Phật Học Online

Giới luật & đạo đức
TT. Thích Trí Siêu

Giới luật

Giới luật được đặt ra để giúp hành giả tu tâm sửa tánh, tránh những điều lầm lỗi đưa đến đau khổ cho mình và kẻ khác. Thọ giới nhiều là điều rất tốt nhưng nhiều khi không nhớ hết để mà giữ. 

Giới luật tuy nhiều nhưng ta có thể tóm tắt lại trong một giới căn bản sau đây:

"Không nghĩ xấu và nói xấu kẻ khác".

Không nghĩ xấu và nói xấu kẻ khác tức là tu tâm và tu miệng.

Ở đời ai cũng muốn hạnh phúc sung sướng, nhưng sao cứ gặp khổ đau? Ðó chỉ vì chúng ta không chịu tu sửa tận gốc (tức là sửa tâm ý), mà chỉ chú trọng những hình thức nghi lễ bề ngoài.

Trong kinh Pháp Cú, phẩm Song Yếu có nói: "Tâm dẫn đầu các pháp và làm chủ mọi hành động. Nếu nói hay làm với tâm ô nhiễm, khổ đau sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo".

Chúng ta muốn an vui hạnh phúc nhưng luôn phạm lỗi lầm lớn nhất đó là: nghĩ xấu và nói xấu kẻ khác. Khi khởi một ý nghĩ xấu về ai thì ý nghĩ xấu đó nằm trong tâm của chính ta. Khi nói lời xấu ác thì lời nói đó nằm ngay nơi miệng của ta trước hết. Vì nghĩ xấu kẻ khác nên ta nghi ngờ và xem họ là thù địch, rồi ghét bỏ họ. Vì ta nói xấu kẻ khác nên họ thù ghét lại ta. Từ nghĩ xấu và nói xấu sẽ đưa đến hành động xấu ác tức là tạo nghiệp. Do đó nếu muốn tránh tạo ác nghiệp thì ta phải tu ngay từ trong tâm, giữ tâm trong sạch vắng lặng, trau dồi bốn đức tính (từ, bi, hỷ, xả) và giữ gìn cái miệng, ít nói chuyện thị phi, tốt xấu của kẻ khác. Mỗi khi mở miệng thì chỉ nói lời ái ngữ và sự thật, còn không thì nên im lặng. Giữ gìn được tâm và miệng trong sạch thì chắc chắn hành động sẽ tốt lành. Chúng ta hay thích thọ giới nhiều, học kinh luận cao siêu nhưng lại bỏ sót những điều căn bản và giản dị.

Có người đến hỏi đạo Thiền sư Ô Sào. Ngài nói:

Đừng làm điều ác,

Gắng làm việc lành,

Giữ tâm trong sạch

Đó lời Phật dạy.

Người kia nói: "Cái này ai mà chả biết".

Thiền sư trả lời: "Con nít lên ba cũng biết, nhưng ông già tám mươi làm cũng không xong".

Giới luật tuy nhiều nhưng ta hãy bắt đầu bằng giữ cho tâm và miệng trong sạch thì tất cả giới khác sẽ tự nhiên trong sạch.

Giá trị đạo đức

Trong một buổi thuyết trình về giá trị đạo đức, một giáo sư bắt đầu buổi giảng bằng cách dơ cao một tờ giấy 20 đô-la, và hỏi các sinh viên: "Ai muốn có tờ giấy bạc này?" 

Tất cả sinh viên đều vội vàng dơ tay lên. 

Ông nói tiếp: "Tôi sẽ đưa tờ 20 đô-la này cho một người trong quý vị, nhưng trước đó hãy nhìn xem tôi làm gì với nó đã". 

Nói xong ông ta vo tròn tờ giấy bạc trong tay rồi hỏi: "Quý vị còn muốn tờ giấy bạc này nữa không?" 

Những cánh tay vẫn đua nhau dơ cao lên. 

"Được, tốt lắm, nhưng nếu tôi làm như vậy thì sao?" 

Ông vứt tờ giấy 20 đô-la nhầu nát xuống đất, lấy chân di lên, rồi hình như chưa hả, ông còn nhảy cả hai chân đạp lên đạp xuống cho nó dẹp lép và dính đầy bụi lem lúa.  Rồi ông hỏi tiếp: "Ai còn muốn tờ giấy bạc này?" 

Đương nhiên những cánh tay vẫn dơ cao như thường...

"Này các bạn, quý vị vừa học được một bài học...  Bất kể những gì tôi vừa làm với tờ giấy bạc này (vo tròn, vứt xuống đất, đạp lên trên), quý vị vẫn muốn nó như thường, bởi vì giá trị của nó không thay đổi, nó vẫn là 20 đô-la. Cũng như thế, nhiều lần trong đời, quý vị đã bị giày xéo, hiểu lầm, hất hủi, nhục mạ bởi con người và hoàn cảnh...  Quý vị có cảm tưởng là mình đã mất hết danh dự, không còn xứng đáng gì nữa, nhưng giá trị thật sự của quý vị vẫn không thay đổi dưới mắt của những người hiểu và thương yêu quý vị". 

Nếu bạn là một Phật tử, giữ gìn năm giới, thì bạn nên biết mình có một giá trị rất lớn, đó là giá trị tâm linh, vì tâm của mình bắt đầu trở nên trong sạch và tươi sáng. Đi xa hơn nữa, đức Phật đã dạy rằng trong tâm của chúng ta đều có một viên ngọc vô giá, đó là Phật tánh, khả năng giác ngộ thành Phật. Vì trôi lăn sinh tử nhiều kiếp, chúng ta đã quên bẵng hòn ngọc vô giá của mình, rồi tạo nhiều nghiệp ác, trồi lên hụp xuống, khổ sở muôn vàn như kẻ tội lỗi. Nhưng dưới mắt của chư Phật và Bồ tát, chúng ta chỉ là những đứa con đi hoang, các Ngài vẫn dang tay kiên nhẫn chờ đợi chúng ta tỉnh thức trở về và còn tuyên bố chúng ta là những vị Phật sẽ thành. Vì vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, điều quan trọng cần nhớ là mình có tánh thiện, tánh Phật, nhất quyết không để cho tiền của, danh lợi hư ảo thế gian làm mờ mắt. Và dù có lỡ vấp ngã, chạy theo danh lợi, nhưng biết tỉnh thức quay trở về thì viên ngọc Phật tánh kia vẫn còn nguyên và chờ đợi chúng ta làm cho nó hiển lộ.

Thước đo người tu

Nhiều người tu lâu năm, thường đi chùa, ăn chay, tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật, làm công quả, theo học giáo lý với nhiều bậc thầy nổi tiếng, nhưng những điều này có chứng minh là mình tu giỏi và tu đúng hay không?  

Để tự xét mình tu đúng hay không, chúng ta có thể dựa vào bốn tiêu chuẩn tối thiểu sau đây mà đo:

1. Tánh tham: ưa thích tài sản, danh lợi và sắc dục.

2. Tánh sân: gặp cảnh trái ý, nghịch lòng thì dễ nổi sân.

3. Tánh kiêu căng ngã mạn: thích khoe khoan, xem mình tài giỏi hơn người khác.

4. Chấp ngã sở: cho thầy tôi hay pháp môn của tôi là hay hơn hết.

Bốn điều trên đương nhiên là ai cũng còn nếu chưa chứng quả A la hán, nhưng nếu tu đúng thì càng ngày những tánh này phải yếu dần đi.

Ngoài ra một người tu cần phải có, hoặc trau dồi ít nhất những đức tính sau đây:

1. Biết làm phước, bố thí. Không keo kiệt, bỏn xẻn, bám chặt vào tài sản, tiền bạc của  mình.

2. Nói lời ái ngữ. Không chê bai, chỉ trích, vu khống, phỉ báng kẻ khác.

3. Từ, bi, hỷ, xả. Bốn đức tính căn bản của người tu hành.

4. Khiêm cung và lễ độ. Càng tu thì cái ngã nhỏ dần, biết cung kính tôn trọng kẻ khác.

Nếu tu đúng thì những đức tính này càng ngày càng tăng trưởng.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage