Phật Học Online

Mang thơ Thiền Việt Nam ra thế giới

Nhiều người đã biết nghệ nhân Lê Văn Kinh là con trai của người từng thêu áo cho vua triều Nguyễn, là cháu ngoại Tham tri Bộ Lễ Nguyễn Văn Giáo. Cũng nhiều người biết đến ông với kỷ lục thêu bài kệ Cáo tật thị chúng của Thiền sư Mãn Giác bằng 14 thứ tiếng. Nhưng ông không chỉ dừng ở đó…


Song ít ai biết rằng những bức tranh thêu “Cáo tật thị chúng” của ông xuất phát từ tâm trí của một Phật tử, từ cảm cái “Đạo” hòa quyện với cái “Tình” nhân văn của vị Thiền sư. Và cũng ít ai biết được ông đã, đang ngày đêm trăn trở để mang thơ Thiền Việt Nam đến những quốc gia có nhiều người theo Phật giáo.

Con trai nghệ nhân từng thêu áo cho vua

Vốn gốc làng thêu Quất Động (Thường Tín – Hà Nội), là hậu duệ của ông tổ nghề thêu Lê Công Hành, gia đình nghệ nhân Lê Văn Kinh vào kinh đô Huế lập nghiệp và trở thành những nghệ nhân thêu nổi tiếng khắp cố đô. Khi vua Khải Định mừng sinh nhật lần thứ 40, làm lễ “tứ tuần đại khánh”, gấm loại tốt nhất được mua về từ phương Bắc mà vua vẫn không ưng, sai người vời nghệ nhân Lê Văn Hỡi vào thêu kim tuyến xen trên nền gấm để làm vải may áo.

Việc thêu áo vua được giao cho hai nghệ nhân. Chẳng biết thực hư đến đâu, nhưng có chuyện đồn đại rằng, một người kia chỉ vì lỡ thêu một móng chân rồng lẩn trong mây mà bị vua sai người chặt mất ngón tay út. Viên quan Bộ Lễ phụ trách việc thêu áo cho vua bị cách chức (?). Chỉ có nghệ nhân Nguyễn Văn Hỡi cẩn trọng làm vừa lòng vua nên bình an vô sự. Những người già ở Huế, tiếp xúc ít nhiều với cung vua giờ vẫn kể lại cho nhau nghe câu chuyện “chơi” với vua như chơi với hổ.

Dù tuổi cao, nghệ nhân Lê Văn Kinh vẫn miệt mài với những bức thêu

Mang dòng máu của đất tổ nghề thêu, cái gen nghệ nhân thêu thùa cũng được truyền qua nhiều thế hệ, nghệ nhân Lê Văn Kinh luôn là một trong số ít “cao thủ” của nghề kim chỉ. Đến một ngày của gần 20 năm trước, một đoàn nhà báo nước ngoài đến Việt Nam, về thăm cố đô Huế, có nhà báo nói: “Nhiều nước trên thế giới, người ta đưa thơ ca vào các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nhiều lắm, mà sao một đất nước của ca dao, văn thơ như Việt Nam lại chưa có sản phẩm nào tương tự như thế?”.

Có mặt ở đó, tận tai nghe câu nói ấy, ông Kinh nổi máu tự ái nghề nghiệp của “con nhà nòi”. Ông về nhà quyết tâm tìm tòi để thêu. Bức đầu tiên ông thêu là câu thơ được lấy trong Truyện Kiều, ông thể hiện câu chiết tự chữ Tâm của cụ Nguyễn: “Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời”, câu thơ bằng chữ Quốc ngữ kết hợp với chữ Tâm nổi lên ở chính giữa. Rồi cả chữ Tâm trong câu: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” vẫn là mẫu thêu được ưa chuộng ở cơ sở của ông cho đến tận ngày nay.

Hành trình giới thiệu thơ Thiền Việt Nam

Ông Kinh là một Phật tử, lại biết chữ Hán nên ông hiểu nhiều về những bài thơ Thiền thời Lý – Trần. Trong số những bài thơ ấy, ông đặc biệt thích bài kệ Cáo tật thị chúng (Có bệnh bảo mọi người) của Thiền sư Mãn Giác: “Xuân khứ bách hoa lạc/ Xuân đáo bách hoa khai/ Sự trục nhãn tiền quá/ Lão tòng đầu thượng lai/ Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.” (Dịch: Xuân đi trăm hoa rụng. Xuân đến trăm hoa cười. Trước mắt việc đi mãi. Trên đầu già đến rồi. Đừng tưởng Xuân tàn hoa rụng hết. Đêm qua sân trước một nhành mai). Ông nảy ra ý nghĩ: “Tại sao mình lại không thể hiện bài thơ này trên tranh thêu” và bức thêu Cáo tật thị chúng đầu tiên, ông chọn thêu bản dịch của cụ Tản Đà.

Bài thơ Thiền Cáo tật thị chúng bằng 4 trong số 18 thứ tiếng
do chính tay nghệ nhân Lê Văn Kinh thêu

Khoảng năm 2000, một vị khách người Đức tên Jeff Bo Bollinger đến thăm cơ sở thêu của ông Kinh, không chỉ trên phương diện về nghệ thuật thêu tranh, họ còn có những trao đổi về văn hóa, cuộc sống. Jeff Bo Bollinger đề nghị: “Ông hãy dành cho tôi một đặc ân mang tính văn hóa thuần Việt Nam trước khi tôi về nước”.

Ông Kinh nghĩ ngay đến dòng thơ Thiền Lý - Trần và bài Cáo tật thị chúng. Jeff Bo Bollinger ban đầu phủ nhận cái hay của bài thơ. Ông Kinh đã dùng tiếng Pháp để cắt nghĩa, giải thích cho Bollinger hiểu được cái hay của Cáo tật thị chúng. Vợ ông vẫn nhớ: Hai ông ấy ngồi từ 9h sáng đến 3h chiều chỉ để nói về bài thơ, bánh mì, đồ ăn tôi mang lên mà cũng không đụng đến.

Và sau 6 tiếng bình giảng bằng tiếng Pháp, ông Bollinger đã bị thuyết phục, ông còn ngỏ ý sẽ dịch Cáo tật thị chúng sang tiếng Đức. Có nhiều bức, Cáo tật thị chúng được những dịch giả, những người bạn yêu chữ nghĩa người ngoại quốc dịch ra ngôn ngữ của họ như thế. Song, cũng có nhiều bức ông Kinh phải tự bỏ tiền túi ra để thuê người dịch. Không kể công thêu, mỗi bản dịch Cáo tật thị chúng ông đi thuê người dịch cũng đã mất trên dưới hai triệu đồng.  

Có được bản dịch sang nhiều thứ tiếng sao cho sát nghĩa đã khó. Việc thể hiện để mỗi bức mang một phong cách khác nhau lại càng khó hơn. Đầu tiên ông viết chữ ra giấy, lắm khi viết lại dăm bảy lượt mới được một con chữ ưng ý, không lẽ mọi chữ khác lại bỏ đi và viết lại, thế thì đến bao giờ? Ông nảy ra cách, mỗi khi viết được một chữ ưng ý là “đục” ngay con chữ đó ra rồi ghép lại thành từ, thành câu. Sau đó căng tấm lụa như họa sĩ căng toan vẽ tranh, tấm lụa bạch căng dưới ánh điện, từng con chữ đặt ở dưới và bắt đầu đồ.

10 năm thêu bài thơ với 18 thứ tiếng

Đồ được hết các con chữ, các câu, ông lại nghiên cứu xem bức này sẽ thêu kiểu chữ gì, đổ bóng chữ thế nào, màu sắc pha ra sao cho phù hợp với đặc trưng của ngôn ngữ nước ấy.

Đúng là có tâm thì mọi việc đều thành. Mười năm qua, tự tay ông lão ở tuổi cổ lai hy đã thêu hoàn thành 21 bản Cáo tật thị chúng bằng 18 thứ tiếng. Bức bằng tiếng Ý là cách pha với ba gam màu trắng, đỏ, xanh lá đúng như màu cờ nước Ý, nét chữ thêu mềm mại, cổ điển mà phóng khoáng. Bức mới nhất ông thêu bằng chữ viết của Nhà nước Israel, màu xanh tím than trên nền lụa trắng, cũng là hai màu trên lá quốc kỳ Israel.

Cáo tật thị chúng, thơ Thiền Việt Nam bằng tranh thêu chữ của nghệ nhân Lê Văn Kinh đã nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn nổi tiếng với nhiều bạn bè quốc tế, họ tìm đến nhà ông như một điểm giao lưu văn hóa, tìm hiểu đất nước và con người Việt Nam.

Mới ngày 24/11, vị GS người Ấn Độ cùng con gái Anup Mukerji S.halimi đến thăm ông và bài Cáo tật thị chúng  nổi tiếng, vị GS đó đang giúp ông dịch “Cáo tật thị chúng” sang tiếng Ấn. Thi thoảng, nhà ông lại có những vị dịch giả tự nguyện như thế.

Đưa thơ Thiền tới các quốc gia Phật giáo

83 tuổi, nghệ nhân Lê Văn Kinh vẫn miệt mài tìm người nhờ dịch Cáo tật thị chúng sang các thứ tiếng khác. Ông còn 7 ngôn ngữ nữa mới đủ mục tiêu mà mình đặt ra: “Khi nào đủ Cáo tật thị chúng bằng các ngôn ngữ của những nước có đông người theo đạo Phật thì tôi mới tính đến chuyện mở triển lãm. Trời cho tôi sức để làm thì tốt, không thì các con tôi sẽ mang Cáo tật thị chúng, mang thơ Thiền Việt Nam đến những quốc gia Phật giáo trên thế giới”- ông chia sẻ.

Bài và ảnh: Uông Ngọc ( Thể Thao văn hóa)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage