Phật Học Online

"Ngoại cảm" và thần thông trong đạo Phật!

Ngày 20/10, trên kênh VTV1 có phát sóng chương trình Trở về từ ký ức số 22. Câu chuyện này đã khơi lên nhiều chiều dư luận trái ngược nhau về hiện tượng ngoại cảm


Có ý kiến cho rằng kết luận của VTV là chưa xác đáng, vì ngoại cảm là có thật, việc tìm mộ bằng ngoại cảm là có thật; tuy nhiên trong quá trình tìm kiếm thì sẽ có trường hợp đúng và có trường hợp sai. Không thể chỉ dựa vào trường hợp đúng để khẳng định tất cả các trường hợp tìm mộ bằng ngoại cảm đều đúng; và ngược lại.

Trong khi đó cũng có ý kiến cho rằng khả năng ngoại cảm là không có thật, chỉ là trò lừa bịp.

Chúng tôi chưa có dữ liệu để khẳng định câu chuyện đúng - sai của các nhà ngoại cảm cụ thể. Nhưng với những ai tìm hiểu Giáo lý đạo Phật và lịch sử đạo Phật thì khả năng ngoại cảm - thần thông không có gì xa lạ.
 Biên bản giám định phần hài cốt của liệt sĩ Phùng Chí Kiên. Ảnh chụp từ clip
Ngoại cảm là một khả năng đặc biệt của con người. Trong lịch sử Phật giáo và trong kinh sách thì có thể liệt kê rất nhiều, trong đó câu chuyện nổi tiếng nhất là trong 10 đại đệ tử của đức Phật, tôn giả Mục Kiền Liên là vị Thần thông bậc nhất. Ông đã chứng được lục thông gồm:  
1) Thần túc thông: Năng lực hiện thân tùy ý tại bất cứ nơi đâu

2) Thiên nhãn thông: Năng lực thấy cảnh huống vui khổ của tất cả chúng sinh

3) Thiên nhĩ thông: Năng lực nghe được mọi âm thanh của chúng sinh

4) Tha tâm thông: Năng lực biết được tâm ý của chúng sinh

5) Túc mạng thông: Năng lực biết được thọ mạng của mình và của chúng sinh từ muôn nghìn kiếp

6) Lậu tận thông: Năng lực đoạn trừ phiền não, sinh tử

Căn cứ Luận câu xá quyển 27, trong 6 phép thần thông trên, 5 phép thần thông đầu thì mọi người đều có thể đạt được, duy nhất phép thần thông thứ 6 thì chỉ có những bậc thánh mới có thể đạt được.

Thời đó, đức Phật đã nhiều lần nhắc nhở Mục Kiền Liên không nên sử dụng phép thần thông. Và thực tế Mục Kiền Liên cũng đã không cứu được mẹ bằng phép thần thông. 

Ngay chính Mục Kiền Liên cũng đã không thắng được nghiệp báo để thoát chết bởi bàn tay của ngoại đạo, khi Mục Kiền Liên đến truyền đạo tại thành Thất La Phiệt.

Ðó là chưa kể đến trường hợp người có thần thông sẽ lợi dụng phép đó để làm việc bất chính, hoặc sử dụng thần thông trong cuộc sống đời thường sẽ có lúc dẫn đến sai lạc dù tâm thức cố ý hoặc không cố ý. 

Thời đức Phật, Ðề Bà luôn luôn có dự mưu thay Phật lãnh đạo giáo đoàn. Vì thấy được lòng dạ đen tối của Ðề Bà, Phật đã không dạy cho Ðề Bà tu luyện phép thần thông.

Vì giá trị của thần thông là để giúp người tu chứng thấy xuyên suốt thời gian vô cùng và không gian vô tận, để biết được mọi vấn đề, mọi sự kiện, kể cả những gì sâu kín nhất trong lòng người. Nhưng, Phật vẫn không đặt nặng vấn đề tu luyện thần thông.
 Mục Kiền Liên dù Thần thông đệ nhất cũng không cứu được mẹ mình.
Trong kinh điển Phật giáo, có kể một mẫu chuyện Phật đánh giá thần thông rằng:

- Một hôm có một vị đạo sĩ Bà La Môn đang trổ tài phép thần thông bên một bờ sông cho quần chúng hiếu kỳ xem. Khi thấy Phật từ xa đi đến, đạo sĩ còn biểu diễn nhiều trò hấp dẫn với mục đích khoe khoang. Phật hỏi vị đạo sĩ phải tu luyện bao lâu mới có được phép thần thông và chứng quả gì. Ðạo sĩ cho biết là đã tu luyện trên 30 năm. Khi đạt được thần thông có thể bay đi tự tại và qua sông không cần đò. Phật nói: Nếu phải mất một nửa đời người, phải tu luyện để bay qua dòng sông khỏi phải mất một đồng xu thì giá quá đắt.

Ðây cũng không phải là vấn đề huyền bí, thần quyền, cũng không phải là khả năng siêu nhiên. Theo Phật giáo cốt lõi là "trí tuệ giải thoát" chứ không phải là đức tin thần bí thần quyền. 

An Bình

theo Phatgiao.org


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage