Phật Học Online

Phật Giáo và sự nghiệp công ích
HT.Tinh Vân - Nguyễn Phước Tâm dịch

     Những điều mà Đức Phật trình bày về cách tăng trưởng công đức phước báo, đều có ích trong việc thiết lập cái chung cho cộng đồng xã hội. Vì vậy, có thể nói tư tưởng phước điền của Phật giáo thực sự chính là điểm khai sáng phát triển sự nghiệp công ích. Theo kinh Phật thuyết chư đức phước điền.

      Sở dĩ gọi là sự nghiệp công ích, như tên gọi của nó, là do công việc tìm kiếm lợi ích chung. Phật giáo giảng nhân duyên, cho rằng hết thảy chúng sinh đều là do nhân duyên hòa hợp nương tựa lẫn nhau, đồng thời lấy tư tưởng ‘Vô duyên đại từ, đồng thể đại bi’1 và ‘Đồng thể cộng sinh’2 làm cơ sở để thúc đẩy, phát triển sự nghiệp công ích.

        Phật giáo Đại thừa chủ trương rằng hành giả Bồ-tát (Bodhisattva) phải phát tâm Bồ-đề (Bodhi) “Thượng hoằng hạ hóa, nhiêu ích chúng sinh” (trên cầu dưới hóa, làm lợi ích chúng sinh), cần có tâm đại bi ‘Kỳ nguyện chúng sinh ly khổ hải’ (Cầu mong chúng sinh thoát biển khổ); đồng thời còn phải có hạnh phương tiện quảng thí pháp lạc hoan hỷ, cho đến trí Bát-nhã (Prajna) tam luân thể không3. Những lý niệm - tinh thần này, được trình bày khắp nơi trong rất nhiều kinh điển Phật giáo. Ví dụ, luận Đại thừa khởi tín nói: “Quán nhất thiết pháp, nhân duyên hòa hợp, nghiệp quả bất thất, khởi vu đại bi, tu chư phước đức, nhiếp hóa chúng sinh, bất trụ Niết-bàn”4 (Quán hết thảy pháp, nhân duyên hòa hợp, nghiệp quả không mất đi, khởi lên lòng từ bi, tu các phước đức, nhiếp hóa chúng sinh, không trụ Niết-bàn). Kinh Bảo tập nói, “Bần giả cấp tài, bệnh giả thí dược, vô hộ tác hộ, vô quy tác quy, vô y tác y.” (Người nghèo cấp tiền của, người bệnh thì cho thuốc men, người không ai che chở thì che chở, người không có chỗ quay về thì tìm chỗ cho họ quay về, người không nơi tương tựa thì tìm chỗ cho họ nương tựa).

        Những điều mà Đức Phật trình bày về cách tăng trưởng công đức phước báo, đều có ích trong việc thiết lập cái chung cho cộng đồng xã hội. Vì vậy, có thể nói tư tưởng phước điền của Phật giáo thực sự chính là điểm khai sáng phát triển sự nghiệp công ích. Theo kinh Phật thuyết chư đức phước điền, “Phật cáo Thiên đế: Phục hữu thất pháp quảng thí, danh viết phước điền5, hành giả đắc phước, tức sinh Phạm-thiên6. Hà vị vi thất? Nhất giả, hưng lập Phật đồ7, Tăng phòng, Đường các; Nhị giả, viên quả, dục trì, thụ mộc thanh lương; Tam giả, thường thí y dược, liệu tựu chúng bệnh; Tứ giả, tác kiên cố thuyền, tế độ nhân dân; Ngũ giả, an thiết kiều lương, quá độ luy nhược; Lục giả, cận đạo tác tỉnh, khát phạp đắc ẩm; Thất giả, tạo tạc thanh xí, thí tiện lợi xứ; thị vi thất sự đắc Phạm-thiên phước.” (Phật nói với Thiên đế: Lại có bảy pháp bố thí rộng rãi, gọi là ruộng phước. Hành giả - người thực hành được phước, liền sinh lên Phạm thiên. Những gì là bảy? Một là, xây dựng chùa tháp, phòng Tăng, lầu các. Hai là, dựng lập vườn cây ăn trái, bể tắm, cây cối mát mẻ. Ba là, thường bố thí thuốc thang, chữa trị cứu giúp những chúng sinh tật bệnh. Bốn là, đóng thuyền bền chắc, đón đưa nhân dân qua sông. Năm là, lắp đặt cầu cống, giúp đỡ người gầy yếu; Sáu là, đào giếng gần đường, giúp người khát nước được uống; Bảy là, làm nhà vệ sinh, đặt nơi tiện lợi. Đấy là bảy việc được phước Phạm thiên).

        Từ những điều được ghi chép trong kinh điển, cho thấy Phật giáo coi trọng phúc lợi công ích. Tinh thần này càng được đẩy mạnh tích cực hơn vào thời vua A Dục (Asoka) vương triều Khổng Tước (Maurya). Ấn Độ. Nhưng việc làm như: xây dựng kho dược phẩm, trồng cây, đào giếng…, tất cả đều dựa trên tinh thần thị-giáo-lợi-hỷ8 (示教利喜) của Phật, do nhân dân toàn quốc cùng nhau mở rộng tham gia.

       Từ xưa đến nay, tín đồ Phật giáo luôn dựa trên tinh thần lợi tha, đã tận lực cống hiến cho xã hội cộng đồng, chẳng hạn thiết lập các chế độ phúc lợi như trồng cây gây rừng, khai khẩn đất hoang, mở mang ruộng vườn, đào giếng lấy nước, bảo vệ nguồn nước, giúp đỡ người đi đường xa, xây cầu đắp đường, khởi công xây dựng công trình thủy lợi, thiết lập bãi tắm, xây dựng nhà vệ sinh công cộng, dựng lập trại nghỉ mát, làm cối xay lúa9, giúp nguy cứu nạn khẩn cấp, thiết lập Phật đồ hộ10, thành lập quỹ bi điền (giúp đỡ bố thí người nghèo khó), cho đến thiết lập các chế độ phúc lợi khác như cứu tế dân nghèo, tai nạn, bao gồm: tăng kỳ hộ11, tự khố12, viện vô tận tàng13…, nhiều không sao kể xiết.

       Phật giáo Đại thừa ban đầu truyền đến các nước như Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản, sở dĩ được xã hội bản xứ tiếp nhận một cách rộng khắp, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất chính là Phật giáo chú trọng đến sự nghiệp bố thí và làm lợi ích quần sanh qua việc giúp đỡ quốc kế dân sinh (đường lối củng cố, phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân), có thể trợ giúp lãnh đạo giải quyết vấn đề dân sinh. Vì vậy, nếu nói Phật giáo là đi đầu trong việc thúc đẩy sự nghiệp công ích, thì Đức Phật là bậc thủy tổ khai sáng sự nghiệp công ích, điều này quả thực là không sai.

       Sự nghiệp công ích xưa nay của Phật giáo có thể chia làm bốn nội dung chính như sau:

      1. Sự nghiệp giáo dục: Cách đây 2.600 năm về trước, Đức Phật dẫn đầu hàng đệ tử đi khắp nơi khất thực để dẫn dắt dân chúng. Từ quý tộc vương cung đến tiểu thương sai dịch, đều là đối tượng giáo hóa của Tăng đoàn Phật giáo. Đây chính là khởi đầu của giáo dục phường xã. Lúc hành hóa các nơi, Đức Phật tùy thời lấy người-việc-chỗ-vật chung quanh đó để giảng dạy, giáo hóa các đệ tử. Có thể nói đấy là đoàn du hóa bậc nhất trên thế giới. Cư sĩ Duy Ma Cật (Vimalakirti) thường hay đến các chỗ như học đường, dâm xá, hàng rượu, cung đình, quan phủ… để khai thị diệu đế, là hình thức ban đầu phân loại dạy học. Phu nhân Thắng Man (Srimala) thuyết pháp cho nhóm trẻ em trong cung, thì là người sáng kiến trường học thiếu nhi tuần. Thế kỷ V TL, trường Đại học Na-lan-đà14(Nālandā) được vua Đế Nhật (Sakraditya) bảo trợ, chẳng những là trường học cao nhất lúc bấy giờ, mà còn là ngôi trường đại học đầu tiên trên thế giới.

          2. Sự nghiệp văn hóaViệc kết tập Tam tạng (hay còn gọi là Tam pháp tạng, gồm Kinh tạng, Luật tạng, và Luận tạng) sau khi Đức Phật nhập diệt đã mở màn cho sự nghiệp văn hóa, sự nghiệp dịch kinh được phát triển sau khi Phật giáo truyền vào các nước, đã làm phong phú thêm nội hàm văn hóa các quốc gia. Các Tổ sư của các triều đại đã làm công tác chú sớ giải thích Tam tạng bảo điển, đã thúc đẩy người đương thời hiểu rõ Phật giáo. Các tự viện lấy sự nghiệp khắc kinh, chép kinh, in kinh để lưu thông Phật pháp, càng mở mang trí tuệ cho nhân loại. Ngoài ra, các danh lam đại tự xưa nay không chỉ có kiến trúc hùng vĩ, điêu khắc nặn tượng trang nghiêm, sân vườn tao nhã, hoa và cây xum xuê, mà còn bố trí hàng tranh, hiệu sách, giống như thánh điện của văn hóa, khiến người ta lưu luyến đến quên cả về. Các đoàn vũ đạo, đoàn hý khúc được đào tạo ở chốn đạo tràng, các kiểu biểu diễn được thực hiện vào dịp khánh tiết, không chỉ nhằm đạt tới hiệu quả gửi gắm giáo dục trong âm nhạc, mà đồng thời cũng đã kích thích sự trưởng thành của văn hóa nghệ thuật đương đại.

        3. Sự nghiệp phúc lợi: Hàng ngàn năm trở lại đây, tín đồ Phật giáo dựa vào các lời giáo huấn, đã xây cầu, đắp đường, làm giếng, làm trại, bố thí trà, cúng dường đèn đuốc; bên cạnh đó, xây dựng thiết kế nhà thuyền (trên thuyền được thiết kế kiểu nhà ở), phòng chuyên để xe, phòng ngủ, vựa hàng, cung cấp dịch vụ như tàu bè xe cộ, ăn uống ngủ nghỉ, đồ ký gửi…, nhằm giúp đỡ lữ khách vãng lai; khai khẩn đất hoang biến thành những cánh đồng phì nhiêu, và đồng thời nỗ lực nghiên cứu cải tiến cây trồng, thúc đẩy phát triển nông nghiệp; trồng cây gây rừng, cùng với việc khơi sông xây đập, đối với công tác phòng chống lũ lụt có những đóng góp vô cùng to lớn; khai sơn lấy quặng, để quốc gia sử dụng, và khi quốc gia lâm nạn, một mặt quyên tiền quân phí, một mặt làm yên lòng dân. Các biện pháp như tiền vay15, xướng y16 cũng như thu chi kiếm lời17 của Phật giáo, đối với tín chúng mà nói, là một lợi ích thực tế đáp ứng những nhu cầu bức thiết. Đối với Tăng đoàn mà nói, có thể tích lũy quỹ hoằng pháp, đấy không những là một bước đột phá lớn trong giới tôn giáo của Ấn Độ bấy giờ, mà còn là khơi dòng cho các ngành sau này như ngân hàng, bảo hiểm, cầm đồ, bán đấu giá.

         4. Sự nghiệp từ thiện: Vào thời Phật còn tại thế, Tỳ-kheo (Bhiksu) Đà La Bà Ma La “năng quảng cần suất, thí lập trai giảng” (hay siêng năng cần cù, thiết lập trai giảng bố thí); Tỳ-kheo Sai Ma (Sama) “chiêm thị bệnh giả, cung cấp y dược; tứ sự cúng dường, y bị ẩm thực” (khi nhìn thấy người bệnh, cung cấp thuốc thang; cúng dường y phục, ẩm thực, ngoại cụ, thang dược (hoặc phòng xá, y phục, ẩm thực, thang dược), mền áo đồ ăn thức uống); Tỳ-kheo-ni (bhiksuni) Tu Dạ Ma khéo việc giáo hóa, dùng lập đàn hội bố thí, sắp xếp chỗ ngồi chỗ nằm; Tỳ-kheo Thủ Già (ca) thì:“dục dưỡng chúng nhân, thí dữ sở phạt” (nuôi dạy mọi người, bố thí mọi thiếu thốn); còn Trưởng giả Cấp Cô Độc (Anathapindika):“Môn bất an thủ, bất cự nghịch chư hành lộ phạt lương giả” (cửa không đóng chặt, không từ chối những người đi đường thiếu lương thực), “vu tứ thành môn, thị trung, gia trung quảng hành huệ thí (ban ơn huệ đến khắp bốn cửa thành trong thành thị, và trong mỗi nhà)…, những việc làm này đều là tiên phong của sự nghiệp công ích.

        Kể từ cuộc giải phóng nô lệ của Phật đồ và phong trào bảo hộ phóng thích tù nhân từ thời vua Bình Sa18 Ấn Độ và Bắc Ngụy Trung Quốc trước nay, các cao tăng như Trí Giả, Thiện Đạo19 đã dùng uy đức cảm hóa thiện căn của các thợ săn, dân chài, người buôn thịt, khiến họ tự động chuyển nghiệp; ngày nay thì các Phật tử tích cực tham gia các tổ chức bảo vệ động vật và các cuộc vận động bình đẳng sinh quyền (quyền được sống của các động vật hoang dã). Từ vườn Cô Độc20 của Lương Vũ Đế, Phúc Đức xá21 của vua Văn Tuyên Cánh Lăng, đến các cơ sở phụng dưỡng người già, giáo dục trẻ nhỏ của giới Phật giáo hiện đại; từ Dược tạng22 của vua A Dục (Asoka), Lục tật quán23 của Thái tử Tề Văn Huệ, Dưỡng bệnh phường24 của nhà Đường, Phước Điền viện25 của nhà Tống, đến bệnh viện, phòng khám bệnh mà các Phật tự hiện đại lập ra; từ Bàn-già-vu-sắt hội26 (Pancavarsika-maha) mỗi 5 năm tổ chức một lần, các nhân vật như Lương Vũ Đế Trung Quốc, Thiên Hoàng Suy Cổ (すいこてんのう Suiko Tennō) Nhật Bản phát triển rộng Vô-già đại hội27 (Panca-varsikamaha), Tăng kỳ túc của thời Bắc Ngụy trước nay, cho đến các hoạt động cứu tế xuyên lục địa của các đoàn thể Phật giáo hiện đại; từ Lậu Trạch viên28, nghĩa mộ29thời nhà Tống trước nay, đến thí quan (bố thí quan tài chôn cất người chết), thí khám (bố thí bàn thờ), cho đến phòng bệnh trị an, trợ niệm vãng sinh v.v…, đã giúp đỡ vô số chúng sinh. Ngoài ra, mỗi khi gặp loạn lạc chiến tranh, chùa viện Phật giáo đều chủ động thu chứa quân dân, cung cấp đồ ăn thức uống. Những năm mất mùa, đói kém, Tăng lữ Phật giáo cũng thao thức xót xa, chạy vạy khắp nơi quyên góp giúp đỡ, bố thí tất cả của cải trong chùa, nhưng lòng vẫn cảm thấy rất vui sướng. Tất cả những điều này có thể cho thấy rằng chỉ cần nơi nào Phật giáo hiện hữu, thì nơi đó có pháp thủy từ bi, làm dịu cơn đau của con người, gột sạch nỗi bi ai thống khổ.

        Theo đà phát triển của khoa học kỹ thuật, vật chất ngày càng phong phú, nhưng văn hóa xã hội và đời sống tinh thần của loài người trái lại, càng thấy sa sút. Vì vậy, đang lúc đạo đức đi xuống, bạo lực nhiều nơi diễn ra, thì sự nghiệp công ích giáo hóa xã hội và tịnh hóa nhân tâm ngày một trở nên quan trọng. Hầu hết các sự nghiệp công ích ngày nay phần lớn chỉ thiên về giải quyết phần ngọn mà không giải quyết tận gốc, việc phục vụ xã hội chủ yếu là xem xét tính chất bên ngoài để cứu trợ là chính. Xét thấy và xét cho cùng thì “cứu tâm” mới là cách có thể chữa trị tận gốc rễ. Ngoài việc đẩy mạnh sự nghiệp công ích cứu trợ của cải vật chất bên ngoài, tiến xa hơn, Phật giáo còn tích cực đóng vai trò giáo hóa xã hội, thanh lọc lòng người.

          Bao năm qua, hội Phật Quang Quốc tế không ngừng tổ chức các phong trào như: “Tịnh hóa nhân tâm thất giới vận động”30 , “Tam hảo vận động” (Vận động ba tốt: làm việc tốt, nói lời hay, giữ tâm tốt), “Giam ngục Tam quy ngũ giới”31, “Phản yên độc vận động” (Phong trào phản đối hút thuốc), “Thiền Tịnh Mật tam tu pháp hội” (Pháp hội tu ba pháp môn Thiền-Tịnh-Mật), “Từ bi ái tâm liệt xa” (Chuyến tàu từ bi thương yêu) v.v…, tất cả đều là những ví dụ minh chứng tốt nhất cho công năng giáo hóa nhân tâm xã hội mà Phật giáo phát huy.

          Từ thiện bố thí cố nhiên mang lại lợi ích cho xã hội cộng đồng, nhưng sự nghiệp công ích “giáo hóa xã hội” và “tịnh hóa nhân tâm” càng có thể siêu vượt thời-không, ích lợi cho chúng sinh rộng khắp mười phương ba đời. Vì thế, kinh Kim cang nhấn mạnh công đức hoằng dương bốn câu kệ còn hơn cả công đức bố thí thất bảo tam thiên đại thiên thế giới. Vì vậy, sự nghiệp công ích lấy việc giáo hóa xã hội nhân tâm làm mục tiêu mới có thể tìm cầu phúc lợi một cách chân chính cho chúng sinh, viên mãn bi tâm “đồng thể cộng sinh”.  

      HT.Tinh Vân - Nguyễn Phước Tâm dịch  
(Nguồn: Tinh Vân (2008), Phật giáo và thế tục, NXB. Từ Thư Thượng Hải, tr.87-91)

 _________________________________

** Các ghi chú: 1, 2, 3, 8, 10, 27, 28, 30, và 31 là do người dịch thêm vào.

(1) Vô duyên từ bi: Phật có tâm từ bi rộng lớn, dù không có liên quan gì với chúng sinh, nhưng cũng phát ra tâm đại từ mà cứu độ chúng sinh. (Phật học thường kiến từ hối - Từ điển điện tử). Đồng thể đại bi: Quán hết thảy chúng sinh với thân ta là cùng một thể, từ đó sinh khởi lòng trắc ẩn cứu khổ ban vui, bình đẳng tuyệt đối. (Duy thức danh từ bạch thoại tân giải - Từ điển điện tử).

(2) Là chỉ cho vạn vật trong vũ trụ đều là chúng duyên hòa hợp, ta người cùng sinh cùng tồn. Cũng tức loài người là động vật quần cư (sống tụ tập), bất luận là ăn, mặc, ở, đi - những thứ vật dụng mà chúng ta thọ nhận hàng ngày đều là những thành quả tương hỗ qua lại của đại chúng mà có, đặc biệt là sự hiện đại của thông tin đại chúng, người người càng không thể rời quần chúng mà sống một mình. (Xem Bài Luân lý quan Phật giáo, in trong tác phẩm Phật giáo và thế tục của Tinh Vân. NXB. Từ Thư Thượng Hải, năm 2008, tr.103).

(3) Tức là khi bố thí, thì người bố thí, người nhận bố thí và vật được bố thí, gọi là tam luân. Sau khi hành thí, thì tướng tam luân này, không chấp dính trong tâm, gọi là tam luân thể không. (Phật học thường kiến từ hối - Từ điển điện tử).

(4) Nghĩa là tịch diệt, diệt độ, vô sinh. Kinh Niết-bàn nói: Diệt chư phiền não, danh vi Niết-bàn.” (Diệt trừ các phiền não, gọi là Niết-bàn). Nói một cách đơn giản, Niết-bàn chính là sau khi trải qua tu hành mà diệt trừ tất cả phiền não như tham dục, sân hận, ngu si, vô minh, tà kiến, thị phi v.v…, đạt được một thế giới bất sinh bất tử, vật ngã đều không còn, viên mãn quang minh, tự do tự tại, cũng chính là Diệt đế trong Tứ Thánh đế, là mục tiêu sau cùng của học Phật.

(5) Tức là ruộng có thể sinh phước đức. Theo kinh Phật, việc kính Phật, Tăng, phụ mẫu, những người khổ đau..., đều có thể được phước đức, công đức. Giống như nông phu cày ruộng có thể có thu hoạch, cho nên lấy ruộng làm ví dụ; còn Phật, Tăng, phụ mẫu, những người đau khổ, thì được gọi là phước điền. Do dựa vào đối tượng được bố thí, cúng dường khác nhau, lại có ba loại phước điền: bi điền, ân điền, kính điền; và Phật, Thánh nhân, Tăng nhân, Hòa thượng, A-xà-lê, Cha, Mẹ, người đau khổ là tám loại phước điền.

(6) Phạm nghĩa là thanh tịnh, ly dục. Sắc giới chư thiên ly dục thanh tịnh, gọi chung là Phạm thiên (Brahma). Nhưng thông thường lại gọi là Phạm thiên, đa số đều chỉ Đại Phạm thiên vương (Mahabrahma), còn gọi là Phạm vương, tên là Thi Khí (Sikhin) hoặc Chủ thế (Prajapati, Thánh chủ Thế tôn). Trong truyền thuyết xưa Ấn Độ, là thời kiếp sơ (kalpagra, chỉ sự ban đầu thành lập thế giới hữu tình của dục giới) hạ sinh nhân gian từ trời Quang âm (Abhasvara), tạo ra vạn vật, trong Phật giáo lấy đó cùng với trời Đế Thích (Sakra Devanam -indra) làm thần hộ pháp của Phật giáo.

(7) Còn gọi là Tháp-bà, Phù-đồ (浮圖), Phù-đồ (浮屠). Phật tháp, tục gọi là bảo tháp, là một kiến trúc Phật giáo cao sừng sững, khái niệm và hình dạng cấu tạo của nó có nguồn gốc từ Suất-đổ-phệ (Stupa) của Ấn Độ. Stupa là công trình kiến trúc vốn dùng để tôn trí xá-lợi và di vật của Đức Phật.

(8) Đây là bốn cung bậc thứ tự được Đức Phật thuyết pháp giáo hóa. Còn gọi là thị giáo tán hỷ, thị giáo chiếu hỷ. 1. Thị: tỏ rõ nghĩa này, giống như rõ biết cái thiện, bất thiện của con người, rõ biết việc nên làm, hay không nên làm; hoặc như phân biệt nghĩa sinh tử và Niết-bàn, Tam thừa và Lục độ ba-la-mật; 2. Giáo: dạy bảo việc làm này, như hướng dẫn chúng sinh bỏ ác hành thiện; 3. Lợi: tức đạt được nghĩa lợi, lúc chúng sinh chưa đạt được mùi vị của thiện pháp, để tránh thối tâm, liền khuyên bảo chịu khó chịu khổ tu hành, thì được pháp vị lợi ích lớn; 4. Hỷ: tức là hoan hỷ mà tu hành. Tùy khả năng làm của chúng sinh mà khen ngợi, khiến tâm họ vui vẻ. (Phật học đại từ điển - Từ điển điện tử).

(9) Một loại thiết bị lợi dụng sức nước sản xuất động năng để nghiền gạo, làm bột. Người Trung Quốc là dân tộc lấy gạo ăn làm chính, vào thời đại công nghiệp chưa phát triển, nông thôn đều dựa vào nhân công nghiền gạo, không chỉ phí thời gian lại còn mất sức. Thời Đường Tống, các tự viện bắt đầu lập thêm công xưởng xay lúa, như chùa Thiên Đồng Minh Châu có thiết trí cối đá giã gạo bằng sức nước; viện Huệ An, viện Lăng Già của Đài Châu cũng có thiết trí loại cối đá. Do vì tự viện có thiết bị cối xay lúa này, không chỉ thuận tiện cho bản thân tự viện, cũng mang đến đặc ân cho dân chúng bản địa, tăng thêm giá trị kinh tế nông nghiệp.

(10) Tức chỉ một loại nô lệ lệ thuộc vào chùa viện của thời đại Bắc Ngụy; còn gọi là tự hộ. Năm Thừa Minh Nguyên Hiếu Văn Đế (476) Bắc Ngụy, do sự tấu thỉnh của Sa-môn Đàm Diệu - quan thống nhất quản lý Phật giáo lúc bấy giờ, nên Hiếu Văn Đế cho phép những kẻ phạm trọng tối và quan tỳ làm nô tỳ ở chùa viện, làm tạp dịch trong chùa, cho đến canh tác đất đai tự viện. Từ đó, ruộng đất, cũng như tài sản của chùa, ngày một gia tăng. (Phật học đại từ điển và Trung Hoa Phật giáo bách khoa toàn thư - Từ điển điện tử.)

(11) Trong thời kỳ Bắc Ngụy, đô thống Đàm Diệu chùa Chiêu Huyền tấu thỉnh Văn Thành Đế thiết lập chế độ “Tăng kỳ hộ” ở các châu trấn, tức mỗi năm gặp lúc được mùa, thì nhân dân lấy 16 hộc kê (đời Đường chế làm 3.600 thăng), đậu, thóc lúa giao nộp cơ quan Tăng Tào (tổng cơ quan quản lí chùa viện, giống như Tổng hội Phật giáo bây giờ), để phòng gặp lúc mất mùa cứu giúp dân đói khát. Hộ dân giao nộp thóc lúa gọi là “Tăng kỳ hộ”, còn thóc lúa được giao nộp thì gọi là “Tăng kỳ túc”. Những Tăng kỳ túc này dự trữ lại, gặp năm mất mùa thất bát, thì có thể đem ra sử dụng giúp đỡ, đợi đến năm được mùa, thì trả lại cho chùa viện. Đây là chế độ được thiết lập cứu tế cho dân đói khát, tính chất na ná với nông hội, hợp tác xã ngày nay.

(12) Bắt đầu Nam Bắc triều, chùa viện thiết lập đơn vị tài chánh cho vay tiền bạc, nhằm tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu vay dùng xoay vòng. Tăng Trù truyện trong Tục Cao Tăng truyện ghi chép: “Văn Tuyên Vương Bắc Tề, sắc chỉ gửi vàng bạc và y phục cho Tăng Trù, ra lệnh thiết đặt nhà kho để đóng nộp ngay tại trong chùa, lấy đó cung cấp làm thường phí hoặc thứ khác trong chùa.” Vào thời triều Tùy, Đường - Tống, sự thiết đặt tự khố này vẫn còn tiếp tục lưu truyền. Thời triều Tống từng đổi thành “Trường sinh khố”, đến triều Nguyên thì gọi là “Giải điển khố”, tức là đồ thế chấp do người dân mang lại để cầm cố, thu gom nộp vào tự khố, giống như tiệm cầm đồ ngày nay.

(13) Tương tợ với tính chất tự khố, được Thiền sư Tín Hạnh chùa Hóa Độ triều Đường sáng lập, mục đích thiết lập có ba: cứu tế dân nghèo, lưu thông kinh tế xã hội, dự trữ lương thực tu đạo trong chùa viện.

(14) Được bố trí ngay trong chùa Nālandā, là trường đại học Phật giáo của Ấn Độ, Tăng đồ thường lên đến vạn người, tu học Mười tám bộ, Phệ-đà (Veda), Nhân minh, Thanh minh, Y phương, Thuật số v.v… của Đại thừa và Tiểu thừa.

(15) Năm thứ ba Khai Hoàng (năm 583) Tùy Văn Đế, thiết lập mười sáu kiểu “Vô tận tạng hàng”, khuyến hóa tín đồ thí xả tiền bạc lương thực, rồi từ trong kho tự viện, lại bố thí hoặc cho tín đồ nghèo khổ vay mượn.

(16) Do sự xướng họa hòa hợp của Tăng, sắp xếp các vật như ba y khi Tăng qua đời (vong Tăng). Lại nữa, nếu lúc còn sống vong Tăng phụ trách, hoặc vì lúc phải dùng chi phí như dưỡng bệnh, mai táng, thì thường đều do Duy-na (karma-dana) xét duyệt giá cả di vật, tập hợp Tăng chúng lại bán đấu giá để lại, gọi là cổ xướng, đề y, cổ y, hoặc gọi là mại y.

(17) Tục này bắt nguồn từ Ấn Độ, căn cứ ghi chép trong Xuất na cầu lợi học xứ quyển 22 Tỳ-nại-da (Vinaya) Hữu bộ, Tỳ-kheo vì tu bổ Già-lam (samgharama) mà tiếp nhận vô tận thí vật (vật phẩm bố thí không hạn định), nhưng do Đức Phật từng cấm Tỳ-kheo chuyển bán thí vật, vì thế đem vật phẩm được bố thí cất vào phòng kho, về sau thí chủ phát hiện tự viện chưa thực hiện sửa chữa, thì trách cứ, Tỳ-kheo đem việc này bạch với Đức Phật, Ngài liền chỉ thị: Nếu vì tu bổ già-lam, thì có thể đem vô tận thí vật xoay chuyển sinh lời.

(18) Còn gọi là vua Tần bà Sa La (Bimbisara), vua nước Ma-kiệt-đà (Magadha), là đời thứ 5 của vương triều Tây-xô-nạp-da (Saisunaga).

(19) Trí Giả, tức đức hiệu của Đại sư Trí Nghĩ (Zhì Yǐ/智顗, 538-597) Thiên Thai tông. Người dịch thấy hầu hết sách tiếng Việt đều phiên nhầm tên ông thành Trí Khải. Năm thứ 11 Khai Hoàng (591) nhà Tùy, Dương Quảng vua nhà Tấn thọ giới Bồ-tát (Bodhisattva) từ Trí Nghĩ, ban tặng đức hiệu Trí Giả. Thiện Đạo (613-681) vị Tăng đời Đường, hiệu Đại sư Chung Nam, yết kiến Đạo Xước (562-645), tu học pháp phương đẳng sám pháp, lại nghe giảng kinh Quán vô lượng thọ. Về sau chuyên vào niệm Phật, một lòng cần mẫn khổ luyện, thế là đắc tam muội niệm Phật, ở trong định chính mình gặp thấy cõi Tịnh độ trang nghiêm.

(20) Thấy ‘Đế bản kỷ’ quyển 3 trong Lương thư: “Phàm dân là người già cô chiếc trẻ em mồ côi, không thể tự nuôi nổi bản thân, thì các quận gia tăng nhận nuôi, chẩn phát thức ăn đồ mặc, nhà nhà đủ để suốt đời. Lại thiết đặt vườn Cô độc ở Kinh Sư, để trẻ mồ côi có nơi quay về, tóc trắng bạc đầu, hoặc lúc sắp cuối đời, sắp xếp lo hậu sự, đặc biệt nhà nghèo, thì không thu tô thuế.”

(21) Tức Phúc xá, dạng nhà tập thể dành cho lữ khách, người nghèo khó sử dụng. Ở khắp Ấn Độ đều có thiết lập kiểu phong tục túc xá này, để tiện cho thường dân sử dụng. Điều ‘Trách-già quốc’ (Takka, Taka, nước cổ bắc Ấn Độ) quyển 4 trong Đại Đường Tây vực ký chép, nước này trước đây thiết lập nhiều Phước xá, để cung cấp cho những người khó khăn thiếu thốn, hoặc bố thí dược phẩm, hoặc bố thí các vật thực v.v…, khiến lữ khách không lo thiếu thốn. Cũng cùng quyển này, điều ‘Mạt-để-bổ-la quốc hàng hà môn’ ghi, thường có đến mấy trăm ngàn người từ phương xa về đây tắm rửa, chư vương bèn hoan hỷ xây dựng phúc xá, để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng dân chúng. Ở nước Khiết-bàn-đà (Khabandha) nằm ngoài ranh giới Ấn Độ cũng có xây dựng loại này. Ngoài ra, trong kinh Tạp A-hàm quyển 36, luật Thập tụng quyển 20 v.v…, thì gọi loại nhà ở tập thể này là Phúc đức xá.

(22) Thời vua A-dục (Aśoka), có một Tỳ-kheo (bhiksu) vì bệnh muốn có thuốc uống mà không được, vua bèn xây dựng kho dược tàng (nơi để dược phẩm) bên ngoài bốn cửa thành trong nước, bố thí thuốc men cho tất cả Tỳ-kheo, còn ở Trung Quốc thì được xây dựng vào thời Đông Tấn (317-420).

(23) Là một trong những cơ quan từ thiện sớm nhất thời cổ đại Trung Quốc. Điều ‘Văn Huệ Thái tử’ quyển 21 Nam Tề thư: “Thái tử cùng với Cánh Lăng vương Tử Lương đều mến Thích-Đạo, lập nên sáu bệnh quán, để nuôi chữa dân nghèo”.

(24) Thu nhận những người cùng khổ tàn tật, không nơi nương tựa, tức như cơ quan từ thiện chuyên bố thí cho người tàn tật, ăn xin. Đời sau cũng có tên gọi chung là viện dưỡng tế, tức viện bi điền vậy.

(25) Tức viện cứu Tế, chuyên nhận những người già trẻ con tàn tật, những người không nơi nương tựa. Trước niên hiệu Gia Hựu (1056-1063) triều đại Bắc Tống (960-1127), xây dựng Viện Phước điền Đông tây ở Kinh Thành, năm thứ 8 Gia Hựu lại xây thêm Viện Phước điền Nam bắc, để bố trí người già cả trẻ con nghèo nàn bệnh tật. Căn cứ ghi chép trong Cựu đường thư và Đường hội yếu, vào trước triều đại nhà Tống, nhà Đường đã có xây dựng viện Bi điền, cũng có vai trò thu nhận người nghèo khốn khó, triều đại nhà Tống bắt chước lệ cũ, đổi thành viện Phước điền.

(26) Còn gọi là Vô-già đại hội, Ngũ niên công đức hội, Ngũ niên hội. Đức Phật sau khi nhập diệt khoảng trăm năm, vua A Dục (Aśoka) bắt đầu thiết lập kỳ hội này, là đại tập hội do các bậc vương giả hoặc chư hầu quần thần, mỗi năm một lần, lấy việc thiết đãi yến tiệc bố thí rộng rãi cho Tăng chúng. Một thời thịnh hành ở các nơi như Ấn Độ, Tây Vực, đại hội đa phần tiến hành vào mùa xuân, tụ hội chư Tăng gần xa, mà thực hiện đủ loại cúng dường. Thời gian của lễ hội dài nhất thường 3 tháng.

(27) Là lễ trai tịnh lớn của Phật giáo, để kết nối thiện duyên khắp nơi. Không phân biệt giàu hèn, Tăng tục, thiện ác, hiểu biết hay ngu dốt, tất cả đều có thể bình đẳng tham gia.

(28) Nơi chôn cất thi hài vô chủ và người nghèo không có đất hạ táng, là một công trình phúc lợi cổ đại Trung Quốc, nó giống như nghĩa trang công cộng.

(29) Trước triều đại nhà Tống, chỉ có tư nhân hoặc phía nhà nước đứng ra nghĩa táng dân lưu lạc, gần như không có quy định cụ thể gì. Sau nhà Tống, chính phủ bố trí nghĩa địa công cộng, đồng thời quy định hóa, do Tăng lữ chủ trì, gọi là Lậu trạch viên, có cách quản lý cố định của nó. Tuy nhiên, gặp thời binh tai loạn lạc hoặc dịch bệnh hoành hành, không thể phát huy công hiệu, cho nên một vài châu huyện nào đó nhằm để đáp ứng những đòi hỏi người dân đương thời, đã thiết lập nghĩa mộ khác (phần mộ chôn người chết vô chủ ngày xưa), và thỉnh Tăng lữ chủ trì. Chẳng hạn như vào năm thứ 2 Kiến Viêm (1127-1130), Kim binh Nam hạ (binh sĩ nhà Kim phía Nam), Kiến Khang người chết lên tới 4/10, Diệp Mộng Đắc (1077-1148) triệu tập Tăng lữ các chùa Hoa Tạng, Năng Nhân, Bảo Ninh, Thanh Lương, tổng xây đựng được 8 nghĩa mộ, mai táng di hài.

(30) Là vận động bảy điều khuyên nhủ (khuyến cáo), nhằm tịnh hóa nhân tâm: không nên hút thuốc, không dùng bạo lực, không nên trộm cắp, không nên bài bạc, không nên nát rượu, không nên ác khẩu.

(31) Làm lễ truyền thụ Tam quy ngũ giới cho các tù nhân ở trong tù ngục, kỳ vọng sau khi mãn hạn vòng lao lý, bước ra xã hội thì họ có thể làm mới lại cuộc đời, hành nhiều việc thiện, sống có ích cho xã hội.

thuvienhoasen.org


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage