Phật Học Online

Phật hóa gia đình
(Trích tham luận Hội thảo Hướng dẫn Phật tử năm 2010 tại Tp. Cần Thơ)

PHẬT HÓA GIA ĐÌNH

ĐĐ. Thích Đức Hoàng

Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử Long An

I/ Tại sao phải Phật hóa gia đình

1) Vì đạo Phật là đạo giác ngộ tỉnh thức. Đạo của từ bi và trí tuệ.

2) Vì đạo Phật dạy các pháp đều do tâm tạo. Tâm tạo ác sẽ lãnh quả báo ác, tâm tạo thiện sẽ hưởng quả an vui niết bàn.

3) Vì đạo Phật là đạo hiếu thảo. Phật dạy “tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”.

4) Vì đạo Phật là đạo ông bà: Đạo Phật từ lâu đã trở thành đạo của người Việt. Đạo Phật đã đi vào ca dao tục ngữ Việt Nam:

"Đạo Phật là đạo ông bà

Hễ ai phá phách thì trời phạt cho

Khuyên ai khéo giữ đạo nhà

Ông bà cho phước ngàn đời an vui"

5) Đạo Phật là đạo hộ quốc an dân. Đạo Phật đã đóng góp nhiều công sức cho dân tộc. Hòa Thượng Thích Trí Thủ đã tổng kết bằng câu nói nổi tiếng làm châm ngôn hoạt động của Giáo hội. “Những gì tôi làm cho đạo pháp chính là làm cho dân tộc. Những gì tôi làm cho dân tộc cũng chính là làm cho đạo pháp”. Có thể nói đạo Phật là đạo hộ quốc an dân.

II/ Ý nghĩa của Phật hóa gia đình

Phật giáo đã đi vào đất nước, dân tộc, con người Việt Nam từ rất sớm. Văn hóa Phật giáo đã trở thành một bộ phận của văn hóa dân tộc Việt. Nếp nghĩ, nếp làm, nói năng, tư tưởng hành động, đã khắc họa nên tính cách của con người Việt Nam: ăn hiền ở lành, siêng năng, ham học hỏi, cần cù thông minh, hiếu thảo mến khách, yêu quê hương đất nước, yêu chuộng hòa bình, tôn trọng sự sống bảo vệ môi trường sống con người và muôn loài. Có ý thức bảo vệ dân tộc, bảo vệ nền văn hóa tâm linh mà cha ông đã bao đời gây dựng. Con người Việt Nam có chất Phật thật sự nó đã trở thành ý thức của dân tộc, của đại bộ phận người dân. Đó là truyền thống đoàn kết chung sức chung lòng thông qua các cuộc đấu tranh bảo vệ bình an, đất nước thoát khỏi cảnh đô hộ của các thế lực.

Ngược dòng lịch sử, thời đại Đinh, Lê, Lý, Trần tất cả người dân đều tu học theo đạo Phật. Thời đại ấy là thời đại vàng son của dân tộc Việt. Các thời hưng thạnh ấy cho đến hôm nay vẫn còn là bài học lịch sử có ích cho thế hệ hôm nay tôn thờ và biết ơn. Ý thức được điều này sẽ hướng cho con cháu bảo vệ và xây dựng một nền tảng Phật Pháp trong sáng hưng thạnh.

A/ Ý nghĩa Phật hóa

1) Phật là bậc sáng suốt, giác ngộ, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.

2) Hóa có nghĩa là dùng gương hạnh lành và nguyện lực của chư Phật Bồ tát mà cảm hóa người thân đi theo con đường tỉnh thức.

3) Hóa cũng có nghĩa là hướng dẫn người thân trở về nẻo thiện, nẻo chánh.

4) Hóa cũng có nghĩa là ngăn cấm không cho theo đường trái ngược với luân thường đạo lý.

5) Đức hóa cũng có nghĩa là lấy ân nghĩa và lòng từ của chư Phật và Bồ tát làm chất liệu cảm hứng mà cảm hóa lòng người, bỏ ác tùng thiện.

6) Hóa cũng có nghĩa là đồng hóa vì đạo nghĩa cao thượng, vì lý tưởng phụng sự chúng sanh nên khiến cho gia đình sinh khởi tín tâm lòng thiện mà cho, mà giúp.

Phật hóa là đem tất cả tâm tình, lý trí, sự nghiệp hàm dưỡng, tất cả những gì tốt đẹp nhất của chư Phật, chư Bồ tát mà nhiếp hóa mọi người đều có tâm hướng thiện tu theo chánh đạo. Từ đó làm cơ sở xây dựng con người cá nhân thánh thiện, xây dựng gia đình thánh thiện, xây dựng xóm làng thánh thiện, xã hội thánh thiện, đất nước thánh thiện, thiết lập cảnh tịnh độ nhân gian trên đất nước Việt Nam này.

B) Mục liêu của Phật hóa gia đình.

1) Mục tiêu gần:

- Giúp cho Phật tử hiểu Phật giáo về số lượng càng nhiều càng tốt .

- Tổ chức Quy y Tam bảo ở khắp các chùa.

- Có thể tổ chức Quy y ở gia đình Phật tử.

2) Mục tiêu xa:

- Giúp Phật tử hiểu đúng về Tam tạng Giáo điển.

- Giúp Phật tử thực hành theo đúng truyền thống Phật giáo: Thiền định, thực hành Bát Chánh đạo.

- Chỉ rõ và hiểu thấu sự mê tín dị đoan còn len lỏi trong đại bộ phận quần chúng, có cảm tình với Phật Giáo.

- Xây dựng đời sống chánh tín cho Phật tử.

- Đem đạo vào đời, giữ gìn truyền thống văn hóa tâm linh của dân tộc.

- Hướng dẫn, định hướng xây dựng đời sống thánh thiện cho Phật tử.

III/ Phương thức Phật hóa gia đình

Phật hóa gia đình là một chương trình hoạt độ rộng lớn quan trọng, nội dung phong phú, phải có thời gian dài mới triển khai chương trình này thành công được mĩ mãn.

- Trước tiên Ban Trị sự Tỉnh có sự thống nhất với các ngành giao cho Ban Hoằng Hoằng Pháp, Ban Hướng dẫn Phật tử lập kế hoạch phổ biến đến các trường hạ, các đạo tràng tu tập đông trong tỉnh. Các khóa bồi dưỡng Trụ trì, đặc biệt các vị giảng sư phải nắm vững nội dung tài liệu, chương trình hoạt động, thuyết giảng ở các lớp giáo lý, các ngày giảng ở chùa vào ngày 14 và 30, ngày giảng Vu Lan, giỗ Tổ, các lễ cầu an, cầu siêu ở gia đình Phật tử, đều có chương trình lồng ghép Phật hóa gia đình.

- Ban Trị sự ban hành bảng phát nguyện Phật hóa gia đình của Trụ trì của các cơ sở tự viện và các Phật tử thuần thành muốn tạo điều kiện hướng dẫn gia đình mình đều quy theo Phật.

- Sau một năm thực hiện chương trình có báo cáo tổng kết ở các chùa làm điểm. Chùa nào nhiều gia đình có ba thế hệ đều là Phật tử thì ban Đại diện có khen thưởng bằng tuyên dương công đức. Trong phạm vi gia đình Phật tử có nhiều người theo quy y Phật. Trụ trì có giấy khen và tuyên dương công đức trong ngày tổng kết công tác Phật sự cuối năm.

- Nội dung giảng dạy Phật tử: Gồm các bài kinh căn bản. Bổn phận người Phật tử Tam quy Ngũ giới. Kính lễ lạy lục phương, dạy con. Tình yêu chung thủy theo Phật giáo. Phật Hóa gia đình, hiếu thảo. Cầu an, cầu siêu, chúc thọ. Lợi ích của việc tổ chức lễ Vu Lan, giỗ Tổ .v.v….

- Đặc biệt ở các đạo tràng chuyên tu, niệm Phật, một ngày, bảy ngày các giảng sư hướng dẫn khai thị các phương pháp niệm Phật tập thể lớn tiếng.Tu niệm một ngày đều có giảng sư thuyết giảng luôn lồng vào chương trình Phật hóa gia đình.

- Các buổi lễ cầu siêu trai tăng tại tư gia.Trong thời đáp từ, các vị giảng sư đều nhắc đến chương trình Phật hóa gia đình có nơi phát tâm Quy y tại nhà lên đến trên 50 vị Phật tử mới phát tâm Quy y mới.

IV/ Đạo đạt kiến nghị

1/ Trong khi lập kế hoạch chương trình Phật hóa gia đình, Ban mở khóa học bồi dưỡng và đào tạo giảng sư có thấu hiểu hoan hỷ với chương trình Phật hóa gia đình.

2/ Quy định thời gian chương trình này ít nhất hoạt động theo nhiệm kỳ là 5 năm.

3/ Có báo cáo sơ kết tổng kết và khen thưởng cuối năm cuối nhiệm kỳ.

4/ Có lập sổ theo dõi từ tỉnh đến huyện và các cơ sở tư viện.

5/ Phân công giảng sư chịu trách nhiệm khu vực hoặc huyện của mình thuyết giảng, chăm sóc, theo dõi đôn đốc nhắc nhở thường xuyên.

6/ Có kế hoạch mỗi năm xây dựng thêm các đạo tràng tu học ở các huyện để phát triển chương trình Phật hóa gia đình.

7/ Mỗi năm đều có tuyên dương công đức cho các giảng sư có nhiều công đức và thành tích trong chương trình Phật hóa gia đình.

8/ Chương trình này sẽ mất nhiều công sức và nhiều thời gian, đòi hỏi nhiều ngành quan tâm, hỗ trợ và hợp tác. Giáo hội nên đào tạo bồi dưỡng giao cho Tăng Ni trẻ phụ trách và cập nhật hàng tháng chương trình này.

9/ Nếu được, Giáo hội nên có khóa bồi dưỡng ngắn hạn hoặc bồi dưỡng ở an cư kiết hạ.

10/ Có chương trình hướng dẫn giáo lý và thực tập chuyên sâu cho Phật tử đã Phật hóa gia đình.

V/ Phật hóa gia đình là tinh thần Đại thừa nhập Bồ Tát đạo.

Hòa thượng Tuyên Hóa đề cập nói tinh thần Phật hóa gia đình như là hành Bồ tát đạo.

- Bố thí: Là thành viên trong gia đình tu Phật luôn có ý thức cho việc kiếm tiền cùng lo sinh hoạt hằng ngày là bố thí ngoại tài. Nội tài là dùng thể lực, sức lực của mình mà phục vụ trong gia đình được an vui. Lập kế hoạch hoạt động cho gia đình có nề nếp là làm viên mãn ba điều trên là bố thí Ba La Mật cho gia đình.

- Trì giới là ta sửa sang nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ, tươi mát, khiến cho sinh hoạt của người nhà được thoải mái, từ đó khiến cho hàng xóm mến mộ tức là trì giới Ba La Mật.

- Nhẫn nhục: Với tâm trí chịu đựng, thương yêu, làm việc không mệt mỏi, không chán nản, không bỏ cuộc, khi gặp khó khăn biết tìm cách vượt qua đó là nhẫn nhục Ba La Mật.

- Tinh tấn: Mỗi ngày cần cải tiến, hy vọng ngày hôm sau sẽ tốt đẹp hơn ngày hôm trước, mới mẻ hơn. Đó là tinh tấn Ba La Mật.

- Thiền định: Tuy mỗi ngày rất nhiều công việc nhưng hành giả rất thanh tịnh, an vui, không suy nghĩ tạo ác nghiệp đó là thiền định Ba La Mật.

- Trí tuệ: Trong tâm thanh tịnh thường sanh trí tuệ, tràn đầy pháp lành an lạc niềm vui với mọi thành viên trong gia đình đó là trí tuệ Ba La Mật.

Vậy Bồ tát tại gia, Phật hóa gia đình hằng ngày là nấu cơm, cuốc đất, hái rau, cày ruộng, buôn bán, bồng em, học hành, quét nhà, lau bàn, rửa chén đều là hành động của người con Phật thể hiện nếp sống tỉnh thức của Phật giáo vì người mà phục vụ.

Bạn làm việc nhà tốt rồi tức là làm một người chủ nhà gương mẫu ở thế gian, gương mẫu cho tất cả gia đình. Như thế có thể độ được người hàng xóm; suy rộng có thể ảnh hưởng đến xã hội, quốc gia, thế giới cho đến tận hư không biến pháp giới.

Như đã trình bày ở trên, thấy rõ lợi ích của việc Phật hóa gia đình. Tăng Ni Phật tử phải phát nguyện Phật hóa gia đình cho bằng được ở cơ sở mình quảng lý, hướng dẫn tín đồ tu học, làm trung tâm tu học cho khu vực, làm nơi nương tựa cho người dân quanh vùng./.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage