Phật Đà được xem là người nông dân giàu kinh nghiệm, có cái nhìn đúng đắn về nhân sinh,
khéo cày cấy tâm điền - Ảnh minh họa
Vào thời Đức Phật, Tăng đoàn Ấn Độ nương vào bình bát khất thực mà hành hóa. Đức Phật tuy không chú trọng cày cấy trồng trọt, nhưng chân nghĩa về cày ruộng và trồng trọt hiển bày không thiếu sót chỗ nào. Theo kinh Tạp A-hàm (Samyuktagama), có một lần, trên đường du hành giáo hóa, một nông dân đã chất vấn Đức Phật về cách cày bừa gieo hạt, và Ngài trả lời bằng vần kệ: “Tín tâm vi chủng tử, khổ hạnh thị thời vũ, trí năng vi lê ách, tàm quý tâm vi viên, chánh niệm tự thủ hộ, thị tắc thiện ngự giả, bảo tàng thân khẩu nghiệp, như thực xứ nội tạng. Chân thật vi kì thừa, lạc trú vô giải đãi, tinh tiến vô phế hoang, an ổn nhi tốc tiến, trực vãng bất chuyển hoàn, đắc đáo vô ưu xứ. Như thị canh điền giả, đãi đắc cam-lồ quả, như thị canh điền giả, bất hoàn thọ chư hữu” (Lòng tin là hạt giống, khổ hạnh là cơn mưa, trí tuệ là lưỡi cày, tâm tàm quý gọng cày, chánh niệm là phòng hộ, là người khéo chế ngự, gìn giữ nghiệp thân khẩu, như giữ gìn thức ăn, ở bên trong nội tạng. Chân thực là cỗ xe, lạc trú không lười biếng, tinh tiến không hoang phế, an ổn mà tiến nhanh, thẳng tiến không thối lui, đạt đến cảnh vô ưu. Ví như người cày ruộng, đợi gặt được quả ngọt, ví như người cày ruộng, không trả lại tất cả).
Phật Đà được xem là người nông dân giàu kinh nghiệm, có cái nhìn đúng đắn về nhân sinh, khéo cày cấy tâm điền, và đồng thời mong mỏi chúng sinh đều thu hoạch được Bồ-đề đạo quả. Chính vì thế mà Phật giáo đã mở rộng thêm các tư tưởng như kính điền, bi điền, ân điền, phước điền(1).
Phật giáo truyền vào Trung Quốc lấy nông nghiệp làm nền tảng xây dựng đất nước. Bởi do sự khác biệt về bối cảnh văn hóa, cũng như dân tình phong tục tập quán, nên việc phát triển sinh hoạt nông thiền mang màu sắc riêng. Đại sư Đạo An (312/314 - 385) đời Tấn lúc mới xuất gia, thì thường: “Tề kinh nhập điền, nhân tức tựu lãm”(齎 經 入 田,因 息 就 覽/ Mang kinh vào ruộng, lúc nghỉ ngơi thì đem ra xem). Đến Thiền sư Bách Trượng (720-814) đời Đường, ông dựng nên tinh thần tác vụ: “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” (一 日 不 作,一 日 不 食/ Ngày nào không làm, ngày đó không ăn), càng có tính tiêu biểu hơn. Những công án Thiền tông khác như Hoàng Phách Hy Vận (?-850, khoảng thế kỷ VIII, IX) khai điền(2), Ngưỡng Sơn Huệ Tịch (807-883) trừ cỏ(3), Thiền sư La-hán Quế Sâm(867-928) sàng lúa làm gạo(4), Hòa thượng Bố Đại (khoảng thế kỷ thứ X) cấy mạ(5)..., cho đến các thuật ngữ thiền như “Đông qua trực lung động”(6), “xuất thảo nhập thảo”(7), “hắc đậu kham định”(8), đều có mối quan hệ với nông lâm nghiệp, khắp nơi hiển thị mối quan hệ mật thiết giữa giáo dục sinh hoạt tùng lâm với tác vụ nông thiền. Thậm chí phát triển đến sau này.
Trong bốn mươi tám chức sự tùng lâm, có thiết lập các chức vụ về việc chuyên quản lý vườn tược nông nghiệp cũng như Viên đầu và Trang đầu của trang viện. Tăng chúng tự mình khai khẩn cày cấy ruộng đất, tự cấp tự túc không phụ thuộc, đặt cơ sở cho kinh tế tự viện.
Ngoài ra, dưới sự thực hiện của các cao tăng Đại đức qua các thời kỳ, nông nghiệp Trung Quốc được khai khẩn rất nhiều đất canh tác. Ví dụ như Thiền sư Phổ Nguyện (748-834) ở núi Nam Tuyền Trì Dương, với hình ảnh áo tơi nón lá đơn sơ, bằng đôi tay của mình khai khẩn đồng hoang làm thành những mảnh đất phì nhiêu, kéo dài trong vòng 30 năm; Tăng Vô Tận, Viện chủ Viện Hoa Nghiêm An Nham Sơn, thuộc Mã Tích ở phía Bắc núi Bồng Đạo Áo, khai phá ruộng hoang phế 800 mẫu; Pháp sư Thanh Biện, Viện chủ chùa Phổ Tế tỉnh Sơn Tây, trong 40 năm chuyên khai khẩn ruộng đất núi đồi, tạo được dòng nước chất ngất, có vườn tược rau ráng đẹp đẽ; Pháp sư Vĩnh Tịnh, thiền viện Thọ Thánh núi Bồng Lai huyện Tượng Sơn, khai sơn điền 300 mẫu, trồng tùng hơn 10 vạn cây; Thiền sư Phật Nhật Phổ Quang đời Đường, trừ bỏ cỏ dại, khai mở ngàn mẫu đất đai hoang phế thành ruộng tốt; chùa Thiên Đồng nhờ khai khẩn đất hoang phế, một năm thu được ba ngàn hộc (1 hộc bằng 10 đấu)…
Nhờ sự phát triển của nông nghiệp tự viện đã thay đổi lề lối kinh doanh tiểu nông cô lập... Phương thức sản xuất nông nghiệp mới này không những cung cấp cơ hội việc làm cho nông dân, mà đối với sức sản xuất xã hội và sự phát triển kinh tế nông thôn, cũng đã có tác dụng thúc đẩy tương đối quan trọng.
Thời Bắc Ngụy, Sa-môn Tăng quản Thống Đàm Diệu tấu thỉnh Văn Thành Đế Bắc Ngụy thiết lập chế độ ‘Tăng kỳ hộ’(9) ở các Châu - Trấn; thời Đường Tống, tự viện tùng lâm vận dụng sức nước thiết lập thêm xưởng xay lúa, nhà xay bột(10); thời Tống triều, các Pháp sư Duy Khê, Sư Chấn, Dưỡng Dự khởi công xây dưng công trình thủy lợi, dẫn nước tưới ruộng(11); cả đến phát triển nghề vườn trồng trọt.
Thông qua việc giao lưu hoằng pháp của Tăng lữ trong ngoài nước, cũng đưa vào Trung Quốc các loại giống cây trồng mới như rau chân vịt, cây cà, hạch đào, hồ tiêu, cà rốt, mít, cây bối diệp (pattra), đồng thời cách tân kỹ thuật làm vườn. Đặc biệt, người ta kể rằng, công chúa Văn Thành nhà Đường lúc hạ giá cho Thổ Phồn (Phiên), từng mang theo lương thực và rất nhiều hạt giống rau quả, và chỉ dạy cho người Tạng phương pháp khâu vá, thêu thùa, được người Tạng xem như là hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm. Học tăng Nhật Bản lúc đến Trung Quốc học tập Phật pháp về nước, cũng thích đem sản phẩm nông lâm của Trung Quốc về Nhật Bản, trong đó đặc biệt loại trà rất được hoan nghênh. Cho đến ngày nay, trà đạo trở thành quốc túy (tinh hoa văn hóa của đất nước) Nhật Bản; uống trà đã trở thành một bộ phận quan trọng trong đời sống của họ. Lúc bấy giờ sự mở rộng và truyền bá của Tăng lữ Phật giáo, có thể nói là nhân tố chủ yếu.
“Thanh thanh thúy trúc vô phi Diệu đế, uất uất hoàng hoa giai thị Bát-nhã” (青 青 翠 竹 無 非 妙 諦,鬱 鬱 黃 花 皆 是 般 若/Trúc biếc xanh tươi không ngoài Diệu đế, cúc vàng tươi tốt đều là Bát-nhã”). Rừng núi là môi trường tốt cho bậc tu đạo trầm tư. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trước khi thành đạo đã từng tu hành khổ hạnh sáu năm ở Tuyết sơn, tôi luyện tâm chí. Sau khi Đức Phật thành đạo, bước đầu giáo hóa chẳng có tự viện đạo tràng. Đức Phật dẫn dắt đệ tử hành hóa dọc đường, rừng rậm trở thành chốn dừng chân nghỉ lại của người xuất gia, ban đêm thì ngủ dưới gốc cây trầm tư thiền quán, tinh cần tu đạo. Mãi đến khi vua Tần Bà Sa La (Bimbisāra) xây dựng tịnh xá Trúc Lâm cúng dường Đức Phật, mới bắt đầu có tự viện. Đầu tiên vùng rừng tịch tịnh này được gọi là ‘Lan-nhã’ (Āraṇya). Sau khi truyền vào Trung Quốc thì gọi là “Tùng lâm” (rừng cây, chỉ tự viện Thiền tông, cũng gọi là Thiền lâm).
Tùng lâm thông thường nằm ở chốn hoang vu núi rừng u nhã tĩnh mịch, nên mới nói “Thâm sơn tàng cổ tự” (Núi thẳm ẩn chùa xưa), “Thiên hạ danh sơn Tăng chiếm đa” (Tăng nhân ở trên các ngọn núi nổi tiếng chiếm đa số). Tăng lữ bao đời tận dụng núi hoang, đất trống để trồng cây gây rừng, xây dựng chùa chiền. Ví dụ: Đại sư Trí Di/Khải (538 - 597) đời nhà Tùy Đường ở núi Thiên Thai tỉnh Chiết Giang đã sáng lập hai mươi ngôi đạo tràng như chùa Quốc Thanh; Thiền sư Phật Đà thời Bắc Ngụy xây dựng Thiếu Lâm tự ở Tung sơn Hà Nam; Đại sư Huệ Viễn(334-416) thời Đông Tấn dựng Đông Lâm tự ở Lư sơn Giang Tây; Tôn Ngưỡng thượng nhân (538-597) trùng kiến Thê Hà tự ở Nhiếp sơn Nam Kinh; cho đến Tứ đại danh sơn (Ngũ Đài sơn tỉnh Sơn Tây, Phổ Đà sơn tỉnh Chiết Giang, Nga Mi sơn tỉnh Tứ Xuyên và Cửu Hoa sơn tỉnh An Huy) của Phật giáo Trung Quốc. Sâm lâm (rừng rậm/rừng rú) thai nghén sự phát triển của Phật giáo, mà sự thanh tịnh trang nghiêm của đạo tràng tự viện, cũng mang lại giá trị và tài nguyên du lịch, tham quan phong phú cho quốc gia xã hội.
Ngoài ra, sự cống hiến của Phật giáo đối với rừng núi, có thể nhận được sự kiểm chứng xác minh từ trong Phật kinh. Như hàng cây thất bảo trong kinh A Di Đà (Amita), những điều trình hiện/phơi bày là một bức toàn cảnh sâm lâm sum suê mát rượi, mà Phật A Di Đà nghiễm nhiên chính là một chuyên gia chăm sóc sâm lâm. Chùa chiền Phật giáo Trung Quốc trước đây, sớm biết mối quan hệ giữa bảo vệ môi trường thiên nhiên với sâm lâm. Đời Đường, Tứ Châu (nay huyện Tứ tỉnh An Huy) hàng năm đều xảy ra nạn lũ lụt. Pháp sư Minh Viễn, cao tăng chùa Khai Nguyên, cùng với Quận thủ Tô Ngộ vạch kế hoạch lập Tăng xá phòng chống lũ lụt ở đất trống phía Tây Sa Hồ, trồng hàng ngàn cây tùng, cây sam (cây thông liễu), cây lim, giải quyết nạn lũ lụt, tạo phước cho bách tánh.
Ảnh minh họa
Theo đà phát triển của thời đại, sau thế kỷ XVIII, do vì cách mạng công nghiệp phát triển nhanh chóng, tài nguyên sâm lâm bị trộm cắp chưa từng có. Theo thống kê số liệu của Hoa Kỳ cho biết, từ năm 1970 đến năm 1995, gần 3.650.000km2 cây cối rừng rú trên thế giới bị chặt phá, hàng ngàn loại động thực vật đã mất hẳn trên địa cầu. Đối với việc kêu gọi chăm sóc, bảo tồn sinh thái, bậc thánh thơ ca Ấn Độ Tagore (1861-1941) vào đầu thế kỷ XX khởi xướng văn minh sâm lâm. Giới tri thức cũng nêu ra luân lý học sinh thái. Còn trong giáo nghĩa Phật giáo thì khuyên dạy phải đối đãi bình đẳng với tất cả chúng sinh. Kinh Niết-bàn nói: “Nhất thiết chúng sinh tất hữu Phật tính” (Hết thảy chúng sinh đều có Phật tính). Sơn xuyên thảo mộc thảy đều thành Phật. Không giết cho nên không đốn bừa, không trộm cho nên không chặt lén. Đối với việc chăm sóc núi rừng, trồng cây gây rừng, thì có thể nói Tăng lữ là những người đi đầu, dốc hết sức mình.
Tóm lại, Phật giáo đối với nông lâm, không chỉ khai khẩn đất nông nghiệp bên ngoài, phát triển nông nghiệp, mà còn có những cống hiến trên nhiều phương diện như mở rộng, chăm sóc rừng núi; đặc biệt là tư tưởng tích phúc quý vật của Phật giáo, bồi dưỡng đức cần kiệm, lòng biết ơn. Đồng thời, qua việc gieo giống canh tác, Phật giáo đã lấy hạt giống của thực vật để dẫn dụ cho “chủng tử thức”, nói rõ định luật nhân duyên quả báo. Đức Phật cũng thường dẫn dụ nông lâm để nâng cao và giáo dục quan niệm đạo đức. Đây chính là những cống hiến quan trọng mà Phật giáo đã làm được trong sản xuất nông lâm và xã hội nhân tâm.
HT.Tinh Vân - Nguyễn Phước Tâm dịch
(Nguồn: Tinh Vân (2008), Phật giáo và thế tục, NXB.Từ Thư Thượng Hải, tr.51-55)
_________________________
(1) Có thể tăng trưởng ruộng phước đức. Phàm kính đãi Phật, Pháp, Tăng, cha mẹ, thương xót người nghèo khổ, đều có thể nhận được công đức phước báo, giống như người nông dân cày ruộng, có thể có thu hoạch, cho nên lấy ruộng (điền) ví von vậy.
(2) Có một hôm, mọi người đang vỡ ruộng/xới đất, Thiền sư Bách Trượng nói: “Khai điền bất dị.” (Xới đất không dễ) Hoàng Phách trả lời: “Đây là công việc mọi người làm.” Bách Trượng lại nói: “Vất vả cực nhọc!” Hoàng Phách lại đáp: “Nhọc dám từ sao!” Bách Trượng lại hỏi: “Có thể làm được bao nhiêu ruộng?” Hoàng Phách tức thì làm động tác cuốc ruộng vun đất lên. Bách Trượng hét lớn, Hoàng Phách bịt tai, liền bỏ đi ra cửa. Ý nghĩa của công án này nói, Thiền sư Bách Trượng khảo nghiệm xem từ vấn đề vỡ ruộng đối với sự thể nghiệm của Phật pháp đã đạt được mấy phần. Với động tác vun đất lên mà không cần phải nói năng giải thích gì thêm ấy, chứng tỏ Hoàng Phách đã lĩnh hội được tinh túy sống động của thiền hạnh của Bách Trượng.
(3) Có một hôm, Thiền sư Ngưỡng Sơn đang vác cái cuốc từ bên ngoài về, thầy của ông là Thiền sư Quy Sơn bèn hỏi: “Ngươi từ đâu về?” Thiền sư Ngưỡng Sơn trả lời: “Con từ trong ruộng về.” Quy Sơn lại hỏi: “Trong ruộng còn có ai không?” Ngưỡng Sơn không nói lời nào, nhè nhẹ để cái cuốc xuống, rồi đứng thẳng mà chắp tay. Thiền sư Quy Sơn cười, lại hỏi: “Núi Nam có người cắt cỏ non không?” Thiền sư Ngưỡng Sơn không trả lời, bèn cầm cái cuốc đi ra khỏi cửa. Trong công án này, Ngưỡng Sơn để cuốc xuống đất, biểu thị hết thảy đều ở chỗ này, trong tâm cũng không còn gánh nặng mệt nhọc. Thiền sư Quy Sơn lại hỏi: “Núi Nam còn có người nhổ cỏ không?” Biểu thị vẫn còn có công việc chưa làm, cũng có nghĩa là có nhiều sự lý cần phải quán chiếu, vẫn chưa viên mãn, vẫn chưa đến lúc để cuốc xuống, cho nên Ngưỡng Sơn lặng lẽ cầm cuốc lại đi làm việc. Thiền, có lúc là biểu hiện của sự nỗ lực bản thân trong cuộc sống hàng ngày, không phải dùng ngôn ngữ để trau chuốt.
(4) Thiền sư Địa Tạng Quế Sâm đời Đường, một hôm lúc đang gieo mạ ở trong ruộng, có một vị Tăng du phương đến, Thiền sư hỏi ông ta: “Từ đâu đến?” Tăng trả lời: “Từ phương Nam đến.” Thiền sư vừa nghe là vị này đến từ phương Nam, nơi thiền học hưng thịnh, thế là lại hỏi: “Thiền pháp ở phương Nam như thế nào?” Tăng trả lời: “Thương lượng hạo hạo.” (bàn bạc sôi nổi) Nghĩa là không khí nghiên cứu thiền học ở phương Nam rất hưng thịnh, mọi người đang thảo luận sôi nổi. Nhưng Thiền sư lại nói: “Đấy cũng không phải là xấu, chỉ là không giống cày ruộng gieo hạt ở đây của tôi, sàng lúa làm gạo, để mọi người đều có cơm ăn.” Vị Tăng trong lòng khó hiểu hỏi: “Thiền sư sao không đọc kinh, không ngồi thiền, chỉ có làm một vài công việc nông vụ lặt vặt tí tẹo này thôi sao?” Thế là lại hỏi rằng: “Hòa thượng! Ông không làm công tác nghiên cứu giáo hóa, vậy tự thân ông làm sao có thể đi ra khỏi ba cõi? Lại có thể nào đi cứu độ chúng sinh ạ?” Quán sát Thiền sư Quế Sâm sắc bén/nhạy bén, trả lời một cách sắc xảo nhanh nhạy rằng: “Ba cõi mà thầy vừa nói rốt cuộc là thứ gì?” Thiền sư đang sống ở trong ba cõi, cũng phải ăn cơm mặc áo ngủ nghỉ đi ỉa như thường, nhưng trái lại không bị vật dục của ba cõi làm ô nhiễm, là trú mà không trú, không trú mà chắc chắn lập tức sinh kỳ tâm, tự nhiên không phải tâm của Tăng du phương chớ cầu xuất ly ba cõi có thể so sánh.
(5) Tương truyền Hòa thượng Bố Đại đời Đường là hóa thân của Bồ-tát Di Lặc (Maitreya Bodhisattva), thường hay vác cái túi hành từ hóa thế trong xã hội, cũng thường vác cuốc đội nón xuống ruộng canh tác. Có một hôm, lúc ông ấy đang cấy mạ cùng với nông phu/người làm ruộng, ngẫu nhiên có cảm hứng, bèn ngâm một bài thơ: “Tay cầm mạ xanh cấy khắp ruộng, cúi đầu thì thấy trời trong nước, tâm địa thanh tịnh mới là đạo, lùi bước vốn là hướng lên phía trước.” (手把青秧插满田,低头便见水中天,心地清净方为道,退步原来是向前。) Nghĩa là, tấm lòng khiêm tốn sâu rộng như khe núi, cúi đầu lùi bước một cách khiêm tốn thận trọng, mới có thể nhận chân rõ được bản thân một cách chân thật, quán chiếu được bản tính của mình.
(6) Ví von một người mặc dù cương trực tốt đẹp nhưng chưa đủ thành thạo.
(7) Biểu thị sự tu trì của Phật đạo, ngoài việc cần phải hướng đến nắm bắt đệ nhất nghĩa đế của Phật pháp, còn phải làm con thuyền từ bi đưa người qua bể ải khổ nạn, tiếp dẫn quảng đại chúng sinh.
(8) Chỉ trích có một số người chấp trước câu chữ kinh điển hoặc chỉ dựa vào thái độ nghiên cứu văn hiến, tức giống tính toán đậu đen (giấy trắng mực đen có đậu đen trong bát), không thể giải thoát.
(9) Mỗi năm được mùa, do nhân dân nộp 60 thạch thóc cho công sở Tăng tào (Tổng cơ quan quản lí tự viện, giống như Tổng hội Phật giáo ngày nay), để dùng vào việc phòng bị lúc mất mùa cứu trợ thiên tai, hộ dân đóng góp thóc gạo thì gọi là “Tăng kỳ hộ”, còn thóc gạo được đóng nộp thì gọi là “Tăng kỳ túc”. Những Tăng kì túc này tích trữ lại, nếu gặp năm mất mùa, thì bung ra cứu trợ dân đói lúc cần dùng gấp, đợi đến lúc được mùa thì trả lại.
(10) Thời Đường Tống, tự viện tùng lâm ở gần cận sông núi, vận dụng lực nước lập thêm xưởng xay lúa, vì vậy được nghề kinh doanh nghiền gạo quy mô lớn, như chùa Thiên Đồng Minh Châu; viện Huệ An của Đài Châu, viện Lăng Già; viện Cam Túc Mạch Tích Sơn Thắng Tiên, viện Sùng Qủa…, cho đến các tự viện lớn của Trường An, Lạc Dương, đều có thiết trí cối xay gạo, thậm chí ngay khu vực Đôn Hoàng cũng có kinh doanh cối xay gạo. Ngoài ra, tự viện cũng hợp tác với hộ xay, chế tạo làm nhà xay bột, các loại dầu. Do sự phát triển của nghề xay gạo và chế dầu của tự viện, cung cấp cơ hội nghề nghiệp cho nông dân và tăng thêm giá trị kinh tế nghề nông, đều có sự giúp ích cực lớn.
(11) Thời Nhà Tống (960-1276), “Pháp sư Duy Khê từng ở Miên Đình Dương huyện Trường Lạc Phúc Châu với thời gian 9 năm rạch được 12 mạch suối nhỏ, đắp đê dài 810 trượng, dẫn nước tưới ruộng 40 khoảnh; Pháp sư Sư Chấn phát động quyên tiền, sau đó đắp đê được dài hơn 900 trượng ở Hương Nghiệm Thượng Hạ Dương, đồng ruộng dẫn nước đạt được hơn 20 khoảnh. Năm thứ 4 Nguyên Hựu, hồ Xích Giám huyện Linh Đức, do Lâm Khuê người ở đây và Pháp sư Dưỡng Dự chùa Linh Tuyền thi công cầu Tứ Châu dài 30 trượng, rộng 2 trượng, có thể dẫn nước vào ruộng hơn 300 khoảnh, như với các công trình xây dựng này, đối với sự đẩy mạnh phát triển cũng như tạo phước quê hương cho nông nghiệp thực là công đức không gì sánh bằng.”