Phật Học Online

Ý nghĩa Niết Bàn
CHÁNH-TRÍ

Theo  Kinh-điển Hán-văn, hôm nay rằm tháng 2 âm-lịch là ngày Phật nhập Niết-bàn.

Cùng một việc dứt thở, bỏ xác, tại sao ở người thế-gian, gọi là chết, còn ở Phật lại gọi là “nhập Niết-bàn”? Vậy sự sai khác giữa đôi đàng như thế nào và Niết-bàn có nghĩa là gì? Đó là hai điểm mà tôi xin đề-nghị cùng chư quý đạo-hữu tìm hiểu, xuyên qua các sách vở đã được viết ra rất nhiều về vấn-đề này.

Trước tiên, chúng ta hãy nghe Kinh Bại-bát Niết-bàn nói về giờ phút trước khi và trong khi Phật nhập Niết-bàn.

Như Lai liền nói bài kệ:

Các hành vô-thường

Là pháp sinh-diệt.

Diệt sinh-diệt rồi,

Tịch-diệt là vui”.

Đại ý bài kệ nói rằng sự-vật không thường còn, vì đó là những thứ hễ có sinh ra là phải có diệt đi, nghĩa là có sinh là có tử, có đầu là có đuôi, có khởi đoan là có chấm dứt. Nếu diệt được cái “sinh diệt” ấy tức là nếu chấm dứt được sự “sinh tử”, thì được cái vui gọi là “tịch-diệt”. Sinh-tử đây là sinh-tử của thân, là vật sinh-diệt. Vì vậy Như-Lai nói tiếp:

 

 

Các vị nên biết, hết thảy mọi hành-tướng đều là vô-thường. Thân tôi nay, tuy là thể kim-cương, vẫn không khỏi lẽ vô-thường biến thiên. Trong nẻo sinh-tử rất đáng sợ-hãi, các vị nên siêng làm hạnh tinh-tấn, cầu mau ra khỏi hố lữa sinh-tử này, đó là lời dạy cuối cùng của tôi. Thời nhập Niết-bàn của tôi đã đến”.

PHẨM PHÓ-CHÚC

Ngay khi ấy Như-Lai vào Sơ-thiền; ra Sơ-thiền, vào Nhị-thiền; ra Nhị-thiền, vào Tam-thiền; ra Tam-thiền vào Tứ-thiền; ra Tứ-thiền vào Không-xứ; ra Không-xứ, vào Thức-xứ; ra Thức-xứ, vào Vô-sở-hữu-xứ; ra Vô-sở-hữu-xứ, vào Phi-tưởng phi-phi-tưởng-xứ; ra Phi-tưởng phi-phi-tưởng-xứ vào Diệt-tận-định.

Lúc đó, A-Nan thấy Như-Lai im bặt không nói, thân thể, chi-tiết không dao-động, liền sa lệ nói rằng: “Thế-Tôn nay đã nhập Niết-bàn rồi!”.

“Bấy giờ A-nâu-lâu-đà (Anurudha) bảo A-Nan: “Ngay bây-giờ Như-Lai chưa nhập Niết-bàn đâu! Sở-dĩ Ngài im-bặt, thân không dao-động, chính vì Ngài nhập Diệt-tận-định.

Đức Thế-Tôn ra Diệt-tận-định, lại trở vào Phi-tưởng phi-phi-tưởng-xứ, và lần-lượt cho đến vào Sơ-thiền; ra Nhị-thiền, vào Tam-thiền; ra Tam-thiền, vào Tứ-thiền. Và, ngay ở nơi ấy, Ngài nhập Niết-bàn”.

PHẨM NHẬP NIẾT-BÀN

Hai đoạn kinh trên đã chỉ cho chúng ta thấy Phật không có “chết” cái chết của phàm-phu, mà Ngài đã “nhập định”. Không phải một nhập-định hữu hạn mà vô cùng  vĩnh-viễn, vì Ngài đã tận “diệt phiền-não, sinh-tử, đã lìa mọi tướng, vào chỗ vắng-lặng vô cùng vô tận”. Đây là nghĩa đại-khái của danh-từ “nhập Niết-bàn”.

Bây giờ chúng ta hãy đi sâu vào vấn-đề để hiểu rõ thêm hơn.

Điểm cần ghi nhớ là đừng nghe nói Phật “nhập Niết-bàn”, rồi tưởng Phật đã về một cõi nào đó, hưởng phước đời đời, như Thiên-đường của nhiều Tôn-giáo khác. Cũng đừng hiểu rằng Phật đã tiêu-tan trong Hư-vô (Néant), khi đọc kinh-điển thấy nói Phật “tịch-diệt” hay “viên-tịch”. Vậy “nhập Niết-bàn” là đi vào đâu?

Niết-bàn là phiên-âm chữ Nirvâna của Ấn-Độ, Tàu dịch nghĩa là Diệt, Người Pháp dịch là Extinction với cái nghĩa: Thổi trên ngọn đèn để tắt. Diệt ngọn lửa mà một hơi thở làm mất tích, đó gọi là Niết-bàn.

Nhưng ngọn lửa mà một hơi thở, hơi thở của chúng ta, làm tắt, ngọn lửa đó là gì?

Một ẩn-sĩ Bà-la-môn hỏi Ngài Xá-lợi-Phất (Sariputra), một đại-đệ-tử của Phật:

– Niết-bàn, Niết-bàn, này ông bạn Xá-lợi-Phất, đó là gì?

– Sự tiêu-diệt lòng tham-muốn, sự tiêu-diệt lòng nóng giận hận thù, sự tiêu-diệt lòng si-mê sai-lạc, đó thưa ông bạn, là cái mà người ta gọi là Niết-bàn.

SAMYUTTA NIKAYA

Vậy  Niết-bàn chỉ lả một danh-từ chỉ cái kết quả cứu cánh của sự tu-hành theo Phật-giáo mà mục-đích cứu-cánh là diệt tam-độc: tham, sân, si.

Để rõ hơn, chúng ta hãy tiếp nghe lời Phật dạy:

Người tu nào đã từ bỏ được thú vui và tham-muốn, đã đầy đủ trí-huệ, là ngay ở cõi đời đây, đã đạt đến sự giải-thoát sinh-tử, sự tịch-tĩnh, đã đạt đến Niết-bàn, nơi an dưỡng thường-tồn, vĩnh-cửu.

Kẻ nào đã ra khỏi những con đường mòn gạt-gẫm của Luân-hồi, kẻ nào đã lội qua bên kia sông và đã tới bờ, giữ tâm chánh-định, không quá thất, không nghi hoặc, kẻ nào đã giải-thoát mọi sự-vật thế-gian và đạt đến Niết-bàn, kẻ ấy là một tu-sĩ chân-thực”.

SUTTASANGAHA

 Niết-bàn là nơi an-dưỡng thường-tồn, vĩnh-cửu! Vậy sao bảo Niết-bàn không phải là một cõi? Xin thưa, những chữ “nơi an-dưỡng” dùng ở đây là một lối nói “tạm” để ám-chỉ cái “thường”, đối lại với cái “vô-thường” là cảnh thế-gian. Do đây trong kinh Dvyatânupassanâ, Phật dạy:

 “Cái không tiêu không diệt là Niết-bàn, hạng người cao-cả quan-niệm nó như thật có; nhờ thấu-triệt được sự thật này, họ được giải-thoát khỏi mọi thèm khát tham muốn và được hoàn-toàn an-lạc”.

 Vậy Niết-bàn chỉ cái “Thường”, mà còn chỉ cái “An-lạc” của những tâm-hồn giải-thoát.

Có giải-thoát, có diệt dục, mới có Niết-bàn:

 

“Trong kẻ từ-bi bố-thí, cây đạo-đức sẽ mọc lên.

Trong kẻ tự chế-ngự được, không một cơn giận hờn nào có thể nổi lên.

Người chân-chính gạt bỏ mọi điều ác.

Bởi sự tận diệt tham, sân, si, ngươi sẽ đạt đến Niết-bàn”.

MAHÂ-PARINIBBANA SUTTA

 Thế thì Niết-bàn phải là một tâm-trạng không? Cũng không. Vấn-đề thật là rắc-rối và khó hiểu. Chính Phật cũng đã nhìn nhận như thế trong Kinh Udâna như sau:

 “Này các đệ-tử, có một quốc-độ mà ở đấy không có đất, không có nước, không có nóng, không có gió(1); không có không-gian vô tận,  không có thức vô biên, cũng không phải hoàn-toàn không có gì cả, cũng không có sự cảm-thọ hay không cảm-thọ, cũng không có thế-giới này, thế-giới kia, mà vừa là mặt trời, vừa là mặt trăng.

Cái ấy, này các đệ-tử, ta không gọi là khứ, là lai, là trụ, là sinh, là tử, nó không nhân, không thành, không diệt. Đó là chỗ chấm dứt của sự khổ.

Khó mà thực-nghiệm được cái “thể”; chân-lý không phải dễ nhiếp-thọ, nắm lấy; kẻ biết thật biết mới làm chủ được lòng ham-muốn và kẻ nào thấy thật thấy mới thấy vạn-vật không có một giá-trị chân-thật nào cả”.

*

*  *

Từ trước đến đây, chúng ta thấy Niết-bàn không phải một cõi, một cảnh, một tâm-trạng, cũng không phải là cái không ngơ (hư-vô). Vậy Niết-bàn có hay không có? .

 Trong Kinh Na-Tiên Tỳ-kheo, vua Milinda đã đặt ra câu hỏi ấy. Vả đây là câu trả lời của Ngài Na-Tiên:

 “– Tâu Hoàng-thượng, có Niết-bàn, và cái có ấy, có thể lấy trí mà nhận. Còn hễ là đệ-tử Phật mà giữ được tâm thanh tịnh và chánh-trực, thoát khỏi các nghiệp-chướng, thoát khỏi được các tham muốn thấp hèn, thì thấy được Niết-bàn.

 – Xin thí-dụ, nhà Vua nói.

 – Hoàng-thượng biết có một cái gọi là gió. Vậy xin Hoàng-thượng chỉ cho tôi coi gió màu sắc gì, hình dáng ra sao, nó dày hay mỏng, dài hay vắn?

 – Không thể chỉ được như thế, vì làm sao nắm bắt nó được, nhưng dầu vậy, gió là cái gì có.

 – Cũng thế, tâu Hoàng-thượng, Niết-bàn là cái gì có mà không thể chỉ cho thiên-hạ thấy hình sắc của nó.

 Cái lý Niết-bàn, đầy an-lạc, rất nhiệm-mầu, có. Và người nào ở ăn chân-chánh, thấu hiểu tánh của các tướng, tuân hành giáo-pháp của chư Phật, người ấy ắt thực chứng Niết-bàn, cũng như một đứa trẻ học nghề, nhờ thầy chỉ dẫn, mà rồi tự tạo, tự biến thành một thợ giỏi trong nghề.

 – Làm sao biết được Niết-bàn, nhà Vua hỏi.

 – Nhờ sự thoát khỏi phiền-não, nghiệp-chướng, nhờ sự an-ổn, an-lạc thanh-tịnh”.

 Rồi Ngài Na-Tiên cho thêm vài thí-dụ. .

 – Người té vào đống lửa ngùn-ngụt, cố gắng vượt ra khỏi và lên được chỗ mát-mẻ. Người ấy cảm thấy sung-sướng vô cùng. Cũng thế, người thoát khỏi lửa của tham, sân, si sẽ hưởng cái sung-sướng Niết-bàn.

 – Người té vào huyệt tử-thi hôi-thối, nếu cố-gắng ra khỏi được và lên chỗ không có tử-thi, sẽ cảm thấy sung sướng vô ngằn. Cũng thế, ai ra khỏi hầm tử-thi của những tâm-niệm bất thiện, người ấy sẽ hưởng cái sung-sướng Niết-bàn.

 – Người té vào hầm phẩn dơ mà cố-gắng ra khỏi và lên chỗ sạch, sẽ cảm thấy sung-sướng. Ai thoát khỏi cái lo sợ của sanh, già, bệnh, chết, người ấy sẽ hưởng cái sung-sướng Niết-bàn.

 Vậy tìm Niết-bàn ở đâu?

 “Ở trong đạo-đức. Nếu sống luôn trong đạo-đức, trong định-tâm, thì dầu ở đông ở tây, ở nam ở bắc, ở dưới Long-cung hay ở trên Thiên-cung, bất luận chỗ nào, người sống trong chánh-chân như thế tìm được Niết-bàn”.

*

*  *

 Cứ như trên thì Niết-bàn là cái gì mà ngay đây mỗi chúng ta có thể đạt được, miễn thực hiện những điều kiện Phật dạy? Vâng, quả đúng như thế. Về điểm này, Bà Alexandra Daviđ, trong sách “Le Modernisme Boudhiste et le Bouddhisme du

Bouddha” có viết :

 “Niết-bàn là mục-đích, là hải-cảng trú-ẩn, là sự an nghỉ miên viễn. Hải-cảng ấy, bậc A-la-hán đã đạt đến rồi; ngay lúc còn sống, La-hán đã vượt khỏi ngưỡngcửa cái thế giới bên kia, rất cách biệt với những tri kiến và quan-niệm của chúng ta, và tuy chúng ta thấy Ngài cũng vẫn còn đi, đứng, nằm, ngồi y như chúng ta và giữa đám chúng ta , La-hán không còn là người của thế-giới chúng ta, là thế-giới của vọng-tưởng và vô-thường. Ngài sống trong Bất-biến, trong Bất-sinh, trong Chân-thường. Ngài là cái Bất-biến, Bất-sinh, Chân-thường”.

 Tu-hành mà đạt đến kết-quả này gọi là “đắc Niết-bàn tại thế” hay “đắc hữu dư Niết-bàn” hay nữa “đắc hữu dư-y Niết-bàn”.

 Kinh Bảo-Quật nói :

 “Kim-cang tâm đoạn biến-dịch nhân tận, nhi biến-dịch quả du-tồn, hữu dư lụy, cố viết hữu dư”.

 Cái nhân biến-dịch đã bị tâm Kim-cang (trí huệ) chặt đứt, nhưng cái quả biến dịch vẫn còn, nên còn phải chịu một phần nợ-nần, bó buộc nào, vì vậy nên gọi là còn dư, chưa đứt. Nói một cách khác, hữu-dư Niết-bàn là kết-quả giải-thoát nội tâm hoàn-toàn, nhưng về mặt thân xác thì sự giải-thoát chưa được hoàn-toàn hẳn, vì còn thân là còn nợ-nần với cái sống ăn, sống mặc, với già, với bệnh, với chết.

 Cao hơn “Hữu-dư Niết bàn” có “Vô-dư Niết-bàn” hay “Vô-dư-y Niết-bàn”, là “sanh-tử chi nhân, diệc vô quả dã”. Đó là kết-quả mà Phật đã đạt đến vào một đêm rằm tháng hai, cách nay trên 2500 năm. Cái nhân sanh-tử trong tâm đã chết mất từ lâu, rồi nay cái quả sanh-tử của nhân tiền kiếp (thân) cũng bỏ lại và sẽ tan-rã, thì còn nợ-nần chỗ nào mà khòng bảo là “Vô-dư”. Tóm lại, “Vô-dư Niết-bàn” là Niết-bàn đạt đến khi bỏ xác, là Giải-thoát hoàn-toàn.

Nhưng dầu hoàn-toàn (Vô-dư) hay chưa hoàn-toàn (Hữu-dư), Niết-bàn chỉ có một thể, cũng như đường chỉ có một vị là ngọt, dầu đó là đường tán hay đường phèn. Để chỉ cái vị duy nhất ấy kinh-điển bảo Niết-bàn có bốn đức (hay bốn đặc-điểm: propriétés essentielles) là: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Nói cho đúng, chính 4 cái đó là Niết-bàn và ai thực chứng được, ai thưởng thức được thì gọi là “đắc Niết-bàn”.

 Bốn đức này , chúng ta đã nghe thấy trong những đoạn kinh đã dẫn ở phía trước.

 Sống trong, vì và bởi cảnh thế-gian là sống trong biến-dịch, vô-thường, cảnh-giới của vật-chất và tình-cảm thấp-thỏi. Bỏ được lối sống này mà sống được đời sống nội tâm không biến-dịch, là sống trong cái ngược với vô-thường, tức là sống trong cái Thường (Eternel). Sống trong Thường là bất biến, nhưng không phải không tùy duyên. Tùy duyên mà vẫn bất biến. Thí-dụ: đến giờ phải ăn là ăn (tùy duyên), nhưng không để cái ăn làm xao-động lòng mình (bất biến). Trước cảnh đau-khổ của người khác, lòng không bị kích-thích như thế tình (bất biến), nhưng hết sức giúp-đỡ (tùy duyên). Được như thế gọi là Thường.

 Tâm không bồn-chồn, lo muốn nóng-nảy, gọi là an. Có an là có vui (Lạc), cái vui khác thường, vì không cần có mồi mới sanh vui. Người muốn tiền mà không được tiền, không vui, như cá muốn ăn mà không gặp mồi, không sướng. Vậy cái vui sướng của thế-nhân là cái vui sướng cảm thấy khi lòng ham muốn , thèm khát, được thỏa-mãn. Cái Lạc của người giải-thoát là cái vui hồn-nhiên, phát xuất từ chỗ không tham, không cầu gì cả. Đó là cái mội nước tự nó phun lên, mà không cần có máy bơm. Vậy là một cái vui bất chấp ngoại cảnh, hoàn toàn giải-thoát mọi kích-thích, cái vui “bí-mật” mỉm cười của Phật. Được như thế gọi là Lạc.

 Thế-nhân ai là người không sống cho ta và vì ta, cho và vì cái ta nhỏ mọn (tiểu-ngã)? Đó là lối sống ích-kỷ. Bỏ lối sóng đó mà sống vì người, vì tất cả, là sống cho cái Ta to (Đại-ngã). Gọi Đại-ngã vì là toàn thể những cái “ta” nhỏ góp lại. Vậy sống vị-tha là sống cho Đại-ngã, hay Ngã, sống như cái sống của nước đại-dương. không sống chật hẹp của nước biển đựng trong chai. Được như thế gọi là Ngã.

 Sống theo thế-tình, thế-tục, là sống trong ô-nhiễm. Càng đi xa trên con đường ấy là càng lún chân trên bãi lầy của phiền-não, nghiệp-chướng do tham, sân, si, tài, sắc, danh, lợi, thực, thùy tạo ra. Bỏ lối sống ấy mà sống một lối sống hoàn-toàn trong sạch, lòng không dính một bụi nhơ thế-sự, được như vậy gọi là Tịnh.

 Tất cả những cái Lạc, Ngã, Tịnh vừa nói đều do chỗ “tùy duyên bất biến, bất biến mà tùy duyên” mà có.

 Ai thực-hiện được tất cả bốn đức ấy thì được gọi là “đắc hay nhập Niết-Bàn”.

*

*  *

Để kết-luận, xin lập lại rằng Niết-bàn chỉ là một danh-từ dùng để chỉ một cái gì mà ngũ quan không nhận được, ý-thức không tưởng-tượng được nhưng có và có một cách chân-thật đối với ai đã thực-chứng, thực-nghiệm được nó. Nhưng xin đừng hiểu là muốn có Niết-bàn phải đi tìm nó. Càng tìm nó, nó lại càng xa, vì có tìm là tâm còn tham mnốn, mà còn tham muốn là trái với Tịnh, với Lạc, với Ngã. Cũng đừng tưởng tới nó, vì có tưởng là tại có muốn, mà như thế thì cũng sai rồi.

 Cứ ăn ở, cứ sống như Phật dạy, trong Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, rồi Niết-bàn tự-nhiên sẽ đến và chừng ấy chúng ta sẽ biết Niết-bàn là gì. Đừng tưởng đọc sách rồi biết Ba-lê. Phải đến Ba-lê mới biết Ba-lê là gì. Cũng đừng nghe người nói nước mát rồi tưỏng là đã biết cái mát của nưởc. Muốn biết rõ, hãy uống nước. Ngoài ra là ức tưởng, là lấy bóng làm hình.

 Cũng đừng tưởng Niết-bàn rất xa chúng ta. Không. Niết-bàn rất gần chúng ta, chúng ta cọ vai sát cánh với nó hàng phút. Nhưng chúng ta chưa bắt tay với nó được, chỉ vì chúng ta chưa bước qua khỏi làn ranh phân cách cái giả với cái chân, vì chúng ta chưa thoát khỏi chứng mù mắt đang căng một tấm màng đen dày chặt giữa cái sống rộng bao-la và cái thấy bó rọ trong ranh giới của cái hình dáng và tên-tuổi (danh sắc) mà mỗi giờ phút làm biến đổi và chúng ta lầm tưởng là “Ta”./.

(Phụ trương Từ Quang tạp chí, do Hội Phật học Nam Việt ấn tống, năm ??)

 Chú thích: (1) Tứ đại: đất, nước, gió, lửa, bốn yếu-tố vật-chất.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage