TỰA
Kìa bào, kìa ảnh thoáng qua,
Kìa sương, kìa chớp, kìa là chiêm bao.
Đời biết bao là biến chuyển! Bao cuộc tranh tài đua trí, mà trong
đó lắm khi luân lý và đạo nghĩa phải bị lu mờ! Nhưng rốt cuộc, kẻ thắng
người bại, chung quy cũng chỉ là đám cỏ rêu xanh mà thôi!
Nếu trong cuộc đời sắc dục với bao nhiêu cạm bẫy, mồi giăng nhưng không
làm cho người ta lụy vào, có những kẻ thiếu niên không sa vào bể ái sóng
tình, trong lửa tham dục, hẳn đó phải là nhờ ảnh hưởng của nghiệp lành
được tích lũy từ đời trước vậy.
Trong sự chơi bời quả thật có lắm điều hứng thú. Sắc đẹp làm ta yêu, âm
thanh êm dịu làm ta thích, hương thơm làm ta ưa muốn, món ngon làm ta
thèm thuồng, nhục dục làm ta khoái lạc, giàu sang làm ta mê mẩn, danh
vọng làm ta say sưa, sự đầy đủ, sung sướng về vật chất làm cho ta cứ
tham tiếc muốn hưởng lấy mãi không thôi, khư khư giữ lấy cho riêng mình,
chẳng bao giờ muốn chia sẻ cùng người khác!
Con người khi muốn điều gì, chỉ mong sao đạt được. Nhưng nguồn gốc của
khổ não chính là ở đó! Lòng tham muốn nó hành hạ, thiêu đốt trong tâm
tưởng ta như ngọn lửa ngấm ngầm. Có tham muốn, mới dẫn đến tranh giành,
cướp giật, luôn tìm mọi cách để đạt được cho mình. Nhưng được cái này
lại tham cái khác, theo duổi mãi không thôi. Khiến cho thân tâm đều phải
khổ sở biết bao, phải làm tôi tớ, nô lệ cho dục vọng!
Giáo lý của Phật-đà cũng xuất phát từ nơi kinh nghiệm sống thực tiễn
trong đời. Bản thân đức Phật trước đây cũng là con người tầm thường như
chúng ta. Ngài cũng đã từng nếm trải công danh, phú quí, bần cùng, hạ
tiện... đủ các cảnh ngộ trong cuộc đời. Và chính trong hoàn cảnh sung
sướng nhất, có đủ mọi thứ dục lạc, của cải vật chất trong tay, mà Ngài
đã quyết dứt bỏ để đi tìm chân lý tối cao, tìm sự chân thật đời đời.
Chúng ta ngày nay, khi đạt được sự giàu sang, danh vọng, thỏa thích về
vật chất, thì chìm đắm mãi trong ấy, không còn biết tự phản tỉnh lấy
mình. Sao không tự nghĩ xem những sự sung sướng, khoái lạc ấy, liệu sẽ
kéo dài được đến bao giờ?
Thế sự là phù vân, nếu biết học theo đạo Phật, giữ lấy sự thanh bạch để
rèn luyện tinh thần ngày càng tiến đến cõi lành, xa lìa cõi ác. Như
người leo núi, muốn lên cao thì phải vứt bỏ đi những đồ vô ích nặng nề
trì kéo. Người muốn hoàn thiện bản thân cũng phải dứt bỏ đi những tình
ái trói buộc.
Hy vọng là tập sách nhỏ này sẽ giúp được ít nhiều cho những ai đang muốn
tìm theo học Phật, nhất là đối với những người mới bước đầu tìm hiểu.
Tuy nhiên, điều cốt yếu vẫn là tự mình phải thực hành, thể nghiệm lấy.
Những bậc hiền đức xưa nay, nếu chỉ nhờ đọc sách suông mà thành công thì
quả thật chưa từng có. Nhất thiết phải tự mình chiêm nghiệm và thực
hành. Có như vậy mới có thể tiếp nhận được một cách đúng đắn những tinh
hoa của đạo lý.
Sách này chia ra các phần như sau:
I. KHÁI NIỆM VỀ PHÁP. Phần này trình bày những cách hiểu khác
nhau về Pháp, và nêu lên ý nghĩa chân chánh giúp cho sự tiến hóa đạo đức
của con người.
II. VŨ TRỤ VỚI VẠN VẬT. Phần này trình bày sơ lược cách nhìn của
tôn giáo về vấn đề vũ trụ, một vấn đề mà từ xưa nay vẫn còn là một câu
hỏi lơ lửng thách thức trí tuệ con người, cho dù là trong lãnh vực khoa
học hay thần học. Ở đây chỉ nói những gì có liên quan đến nhận thức giúp
ích cho sự tu tập đạo lý mà thôi.
III. GIÁO LÝ CƠ BẢN. Phần này trình bày thuyết luân hồi và nghiệp
quả, là phần căn bản mà bất cứ ai muốn đi sâu tìm hiểu giáo lý đạo Phật
đều phải nắm vững, cho dù là người tu hành tại gia hoặc xuất gia.
IV. TỨ DIỆU ĐẾ VÀ THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN. Là những chân lý về cuộc
đời do đức Phật chỉ ra. Nhận rõ những chân lý này thì con người có thể
vững bước tiến lên địa vị giải thoát mọi khổ não luân hồi.
V. THIỀN ĐỊNH. Phần này giới thiệu về phương pháp tham thiền, một
phương tiện vô cùng hiệu quả giúp người tu hành mau đạt được sự giải
thoát. Và không giống như nhiều người lầm tưởng, thiền định không chỉ
dành riêng cho các bậc cao siêu muốn giác ngộ hoàn toàn, mà trái lại nó
có thể giúp ích rất nhiều cho chính chúng ta, những người tầm thường
trong cuộc sống hàng ngày đầy dẫy những nhiễu nhương, cám dỗ này.
VI. NIẾT-BÀN. Phần này nói qua về cảnh giới tối cao của người tu
học nhắm đến. Những người bước đầu học Phật, hầu hết đều nôn nóng muốn
tìm hiểu xem cảnh giới giải thoát cuối cùng ấy là như thế nào. Nhưng
thật ra khi con người chưa đạt được sự giác ngộ hoàn toàn thì Niết-bàn
vẫn chỉ là một cái tên gọi không hơn không kém, và con người dù có dùng
bao nhiêu sách vở, câu chữ để miêu tả về nó cũng chỉ như người mù tả
cảnh mà thôi. Chỉ với những ai đã chứng nhập vào cảnh giới ấy mới có thể
thực sự hiểu được Niết-bàn là như thế nào. Phần này sẽ nêu lên cách
hiểu về Niết-bàn đúng đắn nhất, có lợi nhất cho người tu tập.