Phật Học Online

Tổ Thứ Nhất Trung Hoa Bồ-Đề-Đạt-Ma (Bodhidharma)
(Đầu Thế Kỷ Thứ Mười Một Sau Phật Niết-Bàn)

Ngài dòng Sát-đế-lợi ở Nam Ấn, cha là Hương Chí vua nước này. Vua Hương Chí sanh được ba người con trai, Ngài là vương tử thứ ba. Thuở nhỏ, Ngài đã có chí siêu việt và đặc tài hùng biện.

Nhân vua Hương Chí thỉnh Tổ Bát-nhã-đa-la vào cung cúng dường, Ngài mới có duyên gặp Tổ. Qua cuộc nghiệm vấn về hạt châu, Tổ đã biết Ngài là người siêu quần bạt tục sẽ kế thöøa Toå vò.

Sau khi vua cha băng, Ngài quyết chí xuất gia cầu xin Tổ Bát-nhã độ làm đệ tử, Tổ hoan hỉ làm lễ thế phát và truyền giới cụ túc. Tổ bảo Ngài:

- Hoàng tử đối các pháp đã được thông suốt, nay nên đổi hiệu là Bồ-đề-đạt-ma. Từ đây, Ngài luôn hầu hạ bên thầy.

Một hôm, Tổ gọi Ngài đến truyền pháp và dặn dò:

- Ngươi tạm giáo hóa ở nước này, sau sang Trung Hoa mới thật là nhân duyên lớn. Song, đợi ta diệt độ khoảng sáu mươi năm sau sẽ đi. Nếu ngươi đi sớm, sau e có việc không tốt.

Những điều kiết hung về sự giáo hóa ở Trung Hoa sau này, Ngài đều cầu xin Tổ chỉ dạy. Tổ dùng những lời sấm ký tiên đoán sự kiết hung vận số Phật pháp ở Trung Hoa, nói có hơn mười bài kệ.

Tổ tịch rồi, Ngài vẫn ở tại nước nhà giáo hóa. Người huynh đệ đồng sư với Ngài là Phật Đại Tiên cùng chung sức giáo hóa. Thời nhân gọi hai Ngài là "Mở hai cửa cam lồ". Song, sau môn đồø của Phật Đại Tiên lại chia làm sáu tông: 1.- Hữu tướng, 2.- Vô tướng, 3.- Định tuệ, 4.- Giới hạnh, 5.- Vô đắc, 6.- Tịch tịnh, đua nhau truyền bá. Ngài thấy sự chia ly ấy, ngại cho chánh pháp suy vi. Vì thế, Ngài dùng phương tiện cảm hóa họ hồi đầu quay về chánh pháp.

Vua Nguyệt Tịnh băng, con vua là Thái tử Dị Kiến nối ngôi. Dị Kiến lên ngôi không bao lâu lại tin theo tà thuyết bài bác Phật giáo. Ngài sai đệ tử là Ba-la-đề đến cung vua để nhiếp hóa. Sau khi cải tà qui chánh, vua Dị Kiến hỏi ra mới biết Ba-la-đề là đệ tử của chú mình. Nhà vua cho người thỉnh Ngài về cung giáo hóa.

Về cung giáo hóa một thời gian, Ngài thấy cơ duyên sang Trung Hoa đã đến, bèn đem lời huyền ký của Tổ Bát-nhã-đa-la thuật lại cho vua biết. Vua không còn lời gì dám ngăn cản, đành sắm một chiếc thuyền buôn, cho thủy thủ đưa Ngài sang Trung Hoa. Vua và quần thần tiễn đưa Ngài ra tới cửa biển.

Ngài ở trên thuyền gần ngót ba năm, thuyền mới cặp bến Quảng Châu, nhằm đời nhà Lương niên hiệu Phổ Thông năm đầu (520 sau T.C.), ngày hai mươi mốt tháng chín năm Canh Tý. Thích sử tỉnh nầy ra đón tiếp Ngài, đồng thời dâng sớ về triều tâu vua Lương Võ Đế. Vua được sớ, liền sai sứ lãnh chiếu chỉ đến thỉnh Ngài về Kim Lăng (Kinh đô nhà Lương). Vua Võ Đế hỏi:

- Trẫm từ lên ngôi đến nay thường cất chùa, chép kinh, độ Tăng Ni, không biết bao nhiêu, vậy có công đức gì chăng?

Ngài đáp:

- Đều không có công đức.

- Tại sao không có công đức?

- Bởi vì những việc ấy là nhân hữu lậu, chỉ có quả báo nhỏ ở cõi người cõi trời, như bóng theo hình, tuy có mà chẳng phải thật.

- Thế nào là công đức chân thật?

- Trí thanh tịnh tròn mầu, thể tự không lặng, công đức như thế chẳng do thế gian mà cầu.

- Thế nào là thánh đế nghĩa thứ nhất?

- Rỗng rang không thánh.

- Đối diện với trẫm là ai?

- Không biết.

Vua Lương Võ Đế không lãnh ngộ được, lui về nghỉ. Ngài biết căn cơ chẳng hợp, tạm lưu lại đây ít hôm.

Đến ngày mười chín, Ngài bỏ vua Lương, lén sang sông qua Giang Bắc. Ngài nhập cảnh nước Ngụy đi đến Lạc Dương nhằm đời Hậu Ngụy vua Hiếu Minh Đế niên hiệu Chánh Quang năm đầu (520 sau T.C.) ngày hai mươi ba tháng mười một.

Ngài dừng trụ tại chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn, trọn ngày ngồi xây mặt vào vách im lặng. Tăng chúng đều không hiểu được. Người đời gọi Ngài là "Thầy Bà-la-môn ngồi nhìn vách" (Bích quán Bà-la-môn).

Có vị tăng tên Thần Quang học thông các sách, giỏi lý diệu huyền, nghe danh Ngài tìm đến yết kiến. Thần Quang đã đủ lễ nghi mà Ngài vẫn ngồi lặng yên ngó mặt vào vách không màng đến. Quang nghĩ: "Người xưa cầu đạo chẳng tiếc thân mạng, nay ta chưa được một trong muôn phần của các Ngài." Hôm ấy, nhằm tiết mùa đông (mùng chín tháng chạp), ban đêm tuyết rơi lả tả, Thần Quang vẫn đứng yên ngoài tuyết chấp tay hướng về Ngài. Đến sáng tuyết ngập lên khỏi đầu gối, mà gương mặt Thần Quang vẫn thản nhiên. Ngài thấy thế thương tình, xây ra hỏi:

- Ngươi đứng suốt đêm trong tuyết, ý muốn cầu việc gì?

Thần Quang thưa:

- Cúi mong Hòa thượng từ bi mở cửa cam lồ, rộng độ chúng con.

- Diệu đạo vô thượng của chư Phật, dù nhiều kiếp tinh tấn, hay làm được việc khó làm, hay nhẫn được việc khó nhẫn, còn không thể đến thay! Huống là, dùng chút công lao nhỏ này mà cầu được pháp chân thừa?

Thần Quang nghe dạy bèn lén lấy đao chặt cánh tay trái để trước Ngài để tỏ lòng thiết tha cầu đạo. Ngài biết đây là pháp khí bèn dạy:

- Chư Phật lúc ban đầu cầu đạo, vì pháp quên thân, nay ngươi chặt cánh tay để trước ta, tâm cầu đạo như vậy cũng khá.

- Pháp ấn của chư Phật con có thể được nghe chăng?

- Pháp ấn của chư Phật không phải từ người khác mà được.

- Tâm con chưa an, xin Thầy dạy pháp an tâm.

- Ngươi đem tâm ra đây, ta an cho.

- Con tìm tâm không thể được.

- Ta đã an tâm cho ngươi rồi.

Thần Quang nhân đây được khế ngộ. Ngài liền đổi tên Thần Quang là Huệ Khả.

Từ đây kẻ tăng người tục đua nhau đến yết kiến Ngài, tiếng tăm vang dậy. Vua Hiếu Minh Đế nước Ngụy sai sứ ba phen thỉnh Ngài, Ngài đều từ chối. Nhà vua càng kính trọng, sai sứ đem lễ vật đến cúng dường: một cây tích trượng, hai y kim tuyến, bình bát, v.v... Ngài từ khước nhiều lần, nhưng nhà vua cố quyết cúng dường, rốt cuộc Ngài phải nhận.

Mở cửa phương tiện, Ngài có dùng bốn hạnh để giáo hóa môn đồ: 1.- Báo oán hạnh, 2.- Tùy duyên hạnh, 3.- Vô sở cầu hạnh, 4.- Xứng pháp hạnh. (1)

Ở Trung Hoa gần chín năm, Ngài thấy cơ duyên đã đến, liền gọi đồø chúng hỏi:

- Giờ ta trở về sắp đến. Các ngươi mỗi người nên nói chỗ sở đắc của mình.

Đạo Phó ra thưa:

- Theo chỗ thấy của con, chẳng chấp văn tự, chẳng lìa văn tự, đây là dụng của đạo.

Ngài bảo:

- Ngươi được phần da của ta.

Bà ni Tổng Trì ra thưa:

- Nay chỗ hiểu của con, như Tổ A-nan thấy nước Phật A-súc, chỉ thấy một lần, không còn thấy lại.

Ngài bảo:

- Ngươi được phần thịt của ta.

Đạo Dục ra thưa:

- Bốn đại vốn không, năm ấm chẳng có, chỗ thấy của con không một pháp có thể được.

Ngài bảo:

- Ngươi được phần xương của ta.

Đến Huệ Khả bước ra đảnh lễ Ngài, rồi lui lại đứng yên lặng.

Ngài bảo:

- Ngươi được phần tủy của ta.

Ngài gọi Huệ Khả đến dặn dò:

- Xưa Như Lai đem đại pháp nhãn tạng trao cho Tổ Ca-diếp, lần lượt truyền đến ta. Nay ta đem trao lại cho ngươi, ngươi phải truyền trao không để dứt mất. Cùng trao cho ngươi y Tăng-già-lê và bát báu, để làm pháp tín. Mỗi thứ tiêu biểu cho mỗi việc, ngươi nên biết.

Huệ Khả thưa:

- Xin Thầy từ bi chỉ dạy mọi việc.

Ngài dạy:

- Trong truyền tâm ấn để khế hợp chỗ tâm chứng, ngoài trao ca-sa để định tông chỉ. Đời sau có nhiều người cạnh tranh nghi ngờ, họ nói "Ta là người Ấn, ngươi là người Hoa, căn cứ vào đâu mà được pháp, lấy cái gì để minh chứng?" Ngươi gìn giữ pháp y nầy, nếu gặp tai nạn, ngươi đem ra làm biểu tín, thì sự giáo hóa không bị trở ngại. Hai trăm năm sau khi ta diệt độ, y bát nầy dừng lại không truyền, vì lúc đó, Phật pháp rất thạnh hành. Chính khi ấy, người biết đạo thật nhiều, người hành đạo quá ít, người nói lý thì nhiều, người ngộ lý thì ít. Tuy nhiên, người thầm thông lặng chứng có hơn ngàn vạn. Ngươi gắng xiển dương, chớ khinh người chưa ngộ. Nghe ta nói kệ:

Ngô bản lai tư độ,

Truyền pháp cứu mê tình.

Nhất hoa khai ngũ diệp,

Kết quả tự nhiên thành.

Dịch:

 

Ta sang đến cõi nầy,

Truyền pháp cứu mê tình.

Một hoa nở năm cánh,

Nụ trái tự nhiên thành.

Ngài lại bảo:

- Ta có bộ kinh Lăng-già bốn quyển, là Phật nói tột pháp yếu, cũng giúp cho chúng sanh mở, bày, ngộ, nhập kho Tri kiến Phật, nay ta trao luôn cho ngươi. Ta từ Nam Ấn sang đây đã năm phen bị thuốc độc mà không chết, vì thấy xứ nầy tuy có khí Đại thừa mà chưa ứng hợp, nên ta lặng lẽ ngồi lâu chờ đợi. Nay đã truyền trao xong, đã có thủy ắt phải có chung vậy.

Xong rồi, Ngài cùng đồ chúng đi đến Võ môn ở chùa Thiên Thánh dừng lại ba hôm. Quan thái thú thành nầy tên Dương Huyễn Chi là người sùng mộ Phật pháp. Nghe tin Ngài đến, liền tới đảnh lễ. Ông hỏi:

- Thầy ở Ấn Độ được kế thừa làm Tổ, vậy thế nào là Tổ, xin Thầy dạy cho?

Ngài đáp:

- Rõ được Tâm tông của Phật, không lầm một mảy, hạnh và giải hợp nhau, gọi đó là Tổ.

- Chỉ một nghĩa này hay còn nghĩa nào khác?

- Cần rõ tâm người, biết rành xưa nay, chẳng chán có không, cũng chẳng cố chấp, chẳng hiền chẳng ngu, không mê không ngộ. Nếu hay hiểu như thế, cũng gọi là Tổ.

Huyễn Chi lại thưa:

- Đệ tử vì bị nghiệp thế tục, ít gặp được tri thức, trí nhỏ bị che lấp không thể thấy đạo. Cúi xin

Thầy chỉ dạy, con phải noi theo đạo quả nào? Dùng tâm gì được gần với Phật, Tổ?

Ngài vì ông nói kệ:

Diệc bất đổ ác nhi sanh hiềm

Diệc bất quán thiện nhi cần thố,

Diệc bất xả trí nhi cận ngu,

Diệc bất phao mê nhi tựu ngộ.

Đạt đại đạo hề quá lượng,

Thông Phật tâm hề xuất độ,

Bất dữ phàm thánh đồng triền,

Siêu nhiên danh chi viết Tổ.

Dịch:

Cũng đừng thấy dữ mà sanh chê,

Cũng đừng thấy lành mà ái mộ,

Cũng đừng bỏ trí mà gần ngu,

Cũng đừng ném mê mà về ngộ.

Đạt đạo lớn chừ quá lượng,

Thông Phật tâm chừ vô kể,

Chẳng cùng phàm thánh đồng vai,

Vượt lên, gọi đó là Tổ.

Huyễn Chi nghe dạy hoan hỷ đảnh lễ, lại thưa:

- Xin Thầy chớ vội tạ thế, để làm phước lợi cho quần sanh. Ngài bảo:

-Đời mạt pháp, kẻ tệ ác quá nhiều, dù ta còn ở lâu e chẳng lợi ích, mà thêm tai nạn, làm tăng trưởng tội ác cho người.

- Từ Thầy đến đây ai thường hại Thầy, xin Thầy chỉ họ, con sẽ sắp xếp.

- Nói ra ắt có tổn hại, ta nên đi vậy. Đâu cam hại người để mình được vui.

Huyễn Chi nài nỉ thưa:

- Con không hại người, chỉ muốn biết đó thôi.

Ngài bất đắc dĩ nói bài kệ:

Giang tra phân ngọc lãùng,

Quản cự khai kim tỏa.

Ngũ khẩu tương cộng hành,

Cửu thập vô bỉ ngã.

Dịch:

Thuyền con rẽ sóng ngọc,

Đuốc soi mở khóa vàng.

Năm miệng đồng cùng đi,

Chín, mười không ta người.

Huyễn Chi nghe rồi ghi nhớ, đảnh lễ Ngài lui ra.

Ở đây đúng ba hôm, Ngài ngồi an nhiên thị tịch. Hôm ấy là ngày mùng chín tháng mười năm Bính Thìn, nhằm niên hiệu Đại Thông năm thứ hai nhà Lương (529 T.C.). Đến ngày mười tám tháng chạp năm này, làm lễ đưa nhục thân của Ngài nhập tháp tại chùa Định Lâm, núi Hùng Nhĩ.

Sau, vua Hậu Ngụy sai Tống Vân đi sứ Ấn Độ về, gặp Ngài tại núi Thông Lãnh, thấy Ngài tay xách một chiếc dép, một mình đi nhanh như bay. Tống Vân hỏi:

- Thầy đi đâu?

Ngài đáp:

- Về Ấn Độ.

Ngài lại nói thêm:

- Chủ ông đã chán đời rồi.

Tống Vân ngẩn ngơ, từ giã Ngài về triều. Đến triều thì vua Minh Đế đã băng. Hiếu Trang Đế lên ngôi. Ông đem việc ấy tâu lại, vua ra lệnh mở cửa tháp giơ quan tài ra, quả nhiên là quan tài không, chỉ còn một chiếc dép. Vua sắc đưa chiếc dép về thờ ở chùa Thiếu Lâm. Đến đời Đường niên hiệu Khai Nguyên năm thứ mười lăm (728 sau T.C.) môn đồø lại dời chiếc dép về thờ ở chùa Hoa Nghiêm.

Vua phong Ngài hiệu Viên Giác Thiền Sư, tháp hiệu Không Quán.

Tập Thiếu Thất Lục Môn nói là tác phẩm của Ngài.

(1) Xem cửa thứ ba quyển "Sáu cửa vào động Thiếu Thất" của Trúc Thiên dịch.

(Trích trong "Sử 33 vị Tổ Thiền Tông Ấn-Hoa",Thanh Từ soạn, 1972, trang 157-171)

 

 

LINH THOẠI BỒ ĐỀ ĐẠT MA

Trúc Thiên

 

Tổ Ðạt Ma cỡi sóng qua Ðông Ðộ. 

Tổ Ðạt Ma vào đất Ngụy, đường đường như một kiếm khách chốn bải tần.

Tổ Ðạt Ma “đơn dao trực nhập” triều đình Lương Võ Ðế nói pháp như chuyển sóng. 

Tổ Ðạt Ma chín năm trầm hùng ngồi nhìn vách đá chùa Thiếu Lâm. 

Tổ Ðạt Ma kỳ diệu ban phép an tâm. 

Tổ Ðạt Ma cỡi bè lau về Thiên Trức. 

Tổ Ðạt Ma xách một chiếc dép phi hành trên ngọn Thông Lãnh. 

Tổ Ðạt Ma... và Tổ Ðạt Ma... 

Bao nhiêu là câu chuyện truyền kỳ kết hào quang đưa nhà sư mắt biếc đất Hồ (Bích nhãn Hồ tăng) vào Huyền Sử.

o0o
 

Từ Tung sơn, sừng sững bên vách đá chùa Thiếu Lâm, bóng Người ngả dài suốt lịch sử đông phương như một tượng trưng thuần túy của Ðạo. Ngót mười lăm thế kỉ nay, lòng người còn nghe đồng vọng tiếng Người nói ; chốn già lam còn nghe vang dội bước Người đi. 

Người đi qua không gian hiển hiện như chưa-từng-có. 
Người đi qua thời gian, hiển hiện như chưa-từng-không. 
Người đi thẳng vào sự thực, dẫm nát dư luận. 
Người đi thẳng vào lòng người, không mặt nạ. 

 oOo

Ðối vởi Người, sự thực là sự thực, không được trả giá. Trả giá với sự thực là kí kết với ma. Con người đang đi xuống quá rồi , thế đạo đang nghiêng ngửa quá rồi giữa sắc tướng ; cần cấp thời chận đứng cái đà tuột giốc ; cần vươn mình lên mở lấy một con-đường-không-đường , cần nhảy thẳng vào tâm điểm của cuộc sống, của giác ngộ. Căn bịnh đã quá trầm trọng, cần bạo tay thọc thẳng mũi đao vào tròng ung thư. Trong tinh thần vô úy ấy Người đã thét giữa những con người bé nhỏ chúng ta chơn lí tối hậu : hoát nhiên vô thánh. 

Từ huyền sử, Người trang nghiêm tô lại khung đời bằng nét đạo tâm linh. 

Sống là đạo, ngoài ra không có đạo nào khác. Ðạo nào khác đều tìm thánh mà bỏ phàm, đều ham ngộ mà ghét mê, đều bỏ đời mà cầu đạo, đều tự trói buộc mình : 

“Bất dữ phàm chánh đồng triền 
Siêu nhiên danh chi viết tổ” 
(Chẳng cùng phàm thánh sánh vai 
Vượt lên mới gọi là tổ) 

Cho nên bất cứ phương diện nào của cuộc sống cũng là đạo. Bắt nguồn tự vách núi Tung Sơn, đạo sống Thiền thấm nhuần khắp giải đất Á Ðông, nung sanh lực cho mấy ngàn năm văn hóa. 

Cho nên uống trà cũng là đạo, trà đạo : trà Thiền nhất vị. Võ thuật cũng là đạo, nhu đạo : đạo lấy mềm thắng cứng. Cắm hoa, viết chữ, bắn cung cũng là đạo : đạo luyện phép vô tâm, để cho sự vật tự nó sắp xếp lấy một cách viên mãn nhứt. 

Cho đến xách nước, bửa củi cũng là đạo : 

Bửa củi là diệu dụng 
Xách nước ấy thần thông 

(Bàng Uẩn) 

Mà rồi im lặng cũng là đạo nốt : 
Ði cũng Thiền, ngồi cũng Thiền 
Nói im động tịnh thảy an nhiên

(Huyền Giác) 


oOo

Sau khi Tổ viên tịch, “vấn đề” giải thoát được nêu lên với tất cả tinh thành của hàng đệ tử. Người ta tự hỏi nhau : “Tổ truyền gì cho Huệ Khả ? Bí quyết của pháp Phật là gì ? Huyết mạch của đạo Thiền là gì ? Thực chất của giác ngộ là gì ? v.v...”  Bao nhiêu là câu hỏì nóng hổi đặt dài theo bước chân người cầu đạo suốt mười lăm thế kỉ nay, và có thể đúc kết lại trong câu hỏi độc đáo sau đây của phép tu Thiền : 

“Như hà thị Tổ Sư tây lai ý ?”
(ý nghĩa tối yếu của việc Tổ Sư qua Tàu là gì ?)

Người ta mang câu hỏi sống chết ấy đến gõ cửa các Thiền sư. Ðáp lại tấc lòng tinh thành ấy, người ta nhận được những câu trả lời quái dị như sau:

Sư Hương Lâm nói : ngồi lâu thấm mệt ; 
Sư Cửu Phong nói : một tấc lông rùa nặng chín cân ; 
Sư Triệu Châu nói : cây bách ở trước sân, v.v... 

oOo

Lối nói ngược ngạo đó gọi là công án. Trong số 1700 công án Thiền, riêng về câu hỏi trên chiếm đến trên trăm câu, thế đủ biết Tổ Ðạt Ma luôn luôn có mặt ở khắp nẻo Thiền. Nên một ông sư Phù Tang nói : 

“Người nào lấy hư không làm giấy, lấy sóng trùng dương làm mực, lấy núi Tu Di làm bút, viết được năm chữ “Tổ Sư tây lai ý” thì sãi tôi xin trải tấm tọa cụ ra mà đảnh lễ dưới chân.” 

oOo

Sở dĩ vậy vì người nào hiểu được, chẳng hạn, câu nói “cây bách ở trước sân” (đình tiền bách thọ tử) của Triệu Châu là cùng một lúc hiểu tất cả câu nói khác, tất cả đạo Thiền, tất cả pháp Phật. Một công án là một hột bồ đề, xâu chung với vô số hột khác thành một chuỗi bồ đề vô tận; cho nên đập bể một hột bồ đề là toàn xâu cbuỗi bung ra; nắm được một công án là nắm trọn, là thông suốt tâm Phật ý Tổ.

oOo

Tuy nhiên, muốn hiểu được “ý nghĩa của Tổ Sư qua Tàu” không phải suy luận mà được, mà cần phải sống chết với nó, mang nó trong thịt da như Tôn Hành Giả mang cái niệt kim cô quanh đầu. Khi Tôn vê tròn xong công quả thì cái niệt đau khổ kia bỗng chốc hóa thành không; cũng vậy, khi người tìm đạo “quán” được một công án thì công án ấy, cũng như vô số công án khác, bỗng hóa thành vô nghĩa, thừa thải, như một trò đùa rẻ tiền.

oOo

Dầu vậy, suốt thời gian chưa quán được thì công án là một mũi tên oan nghiệt bắn thẳng vào mạng sống, nhổ không ra mà muốn chết quách cũng không chết được Ðó là tâm trạng cùng quẫn, thai nghén cho biến cố ngộ đạo. Tâm trạng ấy được ví như tâm trạng của người leo lên cây cao, miệng cắn vào một cành cây, hai tay buông thỏng giữa hư không, hai chơn không vịn được vào đâu hết. Tình cờ dưới gốc cây có người hỏi vọng lên : “ý của Tổ Sư qua Tàu là gì ?”. Người trên cây không trả lời thì không được mà trả lời thì rơi chết hốt xương.                                 (theo vô môn quan) 

Người kể câu chuyện cổ quái trên đặt câu hỏi : Chính trong hoàn cảnh ấy, chính người ấy, phải làm sao ? 

 oOo

“Phải làm sao ?”

Ðó là bí thuật của Thiền Ðông Ðộ, mà Đạt Ma là Sơ Tổ : một linh thoại của muôn đời. 

(Bài này đăng trong Tư Tưởng ĐH Vạn Hạnh Số 2 & 3 – 1968)



© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage