Tâm lý trẻ em luôn cần sự định hướng
Biểu hiện
Tôi xin được bắt đầu bằng một câu chuyện của chính đứa
cháu ruột gọi tôi là cậu. Từ thành phố Vinh, chị tôi điện vào với giọng
khẩn khoản: “ Cậu ơi! Cậu xem có cách nào giúp khuyên nhủ cháu cho chị
với.”. Hỏi thêm thì chị tôi cho biết: Cháu Bình – đức con trai thứ 2 của
chị tôi, năm nay đang học lớp 8 đã 2 lần trốn học đi chơi. Câu chuyện
của chị làm cho tôi hết sức bất ngờ! Bất ngờ ở chỗ: cháu Bình vốn là đứa
con ngoan, hiền và học giỏi với thành tích 7 năm liên là học sinh giỏi.
Sau lần trốn học thứ nhất, anh chị tôi đã dùng mọi biện pháp, vừa cứng
rắn, vừa mềm dẻo, vừa “chính trị”, vừa “quân sự” và tăng cường giám sát
việc học hành của cháu. Những tưởng cháu sẽ “chừa” như lời hứa của Bình,
nhưng không ngờ, khi cô giáo chủ nhiệm điện thoại báo cho anh chị tôi
thì mọi việc…không như lời hứa của trẻ con.
Hoài An (Biên Hòa – Đồng Nai) cũng vậy! Mới 15 tuổi đầu
nhưng An đã gây “ấn tượng” với bạn bè bằng mái tóc đỏ hoe. Không tốt
nghiệp nổi cấp 2 vì thời gian cháu dành cho “net” nhiều hơn thời gian
đến trường. Mặc dù được giáo viên chủ nhiệm khuyên nhủ, cha mẹ ra sức
ngăn chặn nhưng cuối cùng “ lực” vẫn “ bất tòng tâm”. An quyết định nghỉ
học và cháu lại có nhiều thời gian “đầu tư” vào game cũng như la cà ở
mấy quán cà phê với những người bạn – vốn là những học sinh cá biệt.
Vậy tại sao các cháu bỗng nhiên bướng bỉnh, bỏ học đi
chơi và kết quả học tập đi xuống rõ rệt, thậm chí là nhiều cháu đã bỏ
học giữa chừng.
Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy có mấy vấn đề cần phải quan
tâm như sau:
Thứ nhất: hầu hết những trường hợp các cháu bỗng nhiên
bướng bỉnh ít nhiều đều bị ảnh hưởng bởi game online, chẳng hạn như
trường hợp cháu Bình, cháu An. Từ ngày có mấy tiệm internet “mọc” lên
gần nhà. Thấy Bình thường xuyên qua lại chơi game nên anh chị tôi quyết
định nối mạng để dễ bề quản lý cháu. Nhưng anh chị tôi đã sai lầm vì anh
chị tôi chỉ quản lý được những lúc họ ở nhà. Vốn là những công chức nhà
nước nên anh chị tôi cũng phải đi làm và thời gian này chính là cơ hội
lên mạng thoải mái.
Thứ hai: Bình, An đã giao kết với một số bè bạn cá biệt
ở trong lớp. Ở lứa tuổi dậy thì, các cháu thường bướng bỉnh, bắt đầu có
những tình cảm đặc biệt với bạn khác giới và có xu hướng muốn khẳng
định mình cũng như thiết lập các mối quan hệ hướng ngoại. Khi các mối
quan hệ này được phát triển đến mức độ thân thiết thì các cháu có thể sẽ
sẵn sàng “hy sinh” vì nhau. Những thước phim về tình trạng bạo lực học
đường do một số học sinh tung lên mạng trong thời gian qua đã nói lên
điều đó.
Hậu quả khôn lường
Thời gian gần đây, dư luận cả nước chưa hết bàng hoàng
vì những đoạn phim mang tính chất bạo lực học đường liên tục được tung
lên mạng. Khi những sự việc này chưa kịp lắng xuống thì một sự việc đau
lòng khác lại diễn ra. Một học sinh lớp 10 ở Đồng Nai lại dùng dao đâm
một người bạn của mình chết ngay tại sân trường. Đây không phải là lần
đầu tiên xuất hiện hiện tượng bạo lực học đường và cũng không phải là
lần đầu tiên một học sinh phạm tội với mức độ và tính chất nguy hiểm.
Một học sinh lớp 8 phạm tội giết người ở Gia Lai, một
nhóm học sinh lớp 10 phạm tội cố ý gây thương tích ở Bình Thạnh – TP. Hồ
Chí Minh hay một nhóm học sinh lớp 7 gây rối ở Bình Định… thời gian qua
cũng là những học sinh mê game, bị ảnh hưởng bởi lối sống thực dụng,
muốn khẳng định “đẳng cấp” đối với bạn bè cùng trang lứa….
Gia đình là yếu quan trọng hình thành nhân cách
trẻ nhỏ
Hiện tượng học sinh, sinh viên phạm pháp có chiều hướng
gia tăng trên khắp cả nước đã được báo động. Theo thống kê của Cục Cảnh
sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Bộ Công an, chỉ trong 3 năm, từ
năm 2005-2008, có hơn 8.000 trường hợp học sinh sinh viên vi phạm pháp
luật hình sự với nhiều hành vi: đánh nhau gây rối trật tự công cộng,
cướp tài sản, xâm hại sức khỏe, tính mạng cho đến tội phạm ma túy,... Cơ
quan công an cũng cho biết, hiện có khoảng gần 20.000 thanh niên bỏ
học, sống lang thang, bụi đời, thông qua mạng Internet để kết thành băng
nhóm sử dụng ma tuý, gây ra nhiều vụ đánh nhau, gây rối trật tự xã hội,
cướp tài sản... Ở một số nơi vẫn còn tình trạng học sinh mang hung khí
đến trường, sẵn sàng tụ tập đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn.
Đã có nhiều trường hợp được xử lý hình sự, phạt tù, đưa
vào các cơ sở giáo dục nhưng đa số các cháu tuổi còn nhỏ, tương lai phía
trước còn dài.
Nguyên nhân
Tuổi thiếu niên là tuổi đang rất nhạy cảm với các
tác động của giáo dục. Vậy tại sao lại có tình trạng trên? Đó chính là
các em đã không định hướng được giá trị cuộc sống. Trong khi đó, môi
trường xã hội hiện nay tràn lan những cám dỗ. Nhiều gia đình bố mẹ bận
công tác hoặc lo kiếm sống không thường xuyên quan tâm tới các em hoặc
quan tâm nhưng không đạt được mục đích giáo dục như đáp ứng mọi yêu cầu
của các em về tiền bạc, phương tiện xe cộ, máy điện thoại… Các thói quen
xấu từ đó hình thành và bám chặt vào nhân cách các em đến mức rất khó
thay đổi. Một nguyên nhân khác là do những sai lầm trong công tác giáo
dục ở gia đình và nhà trường. Ở nhà trường nhiều em có học lực yếu, hoặc
có tâm lý cá biệt do những nguyên nhân nào đó gây ra, thay vì gần gũi,
quan tâm động viên, phối hợp cùng với gia đình tìm ra biện pháp hữu hiệu
để giáo dục các em thì ngược lại thầy cô lại xa lánh, lạm dụng xử phạt,
thậm chí mắng chửi, đánh đập các em làm cho các em trở nên mặc cảm, tự
ti và sống thu mình. Để tồn tại theo cơ chế phòng vệ các em dần thích
nghi với các tác động xử phạt của thầy cô, coi kỷ luật là chuyện bình
thường. Đến một mức độ nhất định các em trở nên khó bảo, hung hăng, lỳ
lợm. Và đây là thời điểm các em xa dần nhà trường, gia đình sa vào cám
dỗ để giải toả sự dồn nén trong tâm lý của mình.
Ở gia đình, nguyên nhân sự trơ lỳ tâm lý của các em phần
nhiều là do bị bố mẹ phân biệt đối xử. Cùng là con cái nhưng các em cảm
thấy bố mẹ không quan tâm đến mình; không cho các em quyền giải thích
khi có những điều làm bố mẹ không vừa lòng. Để dành lại sự quan tâm của
bố mẹ lúc này các em thường có phản ứng ngược như không nghe lời, gây
gổ, quậy phá, bỏ học… và từng bước hình thành các thói quen xấu. Bên
cạnh đó, một nguyên nhân khác khá phổ biến là do bố mẹ sử dụng roi vọt
quá nhiều với các em, đến mức các em mất đi chỗ dựa tình cảm thiêng
liêng của mình và quen dần với sự trừng phạt của bố mẹ. Có em còn thẳng
thừng tuyên bố với bố mẹ rằng muốn đánh bao nhiêu thì đánh.
Vai trò của giáo dục
Ngày nay, khi khoa học phát triển, vấn đề giáo dục học
sinh cũng đã và đang được chuyển tải với nhiều nội dung phong phú, đa
dạng cũng như được vận dụng nhiều phương pháp, hình thức tiến bộ. Kiểu
giáo dục “ Thương thì cho roi cho vọt/ Ghét thì cho ngọt cho bùi” trước
đây tuy không còn phù hợp nữa nhưng cũng không hẳn là đã hết tác dụng
bởi giáo dục thuyết phục kết hợp với giáo dục mang tính răn đe đôi lúc
lại mang đến kết quả nhiều hơn mong đợi.
Những thống kê Xã hội học cho thấy, trẻ em sống trong
gia đình khiếm khuyết như bố mẹ ly dị, bố hoặc mẹ phạm tội, gia đình
thường xuyên xảy ra xung đột, bố mẹ không quan tâm đến con cái, gia đình
quá khó khăn… thường hay phạm pháp hoặc bỏ học nhiều hơn.
Trước tình hình học sinh, sinh viên phạm pháp có xu
hướng gia tăng, năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội thảo về
giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống, phòng
chống tội phạm trong học sinh phổ thông. Tại buổi hội thảo, một số đại
biểu nhấn mạnh: cần có sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường trong vấn
đề dạy học sinh “ làm người” bởi suy cho cùng thì con người chính là gốc
của mọi vấn đề. Còn Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng,
việc giáo dục đạo đức, lối sống, phòng chống tội phạm, bạo lực trong học
sinh phổ thông cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài được triển
khai một cách đồng bộ. Như việc xây dựng đội ngũ giáo viên có chuyên môn
và đạo đức tốt, đặc biệt là xây dựng lực lượng giáo viên chuyên thực
hiện việc này và đội ngũ giáo viên làm công tác Đoàn Đội; chú trọng giáo
dục đạo đức, kỹ năng sống; thiết lập, góp ý chương trình cho hiệu quả
hơn... Về lâu dài, nên thực hiện tốt phong trào “Xây dựng trường học
thân thiện - học sinh tích cực”; tăng cường cơ sở vật chất, tạo cơ hội
có nhiều thời lượng cho hoạt động dạy học đạo đức...
Con cái là tương lai của gia đình, của đất nước. Tương
lai ấy sáng tối thế nào phụ thuộc phần lớn vào cách thức giáo dục của
gia đình và nhà trường. Để làm tốt trọng trách ấy mỗi chúng ta hãy là
người bạn tốt của các em, biết lắng nghe các em nói, đặc biệt là biết sử
dụng các phương pháp giáo dục một cách khoa học, trong đó lấy thuyết
phục, động viên, khuyến khích, nêu gương làm chủ đạo hạn chế thấp nhất
phương pháp xử phạt để thúc đẩy cái tốt cái tích cực ở các em phát
triển.