Phật Học Online

Lịch sử tín ngưỡng Di Lạc tại Việt nam

Ở Việt Nam, tượng Di Lặc đã xuất hiện khá sớm từ thời nhà Lý (1009-1225) và nhà Trần (1225-1400). Rất tiếc chúng ta không may mắn có được một pho tượng Bồ-tát hoặc Phật Di Lặc nào tồn tại từ hai triều đại Phật giáo thời này. Bên cạnh đó chúng ta cũng không có bia văn hoặc tài liệu lịch sử nào miêu tả cụ thể hình tướng tượng Di Lặc thời bấy giơ.


Tuong Duc Dilac-chuaTay-Phuong

Trong phần này, chúng ta sẽ điểm sơ qua về lịch sủ thờ Phật Di Lặc trong tín ngưỡng Phật giáo tại Việt Nam. Trước khi bàn về vấn đề lịch sử, cũng cần nói rõ là chúng ta nên tôn xưng Di Lặc là Bồ-tát hay Phật? Trên danh nghĩa mà nói, chúng ta có thể gọi Di Lặc là vị Bồ-tát vì Ngài chưa chính thức thành Phật. Các kinh điển Phật giáo Nguyên thủy trong Pali tạng, và hệ thống kinh điển Đại thừa Phật giáo bằng tiếng Phạn (Sanksrit), tiếng Trung Quốc, và Tây Tạng cũng đều gọi Ngài là vị Bồ-tát. Đồng thời chúng ta cũng có thể gọi Ngài là Phật vì Ngài là vị Phật tương lai . Về phong cách nghệ thuật mà nói, trong truyền thống Ấn Độ ngày xưa, Đức Di Lặc thường được diễn tả như một vị Bồ-tát, có khi Ngài được biểu hiện như một vị hoàng tử chân đi dép, tay cầm bình nước, và đeo nhiều châu báu. Có khi Ngài được biểu hiện như một hoàng tử anh tuấn đang ngồi trầm tư. Vào thời Bắc Ngụy ở Trung Quốc, có khi Ngài được tạc như vị Bồ-tát ngồi tréo chân theo thế trầm tư mặc tưởng, và cũng có khi Ngài được tạc như một vị Phật. Vào thời Đường, tin ngưỡng đối với Ngài cực thịnh và thờ như một vị Phật. Có nhiều công trình rất vĩ đại điêu khắc tôn tượng của Ngài tại động Đôn Hoàng ở Trung Á và ở Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên. Vấn đề này chúng ta sẽ bàn trong một bài khác.

Ở Việt Nam, tượng Di Lặc đã xuất hiện khá sớm từ thời nhà Lý (1009-1225) và nhà Trần (1225-1400). Rất tiếc chúng ta không may mắn có được một pho tượng Bồ-tát hoặc Phật Di Lặc nào tồn tại từ hai triều đại Phật giáo thời này. Bên cạnh đó chúng ta cũng không có bia văn hoặc tài liệu lịch sử nào miêu tả cụ thể hình tướng tượng Di Lặc thời bấy giơ. Vào thời Lý, Phật Di Lặc chỉ được nhắc một lần qua tư liệu sử học.

Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép rằng năm 1041, vua Lý Thái Tông (trị vì 1028-1054) đến núi Tiên Du (hiện nay thuộc huyện Tiên Du, tính Bắc Ninh) xem làm viện Từ Thị Thiên Phúc. Khi về, vua xuống chiếu phát 7.560 cân đồng trong kho để đúc tượng Phật Di Lặc, tượng hai vị Bồ-tát Hải Thanh và Bồ-tát Công Đức, cũng như đúc chuông đồng để ở viện ấy. theo giáo sư Hà Văn Tấn, cựu Viện trưởng Viện Khảo cổ Việt Nam, viết trong sách Chùa Việt Nam, thì viện Từ Thị là dịch nghĩa của Bồ-tát Di Lặc như chúng ta đã đề cập ở phần trên. Theo truyền thống Phật giáo Trung Quốc vào thời Bắc Ngụy và thời Đường, thời đại mà Phật Di Lặc được sùng bái cực thịnh và mạnh mẽ nhất, nếu thờ Di Lặc Tam Tôn thì có tượng Phật Di Lặc đứng ở giữa, bên phải có Bồ-tát Đại Diệu Tướng, bên trái có Bồ-tát Pháp Âm Luân. Đứng trên phương diện Phật Di Lặc có thể phỏng luận rằng Phật giáo thời Lý tại Việt Nam, nhất là về nghệ thuật tạc tượng và cách thờ tự chịu ảnh hưởng theo Phật giáo thời Đường (618-906), mặc dù niên đại của triều Lý (1010-1225) cùng thời với triều đại nhà Tống (960-1279).

Vào triều đại nhà Trần, vị Phật tương lai này được phổ biến rộng rãi hơn và có một vị trí khá quan trọng. Tín ngưỡng thờ Di Lặc được vị Tổ thứ hai của phái Thiền Trúc Lâm xiển dương và có phần ủng hộ của vua quan nhà Trần. Theo sách Tam Tổ thực lục, vào năm 1328 Nhị tổ Pháp Loa đã đúc một pho tượng Di Lặc bằng đồng rất lớn để thờ ở viện Di Lặc chùa Quỳnh Lâm (nay là huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, trên đường đi Yên Tử). Pho tượng rất lớn và rất nặng đến nỗi phải đợi một năm sau khi vua Trần Minh Tông (trị vì 1314-1329) đến thăm chùa Pháp Loa mới tâu vua xin cho cấm quân kéo tượng từ nền điện lên bảo tọa để dát vàng. Tam Tổ thực lục cũng cho biết rằng trong dịp này Pháp Loa đã đúc rất nhiều tượng để làm lễ Nghìn Phật ở chùa Quỳnh Lâm trong bảy ngày đêm và có hàng nghìn quần chúng tham dự. Từ thông tin này, chúng ta có thể suy luận rằng trong lễ Nghìn Phật có thể có nhiều tượng Di Lặc được đúc vào dịp này. Chắc rằng sau ngày lễ bế mạc, một số tượng được thờ tại viện Di Lặc, và cũng có thể một số tượng được ban cho quan quân triều đình về thờ tại tư gia. Ở đây chúng ta không còn tư liệu lịch sử nào ngoài Tam Tổ thực lục để biết thêm về tín ngưỡng thờ Di Lặc vào thời này. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không có tài liệu nào diễn tả hình tương Phật Di Lặc như thế nào và lễ hội thời đó được tổ chức ra sao.

Vấn đề này chúng ta phải nương vào tài liệu Phật giáo kinh điển Đại thừa mới có chút hy vọng thắp sáng phần nào. Dựa vào đại tạng Trung Quốc, chúng ta thấy có sáu bộ kinh dùng làm nền tảng cho tín ngưỡng Di Lặc. Sáu bộ kinh này được các vị Tam tạng Pháp sư lừng danh, như ngài Trúc Pháp Hộ, ngài Cưu Ma La Thập, và ngài Nghĩa Tịnh, dịch tù tiếng Phạn ra tiếng Trung Quốc. Sáu bộ kinh gồm có: (1) Kinh Quán Di Lặc Thượng Sinh; (2) Kinh Di Lặc Hạ Sinh; (3) Kinh Di Lặc Lai Thời; (4) Kinh Quán Di Lặc Bồ-tát Hạ Sinh; (5) Kinh Di Lặc Hạ Sinh Thành Phật; và (6) Kinh Di Lặc Đại Thành Phật. Dựa trên các kinh này, các pháp hội ở Trung Hoa thời Bắc Ngụy và thời Đường đã thành lập với hai cách hành trì. Cách thứ nhất gọi là “thượng sinh” tức là nguyên sinh lên cung trời Đâu Suất là nơi Bồ-tát Di Lặc đang trú ngụ và thuyết pháp. Do vậy trời Đâu Suất được xem như là cõi tịnh độ của Bồ-tát Di Lặc, cũng như về sau khi tông Tịnh Độ phát triển mạnh thì người Phật tử nguyện vãng sinh về cảnh Tây phương cực lạc là cõi tịnh độ của Đức Phật A-di-đà. Cách thứ nhất là tu theo thiền định quán tưởng cầu nguyện sinh vào cõi tịnh độ của ngài Di Lặc tại cung trời Đâu Suất để nghe Bồ-tát Di Lặc giảng pháp. Trong cách hành trì này, khi một lễ hội được tổ chức, trước hết phải có một tượng Phật Di Lặc, hoặc một bức tranh vẽ Ngài Di Lặc rất lớn được bày ở giữa đại diện, hoặc một nơi rộng rãi cho các tín đồ hết lòng chú tâm quán tưởng theo hình tướng của tượng và miệng một lòng xưng niệm danh hiệu của Bồ-tát Di Lặc. Ngoài ra, nếu là Phật tử tại gia thì phải tu và thọ giữ Bát quan trai và Thập thiện giới, giữ gìn thân khẩu ý thanh tịnh, làm việc bố thí tích lũy công đức để hồi hướng nguyện sinh lên cung trời Đâu Suất. Cách hành trì này rất thịnh hành trong thời Bắc Ngụy và thời Đường. Các vị Tổ nổi tiếng của Trung Quốc như ngài An Thế Cao, ngài Huyền Trang, ngài Khuy Cơ, cũng như các vị tu theo Duy Thức tông, đều hành trì và cầu nguyện sinh về cung trời Đâu Suất diện kiến Đức Di Lặc.

Kiểu tu thứ hai là nguyện sinh vào hội Long Hoa để được nghe Phật Di Lặc thuyết pháp. Lễ hội này dựa vào sự miêu tả trong các bản kinh thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm và thứ sáu kể ở trên. Nội dung đại ý nói Bồ-tát Di Lặc trong tương lai hạ sinh vào thế giới này làm con một vị vua Chuyển luân thánh vương, sau đó xuất gia, học đạo, hành thiền và thành Phật dưới cội cây Long Hoa. Sau khi Di Lặc thành đạo, Ngài Ca Diếp là vị đệ tử tu hành Đầu đà nổi tiếng của Phật Thích Ca, sẽ xuất đại định, từ trong núi đi ra và trao bình bát của Phât Thích-ca cho Phật Di Lặc. Vị Phật mới thành này sẽ mở hội Long Hoa thuyết pháp độ trên 84.000 chúng sinh. Trong cách hành trì thứ hai này đòi hỏi người dự lễ phải tu theo các hạnh lạnh về ba nghiệp (thân, miệng và ý), tụng các kinh điển của Đức Phật Thích-ca nói về Bồ-tát Di Lặc, cũng như niệm danh hiệu vị Phật tương lai này. Tất cả đều nguyện sẽ sinh cùng thời với Đức Phật Di Lặc khi Ngài hạ sinh từ cung trời Đâu Suất xuống trần gian, và nguyện được dự hội Long Hoa nghe Phật Di Lặc thuyết pháp để giác ngộ. ngày trước, một số hội cư sĩ Phật giáo ở Nha Trang và Sài Gòn lập ra hội Long Hoa, tu theo phương pháp hơi tương tự như thế để nguyện sẽ sinh ra cùng thời với vị Phật Di Lặc trong tương lai. Họ thường niệm “Nam-mô Long Hoa Thượng Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật”.

Tam Tổ thực lục không nói rõ lễ hội Nghìn Phật được tổ chức như thế nào. Phải chăng đây là dịp chư Tăng và Phật tử quy tụ về viện Quỳnh Lâm tu hành để cầu nguyện sinh về cung trời Đâu Suất mong nghe Bồ-tát Di Lặc thuyết pháp. Trong hai loại hành trì được đề cập trong sáu kinh vừa kể trên, thì cách hành trì thứ nhất có vẻ gần gũi với cách tu thiền và quần chúng trí thức, và đệ tử của ngài Pháp Loa hơn là phương pháp thứ hai.

Về mặt tượng Bồ-tát Di Lặc thời Trần, chúng ta không có một tư liệu nào miêu tả về sắc tướng của Ngài. Khi khảo sát các chùa nhà Trần nổi tiếng ở miền Bắc như chùa Phổ Minh ở Nam Định, nơi có tháp thờ Sơ tổ Trúc Lâm Điều ngự Giác hoàng (vua Trần Nhân Tông); chùa Thanh Mai ở tỉnh Hải Dương từng là trú xứ của ngài Pháp Loa có bia và tháp thờ ngài; chùa Tư Phúc ở Côn Sơn, là trú xứ và là nơi thờ tổ thứ ba Thiền sư Huyền Quang; và chùa Vĩnh Nghiêm, làng Đức La tại tỉnh Bắc Giang là nơi được ba vị Tổ sư dòng Trúc Lâm thường tổ chức an cư kiết hạ và thuyết giảng kinh điển. Tại Phật điện của các chùa này, chúng ta không thấy bóng dáng một pho tượng Phật hoặc Bồ-tát nào có niên đại nhà Trần. Huống hồ là tượng Bồ-tát Di Lặc.

Từ thời Hậu Lê cho đến thời đầu thời Lê Trịnh (còn gọi là thời Trịnh Nguyễn) tức khoảng đầu thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XVII, chúng ta không thấy bóng dáng của Bồ-tát Di Lặc được nhắc nhở trong văn bia, và cũng không có một pho tượng Di Lặc nào còn lưu tồn cả. Mặc dù theo các tài liệu của Viện Khảo cổ và Viện Nghiên cứu Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam, cho chúng ta biết rằng có rất nhiều tượng Phật và Bồ-tát có niên đại của thế kỷ XVI còn được thờ tại các chùa xây vào thời Mạc. Thời Mạc là thời tín ngưỡng Quán thế Âm rất thịnh hành vì nhiều chùa thời Mạc thờ tượng Quán Thế Âm nhiều tay tại chính điện.

TuongDucDiLac-chua HoiSon

TuongDucDiLac-chua Hoi Son

Vào thế kỷ XVII khi Phật giáo Việt Nam được trùng hưng bởi một số cao tăng người Trung Quốc qua hoằng pháp tại Việt Nam. Các vị Tăng này ủng hộ triều Minh và không muốn làm con dân triều Thanh do người Mãn Châu trị vì, do đó đã “tỵ nạn”qua nước Việt Nam. Vào thời này ở miền Bắc, chúa Trịnhcho trùng tu các ngôi danh lam cổ tự hư nát và xây dựng những ngôi chùa mơi, cũng từ đó, chúng ta thấy tượng Bồ-tát Di Lặc từ từ được đưa vào thờ ở điện Phật. Tuy thế, trong thế kỷ XVII, có chùa thờ tượng Bồ-tát Di Lặc và có chùa không. Thí dụ ngôi chùa Mía nổi tiếng ở Sơn Tây xây năm 1734 có thờ Di Lặc Bồ-tát, nhưng chùa Bút Tháp, một ngôi chùa nổi tiếng khác tại tỉnh Bắc Ninh xây năm 1647, không thấy thờ tượng Bồ-tát Di Lặc. Tại miền Nam, với sự ủng hộ của chúa Nguyễn, chùa chiền cũng được xây cất nhiều nơi, và Tăng sĩ người Hoa đã theo người Trung quốc qua lánh nạn và lập nghiệp ở Việt Nam. Tuy thế, cho tới nay chúng ta vẫn chưa rõ lý do tại sao các chùa nổi tiếng ở Huế xây vào thế kỷ XVII không có thờ tượng Bồ-tát Di Lặc, ngoại trừ chùa Linh Mụ. Một số chùa cổ ở Hội An (Đà Nẵng) như chùa Chúc Thánh, chùa Phước Lâm, được thành lập vào thế kỷ XVII, không thấy thờ tượng Bồ-tát Di Lặc. Chùa Thập Tháp, ngôi chùa cổ nhất tại Bình Định do Hòa thượng Nguyên Thiều, người Quảng Đông dựng vào năm 1680, cũng không có thờ tượng Di Lặc. Chùa này thờ chính là Phật Di Đà, mặc dù đây là tổ đình xưa nhất của dòng phái thiền Lâm Tế tại dải đất miền Trung trung Việt. Tại Sài Gòn, ngôi chùa cổ nhất là Giác Lâm, xây năm 1744, có thờ Bồ-tát Di Lặc. Vào thời điểm giữa thế kỷ XVIII, ở các chùa ở miền Bắc thờ Di Lặc đã khá phổ biến. Vấn đề này khá phù hợp với sự lý luận của một số học giả Việt Nam là Bồ-tát Di Lặc bắt đầu phổ thông ở trong Phật điện từ thế kỷ XVIII trở về sau. Qua thế kỷ XVIII, tượng Di Lặc đã khá phổ biến hơn trong Phật điện. Nhưng cũng có chùa thờ, chùa không. Từ thế kỷ XIX cho đến nay, tượng Bồ-tát Di Lặc càng ngày càng thờ phổ biến, và phong trào thờ Phật Di Lặc đã nở rộ trong các thập niên gần đây.

Tuong-Dilac-chua-Huong Trãi Hà Tây

Tuong--Phat-Di-lac-chua-KimSon-Cali

Tuong–Phat-Di-lac-chua-KimSon-Cali

Tuong Dai Phat Di lac

Tượng Đại Phật Di Lạc, chùa Phật Lớn An Giang

GS. Nguyễn Triân | Đại học Bates

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 74


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage