Phật Học Online

Kỳ công kinh lá
Quốc Dũng

Sư Chau Ty, sãi cả chùa Soài So ở xã Núi Tô, huyện Tri Tôn - An Giang là truyền nhân đời thứ 9 và cũng là người cuối cùng ở Bảy Núi có thể viết được kinh trên lá buông - báu vật của người Khmer Nam Bộ

Kinh lá là báu vật của cộng đồng người Khmer Bảy Núi nói riêng và Nam Bộ nói chung. Kinh lá là loại kinh Phật của Phật giáo Nam tông Khmer, được những bậc tiền bối đạo hạnh cao thâm và rất đỗi tài hoa viết bằng chữ Khmer trên lá cây buông.
 
Sư Chau Ty cho biết trong tiếng Khmer, kinh lá được gọi là slấc-rich - nghĩa là một kiểu viết như in ấn, khắc họa trên lá cây buông. Cây buông là họ hàng của cây thốt nốt nhưng lá dài và dày hơn. Loại cây này chỉ sinh sống ở vùng núi cao, hiểm trở. Theo ông Chau Ty, trước đây vùng Bảy Núi cũng có nhiều cây buông nhưng hiện giờ không còn nữa.
 
Chuẩn bị công phu
 
Sư Chau Ty cho biết kinh lá được lưu truyền cách đây hàng trăm năm. Trước kia, do điều kiện thiếu thốn, không có nhiều giấy mực như hiện nay nên tiền nhân đã nghĩ đến việc trưng dụng các loại nguyên vật liệu sẵn có từ thiên nhiên để viết kinh lưu giữ.
 
Trong đó, cây buông là một chất liệu rất tốt để thực hiện công việc này. Tuy nhiên, để có được những tấm lá cho việc viết kinh, các nhà sư phải tốn rất nhiều công sức và chuẩn bị hết sức công phu. “Sau khi quan sát, chọn lựa những thân cây có tàu lá to và dài, các nhà sư phải thường xuyên để mắt đến cây ấy. Khi đọt lá non vừa nhú, chúng liền được bao lại, quấn kín bằng vải để bảo vệ bề mặt” - sư Chau Ty tiết lộ.
 
 
Hòa thượng Chau Ty  thị phạm cách viết chữ trên lá buông
 
Theo sư Chau Ty, phải bao quấn kín như vậy là để tấm lá giữ được màu trắng, sạch sẽ, không bị côn trùng cắn phá, nếu không, lá cây già sẽ chuyển thành màu xanh đậm hoặc bị vàng úa, khô đi.
 
“Công việc này phải được thực hiện thường xuyên và chỉ đến khi lá dài hơn 2 m mới thu hoạch bằng cách chặt lìa khỏi thân cây đem về chùa. Kế đến là công đoạn phân loại và phân kích cỡ lá cho phù hợp với lá kinh, thông thường dài cỡ 60 cm, rộng chừng 6 cm. Sau khi phơi khô phải bào phẳng mặt lá rồi ngâm vào dung dịch bảo quản nhằm tăng thêm độ bền, không bị rách hư. Để hoàn thành các công đoạn chuẩn bị này, có khi phải mất đến hàng tháng trời” – sư Chau Ty kể.
 
Lao động nghệ thuật sáng tạo
 
Công đoạn viết và đóng thành quyển, thành bộ kinh lá cũng không kém kỳ công và là cả một quá trình lao động nghệ thuật sáng tạo. Không giống như cách viết trên giấy thông thường, kinh lá được viết bằng loại bút có ngòi sắt nhọn. Thân bút bằng gỗ được tiện, trau chuốt sao cho vừa vặn với tay người cầm, còn ngòi là đoạn thép được đính chắc chắn vào thân gỗ và mài giũa rất bén.
 
Cách viết chữ lên lá kinh cũng hết sức đặc biệt. Ông Chau Ty rút những tấm lá buông cuối cùng còn lại tại chùa và lôi cây bút từ trong tay nải ra. Lọ mọ lấy kính đeo vào, nhà sư bảo giờ đây tuổi đã cao, sức khỏe không còn tốt, tay run, đôi mắt cũng kém đi nên ông không còn viết được nhanh, đẹp như thời trẻ.
 
Đó là ông tự khiêm tốn như thế chứ khi vừa đưa tấm lá kẹp lên cây thước cùng kích cỡ, một tay ông giữ lá còn tay kia thoăn thoắt viết. Không cần phải kẻ hàng hay đo đếm, vậy mà những con chữ được đôi bàn tay tài hoa của vị sư già khắc họa vẫn múa lượn như rồng, như phượng thật đều, thật đẹp và thẳng tăm tắp.
 
“Tay phải cầm bút còn tay trái giữ lá nhưng đầu bút phải tựa lên ngón cái của bàn tay kia. Khi viết, ngón tay cái sẽ điều khiển đầu bút. Cái khó nhất là sự kết hợp thật nhịp nhàng, đều đặn giữa hai tay và nét viết phải có cùng một độ sâu. Nói là viết chứ thực ra chẳng khác gì khắc họa, không đơn giản như chữ viết trên giấy đâu” – sư Chau Ty vừa thị phạm vừa giải thích cho tôi.
 
Sau khi công đoạn viết hoàn thành sẽ được tráng (tẩm) mực lên bề mặt để ngấm vào những chữ viết đã được khắc sâu. Mực có thể được làm bằng than hoặc trái mặc nưa có màu đen. “Khi đó, mực sẽ được tráng đều trên mặt lá. Sau khi ngấm, rút khô vào thân lá, những con chữ hiện lên nổi bật thì dùng vải lau cho sạch. Nói thì đơn giản vậy chứ rất mất thời gian và công sức vì đòi hỏi người viết phải hết sức tỉ mỉ, kiên trì, chỉ cần viết sai một chữ là lá đó coi như bỏ. Người giỏi thì mỗi ngày cũng viết không hơn chục lá” – sư Chau Ty giải thích.
 
 
Kinh lá Khmer cổ viết trên lá buông là báu vật tại các chùa Khmer Bảy Núi
 
Hòa thượng Chau Ty nói do tấm lá nhỏ nên mỗi lá chỉ viết được khoảng 5 hàng, mỗi hàng chừng 20 chữ. Chính vì thế, người viết phải biết cách thể hiện nội dung như thế nào cho súc tích, gói gọn trong khuôn khổ tấm lá. Có khi một nội dung được viết đến 5, 7 hoặc 10 tấm lá. Ông Chau Ty cho biết: “Kể cả khâu kết những tấm lá thành một quyển kinh cũng rất công phu. Các trang viết phải được đánh số thứ tự trên góc hoặc giữa lá kinh để sắp xếp nội dung cho liên tục.
 
Việc kết lá kinh thành quyển và mở ra xem đều theo một quy tắc riêng, nếu người không biết cách sẽ dễ lật sai, nội dung lẫn lộn. Kinh lá có nội dung là những điều răn dạy, giáo lý nhà Phật, dạy con người biết tu tâm, dưỡng tính, sống hiền lành, thân ái. Có khi quyển kinh còn chép những câu chuyện ngụ ngôn, chuyện dân gian về lòng thương người và cách sống tốt”.
 
Nguy cơ thất truyền
 
Chính vì việc tốn quá nhiều công sức, công đoạn mới có thể cho ra một quyển kinh lá nên cũng có rất ít người biết viết hoặc đam mê với công việc này. Hơn nữa, theo các nhà sư cao tuổi ở Bảy Núi, ngày xưa vị sư tổ khai sinh ra kinh lá chỉ thu nhận có 9 học trò. Vì viết kinh lá quá khó nên tổ sư chỉ chọn ra một đệ tử nổi trội nhất trong số nhiều đồ đệ theo tu học để truyền nghề. Mỗi đời như thế, người được chân truyền cũng chỉ truyền dạy lại loại nghệ thuật này cho một đệ tử tâm phúc có đủ đức độ. “Hòa thượng Chau Ty là truyền nhân đời thứ 9 và cũng là người cuối cùng ở Bảy Núi biết viết kinh trên lá buông bằng chữ Khmer” - thượng tọa Chau Sóc Pholly, sãi cả chùa Xà Tón ở thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn - An Giang, khẳng định.
 
Với cộng đồng người Khmer, kinh lá chẳng khác gì báu vật và có giá trị tín ngưỡng hết sức thiêng liêng. Hòa thượng Chau Ty không giấu được nỗi buồn, tâm sự: “Tôi đã hơn 40 năm viết kinh lá và có niềm đam mê kỳ lạ với loại hình nghệ thuật này. Vậy mà hơn chục năm nay, khi tuổi đã cao, tôi cố tìm một đệ tử để truyền nghề mà mãi vẫn không được. Buồn quá nên đã lâu lắm rồi tôi không còn viết kinh lá nữa, phần vì lá buông bây giờ cũng hiếm song cái chính là người trẻ bây giờ không muốn học, nguy cơ thất truyền là khó tránh khỏi”. Sư đưa mắt nhìn xa xăm như giấu một nỗi buồn sâu kín trong lòng.
 
Sư Chau Ty nói qua thời gian, cuộc sống của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi cũng trải qua nhiều thăng trầm biến động. Hơn nữa, họ đã sống hòa nhập với cộng đồng người Kinh, tiếp nhận và giao lưu văn hóa với cộng đồng dân tộc anh em nên suy nghĩ của tuổi trẻ bây giờ cũng đổi mới. “Do bận đi học, phải đi làm việc ở xa, nhiều thanh niên Khmer bây giờ chỉ vào chùa tu một thời gian ngắn là xuất thế. Chủ yếu là tấm lòng họ muốn tu báo hiếu mẹ cha mà thôi. Vì thế, luật tục cũng phải thay đổi chút ít để cho phù hợp. Dù vậy, người Khmer  nào cũng đều hết lòng tôn kính và quý trọng những bộ kinh lá này” - hòa thượng Chau Ty thổ lộ.

 

Kỷ lục kinh lá

Hiện nay, hàng chục ngôi chùa Khmer khắp vùng Bảy Núi - An Giang đều còn lưu giữ những bộ kinh lá cổ.
 
Trong đó, chùa Xà Tón ở thị trấn Tri Tôn là nơi còn lưu giữ được nhiều bộ kinh lá nhất, với trên 100 bộ. Năm 2006, chùa này đã được Trung tâm Sách Kỷ lục VN xác lập kỷ lục “ngôi chùa lưu giữ nhiều bộ kinh lá nhất VN”.

 

Theo thượng tọa Chau Sóc Pholly, kinh lá thường được đem ra đọc, rao giảng trong các ngày lễ, tết cổ truyền như Chol Chnăm Thmây, Dolta... “Hầu hết kinh lá ở chùa đều được lưu giữ từ 60- 100 năm.

 

Thông thường vài tháng hoặc có khi cả năm, kinh lá mới được đem ra lau chùi bụi bặm một lần. Dù được bảo quản rất đơn giản, chỉ quấn lại bằng vải nhưng kinh lá không hề bị mối mọt hay sâu hại cắn phá. Những bộ kinh được lưu giữ càng lâu năm càng trở nên bóng đẹp lạ thường” – ông Chau Sóc Pholly nói.
Theo: Người Lao động


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage