MỤC LỤC
Chương
1: Dự bị tu tập
Chương
2: Thiền Định
Chương
3: Thiền Quán
Chương
4: Kết luận
Ðây là một tài liệu quý giá nhưng
giản dị, không dùng thi văn, kệ ngôn diễn tả nửa úp nửa mở mà nó trình bày thứ
lớp mạch lạc các tiến trình tu tập khảo sát nội tâm, để cuối cùng giúp hành giả
nhận ra bản tánh của tâm tức Ðại Thủ Ấn (Mahamudra).
LỜI GIỚI
THIỆU
Nói đến
tu Thiền, một số trong chúng ta vẫn còn bì bõm trong hoang mang. Nay tu theo
"Thiền biết vọng" của Tào Ðộng (Soto), mai tu theo "Thiền công
án" của Lâm Tế (Rinzai). Nếu tu theo biết vọng thì vọng là gì? Khi hết
vọng thì cái gì xảy ra? Phải làm gì tiếp theo? Có nhiều người ngồi thiền, lâu
lâu vọng niệm tự ngưng, tâm thần sáng suốt rỗng lặng, nhưng rồi không biết làm
gì tiếp; sau khi xả thiền thấy vấn đề sinh tử phiền não vẫn còn. Dần dà chán
nản, quay sang tu Thiền công án. Nhưng thử hỏi ngày nay ai là người có thể cho
ta một câu công án phù hợp với căn cơ và khả năng của ta? Nếu công án không hợp
thì làm sao khởi nghi tình? Vả lại, dù cho ngẫu nhiên phát khởi nghi tình đi
nữa, thì ai là người có khả năng ra tay đúng lúc tháo đinh nhổ chốt cho ta
"đại ngộ"? Một vấn đề khác cần được nêu ra, đó là ngày nay, chúng ta
Phật tử, có còn hoàn toàn hết lòng tin tưởng nơi sự hướng đạo của chư Tăng
không?
Dù tu theo pháp môn nào đi nữa,
chúng ta vẫn cần một sự chuẩn bị tâm linh. Riêng Phật Giáo Tây Tạng nhấn mạnh
đến hai điều, đó là gieo tạo căn lành (mérites) và nhiệt tâm kính trọng tin
tưởng nơi vị Thầy (dévotion au Guru). Nếu đầy đủ hai điều trên thì sự tiến tu
đạo nghiệp mới mau thành tựu, như diều gặp gió vậy.
Giáo pháp của đức Phật tuy vô
lượng vô biên nhưng cũng không ngoài chữa hai bệnh: chấp ngã và chấp pháp. Ði
sâu một bước, hành giả có thể đặt câu hỏi: Ai chấp ngã? Ta chấp hay tâm chấp?
Mà ta là ai? Tâm là gì chứ?
Tùy căn cơ và nghiệp duyên của
mỗi người, chúng ta có thể lựa chọn tu tập trên hai phương diện: pháp tướng và
pháp tánh. Pháp tướng bao gồm các trường phái: Câu Xá (Kosa), Duy Thức
(Vijnanavada), Trung Quán (Madhyami-ka)..., chuyên về giảng giải phân tách Kinh
tạng, dùng luận lý để hiểu rõ pháp giới và tiến gần đến chân lý. Pháp tánh tông
thì ngược lại, nhấn mạnh về vấn đề tu tập thiền quán để chứng ngộ bản tâm và
pháp giới, gồm các trường phái: Thiền (Chan, Zen), Du Già (Yoga), Mật tông
(Tantrayana)...
Ta có thể xắp các trường phái
thuộc pháp tướng vào Hiển giáo và pháp tánh vào Mật giáo, vì nó được "biệt
truyền" không đi qua văn tự Kinh điển. Mật tông Tây Tạng cũng vậy, hành
giả phải tự thân tu tập thiền quán để đạt giác ngộ và giải thoát. Có một số
thành kiến sai lầm về Mật giáo, cho đó là một tông phái chuyên môn tu luyện bùa
chú, phù phép trừ ma ếm quỷ. Sở dĩ được gọi là Mật giáo vì đa số những pháp môn
đều được truyền khẩu (transmission orale) và đệ tử là người đã được lựa chọn,
chấp nhận cũng như đã được vị Thầy đích thân truyền trao giáo pháp
(initiation). Những người ngoài cuộc, chưa được trực tiếp thọ giáo thì dù có
thông hiểu cũng khó có thể tu tập thành tựu được, vì nó tùy thuộc sự giao ước
(samaya) của người đệ tử và sự gia hộ thiêng liêng của các bậc Thầy Tổ trong
tông phái. Sự kiện này không có gì đáng phải bình luận, vì mỗi tông phái đều có
truyền thống riêng biệt và những tinh túy thâm sâu mà chúng ta, những người tầm
đạo, cần có một tâm học hỏi cầu tiến biết nhìn khách quan và rút tỉa điều hay
lẽ phải áp dụng vào sự tu hành bản thân.
Ðúng ra tu tập Mật giáo cần phải
có sự đích truyền (lung, dbang), nếu không thì không thể tiến xa được. Nhưng
nếu giữ đúng như vậy thì nó sẽ mai một và những người thiếu duyên sẽ không có
cơ hội biết đến. Do đó tôi đành mạo muội phiên dịch tập sách này, trước hết
giới thiệu thiền Ðại Thủ Ấn, sau là nói lên rằng tu thiền cần phải có sự hướng
dẫn của một vị Thầy (Guru, Lama) với những phương thức rõ ràng.
Tu tập về Ðại Thủ Ấn có hai
phương pháp:
1) Theo sáu phép Du Già của
Naropa,
2) Thiền Chỉ Quán
(Shiné-lhaktong).
Phương pháp thứ nhất rất phức
tạp và nguy hiểm, hoàn toàn thuộc Mật giáo, phương pháp thứ hai, được trình bày
ở đây, có nhiều điểm tương đồng với các pháp môn thiền quán của Thiên Thai, Tứ
Niệm Xứ và nhất là Thiền tông Trung Hoa. Tác giả tập Ðại Thủ Ấn này là ngài Ouang
Tchuk Dorjé Karmapa, tổ thứ 9 của phái Kagyupa (phái áo vải), một trong bốn
phái chính của Tây Tạng.
Ðây là một tài liệu quý giá
nhưng giản dị, không dùng thi văn, kệ ngôn diễn tả nửa úp nửa mở mà nó trình
bày thứ lớp mạch lạc các tiến trình tu tập khảo sát nội tâm, để cuối cùng giúp
hành giả nhận ra bản tánh của tâm tức Ðại Thủ Ấn (Mahamudra).
Tôi xin cảm tạ Lama Shérab Dorjé
viện trưởng tu viện Kagyu Ling và nhà xuất bản Yiga Tcheudzinn đã đồng ý cho
tôi dịch tập sách này, cùng ghi tạc công đức của Ganden Rinpoché và Guendune
Rinpoché đã giúp đỡ rất nhiều về tinh thần và giáo lý cho tôi. Riêng về bản
dịch, vì du tăng không đủ phương tiện, tài liệu và khả năng nên chắc chắn có
nhiều thiếu sót, mong bạn đọc hội ý quên lời để đôi bên lưỡng lợi, và các bậc cao
minh hoan hỷ lượng thứ chỉ giáo cho.
Xin hồi hướng công đức này cầu
cho tất cả chúng sanh ý thức được sự vô thường, đau khổ của cuộc đời và đồng
pháp tâm cầu giác ngộ giải thoát.
Hàn Thảo Lộ, tháng 03 năm 1989
Thích
Trí Siêu
Ghi chú: Những
chữ thẳng là nguyên văn của ngài Karmapa đệ IX. Những chữ nghiêng là lời bình
giảng của Bérou Khyentsé Rinpoché. Những chú thích ở cuối trang là do dịch giả
thêm vào để giúp đọc giả hiểu rõ hơn.
Lời tựa
Từ lâu
các triết gia, đạo gia và chúng ta, hàng phật tử, đều đã băn khoăn tìm hiểu
tâm, vì tâm là đầu dây mối nhợ sinh ra các pháp: "Tâm sanh các pháp đều
sanh, tâm diệt các pháp đều diệt". Nhưng tâm là gì? Hoạt động của nó ra
sao? Ðó là những câu hỏi rất thường được đặt ra. Như một tấm gương, tâm có thể
cho ta thấy tất cả hình ảnh của sự vật, nhưng khi muốn tìm lại, thì không thể
thấy. Nó tựa như vô hình vậy.
Ðôi khi cái tấm "gương
tâm" này như bị mờ đục, có lúc lại nhu trong và sáng tựa như không có gì
hiện ở trong, hoặc có lúc nó lại bị những ý niệm nổi lên ào ào như những cơn
gió lốc. Mặc dù trong tâm hiện ra những hình ảnh, âm thanh hoặc những ý niệm
hay bất cứ cái gì đi nữa, nó vẫn luôn luôn có một tánh hiểu biết (nói cho dễ
hiểu là một cái biết) trong sáng tiềm tàng. Nếu ý thức được sự hiện hữu của "cái
biết" này, ta sẽ không khó chịu hay ưa thích đối với những cái gì hiển
hiện trên mặt "gương tâm". Một khi nhận ra cái tánh ngàn xưa (bổn
tánh) của gương này thì bất cứ việc gì xảy đến, ta cũng không ngại, vì ta chính
là "yên lặng và trong sáng". Nhưng nếu không ý thức được điều trên
thì những vọng niệm, ảo ảnh (vốn trống rỗng và không thực) sẽ trở nên thực có
và do đó chúng tạo cho ta muôn điều sợ hãi, lo âu cũng như ham muốn và đau khổ.
Ðại Thủ Ấn, Mahamudra, là một
phép thiền quán khảo sát nội tâm, nhằm loại trừ tất cả ảo tưởng và phú chướng
từ đời vô thỉ đã bao phủ dầy đặc bản tâm. Tuy nhiên trước khi thực sự tiến bước
trên con đường quán chiếu, hành giả cần trải qua một sự "dự bị tu
tập" (pratiques préliminaires). Có dự bị kỹ càng thì tiến tu mới thuận lợi
và chắc chắn.
Ðiều trước tiên là phải ý thức
rằng có được thân người là một điều hy hữu. Trong các Kinh, đức Phật vẫn thường
nhắc nhở: thân người khó được, nhưng lại dễ mất. Cái chết luôn luôn đến quá
sớm, quá bất ngờ. Khi nó đến thì ngay cả gia đình, bạn bè, tài sản, danh vọng
đều bất lực không cứu giúp gì được cho ta, chỉ có những hành động tạo tác trong
lúc sống là đi theo ta như hình với bóng mà thôi. Do đó, trong lúc thân thể còn
khoẻ mạnh, lưng chưa còng, mắt chưa lòa, ta hãy cố gắng sống một cuộc đời ý
nghĩa bằng cách đem lại an vui và hạnh phúc cho mọi người, thương yêu và thông
cảm lẫn nhau. Ðược vậy, ngày ra đi ta có thể mỉm cười với tâm hồn thanh thản.
Tuy nhiên theo luật nhân quả thì
ta vẫn phải tái sanh. Còn tái sanh là còn bị chi phối bởi sinh, già, bệnh,
chết. Dù tái sanh làm trời, người, vua, thú vật hay quỷ đói đi nữa, ta vẫn còn
bị đau khổ ràng buộc. Sự khao khát một chân hạnh phúc luôn luôn bị ngăn che bởi
tham dục, sân hận và tâm hồn quá ích kỷ của ta. Ðiều đầu tiên chúng ta cần làm
là suy ngẫm, quán chiếu về sự đau khổ vô thường của cuộc đời, sau đó quyết tâm
mãnh liệt phát nguyện giải thoát khỏi luân hồi.
Tiếp theo ta quán chiếu rằng
không phải chỉ có riêng một mình ta chịu đau khổ, mà tất cả chúng sanh đều như
vậy. Ngay cả một con bọ nhỏ cũng cố gắng vùng vẫy chạy thoát khi bị lùng bắt.
Hãy nghĩ lại xem, đời sống và hạnh phúc của ta đều liên quan và tùy thuộc rất
nhiều người, do đó ta không thể làm ngơ đi tìm hạnh phúc cá nhân và bỏ quên
những người khác. Suy nghĩ được vậy mới có thể khởi lòng thương yêu và cứu giúp
tất cả mọi người. Khởi tâm xong chưa đủ, ta cần phải thực hiện. Nhưng làm sao
thực hiện được khi chính bản thân ta chưa trừ được tham sân si, phiền não, chưa
làm chủ được thân tâm. Do đó điều quan trọng thứ hai là làm sao đạt được giác
ngộ giải thoát một cách nhanh chóng hầu cứu giúp tất cả chúng sanh. Muốn vậy ta
cần phát Bồ Ðề Tâm (Bodhicitta), tức phát nguyện thành Phật để cứu độ chúng
sanh.
Hai điều trên, phát nguyện giải
thoát khỏi luân hồi và nguyện thành Phật để cứu độ chúng sanh, là những nền
tảng căn bản nhưng tối quan trọng trong việc chuẩn bị và chuyển hướng tâm linh
cho hành giả. Sau khi phát nguyện mạnh mẽ, ta có thể bước sang phần thực tập sơ
khởi, hay dự bị tu tập. Phần này nhằm mục đích thanh lọc, tiêu trừ những nghiệp
chướng thô kệch, giúp ta tích tụ thêm nhiều công đức để sau này ít gặp trở ngại
và tiến nhanh đến đạo quả. Phần thực tập sơ khởi đầu tiên là lạy Phật. Trong
lúc lạy Phật, ta phải quán chiếu luôn sự quy y Tam Bảo, khởi lòng tin chắc rằng
nương về Tam Bảo là phương tiện duy nhất giúp ta thoát khỏi sự lặn hụp trong
đau khổ của luân hồi. Lạy Phật cũng giúp ta chừa bỏ tánh cống cao ngã mạn, và
sự kham nhẫn chịu đựng sẽ tẩy trừ bớt những nghiệp xấu của ta.
Bài thực tập kế là thiền quán về
Kim Cang Tát Ðỏa (Vajrasattva méditation). Pháp này cũng nhằm tẩy trừ nghiệp
xấu. Tiếp theo sau là cúng dường Mạn Ðà La (offrande du Mandala), phần này giúp
ta tích tụ rất nhiều công đức. Cuối cùng là bài tập về Guru Yoga, phần này củng
cố mối giây liên hệ giữa ta với vị Thầy (Lama hay Guru) và tất cả những vị Tổ
trong tông phái. Qua trung gian bài thực tập này ta tiếp nhận được sự chân
truyền và gia hộ của chư Tổ.
Sau khi hoàn tất phần tu tập dự
bị cũng như nghe giảng giáo lý và suy tư về những chỉ thị của vị Thầy, ta có
thể bước vào phần chính của thiền Ðại Thủ Ấn: đó là tu tập miên man về pháp
Ðịnh Tâm (Samatha) và quán chiếu thâm sâu (Vipasyana). Thành tựu pháp Ðịnh Tâm
sẽ giúp ta nhận ra (hay nhận lại) bổn tánh của tâm. Quán chiếu thâm sâu sẽ giúp
ta thực chứng "tánh Không" (Vacuité, Sunyata) hay thực tướng của vạn
pháp. Tu tập đứng đắn và thành tựu được hai pháp này chắc chắn sẽ gột sạch vô
minh và tất cả phiền não từ lâu đã phủ dày tâm ta.
Trở về sống hoàn toàn với
"cái biết" (hay tánh giác) từ ngàn xưa, trong sáng, tròn đầy và đồng
thời phát triển cùng cực tâm Bồ Ðề (Bodhicitta), danh từ nhà Phật thường gọi là
Ðại Trí và Ðại Bi, lúc đó ta có thể cất tiếng ca hát khúc khải hoàn, vì ta đã
đầy đủ năng lực vô cùng tận để cứu giúp chúng sanh vô số lượng.
Theo truyền thuyết Tây Tạng, xưa
kia khi thuyết về Hiển giáo, đức Phật đã dùng hóa thân là Thích Ca Mâu Ni Phật,
nhưng khi thuyết về Mật giáo thì lại dùng hóa thân là đức Phật Vajradhara, và
chính hóa thân này đã truyền dạy về Ðại Thủ Ấn. Giòng truyền thừa này bắt nguồn
từ Ấn Ðộ do ngài Tilopa truyền cho Naropa, sau đó nhà đại dịch giả Marpa đã đem
về xứ Tây Tạng truyền lại cho đệ tử là Milarépa, nhà đại hành giả Du Già Tây
Tạng, nổi tiếng là đã đạt được giác ngộ hoàn toàn ngay trong một đời, nhờ sự tu
hành khổ cực và tinh tấn cũng như hết lòng tôn kính vị Thầy của mình. Tiếp theo
là Gampopa, vị này truyền lại cho nhiều đệ tử, trong số đó có ngài Tusum
Khyenpa, tức là Karmapa đệ I, sáng Tổ của giòng "Karma-Kagyu". Giòng
này tiếp tục truyền thừa cho đến ngày nay và vị Tổ hiện đại là ngài Karmapa đệ
XVI.
Kinh sách Tây Tạng luôn luôn
nhắc nhở rằng tu hành theo Phật Pháp, nhất là Ðại Thủ Ấn hay những pháp môn
phức tạp của Mật giáo (Tantra), rất cần sự hướng dẫn cẩn thận và tỉ mỉ của một
vị Thầy (Lama, Guru), nếu không sẽ rất dễ lạc đường. Hơn nữa vị Thầy chính là
trung tâm điểm của pháp quán Guru Yoga, một pháp quán trọng yếu và căn bản của
tất cả trường phái Phật Giáo Tây Tạng. Như vậy vị Thầy cần phải là một người đã
giác ngộ và đắc đạo, có khả năng tiếp độ dẫn dắt đệ tử nhận ra bổn tánh của
tâm. Do đó người đệ tử cần đối xử và xem vị Thầy của mình không khác một đức
Phật sống. Sự tôn kính và phục vụ một vị Thầy như vậy chắc chắn sẽ làm tăng
trưởng nhiều căn lành, và đương nhiên sẽ dẫn đến đạo quả một cách nhanh chóng.
Tuy vậy việc này không phải là dễ làm, vì dù cho hết lòng tin tưởng nơi vị Thầy
(mà ta cho là đắc đạo), đôi lúc ta cũng cảm thấy hình như vị Thầy của mình còn
mang vài tật xấu. Nhưng thực ra hành động của vị Thầy chỉ là sự phản ảnh của
những vô minh nghiệp chướng còn lưu lại trong tâm ta mà thôi. Có một phương
thức tu tập tên là "Lo Djong" của trường phái Kadam Tây Tạng, mà ngài
Gampopa đã phối hợp với Ðại Thủ Ấn, dạy rằng mỗi khi có một sự tranh chấp xảy
ra, ta hãy nhận phần lỗi về mình và phần phải về đối phương. Làm được như thế
ta sẽ chuyển tất cả nghịch cảnh thành những thiện duyên lợi ích cho sự tu hành.
Mong rằng tập sách này sẽ đem
lại lợi ích cho mọi độc giả và hành giả.
Alexander Berzin Dharamsala, Ấn Ðộ, 1977
Mở đầu
Xin thành
tâm xưng tán và đảnh lễ tất cả chư Tổ của phái Kagyu. Tuy đã giác ngộ và trở về
với Pháp thân từ vô lượng kiếp, các ngài vẫn luôn luôn thị hiện dưới nhiều hình
thức để cứu độ chúng sinh. Chỉ cần nghe danh của các ngài cũng đủ khiếp phục
mọi lo âu và đem lại tin tưởng.
Sau khi đảnh lễ Thầy Bổn Sư
(Lama) và chư Tổ của tông phái, tôi xin nói đôi lời về Ðại Thủ Ấn, tinh hoa
thâm thúy của Kim Cang thừa (Vajrayana) để khuyến khích những đệ tử đang tìm
cầu giải thoát. Ðây là con đường độc nhất mà chư Phật đã đi qua, và đã được
truyền khẩu từ thời đức Phật Thích Ca Mâu Ni cho đến vị Thầy Bổn Sư[1] của ta.
Nó là tinh hoa của tâm chư Phật ba đời, là phương pháp dẫn đến giác ngộ giải
thoát ngay trong một đời.
[1] Lama-racine: Dịch là Thầy
Bổn Sư. Theo Tây Tạng thì không hẳn là vị Thầy mà ta đã quy y hay thọ giới, vì
ta có thể có nhiều Thầy. Vị Thầy nào đã làm cho ta giác ngộ (bổn tánh) thì vị
đó được xem là Bổn Sư. Trong trường hợp chưa giác ngộ thì vị Thầy nào hướng
dẫn, giúp đỡ ta nhiều nhất có thể được xem là Bổn Sư.