Phật Học Online

Đón giao thừa, đi lễ chùa, hái lộc đầu năm

Cứ mỗi độ Xuân về mang theo nắng vàng ấm áp, vạn vật hồi sinh, cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn hoa đua nở, lòng người rộn rã; đón mừng năm mới. Xuân về, Tết đến, truyền thống của người Việt Nam: đầu Xuân đón giao thừa: đi lễ chùa, hái lộc đầu năm.

Đạo Phật, du nhập vào nước ta khoảng những năm trước Công nguyên, đã trở thành một trong những hệ tư tưởng có sức sống lâu dài nhất và đồng hành cùng Dân tộc trong mọi thời đại. Chính vì vậy Xuân Di Lặc, văn hóa Phật giáo ảnh hưởng rất sâu rộng đến đời sống văn hóa của dân tộc.

Đạo Phật đã thích ứng với mọi hoàn cảnh lịch sử và văn hóa của Dân tộc, hòa nhập cùng Dân tộc như nước với sữa, đã trở thành một tôn giáo rất gần gũi, thân thương với Dân tộc và con người Việt Nam. 

Có thể nói, đây là sự hòa mình của đạo Phật, là quá trình đạo Phật dần dần được Việt Nam hóa, biến thành một phần của cơ thể văn hóa và xã hội Việt Nam. 

Vì thế, đạo Phật trong đời sống văn hóa dân tộc là máu và thịt, là tim và óc trong một cơ thể của một con người.

Phật giáo là tôn giáo có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần, tâm linh của người Việt Nam. 

Cho dù là người có qui y Phật hay không thì hình ảnh của những ngôi chùa và tượng Phật bao giờ cũng là biểu tượng của lòng từ bi, hỷ xả, nhân ái, vị tha, hướng thiện…, rất gần gũi đối với quê hương, đất nước, con người Việt Nam. 

Do vậy, việc đi lễ chùa, viếng cảnh chùa trong lễ giao thừa không chỉ là hoạt động tâm linh của những người phật tử mà còn là sinh hoạt văn hóa của cộng đồng công chúng rộng rãi. Vào giờ giao thừa mọi người đi lễ chùa để cầu mong Xuân năm mới được hạnh phúc, an lành và hái lộc đầu năm, nhằm ước mong ba trăm sáu mươi lăm ngày tấn tài, tấn lộc, vạn sự như ý…

Bởi vì:

"Mái Chùa che chở hồn dân tộc

 

Nếp sống lâu đời của Tổ tông…”

Hơn nữa, đối với người con Phật,Xuân về, Tết đến, chính là đón mừng mùa xuân Di Lặc.

Xuân Di Lặc - Đó là hóa thân của vị giáo chủ tương lai của thế giới ta bà, người kế thừa sự nghiệp độ sanh do Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật di chúc và thọ ký. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng nói rằng: ngày mùng một tháng giêng là ngày kỷ niệm vía đức Di Lặc Bồ Tát.

Nói về tương lai của đức Di Lặc thì trong kinh Di Lặc Hạ Sinh có chép rằng: "Hiện nay đức Di Lặc là một trong bốn vị Bổn Xứ Bồ Tát đang ở nội viên cung trời đẩu xuất, đợi đến khi thế giới này hết kiếp giảm thứ chín, đến kiếp tăng thứ mười, lúc ấy ngài sẽ hóa thân xuống cõi trần này…”

 

Bụng to, má núng đồng tiền
Vây quanh sáu trẻ ngửa nghiêng reo hò"

Tôn kính đức Đương Lai Hạ sinh Di Lặc tôn Phật, hiện nay tượng Phật Di Lặc lớn nhất thế giới, cao gần gấp đôi tượng Nữ thần Tự do, sắp được hoàn thành ở Ấn Độ. Ở Việt Nam, hầu hết các chùa đều có tượng Phật Di Lặc. 

Chúng ta cũng có tượng Đức Di Lặc ở núi Cấm, Thiên Cấm sơn, đạt kỷ lục châu Á. Sau một thế kỷ 20 chiến tranh tang tóc, chia rẻ phân ly và kiệt quệ vật chất lẫn tinh thần, người Việt Nam cần hy vọng để vươn lên. Hy vọng nào lớn hơn Hy vọng của đức Phật tương lai là Bồ tát Nhất sanh bổ xứ Di Lặc.

Đón giao thừa, mùng một Tết đi chùa lễ Phật và hái lộc xuân đầu năm, không phải là chỉ cầu mong được giàu sang, phú quý mà chính là để chư Phật gia hộ cho tâm an vui, gia đạo bình yên, phát tâm rộng lớn tu hành như Thiện Tài cầu đạo trong Kinh Hoa Nghiêm…

Lễ viếng chùa đầu năm liên tục diễn ra trong những ngày Tết. Các chùa mở rộng cửa từ bi đón những người con ở phương xa về thắp hương, lễ Phật. 

"Đi đến cửa chùa đem lòng hỷ xả.
Bước vào cảnh Phật giữ dạ từ bi”

Mừng Xuân Di Lặc, Giáp Ngọ, cảnh chùa ngày Xuân nhộn nhịp hơn hẳn lên. Bao hoa thơm khoe sắc, đăng chúc huy hoàng cùng trầm hương nghi ngút quyện tỏa cho chúng ta cảm xúc Xuân đầm ấm, hạnh phúc, an lành trong ánh hào quang của đức từ phụ. Và chính giao thừa, đi chùa, lễ Phật, hái lộc đầu năm cũng là hoạt động lễ hội văn hoá truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc có tính phổ biến trong những ngày Xuân về Tết đến của người Việt Nam. 


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage