Với sự đa dạng của thực phẩm chay từ chế biến sẵn đến nguyên
liệu tươi, khô, người tiêu dùng nên biết cách lựa chọn sao cho đúng và
an toàn với sức khỏe.
Hiện nay, do việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với
các nguyên liệu, thực phẩm vẫn còn một số hạn chế, đồng thời nhiều cơ
sở sản xuất vì mong muốn thực phẩm giòn, dai hay có màu tự nhiên nên đã
sử dụng các chất phụ gia không an toàn. Vì vậy, những người ăn chay nên
nhớ rõ một số lưu ý khi lựa chọn đồ chay.
Chọn thương hiệu uy tín
Thông thường, sử dụng thực phẩm tươi giúp kiểm soát được chất lượng.
Tuy nhiên, cũng có một số món ăn thì thực phẩm khô sẽ tiện dụng, dễ chế
biến hơn. Do vậy, tùy theo món ăn mà chọn lựa thực phẩm, nhưng một điều
quan trọng là thực phẩm đó phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đối với thực phẩm chay chế biến sẵn để ăn liền (chao, tương…): nên
chọn lựa nơi cung cấp có uy tín, thương hiệu lâu năm, có giấy chứng nhận
đạt vệ sinh an toàn thực phẩm để mua. Khi mua thì nên chọn thức ăn có
mùi thơm, món ăn (có rau, củ…) nhìn tươi, sạch và có hạn sử dụng, được
bảo quản trong tủ đúng quy cách, nơi trưng bày sạch sẽ.
Đối với nguyên liệu tươi hoặc khô, gia vị mua về chế biến: Cần xem
xét nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, có tem nhập khẩu của cơ
quan có thẩm quyền, có ghi chú thời hạn sử dụng, thành phần và cách chế
biến. Nên quan sát kỹ màu sắc để tránh mua nhầm thực phẩm bị lên mốc.
Khi mua cũng nên chú ý đến cách bảo quản, có được đóng gói cẩn thận
không.
Cẩn trọng với chất phụ gia
Do nguyên liệu chế biến thực phẩm chay không được phong phú như thực
phẩm bình thường nên việc sử dụng các phụ gia để ướp, chế biến, bảo
quản… là điều chắc chắn. Đối với những cơ sở chế biến, sản xuất có uy
tín, tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm thì những loại
phụ gia mà các cơ sở này sử dụng có thể đều nằm trong danh sách các phụ
gia được phép dùng trong thực phẩm của Bộ Y tế. Do giá thành các loại
phụ gia này thường cao dẫn đến giá thành của thực phẩm cao.
Một số cơ sở vì chạy theo lợi nhuận, họ sẽ sử dụng các loại phụ gia
không được phép dùng trong chế biến thực phẩm, nhưng giá thành thấp để
chế biến thực phẩm. Hoặc nhập khẩu những sản phẩm không nhãn mác, không
thời hạn sử dụng để bán. Những thực phẩm này sẽ gây nhiều tác hại cho
sức khỏe. Một số phụ gia không được phép dùng trong thực phẩm, khi vào
cơ thể có thể gây tổn thương các cơ quan, thay đổi chức năng hoạt động
của cơ thể, một số chất có thể gây biến đổi tế bào và đưa đến ung thư.
Vì vậy, người tiêu dùng không nên ham rẻ mà mua những thực phẩm không rõ nguồn gốc, bán tràn lan.
Ăn chay đúng, đủ chất dinh dưỡng
Nguyên tắc của một bữa ăn đủ dinh dưỡng là phải đảm bảo đủ các nhóm
chất dinh dưỡng chính (chất bột, đường, chất đạm, chất béo) và các vi
chất (vitamin, khoáng chất…). Để đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng khi ăn chay,
cần phối hợp nhiều loại thực phẩm với nhau khi chế biến bữa ăn (ví dụ
như nấu canh súp chay: phối hợp nhiều loại rau, củ. Làm món xào chay:
phối hợp nhiểu loại rau, củ, đậu phộng, tàu hũ…).
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi ngày nên cố gắng ăn trên 20 loại
thực phẩm chay với số lượng hợp lý thì xem như cơ thể được cung cấp dung
dưỡng đầy đủ.
Phòng ngừa chữa bệnh mãn tính
Thực hiện chế độ ăn chay giúp hạn chế thực phẩm có nguồn gốc từ động
vật (mỡ, thịt, nội tạng…) và thường có lượng rau củ nhiều. Thêm vào đó
là nguồn chất béo, chất đạm đều từ nguồn thực vật nên chế độ ăn chay rất
tốt trong phòng chống các bệnh mãn tính không lây có liên quan đến vấn
đề dinh dưỡng như: béo phì, đái tháo đường, rồi loạn mỡ máu, tăng huyết
áp, sỏi mật, táo bón…
Tuy nhiên, để có được sự phòng ngừa các bệnh trên, cần lưu ý đến lựa
chọn thực phẩm hợp vệ sinh, cách chế biến hợp lý, không quá nhiều dầu,
hạn chế đồ chiên, xào. Nên ăn nhiều thức ăn dạng luộc hấp, sử dụng lượng
muối, gia vị nêm vào khi chế biến vừa phải và ăn với số lượng phù hợp
với nhu cầu của cơ thể.
Bên cạnh đó, bạn nên tạo cho mình một lối sống năng động, lành mạnh.
Duy trì tập thể dục thường xuyên và hạn chế ngồi tại chỗ quá nhiều, nên
đứng dậy đi lại sau khi ngồi khoảng 1 tiếng.