Thuyết nhân quả của nhà Phật, nói đủ là nhân-duyên và quả là
một triết lý mang tính khoa học, qui luật tự nhiên của vũ trụ, không
mang tính chất hình thức của sự thưởng phạt từ một đấng quyền năng nào.
Hiểu vậy, trong cuộc sống, chúng ta vui vẻ đón nhận những khổ đau bất
thường xảy đến với mình như một kết quả do chính mình tạo nhân từ trước.
Từ đó suy nghiệm ra, lý nhân quả chi phối cả vũ trụ nhân sinh. Nếu tin
sâu nhân quả, chúng ta sẽ được thăng hoa trên đời sống tâm linh, trở nên
hiền thiện đạo đức. Ngược lại, nếu không tin nhân quả, cuộc sống chúng
ta trở nên liều lĩnh và càn bừa, bất chấp hậu quả.
Nói về lĩnh vực khoa học, từ nhân đến quả là sự chuyển biến tự nhiên.
Đức Phật khám phá lý nhân quả cũng chính là khám phá lý khoa học tự
nhiên để áp dụng tu hành, đạt đến lý tưởng siêu nhiên. Cho nên, Đạo Phật
vừa mang tính khoa học tự nhiên, vừa là khoa học siêu nhiên như nhà bác
học Einstein đã nói: “Đạo Phật là khoa học vừa mang tính tự nhiên vừa siêu nhiên”.
Vũ trụ nhân sinh luôn chuyển biến vận hành trong mọi thời khắc. Có
thể nói, bản thân chúng ta, hoạt động tâm lý và tất cả các pháp đang
chuyển biến liên tục, không dừng trụ dầu chỉ một sát na. Quá khứ, hiện
tại và vị lai luôn chuyển biến theo chiều hướng nhân quả. Nhân quả cũng
tức là vô thường, là chiều thời gian chuyển biến liên tục trong tự thân
của vật thể và trong hoạt động tâm lý. Vũ trụ nhân sinh chuyển biến vận
hành theo một quy luật chung, đó là luật nhân quả. Nó vận hành một cách
âm thầm, chỉ những người nào đầy đủ quán trí sẽ thấy rằng quy luật chi
phối cả đời sống vật chất, vật lý, sinh lý và tâm lý.
Đức Phật khám phá lý nhân quả, vô thường, duyên sinh, cuối cùng đạt
đến chỗ siêu nhiên, tức phi thiện phi ác, là cảnh giới của người giải
thoát. Đến với Đạo Phật, học hiểu đạo lý để chuyển hóa bản thân, bớt
những đắm nhiễm, đam mê vật chất. Khoa học ngày càng tân tiến, khám phá
những quy luật của tự nhiên để tạo ra sản phẩm cung ứng cho lòng tham vô
bờ của con người. Còn Đạo Phật cũng khám phá về nhân quả, vô thường,
duyên sinh nhưng giúp con người hiểu đạo lý, sống biết cách đối nhân xử
thế, làm đẹp bản thân, gia đình và xã hội. Cho nên, đến với Đạo Phật là
đến với đời sống tâm linh. Khi chúng ta có chánh kiến về nhân quả, chắc
chắn đời sống chúng ta sẽ được thăng hoa. Nghĩ, nói và làm có lợi cho
mình, cho người, không nghĩ điều quấy, nói lời xấu và làm việc ác.
Có thể nói, phương pháp giáo dục phổ thông của Đạo Phật được tìm thấy
ở đạo lý nhân quả. Khi chúng ta làm một việc sái quấy, có hại cho người
khác, có khi trốn được tòa án ở thế gian nhưng không trốn chạy được
chính lương tâm của mình. Mình chính là gương nghiệp in bóng trước đài,
là quan tòa xử án công minh cho những hành vi tội lỗi nơi bản thân. Giáo
dục về nhân quả giúp mình sửa đổi cái hư dở nơi lương tâm chúng ta chứ
không phải giúp mình trốn chạy trước pháp luật bên ngoài. Nhân quả nhà
Phật chú trọng đến động cơ luận hơn là kết quả luận, phòng cháy chứ
không chờ chữa cháy. Giáo dục của Đạo Phật là giáo dục từ ban đầu khi
khởi tâm niệm bất thiện, trước khi xảy ra điều tệ hại, khuyên mọi người
ăn hiền ở lành, hiểu biết nhân quả, tội phước, thì tự nhiên trở thành
người tốt. Vì vậy, người nào hiểu được nhân quả thì đời sống người đó
được bình yên. Một người ác có thể trở thành người hiền, một người xấu
xa hèn hạ có thể trở thành một người tốt. Từ đó từng bước cải hóa trở
thành bậc Hiền, bậc Thánh.
Đối với nhà Thiền, khi niệm thiện niệm ác đều quét sạch, trực giác
phát sinh, con người sống trong trạng thái phi thiện phi ác, nhưng việc
thiện ác trên thế gian vẫn quán xuyến, không lầm. Đó là người đang ở
trong trạng thái thiền định, có đời sống không niệm khởi.
Đức Phật dạy, trên cuộc đời này có bốn hạng người:
Hạng người thứ nhất, từ tối vào nơi tối.
Hạng người thứ hai, từ tối đi ra sáng.
Hạng người thứ ba, từ nơi sáng đi vào tối.
Hạng người thứ tư, từ nơi sáng đi đến sáng.
Thế nào gọi là từ tối đến tối? Nghĩa là người đó sanh trong một gia
đình nghèo khổ, kém văn hóa, không có đạo đức, lại không học hiểu đạo
lý, với ý nghĩ ác, miệng nói ác, thân làm ác, nên gọi là từ tối mà đến
tối.
Hạng người thứ hai, từ tối đến sáng, nghĩa là người này sanh trong
một gia đình nghèo khổ, không có văn hóa, không có đạo đức, nhưng tự
thân người đó nỗ lực tu hành, ý nghĩ điều lành, miệng nói điều lành,
thân làm việc lành, ngày càng thăng hoa trên đời sống đạo đức, nên gọi
là người từ tối mà đến sáng.
Hạng người thứ ba, từ nơi sáng đi vào tối, nghĩa là họ sanh trong một
gia đình khá giả, có văn hóa, có đạo đức, nhưng bản thân lại nghĩ điều
ác, miệng nói ác, thân làm ác, không biết đến đạo lý, nên gọi là từ sáng
đi đến tối.
Hạng người thứ tư, từ sáng đi đến sáng, nghĩa là người này được sanh
ra trong một gia đình khá giả, có đạo đức, văn hóa, lại biết tu học, ý
nghĩ điều lành, miệng nói lành, thân làm lành. Đây là hạng người hữu
phước, gọi là từ sáng đến sáng.
Tất cả chúng ta sống trong cuộc đời này đều do nghiệp quả biểu hiện
từ những kiếp trước. Mọi hậu quả chúng ta đang mang đều chính do bản
thân chúng ta tạo tác. Các pháp chuyển biến từ trạng thái này sang trạng
thái khác, tâm lý chuyển biến từ trạng thái này đến trạng thái khác,
thì nghiệp cũng chuyển biến từ trạng thái này đến trạng thái khác, không
có cái gì đứng yên một chỗ. Vì vậy, nghiệp có thể chuyển, từ người ác
có thể thành người hiền, từ người hiền nếu không tu cũng có thể trở
thành người ác.
Nhân quả thể hiện qua ba phạm trù thời gian, gọi là hiện báo, sanh
báo và hậu báo. Hiện báo là kết quả trổ ngay trong hiện kiếp, có thể
ngay tức khắc, hoặc một ngày, một tháng, một năm, nhiều năm…trong một
đời này. Sanh báo là kết quả trổ ở kiếp sau khi vừa thọ nhận một thân
mới. Vì vậy, có những người tạo việc lành bây giờ mà vẫn gặp điều không
tốt vì nhơn ác đã tạo từ kiếp trước. Hậu báo là khi mình tạo việc lành
hay việc dữ ở kiếp này, quả không trổ liền ở kiếp này hay kiếp tiếp theo
mà nhiều kiếp về sau mới trổ, vì duyên chưa đủ. Y cứ về lý nhân quả mà
nói ba thời, ba khía cạnh của nhân quả.
Nhà Phật có nói: “Phàm làm việc gì phải nghĩ đến kết quả của nó”. Con
người chúng ta làm việc đôi khi do bản năng, tính háo thắng hoặc thiếu
suy nghĩ mà không lường trước những hậu quả của nó. Phần lớn những sự
thất bại trong công việc đều do những yếu tố chủ quan trên mà ra. Vì
vậy, áp dụng đạo lý nhân quả vào các công việc xã hội, chúng ta sẽ có
được những thành công trong lao động. Người hiểu luật nhân quả sẽ không
cho phép mình suy nghĩ, nói năng và làm việc xấu. Nếu mọi người ai cũng
được vậy thì đất nước sẽ văn minh, xã hội có văn hoá, gia đình sẽ hạnh
phúc. Vì thế, giáo dục con người biết suy nghĩ tốt, làm việc lành là một
nhiệm vụ cao cả và thiết yếu.
Những ai có niềm tin xác tín về nhân quả, thiện ác, dĩ nhiên khi suy
nghĩ, nói năng hay hành động gì đều phải có thái độ thận trọng. Một tách
nước trà lỡ đổ xuống đất, muốn lấy lên lại không dễ. Một ý nghĩ, lời
nói, hành động xấu ác buông ra lỡ lầm, mang lại một hậu quả ghê gớm khôn
lường. Một bài kệ nói về nhân quả như sau:
“Dục tri tiền thế nhân
Kim sanh thọ giả thị
Dục tri lai thế quả
Kim sanh tác giả thị.”
Tạm dịch:
“Muốn biết nhân đời trước
Xem thọ nhận đời này
Muốn biết quả đời sau
Xem tạo tác đời này.”
Cái thọ dụng trong cuộc sống này, chánh báo và y báo của mình, xem
thử mình mang thân như thế nào, con người có hạnh phúc hay không, nghèo
hay giàu, ngu hay trí… cứ nghiệm lại mà biết rằng nhân đời trước mình
tạo là nhân gì. Nho giáo có câu:“Nhất ẩm nhất trác, giai do tiền định”.
Một cái ăn, một cái uống, một cái mặc cũng đều do tạo nhơn lành hay dữ ở
kiếp trước. Muốn biết kết quả kiếp sau ra sao, nơi kiếp này hãy suy xét
sự tạo tác của thân - khẩu - ý của mình ra sao. Nếu chúng ta có chánh
kiến về nhân quả sẽ có thể biết được quá khứ, hiện tại, vị lai của mình
và người như thế nào, từ đó quyết chí tiến tu để mỗi ngày được thăng hoa
hơn trên lộ trình tu tập.
Qua thuyết nhân quả của Đạo Phật cho chúng ta thấy có sự tái sanh,
luân hồi, có quả báo khổ vui trong các kiếp sống. Các vị Đạt Lai Lạt Ma
bên Tây Tạng đã nói đến thuyết tái sinh, đi tìm hậu thân và các cõi
sống. Thân ngũ uẩn của chúng ta đều do nghiệp lực mỗi người vẽ ra mà có
sự sai biệt về hình dáng, tính cách, hoàn cảnh. Cho nên, mình là Thượng
đế của chính mình, tự tạo ra hoàn cảnh chánh báo và y báo cho chính
mình. Người hiểu đạo lý, niềm tin này làm cho họ tự ý thức dè dặt, thận
trọng trong mọi ý nghĩ, lời nói, việc làm của mình, chuyên tu ba nghiệp
cho được thanh tịnh, ngõ hầu chuyển hóa bản thân, gia đình và xã hội đều
dứt ác hành thiện.
Là người Phật tử chân chính, phải có sự tin tưởng tuyệt đối về lý
nhân quả vì là một lẽ thật. Chúng ta có thể kiểm nghiệm ở nơi hiện tượng
hữu sanh hữu diệt theo chiều nhân quả, từ đó áp dụng tu tập cho bản
thân mình và mọi người, chuyển đổi những hư dở, xấu ác nơi mình, góp
phần vào đời sống gia đình và xã hội được bình an, phúc lạc. Tin nhân
quả, chúng ta tự ý thức dè dặt từng bước đi trong cuộc sống này, chính
bản thân mình sống có ý nghĩa. Và, chúng ta đem cái ý nghĩa đó làm những
việc hữu ích cho mọi người. Giáo dục con người biết tin nhân quả thì
bản thân họ được an vui, gia đình họ được hạnh phúc và xã hội được ổn
định trật tự, làm nền tảng xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh.
Mùa Vu lan Báo hiếu - Phật lịch 2555 (2011)
Thiền Viện Trúc Lâm Viên Ngộ
Phan Rang - Ninh Thuận