Phật Học Online

Phật quốc ký sự - 05. Chương VI: Thành Xá Vệ
Thích Phước Tiến

Savatthi hay thành Xá Vệ là một thuật từ quen thuộc trong nhiều bản kinh Phật giáo đại thừa, như kinh A Di Đà, kinh Vu Lan Bồn….Bởi vì tại nơi đây, đức Phật đã thuyết nhiều bài pháp rất quan trọng.


1. Thành Xá Vệ (Sāvatthī) và tinh xá Kỳ Viên (Jetavana)

 

 Một phần quang cảnh tinh xá Kỳ viên (Jetavana)      Ảnh: Tâm Bửu

 

 

  Nền hương thất của Phật                     Ảnh: Tâm Bửu

 Khoảng 10 giờ, sau khi ngắm sông Hằng và mua sắm vài thứ cần dùng cho chuyến đi, chúng tôi đã rời khỏi Varanasi (Sarnath) đến Xá Vệ (Sāvatthī) đoạn đường đi bằng xe khoảng 6 tiếng đồng hồ, tương đối xa.

Savatthi hay thành Xá Vệ là một thuật từ quen thuộc trong nhiều bản kinh Phật giáo đại thừa, như kinh A Di Đà, kinh Vu Lan Bồn….Bởi vì tại nơi đây, đức Phật đã thuyết nhiều bài pháp rất quan trọng.

Khi đến nơi được cho là thành Xá Vệ, chúng ta không thấy được gì về dáng dấp của một kinh thành nguy nga, trù phú ngày xưa nữa, nếu không có những nền gạch cũ của các thánh tích Phật giáo còn sót lại. Nhờ nền gạch cũ của các tu viện Phật giáo nổi tiếng trong thành Xá Vệ từ thời đức Phật, chúng ta mới đoán chắc được vùng này từng là một kinh thành thời xa xưa.

Sāvatthī là tiếng Pāli được phiên âm là Xá Vệ, là kinh đô của nước Kiều Tát La (Kosala), do vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) cai trị. Đất nước Kiều Tát La là một trong những quốc gia cường thịnh bậc nhất về chính trị, kinh tế lẫn quân sự vào thời đức Phật còn tại thế. Dân chúng trong thành đông đúc, hiền lương và rất là giàu có. Cũng trong kinh thành nguy nga tráng lệ này, nhiều sự kiện lịch sử trọng đại liên quan đến Phật giáo được diễn ra, mà khi mới nghe qua chúng ta ngỡ ngàng như một câu chuyện huyền thoại. Đặc biệt nhất chính là câu chuyện mua đất xây tinh xá cúng dường đức Phật của một phú gia tên là Cấp Cô Độc (Anāthapindika), khởi nguồn cho một đạo Phật thâm nhập vào trong xứ sở vốn nhiều giáo phái ngoại đạo đang ảnh hưởng lớn mạnh tại nơi này. Sau cuộc hội ngộ với đức Phật tại thành Vương Xá (Rājagaha) nước Ma Kiệt Đà (Magadha) và được đức Phật thuyết pháp giáo hoá, ông Cấp Cô Độc vui mừng khôn tả xiết xin được làm đệ tử của Ngài. Để tỏ lòng cung kính đức Phật, ông Cấp Cô Độc liền trở về thành Xá Vệ nước Kiều Tát La và muốn xây dựng ngôi tịnh xá để thỉnh Phật thuyết pháp. Mặc dù đã tìm kiếm khắp nơi trong thành Xá Vệ nhưng chưa có một khu đất nào vừa với nguyện vọng của ông. Cuối cùng, ông nhớ đến vườn cây của thái tử Kỳ Đà (Jeta), con vua Ba Tư Nặc, là nơi lý tưởng nhất, thích hợp nhất để thực hiện nguyện ước của mình. Nhưng điều quan trọng  là làm thế nào để mua được mảnh đất này, vì ông thừa biết rằng, thái tử Kỳ Đà không cần bất cứ gì để đổi lấy khu ngự uyển đẹp đẽ là nơi thư giãn hàng ngày của ông. Bởi quá nôn nóng cho công việc của mình, lại thêm một lòng kính trọng đức Phật đã thúc đẩy trưởng giả Cấp Cô Độc đến tìm gặp thái tử Kỳ Đà để thương lượng. Thái tử Kỳ Đà rất ngạc nhiên và quái lạ cho sự việc buôn bán này. Nhưng vì nể uy đức của ông Cấp Cô Độc, người thường bố thí cho dân nghèo và ủng hộ đắc lực cho ngân khố quốc gia, nên thái tử trả lời đùa cho qua câu chuyện: “ Trong khu vườn này, nếu ông trải vàng đến đâu thì tôi bán cho ông đến đó”. Chỉ cần một lời hứa suông của thái tử Kỳ Đà, ông Cấp Cô Độc cho người về kho lấy đủ số vàng để trải khắp khu vườn này, chẳng những thế mà nơi mỗi gốc cây đều có một nhúm vàng tương đương với chu vi của nó. Thái tử Kỳ Đà vô cùng kinh ngạc, khi thấy ông trưởng giả thực hiện theo lời đề nghị của mình mà không một chút do dự, điều này đã kích thích lòng tò mò của thái tử. Qua lời giải bày của ông trưởng giả Cấp Cô Độc, thái tử Kỳ Đà vô cùng thán phục đức Phật, một con người giác ngộ, một bậc vĩ nhân xuất hiện trên cõi Diêm Phù Đề, chỉ vì lợi ích cho chư thiên và loài người. Do đó, thái tử Kỳ Đà muốn góp phần trong việc xây dựng tinh xá cúng dường đức Phật, bằng cách dâng toàn bộ số cây trong vườn cho đức Phật. Vì là vườn của ông Cấp Cô Độc nhưng cây là của thái tử Kỳ Đà, nên trong kinh điển thường ghi là Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên, để nói lên việc cúng dường hy hữu này.

Trong 45 năm hoằng hoá độ sanh, đức Phật đã trải qua 25 mùa mưa  nơi thành Xá Vệ, riêng tịnh xá Kỳ Viên (Jetavana) đức Phật đã an cư đến 19 lần. Điều đó đủ cho chúng ta thấy được tầm quan trọng và uy thế của kinh thành Xá Vệ nói chung hay tịnh xá Kỳ Viên nói riêng đối với sự phát triển Phật giáo lớn lao biết dường nào!

 

2. Vai trò vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) đối với Phật giáo

Bên cạnh những đại thí chủ ủng hộ Phật pháp như Cấp Cô Độc thì vai trò của vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) trị vì vương quốc Kiều Tát La (Kosala) cũng không kém phần quan trọng trong việc truyền bá Phật giáo. Được sự hướng dẫn khéo léo của hoàng hậu Phật tử Mạc Lị (Mallika), người rất tin và thâm hiểu Phật giáo, vua Ba Tư Nặc trở thành một vị minh quân, cai trị dân chúng theo con đường của Phật giáo, vì vậy đất nước càng trở nên thịnh trị, thái bình, dân chúng an cư lạc nghiệp.

Nhờ sự bảo hộ của vua chúa, nên đạo Phật phát triển rất là mạnh mẽ, cơ sở Phật giáo được xây cất lên nhiều, từ vua quan cho đến thứ dân đều thấm nhuần giáo lý Phật đà. Những lời vàng ngọc của đức Phật dạy cho vua Ba Tư Nặc về cách trị dân được ghi lại tóm tắt như sau: “Những hành động thiện hay ác của chúng ta mãi theo chúng ta như bóng theo hình. Ðiều cần thiết mà chúng ta phải có là tình thương. Hãy xem thần dân như con ruột của mình, đừng áp bức họ, đừng tổn hại họ, trái lại hãy bảo vệ họ như gìn giữ tay chân của mình. Hãy sống với Chánh Pháp và đi mãi trên con đường lành. Ðừng nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống. Hãy gần gũi và thương yêu những kẻ nghèo khổ.

Ðừng nghĩ nhiều đến địa vị quốc vương và đừng nghe những lời nịnh hót. Không có một sự an lạc nào trong sự làm khổ mình bằng cách ép xác. Nên chú tâm vào Chánh pháp và áp dụng Chánh pháp trong cuộc sống. Chúng sanh đang bị bao quanh bởi những núi thành sầu khổ và chỉ có thể giải thoát bằng cách sống thật với chân lý. Tất cả những bậc trí giả đều ghê tởm những thú vui thấp hèn của xác thịt và trọn sống cho trí tuệ. Thử hỏi: làm sao chim chóc có thể đậu được trên một cây đang bốc cháy dữ dội? Chơn lý cũng vậy, không thể tìm thấy nó trong cuộc sống đầy dục vọng. Không nhận thức được như thế, dầu được xưng tụng là Thánh nhân cũng chỉ là kẻ dốt nát. Nhận thức được như thế là người thật có trí tuệ. Hãy dành nhiều thời giờ cho việc khai sáng tâm trí. Thiếu trí tuệ, cuộc đời trở nên vô nghĩa. Tất cả giáo nghĩa của các tôn giáo phải phụng sự cho trí tuệ loài người. Nếu không chúng không có lý do để tồn tại”.

Đây chính là đạo đức căn bản của người có nhiệm vụ cai trị muôn dân mà suốt đời vua Ba Tư Nặc ứng dụng để đem lại sự phồn vinh và thịnh trị cho đất nước Kosala.

 

3. Giảng đường Lộc Mẫu

Cách tinh xá Kỳ Viên (Jetavana) khoảng 5 km có một vườn xoài, và một bức tường đổ, được cho là khu giảng đường Lộc Mẫu, do nữ thí chủ Tỳ Xá Khư (Visakha) cúng dường. Nữ thí chủ Tỳ Xá Khư là một Phật tử giàu có đứng hàng thứ nhì ở thành Xá Vệ, chỉ sau Cấp Cô Độc. Bà rất tín mộ Phật và phát tâm làm một ngoại hộ thiện tri thức, cúng dường mọi nhu cầu cho tăng ni tu học tại kinh thành này. Có lần bà cầu xin Phật chấp thuận cho bà 8 điều nguyện ước. Nội dung của tám điều ấy đại khái như sau:

1. Trọn đời cúng dường Y trong mùa mưa cho các thầy Tỳ Kheo (ngoài    3 bộ Y chính).

2. Được cúng dường thực phẩm cho các thầy Tỳ Kheo mới đến.

3. Được cúng dường thực phẩm cho các thầy Tỳ Kheo đi xa.

4. Được cúng dường thực phẩm cho các thầy Tỳ Kheo bị bệnh.

5. Cúng dường thực phẩm cho những người nuôi các thầy Tỳ Kheo bị bệnh.

6. Được trọn đời cúng dường cháo sữa buổi mai cho chư tăng.

7. Thuốc men cho các thầy Tỳ Kheo bị bệnh.

8. Được cúng dường y tắm cho các Tỳ Kheo ni.

 Đức Phật đã hứa khả và nói lên lời tán thán công đức bà: Lành thay! lành thay! Tỳ Xá Khư! Ngươi đã khéo xin Như Lai 8 điều trên với những lý do rất xác đáng và lợi ích. Cúng dường đến những người đáng cúng dường như gieo giống trên đất tốt và sẽ được gặt hái nhiều quả tốt. Trái lại nếu cúng dường cho những kẻ thiếu đạo đức, còn mang nặng dục vọng thấp hèn thì chẳng khác gieo giống trên đất xấu. Nắng dục vọng của người thọ lãnh sẽ làm khô chết giống công đức của người cúng dường.

Bà đã dành một khu vườn xoài lớn, thoáng mát và rộng rãi cho Phật và chúng tăng. Trong khuôn viên này, Bà xây dựng một ngôi đại giảng đường nằm ở phía Đông của khu vườn nên gọi là Đông Viên Tịnh Xá. Vì bà là người cư sĩ  đức hạnh, mẫu mực, yêu thương giúp đỡ mọi người, nên được người dân trong thành tôn xưng là Lộc Mẫu (Migāramāta) nghĩa là tình thương yêu, chăm sóc dành cho mọi người hiền lành như nai mẹ thương con. Và đó là lý do vì sao ngôi đại giảng đường có tên là Lộc Mẫu.

Tại ngôi giảng đường này đức Phật cũng thuyết nhiều bài kinh quan trọng như  kinh Quán Niệm Hơi Thở, kinh Tiểu Mãn Nguyệt ...  và nhiều đoạn kinh có đề cập đến bà. Bà sống trên 120 tuổi, qua đời sau đức Phật Niết Bàn khoảng 60 năm.

 

4. Cội Bồ Đề Ānanda

 

Cội Bồ Đề A Nan Đa                      Ảnh: Tâm Bửu

Từ cổng chính tinh xá Kỳ Viên (Jetavana) đi vào khoảng 30m, phía bên phải, chúng ta nhìn thấy một cây Bồ Đề thật to nằm sát bên lối đi, có hàng rào bao bọc để bảo vệ, đó chính là cây bồ đề của Ngài A Nan Đà (Ānanda) trồng.

Chúng ta thường biết rất rõ về cây Bồ Đề linh thiêng tại thánh địa Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya), cội cây mà đức Thế Tôn thiền định 49 ngày đêm và chứng vô thượng giác, nhưng ít người trong chúng ta biết đến cây Bồ Đề tại tinh xá Kỳ Viên, do Ngài A Nan chiết từ cây bồ đề tại Bồ Đề Đạo Tràng. Tại sao lại là cây Bồ Đề từ chỗ Phật thành đạo mà không phải là cây Bồ Đề khác hay bất cứ loại cây gì để gây bóng mát? Việc này bắt đầu từ một lần nọ, trưởng giả Cấp Cô Độc đến tịnh xá Kỳ Viên thăm viếng đức Phật. Vào lúc đó, đức Phật đang đi du hoá nơi xa nên ông không gặp được đức Phật. Trong thời gian đức Phật không có mặt nơi tịnh xá Kỳ Viên, không riêng gì Cấp Cô Độc mà còn rất nhiều tín chủ đến chiêm bái và cúng dường vật thực đều thất vọng, buồn bã vì không đảnh lễ được đức Thế Tôn. Theo lời đề nghị của trưởng giả Cấp Cô Độc là làm sao đảnh lễ được đức Phật khi Ngài du hoá phương xa? Ngài A Nan đã thưa chuyện này lên đức Phật. Đức Phật dạy Ngài A Nan nên trồng một cây Bồ Đề lấy từ Bồ Đề Đạo Tràng. A Nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Xin Ngài hoan hỷ cho con đem giống Bồ Đề từ cây Bồ Đề nơi Thế Tôn đã thành đạo mang về đây trồng trước cửa tinh xá”. Đức Phật đồng ý: “Được lắm A Nan! Hãy trồng cây Bồ Đề tại đây và hãy nói với chư thiện nam tín nữ là ta luôn hiện diện dưới cội Bồ Đề này. Sau khi Ngài Mục Kiền Liên đem giống Bồ Đề về đến tinh xá, tôn giả  A Nan mang nó trồng trước cổng Tinh Xá Kỳ Viên. Đức Phật toạ thiền dưới gốc cây này một đêm, để cây Bồ Đề được hấp thụ khí thiêng từ công đức của Phật. Từ đó cây Bồ Đề này được đặt tên là Ānanda.

 

5. Nền tháp tôn giả Vô Não và nền nhà Cấp Cô Độc

 

       Nền tháp tôn giả Vô Não (Angulimala)               Ảnh: Tâm Bửu

 

Nền nhà trưởng giả Cấp Cô Độc (Annathapindika)    Ảnh: Tâm Bửu

Cách tịnh xá Kỳ Viên (Jetavana) không xa có hai nền tháp cũ gần nhau khoảng 100m, đó là nền nhà của ông Cấp Cô Độc (Anāthapindika) và nền tháp của tôn giả Vô Não (Angulimala). Riêng nền tháp của tôn giả Angulimala không còn nguyên vẹn như nền nhà của Cấp Cô Độc mà nó chỉ là một khối gạch cũ với nhiều đường hầm và lối đi lỏm chỏm đá gạch. Người quanh vùng thường gọi tháp này với tên địa phương là tháp Kacchi Kuti.

Trước khi trở thành sa môn Phật giáo, Angulimala là một tên sát nhân hung bạo tại thành Xá Vệ. Vua Ba Tư Nặc rất khổ tâm về tên giết người quái lạ chỉ vì ngón tay này. Thật ra, ban đầu Angulimala là một chàng thanh niên hiền lành chất phác, không làm tổn hại ai nên có tên là Ahimsā nghĩa là Vô Não. Vì bị đầu độc bởi một tà sư ngoại đạo nên Angulimala trở thành kẻ giết người lấy ngón tay làm vòng hoa đeo cổ, hầu mong đạt đạo khi vòng hoa đủ số 1000 ngón tay của một ngàn người. Chỉ thiếu một ngón tay thôi là đủ số lượng nhưng ông ta tìm mãi không ra được một người nào ngang qua khu rừng vắng. Do quá nôn nóng cho việc đắc đạo mù quáng của mình nên Angulimala trở về nhà toan giết mẹ cho đủ số một 1000 ngón tay. Nhờ duyên lành nhiều kiếp trong quá khứ, đức Phật dùng thần lực nhiếp hóa để ông khỏi mang tội đại nghịch giết mẹ. Sau khi ăn năn tội lỗi của mình nhờ giác ngộ được lời Phật dạy, Angulimala xuất gia theo Phật, tu hành tinh tấn, chẳng bao lâu chứng được thánh quả A La Hán, nhưng phải chịu nhiều quả báo do nghiệp ác đã gieo. Toàn bộ nội dung, tình tiết câu chuyện này được ghi lại trong kinh Angulimala, số 86, thuộc Trung Bộ.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage