Phật Học Online

Tản mạn về nghề và nghiệp
Trí Năng

Trên chuyến xe từ Đông Hà vào Huế. Xe vừa dừng lại trước Phu Văn Lâu, từ đâu đó chạy đến rất đông những anh, những chú, những bác xích lô, xe thồ hớt ha hớt hải chỉ tay lên xe: người thì "tui chấm chú ngồi ngoài", người thì "tui chấm o áo bông" người thì “tui đón mệ áo nâu”... lòng tôi chợt xao xuyến với bao nỗi suy tư về nghề và nghiệp.


Nếu nói tất cả những người lao động đã và đang oằn lưng để kiếm kế sinh nhai và vượt qua những năm tháng ngặt nghèo mưa nắng, bão lụt là nghề thì những nỗi hắt hiu với bao lo toan vất vả của đời người hiện rõ trên nét mặt của những người lao động phổ thông nghèo kia là nghiệp.

Một sáng cuối Đông, đang lang thang trên phố Huế mưa phùn lất phất và gió lạnh, chợt bắt gặp nhưng o những gì, những mẹ, những chị trên vai trĩu nặng những đôi quang gánh.

Gánh cơm hến, gánh bánh canh, gánh bún bò, gánh bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc đi từ sáng đến chiều tối mới về. Trên khuôn mặt họ hiện lên bao nỗi vui buồn với những tâm trạng khác nhau. Người thì đắt đỏ vui vẻ hớn hở nhưng cũng có người ế chề lòng nặng trĩu nỗi buồn lỗ vốn... Tất cả đó là nghề thì biết bao nỗi lo toan dập dìu cùng gánh nặng gia đình, gánh nặng đời người chính là nghiệp.

Những chú thợ hồ, những anh công nhân, những bác thợ mộc… nhiều, rất nhiều những bác những chú, những anh đang ngày đêm vất vả đem sức lực và thân mạng mình để đổi lấy miếng cơm manh áo là nghề thì những nỗi vui buồn tủi nhục là nghiệp.

Trong các nhà hàng sang trọng quanh thành phố nhiều người quần là áo lượt, veston sang trọng vào ra để bàn bạc, để ký kết... là nghề thì nhu cầu để thỏa mãn, để thể hiện, để mưu toan và để hưởng thụ là nghiệp.

Giữa những cánh đồng ruộng nước mênh mông, đây đó nổi lên những cồn mồ, từng đàn cò trắng đang đứng co ro rình bắt những con cá, con tôm, con tép là nghề thì những chú cò đang tung cánh bay về một nơi vô định nào đó, hoặc đang bị cạm bẩy người mà càng dẫy dụa, muốn thoát ra thì càng bị mắc cứng lại là nghiệp...

Tôi bàng hoàng ngửa hai bài tay cống lạnh, móp méo ra hứng lấy những giọt nước mưa. Từng giọt mưa phũ phàng như giọt thời gian xoá đi những vết tích bùn nhơ của một đời người xuất thân từ nông dân chân lấm tay bùn mà bâng khuâng nhớ.

Ngày nào đó xa rồi, khi cầm bút viết sơ yếu lý lịch bản thân, cũng đắn đo trước hai chữ: nghề nghiệp:...Tu sĩ. Tu là nghiệp mà sĩ là nghề - ngược đời thế đấy! Ồ, cũng thân cò lặn lội bờ ao, nhưng khác là phải biết đục trong khéo chọn làm nghề và tỉnh táo tránh những cạm bẩy để cất cánh bay xa, bay cao giữa bầu trời giải thoát là nghiệp.

Lòng quặn thắt với hình ảnh một bác nông dân đang trong chiếc áo tơi rách và chiếc nón lá cời (nón lá đã rách phai màu) đang lúp xúp bên bờ ruộng giữa mông mênh nước lũ là nghề mà lòng thì lạnh ngắt theo từng ngọn gió vô tình quất vào những tấm thân hao gầy của kiếp người nghèo khó, đang run rẩy trong những căn nhà đơn sơ trong mưa, trong gió, nơi có những mãnh đời em thơ đang ướt đẫm là nghiệp.

Lòng thầm nhủ: Nghề là mưu, nghiệp là kế. Mưu-kế để tồn tại và mưu kế cũng để cải đổi, chuyển đổi là tự thân mỗi người định đoạt (chuyển nghiệp).

Mới hay: Phật dạy cấm có sai. Nhưng vẫn cứ chạnh lòng xúc cảm: nghề-nghiệp cũng có trăm đường... đắng cay. Sinh nghề - tử nghiệp. Nghề để sinh nhai cũng có trăm thứ nghề, nghề tinh anh, nghề cao sang, nghề thấp kém, hèn hạ...nghiệp cũng có trăm ngàn thứ nghiệp, nghiệp nhẹ, nghiệp nặng, nghiệp lành, nghiệp dữ...

Thi thoảng từng đợt gió tạt qua đưa những làn mưa xuân lành lạnh, tôi chợt nhớ một lần ngày xưa bên bếp lửa hồng, mẹ đã đánh thức và đưa tôi thoát ra khỏi vết nứt ưu tư của những ngày tháng mùa đông cũ kỹ, và bước ra khỏi lối mòn lo toan khắc nghiệt của nỗi niềm nghề - nghiệp...

Theo PTVN


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage