Tôi đã để ý thấy người Việt tin tưởng rất mạnh mẽ vào khả năng tăng sức
mạnh của thịt.Trong khi ăn chay ở Australia liên quan tới đạo đức, môi
trường và bảo vệ động vật thì mối liên hệ lớn nhất với ăn chay ở Việt
Nam hình như là cái đói.
Lần đầu tiên tôi ăn thịt sau hơn 10 năm ăn chay là ở Đại sứ quán Việt
Nam tại Canberra (Australia). Ngài Đại sứ Việt Nam tổ chức chiêu đãi
những tình nguyện viên chuẩn bị sang Việt Nam theo chương trình viện trợ
của Chính phủ Australia và tôi là một trong số họ.
Chúng tôi đều nghĩ tiệc chiêu đãi sẽ bao gồm một cái bắt tay từ Ngài
Đại sứ, một tách trà, và có thể một chút đồ ăn nhẹ. Nhưng khi tới nơi,
chúng tôi mới học được một bài học quan trọng về tính hiếu khách của
người Việt. Đó là nó luôn đi kèm với một lượng thức ăn khổng lồ.
Là một người ăn chay, tôi được thêm một bài học nữa: Lượng thức ăn
khổng lồ đó hầu như luôn chứa một lượng thịt khổng lồ. Tôi đã ăn phở bò
và nem thịt heo được chế biến bởi đầu bếp riêng của Ngài Đại sứ và tôi
tự hỏi liệu đây có phải dấu hiệu báo trước những gì sẽ chờ đợi tôi ở
Việt Nam? Giờ đây, đã sống ở Việt Nam được 2 năm, tôi có thể khẳng định
là đúng như vậy.
Các nhà hàng Việt ở Australia luôn được giới ăn chay chúng tôi ưa
thích. Họ phục vụ vô số món ăn chay nên khiến một số người hiểu lầm về
các nhà hàng ở Việt Nam, vì thực chất là làm một người ăn chay ở Việt
Nam không hề dễ dàng như vậy.
Ngoài phạm vi những nhà hàng chay thuần túy vốn rất tuyệt vời ở đất
nước này, thì một người ăn chay hầu như chỉ có lựa chọn khoai tây chiên,
trứng rán và rau muống luộc cho mọi bữa ăn. Tin tôi đi, tôi biết mà.
Một lần, tôi làm một chuyến xe đạp quanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Trong khi bạn đồng hành của tôi say sưa chén hết món cá này đến món thịt
khác thì tôi chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài trứng rán và khoai tây
chiên cho 3 bữa 1 ngày trong suốt 4 ngày liên tục. Đến cuối ngày thứ
tư, tôi van vỉ nhà hàng cho mình ít đậu phụ.
Tôi đã để ý thấy người Việt tin tưởng rất mạnh mẽ vào khả năng tăng
sức mạnh của thịt. Nếu như hầu hết mọi người ở Australia, khi biết tôi
ăn chay, sẽ hỏi: "Tại sao bạn ăn chay?" thì ở Việt Nam, tôi rất ngạc
nhiên khi thấy câu hỏi này hiếm khi được nêu ra. Thay vào đó, từ khi tôi
ở đây câu hỏi luôn là "Bạn không thấy đói à?". Trong khi ăn chay ở
Australia liên quan tới đạo đức, môi trường và bảo vệ động vật thì mối
liên hệ lớn nhất với ăn chay ở Việt Nam hình như là cái đói.
Ví dụ, khi tôi tới thăm nhà một người bạn vào dịp Tết năm rồi, cô ấy
đã cảnh báo trước với mọi người trong gia đình rằng tôi là người ăn chay
và họ đã rất tử tế chuẩn bị một món trứng không thịt cho tôi. Thế rồi
cô của bạn bỏ thêm thịt lợn vào đó.
Bạn tôi hỏi: "Sao cô lại bỏ thịt lợn vào? Bạn ấy ăn trứng là vì bạn ấy không muốn ăn thịt"!
Và cô trả lời: "Nhưng không có thịt thì nó sẽ bị đói mất"!
Vì theo quan niệm, thịt là nền tảng dinh dưỡng của chế độ ăn uống của
người Việt nên rất dễ hiểu khi cho rằng không có nó, bạn sẽ thiếu một
thứ gì đó. Nhưng những người ăn chay không chỉ ăn một chế độ thong
thường trừ đi thịt. Họ thay thế nó bằng các nguồn protein khác như đậu
phụ, các loại hạt, quả đậu và ngũ cốc. Trước khi tới Việt Nam, tôi chưa
bao giờ nghĩ rằng có ai lại coi "ăn chay = đói"!
Tôi thấy mẩu chuyện của một cậu bạn về chủ đề này khá buồn cười. Bạn
tôi, một người Anh sống ở Hà Nội, cao gần 1,9 mét, và rất vạm vỡ. Người
Việt thường lại gần và bình luận rằng trông anh "khỏe" thế nào, rồi làm
điệu bộ gồng cơ bắp để nhấn mạnh điều đó. Bất chấp thực tế này, các đồng
nghiệp người Việt của anh liên tục nói với anh rằng việc anh đi xe máy
quanh Hà Nội là rất nguy hiểm. Tại sao? Không phải vì anh có thể bị xe
buýt đâm vào, mà vì anh ấy là người... ăn chay. Bất chấp mọi bằng chứng
chống lại họ, các đồng nghiệp của anh quả quyết rằng nếu anh không ăn
thịt, anh sẽ bị yếu ớt tới nỗi không thể điều khiển được xe máy và sẽ bị
ngã.
Có lẽ ở Việt Nam có nhiều người ăn chay hơn là tôi biết, nhưng họ quá
yếu tới nỗi không ra khỏi giường nổi! Dù sao, tôi có thể thấy còn lâu
người Việt mới từ bỏ món thịt. Tôi đoán tôi sẽ còn phải ăn trứng và
khoai tây ít nhất vài năm nữa.
Tabitha Carvan
A.H dịch
Tabitha là người Australia, đã sống ở Hà Nội được 2 năm.
Cô là một blogger quen thuộc của cộng đồng người nước ngoài tại Việt Nam.
|
* Bài viết là quan điểm cá nhân của tác giả. Xin mời độc giả đọc bản gốc bằng tiếng Anh của Tabitha Carvan tại đây