"Từ nhiều thế kỷ, một kiến thức thiên bẩm rõ rệt về chất hóa học vô cơ
đã cho phép các nhà sư Phật giáo sản xuất được những chiếc cà sa, tiện lợi, hợp
lý có màu vàng tươi sáng rực rỡ lâu phai. Vậy thì họ đã dùng chất gì để nhuộm?"
Những chiếc y vàng có màu sắc riêng biệt đặc thù của giới Tăng sĩ Phật giáo chủ
yếu được làm bằng loại vải bông thô nhuộm trong một dung dịch đặc biệt lấy từ gỗ
cây "Jak"- tiếng Việt Nam gọi là cây mít.
* Paramita và sự bố thí hoàn toàn:
"Jak"- một từ Sanskrit - là một loại cây rất hữu dụng. Nó là nguồn
cung cấp một loại trái cây to màu xanh lá cây nhạt, vỏ sần sùi có bày bán ở khắp
các chợ ở châu Á. "Jak" hay "Mít" có nguồn gốc từ Ấn Độ. Tại
xứ Ấn, giới tu hành còn đặt cho nó một biệt danh là cây "Paramita".
Sau đó, cây này được đem trồng ở Trung Hoa và các nước Đông- Nam châu Á. Khi
sang Việt Nam, do lối nói tắt của người Việt mà từ "Paramita" biến
thành từ "Mít" cho tới ngày nay. Tiếng Ấn Độ, từ "Paramita"
(Ba-la-mật) nghĩa là "qua bờ bên kia", và danh từ này có liên hệ đến
trí tuệ Bát nhã đem lại sự giải thoát và con đường tu theo phương tiện Lục độ
ba la mật để đạt đến sự giải thoát. Sở dĩ người Ấn Độ gọi cây "Jak"
là cây "Paramita" vì tính chất "cung ứng hoàn toàn" hay
"bố thí hoàn toàn" của cây. Người Anh không hiểu có dùng sai từ
"Jak" hay không mà lại gọi trái mít là "Jackfruit"- Có lẽ để
liên hệ đến "sự cung ứng hoàn toàn" họ ghép chữ Jack trong cụm từ
"Jack of all trades"- người đa năng, đa dụng, việc gì cũng làm được-
với từ fruit thành "Jackfruit". Do "tính chất cung ứng hoàn
toàn", cây "paramita" cho bóng mát, trái sống đem luộc làm các
món ăn, trái chín cho múi ngọt như mật, hạt luộc ăn như bánh "snack",
mủ cây làm keo dán, lá khô làm phân, thân gỗ làm nhà, đền, chùa... Phần lõi cứng
lâu năm nếu được xử lý theo kỹ thuật xưa làm các đầu xà cong vút sẽ bền nhiều
thế kỷ.
* Thuốc nhuộm vàng lấy từ gỗ mít
Các nhà sư dùng gỗ những cành mít lớn băm nhỏ ra, bỏ vào nồi lớn chế nước vào hầm
kỹ cho chất thuốc nhuộm màu vàng tan ra rồi chắt ra đem đun trong một nồi khác.
Qui trình nhuộm y gồm 20 bước riêng biệt bao gồm vài lần nhúng vào dung dịch
màu có hòa tan những tạp chất khác nhau. Những chất này tuy có nhiều tên địa
phương khác nhau nhưng những tên gọi địa chất là: đá đô-lô-mi-ơ (đá vôi có
ma-nhê và các-bô-nát), đất đỏ và những chất tương tự. Các nhà hóa học xác định
chức năng của chúng như là chất thuốc hãm màu và những chất lọc. Hỗn hợp thuốc
nhuộm như thế sẽ làm cho màu không phai sau vài lần giặt đầu tiên. Sau đó người
ta dùng kỹ thuật làm mịn vải, sạch lông bằng những chất làm mềm để mình vải
không làm sướt da các nhà sư mặc nó.
Theo quan điểm của Đông phương, màu vàng tượng trưng cho trí tuệ và tình
thương. Nhưng đằng sau sự kiện về màu y vàng lại ẩn chứa một nền văn hóa và lịch
sử phi thường. Theo quan điểm Phật giáo, việc nhuộm y là một biểu tượng mang ý
nghĩa về sự phi giá trị. Màu vàng của y là màu của trí tuệ giải thoát, vượt lên
trên mọi ý niệm trần tục của những màu sắc thế gian. Đó là màu của sự bất hoại
để xác định cho người phàm tục biết rằng người mặc nó không gợi nên một giá trị
nào về sự thu hút của trần gian. Những hình thức và nghi thức về việc đắp y là
một phương thức đặc biệt để xác định hệ thống đức tin của người mặc có nguồn gốc
từ những "Sramana"- những du Tăng đầu đà khổ hạnh của Ấn Độ thời xưa.
Truyền thống này y cứ theo tích đức Phật Thích Ca lấy vải liệm ở khu nghĩa địa
làm y phục có ý nghĩa hạn chế những ham muốn vật chất để đạt đến sự thăng hoa
và bất tử của tinh thần. Nhiều khi, những mảnh vụn vải liệm được khâu lại thành
một áo choàng không tay thô sơ bằng chỉ làm từ sợi gân của sống lá dừa. Mặc áo
này có cảm giác như mặc áo bằng giấy nhám vậy.
Qua thời gian, khi giới Tăng sĩ dần dần trở nên định cư hẳn tại một tu viện hay
tịnh xá thay cho đời sống du phương tự do, người ta định ra một màu chuẩn và những
cấu trúc ráp nối các mảnh vải để xác định thứ bậc tu hành hay tông phái mà nhà
sư tùy thuộc.
Ngày nay, ngoài sắc y vàng mà mọi người thấy ở khắp nơi, còn có y màu nâu đỏ chủ
yếu được các nhà sư xuất thế ẩn dật mặc. Ở Thái và đặc biệt ở Cam-pu-chia các
Ni cô xuất gia mặc y phục toàn trắng mà tiếng Khơ- me gọi là "Daun-
chi".
Khi đức
Phật chủ trương từ bỏ những ham muốn trần tục và đề xướng con đường Trung đạo,
ánh đạo vàng của Ngài đã tỏa sáng như màu sắc thanh thoát cao thượng của chiếc
y vàng.