Một năm, dân tộc ta có tới hai lần tổ chức đại lễ HIẾU THẢO: Tết THANH MINH (tháng ba âm lịch) và Lễ hội “VU LAN” (rằm tháng bẩy âm lịch).
Tết Thanh minh xuất phát từ TIẾT THANH MINH là một trong số hai mươi tư tiết khí của ÂM LỊCH. “Nhân ngày Thanh Minh, người dân các nước có nền văn hóa tương đồng và chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa đều có tục đi tảo mộ gia tiên và làm lễ cúng gia tiên sau cuộc tảo mộ. Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ” (theo wikipedia.org).
“Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước” (theo wikipedia.org). Nhưng người xưa dạy: “Bất hiếu với cha mẹ thì thờ cúng vô ích” – Coi việc đối xử tử tế khi cha mẹ (ông bà…) còn sống quan trọng hơn khi họ đã chết.
Người xưa cũng quan niệm rằng: “Bất hiếu với cha mẹ, thờ cúng vô ích”. Điều đó chứng tỏ cha ông ta rất coi sự ăn ở, đối xử của con cháu khi cha mẹ (ông bà) còn sống (HIẾU trong ĐỐI XỬ HÀNG NGÀY) quan trọng hơn việc thờ cúng tế lễ khi họ đã chết (HIẾU trong THỜ CÚNG).
Trong Hán tự, “HIẾU” gồm chữ “LÃO” ở trên (có lược bớt phần đuôi), chữ “TỬ” ở dưới. Cha trên, con dưới, thể hiện trật tự gia đình trên dưới phân minh, không “bình đẳng”, lộn ẩu kiểu “đồng chí cha đồng chí con” được! Để truyền dậy chữ HIẾU thuận lợi, các cụ Đồ Nho xưa đã “chiết tự” thành các câu vè giúp học trò dễ nhớ mặt chữ:
Đất thì là đất bùn ao,
Ai cắm cây sào sao lại chẳng ngay.
Con ai mà đứng ở đây,
Đứng thì chẳng đứng, vịn ngay vào sào.
Hiếu là một ĐẠO lâu đời nhất trong các đạo. Gương hiếu thảo sớm nhất được chép thành chuyện (NHỊ THẬP TỨ HIẾU), là gương Vua Thuấn một vị vua huyền thoại thời Trung Quốc cổ đại: Nguyên cha của Thuấn là Cổ Tẫu, người hung bạo. Mẹ của Thuấn mất sớm, Cổ Tẫu tái hôn sinh ra Tượng. Vì có lời gièm pha của người kế mẫu và đứa em ngỗ nghịch cùng cha khác mẹ, Cỗ Tẫu không ưa Thuấn , thường tìm cách đầy đọa Thuấn, đưa Thuấn đi cầy ở những vùng đầy thú dữ.. Biết thế, nhưng Thuấn vẫn trọn gìn chữ hiếu đối với cha và người dì ghẻ ác nghiệt, không một lời than oán.
Tấm lòng hiếu thảo và hòa mục ấy của Thuấn động đến Trời, cả đàn voi ra giúp Thuấn cày đất và vô số chim muông đáp xuống nhặt cỏ hộ. Thấy không hại được Thuấn Cổ Tẫu và người dì ghẻ sai Thuấn đánh cá ở Hồ Lôi Trạch, nơi có nhiều sóng to gió lớn, nhưng khi Thuấn đến thì sóng lặng gió yên. Sau được vua Đường Nghiêu truyền ngôi, suốt 18 năm trị vì, Đế Thuấn chỉ ngồi gảy đàn hát khúc Nam Phong mà bình trị được thiên hạ, nhà nhà đều lạc nghiệp âu ca.
Thực ra, ngay từ xa xưa, chữ HIẾU cũng đã được hiểu với một nghĩa rất rộng: Hoà Thượng Tuyên Hoá từng giảng: Đạo hiếu có bốn thứ: một là đại hiếu, hai là tiểu hiếu, ba là viễn hiếu, bốn là cận hiếu.
Thế nào là đại hiếu? Tức là báo đền ơn cha mẹ của mình trong nhiều đời về trước, báo đền ơn của sư trưởng.
Thế nào là tiểu hiếu? Tức là hiếu thảo với cha mẹ trong đời này mà thôi; lo lắng, chăm sóc làm cho cha mẹ vui vẻ, phụng dưỡng, an ủi, đó tức là cung kính cha mẹ, cúng dường cha mẹ.
Thế nào gọi là viễn hiếu? Tức là kính trọng các bậc thánh hiền xưa kia, lấy mỗi lời nói mỗi công hạnh của họ làm gương sáng để mình bắt chước noi theo.
Thế nào là cận hiếu? Tức là ngoại trừ hiếu thảo với cha mẹ mình, thì cũng cần phải hiếu thảo với cha mẹ người khác. Rằng: "lo ngô lo, dĩ cập nhân chi lo", tức là tôn trọng những huynh trưởng, tiền bối của mình rồi cũng tôn trọng những bậc tiền bối của kẻ khác. Mình cần có tư tưởng và hành động hiếu thảo như vậy.
Thật đau buồn khi chợt nhớ lại cái thời nhà nhà mù quáng theo nhau từ bỏ bàn thờ gia tộc, coi việc thờ phụng cha mẹ, ông bà, tổ tiên là một việc làm..."lạc hậu"!
Làm tròn chữ hiếu trong bối cảnh xã hội hiên tại thực sự đang là một vấn đề cần được hóa giải một cách cân nhắc, có xét đến thực trạng cuộc sống thực tế. Ngày nay, không thể đòi hỏi thế hệ con cháu, khi chịu tang, phải xin nghỉ việc công như các quan lại thời xưa. Nghỉ thế có mà mất chức, mất việc, thậm chí nhịn đói có khi. Ngay đến việc chăm sóc các cụ già, bây giờ cũng không thể có mẫu người như Lão Lai Tử ngày đêm đùa rỡn làm cho cha mẹ vui, bởi làm như thế thì lấy đâu ra thời gian lao động kiếm sống?
Cũng không thể bầy tỏ lòng hiếu đến mất vệ sinh một cách mù quáng như Canh Kiềm Lâu: nếm phân để biết tình trạng sức khỏe của cha mẹ! Càng không cần thương kính cha mẹ đến mức khi nhìn thấy mẹ cắn móng tay, mà trái tim người con chạnh thấy xót xa như chính bản thân đang đứt ruột vậy (Tăng Sâm )…
Xã hội ngày càng “GIÀ” đi trông thấy. Nghĩa là số người cao tuổi ngày càng đông, ngày càng chiếm một tỉ lệ rất lớn trong cộng đồng dân cư. Trong khi nhân khẩu trong mỗi gia đình ngày càng ít (từ chủ trương "Mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1 đến 2 con"), tức cũng là lực lượng gánh vác việc gia đình như phụng dưỡng ông bà cha mẹ..., ngày càng giảm.
Trong bối cảnh như vậy, thiết nghĩ, việc tổ chức chăm lo cho thế hệ người già, không thể phó mặc cho từng gia đình cá thể, mà phải được coi như một chính sách xã hội quan trọng. Xây dựng và phát triển sớm các TRẠI DƯỠNG LÃO hoàn chỉnh, hoạt động bằng quỹ phúc lợi xã hội là chính, là một ví dụ.. Các trại này có đầy đủ các phương tiện và con người có chuyên môn và đạo đức phù hợp, để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; vừa giúp các cụ có nơi giao lưu, vui sống những năm tháng cuối đời, tránh được cuộc sống “vò võ” cô đơn trong những căn nhà cho dù có là biệt thự nguy nga!
Có lẽ đó là một trong những cách tốt nhất giúp con cháu các gia đình thực hiện được CHỮ HIẾU phù hợp điều kiện làm ăn sinh sống ở thời buổi đua tranh trong cơ chế thị trường sôi động và đầy biến đổi này.
Theo Trần Huy Thuận - Tầm nhìn