư tưởng bác học và triết học Tây Phương, kể cả thần-học (theology). Dùng văn phong đó một cách cứng ngắc để giảng dịch về Phật pháp và về những điều rất trừu tượng không hiện diện trong ngôn ngữ bình thường hằng ngày, thật là một việc làm khó khăn cùng tột. Tôi gấp sách lại, còn nhớ rõ cảm giác hụt hẫng và chán nản như chiếc lưới mỏng giăng quanh quấn lấy người mình. Cảm giác từa tựa giống hai con mắt đang chau mày nhìn vào hai con mắt khác của mình (cũng đang chau mày) trong gương! Tự hỏi, rồi tự trả lời. Sao mình lại tệ đến mức này, sao chẳng thể nào thật sự nắm bắt được cái gì hết cả? Sáng ra, tôi nói với chồng tôi, đây là một quyển kinh đọc bên linh sàng người chết, tả cho họ biết họ sẽ thấy những gì sau khi chết, lại có đầy đủ từng chi tiết hướng dẫn hương linh người chết phải làm gì, nghĩ gì, hành động như thế nào trong 49 ngày sau khi chết. Đại khái là như vậy, nhưng đọc nhức đầu lắm, hết vị Thần này hiện ra đến vị Thần kia hiện đến, càng đọc càng thấy rối mù, chẳng thể ghi nhớ lại được gì trong đầu hết! Chồng tôi... xoa đầu tôi, anh có thói quen nựng vợ lạ lùng như thế, rồi anh bảo đùa với tôi là, mai mốt khi nào cưng lớn lên thêm chút nữa thì đến lúc đó cưng sẽ hiểu được nhiều hơn.

Năm đó, tôi đúng ba mươi tuổi, không lớn rồi thì là gì? Đợi lớn lên thêm nữa thì biết đợi đến bao giờ, đợi đến... già ư? Người trẻ thường chẳng bao giờ quan tâm đến cái chết. Đó là đề tài muôn thuở của người già khi người già đến tuổi biết rằng cái chết sẽ là chiếc trạm ngưng nghỉ cuối cùng trong đời mình, nơi bao vạn ức người trước đã đi qua, và bao vạn ức người sau sẽ phải tìm đến. Tôi bắt đầu đặt câu hỏi về cái trạm xe cuối cùng đó cũng vào khoảng năm lên tám lên chín tuổi, khi ngồi bên thềm nhà xem Bà tôi làm lễ hoá vàng, tụng kinh hoá độ. Câu hỏi không phải "chết là gì", cũng không phải "chết sẽ ra sao". Không triết lý sâu xa, hiện thực, hay... không hiện thực! Câu hỏi của một đứa bé con, khi ấy, chỉ đơn giản là... không biết mình sẽ nhớ đến ai nhiều nhất, nhớ đến cái gì nhiều nhất khi mình chết, bỏ lại sau lưng không biết bao nhiêu là kỷ niệm tươi hồng, búp bê, sách truyện, bố mẹ, bà ngoại, em trai, cô giáo, chiếc gối mềm chưa từng một ngày xa rời, những hạt mưa lăn tăn như hạt ngọc... Mấy câu hỏi buồn cười ấy, vậy mà, hoá ra, cuối cùng, lại là những câu nên hỏi! Điều này, mấy chục năm sau, tôi mới thấu hiểu được, mù mờ như sương nhàn nhạt khi tôi bắt đầu đọc sách dịch Tử-Thư lần đầu. Và cứ dần dần sáng lên ánh trời quang đãng trong những lần nghiền ngẫm Tử-Thư sau này qua tay những người dịch khác, sau ông Evans-Wentz. Tôi hiểu ra được rằng chính những gì mình nghĩ đến, nhớ đến, ước ao đến trong trạng thái giao chuyển sau khi chết, những cảm giác đó, những hình tượng đó, những mong tưởng đó sẽ chính là chiếc bè đưa tôi qua sông, đến bến. Mà bến sông, trong hay đục, thấp hay cao, an lành hay sóng gió, cũng tùy thuộc rất nhiều vào đó, vào những cảm giác, những hình tượng, những mong tưởng dùng làm chiếc bè đưa tôi ra đi khỏi cuộc đời này. Những điều vừa kể trên, tưởng rất đơn sơ mà thật ra là thăm thẳm sâu không trông thấy đáy, trân châu ngọc quý cũng chẳng thể sánh bằng, như một mảnh ván gỗ già nua bỗng biến thành chiếc phao cứu người trên biển cả. Tôi sẽ viết thêm sau về những điều này trong những chương sắp tới, những khám phá lẽ dĩ nhiên không phải của tôi, về cái cõi sáng không thể nghĩ bàn của giai đoạn giao chuyển sau khi chết. 

Rời phòng trọ ven biển, tôi đem bản dịch quyển Tử -Thư của ông Evans-Wentz về nhà, cất lên kệ, lâu lâu vẫn nhớ đến nó, nhưng chẳng bao giờ có can đảm đọc lại một cách nghiêm chỉnh cho tới nơi tới chốn. Một đôi khi, tôi lấy nó xuống, ngồi ngắm nghía cái bìa màu đen tuyền có vẽ hình một ngọn lửa cháy đỏ rực, lật lật vài trang ra xem, nhìn chữ mà như không thấy chữ, mân mê, ngẫm nghĩ một hồi rồi lại cất nó trở lại lên trên kệ.

 

Khoảng thời gian ấy, con trai đầu lòng của chúng tôi sắp sửa tròn hai tuổi. Chúng tôi rời căn nhà nhiều bóng tối hơn ánh sáng ở Irvine, dọn đến một căn nhà mới rất xinh xắn lưng đồi Laguna Niguel, gần vịnh Dana thuộc phía Nam Cali. Hoàn toàn khác hẳn! Căn nhà mới là một cõi sáng mênh mông! Ánh nắng hồng và tươi rói luôn luôn tràn vào những khung cửa kính lớn, từ sớm tinh mơ cho đến ráng chiều, không ngưng một phút. Lâu lâu chúng tôi có muốn đi... trốn nắng một chút cũng chẳng thể được - chẳng biết trốn vào đâu được trong căn nhà đó! Đó là một căn-nhà-mặt-trời ! Sau nhà là một triền đồi thoai thoải, mởn xanh. Mùa xuân hoa vàng mọc tràn lan nhiều như... bươm bướm, từng đàn từng đàn hớn hở đuổi bắt nhau trên mảng đồi non! Tôi nghỉ làm ở nhà từ ngày mang thai con đầu lòng, chưa bao giờ ở trong một căn nhà đem đến cho tôi nhiều niềm vui mới toanh, nhẹ nhàng như thế. Hằng ngày, tôi lái xe xuống vịnh, dẫn con đi dạo bộ hoặc cho con chơi cát, hai mẹ con cũng vẫn thường hay ném bánh vụn cho chim hải âu ăn. Cuối tuần, ba bố mẹ con dẫn nhau ra vịnh, ngồi ngắm những cánh thuyền buồm thong thả giong xa, những cánh buồm nõn nà như có phết kem trắng mịn, lướt êm trên mặt nước với phong thái ung dung tự tại của một kẻ nhàn cư! 

Đằng sau giải biển lấp lánh ánh hồng, an bình và trải rộng, những rặng núi ở Tây-Tạng cứ mờ nhạt dần đi. Cả quyển Tử-Thư trong tôi cũng thế! Mọi thứ nằm yên, thụ động, ngái ngủ, giống như một đưá bé say ngà ngà trên bờ vai của bố nó hằng đêm...

 

3.

Bỏ rơi Evans-Wentz, tôi bắt đầu đọc sách dịch của Nguyên Phong, quyển đầu tiên mang tựa Đường Mây Qua Xứ Tuyết, một loại tự truyện của một vị Lạt-Ma Tây Tạng tên Govinda. Đến nay, tôi không còn nhớ được hầu hết tất cả những gì đã đọc được trong quyển sách đó, chỉ duy có một khung cảnh là không sao quên được. Đó là cảnh Lạt-Ma Govinda miêu tả gia đình ông tưng bừng nôn nức chuẩn bị cho ông lên đường đi xuất gia làm một Lạt-Ma tí hon... Gia đình ông là một gia đình khá giả, thuộc giai cấp thượng lưu, kẻ hầu người hạ tấp nập ra vào lo sắp đặt cho những nghi lễ cần thiết trong dịp tiễn ông đi tu. Những buổi tiệc thết đãi họ hàng, làng xóm, những lời chúc tụng, những túi xách hành trang, bà mẹ ông trong bộ áo màu sắc tươi vui đẹp mắt nhất, nữ trang lịch lãm nhất, tất cả những gì quý nhất, sáng nhất, trang trọng nhất, người ta mang ra mặc vào trên người trong dịp ấy. Tôi chỉ nhớ rõ cảm giác quen thuộc một cách... bất thường (!) khi đọc về cảnh này, như đã từng đựơc chứng kiến, từng được tham dự rất nhiều lần. Người Tây-Tạng tổ chức lễ xuất gia cho người thân trong gia đình như tổ chức một... lễ cưới, đó là dịp hoan hỉ nhất, mãn nguyện nhất, được nhiều lời chúc phúc nhất. Theo tục lệ cổ truyền, họ có thể không cả mặc quần áo đẹp trong ngày lễ cưới, nhưng khi dự lễ xuất gia, khi đến thăm thầy, thăm chùa trong những ngày lễ lớn, họ sẽ mặc lên người những gì lành lặn nhất, đẹp đẽ quí giá nhất, như thể niềm tôn quý của họ đối với cái đẹp của Phật pháp không những được ủ, tẩm từ bên trong, mà còn toát cả ra đến bên ngoài.

Quyển sách dịch thứ nhì của Nguyên Phong mà tôi đọc mang tên Hoa Sen Trên Tuyết. Nội dung của sách viết về cuộc hành trình đi tìm chân lý cuộc đời của một vị bác sĩ y khoa Hoa Kỳ. Cuộc hành trình ấy đã dẫn dắt ông ta đến tận thành phố Dharamsala, Ần Độ - thủ đô tị nạn của người Tây-Tạng và là hiện nơi cư ngụ của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma. Thế giới bắt đầu chú ý đến Đức Đạt-Lai Lạt-Ma rất nhiều kể từ khi Ngài được trao giải Nobel Hoà-Bình vào năm 1989. Tôi đọc sách dịch của Nguyên Phong, đọc tập hồi ký Tự Do Trong Lưu Đày của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma, đọc thêm nhiều tài liệu báo chí Anh-ngữ tường thuật những hoạt động của Ngài.

Bỗng một hôm, như người tỉnh ngủ, tôi bật kêu lên:

- Lạt-Ma! La-ma là... Lạt-Ma!

Ngay khoảnh khắc ấy, tôi tỉnh ngủ... thật! Tôi thấy mình bao năm nay sao ngờ nghệt quá! Y như người vừa tỉnh khòi bùa mê, bước ra khỏi đêm tăm tối, thấy mọi thứ rõ mồn một như ban ngày. 

"Lama" là tiếng nguyên thủy của người Tây-Tạng để gọi một nhà sư, một vị thầy, người hướng dẫn mình về Phật Pháp. Sách báo Anh-ngữ dùng lại nguyên âm từ ngữ đó. "Lama", giống như là "the Dalai Lama", tức "Đức Đạt-Lai Lạt-Ma". Chỉ có người Việt bắt chước người Trung Hoa dịch âm "Lama" ra thành "Lạt-Ma", và tôi, cái đứa bé mơ mộng, ngớ ngẩn năm lên tám tuổi, mới chỉ nhận biết ra được điều này sau hơn mấy chục năm... mơ ngủ mà thôi!

 

4.

Gần hai năm nay, căn nhà riêng của chúng tôi bỗng trở thành nơi tiếp đón các vị Đại Lạt-Ma Tây-Tạng đến vùng này giảng pháp. Có khi mười ngày. Có khi hai tuần. Có khi chỉ vài bữa. Các vị là trưởng lão thuộc giòng phái Drikung Kagyu, là một hệ trong bốn tông phái chánh của Phật Giáo Tây-Tạng. Nền tảng của phái Drikung Kagyu, cũng giống như những tông phái Đại-Thừa khác, là phát triển tâm Bồ Đề và thực hành Bồ-Tát-đạo. Tuy nhiên, một trong những chuyên biệt nổi tiếng nhất của phái Drikung Kagyu lại là pháp tập Phowa, tức pháp chuyển thần thức khi ta bắt đầu bước vào tiến trình chết và cả sau khi chết. Tôi chẳng còn phải đi lùng tìm Tử-Thư ở đâu xa. Có nhiều ngày tôi chỉ cần... ngồi yên là sẽ được nghe giảng giải tỉ mỉ tận tình về cái chết và tiến trình chuẩn bị cho cái chết.

Mùa hè năm 1998, chúng tôi chuẩn bị rời Cali để dọn về miền Đông Hoa Kỳ. Khoảng một vài tuần trước đó, đang ngồi gà gật giữa trưa, tôi mơ màng thoáng thấy hiện ra một vị sư mặc y vàng đứng trước mặt tôi, khuôn mặt vị ấy hiền từ sáng rỡ. Về lại miền Đông không lâu sau, một giấc mơ nữa lại đến với tôi. Tôi thấy tôi ngồi trong căn bếp với mẹ tôi cùng với một vị sư khác. Vị này quấn y màu rượu chát đỏ sẫm. Cả ba chúng tôi đang ngồi uống trà, và vui vẻ trò truyện với nhau chung quanh một chiếc bàn tròn. Lúc ấy, tôi vừa nhắc lại một câu hỏi của mẹ tôi và đang chờ để được nghe câu trả lờI của vị sư ấy. Khi thức giấc, nhớ lại về giấc mơ lạ, tôi phải bật cười chính mình! Nằm mơ thấy một vị sư ngồi trong bếp nhà mình thay vì ngồi trang nghiêm nơi chánh điện trong chùa thì thật là... mộng mơ quá đáng! Nhưng tôi nào có ngờ! Lẽ dĩ nhiên, làm sao có thể ngờ!

Ở miền Đông, căn nhà của chúng tôi nằm trên một miếng đất tương đối rộng, sau nhà là khu rừng thưa nằm lưng chừng đồi. Đất rừng cũng thuộc vào địa phận đất của chúng tôi, nhưng đất rừng cao hơn đất nhà cả hơn mười mấy bậc tam cấp. Căn nhà và khu rừng thay đổi tùy theo mùa. Lam, tím, hồng, mơn mởn mùa xuân, xanh rì rậm rạp muà hè, vàng ối đỏ rực mùa thu, nõn nà trắng toát mùa đông. Chẳng khác gì trong thơ Đường! Cỏ lam, trà biếc, rượu vàng, tuyết trắng, màu sắc rất yêu kiều, ngời ngời từng nét sóng sánh. Thoắt một cái, bỗng một hôm, căn nhà bốn muà của chúng tôi trở thành nơi tụ hội của các vị Lạt-Ma Tây-Tạng, và rất đông những người từ khắp các nơi đổ về nghe pháp, không phải người Việt, mà là người Mỹ da trắng, người Mỹ gốc Phi châu, người Gia-Nã-Đại, người Đức, người Nga, người Do Thái, người Tây-Ban-Nha, người Venezuela, người Ần, người Đài Loan, người Trung-Hoa, người Tây-Tạng... Chẳng khác nào một trụ sở Liên-Hiệp-Quốc tí hon! 

Nhân duyên bất ngờ, hết sức kỳ lạ, sâu đậm một cách khó lường. Một năm bốn muà. Mỗi muà một vị Đại Lạt-Ma. Chúng tôi đâm ra bận rộn hết cả bốn mùa. Những cội rễ của tiền kiếp... trổ hoa, đôi lúc làm cho chính tôi phải kinh ngạc!

Những buổi sáng nấu xong món cháo bằng lúa mạch hầu thầy tôi, Garchen Triptul Rinpoche, vị Đại-Lạt-Ma Hoá-Thân sinh trưởng ở vùng Kham, miền Đông Tây-Tạng, chúng tôi hay ngồi ăn chung với thầy trong căn phòng bếp hoặc phòng ăn nhỏ. Lúc nào ánh nắng ban mai cũng chan hoà, vàng óng và tươi như những nhánh lau non, phết lên khắp nơi trong phòng một màu lóng lánh! Tôi mới bắt đầu học nấu món cháo luá mạch từ khi có các vị Lạt-Ma đến ngụ trong nhà, sáng nào cũng một món đó. Lúa mạch ngọt thơm tinh khiết, nấu chung với nước, sữa tươi, mật ong, nho khô, quế bột, cộng thêm với hạnh nhân thái mỏng. Người Tây-Tạng có một món cháo đặc biệt hơi tương tự như món cháo lúa mạch của tôi, họ gọi là tsampa. Thầy tôi, vị Đại-Lạt-Ma nổi tiếng là bậc giác ngộ, đã được tuyên nhận là một Hoá-Thân và đã đi tu từ năm lên bảy tuổi. Thầy tôi kể là tại các tu viện Tây-Tạng, sáng nào cũng như sáng nào, cả chùa cũng điểm tâm chỉ bằng một món tsampa! Bây giờ cũng thế, không khác. Sáng nào tôi cũng nấu một nồi cháo sáng thật to, và dọn thêm những lát bánh làm bằng luá mì hoặc bằng ngũ cốc trét đầy bơ mặn. Đó là thời gian yên lắng nhất và được gần gũi với thầy tôi nhất. Nhiều vị Đại-Sư cũng đã ngồi ăn sáng trong căn phòng bếp đó, phòng ăn đó. Tôi đã học được rất nhiều từ quý thầy ngay trong những giây phút sớm mai đơn sơ, đôi lúc còn nhiều hơn cả những khi ngồi nghe thuyết pháp. Hỏi thầy tôi những câu hỏi không đầu không đuôi vào buổi sáng, hỏi những câu hỏi có phần thâm hậu hơn một chút cũng vào buổi sáng, được thầy đánh thức tâm mình dậy bằng những câu trả lời thấu đáo cho những câu hỏi mình chưa kịp lên tiếng hỏi cũng buổi sáng. Nụ cười nở tươi dung lượng của thầy tôi đọng lại trong nắng, tỏa ra khắp nơi. Tôi tưởng tượng đến những nụ cười dung lượng y như thế trong hai mươi năm thầy tôi ở trong trại tù Trung Cộng kể từ sau khi Tây-Tạng bị Trung Cộng hòan toàn cưỡng chiếm. Chưa bao giờ tôi nghe thầy lên tiếng kết án một ai, kể cả những kẻ đã cầm tù thầy. Người Tây-Tạng kể, trong trại tù, thầy đã kiên trì tiếp tục học pháp của Đức Phật, học hạnh nhẫn nhục của đất, học tánh từ bi của Bồ-Tát, thầy toạ thiền, nhập định liên tục, và chính ở trong tù, thầy tôi đã đắc pháp. Nắng sớm rồi cũng có lúc tan, nhưng nụ cười và tấm lòng dung lượng của thầy đã vượt ra khỏi cõi vô thường tạm bợ này. Nên những buổi điểm tâm tràn nắng mai và ngập tấm lòng từ bi của thầy, cho riêng chúng tôi, và cho tất cả chúng sinh, chính là những bài pháp thoại quý báu lắm! Tôi ao ước có ngày đủ được nhân duyên để có thể ghi lại hết những gì tôi học được từ thầy tôi, từ tất cả những vị Lạt-Ma đã đến ngụ trong căn nhà quanh năm bốn mùa thay đổi, và mỗi bình minh, đã cùng ngồi ăn những bát cháo lúa mạch nghi ngút khói với chúng tôi.

Nửa đời người, bây giờ tôi mới biết tại sao hai tiếng Lama đã từng theo đuổi tôi từ khi còn bé thơ, theo đuổi suốt! Bây giờ thì đi đâu cũng thấy Lama hết, chỉ thấy toàn Lama, phòng khách, phòng ăn, căn bếp, sân trước, rừng sau, lưng đồi!

 (Trích Bút Ký Buổi Sáng, Điểm-Tâm Cùng Lạt-Ma)



© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage