Căn
bản Thiền minh sát
Một loạt những
thời Pháp
do Ngài MAHASI SAYADAW thuyết giảng
nhân dịp Đầu Năm Miến Điện 1320 (1959 D.L)
Maung
Tha Noe
dịch từ tiếng Miến
Điện sang Anh
Phạm Kim Khánh
dịch từ Anh sang Việt
Vắng Lặng và Minh Sát
Chúng ta
thiền về những gì? Làm thế nào để phát triển tuệ minh sát? Đó là
những câu
hỏi quan trọng. Có hai pháp hành thiền: hành thiền để làm cho tâm
trở nên
vắng lặng và hành thiền để khai triển tuệ minh sát.
Thiền về mười đề mục dùng vật chế
ra
(kasina) để chú niệm, chỉ đưa đến tâm vắng lặng. Thiền về mười đề
mục ô
trược (asubha, như mười loại tử thi), cũng chỉ đưa đến vắng lặng,
không
đến minh sát. Mười đề mục suy niệm như niệm Phật, niệm Pháp, niệm
Tăng,
niệm Giới v.v..., cũng chỉ có thể phát triển vắng lặng, không khai
triển
minh sát. Niệm về ba mươi hai phần của thân như tóc, móng tay móng
chân,
răng v.v... cũng không phải minh sát mà chỉ phát triển trạng thái
vắng
lặng.
Niệm hơi thở cũng phát triển vắng
lặng.
Nhưng hành giả có thể dùng pháp niệm hơi thở để triển khai minh
sát. Sách
Thanh Tịnh Đạo, Vissudhi Magga, xếp pháp nầy vào hạng Thiền Vắng
Lặng, vậy
chúng ta cũng xem nó là như vậy.
Có pháp suy niệm về bốn phẩm hạnh
từ, bi,
hỷ, xả gọi là tứ vô lượng tâm, và bốn pháp dẫn đến Thiền (Jhàna)
Sắc Giới
và Vô Sắc Giới. Rồi có pháp suy niệm về tánh cách ghê tởm của vật
thực.
Những đề mục ấy là của Thiền Vắng
Lặng.
Khi hành giả thực hành quán niệm các nguyên tố hợp thành cơ thể
vật chất
thì pháp nầy được gọi là phân tích tứ đại. Mặc dầu là Thiền Vắng
Lặng,
pháp nầy cũng giúp khai triển tuệ minh sát.
Tất cả bốn mươi đề mục hành thiền
kể trên
là để phát triển tâm định [Vì
lẽ ấy
pháp hành nầy cũng được gọi là Thiền "Định", đối với Thiền Minh
Sát, gọi
là Thiền "Tuệ", hay thiền "Chỉ" đối với thiền "Quán". Ở đây dùng
danh từ
Thiền Vắng Lặng, trực tiếp phiên dịch phạn ngữ Samatha, có nghĩa
yên tĩnh,
vắng lặng, đồng nghĩa với samàdhi, định, cittekaggatà, nhất điểm
tâm, và
avikkhepa, tâm không chao động].
Chỉ có pháp niệm hơi thở và pháp phân tích tứ đại liên quan đến
Thiền Minh
Sát. Còn lại, những pháp kia không dẫn đến tuệ minh sát. Người đã
thực
hành những pháp ấy muốn thành đạt tuệ minh sát còn phải gia công
thực hành
thêm nữa.
Trở lại vấn đề của chúng ta. Làm
thế nào
phát triển tuệ minh sát? Câu trả lời là: Phải phát triển tuệ minh
sát bằng
cách quán niệm ngũ uẩn thủ (pancupàdànakkhandha, năm nhóm bám níu.
Năm
nhóm gọi là ngũ uẩn gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức, làm đối tượng
cho sự
dính mắc, luyến ái bám chặt vào, tức chấp thủ).
Những tính chất tinh thần và vật
chất bên
trong chúng sanh là ngũ uẩn thủ. Ta có thể bám níu năm nhóm nầy
với tâm
hoan hỉ vì lòng tham ái, gọi là "trần cảnh thủ", sự bám níu vào
trần cảnh,
tức luyến ái duyên theo những đối tượng của giác quan. Ta cũng có
thể lầm
lạc bám níu vào những quan kiến sai lầm, gọi là "tà kiến thủ",
luyến ái
bám níu, vì tà kiến. Hành giả phải quán niệm, quan sát và thấy
những bám
níu nầy đúng theo thực tướng của nó, như thật sự nó là vậy. Nếu
không
chuyên cần chú niệm và quan sát, hành giả sẽ bám chặt vào nó với
tâm tham
ái và tà kiến. Một khi hành giả đã thấy rõ thực tướng của nó thì
không còn
bám níu nó nữa và bằng cách ấy, hành giả phát triển tuệ minh sát.
Chúng ta
sẽ thảo luận về ngũ uẩn thủ với chi tiết.
Ngũ Uẩn
Năm uẩn đối tượng của sự bám níu
là: sắc,
thọ, tưởng, hành, thức. Nó là gì? Năm uẩn ấy là những gì mà ta
luôn luôn
kinh nghiệm. Không cần phải đi tìm ở đâu. Nó ở ngay bên trong
chúng ta.
Khi ta thấy, nó ở trong sự thấy. Khi nghe, nó ở trong sự nghe. Khi
hửi,
nếm, sờ đụng hoặc suy tư, nó ở trong mùi, vị, xúc chạm, và tư
tưởng. Khi
ta co vào, duỗi ra, hoặc cử động chân tay, năm uẩn ở trong sự co
vào, duỗi
ra, hoặc cử động. Chỉ có điều là ta không biết rằng nó là ngũ uẩn.
Bởi vì
ta không hành thiền, không quán niệm và không hiểu biết đúng như
thật sự
nó là vậy. Vì không hiểu biết thực tướng của nó nên chúng ta bám
níu vào
với lòng tham ái và tà kiến.
Điều gì xảy ra khi ta co tay vào? Trước tiên, có ý định co vào.
Sau đó,
có những hình thức co vào liên tục tiếp nối. Ý định co vào gồm bốn
uẩn
thuộc về danh, phần tâm linh. Cái tâm có ý định co tay vào là thức
uẩn.
Khi nghĩ đến co tay vào và sau đó, cử động co tay vào, ta có thể
cảm nhận
thọ lạc hay thọ khổ, hoặc thọ vô ký (không lạc không khổ). Nếu co
tay vào
một cách thoải mái dễ chịu thì đó là thọ lạc. Nếu cảm nghe khó
chịu hay
bực mình thì đó là thọ khổ. Nếu không cảm nghe thoải mái cũng
không khó
chịu thì đó là thọ vô ký. Như vậy, khi nghĩ đến sự co tay vào, có
"thọ"
uẩn. Rồi tiếp theo là tri giác, cái uẩn hay biết cử động co tay
vào, đó là
tưởng uẩn. Rồi có trạng thái tâm giục ta co tay vào. Ta cảm nghe
như có
lời thúc giục, "Hãy co tay vào! Hãy co tay vào!" Đó là hành uẩn.
Như vậy
trong ý định co tay vào có đủ tất cả bốn uẩn của danh: thọ, tưởng,
hành,
thức. Cử động co tay vào là phần vật chất, hay hình sắc. Đó là sắc
uẩn.
Như vậy ý định co tay vào cùng với cử động co tay vào bao gồm tất
cả năm
uẩn.
Trong một cử động co tay vào có đủ
ngũ
uẩn. Ta cử động một lần, có ngũ uẩn phát sanh một lần. Ta cử động
một lần
nữa, có ngũ uẩn phát sanh một lần nữa. Mỗi cử động khơi mào cho
ngũ uẩn
phát sanh một lần. Nếu ta không hành thiền, không suy niệm về ngũ
uẩn và
không hiểu biết ngũ uẩn một cách chân chánh, khỏi cần phải nói
chuyện gì
xảy ra. Chính ta sẽ tự biết lấy.
Đúng vậy, ta nghĩ, "Tôi có ý
định co tay vào" và "Tôi co tay vào". Có
phải vậy không? Mỗi người đều hiểu như vậy. Hỏi một em bé, em sẽ
trả lời
như vậy. Hỏi một người đứng tuổi mà không biết đọc biết viết,
người ấy
cũng trả lời y như vậy. Bây giờ, hỏi một người biết đọc, biết
viết. Nếu
ông ta thành thật nói ra đúng như ông thật sự nghĩ thì câu trả lời
cũng
giống như vậy. Nhưng ông là người có học vấn, ông có thể chế tạo
một câu
trả lời thích hợp với kinh điển. Ông sẽ nói đó là "danh-sắc". Trả
lời như
vậy không phải vì ông am hiểu như vậy, mà vì ông cố tạo nên một
câu trả
lời thích hợp với những gì mình học trong kinh điển. Sâu kín trong
thâm
tâm, ông ta vẫn nghĩ, "Chính 'Tôi' có ý định co tay vào", "Chính
'Tôi' co
tay vào", "Chính 'Tôi' muốn cử động", "Chính 'Tôi' cử động". Ông
cũng
nghĩ, "Cái 'Tôi' ấy đã có hiện hữu trước kia, đến nay vẫn còn đang
hiện
hữu, và sẽ còn hiện hữu trong tương lai. Ta tồn tại mãi mãi." Lối
suy tư
ấy được gọi là ý niệm thường còn. Không có ai nghĩ rằng "Cái ý
định co tay
vào chỉ hiện hữu trong hiện tại". Người tầm thường luôn luôn nghĩ,
"Cái
tâm nầy trước kia đã có hiện hữu. Cũng cái tâm trước kia đã có
hiện hữu
nầy, bây giờ đang nghĩ đến việc co tay vào". Họ cũng nghĩ, "Cái
'Tôi' mà
đang suy tư, đang hiện hữu trong hiện tại, sẽ còn tiếp tục hiện
hữu trong
tương lai."
Khi co vào hoặc cử động tay chân
ta nghĩ,
"Chính tay chân nầy đã có hiện hữu trước kia, và hiện giờ đang cử
động.
Chính cái 'Tôi' nầy đã hiện hữu và hiện đang cử động". Sau khi cử
động tôi
lại nghĩ trở lại, "Tay chân nầy, cái 'Tôi' nầy, luôn luôn tồn
tại". Ta
không hề nghĩ rằng tất cả những cái ấy đều phải hoại diệt. Đó cũng
là ý
niệm thường còn. Đó là bám níu vào những gì vô thường mà xem là
trường
tồn, bám níu vào những gì vô ngã, không có thực chất, mà xem là
bản ngã,
là cái 'Tôi' vĩnh cửu.
Rồi, bởi vì ta co tay chân vào hay
duỗi ra
theo ý muốn, ta nghĩ rằng như vậy là rất tốt đẹp. Thí dụ như khi
cảm nghe
cánh tay bị tê cứng, ta xếp cánh tay lại, di động theo một chiều
khác, và
nghe hết tê. Ta cảm thấy thoải mái dễ chịu và nghĩ rằng như vậy là
rất tốt
đẹp. Ta nghĩ rằng đó là vui sướng, hạnh phúc. Những nhà khiêu vũ
thiện
nghệ hay tài tử, nhảy múa, co tay co chân vào rồi duỗi ra và nghĩ
rằng
thật là tốt đẹp. Họ lấy làm thỏa thích và tự mãn. Khi trò chuyện
với nhau
chúng ta thường quơ tay và cử động đầu. Chúng ta thỏa thích nghĩ
rằng đó
là hạnh phúc. Khi viên mãn hoàn tất một công trình ta cũng thấy là
tốt đẹp
và cảm nghe hạnh phúc. Đó là hoan hỉ, thỏa thích do tham ái và bám
níu vào
sự vật. Cái vô thường tạm bợ ta xem là thường còn và hoan hỉ thọ
hưởng.
Cái không phải là hạnh phúc, không phải là tự ngã vĩnh tồn mà chỉ
là những
nhóm thành phần vật chất hay tinh thần (những uẩn), ta xem là hạnh
phúc,
là tự ngã và hoan hỉ thỏa thích. Chúng ta thỏa thích với nó, bám
sát vào
nó, lầm tưởng rằng nó là chính ta, là tự ngã của ta, và chặt chẽ
dính mắc
vào nó.
Vậy, khi co vào, duỗi ra, hoặc cử
động tay
chân ta có ý nghĩ, "Tôi sẽ co vào" là uẩn thủ. Cử động co vào là
uẩn thủ.
Ý nghĩ duỗi ra là uẩn thủ. Sự duỗi ra là uẩn thủ. Ý nghĩ, "Ta sẽ
cử động"
là uẩn thủ. Sự cử động là uẩn thủ. Khi nói hành thiền về ngũ uẩn
thủ chúng
ta chỉ đề cập đến những sự việc như vậy.
Sự việc cũng xảy diễn cùng một thế
ấy khi
ta thấy, nghe, hửi v.v... Khi thấy, nền tảng của sự thấy hiển
nhiên là
mắt. Đối tượng của sự thấy cũng biểu lộ hiển nhiên. Cả hai -- mắt
và đối
tượng của sự thấy -- là phần vật chất (sắc), tự chính nó không có
khả năng
hay biết. Nhưng nếu không chú niệm trong khi thấy ta sẽ dính mắc
vào nó.
Ta nghĩ rằng toàn thể thân nầy, cùng với mắt, là thường còn, là
hạnh phúc,
là tự ngã của ta, và bám níu vào nó, nghĩ rằng toàn thể thế gian
vật chất,
cùng với đối tượng của sự thấy nói trên, là thường còn, đẹp đẽ,
tốt lành,
hạnh phúc, là bản ngã của ta, và bám níu vào nó. Như vậy, mắt
(nhãn căn)
và đối tượng của sự thấy (nhãn trần) là những uẩn thủ (những nhóm
đối
tượng của sự bám níu).
Và trong khi thấy, sự "trông thấy"
(nhãn
thức) cũng hiển nhiên. Đó là bốn uẩn thuộc về danh, phần tâm linh.
Hay
biết có sự thấy -- chỉ có sự thấy suông, chỉ thấy thôi mà không
biết thấy
gì -- là thức uẩn. Thỏa thích hay bất mãn khi thấy là thọ uẩn. Cái
gì nhận
ra đối tượng của sự thấy là tưởng uẩn. Cái gì hướng sự chú ý đến
đối tượng
của sự thấy là hành uẩn. Đó là bốn uẩn cấu thành phần tâm linh.
Nếu không
niệm trong khi thấy ta có khuynh hướng nghĩ rằng cái thấy nầy
"trước đây
đã có hiện hữu và hiện thời đang hiện hữu". Hoặc nữa, khi thấy
điều tốt
đẹp ta có thể nghĩ, "Sự thấy là tốt đẹp", và khi suy tư như vậy ta
theo
đuổi, bám níu vào những sự việc tốt đẹp và kỳ diệu biểu hiện trong
sự
thấy. Ta bỏ tiền ra để xem múa hát hay xem chớp bóng, lắm khi phải
mất ngủ
và tổn hại đến sức khỏe, vì ta nghĩ rằng làm như vậy là tốt, là
đúng. Nếu
không nghĩ là tốt ắt ta không tiêu phí tiền bạc, thì giờ và chịu
để sức
khỏe bị hao mòn. Ta nghĩ rằng cái gì xem múa hát là "Ta". "Ta
Xem", "Ta
Thỏa Thích". Đó là bám níu (thủ) với tham ái và tà kiến. Vì ta
dính mắc,
luyến ái, bám chặt vào danh và sắc biểu lộ trong sự thấy, nên gọi
đó là
uẩn thủ, những nhóm đối tượng của sự bám níu.
Cùng một thế ấy, ta bám níu trong
sự nghe,
sự hửi, sự nếm v.v... Ta cũng bám níu chặt chẽ hơn vào cái tâm
nghĩ ngợi,
tưởng tượng, suy tư, xem đó là "Ta", là "Tự Ngã" chắc thật của ta.
Như
vậy, ngũ uẩn thủ không phải gì khác hơn là chấp thủ vào những gì
tự biểu
hiện nơi sáu cửa (lục căn, hay lục nhập) mỗi khi ta thấy, nghe,
thọ cảm,
hoặc hay biết. Ta phải cố gắng thấy rõ các uẩn ấy đúng theo thực
tướng của
nó. Hành thiền về ngũ uẩn và nhận thấy rõ ràng như đúng thực nó là
vậy,
thấu triệt thực tướng của ngũ uẩn, là tuệ minh sát.
Tuệ Giác và Giải Thoát
"Thiền Minh Sát là thực hành quán
niệm ngũ
uẩn thủ". Điều nầy đúng theo giáo huấn của Đức Bổn Sư. Những lời
dạy của
Đức Phật được gọi là "sutta" có nghĩa là "sợi chỉ". Khi người thợ
mộc sắp
cưa hay bào một khúc gỗ thì anh dùng sợi chỉ có thấm mực để đánh
dấu một
lằn ngay thẳng trên mặt gỗ. Cái lằn ấy là mẫu mực để anh theo đó
mà cưa,
bào hay gọt. Cùng thế ấy, khi muốn sống đời phạm hạnh thánh thiện
ta phải
theo đúng mẫu mực, hay sutta. Đức Phật bỏ mực, vạch con đường để
ta lấy đó
làm khuôn vàng thước ngọc cho công trình tu tập, dựa theo Giới
Luật, phát
triển tâm Định, và thành đạt Trí Tuệ. Chúng ta không thể đi lệch
ra ngoài
lằn mực để hành động hay nói năng theo ý riêng.
Về phương pháp liên quan đến ngũ
uẩn thủ,
sau đây là một vài đoạn được trích ra từ những bài sutta, kinh:
"Nầy chư Tỳ Khưu, sắc là vô
thường. Cái gì
vô thường là khổ. Cái gì khổ không phải là tự ngã. Cái gì không
phải tự
ngã ắt không phải là của ta, không phải là ta, không phải là tự
ngã của
ta. Khi sắc thật sự sanh khởi, ta phải phân biện nó với Chánh Kiến
như
vậy". -- Samyutta Nikàya,
Tạp A
Hàm, ii, 19
Ta phải gia công hành thiền để có
thể nhận
thức rõ ràng rằng cái sắc vô thường, khổ và vô ngã nầy thật sự là
vô
thường, đau khổ một cách khủng khiếp và không chứa đựng thực chất,
một tự
ngã hay một cái "Ta" thường còn, không biến đổi. Cùng thế ấy, ta
phải quán
niệm thọ, tưởng, hành và thức. Xem ngũ uẩn là vô thường, khổ và vô
ngã thì
có lợi ích gì?
-- Đức Phật dạy:
"Xem tất cả mọi sự vật bằng
cách ấy người
đệ tử của bậc Thánh Nhân đã thọ huấn đầy đủ sẽ không quan tâm đến
sắc,
không quan tâm đến thọ..." --
Samyutta Nikàya, Tạp A Hàm, ii, 68
Người nhận thức bản chất vô
thường, khổ,
vô ngã của ngũ uẩn cũng nhàm chán sắc, thọ, tưởng, hành, thức:
"Bằng cách không quan tâm đến, vị
ấy không
khát khao ham muốn".
Điều nầy có nghĩa là vị ấy
đã đạt Thánh Đạo:
"Do sự không khát khao ham muốn, vị
ấy đã
giải thoát".
Một khi đã đạt đến Thánh Đạo thì
vị ấy
tuyệt đối buông bỏ, không còn khát khao ham muốn. Vị ấy đã thành
đạt bốn
Quả, hoàn toàn giải thoát ra khỏi mọi nhiễm ô, tuyệt đối trong
sạch.
"Được giải thoát, phát sanh tri
kiến 'Ta
đã giải thoát'."
Khi được giải thoát, chính tự ta
hiểu biết
rằng mình đã giải thoát. Nói cách khác, khi ta thành tựu Đạo Quả A
La Hán
và tuyệt đối tận diệt mọi nhiễm ô ngủ ngầm trong tâm, ta sẽ biết
rằng mình
đắc Quả A La Hán.
Tất cả những đoạn trên đây đều
được trích
từ kinh Yad Anicca Sutta. Có nhiều bài kinh khác cũng dạy như vậy.
Toàn
thể phẩm Khandhàvagga của bộ Tạp A Hàm, Samyutta Nikàya, bao gồm
những bài
tương tợ như thế. Có hai bài kinh đặc biệt đáng được lưu ý là
Sìlavanta
Sutta và Sutavanta Sutta. Trong cả hai bài Đại Đức Mahà Kotthika
nêu ra
nhiều câu hỏi cho Đức Sàriputta. Ngài Sàriputta chỉ trả lời vắn
tắc nhưng
rất sống động. Ngài Mahà Kotthika hỏi:
"Kính Bạch Sư Huynh, một tỳ khưu
đã trang
nghiêm trì giới phải chuyên cần quán niệm những điều gì?"
Nên ghi nhận những danh từ "trang
nghiêm
trì giới" được dùng trong câu hỏi. Nếu ta chú nguyện hành Thiền
Minh Sát
để thành công tiến đạt đến Đạo, Quả và Niết Bàn, điều tối trọng
yếu và tư
cách tối thiểu là cần phải trang nghiêm trì giới. Nếu không nghiêm
túc giữ
gìn giới luật thì không mong gì đạt đến trạng thái định tâm đúng
mức và
trí tuệ. Câu trả lời của Ngài Sàriputta là:
"Ngũ uẩn thủ, nầy Sư Huynh
Kotthika, là
điều mà vị tỳ khưu đã trang nghiêm trì giới phải gia công chuyên
cần chú
niệm đầy đủ để chứng nghiệm rằng sắc, thọ, tưởng, hành, thức, là
vô
thường, khổ, là một cơn bệnh, một ung nhọt, một mũi tên, là đau
đớn, là
bệnh tật, ở bên ngoài, không phải chính mình, là có tính cách hoại
diệt,
là trống rỗng, là vô ngã."
Chú niệm như thế thì được lợi ích
gì?
-- Ngài Sàriputta giảng tiếp:
"Quả thật vậy, nầy Sư Huynh, một
vị tỳ
khưu đã trang nghiêm trì giới và gia công chuyên cần chú niệm ngũ
uẩn thủ
đầy đủ, có thể chứng nghiệm Quả Nhập Lưu".
Như vậy, nếu muốn đắc Quả Tu Đà
Huờn (Nhập
Lưu), không bao giờ còn tái sanh trở lại trong bốn khổ cảnh, ta
phải hành
thiền, trì niệm về năm uẩn, nhằm chứng ngộ bản chất vô thường, khổ
và vô
ngã của sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
Nhưng đến đây chưa phải là chấm
dứt. Ta
còn có thể tiến đạt đến Đạo và Quả A La Hán. Ngài Kotthika hỏi
tiếp:
"Kính Bạch Sư Huynh Sàriputta, một
vị tỳ
khưu đã đắc Quả Nhập Lưu còn cần phải gia công chuyên cần chú niệm
về điều
gì?"
Ngài Sàriputta giải đáp tiếp rằng
người đã
đắc Quả Nhập Lưu phải gia công chuyên cần quán niệm cũng ngũ uẩn
thủ ấy
một cách đầy đủ, và tự mình chứng nghiệm rằng năm uẩn là vô
thường, khổ,
vô ngã. Kết quả là thế nào? -- Vị ấy sẽ tiến đạt thêm lên một
tầng, thành
tựu Đạo và Quả Nhất Lai (Tư Đà Hàm). Rồi vị Thánh Nhất Lai hành
thiền về
đề mục gì? -- Cũng lại ngũ uẩn thủ ấy nữa. Và do công phu hành
thiền nầy
vị ấy đắc Quả Bất Lai (A Na Hàm). Rồi vị A Na Hàm hành thiền về đề
mục gì?
-- Cũng ngũ uẩn thủ. Đến đây vị ấy đắc Quả A La Hán. Và vị A La
Hán hành
thiền về đề mục gì? -- Cũng ngũ uẩn thủ. Điều nầy cho thấy rằng
năm uẩn:
sắc, thọ, tưởng, hành, thức luôn luôn là đề mục quán niệm. Cho đến
khi đã
đắc Quả A La Hán rồi cũng vẫn quán niệm ngũ uẩn thủ.
Một vị đã đắc Quả A La Hán còn
hành thiền
để làm gì? Có phải để tiến đến Bích Chi Phật (Độc Giác Phật)
không? Hay vị
ấy sẽ trở thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác? -- Không. Cũng không
phải vậy.
Là A La Hán, vị ấy đã chấm dứt vòng sanh tử, tử sanh, và sẽ nhập
Niết Bàn.
Một vị A La Hán đã hoàn toàn trong sạch, không còn mảy may ô nhiễm
nào để
thanh lọc hoặc làm giảm suy. Tất cả mọi hoặc lậu đã được diệt trừ
tận cội
rễ. Do đó, vị ấy không còn pháp tu tập nào nữa để phát triển nhằm
loại
trừ, hoặc làm giảm suy ô nhiễm ngủ ngầm. Ngài cũng không còn Giới,
Định
hay Tuệ nào nữa cần phải trau giồi cho được toàn hảo. Như vậy Ngài
không
cần phải gia công làm cho điều gì trở nên toàn hảo cũng không cần
phải
tăng trưởng để làm cho những gì đã toàn hảo, trở nên càng toàn hảo
hơn.
Một vị A La Hán hành Thiền Minh Sát chắc chắn không phải để tìm
những lợi
ích tương tợ.
Một trong những lợi ích mà vị A La
Hán có
thể thọ hưởng do pháp hành thiền là trạng thái tự tại trong thế
gian. Mặc
dầu đã là A La Hán, nếu Ngài không hành thiền, trạng thái không
thoải mái,
không yên tĩnh, có thể phát sanh khi chỗ nầy, lúc nơi khác, ở sáu
cửa (lục
căn). Nơi đây, "không yên tĩnh" không có nghĩa là tinh thần giao
động mà
bởi vì lục trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) không ngớt sanh
khởi
ngoài ý muốn, và tâm Ngài sẽ mất trạng thái thanh bình an lạc.
Không nói
chi đến chư vị A La Hán, quý vị thiền sinh ngày nay đến đây hành
thiền
cũng vậy, cũng cảm nghe không thoải mái khi phải đối phó với trần
cảnh.
Các người ấy chỉ muốn sống trong trạng thái minh sát. Mỗi khi rời
thiền
đường trở về nhà, thấy chuyện nầy, nghe việc nọ, bàn thảo những
chuyện thế
gian, họ cảm nghe không an lạc. Và họ trở lại thiền đường. Tuy
nhiên cũng
có người, mặc dầu cảm nghe thiếu mất tình trạng thoải mái của
thiền đường
nhưng dần dà đôi ba ngày hoặc năm mười hôm, rồi cũng quen trở lại
với nếp
sống gia đình. Vị A La Hán thì không bao giờ trở về với những thói
quen
xưa cũ. Nếu trong khi hành thiền gặp phải những trần cảnh khác
nhau Ngài
chỉ cảm nghe không thoải mái. Chỉ trong lúc hành thiền và ở trong
trạng
thái minh sát Ngài mới cảm nghe thân tâm hoàn toàn an lạc. Như
vậy, pháp
hành thiền quán niệm ngũ uẩn tạo cho vị A La Hán trạng thái an lạc
trong
thế gian.
Lại nữa, khi vị A La Hán hành
thiền, chánh
niệm và trí tuệ thấu triệt lý vô thường, khổ, và vô ngã, luôn luôn
phát
sanh đến Ngài. Đó là một lợi ích khác. Một vị A La Hán, có chánh
niệm và
trí tuệ luôn luôn phát sanh đến mình, cũng thường xuyên ở trong
trạng thái
thoải mái của đời sống và có thể thọ hưởng quả vị Niết Bàn bất cứ
lúc nào,
bất luận bao lâu.
Vì hai lợi ích kể trên -- trạng
thái an
lạc trong thế gian và "niệm-tuệ" -- vị A La Hán vẫn còn hành
thiền.
Trên đây là phần giải đáp của Ngài
Sàriputta, được ghi chép trong kinh Sìlavanta Sutta. Những câu trả
lời
tương tợ cũng được ghi trong kinh Sutavanta Sutta. Sự khác biệt
giữa hai
bài kinh chỉ là danh từ Sìlavanta, người có giới đức, người nghiêm
túc trì
giới và Sutavanta, người được nghe giáo huấn đầy đủ. Ngoài ra
không có gì
khác nhau. Căn cứ trên hai bài kinh nầy và những bài khác nữa về
ngũ uẩn,
lời dạy chắc thật được keo gọn như sau: Trí tuệ minh sát phát sanh
do pháp
hành thiền, trì niệm ngũ uẩn thủ.
Giờ đây ta hãy trở về sự chấp thủ
phát
sanh xuyên qua sáu cửa giác quan (lục căn).
Khi thấy, người ta có ý nghĩ rằng
mình hay
những người khác là thường còn, trước đây đã hiện hữu, hiện thời
đang hiện
hữu và trong tương lai sẽ hiện hữu, luôn luôn sanh tiền. Người ta
nghĩ
rằng chính họ và những người kia có hạnh phúc, được an lành và
tươi đẹp,
là những thực thể sống. Khi nghe, hửi, nếm, sờ đụng, họ cũng nghĩ
như vậy.
Cảm giác "xúc chạm" nằm khắp châu thân -- bất luận nơi nào có thịt
và máu.
Và mỗi khi có xúc chạm là có chấp thủ. Khi co tay chân vào hay
duỗi ra là
có xúc. Bụng phồng lên và xẹp xuống cũng có cảm giác xúc chạm.
Chúng ta sẽ
đề cập trở lại điều nầy với nhiều chi tiết hơn.
Khi người ta suy tư hoặc tưởng
tượng, họ
nghĩ, "Cái 'Tôi' mà đã hiện hữu trước kia, giờ đây đang suy tư. Họ
nghĩ,
'Tôi' sẽ tiếp tục hiện hữu," và như vậy họ nghĩ rằng mình là một
bản ngã
thường còn.
Họ cũng nghĩ rằng suy tư hay tưởng
tượng
là thích thú. Đó là hạnh phúc. Nếu nói rằng tình trạng suy nghĩ sẽ
tan
biến, không còn, ắt họ sẽ không chấp nhận, không vui. Bởi vì họ
chấp thủ,
dính mắc vào đó.
Như vậy, ta chấp thủ vào bất luận
gì khởi
phát xuyên qua lục căn, xem đó là thường còn, thích thú, là tự ngã
của
mình. Ta hoan hỷ với tham ái và dính mắc vào đó. Ta lầm lạc trong
tà kiến
và kẹt luôn trong đó. Phải hành thiền về ngũ uẩn để thấu triệt
thực tướng
của sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
Thực Hành Đúng Phương Pháp
Khi hành thiền phải hành đúng theo
phương
pháp. Phương pháp đúng mới đưa đến tuệ minh sát. Nếu chúng ta nhìn
sự vật
là thường còn thì làm sao phát triển trí tuệ? Nếu nhìn sự vật là
hạnh
phúc, là tốt, là đẹp, là linh hồn trường cửu, là tự ngã vĩnh tồn
thì làm
thế nào trí tuệ có thể phát sanh?
Danh và sắc là vô thường. Những sự
vật vô
thường ấy, ta phải niệm để thấy đúng thực tướng của nó là vô
thường. Nó
sanh khởi rồi hoại diệt, và không ngừng làm cho ta khó chịu, phiền
toái.
Như vậy nó thật là khủng khiếp đáng sợ, là đau khổ. Ta phải hành
thiền để
thấy đúng như thật sự nó là vậy, là đau khổ. Danh và sắc là những
tiến
trình luôn luôn trôi chảy mà không có một cá tính riêng biệt, một
linh
hồn, một tự ngã. Ta phải hành thiền để thấy rõ nó không có một cá
tính,
một linh hồn, xem như một thực thể thường còn không biến đổi, một
tự ngã.
Ta phải cố gắng nhìn thấy nó như thật sự nó là vậy.
Do đó, mỗi khi thấy, nghe, sờ
đụng, hoặc
tri giác, ta phải cố gắng thấy tiến trình danh và sắc phát sanh ở
sáu cửa
(lục căn), đúng theo thực tướng của nó. Khi thấy, sự thấy là thực
tại, là
thật sự có. Điều nầy ta phải ghi nhận, "thấy, thấy". Cùng thế ấy,
khi
nghe, phải ghi nhận, "nghe, nghe", khi hửi mùi, ghi nhận, "mùi,
mùi", khi
nếm, ghi nhận, "vị, vị", khi sờ đụng, ghi nhận, "chạm, chạm"
v.v... Tình
trạng mệt nhọc, nóng, đau, mỏi, và những cảm giác khó chịu hay
không thoải
mái tương tợ cũng phát sanh do sự xúc chạm. Hãy quan sát và ghi
nhận,
"nóng, nóng", "đau, đau" v.v... Những tư tưởng, những ý nghĩ cũng
có thể
phát sanh. Hãy ghi nhận, "suy tư, suy tư", "tưởng tượng, tưởng
tượng",
"hoan hỉ, hoan hỉ" , "thỏa thích, thỏa thích" khi nó khởi sanh.
Tuy nhiên
đối với một hành giả sơ cơ, quả thật khó quan sát rành rẽ tất cả
những gì
phát sanh ở lục căn. Người chưa quen hành thiền phải bắt đầu ghi
nhận một
vài hiện tượng.
Vị ấy phải hành như thế nầy. Khi
thở vào
và thở ra, cái bụng sẽ phồng lên và xẹp xuống một cách rõ rệt.
Phải bắt
đầu quan sát cử động phồng, xẹp ấy. Khi bụng phồng lên, hay biết,
"phồng,
phồng". Khi bụng xẹp xuống, hay biết, "xẹp, xẹp". Công trình quan
sát
trạng thái phồng lên và xẹp xuống ở bụng nầy không có được đề cập
đến chỗ
nào trong Tam Tạng kinh điển. Có người không quen với pháp hành
nầy có vẻ
khinh khi, phê bình, "Cái câu chuyện phồng xẹp nầy có dính dáng
vào đâu
đến kinh điển. Đó là một pháp hành trống không, không chứa đựng gì
hết."
Đúng vậy, họ có thể nghĩ rằng phương pháp hành thiền nầy vô nghĩa
lý bởi
vì không thấy kinh điển đề cập đến.
Tuy nhiên trên phương diện lý
thuyết, đúng
theo pháp học, nó thật sự là "một cái gì". Phồng lên là thực tại,
là có
thật. Xẹp xuống là có thật. Chúng ta dùng ngôn ngữ thông dụng
thường ngày
và nói phồng lên, xẹp xuống, để tiện hiểu biết với nhau mà thôi.
Danh từ
được dùng trong kinh điển là tình trạng sanh khởi và hoại diệt của
nguyên
tố gió (một trong bốn thành phần đất, nước, lửa, gió của sắc). Nếu
thận
trọng quan sát cái bụng khi phồng lên và xẹp xuống ta sẽ thấy có
trạng
thái nổi phồng cứng lên, có trạng thái cử động, có sự di chuyển
đưa hơi
ra. Nơi đây, trạng thái "nổi phồng cứng lên" là đặc tính của
nguyên tố
gió; trạng thái cử động là cơ năng (hay tính chất) và sự di chuyển
đưa hơi
ra ngoài là sự biểu lộ. Hiểu biết thành phần gió trong tứ đại có
nghĩa là
hiểu biết đặc tính, cơ năng, và sự biểu lộ của nó. Hành thiền là
để hiểu
biết nó.
Thiền Minh Sát bắt đầu bằng cách
định rõ
danh và sắc -- phần tâm linh và phần vật chất cấu thành chúng
sanh. Để
thành tựu mục tiêu nầy, hành giả khởi đầu quan sát sắc. Bằng cách
nào?
"(Hành giả) phải ... nắm
vững (đề mục) qua
đặc tính, cơ năng v.v...." --
Thanh Tịnh Đạo, Visuddhimagga ii, 227
Khi bắt đầu hành thiền, niệm danh
hay sắc,
ta phải quan sát xuyên qua đặc tính, cơ năng (hay tính chất)
v.v... (ở đây
đoạn "v.v.." hàm ý phương cách biểu lộ của nó).
Về điểm nầy sách Compendium of
Philosophy
viết:
"Quan kiến trong sạch (kiến tịnh)
là thấu
triệt danh và sắc trên phương diện đặc tính, cơ năng (hay tính
chất),
phương cách phát hiện (sự biểu lộ) và nguyên nhân kế cận (cận
nhân)."
Câu nầy có nghĩa là tuệ minh sát
bắt đầu
với sự hiểu biết có tính cách phân tích (tuệ phân tích) danh và
sắc. Trong
bảy giai đoạn của Thanh Tịnh Đạo, trước tiên phải gia công hoàn
hảo Giới
Tịnh và Tâm Tịnh và kế đó bắt đầu Kiến Tịnh (quan kiến trong
sạch). Để
thành tựu tuệ phân tích danh-sắc và Kiến Tịnh, phải hành thiền,
quán niệm
danh và sắc, và hiểu biết danh, sắc, qua đặc tính, cơ năng và
phương cách
mà nó khởi hiện. Một khi hiểu biết thấu đáo nó như vậy ta đã thành
đạt tuệ
phân tích danh-sắc. Khi tuệ nầy trở nên vững chắc và sâu sắc hành
giả khai
triển Kiến Tịnh.
Nơi đây, "hiểu biết qua đặc tính
của nó"
có nghĩa là hiểu biết bản chất cố hữu của danh và sắc. "Hiểu biết
qua cơ
năng của nó" là hiểu biết tính chất, tác hành hay nhiệm vụ của nó.
Sự biểu
lộ là phương cách nó khởi hiện. Trong giai đoạn hành thiền sơ khởi
nầy
chưa cần hiểu biết về nhân kế cận của nó. Chúng ta hãy tiếp tục
giải thích
những đặc tính, cơ năng và phương cách biểu lộ.
Trong cả hai bản, Thanh Tịnh Đạo
và
Compendium of Philosophy vừa được kể trên, không có nơi nào dạy
rằng khi
hành thiền, quán niệm danh và sắc, ta phải thốt ra lời gì, hoặc
nói lên
tên gì hay số gì, xem như phần vật chất hay tiến trình không ngừng
phát
sanh nào. Ta phải thận trọng ghi nhận điểm nầy nếu không, có thể
bị dẫn
dắt sai lạc vào những khái niệm về tên, về số, về những phần vi tế
của sắc
hoặc những tiến trình biến đổi. Các Bản Chú Giải dạy rằng ta phải
hành
thiền, niệm danh và sắc qua đặc tính, cơ năng và sự biểu lộ của
nó, và như
vậy, khi niệm về nguyên tố gió trong tứ đại ta phải chú niệm qua
đặc tính,
cơ năng và sự biểu lộ của nó.
Đặc tính của nguyên tố gió là gì? -- Đó là đặc tính nâng đỡ,
bản chất
cố hữu của nó. Đó chính là nguyên tố gió. Cơ năng của nguyên tố
gió là gì?
-- Là di động. Sự biểu lộ của nó là gì? -- Là tác động đưa khí ra.
Sự biểu
lộ là cái gì phát hiện trước trí thức của hành giả. Trong khi niệm
về
nguyên tố gió trí thức của hành giả cảm nhận hình như có cái gì
đưa ra,
đẩy tới và kéo lui. Đó là sự biểu lộ của nguyên tố gió. Nguyên tố
gió nầy
rất quan trọng. Bản Chú Giải Kinh Niệm Xứ (Satipatthàna Sutta),
phần niệm
thân, khi đề cập đến các oai nghi và tính hay biết, có nhấn mạnh
đến tầm
quan trọng của nguyên tố gió nầy. Sau đây là lời dạy của Đức Phật:
"Gacchanto và gacchàmi ti
pajànàti"
Khi đi, vị ấy hay biết "tôi đang đi".
Đức Phật dạy chúng ta nên
chú niệm vào hình thể đi bằng cách ghi nhận,
"đi, đi" mỗi khi đi. Hành như vậy thì làm sao phát triển tuệ giác?
Bản Chú
Giải giải thích:
"Ý nghĩ 'tôi đang đi' phát sanh.
Sự phát
sanh ý nghĩ nầy tạo nên khí. Khí tạo nên sự thúc giục. Khí di
chuyển thành
nguyên tố gió, đưa toàn bộ cơ thể bước tới, gọi là đi."
Lời chú giải có ý nghĩa như vầy:
Vị hành
giả đã có thói quen quán niệm, "đi, đi" mỗi khi đi, nhận thức
rằng, trước
tiên, ý nghĩ "tôi sẽ đi" phát sanh. Tác ý, hay ý-muốn-làm nầy làm
phát
khởi một động tác căng thẳng trong toàn bộ cơ thể, và động tác nầy
làm cho
cơ thể vật chất tiến tới, trong một chuỗi những cử động nhỏ liên
tục nối
tiếp. Ta nói, "Tôi đi" hay "Anh đi". Chỉ có tác ý hay ý-muốn-đi,
và hình
thể đi. Điều nầy hành giả nhận thức rõ rệt. Ở đây, trong sự giải
thích
nhằm rọi sáng vấn đề cho ta, Bản Chú Giải nhấn mạnh vào tính cách
nhận
thức sự di chuyển của nguyên tố gió. Như vậy, khi thấu đạt nguyên
tố gió
qua đặc tính, cơ năng, và sự biểu lộ của nó ta có thể tự mình nhận
định
xem pháp hành của mình có đúng hay không.
Nguyên tố gió có đặc tính nâng đỡ.
Trong
một trái banh, chính là hơi (khí), hay nguyên tố gió, choán đầy và
nâng đỡ
làm cho trái banh phồng cứng lên. Theo ngôn từ thông thường ta nói
rằng
trái banh đầy hơi và cứng. Danh từ triết học nói rằng nguyên tố
gió "nâng
đỡ" trái banh phồng cứng lên. Khi duỗi tay ra ta cảm nghe như có
sự vững
chắc trong tay. Đó là nguyên tố gió nâng đỡ. Cùng một thế ấy, khi
nằm
xuống ta đặt đầu và mình trên gối hơi và nệm hơi, mình và đầu ta
không đè
sát, đụng xuống giường mà nằm hêu ở trên. Đó là vì có nguyên tố
gió trong
gối và trong nệm nâng đỡ đầu và mình ta. Những viên gạch được xây
lên,
viên nầy chồng chất lên viên kia. Viên gạch nằm dưới nâng đỡ viên ở
trên.
Nếu không vậy viên gạch ở trên ắt sẽ ngã đổ. Cùng thế ấy, cơ thể
vật chất
của con người đầy nguyên tố gió và nhờ vậy được nâng đỡ cứng chắc
mới có
thể đứng vững mà không ngã. Khi nói "cứng chắc" thì đó chỉ là một
lối nói
tương đối. Nếu có gì cứng hơn thì ta nói là nó "mềm", và nếu có gì
"mềm
lỏng" hơn thì ta sẽ nói trở lại là nó cứng.
Cơ năng của nguyên tố gió là cử
động. Nó
di chuyển từ chỗ nầy đến chỗ khác khi đủ mạnh. Chính nguyên tố gió
trong
tứ đại làm cho cơ thể co vào, duỗi ra, ngồi xuống, đứng dậy, hoặc
đi đi
lại lại. Những người chưa từng thực hành Thiền Minh Sát thường
nói, "Nếu
ghi nhận co vào, duỗi ra thì chỉ có những khái niệm như cánh tay
phát hiện
đến hành giả. Nếu ghi nhận trái bước, mặt bước, thì chỉ có những
khái niệm
như cái chân phát hiện. Nếu ghi nhận phồng xẹp, chỉ có những khái
niệm như
bụng phát hiện." Điều nầy có thể đúng với các hành giả còn sơ cơ.
Nhưng
nghĩ rằng chỉ có những khái niệm luôn luôn phát hiện thì không
đúng. Đối
với hành giả sơ cơ, khái niệm và thực tế cả hai đều phát hiện. Vài
người
khuyên dạy quý vị thiền sinh mới nhập môn chỉ nên chú niệm vào
thực tế.
Điều nầy không thể làm được. Lúc ban sơ, rõ ràng hành giả không
thể quên
khái niệm. Ta phải phối hợp thực tế và khái niệm. Chính Đức Phật
dùng khái
niệm, dạy ta hay biết và ghi nhận, "tôi đang đi" khi ta đi, "tôi
đang co
vào" hoặc "tôi đang duỗi ra". Ngài không lờ bỏ khái niệm, chỉ dùng
thực
tế, và dạy ta hay biết và ghi nhận, "nó nâng đỡ", "nó cử động"
v.v...
Mặc dầu trong khi hành thiền ta
dùng ngôn
ngữ khái niệm như "đi", "co vào", "duỗi ra", nhưng đến lúc niệm và
định
trở nên vững mạnh tất cả những khái niệm đều tan biến mà chỉ còn
thực tế
như nâng đỡ và cử động phát hiện đến hành giả. Chỉ còn có sự cử
động. Dầu
niệm, "co vào, co vào", sẽ không có tay hay chân nào co vào. Chỉ
có tác
động co vào. Dầu niệm, "phồng lên" hay "xẹp xuống", sẽ không có
hình ảnh
cái bụng hay cơ thể vật chất. Chỉ có cử động lên, xuống. Những cử
động
nầy, cũng như sự di chuyển, đều là cơ năng của nguyên tố gió.
Cái gì phát hiện trong tâm hành
giả giống
như đưa ra hoặc kéo vào, là sự biểu lộ của nguyên tố gió. Khi co
tay vào
hoặc duỗi tay ra hình như có cái gì kéo tay vào hoặc đẩy tay ra.
Điều nầy
càng rõ rệt hơn lúc hành giả thiền hành (đi kinh hành).
Đối với vị hành giả mà tâm niệm đã an trụ vững chắc, khi ghi
nhận, "mặt
bước" hay "trái bước", "dơ lên", "đưa tới", "đặt xuống", cử động
đi tới ấy
rõ ràng hình như có gì ở sau thúc đẩy. Cái chân như tự nó đưa tới.
Chân
bước tới mà không có mảy may cố gắng nào của hành giả. Điều nầy
thật rõ
rệt. Trong khi đi kinh hành niệm như thế rất tốt và có người dành
nhiều
thì giờ để đi.
Như vậy, khi hành thiền về nguyên
tố gió
ta phải hay biết nó theo đặc tính nâng đỡ, cơ năng cử động và biểu
lộ dưới
hình thức đưa ra. Chỉ đến chừng đó sự hiểu biết của ta mới thiệt
là đúng.
Ta có thể hỏi, "Phải chăng chỉ
hành thiền
sau khi đã học và biết đặc tính, cơ năng và sự biểu lộ?" Không.
Không phải
vậy. Không cần phải học. Nếu gia công chú niệm vào sự phát sanh
của danh
và sắc tức nhiên ta hiểu biết đặc tính, cơ năng và sự biểu lộ của
nó.
Không có đường lối nào khác hơn là hiểu biết qua đặc tính, cơ năng
và sự
biểu lộ khi ta hành thiền về sự phát sanh của danh và sắc. Vào một
đêm mưa
trời sấm sét, nhìn lên ta thấy một cái nhoáng. Làn ánh sáng là đặc
tính
của nó. Chớp nhoáng phát lên, đánh tan đêm tối. Sự đánh tan đêm
tối là cơ
năng, tính chất, hay nhiệm vụ, việc làm của cái chớp. Ta cũng thấy
làn ánh
sáng ấy phát hiện như thế nào, dài hay ngắn, cong, tròn, hay ngay
thẳng,
một lằn mảnh hay dầy v.v... Đó là sự biểu lộ của cái chớp. Cùng
một lúc ta
thấy đặc tính, cơ năng và sự biểu lộ của nó. Nhưng có thể ta không
đủ khả
năng để phân biệt ánh sáng là đặc tính, sự đánh tan đêm tối là cơ
năng và
hình thể của làn ánh sáng là sự biểu lộ của nó. Dầu có khả năng
phân biệt
hay không ta vẫn thấy nó y như vậy.
Cùng thế ấy, khi thực hành về sự
phát sanh
của danh và sắc, tự nhiên ta hiểu biết đặc tính, cơ năng và sự
biểu lộ của
nó. Không cần phải học. Vài người đã có học nghĩ rằng phải học
trước rồi
mới hành. Không phải vậy. Những gì mà ta học chỉ là khái niệm,
không phải
thực tại. Vị hành giả chú niệm vào sự phát sanh của danh và sắc,
hiểu biết
danh và sắc phát khởi như thế nào cũng giống như lấy tay sờ đụng
nó. Vị ấy
không cần phải học. Nếu có một thớt tượng sờ sờ trước mắt ắt ta
không cần
phải nhìn vào bức ảnh chụp hình voi để biết nó như thế nào.
Vị hành giả quán niệm trạng thái
phồng lên
và xẹp xuống ở bụng, hiểu biết sự phồng nổi lên cứng hay mềm --
đặc tính
của nó. Vị ấy hiểu biết cử động lên hay xuống -- cơ năng của nó.
Vị ấy
cũng hiểu biết lối đưa hơi vào và đẩy hơi ra -- sự biểu lộ của nó.
Nếu
thấu hiểu rõ ràng sự vật đúng theo thực tướng của nó như vậy thì
vị hành
giả ấy có cần phải học gì nữa không? Không, nếu vị ấy muốn tự mình
chứng
ngộ. Nhưng nếu vị ấy muốn truyền dạy lại người khác thì ắt cần
phải học.
Khi niệm, "chân mặt bước", "chân
trái
bước" ta hiểu biết trạng thái căng thẳng trong mỗi bước -- đặc
tính của
nó. Ta hiểu biết tác động di chuyển -- cơ năng. Ta hiểu biết sự
đưa ra --
sự biểu lộ của nó. Đó là hiểu biết đúng, hiểu biết chân chánh.
Giờ đây, để tự mình hiểu biết làm
thế nào
chỉ niệm những gì phát sanh mà ta có thể phân biện đặc tính v.v...
hãy cố
gắng hành thiền thử. Chắc chắn là hiện giờ ta có nghe nóng, đau,
mệt, hay
nhức ở một nơi nào trong cơ thể. Đó là những cảm giác khó chịu,
thọ khổ.
Hãy gom tâm vào thọ khổ ấy và ghi nhận, "nóng, nóng", hoặc "đau,
đau". Ta
sẽ thấy rằng mình đang trải qua kinh nghiệm khó chịu và đau khổ.
Đó là đặc
tính của đau khổ, qua kinh nghiệm khó chịu. Khi thọ khổ thì ta
buồn nản,
xuống tinh thần. Nếu khổ ít, buồn nản ít. Nếu khổ nhiều ắt buồn
nản nhiều.
Và nếu thọ khổ thật nhiều thì dầu có ý chí dũng mãnh cũng nghe
xuống tinh
thần. Một khi đã quá mệt mỏi ta không thể cử động. Cái gì làm
xuống tinh
thần và buồn nản ấy là cơ năng của thọ khổ. Ta nói xuống tinh
thần, "tinh
thần" ấy là tâm. Khi tinh thần, hay tâm, ấy xuống thấp thì các tâm
sở đồng
phát sanh với nó cũng xuống thấp theo.
Sự biểu lộ của thọ khổ là tình
trạng bứt
rứt. Tình trạng nầy biểu hiện dưới hình thức phiền não, âu sầu,
một cái gì
khó chịu đựng. Trong khi niệm, "nóng, nóng", "đau, đau", trong cơ
thể của
hành giả có cái gì bứt rứt khó chịu. Đôi khi khó chịu đựng đến nổi
phải
rên rỉ.
Nếu niệm thọ khổ trong cơ thể khi
nó phát
sanh ta hiểu biết tình trạng chịu đựng một xúc giác không đáng
được ưa
thích -- đặc tính của nó. Sự phai dần tình trạng khó chịu là cơ
năng của
nó và phiền não là sự biểu lộ. Đó là phương cách mà theo đó hành
giả thấu
đạt sự hiểu biết.
Niệm Tâm
Ta cũng có thể niệm tâm (tâm quán
niệm
xứ). Tâm hay biết và suy tư. Như vậy, cái gì hay biết và suy tư là
tâm.
Khi hành thiền, đặt chú niệm vào cái tâm ấy, "suy tư", "tưởng
tượng",
"nghĩ ngợi", mỗi khi nó phát sanh.
Ta sẽ thấy rằng bản chất cố hữu
của tâm là
hướng đến và hay biết đối tượng. Đó là đặc tính của tâm, như lời
dạy, "Tâm
có đặc tính là hay biết." Mỗi loại tâm đều hay biết. Nhãn thức hay
biết
đối tượng, cũng như nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý
thức.
Khi có một nhóm người làm việc
chung trong
một tập thể thì có người cầm đầu. Tâm là người cầm đầu, hay biết
đối tượng
nào phát hiện ở cửa nào trong sáu cửa (lục căn). Khi đối tượng là
hình thể
vật chất phát hiện trước mắt (nhãn căn), thì tâm đầu tiên hay biết
(nhãn
thức). Theo sau đó là cảm giác (thọ), tri giác (tưởng), lòng ham
muốn,
thỏa thích, bất mãn, ngưỡng mộ v.v... (hành). Cùng thế ấy, khi có
tiếng
động ở tai (nhĩ căn), chính cái tâm hay biết đầu tiên. Điều nầy
càng rõ
rệt hơn khi ta nghĩ đến, hoặc tưởng tượng, suy tư. Khi đang niệm,
"phồng",
"xẹp" mà có ý nghĩ nào phát hiện, phải ghi nhận ý nghĩ ấy. Nếu có
thể ghi
nhận ngay lúc nó vừa phát hiện thì nó sẽ tan biến. Nếu không ghi
nhận được
tức khắc lúc nó vừa khởi hiện ắt sẽ có nhiều chặp tư tưởng nối
tiếp theo
liền sau đó như thỏa thích, ham muốn v.v... Chừng đó hành giả sẽ
nhận thức
rõ rệt tâm dẫn đầu các pháp như thế nào -- đó là cơ năng của nó.
"Tâm dẫn đầu các pháp..."
-- Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 1
Nếu có thể ghi nhận tâm ngay mỗi
khi nó
vừa phát hiện, ta sẽ thấy rõ nó tác hành thế nào như người lãnh
đạo, lúc
hướng về đối tượng nầy, lúc phóng qua đối tượng khác.
Lại nữa, Bản Chú Giải dạy: "Sự
biểu lộ
của tâm là trạng thái liên tục nối tiếp". Khi niệm, "phồng",
"xẹp"
v.v... đôi khi tâm phóng đi. Ta ghi nhận tâm phóng, và nó chấm
dứt. Rồi
một chặp khác phóng đi. Rồi ta ghi nhận, và nó chấm dứt. Lại một
chặp khác
phóng đi. Ta lại ghi nhận, và nó chấm dứt. Ta phải ghi nhận nhiều
lần. Cái
tâm đến và đi như thế ấy. Lúc bấy giờ ta có thể nhận định, "Tâm là
một sự
liên tục nối tiếp những diễn biến đến rồi đi, hết cái nầy đến cái
khác.
Khi cái nầy chấm dứt, cái kia khởi sanh." Ta nhận thức rõ rệt
trạng thái
liên tục nối tiếp -- sự biểu lộ của tâm. Vị hành giả nhận thức như
vậy
cũng nhoáng thấy hiện tượng tử sanh, "Xét cho cùng, cái chết không
phải là
gì lạ. Nó cũng chỉ như sự chấm dứt của chặp tư tưởng mà ta đang
ghi nhận.
Tái sanh trở lại cũng chẳng khác nào sự phát hiện của chặp tư
tưởng mới.
Hiện giờ ta đang ghi nhận các chặp tư tưởng kế tiếp theo sau nó,
trong một
chuỗi dài những chặp tư tưởng."
Để chứng tỏ rằng mặc dầu
không có học, ta vẫn có thể hiểu biết đặc
tính, cơ năng, và phương cách biểu lộ của sự vật, ta đã lấy nguyên
tố gió
từ những tính chất vật lý, cũng như thọ khổ và thức từ tính chất
tâm linh.
Ta niệm ngay lúc nó khởi sanh. Phương pháp nầy có thể áp dụng vào
những
tính chất vật lý và tâm linh khác. Nếu niệm ngay lúc nó khởi hiện
ta sẽ
hiểu biết đặc tính, cơ năng, và sự biểu lộ của nó. Một hành giả sơ
cơ có
thể niệm và hiểu biết ngũ uẩn thủ chỉ qua đặc tính, cơ năng và sự
biểu lộ
của nó. Trong giai đoạn sơ khởi, với tuệ phân tích danh-sắc và với
tuệ
phân biệt nhân duyên làm bước tiến sơ đẳng trong pháp hành thiền
Minh Sát
hành giả hiểu biết bấy nhiêu đó cũng đủ rồi. Đến khi thật sự tiến
đến tuệ
giác như Tuệ Quán Trạch, hành giả sẽ chứng ngộ những đặc tướng vô
thường,
khổ và vô ngã.
Vào Thời Gian Nào?
Giờ đây ta lại hỏi: Hành thiền,
quán niệm
ngũ uẩn thủ thì ích lợi gì? Về vấn đề thời gian, khi hành thiền ta
niệm
vào thời gian nào, quá khứ, hiện tại, vị lai hay trong thời gian
vô hạn
định?
Hành thiền để làm gì? Có phải suy
niệm về
ngũ uẩn thủ để thâu thập tài sản hay sự nghiệp trần gian không? Để
chữa
bệnh chăng? Để phát huy huệ nhãn chăng? Hay là để có thể đằng vân,
bay
bổng lên không trung, hoặc để được phép thần thông siêu phàm nào?
Thiền
Minh Sát hoàn toàn không nhằm đến những mục tiêu ấy. Có trường hợp
chữa
được bệnh ngặt nghèo nhờ hành thiền. Vào thời Đức Phật có người
trở nên
toàn hảo và có thần thông nhờ hành Thiền Minh Sát. Ngày nay có thể
cũng có
người thành đạt những năng lực siêu phàm. Nhưng mục tiêu căn bản
của Thiền
Minh Sát không phải là thành đạt năng lực siêu phàm.
Khi hành thiền có phải ta đặt chú
niệm vào
những hiện tượng đã trôi qua trong quá khứ không? Hay là ta niệm
những
hiện tượng còn chưa đến, những hiện tượng trong tương lai? Hoặc
nữa, phải
chăng ta niệm những hiện tượng không phải trong quá khứ, tương
lai, hiện
tại, mà chỉ xảy ra trong tưởng tượng, như ta đã đọc ở đâu, trong
một quyển
sách nào?
Giải đáp cho những câu hỏi ấy là:
Ta hành
thiền để buông bỏ, không bám níu, và quán niệm những gì đang phát
hiện.
Đúng vậy, người không hành thiền có khuynh hướng bám níu vào danh
và sắc
đang phát hiện, mỗi khi họ thấy, nghe, sờ đụng, hoặc mỗi khi họ
hay biết.
Họ bám níu vào đó với lòng tham ái, thỏa thích. Họ bám níu với tà
kiến,
nghĩ rằng đó là thường còn, hạnh phúc, là ta, là tự ngã. Ta hành
thiền để
cho những bám níu tương tợ không phát sanh, để vượt thoát ra khỏi
mọi
luyến ái. Đó là mục tiêu căn bản của Thiền Minh Sát.
Khi hành thiền ta niệm những gì
đang phát
hiện, không niệm những sự vật đã qua, những sự vật chưa đến, hoặc
có thể
đến trong thời gian vô hạn định. Nơi đây ta chỉ đề cập đến pháp
hành thiền
"thực hành". Trong pháp hành "suy diễn" ta chú niệm về quá khứ, vị
lai và
thời gian vô hạn định. Để Sư giải thích. Thiền Minh Sát có hai:
thực hành
(practical) và suy diễn (inferential). Tuệ giác mà mình thâu đạt
bằng cách
niệm những gì thật sự đang phát hiện qua đặc tính, cơ năng, và sự
biểu lộ
của nó là tuệ minh sát thực hành. Từ tuệ giác nầy ta suy diễn đến
trạng
thái vô thường, khổ, vô ngã của sự vật trong quá khứ và vị lai,
những gì
mà chính ta không có chứng nghiệm. Đó là tuệ giác phát sanh do suy
diễn
(inferential).
"Sáp nhập cả hai (những gì
thấy và những
gì không thấy) vào một, bằng cách theo dõi đối tượng"
-- Patisambhidà
Sách Thanh Tịnh Đạo giải thích câu
trên
như sau:
"... bằng cách theo dõi, đi
theo đối tượng
mà mình thấy, hình dung cả hai (những gì mình thấy và những gì
không thấy)
và sáp nhập làm một trong bản chất cố hữu. Cũng như cái nầy (cái
đang được
thấy), cùng thế ấy, trong quá khứ những gì được cấu thành đã hoại
diệt, và
trong tương lai những vật cấu thành cũng sẽ hoại diệt".
-- Visuddhi Magga
"Đối tượng đang được thấy" là tuệ
minh sát
phát sanh do thực hành. Và "đi theo đối tượng mà mình thấy ...
hình dung
cả hai ... trong quá khứ ... trong tương lai" là tuệ minh sát suy
diễn,
phát sanh do sự suy diễn từ tuệ thực hành.
Nơi đây xin hãy thận trọng ghi
nhận: Để
phát triển minh sát tuệ, chỉ có thể suy diễn khi đã có tuệ giác
phát sanh
do thực hành. Không thể suy diễn nếu không có giác tuệ hiểu biết
hiện tại.
Bản Chú Giải Kathàvatthu giải
thích:
"Đã thấy đặc tính vô thường ở một
vật được
cấu tạo ta đi đến kết luận và áp dụng cho những vật khác, xem tất
cả sự
vật trong đời sống là vô thường."
Tại sao không quán niệm những gì
trong quá
khứ hay trong vị lai?
-- Bởi vì nó không giúp ta hiểu
biết bản
chất thật sự và không thanh lọc ô nhiễm. Ta không còn nhớ những
kiếp quá
khứ. Dầu trong kiếp sống nầy đi nữa ta cũng không còn nhớ phần lớn
những
gì đã xảy diễn trong thời thơ ấu. Như vậy, niệm vào quá khứ làm
thế nào ta
có thể hiểu biết sự vật đúng theo thực tướng của nó với những đặc
tính và
những cơ năng? Có thể ta còn nhớ những gì đã xảy ra trong thời
gian gần
đây hơn. Tuy nhiên, ta hồi nhớ với ý nghĩ, "Tôi đã thấy", "Tôi đã
nghe",
"Tôi đã suy tư". "Chính là 'Tôi' đã thấy nó trong thời điểm ấy, và
chính
'Tôi' đang thấy trong hiện tại." Có ý niệm "Tôi" đến với ta. Cũng
có thể
ta có ý niệm "thường còn" và "hạnh phúc". Như vậy hồi nhớ lại
những chuyện
xưa cũ trong lúc hành thiền không giúp ta hướng đến mục tiêu. Ta
chấp thủ,
bám vào nó, và sự bám níu nầy thật khó tháo gỡ, rất khó điều phục.
Mặc dầu
ta có thể nhìn vào nó, xem như danh và sắc, với tất cả những gì ta
đã học
và đã suy tư, ý niệm "Tôi" vẫn còn thầm kín ẩn sâu, bởi vì ta đã
chặt chẽ
bám níu vào nó. Một đàng ta nói, "vô thường" và đàng khác ta gắn
bó dính
chặt vào ý niệm "thường còn". Ta ghi nhận, "khổ" nhưng ý niệm,
"hạnh phúc"
không ngừng phát hiện. Ta niệm, "vô ngã" nhưng ý niệm về một bản
ngã vẫn
còn được duy trì mạnh mẽ vững chắc. Ta lý luận với chính ta. Nhưng
sau
cùng, kết quả của công trình hành thiền của ta phải nhường bước
trước
thành kiến ngã chấp.
Tương lai chưa đến, và ta không
thể chắc
chắn nó sẽ như thế nào khi nó đến. Ta có thể niệm trước thời gian,
nhưng
khi thật sự nó đến ta lại không niệm. Chừng đó tham ái, tà kiến và
ô nhiễm
sẽ phát sanh trở lại như cũ. Như vậy, với sự hỗ trợ của pháp học
và của
suy tư, niệm về tương lai không thể đưa đến tuệ giác hiểu biết
thực tướng
của sự vật. Và đó cũng không phải là đường lối làm giảm suy ô
nhiễm.
Còn những sự vật trong thời gian
vô hạn
định thì không bao giờ có hiện hữu, sẽ không hiện hữu, và cũng
không có
trong hiện tại, ở bên trong ta cũng như nơi người khác. Nó chỉ
được tạo
nên trong trí tưởng tượng và suy tư, có vẻ trí thức và cao siêu,
nhưng suy
xét tận tường nó chỉ là những khái niệm về danh từ, những dấu
hiệu, hoặc
hình thể. Thí dụ như có người niệm, "Sắc là vô thường. Sắc phát
sanh từng
lúc và hoại diệt từng lúc". Hỏi người ấy sắc là gì? Sắc đó ở quá
khứ, hiện
tại, hay vị lai? Sắc ấy ở bên trong mình hay ở nơi người khác? Nếu
là ở
bên trong mình, vậy nó ở đâu? Ở thân? Ở tay chân? Trong mắt? Trong
tai? Ta
sẽ thấy rằng nó chỉ là khái niệm suông và chỉ hiện hữu trong tưởng
tượng.
Vì lẽ ấy ta không niệm sự vật trong thời gian vô hạn định.
Khởi Nguyên
Nhưng những hiện tượng trong hiện
tại là
cái gì phát hiện ở sáu cửa (lục căn), ngay trong lúc hiện tại. Nó
chưa bị
nhiễm ô, giống như một miếng vải hay một tờ giấy trong trắng mới
nguyên,
không bị nhơ bẩn. Nếu ta nhanh chóng kịp thời chú niệm ngay lúc nó
vừa
sanh khởi thì nó còn trong sạch. Nếu không được ghi nhận kịp thời
nó sẽ bị
bợn nhơ thì không còn có thể hết bợn nhơ. Nếu ta hờ hững thiếu
sót, không
ghi nhận tức khắc danh và sắc lúc nó khởi hiện sẽ có lòng luyến ái
bám níu
(thủ) xen vào. Có sự bám níu với tham ái -- ái thủ, cố bám vào
những khát
vọng. Có sự bám níu với tà kiến -- tà kiến thủ, dính mắc trong
quan kiến
sai lạc về nghi thức lễ bái và cúng tế, về tự ngã. Khi mà thủ (tức
sự bám
níu) phát sanh thì sao?
"Do thủ tạo duyên, hữu phát
sanh. Do hữu
tạo duyên, có sanh. Sanh tạo duyên cho già và chết, sầu muộn, đau
khổ, ưu
phiền, thất vọng và ta thán phát sanh. Đó là khởi nguyên của toàn
khối đau
khổ." -- (Majjhima Nikàya,
Trung A
Hàm, i, 333; Samyutta Nikàya, Tạp A Hàm, ii, 1-2)
Thủ, hay bám níu, không phải là
vấn đề
nhỏ. Nó là căn nguyên khởi phát những hành động thiện và những
hành động
bất thiện. Mỗi khi làm điều gì, chúng ta nghĩ rằng điều đó tốt.
Cái gì làm
cho ta nghĩ rằng điều ấy là tốt? Đó là thủ, sự bám níu. Người khác
có thể
nghĩ rằng điều đó xấu, nhưng đối với người hành động thì điều đó
tốt. Nếu
nghĩ rằng không tốt ắt người ấy không làm. Có một đoạn trích từ
lời dạy
của vua Asoka (A Dục) được ghi tạc trên đá như sau: "Ta nghĩ rằng
việc làm
của ta là tốt. Không bao giờ ta nghĩ rằng nó là xấu." Tên trộm đi
ăn trộm
vì anh nghĩ rằng trộm của người là tốt. Người ăn cướp, giựt của
thiên hạ
vì nghĩ rằng cướp giựt là tốt. Kẻ sát nhân giết người vì nghĩ rằng
làm như
vậy là tốt. Vua Ajàtasattu (A Xà Thế) giết cha là Vua Bimbisàra
(Bình Sa
Vương) vì nghĩ rằng điều đó là tốt. Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) âm
mưu sát
hại Đức Phật. Tại sao? -- Bởi vì đối với ông làm như vậy là tốt.
Người kia
uống thuốc độc tự quyên sinh vì nghĩ rằng làm như vậy là tốt.
Những con
thiêu thân tự lao mình vào ngọn lửa vì nghĩ rằng đó là việc làm
tốt. Tất
cả chúng sanh làm những gì họ làm vì nghĩ rằng như vậy là tốt.
Nghĩ rằng
điều đó tốt tức có sự bám níu, thủ. Một khi thật sự bám chặt ta
mới làm.
Kết quả sẽ ra sao? Kết quả là có những hành động thiện, tốt, và
những hành
động xấu, bất thiện.
Cố tránh, không gây đau khổ cho
người khác
là hành động thiện. Tôn kính bậc trưởng thượng, những người đáng
được tôn
kính, là hành động thiện. Một hành động thiện có thể đem lại cuộc
sống an
lành, trường thọ và khỏe mạnh trong kiếp hiện tiền và còn sẽ đem
lại những
quả lành trong nhiều kiếp vị lai. Bám níu như vậy là đúng, là bám
níu chân
chánh. Những ai bám chặt vào những hành động thiện như bố thí, trì
giới,
sẽ nhờ đó tạo thiện nghiệp. Rồi kết quả là thế nào? "Do hữu tạo
duyên, có
sanh." Sau khi chết sẽ tái sanh trở lại. Tái sanh về đâu? Vào
những cảnh
nhàn lạc trong giới người hay trời. Nếu là người, họ sẽ là người
tốt
phước, trường thọ, đẹp đẽ, khoẻ mạnh, trong những gia đình giàu
sang quyền
quý, có nhiều người phục vụ, có tài sản lớn lao. Có thể gọi là
những
"người hạnh phúc". Nếu sanh vào cảnh trời cũng vậy, họ được có
nhiều tiên
nam và tiên nữ hầu hạ và sống trong cung điện nguy nga. Họ đã bám
níu
trong những ý niệm hạnh phúc, hiểu theo ý nghĩa trần tục. Họ được
gọi là
những chúng sanh hữu phúc.
Nhưng theo quan điểm của Phật
Giáo, họ là
những chúng sanh -- dầu là người hay là trời -- không thoát khỏi
đau khổ.
"Do sanh tạo duyên, có già và chết." Mặc dầu được sanh ra là người
hữu
phúc, họ sẽ già nua và đi vào hoàn cảnh của "một cụ già hạnh
phúc". Hãy
nhìn xem các "cụ già hạnh phúc" ấy trong thế gian. Một khi đã quá
bảy hoặc
tám mươi thì không phải mọi sự việc đều tốt đẹp cho họ. Tóc bạc,
răng
long, mắt mờ, tai điếc, lưng mỏi, gối dùn, sức kiệt, và chỉ còn là
một
người không làm gì được. Với tất cả tài sản sự nghiệp và danh vọng
quyền
thế, các cụ ông hay cụ bà ấy có thể thật sự hạnh phúc không? Rồi
đến những
chứng bệnh gọi là bệnh già như ăn không ngon, ngủ không yên giấc,
mỗi khi
ngồi xuống hoặc đứng lên đều thấy khó khăn và cuối cùng, phải
chết. Trưởng
giả triệu phú, vua chúa, người quyền thế, tất cả đều phải chết một
ngày
nào. Và chừng đó họ cũng không thể nương nhờ vào ai khác. Thân
bằng quyến
thuộc xúm xít quanh quẩn bên họ, nhưng khi vừa nằm xuống mắt nhắm
rồi thì
phải ra đi. Một khi lìa đời họ sẽ đơn độc một mình dấn thân vào
một cuộc
sống mới. Họ sẽ luyến tiếc bỏ lại bao nhiêu tiền của. Nếu là người
đã có
tạo nhiều thiện nghiệp họ sẽ khỏi phải lo sợ cho tương lai.
Cùng thế ấy, chư Thiên cũng phải
chết. Các
vị Trời cũng không thể tránh khỏi phải chết. Một tuần trước khi
chấm dứt
tuổi thọ ở cảnh Trời có năm điềm báo trước cho các vị ấy. Những
tràng hoa
của các Ngài, vốn luôn luôn xinh tươi đẹp đẽ, bắt đầu héo xào. Y
phục mà
các Ngài mặc, trước kia luôn luôn tươm tất mới mẻ, lúc bấy giờ trở
nên cũ
dần. Mồ hôi đổ ra từ hai nách, một diễn biến bất thường. Thân hình
luôn
luôn tráng kiện của các Ngài dần dần tiều tụy. Trong trạng thái
nhàn lạc ở
cõi Trời các Ngài không bao giờ chán, nhưng lúc cái chết sắp đến
các Ngài
cảm nghe chán nản. Khi năm điềm này xuất hiện các vị Trời ấy nhận
thức
liền cái chết sắp đến và rất kinh sợ. Vào thời Đức Phật có vị Trời
Sakka
(Vua Trời Đế Thích), thấy năm triệu chứng trên báo hiệu cái chết
sắp đến
thì kinh hoàng lo sợ, biết mình sắp mất hết tất cả mọi vinh quang
của đời
sống. Ngài đến hầu Phật và xin Phật cứu giúp. Đức Phật thuyết
giảng một
thời Pháp. Nghe xong, Vua Trời Sakka đắc Quả Nhập Lưu. Vị Trời Đế
Thích
già, chết. Và một vị Đế Thích mới, tái sanh. Đó là cái phước của
vị Trời
Đế Thích, lúc bấy giờ được sống vào thời có một vị Phật và được
gặp Đức
Phật. Nếu không thì ắt là một đại họa cho Ngài.
Chẳng những già và chết, "... sầu
muộn,
đau khổ, ưu phiền, thất vọng và ta thán phát sanh." Tất cả những
điều nầy
là đau khổ. "Như thế ấy khởi phát toàn thể khối đau khổ." Dầu sao,
một đời
sống lương thiện mà xuất nguyên từ sự bám níu vẫn còn là đau khổ
khủng
khiếp. Người hay Trời, tất cả đều đau khổ.
Nếu một kiếp sống tốt của người
tạo nhiều
thiện nghiệp vẫn là đau khổ thì phải chăng tốt hơn không nên tạo
thiện
nghiệp? -- Không. Nếu không tạo thiện nghiệp ắt có bất thiện
nghiệp xen
vào, và nghiệp bất thiện sẽ dẫn ta xuống những cảnh địa ngục, cầm
thú,
hoặc ngạ quỷ. Tái sanh vào địa ngục không khác nào lao mình vào
ngọn lửa
to lớn. Dầu là một vị Trời trong cảnh giới cao cũng không thể làm
gì chống
đối lại lửa địa ngục. Vào thời Đức Phật, có một vị chúa Ma Vương
tên Dusi.
Vị nầy có ý khinh khi Đức Phật và chư Tăng. Ngày kia ông lại sát
hại một
vị A La Hán. Do hành động bạo tàn ấy, sau khi chết vị chúa Ma
Vương tái
sanh vào địa ngục Avìci (A Tỳ). Khi sa đọa vào cảbh giới đó rồi
thì phải
chịu biết bao là đau khổ. Những người hung bạo độc ác trên thế
gian một
ngày kia cũng sẽ chịu số phận tương tợ. Và sau khi cùng cực đau
khổ lâu
ngày ở địa ngục họ sẽ còn tái sanh trở lại vào cảnh thú và cảnh
ngạ quỷ.
Thủ Phát Sanh Như Thế Nào?
Như vậy, thủ, hay sự dính mắc, bám
níu
chặt chẽ, quả thật là đáng sợ. Nó cũng rất quan trọng. Hành thiền
nhằm làm
cho thủ không phát sanh, để buông xả, chấm dứt bám níu. Ta hành
thiền để
không bám níu với lòng tham ái hay với tà kiến -- vì xem là thường
còn hay
hạnh phúc, vì thành kiến ngã chấp, thấy thân nầy là "Ta", là "Của
Ta" .
Những ai không hành thiền, bám níu mỗi khi họ thấy, nghe, cảm
giác, hay
tri giác. Ta hãy tự hỏi xem mình có bám níu không. Câu trả lời sẽ
thật rõ
ràng.
Hãy bắt đầu với sự thấy. Thí dụ
như thấy
vật gì đẹp. Ta nghĩ gì về vật ấy? Ta thỏa thích hoan hỉ với nó. Có
phải
vậy không? Ta sẽ không nói, "Tôi không muốn thấy. Tôi không muốn
nhìn nó."
Trong thực tế ta nghĩ, "Cái nầy thật đẹp! Thật dễ thương!" Ta mĩm
cười,
thỏa thích. Cùng lúc ta cũng nghĩ rằng nó thường còn. Dầu thấy một
người
hay một vật vô tri vô giác, ta cũng nghĩ rằng nó đã hiện hữu trong
quá
khứ, đang hiện hữu trong hiện tại, và sẽ tiếp tục hiện hữu trong
tương
lai. Mặc dầu không phải là sở hữu của ta nhưng ta vẫn xem nó như
của chính
mình và thỏa thích với nó. Nếu đó là quần áo, ta tưởng tượng như
mặc nó
vào, và thỏa thích. Nếu đó là đôi giày, ta hình dung đôi giày
trong chân
mình. Nếu là một người, đàn ông hay đàn bà, ta tưởng tượng như
người ấy
thân thuộc, ở gần bên mình, và thỏa thích. Khi nghe, hửi, nếm, sờ
đụng
cũng vậy. Ta thỏa thích trong mọi trường hợp. Với ý căn, phạm vi
của trí
tưởng tượng càng rộng lớn hơn để làm cho ta thỏa thích với những
gì mà
thật sự ta không biết. Ta khát khao thèm thuồng và tưởng tượng nó
là của
mình, và thỏa thích. Nếu thật sự nó là của chính ta thì khỏi phải
nói. Ta
luôn luôn nghĩ đến và lúc nào cũng thỏa thích với nó. Hành thiền
là để
kiểm soát những thỏa thích tương tợ, để kiểm soát những bám níu.
Ta cũng bám níu vào tà kiến. Ta
bám níu
vào thân kiến, cố chấp thân nầy thật sự là của ta. Khi thấy, ta cố
chấp có
một người, một bản ngã thấy. Ta cũng chấp sự nhận thức ấy là một
người,
một bản ngã. Nếu tuệ minh sát không được phát triển đầy đủ, mỗi
khi thấy
vật gì là ta bám níu liền vào nó. Hãy suy tư, nhớ lại kỹ. Tự ta sẽ
thấy rõ
lòng luyến ái bám níu đã phát sanh đến ta như thế nào. Luôn luôn
ta nghĩ
rằng chính ta là một bản ngã, cũng như những người khác, và tất cả
đều
sống một kiếp sống lâu dài. Trong thực tế, không có gì tương tợ.
Không có
gì giống như một kiếp sống lâu dài. Chỉ có danh và sắc phát sanh
từng
chặp, cái nầy đến cái kia, liên tục nối tiếp. Danh và sắc ấy, ta
xem là
một người, một bản ngã, và bám chặt vào nó. Hành thiền nhằm ngăn
chận,
không để cho những bám níu với tà kiến tương tợ phát sanh.
Nhưng phải niệm sự vật ngay lúc nó
phát
sanh. Chỉ phải làm như vậy ta mới có thể ngăn chận lòng luyến ái
bám níu.
Bám níu sanh khởi từ lục thức: nhãn thức (tức sự hay biết đối
tượng của sự
thấy), nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Và
những thức
nầy sanh khởi ở lục căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Có thể nào
bám níu
vào những gì mà ta không bao giờ biết, chưa bao giờ thấy không?
Không. Có
thể nào bám níu vào những gì ta chưa bao giờ nghe không? Không.
Chính Đức
Phật đã nêu lên câu hỏi:
"Bây giờ, hởi nầy con của
Malunkya, con
nghĩ thế nào? Về những hình thể mà mắt có thể nhận ra, những hình
thể mà
con chưa thấy, những hình thể mà trước kia con chưa bao giờ thấy,
những
hình thể mà trong hiện tại con không thấy, cũng không trông đợi sẽ
thấy
trong tương lai, (về những hình thể ấy) con có chăng một ý nghĩ
thiên vị
nào, có khát vọng nào, hay có lòng luyến ái bám níu nào không?"
-- Bạch Đức Thế Tôn,
không.
-- Samyutta Nikàya, Tạp A hàm, iv, 72
Những hình thể mà chưa từng trông
thấy là
gì? Những thị xã, làng mạc và quốc gia mà ta chưa từng đến, những
người,
nam hay nữ, sống ở đó và cảnh vật ở đó. Làm thế nào có ai đem lòng
thương
một người mà mình chưa từng gặp?
Như vậy, ta không luyến ái, bám
níu vào
người mà mình chưa từng biết, chưa từng nghe đến? Ô nhiễm liên
quan đến
những sự vật hay những nhân vật ấy không thể phát sanh. Ta không
cần phải
hành thiền, đặt chú niệm vào nó.
Nhưng, những gì ta đang thấy là
vấn đề
khác. Ô nhiễm có thể phát sanh nếu ta không hành thiền để ngăn
chận.
Trường hợp những sự vật được nghe, nếm, hửi, sờ đụng và nghĩ đến,
cũng
được hiểu cùng một thế ấy.
-ooOoo-