Đi
thăm viếng các Thiền-viện, hoặc đến các hiệu sách chuyên bán sách vở kinh điển
Phật học, chúng ta thường bắt gặp một câu năm chữ :
“BÌNH THƯỜNG
TÂM THỊ ĐẠO”
Câu chữ trên, hoặc được viết bằng Hán tự nét lớn,
theo lối chân-phương hoặc chữ thảo, hoặc viết bằng chữ Quốc-ngữ, văn-hoa
bóng-bẩy, như phượng múa rồng bay; đôi khi người ta viết hẵn lên trên tường
cũng là cách trang trí tao nhã, hoặc viết trên giấy lồng khung kính năm chữ một
cách trang-trọng, dễ ưa nhìn.
Năm chữ rất rõ-ràng, giản-dị, và cũng thật
bình-thường, không một chữ nào là khó hiểu cả, nhưng ý-nghĩa đích thực của toàn
câu chữ thì lại vô cùng thâm thuý; tinh thần câu nói biểu hiện một tâm tu đạt
đạo, tự tại, bình đẳng, đồng thời thể hiện một pháp tu sâu mầu, vi diệu, tương
ưng, linh động trong mọi hoạt dụng của giòng sống ngay trước mắt, nhưng vẫn an
nhiên, bình ổn, thường, lạc, nga,õ tịnh, vượt thoát mọi trói buộc ngay giữa
cuộc đời này.
I. Vậy thế
nào, Tâm Bình thường là Đạo ?
Hiểu một cách thông-thường, thì Đạo là con đường
sáng, là ngọn đèn soi, dẫn dắt chúng-sanh từ chỗ đã và đang mê lầm, không tự
chủ trong vọng nghiệp vô minh nhơn quả, đến chỗ giác-ngộ chân-lý giải thoát,
cứu cánh đoạn lìa phiền não, tử sanh.
Còn trong chỗ sâu xa hơn, thì, nói tới Đạo, tức
cũng có nghĩa là:
a) -Hoặc tạm mượn lời để đề cập tới "Bản-Thể
tuyệt đối", uyên nguyên, phi sanh diệt, là khởi thuỷ của vạn pháp chưa
từng có lúc chung cùng, cũng là thể chơn thật của Tâm, là Phật tâm, là hình hài
vốn tự sẵn có xưa nay của vạn loại hữu tình. Đã gọi là bản thể tuyệt đối
(Lão-Tử gọi bằng một tiếng Đạo, có khi gọi là Đạo-thường, thường Đạo) thì tự nó
thiệt chẳng phải là gì cả, không có thể dùng gì để đem ra so sánh được, cũng
như khái niệm, tri thức, trí giải, ngôn ngữ của loài người chẳng thể can hệ,
chẳng thể với tới. Nếu có cố tình muốn đề cập tới thì chỗ nói đó cũng chỉ là
nói bên ngoài, ví như gãi ngứa ngoài giày mà thôi. Cho nên để có chút ít hiểu
biết mường tượng về nó, người ta mới tạm mượn ý tưởng và ngôn ngữ thô kệch để
diễn tả nó theo khái niệm tương đối (mà không phải đúng như thiệt là nó) như
nói một cách mơ hồ rằng, nó vốn dĩ chơn không, tịch lặng, không hình tướng,
không sắc màu, chẳng phải thiệt không mà cũng chẳng phải thiệt có, như thiệt như hư, như không như có, thật
tướng không tướng, vô tướng vv…. và vv. Dẫu có mô tả thế nào đi nữa thì vẫn
không thiệt là nó.
Đồng thời chúng ta cũng nên hiểu một cách sáng suốt
rằng, dẫu có chính miệng các bậc Thánh nói ra, nó (Đạo) là thế nào đi nữa, thì
đó cũng chỉ là những khái niệm trừu tượng mà các Ngài tạm mượn tướng ngôn ngữ,
chữ nghĩa, khái niệm để tỏ bày chỗ tự thể nghiệm và thấy biết như thật của mình
mà thôi. Một khi chúng sanh y theo pháp Phật hành trì và tự sáng tỏ chỗ mà các
Ngài đã thật chứng bổn thể của Đạo, thì cũng liền ngay đó, chúng sanh ấy tự "một"
đồng nhứt thể cùng các Ngài không khác. Bằng chưa tự sáng tỏ thể tánh uyên
nguyên luôn tự sẵn hàm tàng, thì dẫu có mô tả, mường tượng, hình dung tới đâu
cũng đều không phải thật. Vì tự thể chơn thật là tuyệt đối, không hai cũng
không khác.
Muốn rõ nó như thiệt thì chỉ có một cách duy nhất,
là tự mình phải "một" cùng nó, cũng là nương pháp Phật diệu mầu mà tu
hành một cách đúng-như-pháp để tự thân chứng nghiệm cùng đạo tương ưng, không
hai không khác. Có tự "một" được với nó thì liền tự có chỗ thấy biết
như thật những khái niệm, ngôn từ, tri giải, luận bàn về nó trước kia chỉ là
những thứ đồ giả, là đồ chơi của con nít,
là phương tiện để dẫn dụ mà thôi, như lấy nước rửa hòn bi chai, nước
chẳng thể can hệ vào chỗ cốt lỏi của thuỷ tinh, nghĩa là không gì dính dấp tới
"thiệt nó".
Bằng một khi đã tự "một" cùng nó, tự biết
như thật chính nó là cái biết sáng suốt cùng mình "Đang-là" không
khác không hai, thì cũng là lúc không một lời nào đề cập về nó mà có thể gọi là
chơn thật được.
Tạm lấy một thí dụ. Ví như loài chuồn-chuồn, tới
mùa sanh sản thì thường bay là là trên mặt nước, rồi bất thần nhấn cái mỏm đuôi
xuống nước để đẻ trứng vào trong nước. Tới ngày trứng nở, ấu trùng bơi từng đàn
và sống trong nước. Có thể lúc đó những ấu trùng này nói chuyện với nhau :"
Không biết phía bên trên của lớp mặt nước mỏng dính kia là cái gì, chắc là một
cảnh giới lạ lùng, đẹp đẽ lắm. Lại cũng
rất là ngộ nữa, vì trên đó không có nước thế mà các loài vẫn có thể thở ra hít
vào, có thể sống được, đi lại chạy nhảy, bay lượn được. Thật là ngộ hết sức.
Aáy thế nhưng nghe nói, trong loài của chúng ta cũng đã từng có nhiều kẻû ngoi
lên được phía trên lớp mặt nước kia và bay vào nơi không có nước. Vậy bây giờ
anh em chúng ta hãy cùng ước hẹn với nhau, nếu sau này có ai lên được trên đó,
thấy biết như thật cảnh giới ấy ra sao, không có nước thì thở và sống bằng cách
nào, trên đó có đẹp đẽ hay không, thì hãy mau mau quay về đây nói lại cho cả
bọn chúng ta cùng biết với nhé".
Tất cả đều tán thành, rằng hễ ai lên khỏi mặt nước
và bay được vào không gian thì phải mau mau quay về nói lại cho mọi người cùng
biết sự thật ở trên đó.
Một thời gian sau, một số ấu trùng mạnh khoẻ, lại
có được cơ duyên tốt, bắt gặp một nhánh cây hoặc một cộng lá nào đó trong nước,
liền bám vào và bò được lên khỏi mặt nước. Sau đó thì ấu trùng lột xác trở
thành những con bọ nước, chạy đi chạy lại trên mặt nước mà không bị chìm; một
thời gian ngắn sau đó, bọ nước mọc cánh
rồi hóa thành chuồn chuồn bay vào không gian. Chuồn chuồn bay đi bay lại chỗ
này chỗ kia thì vui mừng thích thú lắm và không quên lời ước hẹn cũ, nó vội
quay trở lại chỗ cũ và dự định xuống nước để nói lại cho những anh em của nó
còn ở trong nước biết thế nào là cảnh giới như thật ở phía trên mặt nước, rằng
có thể bay lượn chỗ này chỗ kia, có thể thở và sống được mà không cần nước. Thế
nhưng bây giờ thì nó chẳng thể chui xuống nước để gặp lại anh em nó được, vì nó
đã là chuồn chuồn mà chẳng phải là ấu trùng sống trong nước như trước kia nữa.
Nó liền biết rằng, đành phải để anh em nó tự ngoi lên để tự biết sự thật mà
thôi.
Cho nên, để biết như thật thế nào là Đạo, tức diệu
nhập bổn thể chơn thật tuyệt đối, thì chúng ta cũng chỉ có một đường đi là theo
cách những con ấu trùng chuồn chuồn, hay những con lăng ngoăng của muỗi trong
nước, tuần tự từng công đoạn và thời gian tự lột xác mà bay đi. Nghĩa là tự
mình hành trì pháp Phật đúng như pháp khiến có thể tự thể nhập "một"
cùng đạo, thì khi ấy liền có chỗ thấy biết như thật thế nào là Đạo mà ngôn ngữ,
khái niệm, hay tri thức của loài người chẳng thể với tới.
b) -Hoặc đề cập tới "Tánh" uyên áo, linh
diệu, huyền mầu của bản thể tuyệt đối, (cũng gọi là Diệu-dụng của Đạo), cũng là
diệu tánh Phật chúng sanh, tức diệu hữu tự chơn không, cũng là bản tánh chơn
như, thường hằng, sáng trong, tự tại, vô ngã mà khéo sanh muôn pháp.
Đạo, Đạo thường (là danh từ Lão-Tử thường gọi chung
Thể và Tánh), nhà Phật gọi là Phật tâm, Phật tánh, chơn tâm, tự tánh, vốn dĩ
hàm tàng, nhứt như, bình đẳng, ẩn mật, sâu mầu,huyền vi, kín nhiệm, tự tại,
viên mãn, bất biến mà thường tuỳ duyên, tuỳ duyên mà vẫn chơn thường bất biến.
Chỉ vì niệm khởi, vọng động mà từ một pháp duy nhất (chơn như - tuyệt đối)
duyên thành (duyên khởi) các pháp sai biệt nối tiếp nhau chuỗi chuỗi lập thành
sự sự, vật vật, nên nói bất biến mà vẫn thường tuỳ duyên khởi sanh vạn pháp.
Vạn pháp trùng trùng, lớp lớp sanh khởi mà từng mỗi pháp sanh ra không hề mất
tự tánh chơn như vô ngã, linh diệu, sâu mầu, nên nói tuỳ duyên mà bất
biến.
Niệm, niệm chính là diệu dụng huyền vi, mầu nhiệm,
bí áo của bổn tâm, của Phật tánh, của Đạo thường. Nhờ có Diệu tánh này mà các
pháp mới có sanh. Bổn thể uyên nguyên tuyệt đối của Đạo mà không có bổn tánh
diệu kỳ, linh hoạt, bí áo này thì không có các pháp sanh khởi, và dẫu bổn lai
có tai cũng không thể nghe, có mắt cũng chẳng thể thấy, có đầu cũng chẳng thể
biết nghĩ, suy, tính toán hay hỏi Phật, hỏi Đạo. Nếu không có diệu tánh này thì sẽ hoàn toàn
không có một pháp nào, và dẫu có sẵn pháp thì các pháp cũng thành không ngơ, vô
ký.
Ngẩng đầu, cuối mặt, nheo mày, nhắm mắt, đi đứng,
nằm ngồi, hỏi Phật, hỏi Pháp đều là diệu dụng của bổn tâm, bổn tánh, cũng là
dụng sự của Đạo. Bổn thể chơn như, thường hằng và Bổn tánh linh diệu, huyền mầu
của nó, tạm gọi là Thể và Dụng, cũng là tánh và tướng, cũng là bổn tâm trong
trạng thái tịnh và động nơi mỗi pháp, lúc nào cũng tự "một" trong
nhau, tuy hai mà một, hòa quyện bất phân ly, khiến tự chỗ chơn như tịch lặng
lại xảy biến động sanh khởi vạn pháp nên mới có đứng ngồi, chạy nhảy, nói năng,
cười khóc. Bằng bổn thể tuyệt đối mà không hàm chứa tánh linh diệu, huyền mầu,
bí áo, linh hoạt này thì vạn pháp không sanh, mà dẫu có "sẵn sanh"
thì cũng đồng như sỏi đá.
Đạo (thường được hiểu gồm Bổn-Thể và Diệu Dụng)
luôn luôn hiện hữu trong mọi sinh hoạt của giòng sống nơi một chúng sanh
"đang-sống", thể và dụng luôn tự hoà quyện gắn bó nhau như sóng với
nước, là bất phân ly, nhưng cũng chẳng phải thiệt một, chẳng phải hai, cũng
chẳng phải khác. Nghĩa là khi một chúng sanh y theo pháp Phật tu hành một cách
chơn chánh, đạt tới trạng thái tự một cùng bổn thể và diệu dụng của Đạo, tức
cũng là ngay đó tự khám phá Thể và Dụng chung cùng, Tánh và Tướng viên thông,
tức cùng đạo không hai không khác, cũng là cùng Đạo tự "một", thì
liền sáng suốt không lầm nhơn quả, tự vượt lìa nhơn quả, như chiêm bao chợt
tỉnh, tuỳ duyên đến đi, tự tại vô ngại.
Thế nào là tuỳ duyên đến đi, tự tại vô ngại? Là ngay nơi thể tánh chơn như và diệu dụng
sâu mầu bí áo của Đạo, thâu vào không chỗ thiếu, vươn ra không chỗ thừa, tuỳ
hạnh nguyện cứu độ mà thị hiện làm thân tướng nào, trong cảnh giới nào cũng
thấy biết trọn đủ, sáng suốt, không lầm, tự tại, rõ như thật bổn thể chơn
thường bất biến mà hay tuỳ duyên, nên không lầm nhơn quả, nhơn quả chẳng thể
trói buộc.
(Có thể đặt
tên cho bản thể uyên nguyên, tuyệt đối, linh
diệu, huyền mầu, bí áo kia thế
nào cũng được miễn là có cái để chỉ danh khiến con người có thể dùng làm ngôi
thứ ba, số ít để tạm gọi theo khái niệm của tri thức phàm tình mà thôi, chứ khi
gọi đến tên nó thì nó chẳng còn thiệt là nó nữa, bỡi với nó thì tuyệt vô đối đãi,
phi khái niệm, bặc tri kiến, không một pháp dính dấp. Bằng tự một được với nó
thì cũng là lúc tự biết thiệt mình là gì mà ngay đây không còn lời nào để có
thể nói ra được một cách chơn thật về nó, vì tự "Đang-là" trong thực
tại tuyệt đối, nhứt như vô ngã, cũng là cùng đạo không khác không hai).
Với những người tu Phật chơn chánh, phát tâm vì cầu
giải thoát, thì không ai là không ước mong được biết, được đến với, được dẫn
dắt, được đi trên con đường Đạo một cách đúng hướng, chân-thật, nghiêm túc
khiến có thể diệu nhập Phật tâm, tức "một" cùng Đạo, thấy biết sáng
suốt, không lầm nhơn quả, cứu-cánh vô sanh, tịch tịnh .
Tuy nhiên, thiệt lòng mà nói thì, có duyên đến với
Phật đạo trong hiện kiếp là một lẽ, còn tự khá biết quên thân vì đại sự sống
chết, biết tự tâm khắc phục khó khăn
gian khổ, chơn chánh hành trì Pháp Phật một cách tự tin, dõng mãnh tự thắng
được chính mình, không tự dối lòng, không che dấu người, khiến có thể tự thân
chứng nghiệm tâm giải-thoát hiện tiền, lại là một lẽ khác. Và một sự thật khá
rõ ràng, không ai có thể chối cãi, là việc phải tự thân hành-trì "đúng như
pháp" một trong hằng vạn phương tiện mà đức Thế-tôn đã tạm cho mượn sau
khi có duyên đến với Phật đạo, hầu có được một kết quả mỹ mãn, thì lại muôn vàn
khó khăn. Vì sao ? Vì trong cõi dục (Dục-Giới) mà rời lìa được tâm tham dục là
điều chẳng phải dễ dàng vậy.
Thế nên, nếu có người hỏi, việc làm nào trên thế
gian này có thể gọi là khó nhất, có lẽ chúng ta không ngần ngại gì mà không trả
lời rằng, chỉ có tu hành đúng như pháp mới là khó nhất.
Việc tu và hành sở dĩ nói khó, vì để sáng tỏ Phật
tâm, tức cũng là tự "một" với "Đạo" mầu, lại trọn sống một
cách chơn thật trong nó mà tiệm tu để tận trừ tham sân si còn ẩn tàng sâu kín
và vi tế, đến cứu cánh là trở về bổn thể uyên nguyên chơn như tịch lặng, thì
người cầu học và hành trì đạo pháp, ngoài tín tâm và nỗ lực không gì lay chuyển
nổi, còn phải tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa, cũng gọi là duyên lành, như
căn trí thông tuệ, phước đức sâu dày, thiện nghiệp đầy đủ, có thiện tri thức là
những bậc Thầy đắc pháp trực tiếp dẫn dắt tâm linh … vv….Cho nên, từ chỗ tu học
và hành trì Phật pháp đúng như pháp, đến chỗ tỏ ngộ Phật đạo, không lầm nhơn
quả, tự sống một với Đạo, cùng đạo tương ưng, tự tâm hiện tiền giải thoát cho đến lúc bỏ thân máu thịt, nếu không muốn
nói là vô cùng khó khăn gian khổ, thì cũng chẳng phải là việc làm dễ dàng cho
một đời người.
Aáy thế mà câu chữ kia “Bình Thường Tâm Thị Đạo”
tạm dịch là“ Tâm bình-thường là Đạo” hoặc nói nôm-na “Sống được với cái tâm
bình-thường, ấy là sống Đạo” nghe sao mà dung dị, giản-đơn, nhưng cũng đầy mâu
thuẫn với cuộc sống xô bồ rối rắm trước mắt, nên ai cũng tự thấy khó hiểu, khó
tin quá.
Lại nữa, tâm ra sao mới là tâm bình thường, còn tâm
như thế nào là tâm không bình thường ?
Đây là một Thiền-ngữ, một câu nói lừng danh tự xa
xưa, xiểng dương một pháp tu vi diệu, tốc đắc, tốc thắng của Đại-thừa Chánh
pháp, cũng như pháp này đã được chư Tổ Thiền-tông nhiều đời tự thể nghiệm ngay
trong cuộc sống và kết quả chơn thật đạt được là đương thể tự tại thanh tịnh,
hiện tiền thường lạc, an nhiên.
Thiền ngữ trên thể hiện tự tâm giải thoát của người
nói, và cũng là một bài pháp trực chỉ, dạy thực hành công phu điều phục vọng
tâm và an trụ tâm mình, rất thiết thực và vô cùng quí báu cho những người chơn
chánh hành trì Phật đạo trong mọi thời đại. Câu nói được xác định là của một
trong các vị Tổ Thiền-tông đắc-pháp đã được truyền đăng, sách vở ghi chép hẵn
hòi, chứ chẳng phải là một câu nói thông-thường, vô thưởng vô phạt của một
người vô danh nào đâu!
Câu nói ấy xuất phát từ lời đáp của Tổ Nam-Tuyền
khi Triệu-Châu tham vấn Ngài, hỏi thế nào là đạo, để liền ngay đó, Triệu-Châu
vừa nghe những lời khai thị, hốt nhiên tỉnh ngộ, tự tâm tức thì bừng sáng,
thông tỏ lý đạo, diệu nhập Phật tâm.
“Một hôm
Triệu-Châu hỏi Tổ Nam-Tuyền:
-Thế nào là Đạo ?
Nam-Tuyền đáp:
-Tâm bình thường là Đạo.
Hỏi
tiếp: - Có thể tiến đến được không ?
Nam-Tuyền đáp : - Vừa nghĩ tiến, chợt trái.
Hỏi tiếp: -
Không nghĩ làm sao biết được Đạo ?
Nam-Tuyền đáp: - Đạo chẳng thuộc biết hay không
biết. Biết là vọng giác, không biết là vô ký. Nếu thật đạt đạo thì chẳng nghi.
Ví như hư không, thênh thang rổng rang đâu có thể nói là phải hay quấy.
Ngay nơi câu đáp này, Triệu-Châu tỏ ngộ lý
Đạo.
(Thiền-Sư
Trung-Hoa - HT. Thanh-Từ - Trang 341)
Qua mẫu đối thoại trên, nếu cứ chấp lên tướng mạo
của ngôn từ, chữ nghĩa để thấy, nghe, hay, biết, tức "thấy biết" bằng
vọng tâm điên đảo, biết bằng tâm ý thức phân biệt trói buộc với khái niệm nhị
nguyên, thì ngài Triệu-Châu kia cũng như bao nhiêu người khác trên đời này sẽ
không cách nào lọt vào cửa Nam-Tuyền. Mà không thâm nhập được cữa Nam-tuyền thì
không cách nào có thể thấy biết như thật, tự trả lời như thật Đạo là gì, cũng
như ngay đó tự rõ luôn một cách chơn thật thế nào là Tâm Bình thường, tại sao
Tâm Bình-thường lại là Đạo, tức cùng Đạo tự một, như nhứt dung thông.
Mẫu đối thoại trên thể hiện một cách tiêu biểu Pháp
Trực-Chỉ (chỉ thẳng ngay tâm, thấy tánh thành Phật) của Tông Thiền, là Đốn-Giáo
của Huệ-Năng Lục-Tổ, tức cũng không ra ngoài Chánh-Pháp Nhãn-Tạng vi diệu của
đức Thế-tôn.
Ngài Nam-Tuyền đã nương câu hỏi của Triệu-Châu, dẫn
dắt Triệu-Châu tới chỗ tự lìa tri thức phân biệt phàm tình của vọng giác tới
chỗ hoàn toàn bặc vọng niệm, để phát huy tánh thấy biết chơn thật, không đổi,
khiến ngay nơi chỗ mịt mù không một niệm sanh khởi, hốt nhiên nhận ra tánh biết
sáng suốt, thường hằng, bất động cũng là cái tâm bình thường vốn luôn tự sẵn
có, tự tại, như như, là bản thể uyên nguyên vô thỉ vô chung, là thể tánh chơn
thường của Đạo. Cũng có nghĩa là Tổ Nam-Tuyền đã dẫn dắt Triệu-Châu từ chỗ đang
thấy lầm, biết lầm bằng tâm ý thức phân biệt do vọng duyên lập thành, trói buộc
với khái niệm tương đối (có không, thường đoạn) trong vọng nghiệp nhơn quả, trở
về lại chỗ thấy biết bằng tánh biết tuyệt đối, sáng suốt, không lầm, không đổi,
bất động, tự chủ, tự tại cũng là bổn tâm chơn như, thường hằng, vô ngã, bất
biến, phi sanh diệt.
Đức Thế-tôn phát minh ra hằng vạn pháp môn để dẫn
dắt, nhưng cứu cánh chỉ một nẻo đến, là diệu nhập Phật tâm, để tự sáng suốt mà
không lầm nhơn quả. Hễ chợt không lầm nhơn quả thì mỗi mỗi tự biết việc mình
phải làm, tự tại đến đi.
Học Phật, tu Phật cứu cánh sáng tỏ Phật tâm, tức
trở về lại bổn nguyên thanh tịnh. Muốn trở về lại bổn thể uyên nguyên, tuyệt
đối, chỗ không một pháp có thể lập (tạm mượn từ gọi là chỗ chứ thật ra không
một chỗ nào), hành giả phải biết tự lìa
sạch sẽ tâm ý thức phân biệt, trói buộc với các pháp hư vọng có không, thường
đoạn trôi chảy, biến hiện trong nghiệp thức nhơn quả.
Đức Phật đã từng dạy:
Ngã thường thuyết không pháp. Viễn ly ư đoạn thường
- " Ta thường thuyết pháp chơn không. Xa lìa chấp đoạn, chấp thường".
(Lăng-Già
kinh).
Nghĩa là, Phật thuyết pháp chơn như, dẫn dắt chúng
sanh thâm nhập cảnh giới chơn như, tức bổn tánh chơn thuờng, tự tại, như không
như có, như hư như thiệt mà tri kiến, ngôn ngữ của loài người chẳng thể với
tới. Ngài dạy, hãy nên xa lìa tất thảy mọi trói buộc đối với giá trị tương đối
của nhơn quả, như có không, phải trái, lành dữ, hơn thua, cao thấp, thánh phàm,
đúng sai, còn mất, vv… và vv… Một khi tự tâm chúng sanh rổng rang, trong sáng,
không một niệm nào khởi sanh hệ lụy tới
vọng nghiệp nhơn quả, thì chỉ sát na diệu nhập bổn tánh chơn như, cũng là đồng
một với Đạo, là huyền đồng với Đạo thường, cũng là sáng tỏ Phật tánh, là thể
dụng chung cùng, tánh tướng dung thông, là thấy biết rõ ràng, không lầm nhơn
quả.
Đối với pháp môn tối thắng "Trực chỉ nhơn
tâm" của Tông-Thiền, muốn an nhiên lọt vào cữa Tổ-sư, tức được Tổ ấn chứng
Phật tâm đã sáng tỏ, cũng là tỏ ngộ Phật tánh, thì hành giả chỉ có một cách là
khéo biết dùng trong nhất thời (sát-na) cái "tâm không tâm" bặc vọng
niệm, lìa tri kiến, vô phân biệt, không một niệm sanh diệt vọng động, để tức
khắc vượt qua được cái cữa không cữa của Tông môn, cũng tức tự một
"Đang-là" chơn tâm, pháp tánh như-thị.
Cái tâm không tâm ấy cũng tức là cái tâm bình
thường, cái tâm uyên nguyên, vốn tự sẵn có xưa nay chưa từng hư mất, sáng
trong, tự tại, thường hằng, bất biến, mà diệu dụng thì đang trong trạng thái
buông rơi cùng tột, ngĩa là vô thủ, vô xả, vô ngã, vô tác ý, không một vọng
niệm khởi sanh hay khởi diệt hiện hữu trong đây, cũng là Phật tâm, Phật tánh,
cũng là Đạo thường hiện hữu. Gọi sao cũng được, bỡi chỉ duy nhất một nó mà
thôi.
Cái tâm bình thường cũng là bản thể tuyệt đối, uyên
nguyên, thanh tịnh, sáng suốt, không đến không đi, nhưng lại ảo diệu, sâu mầu,
linh hoạt, tự tại, bất biến. Bất biến nhưng hay tuỳ duyên khởi sanh vạn
pháp. Nhà Phật gọi là Phật tâm, là Chơn-tâm,
là Tánh Phật chúng sanh, còn Lão-Tử thì tạm đặt tên cho cả thể lẫn dụng của
thể-tánh này là "Đạo". Sở dĩ nói tạm đặt tên cho là vì với nó, trong
chỗ tột cùng chơn thật thì thanh tịnh chơn
như, tuyệt vô đối đãi. Nên chỉ có tự một với nó, cùng nó tuyệt đối,
không sở không năng, không hai không khác, tự tại viên mãn, bất động, nhứt như
thì mới được gọi là uyên nguyên chơn thật, nên tự nó cũng chẳng có tên gọi.
Bằng là hai, là khác với nó, là cùng nó đối đãi, là đặt tên cho nó, thì với chỗ
biết nó đó (vọng thức) thì tự nó không còn là nó chơn thật nữa, ngay đó cái
biết (vọng) đối cùng tánh biết chơn thật (Đạo) liền tự chia lìa, bị che chắn,
tự đi vào tối tăm, tự trói buộc vào vọng nghiệp vô minh nhơn quả.
Thế cho nên, Lão-Tử mới tạm đặt tên cho bản thể
chơn thật, sáng suốt, tuyệt đối, nhưng uyên áo, huyền mầu kia là Đạo, và giải
thích về Thể tánh và Diệu-dụng của Đạo
như sau:
"Đạo
khả đạo phi thường đạo. Danh khả danh phi thường danh.
Vô danh
thiên địa chi thuỷ. Hữu danh vạn vật chi mẫu.
Cố thường
vô dục dĩ quan kỳ diệu. Thường hũu dục dĩ quan kỳ khiếu.
Thử lưỡng
giả đồng. Xuất nhi dị danh. Đồng vị chi huyền.
Tạm dịch nôm na cho dễ hiểu:
"Đạo
mà có thể nói ra được (dùng miệng mồm, tri thức, khái niệm để chỉ vẽ hay mô tả
ra được) thì nó chẳng còn là chơn đạo,
chẳng còn là thường đạo tuyệt đối nữa.
Tên mà
được gọi thành tên thì tánh chơn thật tuyệt vô đối đãi của nó chẳng còn tuyệt đối nữa, vì đã là hai, là khác rồi.
(Cái chỗ) không tên có thể gọi (tướng thật
không tướng, vô tự tánh, chơn như vô ngã) là khởi nguyên của trời đất.
Có tên có
thể gọi, là mẹ của vạn vật.
Cho nên, không vọng dục (móng khởi) thì (mới có
thể) đạt cùng "một" chỗ sâu mầu, ảo diệu (vô ngã chơn như năng sanh
vạn pháp). Bằng thường hay (móng khởi) vọng dục thì liền bị che lấp tối tăm
(chia lìa, cùng Đạo là hai, là khác, là đi vào tăm tối vô minh).
Cả hai trạng thái (vô dục, hữu dục; tánh và tướng)
vốn tự đồng một (thể tánh và diệu dụng tự một, bất phân ly).
Bỡi vì có ra vào, đến đi, thâu giũi (hữu và vô,
diệu và khiếu) mà tên chung có khác nhau.
Chỗ (có ra vào, tới lui, co giũi, tức bất biến mà hay tuỳ duyên, tuỳ duyên mà
vẫn bất biến) cùng đồng (trọn trong thể tánh nhứt như mà ảo diệu) ấy gọi là
huyền mầu, ảo diệu vậy ".
Lão tử đã tạm mượn lời chỉ ra giùm cho chúng ta có
chút khái niệm về thể tánh bổn lai, tuyệt đối (Đạo, Phật tâm, chơn tâm) cũng là
cái tâm bình thường, cũng là Thường-Đạo thanh tịnh, không tên tuổi, là khởi
nguyên của trời đất. Khi không móng khởi vọng dục, thì liền tự "một" trọn cùng nó (vì
chúng sanh luôn tự hàm tàng, tự sẵn có nó) tức "một" bổn thể tự tại,
sáng suốt, tịch lặng, chơn như vô ngã, sâu mầu, ảo diệu, viên mãn, thường hằng,
nói không thể tới.
Bằng cũng một nó, tức thể tánh chơn thường tịch
lặng luôn tự hàm tàng kia, cũng tức cái tâm bình thường luôn tự sẵn có này,
nhưng nếu móng khởi vọng dục hay động niệm này, nọ lăng xăng thì các pháp vọng
(huyễn pháp) ngay đó xảy sanh, cũng là lúc tự cùng Đạo, tự cùng bổn tánh tuyệt
đối chia lìa, là hai là khác, là có đối đãi, là bị tối tăm che lấp, là tự trói
buộc vào vọng nghiệp vô minh.
Nghĩa là, thể tánh bổn lai luôn tự hàm tàng trong
mỗi chúng sanh, cũng là cái tâm bình thường, là Đạo, vốn dĩ uyên nguyên tự tại,
bất động, như như, không sanh không mất, nhưng khéo sanh các pháp. Không khởi
vọng niệm thì thể cùng tánh linh động, dung thông, sáng trong, chơn thường, như
nhứt, là một. Bằng một niệm khởi vì chấp ngã, hay nói theo ngôn-ngữ của Lão-tử
là vọng dục móng khởi, thì nó liền không còn là nó nữa, là tự đi vào chỗ lấp
che, tăm tối, tức cùng các pháp sanh diệt trói buộc.
Chúng tôi đem câu nói của Lão-tử vào đây cốt để làm
sáng tỏ mục đích cần đề cập là cái tâm bình thường của người sáng Đạo. Đức
thánh Lão cũng có cái nhìn thấu suốt về bổn thể và diệu tánh của Đạo, tuy không
nói rõ tới lý duyên khởi nhưng trong chỗ thầm kín thì ý vẫn không khác.
Dù làm thân tướng trong các loài hữu tình, thì cái
tánh bổn lai vẫn không hề mất, vẫn luôn hàm tàng cách kín nhiệm, linh hoạt mà
huyền đồng, trong các tướng sanh diệt kia. Cho nên Lão tử mới nói, chỉ vì có ra
vào, co giũi, xuất nhập, hữu vô (tức bất biến mà năng sanh các pháp) mà được
gọi tên khác nhau, chứ Thể và Dụng của Đạo vốn dĩ tự huyền đồng trong
"một", không hai, không khác, bất khả phân ly. Hễ phân ly thì không
còn linh hoạt nữa. Chỗ có ra vào, đến đi nhưng không hề mất tánh tự tại, chơn
thường, ảo diệu, linh hoạt thì bất khả thuyết, bất khả tư nghị, chỉ tạm gọi là
huyền diệu vậy thôi, mà quan năng, thức trí chẳng thể với tới. Nhận ra được chỗ
này một cách chơn thật, tức cùng nó "tự đồng", Đang-là, thì liền
không lầm nhơn quả, tự tại đến đi. Hàm linh hữu tình ai ai cũng tự hàm tàng, tự
sẵn đủ bổn thể chơn thường và diệu dụng tánh Phật chúng sanh như vậy.
Cho nên, vì hạnh nguyện cứu độ mà các Đại Bồ-tát đã
hiện tướng vào ra trong khắp các cảnh giới để tuỳ duyên giáo hóa, làm tự lợi và
lợi tha, tự giác giác tha mà không hề xa lìa bổn tánh chơn thật, sáng suốt, tự
tại, cũng tức là thường biết bằng tánh biết tuyệt đối, sáng suốt, bất động của
Phật tâm, nên không lầm nhơn quả, nhơn quả chẳng thể trói buộc. Việc ấy có khác
chi tạm mượn các thân tướng du hí thần thông trong các cõi để làm tất thảy các
hạnh lành mà vị tha cứu độ, thì cũng có nghĩa là trọn sống trong bổn thể bình
thường, tự tại của tâm, cũng là Đạo, thể
dụng nhứt như, tánh tướng viên dung, không lầm nhơn quả, tuỳ duyên thuyết pháp
độ sanh.
Còn chúng sanh, vì tâm lúc nào cũng loạn động, móng
khởi vọng dục nên xa lìa tánh tự tại bổn lai sáng suốt, không thấy biết bằng
tánh biết tuyệt đối vốn tự sẵn có, luôn tự hàm tàng, mà bị biết lầm, thấy lầm
bằng cái thấy biết do vọng duyên sanh khởi, cũng tức là tự kết buộc với vọng
nghiệp, tự dấn sâu vào vô minh nhơn quả vậy.
Một vị Tổ của Tông Thiền đã mượn lời nói về nó, tức
bản thể tuyệt đối, cũng là cái tâm bình thường uyên nguyên tự tại, cũng là
Đạo-Thường của Lão-tử, cũng là tánh Phật
chúng sanh.
Hữu vật
tiên thiên địa
Vô hình
bổn tịch liêu,
Năng vi
vạn vật chủ,
Bất vị tứ
thời diêu.
Cái vật không tên tuổi, tồn tại trước khi có trời
đất, không hình tướng, tánh vốn sáng trong lặng lẽ, bất động. Vượt thoát không
gian và thời gian, là chủ của vạn vật. Đó là bổn thể chơn thật của tâm, của
thường Đạo vậy.
Tóm lại cái tâm bình thường được hiểu ở đây là cái
tâm uyên nguyên, thanh tịnh, bất động, như như, tự chủ, không đến không đi,
không nhiễm pháp trần, không trói buộc với nhị nguyên, lúc nào cũng tự tại viên
mãn, sáng suốt, không lầm nhơn quả.
Tâm bình thường đó tức là Đạo, là chơn tâm, cũng là
Thể-tánh và diệu dụng của Phật tâm không khác, gọi ra sao, đặt tên ra sao cũng
được, bỡi chỉ một nó.
Còn ngược lại với cái tâm bình thường,là cái
"tâm không bình thường", tức cái tâm vọng, cái tâm lay chuyển theo
động niệm,(nói theo Lão-tử là vọng dục móng khởi) xa lìa chơn tánh, không sáng
suốt, không tự chủ tự tại, bị dẫn dắt đi vào tăm tối, mê mờ, bị thấy lầm biết
lầm theo vọng nghiệp tử sanh, kết buộc với vô minh nhơn quả.
Mượn pháp Phật để tu hành, khéo biết chuyển cái tâm
mê mờ vọng động kết buộc với vô minh sanh diệt, trở về lại bổn nguyên chơn như
thanh tịnh, tự tại, sáng suốt, không lầm nhơn quả gọi là "Giác mê".
Cho nên, ở đây, khi những lời khai thị chợt lìa
miệng Tổ, nếu hành giả là người căn trí linh lợi, khéo biết vận dụng, khai
thông tối đa tánh sáng của trực giác luôn tự sẵn có để hoà nhập "một"
cùng tánh sáng mà những lời khai thị kia được chư Tổ tự thể hiện trong trạng
thái không tâm, "Đang-Là" trong hiện thực tuyệt đối, cũng là tự thể
hiện nhứt niệm "Đương-Niệm" sáng trong viên mãn vô nhất vật, thì ngay
đó, tự tâm hành giả hốt nhiên triệt tiêu không lưu dấu tích để tự một cùng chỗ
"Đang-là", tức thường đạo phô bày, chơn tâm hiển hiện.
Trước mắt, vạn pháp tự như trong thể tánh sáng
trong, tròn đầy, bất động, liền tự có chỗ thấy, nghe, hay, biết bằng một tánh
"Biết - Giác" chơn thật, tự tại, vô ngã, không đến đi, không còn mất,
thanh tịnh, viên mãn, không lầm nhơn quả, vượt lìa nhơn quả. Nói không đến
không đi là chỉ thể tánh trọn sáng trong, bất biến, bao trùm, xuyên suốt, không
từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu, mà không đâu không hiện hữu, cũng là tự tâm
chơn thường, cũng là Phật tâm, cũng là Pháp-thân Như-lai, là Pháp-tánh Như-thị.
Khéo biết vận dụng trí tuệ vào pháp Phật nhiệm mầu
mà như pháp hành trì, thì sẽ tự chuyển hóa được cái tâm bất bình thường, cái
tâm vọng dộng, lăng xăng, biến hiện, cái tâm tăm tối bị biết lầm vì vọng nghiệp
vô minh dẫn dắt, trở về lại bổn tâm bình thường, chơn như, vốn tự sẵn có, sáng
suốt tự tại, cũng là tánh biết tuyệt đối hiển hiện; nhận ra chơn tâm, bổn tánh
thì tự biết việc phải làm, bèn sớm làm người vô sự, ứng xử trong nhơn quả bằng
cái tâm bình thường, bất động, như như, tự tại, trong nhơn quả mà không lầm
nhơn quả, không vướng mắc, hệ lụy vào nhơn quả, tự tại đến đi.
Bằng ngược lại, nếu không vận dụng được tối đa trực
giác để thấy, nghe, hay, biết vượt cách những lời dạy trực chỉ của Tổ, mà lại
cứ quen dùng quan năng thức ý để thấy biết, cũng là thấy lầm biết lầm bằng tâm
ý thức phân biệt kết buộc trong vọng nghiệp vô minh, cũng tức là dùng cái tâm
không bình thường để ứng xử, thì khó bề thâm nhập cữa này.
Nói rõ hơn, phải biết khéo dùng cái tâm bất động,
tự tại, viên mãn để thấy, nghe, hay, biết cách chơn thật, mà chẳng phải dùng
cái tâm suy lý, phân biệt bằng thức ý, tình tưởng hư vọng, hay dẫu bằng cái trí
bác học còn kết buộc trong nhơn quả sanh diệt.
Xem kinh Phật hay nghe pháp cũng vậy, phải nên khéo
biết dùng cái tâm tịnh, cái tâm bất động, như như, vô phân biệt để thấy, nghe,
hay, biết thì mới mong hòa nhập "một" cùng tâm kinh hay đồng một cùng
tâm người nói pháp chơn không, thì đó tức là diệu thính pháp vậy. Bằng tự thân
chưa làm được như thế thì hãy ráng nhìn vào chính mình mà tịnh tâm trước đã.
Tâm được an định rồi, nhiên hậu hãy xem kinh hay đọc pháp giải thoát thì mới có
ích.
Ngày nay có rất nhiều người xem kinh, đọc pháp Phật
mà như xem tiểu thuyết hay đọc truyện ngắn không bằng. Chỉ liếc mắt lướt nhanh
qua một lần trên mặt chữ, rồi tự đánh giá là mình đã hiểu được hay không hiểu
được những gì người khác muốn nói. Lời nào hợp với sự hiểu biết bằng thế trí
tương đối với trình độ tri thức "có chừng mực" của mình thì khen hay,
tự cho là mình có chỗ chứng thấp, chứng cao như người nói pháp kia không khác.
Bằng đọc mà không thể tiếp thu được vì thiểu trí hay không hợp với
"ý" riêng theo trình độ hiểu biết có giới hạn của mình, thì liền phủ
nhận ngay những gì người khác nói, rồi cho rằng người ta nói bậy, là khùng
khùng điên điên, hay nói pháp trái nghịch với Phật.
Những người học Phật như thế chẳng phải là hiếm
trong đời này.
Đành rằng Phật đạo có vạn nẻo đi, tuỳ căn cơ của
mỗi người mà tiếp nhận một pháp, nhưng không thể đem cái tâm nhỏ nhoi, trói
buộc và chút ít tri thức đã học hỏi được bằng kinh nghiệm của thế trí mà chê
bai, phỉ báng hay phê phán các pháp lớn mà mình chưa từng có duyên kham nổi.
Những người như thế đâu biết rằng, một bộ kinh
Đại-thừa, Tối thượng-thừa như Kim-Cang chẳng hạn, gồm ba mươi hai phẩm, chỉ có
một chỗ, một ý cần phải chỉ ra để cho chúng sanh tự khám phá để ngộ nhập Phật
tri kiến, mà đức Phật đã phải lập đi lập lại nhiều lần trong suốt toàn bộ kinh.
Nghĩa là ý Ngài muốn chỉ bày cho chúng sanh cách
hàng phục vọng tâm và trụ tâm không chỗ trụ, mà cốt tuỷ được gói ghém trong hai
phẩm Đại-thừa Chánh-tông và Diệu-hạnh Vô trụ. Bậc đại trí, căn cơ phước đức, có
duyên lớn với Đại-thừa chánh pháp chỉ cần nghe Phật thuyết một chỗ này là đã
khám phá ra Pháp-thân chơn thật của Như-lai, cũng là mặt mũi vốn tự sẵn có xưa nay
của chính mình hiển lộ.
Thế nhưng bậc đại trí, đại phước đức trên thế gian
này như ngài Huệ-Năng chẳng hạn, có được mấy người để có thể vừa nghe pháp lớn
là chợt thông tỏ ngay? Cho nên đức Phật mới tuần tự dẫn dắt cho mọi người,
những ai thuộc vào hàng Trung-Thượng lần lược trước sau, từ thấp tới cao đi dần
vào không tánh để nhận ra tự Phật.
Có những bậc thượng căn thượng trí xưa nay, cả đời
chỉ ôm khư khư bên mình một bộ kinh Kim-Cang mà hành trì, đọc tụng. Vùi đầu vùi
óc, bỏ cả một đời người vào những lời Phật thuyết trong bộ kinh này mà tư duy,
nghiền ngẩm còn chưa thâm nhập nổi Phật tri kiến, huống là ngày nay có không ít
người xem kinh Phật, đọc pháp Phật như đọc truyện thì làm sao có thể bừng sáng
được Phật tâm? Đọc tụng, nghiền ngẫm, tư
duy ba mươi hai phẩm trong bộ Kim-Cang kinh, mà chỉ cần "biết như
thật", sáng tỏ như thật "thật nghĩa" một câu trong đó Phật nói
gì, thì liền ngay đó "Đang-là" Phật tâm không khác, nghĩa là diệu
nhập Phật tri kiến, là sáng tỏ tánh thấy biết chơn thật, tuyệt đối. Đến chừng đó thì chẳng những ba mươi hai phẩm
còn lại của bổn kinh chẳng còn gì để cần phải đọc nữa, mà vạn quyển trăm kinh
Phật thuyết suốt bốn mươi chín năm cũng đều vô giá trị đối với một chỗ
"Biết-Giác"chơn thật, mà mình vừa mới khám phá từ câu nói kia, tức
cũng là cái biết tuyệt đối, sáng suốt, không lầm, là chơn tâm, Phật tánh hiển
lộ.
Phật đạo có hằng trăm ngàn, vạn nẻo để đi tới, tuỳ
căn cơ phước đức của từng chúng sanh mà có đường riêng, nhưng cữa vào chỉ một, mà chợt "một
biết" chơn thật, sáng suốt thì "tất thảy biết" sáng suốt chơn
thật, tức đã khám phá ra lẽ thật thì liền tự đồng một đệ nhất nghĩa đế, mà
không còn gì để nói.
Bỡi vậy, đức Phật thường ân cần nhắn nhủ, dặn dò,
khích lệ người đọc tụng những lời dạy chân thật của Ngài, đại ý như :"Ví
như có người dùng bảy thứ báu trong thiên hạ là vàng, bạc, pha lê, xà cừ, mã
não, san hô, phổ phách chất đầy khắp ba ngàn đại thiên thế giới mà cúng dường
bố thí chư Phật, đem so với người đã thông đạt và đang thọ trì như-pháp bốn câu
kệ mà Phật đã thuyết trong kinh, cũng như vì người khác mà diễn nói pháp Phật
từ cốt tuỷ bốn câu kệ đó. Thì phước đức của người trước chẳng bằng một phần trăm, chẳng bằng
một phần ngàn, chẳng bằng một phần nhỏ nhất có thể đo lường được đối với người
sau".
Nghĩa là sao ? Nghĩa là chỉ cần sáng tỏ, đồng một
"đệ nhất nghĩa" mà bốn câu kệ trong kinh được đức Phật tạm mượn lời
để chỉ bày, tức Đang-là pháp tánh, cũng là diệu nhập Phật tâm thì phước đức mà người sau có được là tánh phước
đức vô vi giải thoát, còn những của báu kia chỉ là phước tướng hữu vi sanh
diệt. Đem phước tướng hữu vi sanh diệt có hạn lượng mà so sánh với tánh phước
đức vô vi giải thoát vô hạn, vô biên, bất khả lượng thì làm sao bằng được.
Thế nên, trong một bộ kinh, chỉ cần thông đạt bốn
câu kệ một cách chơn thật, tức khám phá và đồng một đệ nhất nghĩa mà Phật muốn
chỉ bày (nhưng môi lưỡi chẳng thể với tới), thì liền tất thảy thông, là tự một
pháp tánh như-thị mà không lời nào có thể biện bạch .
Phật đạo bí áo sâu mầu, chẳng thể dùng thế trí phân
biệt hay ngày một ngày hai mà có thể "hiểu" Đạo, tức hoàn toàn khác
với cái hiểu biết bác học nhờ kinh nghiệm và học tập bằng tâm ý thức sanh diệt
trói buộc theo vọng nghiệp nhơn quả. Nghĩa là trí bác học cần phải có đối tượng
để biết, còn muốn biết Đạo thì chỉ có một cách là phải tự một cùng nó, là không
năng không sở, cùng nó không khác không hai, cũng là trí "Giác" tuyệt
đối vậy.
Dẫu là người thông thái bác lãm, không việc gì
không biết đi nữa, cũng vẫn bị trói buộc trong vọng nghiệp nhơn quả, không tự
chủ đến đi, không thể viễn ly tử sanh phiền não, vì chỗ biết đó là vọng biết
nhờ các quan năng và tri thức sanh diệt do nhơn duyên vọng thành. Còn với người
sáng tỏ tánh biết tuyệt đối, thì không tai vẫn nghe, không mắt vẫn thấy, hay
nói rõ hơn thấy, nghe, hay, biết bằng tánh thấy biết tuyệt đối, sáng suốt, bất
động, thường hằng, phi sanh diệt, nên không lầm nhơn quả, tự chủ tự tại, nhơn
quả chẳng thể trói buộc.
Cho nên Tổ Nam-Tuyền mới nói : "Đạo chẳng
thuộc biết hay không biết. Biết là vọng thức, còn không biết là vô ký".
Không thể dùng tâm ý thức, tức vọng thức hư huyễn
trói buộc với vô minh phân biệt, mà có thể biết được Đạo, mà chỉ có ngay khi Triệu-Châu vừa chợt rời
lìa tâm ý phân biệt, bặc tri kiến, không một niệm khởi sanh, hay khởi diệt để
tự ngay đó đón nhận câu nói của ngài Nam-Tuyền trong một góc độ vượt cách, phi
khái niệm, thì, không quá sát na tự tâm rộng mở như hư không, rổng rang vắng
lặng, liền có chỗ thấy, nghe, hay, biết bằng tánh biết sáng suốt, vạn pháp trôi
chảy trong thể tánh chơn thật, không lầm nhơn quả, bất động, như như. Ngay đó,
tự thân tiến lùi không chỗ nương vin, đến cái “Ta” của tự ngã cũng dòm không
thấy nữa, trước mắt tự tại, vô ngã, chơn thừơng.
Có thể miễn-cưỡng tạm ví trạng thái tâm thể lúc này
như mắt tâm vô hình, vô biên không ngằn mé, không đâu không hiện hữu, bao la
trùm khắp, ngắm nhìn qủa đất đang đứng bé tẹo như hạt bụi, biến hiện mất còn
không chỗ dính dấp; ngay đó khái niệm về không gian và thời gian triệt tiêu, vì
trước mắt, cái biết chơn thật cũng chính thiệt một ta, tức bản thể thanh tịnh,
tuyệt vô đối đãi, không đến không đi, không còn không mất, không sáng không
tốâi, phi sở phi năng, nói không thể tới. Và cũng chính ngay ấy, liền tự rõ như
thật thế nào là Đạo và rõ luôn một cách chân thật thế nào tâm bình-thường là
Đạo vốn tự sẵn có xưa nay chưa từng rời lìa mình.
Bằng nghe lời khai thị của Tổ Nam-Tuyền mà không tự
vượt thoát nổi bản ngã để thăng hoa cùng "một" với Đạo, thì còn trói
buộc với vô minh nhơn quả. Nghĩa là thay vì
có thể ngay trong "nhứt thời" tự một cùng chỗ mà Tổ Nam-Tuyền
tự "Đang-là", thì lại bị chướng ngại bỡi tồn tại cái chủ thể hữu ngã
"biết" dùng tri-thức phân biệt để thấy biết, tức cũng là hai, là khác
với Đạo, rồi mượn miệng lưỡi, chữ nghĩa, tri kiến phàm tình để biện luận, lý giải,
hay diễn giảng lên chỗ bị chấp, thì càng diễn càng xa Đạo. Đạo không thuộc
"biết" bằng vọng thức sanh diệt hay "không biết" vì vô ký
hôn trầm tăm tối. Cả hai cái biết và không biết này đều không chỗ can hệ, không
chút dính dấp tới Đạo. Cho nên nếu còn dùng tâm ý thức khởi niệm tưởng
"tiến" đến Đạo thì cũng là càng tự lìa xa Đạo, càng muốn
"biết" Đạo thì tự càng bị mất Đạo, càng ra công tìm Đạo thì càng khó
thấy Đạo, tánh Đạo càng bị khuất lấp do chính cái thấy lầm, biết lầm của vọng
thức kết buộc trong vô minh che chắn. Dẫu có biết Đạo bằng cách nào đi nữa khi
mà Đạo còn là đối tượng để biết, thì chỗ biết ấy cũng chỉ là khái niệm, chẳng
phải là chỗ biết như thật khi đã tự "một", Đang-là cùng Đạo nhứt như,
cũng là lúc không còn biết ai biết, có cái gì để được biết, lấy gì để nói biết.
Cho nên, đức Thế-tôn mới nói răn, mới dè chừng để cho chúng sanh cõi này không
nhận lầm Pháp-thân chơn thật của Ngài: "suốt bốn mươi chín năm thuyết pháp
mà môi chưa hề động", tức là ý nghĩa này vậy.
Đạo thường thì nói không thể tới. Chỗ chơn thật
tuyệt đối, không một pháp có thể lập, tự tại, viên mãn, như thật như hư, như
không như có mà Ngài muốn phô bày, thì cũng ngay ấy Ngài tự Đang-là, thì môi
lưỡi nào có thể động mà không bị kẹt?!
Đạo không ở đâu xa mà ngay trước mắt. Người căn cơ
hãy khéo biết nhìn vào trong chính mình và chợt quên đi tự ngã, thì chơn Ngã vô
ngã, là chơn Tâm, cũng là cái Tâm bình thuờng, là Đạo dễ thường hiển lộ lúc nào
không hay.
Nói "Đạo" tức là tạm mượn lời đề-cập tới
bổn thể và diệu dụng của chơn tâm, Phật tánh mà chính mình cùng Đạo ngay ấy
đang-là, là trạng thái chơn thật tuyệt đối của thể tánh vạn pháp, là tánh thấy
nghe hay biết chơn thật, là tánh tướng viên dung, thể dụng huyền đồng, là tự
tại đến đi trong chỗ linh diệu sâu mầu của lý duyên khởi, bất biến mà vẫn tuỳ
duyên.
Diệu nhập Phật tâm, cũng là tự sáng tỏ tánh bổn
lai, tức thấy biết bằng tánh biết sáng suốt, tuyệt đối, tự tại, không lầm, thì
liền nhận ra trong chỗ cùng tột, mà cũng chính thiệt một ta, tánh cùng tướng,
hữu vi và vô vi, tức thể và dụng, tịnh và động luôn tự hòa quyện làm một, bất
phân ly khiến chúng sanh có thể nói, cười, chạy, nhảy, đi đứng, leo trèo vv…mà
nói không thể tới. Bổn thể tuyệt đối và tánh của nó vốn dĩ hòa quyện, chung
cùng, nhứt như, vắng lặng, cho nên, hễ chợt nói ra (động) thì tự cùng nó chia
lìa, ngăn cách, phân ly, là hai là khác, là không còn nhứt như, chẳng còn thiệt
nó, như đề cập tới cái xác chết mà chẳng phải nói về một con người linh hoạt
vậy.
Cho nên, với Đạo thì không thể dùng trí-giải của
vọng thức, cũng là tâm ý thức hư huyễn mà có thể thâm nhập được, mà chỉ có thể
dùng một tâm không tâm, vô phân biệt, lìa khái niệm, bặc tri kiến, phi đối đãi,
tức dùng những gì đồng với tánh nó thì mới có thể hòa “một” với Đạo được.
Bổn thể tuyệt đối (Đạo) vốn dĩ chơn như, không
tướng, vô hạn, vô biên nên không thể dùng cái hữu tướng, hữu biên, hữu hạn mà
có thể hòa một được. Cho nên, tất-cả
những lý-giải, phân tích, biện biệt bằng tâm ý thức, tức các pháp tướng hư vọng,
huyễn giả phàm tình đều chẳng can-hệ, chẳng dính dấp một chút mảy may nào đến
tánh sáng tuyệt đối của Phật tâm, cũng là chơn tâm, tự tánh. Bằng một khi nhờ
pháp Phật tu tập mà tự thể nghiệm được bổn tâm chơn thường, không tướng, vô
hạn, vô biên để "một" cùng Đạo, thì ngay ấy, như uống nước nóng lạnh
tự biết, như người câm ăn mật tủm tỉm cười thầm mà không thể động môi, động
lưỡi, mới là chỗ tột cùng chơn thật, mới không bị tri thức, ngôn ngữ, chữ
nghĩa, tai mắt đánh lừa, không bị cùng đạo chia lìa, che lấp.
Như vậy, qua mẫu đối thoại trên, chúng ta thấy ngài
Nam-Tuyền đã trực tiếp dẫn dắt Triệu-Châu tự cởi bỏ hết những gì mà ông ta đã
từng tích góp (thấy, nghe, hiểu, biết, suy nghĩ bằng tâm ý thức hư vọng) để chỉ
còn lại một cái tâm trống rổng, thênh thang, sáng trong, vắng lặng, Đang-là "một"
với cái tâm bình thường vốn tự sẵn có xưa nay, cũng tức là ngộ ra cái tâm bình
thường vốn thiệt là Đạo mà ngài Nam-Tuyền đã chỉ bày trước đó.
Nói thế cũng chẳng khác Triệu-Châu đã dùng cái tâm
bình thường của Đạo để tự sáng Đạo, nghĩa là dùng cái tâm không tâm, vô tác ý,
không một niệm khởi sanh hay khởi diệt, rổng rang, thênh thang để an nhiên diệu
nhập vào cữa Nam-Tuyền.
Cho nên, ngài Nam-Tuyền há chẳng từng dạy “Tâm
chẳng phải Phật, Trí chẳng phải Đạo” hay sao, mà chúng ta hay dùng thế trí biện
thông để mong cầu vào được cữa Đạo ?
Lại nói thêm một chút để khỏi phải nhận lầm. Chữ
"tâm" trong câu nói của Tổ Nam-Tuyền "Tâm chẳng phải Phật"
tức ám chỉ cái tâm "hư" do nhơn duyên vọng lập, vọng biết, vọng thấy,
lầm biết, lầm thấy bằng thức ý sanh diệt do nhơn duyên vọng thành, trói buộc
với vọng nghiệp nhơn quả.
Bằng nói "Tức Tâm tức Phật", hay
"Phi Phật phi Tâm" là chỉ chỗ cùng tột, tức chơn tánh tự tại, sáng suốt, thanh tịnh,
tuyệt đối, không tên tuổi, là thể của Đạo, bất khả thuyết, bất khả tư nghì, nói
không thể tới vậy.
Đoạn công án trên thật hay vô cùng. Người nào lợi
căn, ham thích tu học, dám dõng mãnh buông tay để có thể rơi tự do vào hố thẳm
không đáy của tự tâm, hầu mong gặp lại mặt mũi chơn thật vốn tự sẵn có xưa nay
của chính mình, thì cứ nên tự trong đó mà rình rập, khéo biết dùng công án trên
làm chìa khóa để tự mở tâm mình, thì cũng có lúc, chỉ chợt sát na, cữa Đạo mở
toang, tự hòa nhập Đạo một cách tự tin
và chân thật, mà trước đó cũng một sát na thôi, đối diện là bức tường thành cao
thẳm, xa vời, trơn tru, kiên cố, không cữa nẻo mà tự thân không nghĩ làm sao
xoi cho thủng, hay húc đầu cho qua nổi.
Chợt mở, thì nhìn lại chẳng có chi là thành trì cữa
nẻo, ngay đó trước mắt là Đạo; Đạo cũng thiệt một ta, mà ta cũng chẳng hai cùng
Đạo, tất thảy chỉ Một tuyệt đối, chơn thường như nhứt, bình đẳng dung thông, tự
tại viên mãn, phi khái niệm, vô đối đãi, không một pháp có thể lập. Bằng chợt
có vọng niệm xảy sanh thì cũng ngay đó tự lìa, là cùng Đạo là hai là khác, là
tự trói buộc vào nhơn quả, sanh diệt. Đến chỗ này chỉ tự thân chứng nghiệm,
chẳng còn gì để nói, bỡi ngôn ngữ, tri thức, khái niệm không chỗ can hệ.
II. Làm thế
nào để có được cái Tâm Bình-thường.
"Sống với cái tâm bình thường tức sống
Đạo" là một pháp tu tích cực của Tông-Thiền, khiến người căn cơ trí tuệ
hành trì pháp này một cách chơn chánh thì dễ thành tựu đại công đức là kiến
tánh. Đó chính là ý chỉ của người xưa vậy.
Thiệt ra pháp tu "Sống với cái tâm bình thường
là sống Đạo" chẳng phải đợi Tổ Nam-Tuyền hay chư Tổ Thiền-Tông sau này nói
ra mới biết, mà từ ngàn xưa, cách đây trên hai ngàn năm trăm năm, đức Thế-tôn
đã phát minh và dạy pháp này cho đệ tử của Ngài là các hàng Bồ-tát trong
Pháp-hội.
Ngài bảo đại ý, hàng Bồ-tát hãy nên áp dụng cái tâm
bình thường vốn tự sẵn có vào ngay trong cuộc sống của chính mình, để lúc nào
cũng luôn gần gũi với Đạo, là "một" với Đạo, nghĩa là Thể và Dụng
chung cùng, Tánh và Tướng dung thông, bất khả phân ly, không hai không khác,
cũng là ngay đó thể nghiệm thân tâm linh hoạt trong cuộc sống mà hiện tiền tự
tại giải thoát.
Nghĩa là sao ? Nghĩa là sống, là làm, là không làm,
là nói, là nín, là động tay múa chân, là nằêm, ngồi, đi, đứng, uống, ăn, ngủ,
nghỉ, bố thí, thuyết pháp để cứu độ chúng sanh vv…… tuỳ duyên trong mọi hoạt
dụng hằng ngày mà không móng khởi vọng niệm trói buộc, không níu kéo với tất
thảy trần lao phiền não, cũng tức là khiến cho tánh sáng láng của đạo không bị
che lấp, không tự chia lìa cùng Đạo. Nghĩa là làm tất thảy việc nơi cảnh giới
nhơn quả, ngay trong hiện thực trước mắt, mà không hề rời lìa bổn tánh sáng
suốt, chơn thật, tự tại, tức không lầm nhơn quả, nhơn quả chẳng thể trói buộc,
cũng là tự tâm hiện tiền giải thoát vậy.
Nói rõ hơn, làm tất thảy việc mà thiệt không thấy
có chỗ làm. Làm mà không khởi vọng niệm trói buộc với nhị nguyên phân biệt,
không vướng mắc với trần cảnh, nghĩa là tuỳ thuận nhơn duyên để được tự lợi và
lợi tha, hay để trả ơn chư Phật mà làm hay không làm, mà nói hay nín, bằng cái
tâm rổng rang, trong sáng, không đến không đi, không tâm, vô tác ý, nghĩa là
không nắm cũng không buông, không ngã cũng không pháp, như như bất động.
Tự tâm làm được một cách chơn thật như thế tức là
sống Thiền, sống Đạo, là Định, là nhập Không-Tam-muội, là du hí thần thông, là
sáng suốt không lầm nhơn quả, là tự vượt lìa nhơn quả, bỡi lúc nào cũng trọn
trong nhứt niệm "Đang-là", cùng Đạo trong chỗ Thể-Dụng nhứt như, dung
thông tự tại, sáng suốt, viên mãn, cũng là Pháp thân thường trụ, là Pháp tánh
Như-thị, là thường lạc ngã tịnh.
Bằng ngược lại với cái "tâm bình thường",
là sống với cái tâm không bình thường, xa lìa Đạo, tức cái tâm tối tăm, hư
huyễn do nhơn duyên vọng lập, lúc nào cũng lăng xăng vọng động, trói buộc với
trần lao phiền não, vướng mắc với các pháp tướng sanh diệt, biến hiện mất còn
từng mỗi sát na, cũng là vọng biết, vọng thấy, cũng là biết lầm, thấy lầm vì mê
mờ theo vọng nghiệp vô minh nhơn quả. Tâm không bình thường là cái tâm chấp
ngã, chấp pháp, không thoát khỏi sự ràng buộc của tứ tướng, sự hệ luỵ, níu kéo
của lợi và danh.
Tại sao khẳng định đức Thế-tôn đã dạy cho các hàng
Bồ-tát trong Pháp-hội nên biết sống với cái tâm bình thường là Đạo, để cứu cánh
hiện tiền giải thoát?
Đó chính là điểm kỳ đặc của đức Thế-tôn mà Đệ Nhất
Giải-Không Tu-bồ-đề đã khám phá ra, nhưng Tôn-giả chưa thật sự rõ biết nên mới
khải thỉnh Phật khai thị giùm cho.
Do thường ngày cùng sinh hoạt chung, cùng đi khất
thực, cùng về một chỗ thọ trai, ăn xong thì rửa bát, rửa tay chân, rồi thay y.
Đức Phật thì lên toà thuyết pháp, còn
đại chúng thì đến ngồi quây quần bên Phật để nghe pháp.
Công việc thường này của từng mỗi người, và cả pháp
hội đại khái là như vậy, hầu như ai cũng giống ai, và cũng chẳng có ai thắc mắc
hay cần tìm hiểu một điều gì khác lạ. Tuy nhiên, với Giải-Không Tu-Bồ-đề thì
lại khác. Tôn-giả đã loáng thoáng nhận ra được chỗ kỳ đặc của đức Phật : từ
trong tâm ra đến ngoài thân, Thế-tôn lúc nào cũng thư thái, bình ổn, an lạc,
thanh tịnh, tự tại, giải thoát; còn với Tôn-giả và tất thảy đại chúng trong
Pháp-hội thì hoàn toàn không được như thế, nghĩa là thân tâm đại chúng lúc nào
cũng vọng động, lăng xăng, bất an, trói buộc.
Khám phá ra điểm kỳ đặc đó, Tôn giả Tu bồ-đề đã
mạnh dạn thưa thỉnh với đức Phật, cầu Ngài chỉ cho ông ta và đại chúng, làm thế
nào để hàng phục được cái tâm lăng xăng, vọng động lúc nào cũng vướng mắc,
hệ-lụy với phiền não trần lao, cũng như làm thế nào để an trụ được tâm, khiến
thân tâm lúc nào cũng thường, lạc, ngã, tịnh, niệm nào cũng là nhứt niệm
"Đương niệm" sáng suốt, tự tại, vô ngã, giải thoát như Phật không
khác.
Thiệt là Tôn-giả Tu-bồ-đề đã gãi trúng chỗ ngứa của
Phật. Đã từ lâu, gần suốt hai mươi hai năm sau khi khởi chuyển pháp luân, đức
Phật mong mỏi có được cái ngày này, cái ngày mà có người khám phá ra Pháp-thân
chơn thật của Như-lai, cầu Ngài thuyết pháp khiến Ngài có thể giải bày được nỗi
oan vì sự hiểu lầm của thế gian về Thật-tướng Không-tướng của Ngài, cũng như
chỉ bày ra cho chúng sanh tỏ ngộ tự tánh Phật, cũng là hình hài chơn thật vốn
tự sẵn có xưa nay chưa từng sanh diệt của mỗi chúng sanh, cũng là ngộ nhập Phật
tri kiến, là "một" Pháp-giới thường trụ, để không lầm nhơn quả.
Tỏ ngộ Phật tánh rồi, lại phải khéo biết trọn sống
chơn thật trong nó để tu hành, làm tất thảy việc mà không rời lìa tự tánh, thì
trước mắt, đương niệm "Đang-là" pháp tánh như thị, thanh tịnh giải
thoát mà chẳng cần phải chờ tới chết mới được tự tại. Đó là chỗ nhiệm mầu, cao
sâu, linh diệu, không thể nghĩ bàn của Phật đạo.
Qua lời khải thỉnh của Tôn-giả Tu-bồ-đề, Đức
Thế-tôn đã ngợi khen ông không hết lời và cũng ngay đó Ngài tuyên thuyết
Kim-Cang Kinh, để khai thị cho người thế gian ngộ nhập Phật tri kiến.
Trong bài viết ngắn này, chúng tôi chỉ đề cập tới
hai câu cốt tuỷ của bộ kinh này, có liên quan trực tiếp đến cái "Tâm Bình
thường là Đạo" mà ngài Nam-Tuyền đã đề xuất, tức hai câu trả lời
"trực chỉ" ngắn gọn của đức Phật cho Tôn-giả Tu-bồ-đề, mà không nói
tới những ý khác trong kinh. Mà thật ra, dẫu có mổ xẻ hết ba mươi hai phần
trong toàn bộ kinh này thì cốt tủy mà đức Phật muốn chỉ bày cho thế gian cũng
chỉ gói ghém trọn vẹn trong hai ý chính là hàng phục vọng tâm và trụ tâm vô sở
trụ mà thôi.
Qua câu hỏi của Tôn-giả Tu-bồ-đề, đại ý rằng, hàng
Bồ-tát như đại-chúng trong pháp hội, đang phát tâm cầu Vô-thượng Bồ-đề, thì nên
trụ cái tâm như thế nào, nên hàng phục cái vọng tâm ra sao (để có được thân tâm
hiện tiền giải thoát như Phật không khác) ?
Đức Phật đã dạy, đại ý :
a). Các
hàng Bồ-tát nên hàng phục vọng tâm bằng cách như vầy:
Sở hữu nhất thiết chúng sanh chi loại. Nhược noãn
sanh, nhược thai sanh, nhược thấp sanh nhược hóa sanh, nhược hữu sắc, nhược vô
sắc, nhược hữu tưởng nhược vô tưởng, nhược phi hữu tưởng phi vô tưởng, ngã giai
linh nhập Vô-dư Niết-bàn nhi diệt độ chi. Như thị diệt độ vô lượng vô số vô
biên chúng sanh thật vô chúng sanh đắc diệt độ giã. Hà dĩ cố ?Tu bồ-đề ! Nhược
Bồ-tát hữu ngã tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng tức phi bồ
tác.
Có cả thảy các loại chúng sanh: hoặc sanh trứng,
sanh con, sanh chỗ ẩm ướt, hoá sanh, hoặc có sắc, không sắc, có tư tưởng, không
tư tưởng, hoặc chẳng phải có tư tưởng chẳng phải không tư tưởng, Ta đều khiến
vào Vô-dư Niết-bàn mà diệt độ. Diệt độ vô lượng vô số vô biên chúng sanh như
thế, nhưng thiệt không có chúng sanh nào được diệt độ cả. Bỡi cớ sao? Này, Tu-bồ-đề ! Bồ tát mà còn có
tướng Ngã, tướng Nhơn, tướng Chúng-sanh, tướng Thọ-giả thì chẳng phải là
Bồ-tát.
b). Các hàng Bồ-tát nên trụ tâm không chỗ trụ, tức
trụ pháp giới thường trụ.
Phục thứ, Tu bồ-đề ! Bồ tát ư pháp ưng vô sở trụ
hành ư bố thí. Sở vị bất trụ sắc bố thí, bất trụ thinh, hương, vị, xúc, pháp bố
thí. Tu bồ-đề ! Bồ tát ưng như thị bố thí, bất trụ ư tướng. Hà dĩ cố ? Nhược
Bồ-tát bất trụ tướng bố thí, kỳ phước đức bất khả tư lương. ??
Lại nữa! Này, Tu-bồ-đề ! Bồ-tát làm việc bố thí mà
đúng như pháp, thì không có chỗ trụ. Là chẳng trụ sắc mà bố thí, chẳng trụ
thinh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí.
Này, Tu-bồ-đề ! Bồ-tát hãy như thế mà bố thí, chẳng nên trụ vào tướng.
Bỡi cớ sao ? Nếu Bồ-tát chẳng trụ tướng mà bố thí, thì phước đức chẳng thể suy
lường".
Trước khi đi vào nội dung các lời dạy của đức Phật,
chúng ta cần phải hiểu một cách sâu sắc ý nghĩa và công năng giải thoát của
hạnh lành Bố thí.
Vì có hiểu thông suốt được tận gốc ngọn, thì mới có
thể thật hành những lời dạy của đức Phật một cách đúng như pháp, không sợ đi
lệch ra ngoài giòng đạo học. Tri và hành
đúng như pháp thì đại công đức của việc tu học mới có thể được thành tựu. Đại
công đức của người tu Phật được đề cập ở đây là kiến tánh vậy. Nghĩa là người
tu Phật chơn chánh, chẳng kể tại gia hay xuất gia, phải biết nương Giáo-pháp là
những lời dạy chơn thật của Như-lai mà học để sáng tỏ Chân lý giải thoát. Một
khi đã nhận ra được đâu là con đường đưa đến sự giải thoát chân thật thì phải
nên đúng như pháp mà Hành trì một cách dõng mãnh, chơn chánh để thành tựu công
đức Kiến-tánh, là sáng tỏ Phật tâm, cũng là ngộ nhập Phật tri kiến. Sáng tỏ tự
tâm bổn tánh, thấy biết bằng tánh biết chơn thật rồi, cũng là lúc bắt đầu cho
một giai đoạn tu học lên nữa để chứng Quả giải thoát, nghĩa là phải biết sống
chơn thật không rời lìa tự tánh, tự gột tẩy tất thảy những ô uế tập nhiễm còn
sót lại của ba độc tham, sân, si, cũng là cách nuôi dưỡng thánh thai hầu trở về
lại bổn nguyên chơn thường tịch lặng, mà không sa lại vào nhơn quả nữa.
Tuỳ căn cơ, duyên phước cao thấp của từng người mà
pháp Phật thuyết có ba thừa giáo, cho nên "Bố thí" cũng được hiểu
theo nhiều nghĩa sâu cạn khác nhau.
Đối với Giáo-pháp của đức Phật, thì Bố thí, ngoài ý
nghĩa thông thường là cho, giúp đỡ, san xẻ, chia sớt để gieo trồng căn lành,
tích góp phước đức của hàng Tiểu-thừa, thì nghĩa đích thực mà chư Phật muốn tỏ
bày khiến chúng sanh có thể thành tựu đại công-đức của phép hành thí vô tướng,
giải thoát mọi trói buộc của nhơn quả, đó là nghĩa "Buông",
"Xả" cùng tột, là không một pháp dù thi vi nhỏ nhặt tới đâu có thể
dính dấp, là Định tâm, là Nhập Không Tam-muội, Đắc vô sở đắc, là Trụ tâm Vô sở
trụ, là Thường trụ Pháp-giới. Đó là nghĩa đích thực của đệ nhất hạnh trong sáu
hạnh lành giải thoát, tức hành thí vô tướng, cũng là phép thí tam luân không
của hàng Đại Thừa Bồ-tát.
Thấy người cùng khổ cơ hàn, ta sẵn cơm áo liền lấy
ra san xẻ cho người, như chính mình đang bị đói lạnh, đang cần cơm ăn áo mặc mà
không một niệm khởi phân biệt là thân hay sơ, không để ý thấy có người bố thí,
có người nhận thí hay có vật được cho nhận, hay vọng cầu bố thí để được phước
đức như thế này, thế nọ vv…vv.
Lúc hành thí mà tâm rổng rang như hư không, tức
chẳng chấp ngã, chấp pháp, cũng là lìa tất thảy tướng mà làm tất thảy thiện
pháp, cũng là buông bỏ cùng tột, không một pháp có thể can hệ, thì ngay đó bản
thể chơn thật của tâm là gì nếu chẳng phải gọi đó là đang trong trạng thái hiện
hữu sáng suốt, tự tại, tuyệt đối, là Định, là Nhập Không Tam muội, là Trụ tâm
vô sở trụ, là Thường trụ pháp giới?
Thế nào là buông bỏ cùng tột? Tức buông, xả mà
không một niệm chấp vào chỗ có buông đó, cũng là trạng thái tâm thể tự nhiên
như nhiên, không nắm cũng không buông, không một niệm sanh thấy có chỗ nắm,
buông hiện hữu.
Người nhận bố thí cũng vậy. Hàng Đại-thừa giải
thoát nhận bố thí phải nhận làm sao để được tự lợi và lợi tha, đúng như lời
Phật dạy. Nghĩa là đang khi đói rét được có người bố thí, thì người nhận thí
phải biết tự "một"trong nhứt niệm "Đương-niệm" sáng trong
tự tại mà nhận thí, thì chẳng những công đức người cho đã hẵn là vô lượng vô
biên bất khả tư nghì rồi, mà chính người nhận cũng đang tự trang nghiêm cõi
Phật của chính mình bỡi tâm vô phân biệt, nhận thí trong phép giải thoát tam
luân không, nhận trong tình thương bao la, bình đẳng của Phật tâm, của Đại-Đạo mà ngay đó mình tự "Đang-
là". Người bố thí và người nhận thí mà được như thế mới đáng gọi là hàng
Đại-thừa của Phật thật hành hạnh Bố thí ba-la mật vậy.
Tạm đưa ra một thí dụ cho dễ hiểu. Ví như có người
nhà giàu, một mình lái xe đi ngang qua một cánh rừng hoang vắng, rất xa thành
phố, vào một buổi trưa hè. Ông ta bắt
gặp ven đường một người đàn bà già cả, lụ khụ, vẻ mệt mỏi đói khát, đang ngồi
dựa một gốc cây để tránh nắng. Đã đi qua khỏi rồi, nhưng vì là người có lòng
nhơn ái nên ông ta tự nghĩ :
"Người
đàn bà già cả đói khát kia, một mình ở nơi hoang vắng không một bóng người, nếu
mình không cho bà ta chút gì để ăn, chắc bà ta chết mất. Thật tội nghiệp".
Nghĩ như vậy mà nỡ bỏ đi thì làm sao đành lòng, cho nên nhà hào phú bèn quay xe
trở lại, đến bên bà lão, hỏi han, giúp đỡ.
Bà lão nói, tôi không có con cái, chẳng người thân
thích, lại già cả không còn sức lực để đi làm, nên mới phải tìm những vật thừa
mà người ta bỏ để sống. Mấy hôm nay không có gì
để ăn nên rất đói.
Nhà hào phú suy nghĩ trong thoáng chốc :"Từ đây
ra khỏi rừng khoảng một tiếng đồng hồ là có quán xá. Miếng sandwich mà ta đem
theo dự trù để ăn dọc đường, có thể giúp cho bà lão khỏi đói trong hiện tại.
Còn bữa trưa của mình thì tính sau".
Nghĩ đoạn ông ta đến chiếc xe lấy gói bánh đưa cho
bà lão. Bà lão thản nhiên đưa tay nhận gói bánh, không một lời cám ơn, ngoài
cái nhìn triều mến đặt lên ông như đối với một người thân thiết.
Trong khi đó người nhà giàu nghĩ bụng, chắc là bà
lão sẽ rất vui mừng khi được tặng bánh, và sẽ không ngớt cám ơn mình; ông đang
chờ bà ta cho mình những lời khen tặng và những lời chúc phúc tốt đẹp nhất. Thế
nhưng ông ta hoàn toàn thất vọng, vì bà đã không nói gì với ông ta cả.
Bà lão cầm miếng bánh mì mà tay run run vì quá đói,
sửa soạn đưa lên miệng để ăn, thì thật bất ngờ, một con chó đói, ốm tong teo,
sống lưng nhô ra như hình tam giác, xương sườn phơi bày ra có thể đếm được,
dưới lớp da mỏng lông trơ trụi, từ trong bìa rừng đi ra. Nó lê cái thân tàn tạ
trên hai đôi chân khẳn-kheo, yếu đuối gần như đi không nổi, đến ngồi đối diện
trước mặt bà lão, nhìn miếng bánh bà đang cầm mà miệng nó chảy nước miếng ròng
ròng. Trông thấy con chó đói đang dòm mình như van xin và nhìn chiếc bánh một
cách thèm thuồng, bà lão bèn bẻ đôi chiếc bánh và đưa cho con chó một nửa.
Tới đây thì người nhà giàu không còn chịu đựng được
nữa rồi. Ông ta đứng phắc dậy, phùng mang trợn mắt, nói như quát vào mặt bà lão
:"Tôi nghĩ tình đồng loại, thương bà đói khát, cho bánh bà ăn. Chẳng những
bà không một lời cám ơn thì chớ, lại còn đem cho con chó một nửa. Bà thật là kẻ
vô ơn và khinh người quá đáng".
Mặc cho người nhà giàu la rầy lớn tiếng, bà lão vừa
nghe ông ta nói, vừa ăn bánh một cách ngon lành, nét mặt bình thản, như không
có chuyện gì xảy ra, ngoài việc đang thưởng thức cái mùi vị thơm ngon của miếng
bánh mì cùng sự no nê khoan khoái của cái bụng đã bị đói nhiều ngày.
Đợi cho vị ân nhân nói xong, bà thủng thỉnh trả lời
:
"Đương khi ông cho bánh, tôi không nói gì, chỉ nhìn ông và nhận bánh, tức
ngay đó tâm ông đang rộng mở như hư không, đón nhận tất cả, đầy đủ và trọn vẹn
công đức vô lượng, vô biên, bất khả tư nghì của sự bố thí bằng Phật tâm chơn
thật, bình đẳng, vô ngã mà ông đã tự thể hiện, mà không một lời cám ơn nào, hay
bất cứ một lời tốt đẹp nào trên thế gian này có thể sánh bằng. Cho nên dẫu tôi
có nói cám ơn thêm bằng lời, thì chẳng những không ích gì cho công đức tự trang
nghiêm cõi Phật bằng tất thảy thiện pháp của ông đã làm, mà chính chúng chứ
chẳng phải là gì khác, tức những lời cám ơn trói buộc trong vọng nghiệp nhơn
quả kia, sẽ làm lu mờ, chướng ngại cho công đức vô vi, vô lượng,vô biên mà ông
vừa tự gặt hái được bằng Phật tâm thanh tịnh, vô ngã, bình đẳng.
Còn việc ông thắc mắc tại sao tôi lại chia đôi cái
bánh cho con chó, thưa ông, với tánh đói của hữu tình sinh hoạt, thì con chó
đang đói và tôi đang đói, trạng thái đói của hai sinh vật này nào có khác gì
nhau đâu, đều gọi là đói cả và cũng đều cần ngay cái ăn cho hết đói, khỏi chết
oan uổng vì đói !".
Nghe tới đây, vị hào phú như đang mê chợt tỉnh. Nhờ
một lời chân thật của bà lão mà ông đã nhận ra được thế nào là hành thí vô
tướng giải thoát rốt ráo, thế nào là tận cùng pháp giới chỉ còn lại một tình
thương bao la tự nhiên như nhiên của
Phật tâm, của Đạo, cũng như ngay đây ông đã tự khám phá ra hình hài chơn thật
của mình cùng Đạo-thường tuỳ duyên mà bất biến, không khác không hai.
Mẫu chuyện nhỏ vừa nêu có thể là chuyện thật mà
cũng có thể là chuyện bịa. Thế nhưng chúng ta cũng đừng chấp vào chỗ thật hay
không thật của câu chuyện, vì dẫu có được gọi là chuyện thật hay là giả đi nữa,
thì tướng thật, giả đó cũng đều là các pháp hư vọng cả. Chỉ nên khéo nhận ra
một điều là, chỗ phương tiện chỉ bày của bà lão là chân lý giải thoát, giúp
chúng ta có chút cơ sở để thâm tỏ diệu pháp hành thí vô tướng, là pháp
"buông" giải thoát rốt ráo của hàng Đại-thừa Bồ-tát, để đi vào không
tánh.
Trở lại với những lời dạy của đức Phật, ở câu đáp
(a) đức Thế-tôn đã trả lời trực tiếp vào câu hỏi của Tôn-giả Tu-bồ-đề, đại ý :
"Sở dĩ các ông trong đại chúng không có được
chỗ kỳ đặc, bình ổn, an lạc, tự tại, giải thoát như Phật, chỉ vì thân, tâm của
các ông lúc nào cũng lăng xăng, vọng động, vướng mắc vào các pháp tướng sanh
diệt, không tự yên nghỉ.
Bên ngoài thì các căn luôn bị cuốn hút, trói buộc,
hệ lụy vào các pháp sanh diệt của trần
cảnh, còn bên trong thì vọng thức, tình tưởng khởi lên trùng trùng, biến hiện
chập chùng không lúc nào ngưng dứt. Các ông đã tự rời lìa, đã tự bỏ quên, đã tự
đánh mất cái bổn tánh chơn thật, uyên nguyên, sáng suốt, rổng rang, thanh tịnh,
thường hằng, tự tại, bất động của mình, cũng là chơn tâm, Phật tánh, để tự
trong mê mờ duyên thành vọng niệm, chấp lầm vào cái thân hư, cái tâm vọng trói
buộc với vô minh nhơn quả, thì làm sao có được chỗ an trụ thường, lạc, ngã,
tịnh như Phật được.
Cho nên, muốn được bình ổn, an lạc, tự tại, giải
thoát, hãy nên khiến vạn loại chúng sanh diệt độ vào Vô-dư Niết-bàn, tức cũng
là khiến vạn loại trần lao, phiền não, cũng là các pháp tướng trói buộc của thế
gian, cũng là tất thảy vọng thức, tình tưởng, ngã nhơn, bỉ thử, thị phi, thiện
ác, thánh phàm, hơn thua, được mất, cao thấp, khổ vui ….nói chung là mọi thứ
hệ-lụy với nhị nguyên nhơn quả, hãy nên đưa hết chúng vào chỗ buông cùng tột,
chơn như tịch lặng, không một pháp có thể được, cũng là thật nghĩa của vô dư
Niết-bàn.
Điều đó có nghĩa là hãy khéo sống với trạng thái vô
tâm, tự nhiên như nhiên, không lấy không bỏ, không được không mất, không có
không không, không phải không trái, không cao không hạ, không thánh không phàm,
không hơn không thiệt….trước mắt tự như, chơn thường vắng lặng, tuỳ duyên tự
tại, đến đi vô ngại, cũng là trọn sống trong tự tánh thanh tịnh Như-lai, cũng
là đương niệm hiện tiền giải thoát, tức trọn sống trong cái tâm bình thường,
uyên nguyên, tự chủ, vô thủ, vô xả, vô ngã, vô tác ý, không một pháp có thể lập
khiến tự tánh không bị che mờ, khuất lấp".
Tất thảy vạn loại chúng sanh gọi chung, đều là
tướng trần lao phiền não. Trong chỗ cùng tột, thật tướng các pháp vốn thiệt
không tướng, tánh thật các pháp vốn không tự tánh, nên liền biết như thật tất
thảy pháp đều là huyễn hóa, hư vọng, như hoa đóm trong không. Chỉ vì chợt vọng
niệm mà ngay đó bốn tướng Ngã, Nhơn, Chúng sanh, Thọ giả hiện khởi trói buộc
với nhơn quả vô minh. Bằng không một niệm khởi sanh, không một niệm khởi diệt,
ngay lúc này tâm thể là gì nếu không là nhứt niệm "Đương niệm,
Đang-là" quang minh, tự tại, viên mãn, nhứt như, vô ngã, tịch tịnh. Cũng
có nghĩa là vạn pháp trôi chảy, biến hiện mất còn trước mắt một tâm không tâm,
vô ngã, có khác nào như bụi bay trong ánh sáng, như chim bay trong hư không. Bụi bặm biến hiện, mất còn, thấp cao, lên
xuống nhưng có làm chướng ngại ánh sáng đâu. Chim bay từng đàn trong không gian
nhưng có làm cho
không gian lay động, hay để lại dấu tích trong hư
không đâu. Nói vô tâm như hư không, cũng chính là đang diệt độ vô lượng vô số
vô biên chúng sanh mà thiệt không một chúng sanh nào được diệt độ cả, nghĩa là
tất thảy chẳng dính dấp, hệ lụy, níu kéo tới cái tâm như, tự tại, sáng trong,
tròn đầy, bất động.
Cho nên đức Phật mới dạy, tất thảy vạn loại chúng
sanh, tức trần lao, phiền não ứng hiện trên tất thảy các pháp tướng sanh diệt,
đều hãy nên đưa hết vào Vô dư Niết bàn mà diệt độ, nhưng thật ra chẳng có một
pháp tướng nào được diệt độ cả, mà chỉ có tự tâm diệt độ, tịch tĩnh, Niết-bàn,
thì vạn pháp tự như trước mắt, không chi dính dấp, trói buộc, tức là giải thoát
vậy.
Đây là Phật dạy đại chúng khéo biết quán sát tự tâm
bổn tánh vốn thiệt chơn như vô ngã, khéo biết tự an định tâm mình, biết tự sống
trọn trong cái tâm bình thường, uyên nguyên, thanh tịnh, mà không khởi vọng
niệm trói buộc với trần lao phiền não, cũng là phiền não trần lao không chỗ
dính dấp, cũng là tự tâm an định, bình ổn, giải thoát vậy. Vì tâm thể đã được
sáng trong, tự tại, như như, viên mãn thì tất thảy chúng sanh, cũng tức là
phiền não, trần lao không chỗ can hệ, không thể trói buộc, đó là lẽ thật.
Ở lời đáp (b), đại ý Phật dạy, do khởi niệm chấp
ngã trói buộc với vọng nghiệp vô minh nhơn quả, nên chơn tánh mới liền bị che
mờ khuất lấp. Do chơn tánh bị che mờ khuất lấp, nên chúng sanh trong vọng nghiệp
vô minh nhơn quả mới lầm thấy, lầm biết, cho rằng thật có tướng ta, là một tự
thể độc lập, hữu ngã, có sự tương quan với các cá thể khác trong cái thế giới
thiệt có đến đi, còn mất này. Do vọng chấp có tướng ngã, mà các tướng đối đãi
hư vọng khác liền hiện hữu, thì cũng ngay đó tất thảy các tướng trần lao phiền
não khác liền có chỗ trói buộc.
Bỡi vậy đức Phật mới dạy, một Bồ-tát mà còn có nghĩ
tưởng có tướng Ta, cũng là chấp ngã, thì các tướng khác liền hiện hữu. Một
Bồ-tát mà còn có đủ bốn tướng hiện hữu, thì còn bị trần lao, phiền não trói
buộc. Một hữu tình còn bị trần lao, phiền não trói buộc, còn bị mê lầm nhơn quả
thì làm sao có thể gọi kẻ đó là một Bồ
tát (Bồ-đề tát-đõa), tức bậc đã thật sự giác ngộ chân lý giải thoát, không lầm
nhơn quả, đồng thời có thể giác ngộ các hữu tình khác nhận ra tánh Phật chúng
sanh của chính mình để tự không lầm nhơn
quả !?
Với hàng Đại-thừa vì cầu giải thoát, Phật dạy hãy
nên làm việc bố thí rốt ráo của bậc Đại Bồ-tát (thể hiện tâm buông cùng tột,
viễn ly thường đoạn, viễn ly cả tâm viễn ly) mà không trụ vào tất thảy tướng,
cũng là hành thí vô tướng, hành thí tam luân không, là tự thể hiện không tâm vô
ngã trong cuộc sống trước mắt, là không dính mắc với trần lao phiền não, cũng
là sống với cái tâm bình thường của Đạo, như như, tự tại, giải thoát vậy.
Tự thể hiện không tâm vô ngã, cũng là buông bỏ rốt
ráo, cũng tức là sống thật với cái tâm bình thường uyên nguyên, tự tại của
chính mình, cũng tức là không rời lìa tự tánh mà sống, thì trước mắt các pháp
đến đi, biến hiện, mất còn nào có dính dấp tới ai đâu. Tâm như hư không, tự
tại, vô ngã, không một pháp có thể lập, thì lấy cái gì để có thể can hệ, níu
kéo, ràng buộc, trói cột "không tâm".
Lại nói thêm một chút về Nhơn-Quả. Theo nghĩa hẹp
thì nhơn quả có nghĩa là, hạt nào thì sanh cây nấy, cây nào thì ra quả nấy, quả
nào thì sanh hạt nấy. Hoặc như soi gương thấy hình, hình bên ngoài ra sao thì
ảnh trong gương cũng vậy; làm thiện thì tích thiện, làm ác thì gặp ác, là lẽ trả vay trong cuộc đời và nhiều
đời nếu chưa trả hết.
Người đã biết lẽ nhơn quả như thế, thì không ai là
không muốn hành thiện. Muốn trong hiện đời được thêm vui bớt khổ, muốn ở vị lai
khỏi bị đoạ lạc vào các đường dữ như địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, muốn không
phải bị làm thân phận kẻ hèn mọn, làm tôi
tớ phục dịch cho người, lục căn bất túc, khùng khùng điên điên hoặc muốn không
phải bị ê chề phiền não vì gặp nhiều nghịch cảnh đắng cay thì ngay lúc này đây,
lúc còn đang hít thở, lúc còn đang tự do làm theo ý mình, lúc có đủ mọi điều
kiện để hành thiện, thì phải nên hành thiện cho thiệt nhiều. Làm thiện nhiều
thì hưởng phước nhiều, làm ác nhiều thì gặt họa nhiều, đó là luật tắc bất biến
của giá trị nhơn quả.
Một chén cơm, một đồng bạc, một việc làm có ý nghĩa
theo khái niệm thiện hay ác, đưa ra hay thâu vào, cho hay nhận đều có giá trị
tương đối nhau trong nhơn quả. Cho nên, đã sống trong cảnh giới nhơn quả, đã rõ
lẽ nhơn quả rồi thì không ai là không nên làm thiện, không ai là không nên cố
gắng gieo trồng phước nghiệp cho vị lai.
Tuy nhiên, với hàng Đại-thừa vì cầu giải thoát, thì
hạnh bố thí cũng như lý nhơn quả lại được hiểu theo nghĩa vô-vi, cao sâu, huyền
mầu, bí áo, khiến tự thân người thật-hành pháp Phật một cách như pháp có thể
đạt tới đỉnh điểm buông rơi cùng tột, bùng vỡ tự tâm, sáng tỏ Phật tánh, không
lầm nhơn quả, cứu cánh vô sanh. Bằng không thật hành hạnh bố thí theo nghĩa vô
vi giải thoát rốt ráo, cũng như không
hiểu lẽ nhơn quả một cách vượt thoát như thế, nghĩa là còn chấp, dù là chấp
thiện đi nữa, thì vẫn không làm sao có thể cắt đứt sự trói buộc của nhơn
quả.
Nghĩa là sao ? Thí như có người gieo trồng không
biết bao nhiêu là căn lành trong các đời quá khứ, nên đời này người ấy được
hưởng phước lớn và được làm vua trong thiên hạ. Nói tới làm vua thì sự uy
quyền, giàu sang, sung sướng, hoan lạc không sao kể xiết, và người thế gian ai
ai cũng thèm muốn. Thế nhưng làm vua nhiều đời rồi thì cũng có lúc phải đoạ lạc
vào các đường dữ. Bỡi cớ sao ? Bỡi vì những thuở làm vua ấy, để thỏa mãn dục
lạc của tự thân, cũng như để bảo vệ ngai vàng, sự nghiệp và chính thân mạng của
mình, thì người ấy làm sao tránh khỏi những việc làm xấu ác. Mà đã làm ác thì
ắc có lúc phải hết phước, hết được làm vua, phải trả nghiệp dữ, phải đoạ lạc ác
đạo. Thế thì, dù làm thiện hay làm ác, người ấy cũng không sao thoát khỏi sự
trói buộc của hai mối thắt nhơn và quả. Cái vòng tròn của giá trị nhơn quả luôn
luôn khép kín, khó mà thoát ra, nếu tự tâm còn chấp chặc vào việc làm thiện hay
làm ác.
Vì lòng từ thương khắp chúng sanh mà ba đời chư
Phật thị hiện trong khắp các cõi nước để hóa độ, không ngoài mục đích khai thị
chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến, để tự trong trí sáng của Phật tâm mà nhận ra
như thật đâu là sự trói buộc của hai bờ nhơn quả, để không lầm nhơn quả.
Phật đạo dạy phải làm lành lánh dữ là vì Thế-tôn biết
như thật chúng sanh trong cõi này mê mờ tăm tối, tâm địa xấu ác, nghiệp chướng
dẫy đầy, ba độc chất chồng cao to không xiết kể, nên mới khuyên răn cốt để
chúng sanh tự gieo trồng căn lành, vun đắp cội phước, khiến cho ai cũng có
phước đức trọn đủ, trí tuệ cao vời, hầu đến lúc gặp duyên lành có thể thâm nhập
Đại-thừa giải thoát pháp của Phật mà sáng trí Bát-nhã, để không lầm lầm nhơn
quả, chứ Phật chẳng phải khuyên dạy chúng sanh chỉ dừng lại ở chỗ tích góp
nhiều phước đức để được sung sướng, hoan lạc trong các cảnh giới nhơn quả
đâu.
Còn nói sâu xa hơn, giá trị nhơn quả là một giá trị
tương đối, giống như hai mặt của một đồng tiền. Nhơn quả luôn trói buộc chúng
sanh trong hai bờ tương đối và chúng sanh cũng khó lòng thoát khỏi sự trói buộc
của nó nếu không nhờ đến phép mầu của Phật đạo mà tu tập để tự giải thoát nhơn
quả.
Hai mặt của
đồng tiền mà chúng ta tạm đặt tên cho là trái hay phải, trắng hay đen, sấp hay
ngửa, có hay không, đều có giá trị tương đối nhau, không thể nói chỉ có một mặt
có giá trị còn mặt kia thì không giá trị, mà phải đủ cả hai mặt thì mới được
gọi là một đồng tiền, và hai mặt đó có giá trị như nhau nhưng lại tương đối
nhau, và đều có tánh trói buộc, vì tự nó có sự giá trị, tuy tương phản nhau.
Chúng sanh đối với giá-trị nhơn quả, như đang tự
cột buộc chính mình vào hai mặt của một đồng tiền, cùng nó lăn lóc, sống chết
mà không hề hay biết. Nghĩa là sao ?
Lấy thí dụ. Nếu như ai trong chúng ta có thể đứng
ngoài cuộc mà nhìn vào nhơn quả, thì liền biết chúng sanh đang sống trong cảnh
giới nhơn quả, chẳng khác những con bạc trong chiếu bạc. Đồng xu được bung ra,
nó chỉ có thể chìa ra một mặt, hoặc là trắng hoặc đen, sấp hoặc ngửa, phải hoặc
trái chứ không thể cùng một lúc chìa ra cả hai mặt, hay không chìa ra một mặt
nào. Nghĩa là cùng một đồng tiền ấy, mà
người này được thì người khác ắc phải mất, người này cười thì kẻ kia ắc phải
khóc, người này vui thì kẻ nọ ắc phải buồn, người này ăn thì kẻ kia phải thua,
người này được để có thể sắm xe hơi thì kẻ kia phải bị mất đi bằng một giá trị
tương đương chiếc xe hơi, mà không thể trong hai kẻ tương đối trói buộc nhau
cùng vui hay cùng buồn được, vì đồng tiền khi bung ra thì không thể an bài cùng
một lúc cả hai mặt, hay là không an bài một mặt nào. Vì đó là nhơn quả.
Nói cho dễ hiểu, như mặt bên này của trái đất đang
là ngày, thì mặt kia phải đang là đêm, bên này sáng thì bên kia tối, bên này
nóng thì bên kia lạnh, bên này ngủ thì bên kia thức. Lẽ tương đối cùng trói
buộc nhau trong nhơn quả, như ngày nóng đêm lạnh luôn hòa quyện, không lìa bỏ
nhau, mà không thể luôn là ngày, cũng không thể luôn là đêm, mà ngày đêm không
hề chia lìa, vì lìa nhau tức là mọi thứ đều hết sống, chẳng còn ai ngồi đây bàn
nhơn quả nữa.
Chúng sanh trong tất cả các cảnh giới, đang đối mặt
với các giá trị nhơn quả của từng cảnh giới đó, chẳng khác những người đang
tham gia vào canh bạc, khi đồng tiền được bung ra và chìa ra một giá trị tương
đối nào đó.
Nghĩa là nếu không được thì ắc phải mất, không ăn
thì ắc phải thua, không vui thì ắc phải buồn, không giàu to thì ắc phải sạt
nghiệp, mà không thể nào thoát ra khỏi sự trói buộc của giá trị tương đối này
được. Cho nên mới ví, nhơn quả giống như hai mặt của một đồng tiền, có giá trị
tương đối và hỗ tương trói buộc, hai mặt không thể chia lìa. Sự hệ lụy của chúng sanh vào nhơn quả cũng
vậy, rất bền vững và chắc chắn, nếu còn vọng chấp (trói buộc) vào giá trị của
nó, dù là mặt nào, chấp thiện hoặc ác, chấp phải hoặc trái, chấp có hoặc không,
chấp thường hoặc đoạn vv…. và vv… Hễ còn có niệm chấp, là còn bị trói buộc
trong vọng nghiệp nhơn quả.
Mà đã làm thân chúng sanh trong cảnh giới nhơn quả,
trừ các bậc đến với cõi này vì hạnh nguyện từ bi cứu độ thì không kể, còn lại
thì hầu như ai ai cũng ham được mà sợ mất, ham lấy mà sợ cho, ham sướng mà sợ
khổ, ham tốt mà sợ xấu, ham vui mà sợ buồn, ham sống mà sợ chết, vv…và vv…nên
suốt đời cứ bôn ba kiếm tìm và trốn tránh: tìm cái ưa và trốn cái ghét, tìm cái
được và trốn cái mất, tìm cái thiện và trốn cái ác vv….cũng là chấp ngã, nên
luôn luôn tự vướng mắc với một trong hai trạng thái tương đối của nhơn quả. Mà
dù có rơi vào mặt nào trong hai mặt tương đối này thì cũng đều phải hệ luỵ,
trói buộc với nó, không được tự do, tự tại, không tự làm chủ được chính mình.
Cho nên đức Phật đã dạy, muốn viễn ly sanh tử, muốn
giải thoát rốt ráo, muốn tịch tịnh vô sanh, phải nên biết lìa cả hai bên của
tương đối, đoạn và thường, hữu và vô, tức hai đầu mối trói buộc với nhơn
quả.
Bằng còn chấp, dù là chấp thiện đi nữa, thì vẫn
không thể thoát khỏi sự trói buộc của vọng nghiệp nhơn quả hai bờ. Chúng tôi
đưa ra một thí dụ có thật.
Có một anh Phật tử tại gia giàu lòng nhân ái, phát
tâm hành thiện, đi quyên góp tiền bạc, phẩm vật để giúp đỡ nạn nhân bão lụt.
Anh ta tới một cảnh chùa lớn để kêu gọi
những Phật tử từ các nơi xa đến đây hành hương và nghe pháp, khá mở lòng
từ bi bác ái mà đóng góp vào quĩ tương thân tương trợ cho đồng bào bị nạn tai
nước lửa. Gặp lúc vị Sư già đang giảng
về Diệu-hạnh vô trụ của các Đại Bồ-tát, rằng"nên không chỗ trụ mà trụ
tâm", rằng nên biết vô tâm để tự
tại giải thoát, rằng nên đối cảnh không tâm, nên không làm thiện cũng chẳng làm
ác, rằng nên dùng phép Hành-thí Vô-tướng Giải-thoát rốt-ráo của Đại-thừa giải
thoát pháp (Bố-thí Ba-la-mật, buông bỏ cùng tột, nhập Không Tam muội), thì mới
có thể vượt thoát trói buộc của nhị nguyên nhơn quả, mới có thể đoạn lìa sanh
tử hai bờ.
Anh Phật tử tu tại gia kia đang phát tâm hành
thiện, cổ động mọi người cùng anh ta tạo phước nghiệp cho hiện đời và vị lai,
thế mà vị Sư gìa kia lại bảo với những Phật tử đang nghe ông ta giảng pháp,
rằng hãy nên biết sống vô tâm, nên không làm thiện cũng không làm ác, nên đối
cảnh không tâm, nghĩa là dù thiện hay ác cũng chẳng làm mình động tâm trắc ẩn,
rằng tâm mình phải luôn tự như đối với
các pháp, được như vậy thì mới mong giải thoát hai bờ sanh tử, cứu cánh
Niết-bàn tịch tịnh. Nghe vị Sư già giảng pháp giải thoát rốt ráo của Phật nhưng
anh ta lại không thể hiểu được tí gì, vì căn trí phước duyên không có đủ để
kham nổi pháp lớn, nên mới vọng tưởng : "nếu ai ai cũng làm theo vị Sư già
kia dạy bảo thì làm sao anh ta có thể quyên góp, làm sao những người đang đói
rét kia được no cơm ấm áo, cũng như làm sao chúng sanh có thể gieo trồng được
căn lành, vun đắp cội phước vv…và vv… Lại nữa, anh ta nghĩ, Phật thì dạy nên
làm thiện, tránh làm ác, bỡi ai vừa mới qui y Tam bảo cũng đều được học như
vậy, ấy thế mà vị Sư già đây lại bảo ác không làm đã đành, mà đến việc thiện
cũng không làm luôn thì mới có thể thành Phật. Thế là vị Sư già này thuyết bậy,
đi ngược lại lời Phật dạy".
Đó là ý nghĩ của anh ta. Do nghĩ như thế mà anh ta
đã không tiếc lời nhục mạ vị Sư già kia, rằng tâm của vị Sư già đã trở thành
chai đá, không có lòng nhân từ, không biết vị tha trắc ẩn, làm nghịch lại những
lời Phật dạy, vv…và vv rồi viết thư gởi khắp nơi để bêu rếu, nói xấu, nói ác vị
Sư già không tâm, vô ngã nọ.
Việc phát tâm hành thiện của anh Phật tử tại gia
kia là rất tốt, rất đáng trân trọng và tán thán, vì đã bỏ công bỏ sức đi từng
nơi, gõ cữa từng nhà để quyên góp, làm lợi lạc cho nhiều người, lợi lạc cho cả
người bố thí vì được gieo trồng căn lành, cho lẫn người nhận thí vì được cái ấm
no, hạnh phúc trong hiện tại.
Bố thí là Đại-Hạnh đầu tiên trong sáu
"Hạnh" lành giải thoát mà người tu Phật phải biết như-pháp phụng-trì.
Người tu Phật mà không thật hành hạnh Bố-thí thì làm sao có thể gọi là người
Phật tử chơn chánh được.
Tuy nhiên, dù cùng là Phật pháp cả, nhưng hạnh
Bố-thí vẫn có nhiều đường, hiểu theo nhiều nẻo, thực hành bằng nhiều cách khác
nhau, tuỳ theo từng căn cơ trí tuệ cao thấp khác nhau, tuỳ nhơn duyên nghiệp ác
hạnh lành của từng người đeo mang nặng nhẹ khác nhau mà "Quả" được
thành tựu vẫn có sai biệt. Nghĩa là hàng Tiểu thừa có cách hiểu và thật hành
hạnh Bố thí khác hẵn so với hàng Đại-thừa, nhưng phải không chướng ngại nhau thì
mới được.
Còn ở đây, do anh Phật tử tại gia kia đã nghe và
hiểu pháp Đại-thừa mà vị Sư già đang giảng, bằng cái tâm của hàng Tiểu-thừa,
nghĩa là anh ta đã dùng cái tâm quá nhỏ, còn hệ luỵ theo vọng nghiệp vô minh,
còn coi tâm, cảnh và tất thảy pháp làm thật có (còn phân biệt thiện ác, tốt
xấu, lành dữ trói buộc với nhị nguyên nhơn quả) để đón nhận pháp quá lớn của
tánh không vô ngã, vượt thoát mọi khái niệm trói buộc của phàm tình, tức pháp
đi thẳng, để diệu nhập vào chơn thể của Phật tâm, nên anh ta liền bị chướng
ngại. Cũng có nghĩa là anh ta đã đem cái tâm còn vướng mắc với các pháp tướng
sanh diệt hữu vô, thường đoạn, thánh phàm trong giòng sanh tử mà luận bàn pháp
chơn như không tướng; tức dùng cái tâm "có, không" hệ lụy với nhơn
quả mà xét cái tâm "như", cái tâm "Biết-Giác" không lầm
"vạn pháp như hoa đốm trong không" của người đang lội nghịch giòng
nhơn quả, đang dự nhập vào giòng thánh, nên chẳng những anh ta không thể hiểu,
không thể thâm nhập được pháp chơn không giải thoát kia đã đành, mà lại còn bị
điên đảo, bất tín, rồi sanh tâm sân giận vì chấp thiện, cũng là trói buộc vào
một trong hai bờ nhơn quả, nên mới chửi
bới vị Sư già không tâm nọ không tiếc lời.
Chẳng phải chỉ ở đời mạt pháp mới có những người
như anh Phật tử tu tại gia kia, mà trong
thời Chánh pháp, lúc Phật còn tại thế vẫn có xảy ra như thường. Không cần đề
cập tới ngoại đạo hay những Phật tử tại gia hồi ấy đã khước từ những lời dạy
chân thật của đức Phật, mà ngay trong hội Pháp-Hoa, nhiều vị Tỳ-kheo đã bỏ chỗ
ngồi đứng dậy không nghe Phật thuyết pháp nữa, cũng vì những người ấy có cái
tâm quá nhỏ, ít phước duyên, nhiều nghiệp chướng, nên mới không thể đón nhận
đại pháp giải thoát rốt ráo của Như-lai được.
Tại sao như vậy? Vì người trí tuệ có giới hạn, lại
ít phước đức, không thuộc vào hàng căn cơ Trung-thượng mà dự nghe pháp lớn của
hàng Đại-thừa giải thoát môn thì tâm ắc
điên đảo, cuồng loạn, hồ nghi, bất tín, rồi sanh khởi sân giận mà tự chuốc lấy
nghiệp chướng.
Pháp lớn ví như mưa to, như nước nguồn, dễ làm thấm
nhuần, tươi mát, tăng trưởng, lợi ích lâu dài cho những cây đại thọ, nhưng đối
với những cây lau sậy hay cỏ hoa yếu đuối thì ắc dễ bị trốc gốc, cuốn trôi, ngã
nhào, hay ít ra cũng bị bầm dập, nhừ nát.
Người thiểu trí, ít phước, nghiệp chướng nặng nề mà
nghe pháp lớn dành cho hàng Đại Bồ-tát cũng thường bị như vậy, rất khó tránh
khỏi.
Bỡi thế, phải mất trên hai mươi năm sau khi khởi
chuyển pháp luân, một quảng thời gian vừa đủ để những đệ tử đang theo Phật tu
học tích góp duyên lành, phước thiện, trí tuệ và một đức tin không gì lay
chuyển nổi, khiến có thể tiếp thu nổi
pháp lớn của đức Phật, mà nhiên hậu Ngài mới thuyết những bổn kinh Đại thừa
Giải thoát rốt ráo như Kim-Cang Bát-nhã Ba-la mật chẳng hạn.
Muốn hiểu Phật tâm thì phải dùng chính cái tâm Phật
rổng rang, thanh tịnh tự sẵn có của mình để hiểu, cũng là tự "một"
với Phật tâm, chứ chẳng phải dùng quan năng tri thức, cũng là vọng thức để
hiểu. Phải biết dùng cái tâm bất động, như như để thấy, nghe, hay, biết, tức
dùng cái bất biến tuyệt đối mà ứng cùng vạn biến, mới là cái thấy biết chơn
thật, bình đẳng, tự tại. Bằng nếu dùng cái tâm biết của kiến văn sanh diệt để
hay biết, tức là chỗ biết lầm, cũng là
vọng biết, thì không thể vượt thoát sự trói buộc của hai bờ vọng nghiệp nhơn
quả.
Thời này người ta thường dùng cái tri thức bác học
của cơ tâm để biện Phật, luận Pháp hơn là dùng cái tâm bất động vốn tự sẵn có
để thâm nhập Phật đạo. Người ta đâu biết rằng, càng biện Phật là càng xa Phật,
càng luận đạo là càng sái với đạo thường.
Cho nên, cũng là tình thương yêu chúng sanh, nhưng
tình thương của một con người còn bị biết lầm, còn trói buộc trong vọng nghiệp
nhơn quả, còn thích thiện ghét ác, hoàn toàn khác với tình thương của một người
đã "hết" lầm nhơn quả, đã sáng suốt, tự tại với cái tâm
"Như", không một pháp có thể được, cái tâm không, vô tướng, vô tác,
vượt lìa trói buộc, vướng mắc của nhị nguyên nhơn quả.
Vị Sư già giảng Đại-thừa giải thoát pháp, không đi
lệch ra ngoài giòng pháp của Thế-tôn, tức không vướng mắc vào hữu vô, thường
đoạn, tức giảng pháp Trung-Đạo giải thoát; chỉ có anh Phật tử tu tại gia còn
nặng tâm chấp, dù là chấp thiện, đã phải tự chuốc lấy mọi tội lỗi vì sự thiểu
trí của mình khi nặng lời với vị Sư già. Hóa ra, đó chẳng phải là vì ham làm thiện mà phải tự rước lấy nghiệp dữ đó ư
?
Cho nên, hễ làm bất cứ việc gì mà xa rời Trung-Đạo
đều là trói buộc cả.
Nếu lúc nghe vị Sư già kia thuyết pháp, mà anh Phật
tử tại gia biết dùng cái tâm bình thường của Đạo để nghe thì hay biết mấy.
Thế mới biết, chỉ từ trong một pháp vô vi của đức
Phật mà tu học và thật hành, nhưng vẫn có từng "Quả" sai biệt, đó là
do căn cơ, trí tuệ, phước đức, nghiệp dữ, hạnh lành của từng mỗi người tiếp thu
pháp ấy một cách không giống nhau vậy.
Cho nên, khi thuyết Đại-thừa Chánh pháp cũng như
khi thính pháp Đại-thừa, cả hai người thuyết và thính đều phải rất nên cẩn
thận, chớ đụng đâu thuyết đó, gặp ai cũng thuyết. Người thuyết phải nên biết
quán tâm những người đối diện để việc thuyết pháp của mình trôi chảy, đồng thời
khiến người nghe được lợi lạc, không bị chướng ngại hay mang tội huỷ báng chánh
pháp, đánh mất đi một hạt giống của Như-lai. Người nghe cũng vậy, hiểu được thì
tiếp tục nghe, không hiểu thì thôi đứng dậy bỏ đi, biết rằng mình chẳng có
duyên với pháp này, mà chớ nên để tâm sân giận hay phỉ báng, tự tạo nghiệp chướng
vì chuyện chẳng can hệ.
Bằng một khi tự "biết như thật" rằng
người ta đã thuyết pháp trói buộc với vọng nghiệp nhơn quả, chứ chẳng phải
thuyết pháp chơn không giải thoát như Phật, thì hẵn nói. Nhưng đã nói ra để sửa
chữa chỗ lầm biết, lầm thấy của người thì phải dùng cái tâm không tâm, sáng
trong, vô ngã mà nói, nghĩa là chỗ nói đó không ra ngoài pháp Trung-Đạo, không
vướng mắc, trói buộc với nhị nguyên nhơn quả, với lợi danh, tài sắc. Bằng tự tâm chưa bừng sáng, cũng như đạo học
chưa đủ để có thể làm được như thế thì chớ nên nói, cứ để tuỳ duyên, tự có lúc
sẽ có người trí tháo gỡ giùm. Bằng đi mở trói giùm cho người mà lại dùng cái
tâm vẫn còn trói buộc vào có không, thường đoạn của hai bờ vọng nghiệp mà mở,
thì chỗ sửa sai đó cũng tức đồng ma thuyết.
Chính vì thế mà một vị Tổ của Tông Thiền, ngài
Nam-Nhạc Hoài-Nhượng, một trong những đệ tử lớn của Lục-Tổ Huệ-Năng, đã nhắc
chừng những người đang truyền bá pháp Đốn giáo:
Nhứt thiết
chư pháp giai tùng tâm sanh.
Tâm vô sở
sanh pháp vô sở trụ.
Nhược đạt tâm
địa sở tác vô ngại.
Phi ngộ
thượng căn, nghi thận từ tai"
Tất thảy
các pháp đều do tâm sanh.
Tâm không
chốn sanh pháp không chỗ trụ.
Thông đạt
tâm này, việc làm không ngại
Không phải
thượng căn, cẩn thận chớ nói.
Cho nên, khi thuyết Đại-thừa giải thoát pháp, hãy
rất nên cẩn thận, phải khéo biết tuỳ duyên, tuỳ người mà thuyết, nếu không ắc
dễ bị tác dụng ngược, khiến người nghe chẳng những không thể tiếp tu đã đành,
mà còn sanh tâm hủy báng. Người thuyết phải không rời lìa tự tánh mà thuyết,
phải bằng một pháp duy nhứt tức lý duyên khởi tự trong chơn như mà tuông trào
bất tận, cũng là thuyết bằng cái tâm rổng rang không một pháp trói buộc, đó mới
gọi là diệu thuyết pháp vậy.
Người thính pháp cũng phải nên biết dùng cái tâm
bình thường, không động niệm trói buộc với nghiệp thức nhơn quả để nghe pháp
Đại thừa, thì ắc dễ có đường diệu nhập Phật tâm.
Cho nên, để tự thân được bình ổn, an lạc, tự tại,
tự chủ, hai đầu mối của nhơn quả không thể trói buộc, nghĩa là không vui cũng
chẳng buồn, không mất cũng chẳng được, không hơn cũng chẳng thua …. tức không
bị hệ luỵ vào giá trị tương đối của hai mặt trắng đen, sấp ngửa của đồng tiền
an bài số mệnh cho mình, thì hãy biết thức tỉnh cuộc chơi, thản nhiên đứng dậy
và bước ra ngoài mà nhìn lại.
Biết tự ra ngoài cuộc chơi, đứng nhìn đồng xu sấp
ngửa, đen trắng, ăn thua mà không chỗ can hệ, dính dấp thì liền biết rằng từ
lâu ta đã mê muội lăn xả vào chỗ trói buộc của cái giá trị tương đối, tức đi
tìm cái được luôn sẵn ẩn chứa cái mất, tìm cái hơn luôn sẵn hàm tàng cái thua,
tìm cái may luôn sẵn chực chờ cái rủi vv… và vv… Nay tỉnh ngộ, ra khỏi chiếu
bạc thì an ổn, tự tại, không thua cũng không được, không vui cũng không buồn,
hai mặt của đồng tiền kia chẳng thể trói buộc được ta, nó tự như như trước mắt,
ta thiệt đang sống với chính cái vốn sở hữu tự sẵn có của mình chưa từng thua
được, mất còn, tự tại an nhiên, nhàn cư, vô sự.
Để khiến chúng sanh đang từ chỗ mê mẩn vì bị vọng
nghiệp dẫn dắt, trói buộc vào hai bờ tương đối, tức mê lầm tìm cái được trốn
cái mất, ưa cái vui ghét cái buồn, ham cái sống sợ cái chết, đến chỗ biết tỉnh
ngộ bước ra khỏi hấp lực trói buộc của nhơn quả, hầu được an ổn tự tại, thì
phải tuỳ phước đức của mỗi người mà có từng pháp dạy bảo, khuyên nhủ, chỉ vẽ
khác nhau.
Tuỳ căn cơ, duyên phước, nghiệp ác hạnh lành của
từng chúng sanh gắn bó ít nhiều, sâu cạn với nghiệp chướng nhơn quả mà đức Phật
có hằng nhiều vạn pháp môn để đối trị, phân làm ba thừa giáo, lại có thêm
Chánh-pháp Nhãn-tạng dành cho người thượng căn thượng trí tu học.
Tuy nhiên dẫu có pháp môn nào, thừa nào cũng đều là
phương tiện tạm mượn để đạt tới cứu cánh là sáng tỏ tánh thấy biết không lầm,
tánh thấy biết tuyệt đối, bất động, không đổi, cũng là tánh Phật chúng sanh để
ngay trong cảnh giới nhơn quả mà không lầm nhơn quả.
Hễ chợt không lầm nhơn quả, thì ngay đó tự biết
việc phải làm, là làm người vô sự, tự chủ tự tại, sống "một" không
rời lìa bổn lai tự tánh mà tu hành. Đã
sáng suốt không lầm nhơn quả thì dẫu có ra vào trong nhơn quả cũng là tuỳ thuận
nhơn duyên thật hành hạnh nguyện cứu độ chúng sanh, mà đền ơn chư Phật, nên đến
đi vô ngại.
Tóm lại, để sống được với cái tâm bình thường, cũng
tức là sống Đạo, chúng ta nên y cứ theo lời Phật dạy mà đưa hết trần lao phiền
não vào Vô dư Niết bàn tức tự tâm chơn
như thanh tịnh mà diệt độ. Cũng có nghĩa là phải biết dẹp bỏ cái tâm lăng xăng,
vọng động để được an trú trong nhứt niệm "đương niệm", “đang là” của
bổn thể chơn thường, tự tại, vô ngã.
Trong Pháp-Bảo-đàn kinh, Lục-Tổ Huệ-Năng đã dạy:
Pháp môn của ta, chủ yếu:
- Lấy vô
niệm làm Tông
- Lấy vô
tướng làm Thể
- Lấy vô trụ làm Bổn.
Hiện đời có Sư Đức-Thắng, mà trong Ngữ-lục của
Thầy, cũng nói :
- Cứu-cánh
lấy Không-tịch làm Thể
- Tu lấy
Đương niệm làm Tông
- Hành lấy
Vô-phân-biệt làm Bổn
Chữ nghĩa, danh tự, sắp đặt trên dưới tuy khác,
nhưng ý chỉ một.
Thế nào là ý chỉ một?
a). - Bổn-thể tuyệt đối, cũng là Chơn tâm, Phật
tánh, Thể-tánh của Đạo-thường (Gọi sao cũng được, vẫn chỉ một nó, đều là chỗ
mượn tên tạm đặt), vốn dĩ chơn như, không tướng, thường hằng, tịch lặng, vô ngã,
tánh không tự tánh, nhưng lại diệu dụng (diệu hữu tự chơn không, chơn không
diệu hữu), khéo sanh muôn pháp. Một niệm khởi (Gọi Bổn thể cũng tức là đề cập
tới thật tướng không tướng của chơn tâm, là Phật tâm, là chơn như. Niệm là tánh
linh của bổn thể, là diệu tánh, diệu dụng của Phật tâm, cũng là Phật tánh.
Không có tánh này, thì chúng sanh đồng như cỏ cây, đất đá) thì pháp pháp trùng
trùng sanh khởi, vọng sanh vọng diệt sai biệt trăm đường, dẫn đi ngàn lối, kết
buộc vào vọng nghiệp vô minh nhơn quả. Dẫu thế, từng mỗi mỗi pháp tuỳ duyên
sanh khởi vẫn không hề mất bổn tánh uyên nguyên, chơn thường, vô ngã, tịch
lặng, linh diệu, sâu mầu. Thế nên, không một hữu tình nào, dù to như voi hay
nhỏ như kiến mà không tự hàm tàng tánh Phật chúng sanh. Hạt cải mà dung chứa
Đại-Tu-di vẫn vô ngại, là ở chỗ này.
Một niệm khởi sanh là nhờ tánh linh diệu, huyền
mầu, bí áo của bổn thể tuyệt đối, cũng là của bổn tâm, chơn tâm. Chúng sanh tu
hành sáng tỏ được bổn thể chơn như, thường hằng, tịch lặng, vô ngã, cũng là khám
phá ra được mặt mũi chơn thật vốn tự sẵn có xưa nay, thì ngay đó trước mắt tự
như, tự tâm như hư không, các tướng tự lìa không chỗ dính dấp, vạn pháp chẳng
thể trói buộc, cũng là ngay đó pháp thể tự tại, thanh tịnh.
Bỡi thế, Lục-Tổ Huệ-Năng mới chủ trương lấy tướng
thật không tướng của các pháp, cũng
thiệt là chơn tâm (Vô-tướng) làm
Pháp-Thể, Sư Đức-Thắng thì lấy pháp tánh chơn không tịch lặng (Không-tịch) làm
Thể , nên nói chữ nghĩa có khác mà ý thì
chỉ một chỗ mà thôi.
b) Pháp-tánh như-thị, vốn tự bình đẳng, không thỉ
không chung, không tăng không giảm, không có quá, hiện, vị lai, cũng một tâm
này không hai, không khác. Chỉ vì động niệm mà thành sai khác, từng chuỗi pháp
pháp nối tiếp sanh khởi vô biên. Khi mê, thì thấy vạn pháp, vạn cảnh, sự sự, vật
vật biến hiện sai biệt trong ba thời. Chợt tỉnh, liền sáng tỏ như thật quá,
hiện, vị lai, cho tới vô thỉ vô chung, vô cùng vô tận đều gồm thâu trọn trong
nhứt niệm "đương-niệm", cũng là trong khoảng giữa của "không một
niệm nào khởi sanh và khởi diệt" tức
Vô niệm, tức Đang-là, Pháp giới đồng nhứt thể.
Chợt "Vô niệm", tức đối cảnh chẳng sanh
một niệm nào trói buộc, cũng là nhứt niệm "Đương niệm" phô bày tự
tánh bổn lai, cũng là nhứt niệm - vô niệm đồng "một" bổn thể tuyệt
đối, cũng là tự trở về bổn thể uyên nguyên, tịch lặng, chơn thường, vô ngã, phi
sanh diệt.
Lục-Tổ Huệ-Năng dùng từ Vô-niệm, lấy Vô niệm làm
Tông-pháp, Sư Đức-Thắng dùng từ Đương-niệm, lấy Đương niệm làm Tông-pháp, mà vô
niệm hay đương niệm đều chỉ một chỗ "ba thời trong một niệm", trong
sáng tròn đầy, "Đang-là" pháp tánh như thị, chỉ khác có tên gọi mà
thôi.
c). Từng mỗi chúng sanh, ai ai cũng tự hàm tàng bổn
tánh chơn như thường hằng, tự tại vô ngã, là mặt mũi chơn thật xưa nay, cũng là
pháp tánh như-thị. Pháp tánh như-thị, cũng là một pháp duy nhất, là chơn tâm,
là Phật tâm, vốn tự bình đẳng, chưa từng phân biệt. Chợt động niệm phân biệt,
trụ chấp vào các pháp tướng sanh diệt thì pháp tự có hai, có khác, có trùng
trùng sai biệt, cũng là tự xa lìa chơn pháp uyên nguyên, tự rời lìa chơn tánh
thường hằng, như như, tự tại, phi sanh diệt mà đi vào trăm đường vạn nẻo theo
vọng nghiệp tử sanh, vô minh nhơn quả.
Lục-Tổ Huệ-Năng lấy vô trụ, nghĩa là lấy cái gốc
pháp duy nhất, tức thể tánh uyên nguyên, thanh tịnh, viên mãn, tự tại, bất
biến, không từng có chỗ trụ, cũng là
thường trụ pháp giới, là pháp tánh như-thị, như thị pháp tánh làm pháp bổn. Sư
Đức-Thắng lấy vô phân biệt làm gốc, bỡi gốc pháp vốn tự nhứt như bình đẳng,
tuyệt vô đối đãi, thanh tịnh, viên mãn, chưa từng chia lìa phân biệt, mà chúng
sanh luôn tự hàm tàng, chưa từng mất đi gốc pháp. Không phân biệt thì luôn tự
"một" trong một pháp nhất như, cũng là pháp tánh như thị. Hai cách dùng từ có khác, nhưng chỗ dụng chỉ
một, vì pháp-tánh như-thị, như-thị pháp-tánh.
Trọn hiểu và tự thể hiện được một cách chân-thật
những lời dạy trên, thì cũng có lúc tự tâm hốt nhiên "Đang-là" Pháp
tánh như thị, cũng là chơn tâm, Phật tánh hiển-hiện, cũng là tánh tướng dung
thông, để liền ngay đó tự có chỗ hay biết như thật thế nào là tâm bình thường,
thế nào là tự sống "một" với Đạo, thế nào là cái tâm bình thường cùng
đạo tương ưng, không đến, không đi, viên mãn thanh tịnh, hiện tiền tự tại giải
thoát.
Đó chính là cái tâm bình-thường của cô
Bàng-Linh-Chiếu, bất biến mà vẫn cứ tuỳ duyên, tuỳ duyên mà vẫn chơn thường tự
tại : “Đói ăn, khát uống, buồn đi ngủ”.
Đó chính là cái tâm bình-thường của Mãn-giác Thiền
sư, vượt thoát trói buộc của không gian và thời gian, thường, lạc, ngã, tịnh
ngay trong hiện thực tuyệt đối :
Mạc vị
xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền
tạc dạ nhất chi mai
“ Chớ bảo
xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua
sân trước một cành mai”.
Tâm bình-thường đó tức là cái tâm tròn đầy, trong
sáng, thanh-tịnh, như như,? làm tất thảy việc mà muôn sự chẳng dính dấp, trói
buộc,tức cái tâm buông xả cùng tột, không tình tưởng vọng niệm, không phân biệt
ngã nhơn, bỉ thử.
Lại cũng phải nói cho hết ý. Người trí nên biết
biện biệt cho thật rõ ràng thế nào là sống bình thường hợp với Đạo-thường, và
thế nào là lối sống "bình thường" của những kẻ "bất bình thường"
trong cộng đồng xã hội. Những kẻ làm biếng, ăn bám, ỷ lại vào người khác, không
chịu làm việc, lêu lổng chơi bời, lợi dụng vào câu nói hãy biết sống với cái
tâm bình thường là Đạo, rồi bẻ vặn câu nói theo ý mình, cho là sống thì phải
nên biết đói ăn, khát uống, mệt thì đi
ngủ, ngủ chán rồi thức dậy đòi ăn, đòi uống, bắt người khác phải phục vụ cho
cái thây lười nhác trong một tâm hồn bệnh hoạn. Hiểu "sống bình
thường" mà lệch lạc như thế thì
thật là tai hại, hư thân bỏ đời, là gánh nặng cho gia đình, xã hội
vậy.
Phải nên hiểu một cách sáng suốt, rằng, sống tự một
với Đạo là làm tất thảy việc mà không rời lìa tự tánh, là luôn trong mọi thời
cùng Đạo tương ưng, chính là hoạt dụng linh diệu, huyền mầu của cái tâm bình
thường là Đạo.
Xin được kết thúc bài viết "Tâm bình thường là
Đạo" bằng hai câu thơ bình thường với những việc làm bình thuờng của người
đang trên đường cầu Phật:
Nấu cơm,
rửa bát, quét nhà
Xem kinh,
lễ Phật đều là Thiền tu.