I. DẪN NHẬP
Hôm nay đầu năm hội đủ duyên lành, chúng tôi lại tiếp tục về đây chia sẻ
chút ít giáo lý cùng tất cả quý vị. Bài pháp ngày hôm nay giống như một
bài tâm sự trên bước đường tu học. Trước khi đi vào đề tài, tôi xin đưa
ra vài vấn đề như sau.
Cách đây khoảng một tháng có một Phật tử đến nói với tôi rằng: “Nếu
như ngày xưa Đức Phật chỉ bày duy nhất một pháp môn thôi, ví dụ một là
thiền, hai là tịnh, ba là mật…hoặc là Pháp Hoa tông, Luật tông, Thiên
Thai tông, Hoa Nghiêm tông… thì giờ tốt biết mấy. Vì con thấy không chỉ ở
Việt Nam mà ngay cả ở Nhật Bản, Trung Hoa hay tất cả các nước tu học
theo tinh thần Phật giáo thì thường có những xung đột, dù không có gì là
lớn lắm giữa các Phật tử theo các tông phái khác nhau”. Tôi có trả lời rằng: “Dù
cho mình có trí tuệ đầy khắp tam thiên đại thiên thế giới như Ngài Xá
Lợi Phất thì cũng không bằng Đức Phật. Đức Phật thấy suốt, biết hết nên
Ngài mới tùy căn cơ của chúng sinh mà bày ra các phương tiện khác nhau”.
Quý vị thấy trong một gia đình có năm người con thì có phải năm đứa con
đều là bác sĩ hết không? Cũng có người làm nghề này hoặc nghề khác chứ
không giống nhau, huống chi tâm bệnh của chúng sinh rất nhiều, nếu không
dùng nhiều pháp môn, không dùng nhiều phương pháp chữa trị thì chúng
sinh không hết bệnh. Với phương tiện thiện xảo, Đức Phật đã đưa ra rất
nhiều pháp môn. Khi Phật nhập Niết bàn, chia ra hết thảy hai mươi bộ
phái, trong đó có hai phái lớn: Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ. Sau này
qua Trung Hoa tiếp tục chia thêm mười tông phái nữa: Hoa Nghiêm tông,
Luật tông, Pháp Tướng tông, Tịnh Độ tông, Mật tông, Thiền tông… Bởi vì
chúng sanh trong cái cộng nghiệp với nhau còn có cái biệt nghiệp riêng.
Chẳng hạn sinh ra là người Việt Nam thì đó là cộng nghiệp, nhưng trong
cái cộng nghiệp đó lại có những biệt nghiệp riêng, như năm vừa rồi ở Hà
Tĩnh, Quảng Nam, Đà Nẵng bị lũ lụt, nhưng ở Sóc Trăng lại không bị. Cộng
nghiệp thì chung nhưng mỗi chúng sanh có những biệt nghiệp riêng. Tâm
bệnh của chúng sinh cũng như thế. Nghe xong, Phật tử lại hỏi tiếp: “Nhưng
tại sao có vị Thiền sư nổi tiếng là Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ, sau khi
ngộ với ngài Pháp Nhãn thuộc tông Pháp Nhãn, lại xiển dương tông Tịnh Độ?”.
Do
những vấn đề trăn trở đó, hôm nay chúng tôi xin chia sẻ và nêu ra cho
quý vị thấy. Hiện giờ trên đất nước Việt Nam mình tuy rất nhiều tông,
nhưng chủ yếu vẫn là ba tông chính: Thiền, Tịnh, Mật. Sau một thời gian
nghiên cứu và tu tập thì chúng tôi thấy ba pháp đó thực chất vốn là một.
Bởi vì sao? Vì trong tinh thần tu học của nhà Phật vừa có sự cũng lại
vừa có lý. Có lúc Đức Phật nói về sự, có lúc Đức Phật nói về lý. Trong
Tứ Liệu Giản, Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ nói: “Có
Thiền, có Tịnh độ cũng như cọp mọc sừng. Không Thiền, không Tịnh Độ,
giường đồng cùng cột sắt. Muôn kiếp và nghìn đời, không một người cứu
giúp”. Có nghĩa là nếu chúng
ta tu Thiền lại thêm tu Tịnh độ nữa thì có sức mạnh giống như cọp mọc
thêm sừng. Nhưng trong Thiền tông lại có câu chuyện: Có vị tăng hỏi
Thiền sư Triệu Châu: “Niệm Phật là sao?”. Đáp rằng: “Lão tăng niệm Phật một câu thì phải xúc miệng ba ngày”.
Do câu nói này nên ngày nay, Phật tử thậm chí cả chư Tăng chưa nắm bắt
được kỹ hay đem vấn đề này ra bàn cãi. Thực ra tại mình chưa hiểu chứ
trong giờ phút đó, vì vị tăng này chấp chặt vào câu niệm Phật quá nên
Thiền sư muốn nhổ đinh tháo chốt để cho ông tiến thêm một bước nữa.
Có một Phật tử kể rằng ngày xưa anh tu theo pháp môn Tịnh Độ rất đắc lực. Một hôm anh đến gặp Hòa thượng Vạn Đức, hỏi rằng: “Niệm Phật là gì?” Thấy anh đã chín muồi, Hòa thượng bèn nói một câu thật mạnh: “Niệm Phật là vọng tưởng”.
Ngay tức khắc anh ngộ, bây giờ sống rất thanh thản và an ổn. Nhưng đó
là với người tu đã có một thời gian công phu lâu thì Hòa thượng mới nói
vậy, mục đích là đẩy hành giả đi sâu hơn nữa, chứ còn đối với những
người sơ cơ, mới bước vào Đạo, nếu nói niệm Phật là vọng tưởng thì chắc
họ bỏ niệm Phật luôn rồi lại tạo các ác pháp.
Ngài Ajahn Chah có kể lại rằng, một hôm có người hỏi Ngài: “Thưa Sư, Ngài Ajahn Chah là gì? Là vị nào?”. Thấy người này chưa hiểu nhiều về giáo pháp, nên Ngài chỉ vào mình và trả lời: “Thiền sư Ajahn Chah là tôi đây”. Một lần khác, một hành giả khác hỏi: “Thưa Sư, Thiền sư Ajahn Chah là ai?”. Nhìn biết người này công phu đã thuần thục, Ngài nói rằng: “Trên đời này chẳng có ai là Ajahn Chah cả”. Rồi có một lần, một cư sĩ người Mỹ đến hỏi Thiền sư Ajahn Chah: “Tại
sao có lúc Ngài nói ngã, lại có lúc Ngài nói vô ngã, rồi có lúc Ngài
nói thiện, lại có lúc nói phi thiện, rồi có lúc Ngài nói Phật, lại có
lúc nói không có Phật?”. Thiền sư trả lời: “Ví
như có một người đi trên bờ ruộng, bị ngả sang bên trái thì lúc này
phải làm gì? Phải nâng đỡ họ sang bên phải. Nếu người đó đi ngả sang bên
phải thì phải nâng đỡ họ đi sang bên trái. Đó chỉ là phương tiện thiện
xảo nhiếp hóa chúng sinh”.
Như
vậy quý vị thấy, đối với người mới biết tu mà nghe nói trên đời này
không có Thiền sư, không có Phật, Pháp, Tăng, không có thiền, không niệm
Phật thì chắc chắn người ta sẽ tạo ác pháp mà đọa địa ngục. Còn người
tu lâu năm, thuần thục rồi, muốn nhổ được cái gốc đó thì các Ngài lại
dùng cách để đẩy người đó tự vươn lên.
Cho nên trong Kinh Lăng Già, Đức Phật dạy:
Ta đêm ấy thành đạo
Đến đêm ấy Niết Bàn
Ở trong khoảng giữa này
Ta trọn không có nói
Duyên tự đắc pháp trụ
Nên ta nói thế ấy
Phật kia cùng với ta
Thảy không có sai biệt.
Trong
suốt 49 ngày đêm tọa thiền, Đức Phật ngộ nhập tri kiến Phật, thấy rất
rõ ràng pháp này không có lời nói, không có văn tự. Mà chúng sanh thì
quá nhiều tham dục, nếu nói pháp này, ai sẽ tin? Đức Phật do dự, định
nhập vào cõi Vô dư Niết bàn, không giáo hóa chúng sinh. Lúc này Phạm
thiên ba lần thưa thỉnh xin Đức Phật dùng phương tiện thiện xảo giáo hóa
chúng sinh. Chúng sanh tuy còn mê muội nhưng trong sự mê muội đó vẫn có
hạt giống tri kiến Phật, do đó Đức Phật mới phương tiện nói ra ba thừa,
mười hai phần giáo, hay nói khác hơn là lập ra nhiều tông phái chủ yếu
là để nhổ gốc si ái của chúng sinh. Quý vị thấy bên Thiền, bên Tịnh, bên
Mật, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa…, tất cả các pháp môn, ai là thủy tổ? Đều là
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Chẳng
hạn một ngọn núi trên đó có một ngôi chùa. Có ba đường để đi đến ngôi
chùa đó: đường phía Đông, đường phía Tây và đường phía Nam. Người ở
hướng đông thì đi đường phía đông, người ở hướng tây thì đi đường phía
tây, người ở hướng nam thì đi đường phía nam. Dù đi đường nào nhưng cuối
cùng ba người đều gặp nhau ở ngôi chùa, bởi vì mục đích chung của chúng
ta khi tu là khiến tâm bình, trí sáng để đạt tới chỗ cứu kính viên mãn
đó.
Cho nên ngày hôm nay, chúng tôi muốn chia sẻ cùng quý vị đề tài “Tịnh độ - Nơi ấy, bây giờ và ở đây”,
cốt là nêu lên lý Tịnh độ để quý vị nhận thấy bên cạnh cái sự mà Đức
Phật dạy còn có một cái lý uyên áo ẩn sâu trong đó, để từ đó quý vị nhảy
vọt và đi thẳng vào miền Cực lạc của Đức Phật. Sau khi nắm bắt được
rồi, nếu ai có duyên tu Thiền thì cứ mạnh dạn tu, nếu ai có duyên tu
Tịnh Độ thì cũng cứ mạnh dạn tu. Tất cả đều đúng hết, không có sai.
II. MỖI BƯỚC ĐI LÀ VÀO CÕI TỊNH
Chữ “Tịnh”,
là tiếng Hán, Việt dịch ra là không có sự ô nhiễm của tham, sân, si,
mạn, nghi, ác kiến, tật đố, ghen ghét, nếu còn các tâm đó thì không gọi
là tịnh nữa. Chữ “Độ” nghĩa
là cõi, mà cõi đó nếu còn những ngọn lửa tham dục, lửa hận thù, lửa si
mê, lửa ảo vọng thì không phải là cõi Tịnh. Có nghĩa là nếu mười phương
cõi Phật còn có những thứ lửa đó thì không gọi là cõi Tịnh nữa. Rõ ràng
như vậy.
Trong
Thiền thoại có kể, Thiền sư Bạch Ẩn giáo hóa đồ chúng rất nhiều, Ngài
cũng dùng nhiều phương tiện thiện xảo để nhiếp phục chúng sinh. Một hôm
có anh cư sĩ cũng thân tín với Thiền sư đến thiền viện với vẻ mặt rất
buồn. Thiền sư hỏi nguyên nhân, anh mới đáp rằng: “Con
có một người cha, con cũng rất muốn cha ngày ngày niệm Phật, tụng kinh,
sám hối, tu tập và làm các việc thiện pháp. Con nói với cha rằng, cha
cũng lớn tuổi rồi, hãy nên tụng kinh, niệm Phật đi thôi, còn đợi đến lúc
nào nữa. Nhưng cha con lại
bảo rằng: ‘Nếu ta niệm Phật một câu mà văng ra một đồng tiền thì ta
niệm, còn nếu không thì ta niệm làm gì?’. Thế nên con rất buồn”.
Thiền sư Bạch Ẩn bảo anh về nói với cha, cứ một câu niệm Phật thì thầy
trả một đồng, mười câu trả mười đồng. Ông cha nghe nói vậy thì chịu niệm
Phật. Ngày đầu tiên chưa thuần thục, ông chỉ niệm được một hai trăm
câu. Trước cửa nhà ông bán hàng tạp hóa. Một hôm ông suy nghĩ rằng: “Xưa
nay mình có từng niệm Phật đâu mà hôm nay ngồi ở đây niệm Phật, thế nào
cũng có khách hàng đến hỏi thăm. Nói dối thì kỳ quá, còn nếu để họ biết
mỗi một câu niệm Phật, mình lại được Thiền sư trả cho một đồng, họ tìm
đến Thiền sư xin niệm Phật, chẳng phải là mình mất mối làm ăn sao”.
Nghĩ vậy, ông lên tầng lầu thứ ba, đóng cửa kín như nhập thất, không cho
người nhà con cái quấy rầy để yên tĩnh niệm Phật. Từ đó về sau ông
chuyên tâm niệm Phật. Trong chùa có bao nhiều tiền, Thiền sư Bạch Ẩn đều
dùng để trả ông hết, có khi phải bán cả lư hương, bình bông… Một hôm
ông đang ngồi lần xâu chuỗi, tự dưng xâu chuỗi bị rơi xuống, ông cũng
ngồi im luôn. Ông ngồi như vậy từ sáng đến tối, không ăn không uống.
Sáng hôm sau, người con trai lên trình với Thiền sư Bạch Ẩn. Khi Thiền
sư đến thấy ông vẫn đang tiếp tục ngồi, khuôn mặt hồng hào, thảnh thơi,
an ổn, Thiền sư nói: “Cha con đạt đến chỗ chánh định rồi”. Vậy tại sao đạt đến chỗ chánh định? Niệm đến chỗ không còn niệm nữa, nghĩa là vô niệm, mà vô niệm đồng với chỗ Lục Tổ dạy: “Vô niệm làm tông, vô tướng làm thể, vô trụ làm gốc”.
Tôi
xin khẳng định đến giai đoạn rốt ráo thì Thiền và Tịnh là một. Khi mình
ra đường, đạp phải cây gai, đã trót dính vào chân rồi, muốn nhổ bỏ nó,
ta phải làm gì? Ngày xưa chưa có kim, phải dùng một cây gai khác để lể
cây gai này ra. Nhưng khi nhổ bỏ ra được rồi, có ai lại khờ dại lấy cây
gai đang lể kia đâm lại không? Không, đúng không? Cho nên khi ông cha
buông câu niệm Phật rồi thì đến chỗ vô niệm, mà vô niệm chính là tông.
Như vậy tông chỉ giữa Thiền và Tịnh gặp nhau.
Trở lại câu chuyện trên, sau khi ông cha xả ra, không ngồi nữa, Thiền sư Bạch Ẩn lại nói rằng: “Giờ ông đã đạt đến chỗ chánh định rồi, tôi sẽ trả cho ông một trăm ngàn tiền vàng”. Lúc này ông già mới nói rằng: “Cho
dù thầy trả cho con hết cả thế giới này, con cũng không cần. Ngày xưa
con không hiểu, con xin sám hối thầy. Con có bao nhiêu tiền ngày trước
lấy của thầy, con xin trả lại hết, con không cần nữa. Cuộc đời con hôm
nay chỉ có đi trên con đường lộ trình giải thoát tâm linh thôi”. Đó cũng chính là tinh thần của nhà Thiền “trước dùng dục câu dắt, sau dùng trí mà nhổ”.
Cũng có nghĩa là trước dùng tiền để trả cho câu niệm Phật, nhưng sau
khi đạt đến chỗ chánh định viên mãn rồi thì tức khắc bao nhiêu sự việc
trong cuộc đời này đều nhàm chán hết, cho nên mới thẳng đến chỗ trung
tâm giác ngộ hoàn toàn. Nghĩa là quý vị phải một phen mạnh dạn buông xả
mới đến thẳng được đất Phật, cho dù có tu pháp môn nào cũng vậy.
Trong
Kinh Kim Cang, Đức Phật khẳng định, một người mượn thuyền chèo qua sông
nhưng khi đến bờ kia rồi thì phải bỏ thuyền lại. Có ai còn vác thuyền
theo không? Giáo pháp của Đức Phật cũng như vậy, như ngón tay chỉ mặt
trăng, như chiếc bè qua sông, “pháp còn phải bỏ, hà huống phi pháp”, còn chủ đích của chúng ta là thâm nhập vào pháp tạng, chứng nghiệm vào con đường tâm linh.
Trong Kinh Tương Ưng Bộ có ghi lại: Trong một khu rừng lớn, Đức Phật bứt một nắm lá rồi hỏi đại chúng:
- Này các Tỳ kheo, các ông xem nắm lá trong tay ta nhiều hay lá trong rừng nhiều?
- Bạch Đức Thế Tôn, lá trong rừng nhiều hơn lá trong nắm tay Đức Thế Tôn.
- Cũng như thế, cái ta nói cho các ông giống như lá trong nắm tay, còn cái ta chứng nghiệm được thì giống như lá trong rừng.
Cũng
vậy, ba Tạng Kinh điển, những pháp môn mà chư Phật, chư Tổ, các Thiền
sư đưa ra giống như lá nắm trong tay. Nếu quý vị muốn thâm nhập vào biển
pháp tạng mà Đức Phật chưa từng nói ra thì phải ngay nơi tự thân mình
mà chứng nghiệm chứ không phải ở đâu khác, mà muốn chứng nghiệm được thì quý vị phải một phen buông xả.
Thiền sư Bạch Ẩn sau khi thâm nhập vào chỗ này, Ngài nói một bài kệ:
Trong động Tất bát la
Không có bài kinh này
Đồng thọ không lời dịch
A Nan chưa từng nghe.
Sau
khi Phật nhập Niết bàn, Tổ Ca Diếp vân tập 500 vị A la hán vào trong
động Tất bát la để kiết tập ba tạng kinh, luật, luận, nhưng trong đó
không có bài kinh này. Đồng thọ tức là Ngài Cưu Ma La Thập cũng không có
lời mà dịch, dịch sao được kinh này? Mà Ngài A Nan cũng chưa từng nghe
qua bộ kinh này. Quý vị thử nghĩ xem bộ kinh này là bộ kinh gì? Chính là
bộ kinh sống của quý vị. Muốn có bộ kinh sống này, quý vị phải một phen
mạnh dạn buông xả, dấn thân vào con đường này. Chỉ khi nào buông xả
hoàn toàn thì quý vị mới nhảy vào chỗ Tịnh độ, mới tới miền cực lạc của
Đức Phật A Di Đà được. Tôi xin khẳng định như vậy.
Có
câu chuyện về một vị Lạt ma Tây tạng có thể dùng thần thông giúp một
người tịch ngay tại chỗ, thần thức bay về cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di
Đà. Sau khi giảng pháp xong, Ngài hỏi đại chúng ai muốn lên cõi Tịnh độ
của Phật A Di Đà thì tất cả mọi người đều muốn. Nhưng đến lúc hỏi cụ thể
từng người thì người bận nhà chưa cất, người thì con gái chưa gả chồng,
hoặc người thì tiền ngân hàng chưa lấy ra… ai cũng bận việc này việc
nọ, không có ai đi được. Chỉ duy nhất có một đứa nhỏ là đi được, vì cha
mẹ nó đã chết, căn nhà lại vừa bị cháy. Vậy câu chuyện này nói lên điều
gì? Đó chính là tinh thần buông xả, không chấp trước chứ không phải là
buông xả theo kiểu quý vị về nhà bán nhà cửa, không lo làm ăn gì. Buông
xả theo tinh thần của nhà Thiền là từ khước mọi tham đắm, dục nhiễm
nhưng không từ khước cuộc sống này. Vẫn làm ăn, vẫn cho con ăn học, vẫn
tu tập, vẫn chuyển hóa, nhưng qua cảnh giới nào chúng ta cũng đều suốt
qua hết, không trụ. Đó là đạt đến chỗ “lý sự viên dung”. Người hành giả
đã thấy được chỗ đó rồi tự nhiên rất an ổn. Nếu mình tin chắc pháp mình
tu thì “mặc ai biếm mặc ai dèm, lấy lửa đốt trời nhọc xác thêm”, có
nghĩa là ai bàn cãi gì thì bàn cãi, mình đừng tham gia vào, cứ tu thôi.
Ví dụ mình niệm Phật thì một lòng niệm Phật, mình tu thiền thì một lòng
tu thiền… đừng thấy người ta chê
bai pháp này mình lại chê theo, vì mình chưa thâm nhập được chứ những
vị thầy lớn có nhiều năm công phu tu tập rồi thì tự nhiên rất thông cảm
với nhau, giữa Thiền, Tịnh, Mật đều thông cảm hết.
Quý
vị nhớ khi Đức Phật A Di Đà đứng tiếp độ chúng sinh, Ngài giơ tay phải
hay tay trái? Tay phải, đúng không? Biểu tượng bên tay trái là “nghịch
chiều sanh tử”, còn bên tay phải là “thuận chiều Niết bàn”. Lý này rất
sâu. Biểu tượng Ngài đưa ra là Ngài sẵn sàng cứu vớt chúng sinh, nghĩa
là nếu chúng sanh nếu nắm được tay Ngài rồi thì tức là thuận chiều với
Niết bàn, nghĩa là trở về với miền sâu thẳm trong tâm thức của mình chứ
không có gì lạ hết.
Thiền sư Vĩnh Minh, tổ thứ sáu của tông Tịnh độ dạy: “Nếu
tâm thanh tịnh thì hóa sanh nơi cõi tịnh, đài hương cây báo. Nếu tâm
cấu nhiễm thì bẩm thọ thân hình nơi cõi nhơ uế, hầm hố, gò nổng, đó là
quả cân xứng nhau, có thể cảm nên tăng thượng duyên. Vì vậy rời tự tâm
không có lý thể nào khác”. Nếu tâm thanh tịnh thì khi nhắm mắt tức
khắc biến hiện ra những cõi tịnh, đài hương cây báo. Còn nếu tâm cấu
nhiễm, nhơ uế thì hiện về nơi hầm hố, gò nổng. Đó gọi là nghiệp cảm
duyên khởi tương ưng hình thành nên các pháp, mà hình thành nên các pháp
là do tâm của chúng sinh biến hiện nên.
Tôi
xin hỏi quý vị, trong Kinh A Di Đà, Đức Thế Tôn nói pháp cho ai? Cho
Tôn giả Xá Lợi Phất đúng không? Nhưng tại sao Đức Phật không nói cho
Ngài Mục Kiền Liên, Ngài Đại Ca Diếp, Ngài Phú Lâu Na, Ngài A Nan …mà
lại nói cho Ngài Xá Lợi Phất? Quý vị khi xem kinh, đọc sách, lúc nào
mình cũng phải đặt dấu hỏi để cho trí mình sáng chứ không phải kinh nói
sao mình nghe vậy. Tôn giả Xá Lợi Phất là Đệ nhất trí huệ, là nguyên
soái chánh pháp, là bậc thượng thủ trong giáo đoàn của Đức Phật ngày
xưa. Ở đây tiêu biểu rằng Đạo Phật không phải là mê tín dị đoan mà chính
là đạo của trí tuệ. Chỉ
bậc có trí tuệ mới nhận và tin được pháp môn Tịnh độ, chứ không phải
như nhiều người cho rằng Tịnh độ là dành cho những người căn cơ thấp
kém.
Chúng
ta nhớ trong Kinh A Di Đà, Đức Phật dạy nếu sanh về cõi Cực Lạc thì
nghe ai nói pháp? Nghe nước, chim, cây, rừng… thảy đều niệm Phật, niệm
Pháp, niệm Tăng. Đặt tiếp một dấu hỏi: tại sao Đức Phật nói khi chúng ta
lên cõi Cực lạc không nói “thấy” mà chỉ “nghe”? Ở đây Đức Phật nhằm chỉ
cái gì? Trong Kinh Lăng Nghiêm, có 25 vị thánh bày ra các pháp môn
nhưng chỉ có pháp môn “phản văn văn tự tánh” của Bồ Tát Quán Thế Âm là
duy nhất trong cõi Ta Bà này. Mắt chỉ có thể nhìn trước, nhìn xung quanh
nhưng không thể nhìn ra phía sau nên chỉ có 800 công đức. Còn lỗ tai có
thể nghe tứ phía nên được 1200 công đức. Từ đó quý vị thấy, muốn đặt
chân vào cõi Tịnh độ phải “phản văn văn tự tánh”, nghe mà không chạy
theo tiếng. Chẳng hạn như ai đó chửi mình, mình nghe hết nhưng không
chạy theo tiếng thì sẽ không phiền não, tức là nghe mà không trụ vào cái
nghe đó. Bởi vì sao? Phật là giác, Pháp là chánh, Tăng là tịnh. Chỉ cái
điểm đó để chúng ta thấy mỗi pháp môn chỉ bày về một lý thể tuyệt đối
mà mỗi hành giả phải tự mình dấn thân vào con đường này. Quý vị đều hiểu
sự rồi cho nên ngày hôm nay chúng tôi muốn nêu lên cho quý vị hiểu rõ
cái lý tuyệt đối đó, bởi vì pháp môn này sâu thẳm, vi diệu, nếu chúng ta
không có niềm tin lớn, kiên định tu tập để chuyển hóa nội tâm thì cũng
chưa đặt chân vào cõi Phật đó được.
Trong Ngũ Đăng Hội Nguyên, có một ông tăng hỏi Thiền sư Quy Tịnh về việc Thiền sư Triệu Châu bị một ông tăng hỏi: “Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang?”, Triệu Châu đáp: “Cây bách trước sân.”
Thiền sư Quy Tịnh nói: Tôi nói với ông, ông có tin chăng?
Tăng thưa: Lời của Hòa thượng là quý trọng, con đâu dám chẳng tin.
Quy Tĩnh nói: Ông nghe giọt mưa rơi ở thềm nhà chăng?
Có
nghĩa là ngay trong giờ phút thực tại đó mình không nghe lại chính
mình, mà ngược lại mình hỏi cái chỗ ý Tổ sư từ Ấn Độ sang, mà ý Tổ sư từ
Ấn Độ sang là chuyện quá khứ rồi, tức là trong giờ phút hiện tại là mất
mình, huống chi chuyện đó là chuyện của người khác, không phải chuyện
của mình. Cũng như thế trong cuộc sống giữa đời thường này, nếu quý vị
luôn luôn đặt mình trong giờ phút thực tại thì bảo đảm chúng ta sẽ ít
phiền não. Chúng ta có được như thế không? Chẳng hạn như mình đang ngồi
rất yên ổn, tự dưng nhìn thấy người hàng xóm đi ra ngoài, mình lại khởi
niệm: “Ủa, sao mới 5 sáng mà nó đi đâu sớm vậy?”
Như vậy là phiền não đến. Mà chuyện đó lại là chuyện của thiên hạ,
không phải chuyện của mình. Hoặc lại một hôm nào đó, thấy bà người quen,
nhà không nuôi heo, nhưng lại mua hai, ba bó rau muống, thế là mình lại
nói: “Gạo hôm nay mắc rồi, nên bà ăn rau muống trừ cơm”. Nếu người ta nghe được, có phải sẽ quay lại chửi mình: “Chuyện hết gạo là chuyện của tôi, mắc mớ gì đến cô”.
Thấy không? Tự dưng mình buồn khổ, phiền não. Là do ai? Do mình. Thiền
sư Quy Sơn nói rất mạnh là “đem phân bỏ vào tâm của mình”, tức là mình
đem chuyện thiên hạ để thị phi, phải quấy, hơn thua thì chính là chúng
ta đã đem phân bỏ vào trong tâm của mình làm cho nó nhơ, nó xấu. Cho nên
các Ngài muốn kéo mình trở về trong giây phút thực tại đó nên mới nói “Ông có nghe tiếng giọt mưa rơi trước thềm nhà chăng?”.
Lúc này ông tăng chợt khai ngộ, kêu lên: “Chao!”
Thiền sư Quy Tịnh lại nói: Ông thấy đạo lý gì? Nói thử coi.
Ông tăng đáp rằng:
Giọt mưa mé thềm
Rõ ràng từng giọt
Đập nát càn khôn
Liền đó tâm dứt.
Tức
là nghe từng tiếng rõ hết nhưng không chạy theo tiếng. Mà không chạy
theo tiếng có nghĩa là phiền não, cấu nhiễm trong tâm dứt, tâm vọng
tưởng, vô minh kéo dài trong nhiều đời nhiều kiếp ngay đó dứt, cho nên
liền đó đập nát càn khôn, cũng ngay đó ánh sáng giác ngộ hiện tiền, lúc
này không có những ngọn lửa tham dục, lửa hận thù, lửa si mê, lửa ảo
vọng… tức là đã tịnh hóa tâm của mình.
Tu
chỉ đơn giản vậy thôi chứ không khó. Nếu quý vị muốn từ bỏ chuyện thị
phi, muốn từ bỏ tâm tật đố, ganh ghét mà phải dời non lấp bể thì còn nói
khó quá, không làm được. Nhưng ở đây Đức Phật không bảo quý vị dời non
lấp bể, chỉ bảo chúng ta dừng lại, nhìn những niệm khởi lên và chuyển
hóa thì tức khắc thành tựu. Rất đơn giản, rất dễ. Nhiều khi các Thiền sư
nói dễ như ăn ớt. Dễ không? Nếu cay quá thì uống nước lạnh vào là hết
chứ gì? Chuyện này là ngay nơi mình, không ngoài đâu khác, ngay nơi tâm
của mình, mình chuyển hóa không chạy theo, tức là chúng ta đã dừng được
nghiệp.
Xin
hỏi tiếp quý vị, Đức Phật A Di Đà còn có những biệt hiệu nào nữa? Là Vô
lượng Thọ, Vô lượng Quang, Vô lượng Công đức. Nếu ai thâm nhập được vào
biển tánh trí huệ của Đức Phật A Di Đà, thì mình được Vô lượng Thọ, mà
vô lượng thọ thì không có chết, Vô lượng Quang thì ánh sáng trùm khắp,
mà ngay trong giờ phút đó mình được diệu dụng năng lực, đó là Vô lượng
Công đức.
Trong Thiền thoại Tinh Vân, một hôm có ông tăng đến hỏi Thiền sư Triệu Châu: “Người nào là thầy của mười phương chư Phật?” Thiền sư đáp: “Nam mô A Di Đà Phật”.
Bởi vì sao? Mười phương chư Phật muốn thành tựu quả Phật cuối cùng, ngộ
nhập tri kiến Phật là từ đâu? Từ Vô lượng Thọ, Vô lượng Quang, Vô lượng
Công đức mới thành tựu được mười hiệu “Như Lai, Ứng cúng, chánh biến
tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Điều ngự trượng phu, Vô
thượng sư, Phật, Thế tôn”. Ông tăng vẫn chưa ngộ, lại hỏi: “Như vậy Nam mô A Di Đà Phật là ai?” Thiền sư nói: “Là đệ tử của ta”.
Đến đây quý vị có hiểu không? Tại sao Đức Phật A Di Đà lại là đệ tử của
Ngài? Ở đây, tôi xin nói một chút về điểm này để quý vị thấy rõ. Có một
lúc nào quý vị yên lặng, thanh tịnh rồi mà tự nhiên dấy lên một niệm
trụ vào chỗ thanh tịnh đó thì tức khắc Phật A Di Đà biến mất. Hoặc khi
mình ngồi thiền mà mong cầu có chỗ sở đắc, sở ngộ thì chính là ngay
trong giờ phút thực tại đó, tịnh biến thành động. Bởi cái tịnh đó nó đối
với cái động, động tịnh dung nhiếp với nhau. Nhưng cái gì thấy được
giữa cái tịnh, cái động đó. Nên khi mình khởi niệm: “Hôm nay tôi ngồi được thanh tịnh quá” thì đã mất thanh tịnh. Ngay giờ phút thực tại đó ông không sống mà còn hỏi “Nam mô A Di Đà Phật là ai?”, cho nên Ngài mới phá luôn “Là đệ tử của ta”.
Nghe trả lời vậy, ông tăng giật mình, ngay giờ phút thực tại đó bặt
vọng tưởng, không một niệm suy nghĩ tức khắc ông khai ngộ.
Một hôm Thiền sư Pháp Loa đến hỏi Ngài Điều Ngự (Sơ tổ Trúc Lâm): “Khi muôn dặm mây tạnh thì thế nào?” Tổ đáp: “Mưa tầm tã”. Có nghĩa trong giờ phút thực tại đó, “khi muôn dặm mây tạnh” là pháp
thân sáng rỡ, rõ ràng, là chỗ sáng sủa, chỗ thanh tịnh, yên ổn mà ông
còn hỏi nữa, mà còn hỏi là còn động nên nói là “mưa tầm tã”. Thiền sư
Pháp Loa lại hỏi tiếp: “Khi muôn dặm mây che kín thì thế nào?”, tức có nghĩa là trong lúc mình ngồi thiền hoặc niệm Phật vọng tưởng, tối om, suy nghĩ tùm lum đủ thứ chuyện. Tổ đáp: “Trăng sáng vằng vặc”,
có nghĩa là ông biết ông đang bị vọng tưởng, vô minh, tham dục, thèm
khát ái…, nhưng ai biết được sự này, tức là ông sáng, ông hỏi nghĩa là
ông sáng. Cho nên Thiền sư Huyền Giác đã khẳng định: “Ai vô niệm, ai vô sanh?”
Ai đứng ở chỗ này? Tức có nghĩa là có ông chủ bên trong. Có ông chủ bên
trong thì quý vị mới sáng được, cho nên mới nói là “trăng sáng vằng
vặc”
Trong
Thiền thoại có ghi lại câu chuyện: có hai vị đại sư tu pháp môn Tịnh
độ, một vị là Viên Ngu, một vị là Viên Thứ, cả hai đã thâm nhập đạt đến
chỗ nhập vào chánh định tam muội viên mãn nhưng vẫn đi hành cước để hỏi
chỗ mình đã tu tập như thế nào. Một hôm, hai người đến yết kiến Thiền sư
Độc Trạm Lão Nhân.
Thiền sư hỏi: Các ông tu pháp môn gì?
Hai vị này thưa: Bạch Hòa thượng, chúng con tu pháp môn Tịnh độ.
Hỏi: Đức Phật A Di Đà là ai? Bao nhiêu tuổi?
Hai người mới nói: Bằng tuổi của chúng con.
Chúng ta thấy người mà đã ngộ rồi thì cái gì cũng thông suốt.
Lại hỏi thêm: Như vậy cõi Tịnh độ này ở đâu?
Ngài Viên Ngu giơ ra một nắm tay nói: Ở đây.
Lúc này Độc Trạm Lão Nhân nói rằng: Ông thật là người chân chánh tu Tịnh độ.
Như
vậy ngay trong giờ phút đó giữa Thiền và Tịnh gặp nhau. Các Ngài luôn
sống trong chánh niệm tỉnh giác, ông chủ luôn luôn sáng suốt.
Có một vị khách tăng hỏi Thiền sư Kiền Phong: “Trong Kinh Lăng Nghiêm có câu ‘Thập phương bạc già phạm, nhất lộ Niết bàn môn’, xin hỏi đầu đường ở chỗ nào?”. Thiền sư giơ cây quạt lên nói: “Ở đây”.
Tức là chỉ ngay tròng con mắt của quý vị, kiến sắc nhưng sáng được tâm
mình, mình thấy sắc không chạy theo, tức là sáng tâm. Nhưng chúng ta
không làm được như vậy, khi nhìn cái gì, cũng đã là niệm thứ hai. Ví dụ
như khi nhìn bình hoa này, mình khởi niệm “bình hoa này hôm nay ai cắm
kỳ quá, xấu quá, không đẹp như ngày hôm qua”, có nghĩa là mình đem niệm
quá khứ đặt vào giờ phút thực tại đó, thì mình không có được niệm thứ
nhất. Vừa phóng ra là mình phân biệt, chia chẻ liền. Còn khi ăn thì sao?
Quý vị có khi nào ngồi trên mâm cơm vừa dọn ra mà mình ăn bình thản
không? Hay là nghĩ sao hôm nay nó nhạt quá, chua quá, đắng quá, mặn quá…
đủ thứ chuyện hết. Nếu người
nào ghiền ăn ớt, bữa nào không có ớt thì phiền não. Rõ ràng mình tu mình
không nắm bắt được chỗ đó. Nhưng nếu nghe nói như thế, quý vị về nhà ăn
không biết ngon dở gì hết thì đúng chưa? Cũng chưa phải đúng. Ở đây các
Ngài dạy, ví dụ khi uống nước ngọt, vị ngọt của nó mình biết nhưng biết
thì dừng liền chứ không khởi niệm tại sao ly nước hôm qua nhạt mà sao
hôm nay ngọt quá. Thế là mất mình. Ngọt biết ngọt, chua biết chua, nhưng
ngay trong giờ phút đó, dừng niệm lại, không trụ thêm nữa. Nhưng mình
đâu có chịu. Nếu lỡ chẳng may nó nhạt, nếu sẵn có đường thì thêm vào,
không có thì thôi, đừng khởi niệm, đừng phiền não thì sẽ không đánh mất
mình. Quý vị thấy làm rất dễ nhưng cũng rất khó, khó là khó cái ngã
chấp, cái tập khí của chúng ta.
Có
một vị Thiền sư xưa tu thấy thế gian sao quá lộn xộn, phiền não, cuối
cùng ông xin ông thầy vào thất chuyên tu hai mươi năm. Sau khi ngộ đạo,
ông ra ngoài nói: “Hai mươi năm về trước thật là tại mình, đâu phải tại thế gian”. Tổ Đạo Tín dạy: “Cảnh duyên không có tốt xấu, tốt xấu từ nơi tâm”.
Cảnh duyên nó có tự nói nó tốt hay xấu không? Không, mà do mình thấy nó
tốt, nó xấu. Nếu quý vị đã biết cách tu, tôi đảm bảo cuộc sống của quý
vị rất yên ổn, hạnh phúc. Ngày nay, cuộc sống của chúng ta đã có quá
nhiều bất ổn, nào sóng thần, lũ lụt, khủng bố…nếu chúng ta không kịp
trang bị cho mình những tư lương này thì cuộc đời vốn đã khổ lại chồng
thêm khổ. Cho nên đã biết pháp này rồi, biết còn một cái gì cao siêu hơn
thì chúng ta cần phải dấn thân vào con đường Phật pháp để chuẩn bị tư
lương cho mình.
Trong Kinh Vô lượng Thọ ghi: “Nếu chúng sanh trên mỗi cõi, có ai gặp ánh quang minh này thì ba chất dơ đều tiêu diệt”.
Nếu chúng ta quá chấp vào câu, vào lời Đức Phật nói thì sẽ không hiểu
lời của Phật, thì cho dù có ngồi trăm năm cũng không gặp được ánh quang
minh. Có câu chuyện “Tần hô Tiểu Ngọc nguyên vô sự, chỉ cốt đàn lang nhận đắc thinh”.
Cô tiểu thư này quen một anh thư sinh nọ nhưng bị cha mẹ cấm cản. Một
đêm anh chàng này lén vào phủ. Cô đang ở trên tầng lầu thứ hai, nhìn
thấy nhưng không dám chỉ cho người yêu chỗ đứng của mình, nên cô gọi to:
“Tiểu Ngọc, đưa ta cái bình”.
Cô kêu Tiểu Ngọc, hay kêu anh chàng đó? Kêu Tiểu Ngọc nhưng là để cho
anh chàng kia nghe tiếng mà biết cô đang đứng ở góc nào trong phòng,
phía tây hay phía đông. Phật cũng như thế, “nói ra chỉ cốt cho các ông nhận được điểm mà ta nói”. “Ánh quang minh”
đây chính là tri kiến Phật, tức là ngộ nhập lại tâm thái tự do, thanh
thản của mình. Sau khi nhận được ánh sáng này rồi thì ba chất dơ là
tham, sân, si sẽ hết.
“Thân ý nhu nhuyến vui mừng khấp khởi, lòng lành bởi đó mà sanh ra”.
Có nghĩa là khi nhận được cái thể thì tức khắc phát ra cái dụng. Nếu
chúng ta không hiểu được điều đó thì cứ ngồi riết mong chờ ánh sáng, mà
càng chờ thì càng bệnh.
“Ví
như họ ở Tam đồ rất là khổ, mà thấy ánh quang minh này thì đều được
nghỉ ngơi, không khổ não nữa, sau khi qua đời họ đều nhờ đó mà được giải
thoát”. Đức Phật chỉ ra cái lý rất cao siêu nhưng chúng ta lại
không hiểu. Tại sao vậy? Nếu quý vị luôn luôn sống trong tri kiến Phật
hàng ngày, hàng giờ, hàng tháng, hàng năm, tôi đảm bảo quý vị vừa chết
liền được siêu thoát. Ở đây tôi cũng xin nói thật, khi cha mẹ, người
thân của quý vị qua đời, quý vị đem tên đến xin chúng tôi cầu siêu mong
cha mẹ, người thân được siêu thoát thì cũng chỉ là năm ăn năm thua. Tại
sao? Vì Đức Phật đã khẳng định, quý vị tu là phải tu lúc sống chứ không
phải khi đã chết rồi. Trong Kinh Địa tạng nói, nếu người chết rồi, người
sống làm phước cúng cho người chết, thì trong 10 phần, người chết chỉ
được 3, còn người sống được hưởng 7. Trong lúc cúng dường phải có một
duyên thù thắng, tức là người cúng thanh tịnh mà người thọ nhận cũng
thanh tịnh thì cha mẹ mình mới siêu. Nếu người thọ nhận thanh tịnh mà
người cúng không thanh tịnh thì phước chỉ được một nửa. Cái duyên khai
thị trợ niệm cũng có nhưng tôi xin khẳng định, ngay khi mình đang còn
sống, còn mạnh, còn có năng lực, các vị nên ráng tu, ráng niệm Phật, tọa
thiền, tụng kinh, sám hối, làm các việc thiện pháp.
Trong Kinh Tương Ưng Bộ có ghi, một hôm có một vị Phạm chí Bà la môn hỏi Phật:
- Sa môn Gotama, nếu đệ tử ông chết, ông tụng kinh cầu siêu, thì đệ tử của ông có siêu thoát hay không?
Thế Tôn không trả lời, chỉ hỏi lại: Nếu đệ tử ông mất, ông đến tụng kinh thì đệ tử của ông có được sanh lên cõi trời Phạm thiên hay không?
Vị Phạm chí nói: Được.
Phật lại hỏi: Ví
như có một người lấy một hòn đá nặng bỏ xuống giếng, mười ông thầy Bà
la môn đến tụng kinh suốt mười ngày, sau đó hồi hướng nói như thế này:
“Đá ơi, ngươi hãy nổi lên. Đá ơi, ngươi hãy nổi lên”, vậy hòn đá đó có
nổi lên không?
Vị Bà la môn nói: Dù cho tụng cho cả trăm ngày, hòn đá nặng kia cũng không thể nổi lên.
Phật nói:
Cũng như thế, một người tạo tội ngũ nghịch (giết cha, giết mẹ, giết A
la hán, phá hòa hợp tăng, làm thân Phật ra máu), tạo mười nghiệp ác quá
nặng rồi thì không thể lên được.
Phật lại nói: Ví
như có một người đem một lít dầu ăn đổ xuống giếng rồi mời mười ông
thầy Bà la môn đến tụng kinh suốt mười ngày, sau đó hồi hướng nói như
thế này: “Dầu ơi, ngươi hãy chìm xuống. Dầu ơi, ngươi hãy chìm xuống.”
Vậy dầu có chìm không?
Bà la môn nói: Đương nhiên là không chìm, vì dầu quá nhẹ.
Phật nói: Cũng như thế, một người
làm mười điều thiện, tu tập về con đường thánh pháp thì dù cho ông rất
ghét người đó, nói: “Ngươi phải đọa địa ngục. Ngươi phải đọa địa ngục”,
người đó vẫn không đọa địa ngục.
Cho
nên tất cả con đường Đức Phật đã đi qua, trả về cho quý vị hết, nên mới
gọi là Đạo Sư. Đạo là con đường, Sư là ông thầy. Đức Phật là ông thầy
chỉ đường thôi, đi hay không là do quý vị. Cho nên Đức Phật khẳng định
“Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, thắp đuốc với chánh pháp.” Đức Phật ra
đi nhưng để lại ba tạng kinh điển, để chúng ta nương pháp môn, nương
giáo lý của Phật, tu tập để chuyển hóa
“Này
các ông, hãy xem ánh sáng tốt lành rực rỡ chiếu sáng cả đại thiên thế
giới, trăm ức vi trần cõi nước, đại hải, tu di, mặt trời, mặt trăng, bốn
châu thiên hạ, cho đến cõi phật vi trần đều ở trong ánh sáng phát ra
cùng một lúc”.
“Này
các nhân giả, có thấy chăng, nếu thấy được thì chính các ông đang tự
thân ở trong ánh sáng tốt lành đó, còn không thấy được, đừng nói ánh
sáng tốt lành, chẳng có chiếu soi. Hãy tham”. Có nghĩa mình không
nhận ra được ánh sáng quang minh tốt lành đó, nhưng hàng ngày, hàng đêm,
hàng giờ nó vẫn đang soi chiếu. Nếu không nhờ ánh sáng chiếu soi đó thì
mắt không thấy, miệng không nói được, tay cũng không thể cầm nắm. Ví dụ
như hình nộm, con rối múa là nhờ bên trong có người điều khiển dây.
Người chết không thể ăn cơm, cười nói. Nghĩa là trong lúc chúng ta còn
sống, có một ông chủ bên trong điều khiển mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý
của chúng ta. Ông chủ đó chính là Vô lượng thọ, Vô lượng quang, Vô lượng
công đức, từ nơi ánh sáng đó mà lập bày hiển hiện các pháp. Phật pháp
rất vi diệu. Nếu không ai nhận ánh sáng đó, thì ánh sáng đó vẫn luôn
chiếu soi hàng ngày, hàng giờ, hàng tháng, hàng năm.
Ngài Phó Đại Sỹ dạy:
Đêm đêm ôm Phật ngủ
Ngày ngày cùng Phật dậy
Ngồi đứng cùng theo nhau
Như hình cùng với bóng
Nói nín hằng theo nhau
Mỗi mỗi cùng chung ở
Muốn biết nơi Phật đi
Chỉ chỗ nói năng đó.
Thiền sư Quy Chơn một hôm lên gặp Ngài Quy Sơn. Thiền sư Quy Sơn hỏi:
- Ông tên gì?
- Con tên là Quy Chơn.
- Quy Chơn ở đâu?
Không thể trả lời, Ngài Quy Chơn liền xuống núi, trên đường gặp Ngài Ngưỡng Sơn đang chăn trâu hỏi:
- Tại sao Thượng tọa không lên núi?
- Tôi lên núi gặp Hòa thượng hỏi, tôi không trả lời được.
- Thầy
cứ lên đi, nếu Hòa thượng hỏi Quy Chơn ở đâu, thầy chỉ vào trong mắt,
trong tai, trong mũi, trong lưỡi, trong đầu của thầy, liền tức khắc ở
được.
Thiền sư Quy Chơn lên núi quả nhiên nhắc lại lời như của Thiền sư Ngưỡng Sơn chỉ bày, thì bị Thiền sư Quy Sơn mắng:
- Kẻ nói dối! Nếu người nào nói được câu này là thiện tri thức trên 500 người. Ông đừng giấu tôi. Là ai nói, ông khai thử đi.
- Dạ là người chăn trâu dưới núi.
Quy
Chơn là gì? Chơn là chơn thật. Quy là chỗ trở về chơn thật đó. Mà chỗ
về chơn thật ở đâu, chính là trong mắt, trong tai… Mắt thấy mà không
chạy theo sắc là quy chơn, tai nghe mà không chạy theo tiếng là quy
chơn, lưỡi nếm mà không chạy theo mùi vị là quy chơn. Biết hết mà không
trụ là chỗ chơn thật của mình. Rất đơn giản.
III. NGUYỆN LỰC VÀ NGHIỆP LỰC
Chư
Phật, Bồ Tát, các vị Tổ sư ra đời này đi bằng con đường nguyện lực, tức
là sức mạnh của nguyện lực. Trong nguyện lực đó có đại nguyện, bi
nguyện và hạnh nguyện. Còn chúng ta đi bằng con đường nghiệp lực, tức là
sức mạnh của nghiệp. Sức mạnh của nghiệp chia thành bốn phần: Một là
nghiệp cảm duyên khởi, hai là A lại duyên khởi, ba là Chân như duyên
khởi và bốn là Pháp giới duyên khởi.
Chẳng
hạn chúng ta tạo một thiện nghiệp trong thân ngũ uẩn của mình gọi là
chánh báo, nó thành hình ra cái mà chúng ta đến, gọi là y báo. Lúc sống,
quý vị làm những điều thiện pháp, tu tập về con đường thánh pháp thì
khi vừa chết liền gặp Đức Phật và thánh chúng đến rước, đó là bởi nghiệp
cảm duyên khởi từ tín hạnh nguyện của quý vị.
Trong
Thiền thoại có kể, có hai vị Ban thiền lạt ma tu hành với nhau, rất yên
ổn và thân thiết. Nhưng từ khi có bà thí chủ đến mua nhà dưới chân núi
thì hơi xáo trộn một chút. Vì ông sư đệ tướng rất đẹp, hơn hẳn sư huynh
nên bà thí chủ khi gặp ông sư đệ thì đem lòng cảm mến, cúng dường rất
nhiều cho ông nhưng đối với ông thầy sư huynh thì bà không cúng gì cả.
Do nhận nhiều đồ cúng dường, ăn uống nhiều hơn nên thời gian tu hành của
sư đệ bị giảm sút. Ông sư huynh thấy tình hình tu tập không ổn nên bỏ
núi ra chỗ khác tu. Sau một thời gian tu tập, ông sư huynh đắc được
thiên nhãn thông, bèn nhìn lại xem sư đệ của mình dạo này tu tập ra sao
thì biết rằng sư đệ mình sắp chết, thần thức đi ra chuẩn bị vào thai
lừa. Trong Kinh diễn tả thần thức vừa ra tuỳ theo nghiệp, nếu cực thiện
thì hoá sanh lên cõi trời, mà cực ác thì xuống địa ngục, mà lưng chừng
thì phải đi qua thân trung ấm. Thân trung ấm này tường vách núi non
xuyên qua được hết, nhưng có hai cái xuyên qua không được, một là toà
Kim cang của Phật, hai là bào thai. Người sư huynh dùng hết sức để chặn
nhưng không chặn được, cuối cùng thần thức của người sư đệ nhập vào bào
thai lừa, do nghiệp xấu hàng ngày thọ hưởng mà không tu.
Cho
nên quý vị cúng dường thì được phước nhưng người tu thì mắc nợ. Người
xuất gia giống như hòn đá mà quý vị giống như con dao, càng mài thì dao
càng sắc mà đá càng mòn, nếu không tu thì càng ngày càng tổn. Nhưng nói
vậy không phải là sợ để không tu, bởi vì nếu không thọ nhận của chúng
sanh thì khó tiến, giống như một người đi trên sa mạc, vừa đói vừa khát,
nghĩ mình chắc chết trên sa mạc nhưng ngó thấy có con cọp đằng sau thì
có chạy không? Phật nói nhận của tín thí, thứ nhất là để kết duyên với
chúng sanh, thứ hai là đã thọ nhận phải ráng tu, càng sợ càng tu. Nếu lỡ
xuống địa ngục thì hết kiếp ở cõi địa ngục lên tu tiếp vì vẫn còn hạt
giống Phật.
Người
sư huynh thương sư đệ của mình nên nghĩ đợi đến lúc con lừa con sinh ra
thì mình xin mang về nuôi, hằng ngày tụng kinh cho nó nghe. Nhưng sau
khi con lừa con được sanh ra khoảng 1-2 tháng tuổi, ông sư huynh đến xin
lừa và lấy dây buộc cổ kéo đi thì nó ghì chân lại không chịu đi. Lý do
là vì còn nợ bà thí chủ nên phải ở lại trả. Biết là nghiệp cảm nên ông
sư huynh đi về. Từ khi có con lừa này, mọi người đều thừa nhận từ trước
đến nay chưa thấy con lừa nào làm việc giỏi như vậy, làm suốt ngày suốt
đêm. Đến một lúc nó ngã ra chết, khi ông sư huynh xuống kể lại chuyện
thì bà thí chủ tính ra số tiền con lừa mang lại đúng bằng số tiền bà đã
cúng dường. Đó là do có tu nên trả nợ hết một đời này. Nếu chúng ta
không phát một hạnh nguyện nào thì chắc chắn đi đường bậy, nên chúng ta
phải phát đại nguyện lớn. Đó là câu chuyện thứ nhất về nghiệp cảm duyên
khởi.
Câu
chuyện thứ hai: Trong Kinh Bách Duyên có kể, vào thời Đức Phật sanh ra
đời có điểm lạ là có ánh sáng rất lớn. Cùng thời điểm đức Phật ra đời
cũng có một vị Thái tử ra đời. Ông vua nghĩ là ánh sáng này do con mình
sinh ra mà có nên đặt tên con là Mãnh Quang, Mãnh là sức mạnh, Quang là
ánh sáng. Sau khi Thái tử Mãnh Quang lên làm vua thì chuyên đi săn bắn.
Trong thành có một ông thợ săn bắn cung rất giỏi, một ngày giết hại
không biết bao nhiêu chúng sinh. Ông cưới một người vợ mà trên đời này
không có một người con gái nào đẹp bằng. Vì vợ đẹp, sợ ra đường bị kẻ
giàu nhòm ngó nên ông bán nhà trong thành đi sâu vào trong rừng, cất căn
nhà ngay dưới gốc cây cổ thụ để ở. Mỗi khi ông đi săn thì bắt cô vợ
trèo lên cây cổ thụ. Một hôm ông vua Mãnh Quang đi săn bị lạc trong
rừng, đến gốc cây cổ thụ đó. Ông nhìn lên thấy một người phụ nữ đẹp
tuyệt trần mà trong cung chưa có, liền bắt xuống. Thấy người phụ nữ này
đẹp, vua liền khởi niệm dục và sống cùng với người đó. Ngay khi đó,
người thợ săn trở về nhìn thấy tức giận, giương cung định bắn chết hai
người luôn. Trong lúc giương cung bắn, ông chợt dấy lên một niệm thiện: “Nếu mình giết ông vua này thì đất nước loạn lạc vì không có vua, lúc ấy người dân chết không biết bao nhiêu mà kể”.
Ông vừa khởi niệm như thế thì có một con sư tử lao đến vồ lấy ông để ăn
thịt. Sau khi bị con sư tử chộp và cắn chết, nhờ niệm thiện phát ra
ngay trước khi chết nên ông thác sanh lên cõi trời Tứ thiên vương, làm
một vị thiên tử. Quý vị thấy ba mươi mấy năm trời sát sanh nhưng chỉ cần
một niệm thiện khi cận tử nghiệp thì nghiệp cảm duyên khởi thác sanh
lên cõi trời. Chúng ta đi bằng sức mạnh của nghiệp nên nếu lập hạnh, lập
nguyện, có bi tâm thì cõi Cực Lạc hay cõi Tịnh độ trong bàn tay của quý
vị.
Trong
Kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật dạy, muốn trở về cõi của mười phương chư
Phật hay trở về cảnh giới Tây Phương thì chúng ta phải có chánh nhân
Tịnh độ. Chánh nhân Tịnh độ là gì? Thứ nhất là chúng ta phải hiếu thảo
với cha mẹ, kính thờ bậc Sư trưởng, có lòng từ bi không giết hại chúng
sanh, tu mười nghiệp lành. Đó là những điều tiên quyết chúng ta phải có.
Thứ hai là phải quy y Tam Bảo, giữ gìn đầy đủ các giới cấm, không phạm
oai nghi. Thứ ba là phải phát tâm Bồ đề, tin sâu nhân quả, đọc tụng Kinh
điển Đại thừa và sách tấn, giúp đỡ người khác tu hành. Đó là những cái
chúng ta phải làm chứ không phải nói suông. Tôi lấy ví dụ, nếu quý vị có
điện thoại, muốn liên lạc với ai đó thì quý vị phải bấm đúng số của
người cần gọi thì mới gọi được, còn nếu cần gặp một người mà mình lại
bấm số của người khác thì có gặp được không? Trong cuộc sống giữa đời
thường còn như thế, huống chi là cảnh giới của mười phương chư Phật.
Cảnh giới của Phật thanh tịnh thì tâm của chúng ta cũng phải tương ưng. Ở
đây, có một số điều cần lưu ý. Thứ nhất là chúng ta phải phát tâm Bồ
đề, đó chính là nguyện lực của quý vị. Bên Miến Điện, Phật tử không tu
tập theo con đường đại thừa, con đường Bồ tát đạo, nhưng nhìn kỹ, họ
chính là những hạt giống đại thừa, bởi vì họ rất có đức tin về Pháp,
chẳng hạn tu Tứ Niệm Xứ thì toàn quốc đều tu Tứ niệm xứ. Trong cuộc sống
dù gặp phải nghịch duyên nhưng tinh thần tu tập của họ vẫn rất cao, như
Tết có khoảng 10 ngày thì tất cả vợ chồng con cái cả gia đình đều vào
chùa, vào các thiền viện tu hết. Muốn đời đời phát khởi niềm tin tu tập
thì quý vị phải phát tâm Bồ đề. Tại sao ngày hôm nay quý vị đến đây ngồi
nghe pháp? Thường chúng ta tưởng mình đến đây ngồi thiền, nghe pháp,
tụng kinh, sám hối, niệm Phật là chuyện ngẫu nhiên nhưng không phải. Sở
dĩ ngày hôm nay quý vị đến đây tu học theo con đường thánh pháp của Đức
Phật là bởi vì trong vô lượng kiếp, quý vị đã phát nguyện lực cho nên
ngày này, tháng này, năm này, hạt giống của nguyện lực thúc đẩy quý vị
đến đây ngồi nghe pháp, tu tập. Trong Kinh Lăng Già, Đức Phật dạy rõ về
ba tánh: Pháp tánh, chủng tánh và vô gián chủng tánh. Có nghĩa là thấy
được các pháp là vô thường là mỏng manh, là tạm bợ. Hôm nay mình có đủ
nhân duyên được ngồi đây nghe pháp, niệm Phật, tọa thiền là do trong đời
quá khứ, chúng ta đã gieo hạt giống chủng tánh này. Vô gián chủng tánh
là chủng tánh không gián đoạn nhờ các pháp hành của mình. Muốn được như
thế thì quý vị từ giờ phút này phải phát một cái nguyện lực. Nếu quý vị
có một nguyện lực trong cuộc đời này thì Đức Phật nói giống như một
chiến sĩ ra trận mặc áo giáp không sợ cung tên của phiền não, chết chóc.
IV. PHÁT TÂM BỒ ĐỀ
Phát
tâm Bồ đề ở đây chính là nguyện lực của quý vị. Quý vị đã là Phật tử
thì chắc hẳn nhà ai cũng có thờ Phật, mình mạnh dạn thắp hương đến trước
bàn thờ Phật phát một nguyện lực lớn: “Từ
đây cho đến cuối đời mãi mãi về sau, vô lượng kiếp con tu hành đắc quả
Vô thượng chánh đẳng chánh giác, trước là lợi ích cho con, sau là nhiếp
thọ các chúng sanh được an lạc” thì bảo đảm quý vị vào dòng pháp. Mà
nguyện lực này không có tốn tiền. Giả sử phát nguyện lực mà quý vị phải
dời một ngọn núi hay lấp biển mới phát nguyện được thì chuyện đó rất
khó, còn đằng này, phát nguyện lực là từ nơi tự thân của quý vị, chuyện
đó làm đơn giản, cũng không tốn tiền gì hết. Quý vị có dám mạnh dạn hay
không?
Trong Nhập Bồ đề hành luận tán thán những lợi ích, những công đức của sự phát tâm bồ đề: “Được sanh làm thân người với một thân thể đầy đủ, không khuyết tật thật là điều rất khó”.
Giả sử có một người phát tâm bồ đề, phát nguyện lực lớn nhưng lại bị
hoặc mù, hoặc điếc, hoặc câm, hoặc ngọng thì rất là khó mà phát nguyện
lực, còn đằng này, quý vị đủ cả mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, mình vẫn
sáng suốt, từng lời chúng tôi nói ra quý vị nghe rõ hết, biết rõ hết thì
sáu căn của quý vị tròn đủ. Ngày hôm nay mình được sáu căn đầy đủ không
phải đơn giản mà do túc duyên trong đời quá khứ chúng ta đã từng tu tập
cho nên mới được như vậy.
“Chúng
ta may mắn được thân người, vậy hãy nên với thân này mà tư duy và làm
những điều hữu ích, trước cho bản thân mình trong đời này và những đời
sau”.
Phát
bồ đề tâm, phát nguyện lực lớn, đó là điều hữu ích cho bản thân mình,
nhưng không phải nói suông mà quý vị phải mạnh dạn làm. Chẳng hạn thấy
một người bạn được an ổn, được may mắn, hạnh phúc hơn mình thì quý vị
phải vui, phải tùy hỷ theo, đó là làm việc hữu ích. Còn thấy người khác
được hạnh phúc, được an ổn, may mắn hơn mình mà mình khởi tâm tật đố,
ích kỷ, có cái gì đó bứt rứt chịu không được thì chính chỗ đó quý vị
phải dùng Pháp để chuyển hóa.
Cho nên Thiền sư Khuê Phong nói:
Làm việc có nghĩa
Là tâm tỉnh ngộ,
Làm việc vô nghĩa
Là tâm cuồng loạn.
Cuồng loạn theo tình niệm,
Lâm chung bị nghiệp lôi.
Tỉnh ngộ không theo tình
Lâm chung chuyển được nghiệp.
Làm
việc có nghĩa là chúng ta tủy hỷ theo người khác mà mình thấy rõ ràng
được từng niệm của mình. Nhiều khi mình đồng hóa cái tham, cái sân, cái
phiền não, tật đố là của mình, tôi tật đố, tôi tham, tôi sân… nhưng nhìn
lại, cái gì thấy được niệm tham, niệm sân, niệm tật đố. Những cái đó là
cái bị thấy mà mình lại thường sống với nó, còn cái tánh thấy thì mình
không nhận ra.
Cho nên trong Kinh Tương Ưng Bộ, Đức Phật nói: “Này các Thầy Tỳ kheo, có pháp môn nào, tâm tham biết tâm tham, tâm sân biết tâm sân, tâm si biết tâm si?”. Các Thầy Tỳ kheo nói: “Bạch Đức Thế Tôn, do trí tuệ mà biết được”. Bài kinh rất dài nhưng chỉ có một chữ thôi, đó là chữ BIẾT.
Biết tham thì tự nhiên hết tham, nó có sức mạnh phóng chiếu vào niệm
thì niệm hết. Cho nên trước là chúng ta tư duy làm những việc hữu ích
cho mình, cho người thì được lợi ích đời này và đời sau.
“Thỉnh thoảng chỉ trong những khoảng sát na ngắn ngủi, chúng ta mới nghĩ đến điều thiện”.
Nói thật là hằng ngày chúng ta luôn nghĩ về những niệm ác nhiều hơn là
niệm thiện. Cái này mình phải mạnh dạn nghe, nhìn thẳng để chuyển. Trong
Kinh kể, Tôn giả A na luật chứng được Thiên nhãn thông. Một hôm, Ngài
nhìn xuống dưới địa ngục thấy có rất nhiều người nữ rớt xuống nên đến
thưa hỏi với Đức Phật. Ngài hỏi: “Bạch
Đức Thế Tôn, con thấy trong pháp hội của Thế Tôn người nữ rất nhiều,
lại có tín tâm nữa, tại sao con thấy họ rơi vào địa ngục rất nhiều?”. Đức Phật trả lời: “Trong
một ngày, họ không bao giờ chuyển hóa niệm mà luôn luôn chạy theo niệm.
Buổi sáng họ tham muốn của cải tất cả về cho mình, buổi trưa họ thấy ai
hạnh phúc hơn mình thì sanh tâm tật đố, buổi chiều họ thèm khát về tham
ái. Do những nguyên nhân đó mà tạo nghiệp, bị rơi vào địa ngục”.
Thành ra biết điều đó rồi thì chỉ cần một niệm dấy khởi lên thì chúng ta
chuyển hóa liền. Đức Phật dạy sở dĩ chúng ta khởi những điều thiện này
không phải là tự nhiên, mà do năng lực của chư Phật như đi trong đêm tối
mà lóe lên chút ánh sáng. Cho nên kinh nghiệm là mình khởi lên việc
thiện nào như bố thí, cúng dường thì phải làm liền, nếu không chỉ một
lúc sau là thối tâm, không làm nữa. Chỉ có những sát na ngắn ngủi chợt
dấy lên niệm thiện mà mình không làm thì mất vì trong suốt một ngày,
chúng ta toàn khởi lên những niệm ác.
“Vì
vậy, lực của thiện hành thì yếu ớt mà lực của những ác hành thì thường
xuyên và to lớn khủng khiếp. Nếu không bằng tâm bồ đề viên mãn thì không
điều thiện nào có thể khắc phục”. Có nghĩa là nếu bồ đề tâm không
viên mãn, nguyện lực không lớn thì bảo đảm mình làm ác liền. Quý vị để
ý, nghèo thì không nói gì, nhưng giàu có lên là chúng ta sanh cái tâm
khác. Nếu không có bồ đề tâm, không phát nguyện lực trước Đức Phật thì
chắc chắn mình sẽ làm những điều ác.
“Các
Đức Mâu Ni Vương đã trải qua vô lượng kiếp tư duy thấy rõ lợi ích này,
do vậy mà an lạc, tăng trưởng an lạc, tràn qua vô lượng dòng thác lũ của
thế gian”. Có
nghĩa mười phương chư Phật thấy rõ được lợi ích của việc phát bồ đề tâm
này rồi nên các Ngài khuyến khích các chúng sanh, các hành giả phát bồ
đề tâm, phát nguyện lực lớn.
“Những
ai muốn vượt qua trăm nghìn thống khổ của ba cõi, diệt trừ mọi bất hạnh
cho chúng sanh, muốn hưởng thọ vô số trăm nghìn phước lạc, luôn luôn
không rời bỏ tâm bồ đề. Khốn khổ bị trói buộc trong ngục tù của ba cõi,
nhưng chỉ cần trong một sát na phát tâm thì đã được gọi là con của các
Đấng Thiện Thệ, được cả thế gian gồm cả loài người và Ma Vương kính nể”.
Mình bị trói buộc trong ngục tù tham, sân, si nhưng chỉ cần phát một
nguyện lực lớn thì được gọi là con của Phật. Mình bị bệnh nào thì phải
dùng nguyện lực để vượt qua. Quý vị có dám tối nay về phát một nguyện
lực lớn không? Tu mà còn do dự, do dự thì suốt cả cuộc đời cũng không
xong. Cho nên phải phát nguyện lực, chẳng hạn quý vị ngồi thiền, 15 phút
là muốn xả thì mình phát nguyện dù cho chân gãy con cũng ngồi thì bảo
đảm chúng ta ngồi qua một tiếng đồng hồ. Chỉ có phát bồ đề tâm thì chúng
ta mới thành tựu được pháp mà Đức Phật để lại.
“Cũng
như dung dịch đồng được chuyển thành công cụ cứng chắc, tâm bồ đề cũng
vậy, sau khi nhận hình tượng bất tịnh này tác hình nó thành hình tượng
trân bảo, vô giá của đấng tối thắng”. Ngay trong giờ phút phát nguyện lực thì cái thân ô uế, bất tịnh này của mình trở thành trân bảo, gọi là thất bảo tối thượng.
“Do
đâu mà Bồ đề tâm được tán thán với những công đức thù thắng như vậy?
Giả sử trong thế gian này một người khi đã quyết định mục đích cần phải
đạt đến, tâm ý không rời khỏi mục đích ấy, ta biết chắc chắn rằng người
ấy có thể vượt qua những điều rất khó vượt, vượt qua những khuyết tật
của chính mình, điều này không phải là chuyện hiếm có ở đời. Vậy khi có
một chúng sanh đã gắn chặt được tâm mình vào mục đích cứu kính là đại bồ
đề thì chúng sanh ấy có thể vượt qua vô lượng chướng ngại, chinh phục
được những pháp bất thiện cực kỳ mãnh liệt”.
Chúng
ta tu là đi ngược dòng đời, mà ngược dòng đời thì chắc chắn có lúc
chúng ta bị những nghịch duyên đến, nếu không phát đại bồ đề, phát
nguyện lực lớn, thì có khi nào đó mình quay lại phỉ báng chánh pháp. Đối
với những người xuất gia cũng không phải là chuyện đơn giản, bởi vì
trong đời tu luôn luôn gặp phải những nghịch cảnh, nghịch duyên khốn
cùng, những người không phát nguyện lực, không phát bồ đề tâm thì nhiều
khi cởi áo hoàn tục, phỉ báng lại Tam Bảo. Kể cả cư sĩ cũng vậy, đang tu
ngon lành mà thấy Thầy làm chuyện gì đó, mình bất mãn, không đến chùa,
không đến thiền viện nữa, đó là do gặp nghịch duyên mà không biết vượt
lên. Phải thấy rằng nghịch duyên chính là nền tảng cho những bậc có tâm
tối thượng. Nhiều khi nhờ gặp nghịch duyên mà chúng ta trưởng thành.
Nghịch duyên như lửa nóng nên bằng mọi cách chúng ta phải chạy ra liền
để sống sót, còn thuận duyên như nước mát nên chúng ta dễ chết chìm
trong đó.
“Đây
chỉ là ước nguyện, điều quan trọng bây giờ là làm sao để phát khởi được
tâm ấy. Chúng sanh vốn bạc nhược, tâm tư yếu đuối, một chút điều thiện
mà chỉ gặp một chút chướng ngại nhỏ lập tức buông bỏ. Vậy thế nào để
phát khởi được tâm Bồ đề?”
Chúng
ta phải thấy rằng địa ngục khổ quá nghe pháp không được, súc sanh khổ
quá nghe pháp cũng không được, ngạ quỷ khổ quá nghe pháp cũng không
được. Trời sung sướng quá nghe pháp cũng không được, loài A tu la do
tranh đấu quá tu pháp cũng không được. Chỉ có loài người chúng ta nửa
khổ, nửa vui, khi chứng kiến những cảnh thiên tai như động đất, sóng
thần, khủng bố, đói kém, gặp những điều đau khổ, bất như ý… chúng ta mới
thức tỉnh mà phát bồ đề tâm. Cho nên ngày hôm nay, quý vị phải mạnh
dạn, phát tâm bồ đề, tin sâu nhân quả, đọc tụng kinh điển đại thừa, và
sách tấn giúp đỡ người khác tu hành, đó là chánh nhân Tịnh độ. Đức Phật
dạy rõ chúng sanh do bị nghiệp lực lôi nhưng nhờ biết được Phật pháp,
chúng ta đi bằng con đường nguyện lực thì chắc chắn sẽ thành tựu. Đừng
có sợ bởi vì chúng ta có pháp, có nguyện lực, có bồ đề tâm thì quý vị
mãi là con của đấng Thiện Thệ, mặc áo giáp Như Lai xông thẳng vào biển
khổ trăm ngàn nghịch cảnh nghịch duyên.
V. TỊNH ĐỘ, NGAY TẠI ĐÂY VÀ BÂY GIỜ
(CÕI TỊNH TRONG LÒNG BÀN TAY)
Chúng
ta ở nhà hoặc đến chùa học phương pháp niệm Phật hướng về cõi Tịnh Độ
của Đức Phật A Di Đà, đó là cái phần sự. Ngày hôm nay chúng ta đi qua
cái phần lý, thường thường trong phật pháp thường có sự và lý. Nếu chúng
ta hiểu phần sự mà chúng ta bỏ phần lý cũng không được, nếu chúng ta
hiểu phần lý mà bỏ phần sự cũng không được. Cho nên tinh thần trong nhà
Phật thường gọi là lý sự phải viên dung.
Bây giờ tôi xin hỏi: “Trong
lúc ngồi, quý vị niệm Phật, vậy trong giờ phút thực tại đó quý vị niệm
Phật hay Chư Phật, Chư Bồ Tát niệm Phật lại cho mình?”. Mình niệm,
hay nói cách khác hơn là mình tự tu, tự chứng nghiệm. Như vậy, dù tu
theo phương pháp nào, Tịnh độ, Thiền tông hay Mật tông, thì mỗi người
hành giả đều phải bỏ công sức ra tu học mới có kết quả. Tinh thần tu học
theo nhà Phật là không chờ sung rụng.
Lục Tổ dạy: “Tịnh
độ cách đây không xa, nếu luận về tướng mà nói thì số dặm có mười muôn
tám ngàn dăm. Tức là trong thân có mười ác tám tà. Nếu ôm lòng chẳng
thiện thì niệm Phật vãng sanh khó mà đến. Nay khuyên thiện tri thức
trước nên dẹp trừ thập ác, sau nên dẹp trừ tám tà, bèn qua được tám
ngàn, mỗi niệm thấy tánh thường hành bình trực, đến như trong khảy móng
tay liền thấy Đức Phật A Di Đà”.
Mình
tưởng rằng Tịnh độ ở nơi nào đó xa xôi nhưng Lục Tổ dạy Tịnh độ cách
đây không xa. Mười ác quý vị biết rồi, thân có ba là sát sanh, trộm cắp,
tà dâm; khẩu có bốn là nói lời thêu dệt, nói ác độc, nói hai lưỡi, nói
thị phi; ý có ba là tham, sân, si. Tám tà là tà kiến, tà tư duy, tà ngữ,
tà mạng, tà nghiệp, tà tinh tấn, tà niệm, tà định.
“Nếu ôm lòng chẳng thiện, niệm Phật vãng sanh thì khó mà đến”, tức
là miệng thì niệm mà ba độc tham, sân, si không chừa bỏ thì Ngài nói
rất khó vãng sanh đến cõi đó. Chẳng hạn quý vị thích đi du lịch ở bên
Mỹ, châu Âu, đến những nơi đẹp, nhưng nếu không có tiền thì làm sao đi
được? Hoặc không có hộ chiếu thì cũng không đi được. Những nước đó còn
không đến được hà huống là cõi Phật, cho nên nếu tu pháp này mà còn ôm
lòng bất thiện thì khó mà đến được. Kể cả người xuất gia, tụng kinh niệm
Phật nhiều mà trong lòng chứa đầy tham dục, thấy người khác được hạnh
phúc, an ổn mình không thích, thấy người khác được Phật tử thương mến
không chịu được, ôm lòng bất thiện hại người thì dù tu đến mấy chục năm,
khi chết cũng thẳng xuống địa ngục chứ đừng nói đến vãng sanh về Tây
phương tịnh thổ.
Trong
Kinh điển, Đức Phật dạy rất rõ, đa phần nói cho người sống phải ráng tu
tập, hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, thắp đuốc với chánh pháp, hãy tự
mình làm hòn đảo cho chính mình, toàn là khuyên nhắc quý vị tu lúc mình
còn mạnh, đầu óc còn tỉnh táo, sáng suốt, còn đợi đến lúc chết mới cầu
siêu thì không chắc chắn. Một người lúc sống chuyên làm ác, giống như
hòn đá nặng chìm xuống sống, bảo cầu siêu để hòn đá nổi lên có nổi được
không? Không bao giờ, vì không đúng với lời Phật dạy. Đành rằng là phải
có trợ duyên nhưng nhân tố chính là lúc còn sống, quý vị biết tu các
thiện pháp, ráng tu tập chuyển hóa các niệm bất thiện. Biết được như thế
rồi thì quý vị an ổn tu, pháp nào cũng là pháp của Phật, tu pháp nào
cũng phải dọn tâm của mình.
“Nay
khuyên thiện tri thức trước nên dẹp trừ thập ác, sau nên dẹp trừ tám
tà, bèn qua được tám ngàn, mỗi niệm thấy tánh thường hành bình trực, đến
như trong khảy móng tay liền thấy Đức Phật A Di Đà”: Chúng
ta dẹp đi thì Tịnh độ ở ngay trước mắt, còn bằng không trong thân của
chúng ta đầy đủ hết mười ác, tám tà, rất khó đến cõi đó. Sao gọi là tà?
Tà nghĩa là khác với chánh. Trong bát chánh đạo đầu tiên là chánh kiến,
đến chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh tinh tấn, chánh mạng,
chánh niệm, chánh định. Tinh thần của nhà Phật dạy cho chúng ta trong
mọi hành động hằng ngày, lúc uống nước, lúc đi kinh hành, lúc quét sân,
quét nhà… phải chánh niệm. Chánh niệm là gì? Chẳng hạn chúng ta đóng cửa
thì đóng nhẹ nhàng, uống nước cũng nhẹ nhàng, đi, đứng, nằm, ngồi cái
gì cũng nhẹ nhàng hết gọi là chánh niệm. Tuy nhiên, có người nói, một
người ăn trộm cũng có chánh niệm vì trước khi nó muốn vào nhà người ta
ăn trộm, nó cũng phải đi nhẹ, mở tủ cũng nhẹ luôn chứ đi nhanh hay lớn
tiếng mở cửa thì sẽ bị chủ nhà phát hiện. Vậy quý vị có hiểu cái điểm
khác nhau giữa một người ăn trộm và một người công phu tu tập là ở chỗ
nào không? Ngay trong giờ phút đó, tuy rằng nó đi nhẹ thiệt, nó mở cửa
nhẹ thiệt nhưng mà đó là tà niệm. Nó cũng cố gắng thức đêm, thức khuya
để đi ăn trộm thì đó là tà tinh tấn. Rồi nó cũng tư duy là cái nhà này
phải ăn trộm làm sao, mấy giờ đi ăn trộm, gọi là tà tư duy. Mà có cái
nhìn như thế gọi là tà kiến, trong lúc nó hành nghề ăn trộm gọi là tà
nghiệp.
Nếu chúng ta khéo tu, khéo chuyển hóa tâm, mỗi niệm, mỗi niệm thường thấy tánh tức là thấy Đức Phật A di đà. Lục Tổ dạy “mỗi niệm, mỗi niệm thường thấy tánh”
là thấy làm sao? Ở đây Lục Tổ chỉ về cái quả cứu kính rốt ráo, còn
chúng ta tu nhân thì phải tu như thế nào? Tôi xin kể câu chuyện, ở bên
Tây Tạng có một vị Lạt ma tu hành rất miên mật, giới đức trang nghiêm
nên được một bà thí chủ mời đến cúng dường cùng với các vị cao tăng
khác. Trước khi thọ trai, bà thí chủ mời Ngài đi dạo thăm các kho, khi
đến kho trà, Ngài thấy một bao trà thật thơm, Ngài thò tay định bốc nắm
trà, vừa lúc đó Ngài la lên liền: “Ăn trộm, ăn trộm”. Bà thí chủ quay lại hỏi: “Ăn trộm ở đâu?”. Ngài chỉ bàn tay của mình nói: “Đây chính là ăn trộm”.
Đó là thấy được từng niệm tham của mình, mà thấy từng niệm tham thì còn
tham không? Hết tham. Mà hết tham thì Đức Phật A Di Đà có mặt ngay
trong giờ phút thực tại này. Nếu mình tu như vậy thì rất là tiến. Đến
khi thọ trai, Ngài ngồi cuối bàn, bà thí chủ cầm bình sữa rót vào từng
ly từ đầu bàn đến cuối bàn, Ngài khởi niệm “chắc đến lượt mình thì bình sữa hết”. Đến khi bà thí chủ đến chỗ Ngài rót sữa thì Ngài không uống nữa. Bà hỏi tại sao thì Ngài nói là: “Tôi đã uống ly sữa của bà rồi”. Bà lại hỏi: “Ngài uống lúc nào?” Ngài nói: “Hồi
nãy bà rót sữa cho từng vị, tôi đã khởi niệm bình sữa này đến tôi thì
chắc là hết, cho nên lòng tham của tôi đã uống ly sữa của bà rồi”.
Như vậy chúng ta thấy các Ngài chăn và chuyển hóa ngay từng ý niệm. Nếu
quý vị trong suốt một ngày tu mà chăn tâm được như thế thì tiến bộ rất
nhanh, còn mình lấy đồ rồi về nhà mới ăn năn hối hận thì đã muộn. Như
vậy quý vị thấy Tịnh độ hay Thiền, pháp môn nào cũng không ra ngoài con
đường Giới Định Tuệ. Nhờ dừng lại không có lòng tham là giữ giới, còn
cái gì thấy được niệm đó là Tuệ, còn dừng lại không tạo tác nữa là định.
Cho nên Tổ Đạt Ma dạy: “Phàm
niệm Phật tức là thực hành chánh niệm, hiểu nghĩa là chánh, không hiểu
nghĩa là tà. Chánh niệm thì được vãng sanh, tà niệm thì làm sao đến được
bên đó. Phật tức là giác, là biết rõ thân tâm không để cho việc ác khởi
dậy. Niệm tức là nhớ, là nhớ giữ giới hạnh không hư dối. Tinh tấn siêng
năng, đó gọi là niệm. Nên biết niệm tại tâm, không niệm nơi lời, dùng
nơm bắt cá, được cá quên nơm, dùng lời cầu ý, được ý quên lời”.
Phật
tức là giác, nhớ lại ông Phật giác của mình là chánh niệm, là biết rõ
thân tâm không để cho việc ác khởi dậy: có nghĩa là lúc mình niệm, hoặc
là niệm thiện, hoặc là niệm ác khởi lên, chúng ta đều đưa tất cả vào Vô
dư y Niết bàn. Còn trong lúc niệm, những việc ác khởi dậy mà chúng ta
duyên theo thì cũng chưa phải là chân chánh niệm Phật. Vì niệm tức là
nhớ. Thứ nhất là nhớ giữ giới hạnh không hư dối, cũng là đi trên con
đường Giới. Chẳng hạn như sáng hôm nay mình trộm cướp, tà dâm, nói dối,
uống rượu thì tối về niệm Phật có yên không, có nhất tâm không hay là
loạn động vì nhớ các chuyện hồi sáng?
Niệm
là tại nơi tâm, chuyển hóa ở nơi tâm, không phải niệm nơi lời, bởi vì
tâm chính là gốc của muôn pháp. Nếu như mình niệm suốt mà trong tâm chưa
có lần nào chuyển hóa thì cũng chưa phải là niệm Phật chân chánh. Cho
nên người tu học với Phật rất là nhiều nhưng hiểu lời của Phật, tu để
chứng nghiệm thì rất là ít. Đức Phật cũng đã dạy: “Người học pháp của ta như lông của con bò, mà người hiểu pháp và hành trì pháp của ta thì giống như sừng con bò”.
Quý vị thấy lông con bò nhiều hay sừng con bò nhiều? Lông thì nhiều mà
sừng có hai. Có một số người có khả năng đặc biệt, thấy được cõi giới vô
hình nhưng nếu không thấy được tâm mình thì cũng uổng một kiếp người,
bởi vì dù thấy được tam thiên đại thiên thế giới đi nữa cũng là thấy cái
bên ngoài, đó là tướng sanh diệt. Chúng ta lừa dối được ai chứ không
lừa dối được chính mình, tự mình thấy tâm mình vẫn còn tham lam, tật đố,
ích kỷ, thấy để mà chuyển hóa.
Thời
Đức Phật tại thế, Ngài A nậu lâu đà thấy một ngàn tiểu thiên thế giới
nên đến trình Ngài Xá Lợi Phất. Ngài Xá Lợi Phất nói: “Dù
cho ông thấy hai, ba ngàn tiểu thiên thế giới nhưng chỉ là vỏ cây chứ
không phải lõi cây. Lõi cây là làm như thế nào đó để chuyển hóa tham sân
si, trở về con đường giới định tuệ. Còn thấy bao nhiêu tiểu thiên thế
giới cũng chỉ là tướng bên ngoài sanh diệt. Chừng nào ông thấy được tâm
của mình thì hãy đến gặp ta”. Ngài A nậu lâu đà vào rừng quyết tâm
tu, quả nhiên ba tháng sau chứng quả A la hán. Chẳng hạn như hàng tháng
quý vị về đây tu bát quan trai, mà nghe dưới Châu Đốc có người đi trên
nước, bay trên hư không thì quý vị còn ngồi ở đây không hay chạy về đó
liền? Phật dạy mình tu ngay ở tâm, dù cho quý vị chứng đắc cũng không
nói ra huống là những người nói mình chứng A la hán thì biết là không
phải. Người tu Phật chân chánh là tìm ngay nơi tâm mình để dọn.
Một
ví dụ khác, bây giờ có một cái ly, bỏ chiếc nhẫn vào trong đó rồi đậy
nắp lại. Trong chùa có hai vị sư xuất gia cùng năm cùng tháng, về công
phu hai người đều tinh tấn siêng năng như nhau. Quý vị đến gặp ông thầy
thứ nhất trước, hỏi: “Trong cái ly này có cái gì?”. Ông thầy trả lời: “Có một chiếc nhẫn”. Quý vị lại cầm cái ly này đến gặp ông thầy thứ hai hỏi: “Trong ly này có cái gì?” Ông thầy thứ hai nói: “Không biết”.
Vậy trong hai ông thầy đó, quý vị quý ông thầy nào hơn? Ông thầy thứ
nhất phải không? Vì ông có thần thông thấy được chiếc nhẫn. Nhưng đối
với tinh thần nhà Phật, nhà thiền, tinh thần Bát Nhã thì dù có thấy xa
ngoài chợ hay thấy chiếc nhẫn trong cái ly thì ma quỷ nó cũng thấy,
ngoại đạo nó cũng thấy, nhưng dù thấy xa hay thấy gần mà tâm còn đắm
nhiễm vào các pháp, mắt mình gặp sắc thì ham thích, khởi niệm ưa muốn
thì Phật cũng gọi là con mắt phàm, còn quý vị tuy không thấy được ngoài
chợ, không thấy được chiếc nhẫn nhưng mắt mình nhìn sắc mà không đắm
nhiễm, không chạy theo, rõ biết được từng niệm để chuyển hóa, thì Phật
nói đó là mắt Bát Nhã, mắt Phật, mắt vô nhiễm. Mình tu phải cần điểm đó.
Tu như vậy thì đời đời kiếp kiếp hạt giống Phật không mất, còn mình ham
thần thông, ham sự biến hóa, thấy cái này cái kia, đó gọi là rớt vào
con đường tà, bởi vì “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”, cái gì thấy được là có tướng, mà có tướng là hư vọng.
Tổ Đạt Ma nói tiếp: “Nên
biết niệm là tại nơi tâm. Đã gọi là niệm danh hiệu Phật thì phải hiểu
đạo lý niệm Phật. Nếu tâm không thật thì miệng chỉ là tụng danh hiệu
rỗng, ba độc vẫn đến từ bên trong, nhân ngã đầy trong trí nhớ, theo tâm
vô minh không thấy được Phật, chỉ là phí công, quả tụng và niệm nghĩa lý
riêng biệt, tại lời là tụng mà tại tâm tức là niệm. Niệm từ tâm mà
khởi, gọi là cửa vào giác ngộ”.
Niệm
từ tâm mà khởi là sao? Đây là vào lý hơi sâu một chút. Chẳng hạn mình
ngồi đây, chưa khởi vọng mà câu niệm Phật lúc nào cũng sẵn bật ra, chưa
khởi niệm chứ không phải đợi niệm, đợi niệm là muộn rồi. Chẳng hạn nghĩ
gì đó, mình niệm Nam mô A Di Đà Phật, thì đó là trễ một đường bước rồi.
Còn đằng này, niệm chưa khởi mà luôn luôn vẫn có thì đó là niệm từ nơi
tâm. Mà niệm từ nơi tâm khởi thì gọi là cửa vào giác ngộ, không khác gì
công án.
“Tụng
là ở nơi miệng, tức là tướng âm thanh, bám vào tướng mà cầu lý rốt
chẳng được gì. Cho nên biết rằng các vị Thánh trong thời quá khứ tu hành
đều không nói bên ngoài, mà chỉ tìm ở nơi tâm. Tâm là nguồn của mọi
thiện. Tâm là chủ của vạn đức. Niết Bàn thường vui là do sự dừng nghỉ
của tâm mà sanh, ba cõi luân hồi theo tâm mà khởi. Tâm là cửa ngõ của
hết thảy, tâm là bến bờ của giải thoát. Biết cửa ngõ đâu còn lo khó
thành tựu, biết có bờ đâu có sợ không đến chốn”.
Tổ
Đạt Ma dạy cuối cùng cũng quy hướng về tâm, bởi vì sao? Niết Bàn thường
vui là do sự dừng nghỉ của tâm mà sanh. Tâm không còn vọng động nữa thì
Niết Bàn có mặt. Tâm dừng nghỉ thì tương đương với cõi Tịnh thổ của Đức
Phật A Di Đà, ba cõi luân hồi theo tâm mà khởi, ba cõi dục giới, sắc
giới, vô sắc giới khởi từ tham, sân, si. Tất cả từ chư Phật, chư Tổ, chư
vị thiền sư, các bậc thiện hữu tri thức cũng đều chỉ mình quy hướng về
tâm, chuyển hóa được tâm của mình thì cái thường vui lúc nào cũng có.
Quý vị thử nghiệm bữa nào mình không vọng tưởng, yên ổn, tự tại thì ngày
đó mình thấy an ổn, thanh thoát, nhẹ nhàng giống như mình được giải
thoát. Còn hôm nào tâm mình nghĩ lung tung, nhớ chuyện này, nhớ chuyện
nọ thì mình thấy thân uể oải, có gì đó bứt rứt, khó chịu, bởi vì thân bị
ảnh hưởng bởi tâm. Tâm an rồi thì nhìn cái gì cũng được an ổn.
Trong Thiền thoại có kể: Một bà lão đến pháp hội của Thiền sư Bạch Ẩn nghe pháp. Thiền sư dạy: “Tâm
tịnh thì cõi nước được thanh tịnh. Đức Phật trong mỗi chúng sanh, một
khi Đức Phật xuất hiện thì mọi vật trên thế gian đều chiếu ánh quang
minh. Nếu ai muốn nhận được điều này phải phản quang tự kỷ đến chỗ nhất
tâm bất loạn. Vì tâm tịnh tức Phật độ tịnh. Vậy làm sao để trang nghiêm
tịnh độ? Vì Phật vốn sẵn trong mỗi chúng sanh thì tướng tốt và vẻ đẹp
của Phật là gì?”.
Muốn được ở cõi Tịnh độ thì chúng ta phải dọn tâm cho sạch, bởi vì tâm tịnh tức Phật độ tịnh. Muốn
nhận ra Phật A Di Đà nơi tự tâm của mình thì chúng ta phải luôn luôn
phản quang tự kỷ, tức là nhìn lại chính mình để dọn sạch tâm của mình.
Bà già nghe xong nghĩ: “Điều đó không quá khó”. Trở về, bà quán chiếu suốt ngày đêm, đeo đuổi mãi trong tâm dù ngủ hay là thức.
Quý
vị lưu ý, dù tu Thiền hay tu Tịnh, muốn nhận ra được ông Phật nơi tự
tâm của mình thì phải hạ thủ công phu, quán chiếu suốt ngày và đêm như
bà lão đó. Mình cũng tu nhưng khi niệm Phật, ngồi thiền thì tâm an, còn
khi không niệm Phật, xả thiền ra thì chạy theo niệm. Chúng ta tu còn
dính mắc rất là nhiều nên đành phải tu từ từ chứ đừng nghĩ rằng pháp này
tu sao lâu quá, lại nhảy qua pháp khác. Mình phải tin chắc con đường
mình đi thì chắc mới đến. Tôi thấy có người đang niệm Phật rất hăng say,
có các vị Lạt ma Tây Tạng đến lại chuyển qua trì chú theo Mật tông, rồi
sau các vị Lạt ma về, thấy các sư Miến Điện tới lại chuyển qua tu Tứ
niệm xứ. Đi như vậy bao giờ mới đến nơi được. Ở Miến Điện cũng có một bà
đến gặp một vị trưởng lão hỏi là tại sao bà tu suốt mà không có kết
quả. Vị trưởng lão hỏi: “Vậy bà có tin tôi không?” – “Dạ tin chứ”. – “Vậy bà nhớ ba chữ thôi. Đó là ‘Mặc kệ nó”.
Vừa về nhà, chồng bà nói miếng đất ngày xưa bán không được giờ có người
định mua rồi. Bà nghĩ mặc kệ nó. Đứa con gái báo tin đã đậu đại học, bà
cũng mặc kệ nó. Chuyện gì đến bà cũng chăm chú phản quang, cho đến một
hôm khi đang rán con cá, chồng bà nhắc cá bị cháy thì bà nói mặc kệ nó,
ngay đó tức khắc ngộ đạo. Quý vị có dám làm như thế không? Nếu chúng ta
còn dính mắc nhiều duyên thì chuyện ngộ đạo rất khó đến với mình.
Trở
lại chuyện bà lão ở pháp hội Thiền sư Bạch Ẩn. Rồi một hôm, khi đang
rửa nồi bà thình lình tỏ ngộ, ném cái nồi qua một bên, bà đến gặp Thiền
sư nói: “Tôi bỗng gặp Đức Phật trong thân tôi, mọi vật rạng ngời ánh sáng, thật là kỳ diệu, thật là kỳ diệu”.
Thiền sư nói: Bà nói cái gì cũng sáng, nhưng còn hầm phân của bà thì sao?
Bà già giơ nắm đấm lên, đấm vào mặt Thiền sư nói: Ông già này chưa ngộ.
Thiền sư Bạch Ẩn cười ha hả, ấn chứng cho bà.
Có
nghĩa là một khi tâm mình sáng rồi thì thấy cái gì cũng sáng hết, hầm
phân, nhà cầu, nhà tiểu cái gì cũng sáng. Nếu một người thực sự buông
hết các duyên, sống cuộc đời tự tại thì ở nhà cũng là tự tại, đến chùa
cũng tự tại, chứ không phải đến chùa thì vui, tự tại, còn về nhà thì
phiền não, khổ đau. Như vậy là vẫn còn có sanh có diệt, có pháp tạo tác.
Còn từ nội tâm của quý vị được an ổn, được hạnh phúc, được an vui thì
đến đâu cũng được an ổn, an vui hết, đến chỗ nào cũng có Phật A Di Đà.
Đó gọi là từ nơi tâm mà hiển bày ra các pháp. Đó là nói về lý Tịnh độ.
Trong Thiền thoại ghi có một vị Tăng hỏi Thiền sư Ran-ji về công dụng Thiền Tịnh khác nhau như thế nào? Sư đáp:
Thiền định và trì niệm
Như hai tòa núi lớn
Căn cơ người sai khác
Phật tánh vốn chung đồng.
Kẻ lên được tận đỉnh
Thấy trăng chiếu muôn nơi
Thương người thiếu tín tâm
Mờ mịt giữa dốc ghềnh.
Chẳng
hạn giờ muốn lên núi Châu Đốc thì có rất nhiều đường. Ai thích đi đường
nào thì đi đường đó, cuối cùng lên tới đỉnh cũng gặp nhau. Người có
duyên tu thiền cũng trở về Phật tánh, người có duyên tu Tịnh cũng trở về
ông Phật nơi tự tâm của mình, phóng chiếu ra các pháp thì tự nhiên tâm
tâm tương ứng. Người đã sáng mắt thì cười thôi, còn chúng ta chưa sáng
mắt, lại không lo tu, không lo chuyển hóa mà ngồi bàn cãi pháp mình hay,
pháp người kia dở thì chưa đi được đến đâu hết. Chúng ta phải ngồi yên
lại để quán chiếu, nhận diện được tâm của mình để chuyển hóa thì đó là
chúng ta có đức tin về pháp. Còn người thiếu đức tin thì như người mờ
mịt giữa dốc ghềnh.
Cho nên có một Phạm chí Bà la môn một hôm đến hỏi Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, thế nào là Bà la môn tranh đấu với Bà la môn?”. Đức Phật trả lời: “Do chấp ngã”. Ông hỏi tiếp: “Bạch Đức Thế Tôn, thế nào là Sát đế lợi tranh đấu với Sát đế lợi?”. Đức Phật trả lời: “Do chấp ngã”. Ông lại hỏi tiếp: “Thế nào là Sa môn tranh đấu với Sa môn?”. Đức Phật trả lời: “Do chấp pháp”.
Người đời sở dĩ tranh đấu với nhau là do chấp ngã, còn người xuất gia
mà tranh đấu với nhau là do chấp pháp. Giống như câu chuyện một ông vua
sai cận thần đi tìm 4 người mù từ nhỏ đến lớn về, mang đến một con voi
và hỏi con voi như thế nào? Người thứ nhất rờ trúng cái chân, nói con
voi giống như cột nhà, người thứ hai rờ trúng cái đuôi, nói con voi
giống như cái chổi, người thứ ba rờ trúng lỗ tai, nói con voi giống như
cái quạt. Mấy ông người mù cãi nhau, cho rằng mình đúng người kia sai
nên cãi nhau và cuối cùng đánh lộn. Ông vua đứng ở trên cười ha hả, bởi
vì ông sáng mắt nên thấy rõ. Bốn người này nói cũng đúng, nhưng chỉ ở
một khía cạnh thôi. Ông vua tiêu biểu cho những người sáng mắt, thấy
hết.
Tổ Đạt Ma dạy tiếp: “Trong tâm có ba độc là quốc độ nhơ bẩn. Trong tâm không có ba độc là quốc độ thanh tịnh”.
Hàng ngày, quý vị bớt tham, bớt sân, bớt si chừng nào thì khi chết được
giải thoát chừng ấy, được Đức Phật đưa về cõi tương ưng. Còn trong tâm
đầy rẫy những cấu nhiễm, cù cặn thì Phật nói rất là khó đến, cho nên dù
tu pháp môn nào cũng phải cố gắng chuyển hóa niệm tham, sân, si.
“Khi không vọng tưởng thì một tâm là một cõi Phật, khi có vọng tưởng thì một tâm là một địa ngục”.
Nếu như quý vị ngồi đạt đến nhất tâm bất loạn hay ngồi không dấy một
niệm tưởng nào thì đó là cõi Phật. Còn dấy khởi một vọng tưởng thì đó là
địa ngục. Quý vị thử nghĩ xem hằng ngày chúng ta ở địa ngục bao nhiêu
lần? Còn vọng tưởng vắng bóng thì đó là một cõi
Phật. Hàng ngày nếu chúng ta kéo dài thời gian giác, một thời gian nó
huân sâu thì những sự kiện, những nghịch duyên khốn cùng trong cuộc đời,
nhờ năng lực không vọng tưởng sẽ đánh bạt hết các ác pháp. Cho nên,
không ai cứu được mình ngoài chính bản thân mình.
“Chúng
sanh tạo tác vọng tưởng do tâm sanh tâm nên thường ở trong địa ngục. Bồ
Tát quán sát vọng tưởng chẳng do tâm sanh tâm nên thường ở trong cõi
Phật. Nếu chẳng do tâm sanh tâm thì tâm tâm vào không, niệm niệm về
lặng, từ một cõi Phật đến một cõi Phật. Nếu do tâm sanh tâm thì tâm
chẳng lặng, niệm niệm về động, từ một địa ngục này chạy qua một địa ngục
khác”.
Chẳng
hạn chúng ta khởi niệm lên rồi chạy theo niệm hoặc ai chửi mình, niệm
mình khởi lên, mình thấy mà không chịu dừng, lao theo chửi lại người ta
tức là từ tâm này sanh thêm cái tâm khác nữa. Mình tưởng mình đang ở cõi
người nhưng suốt ngày vọng tưởng thì thực ra đang ở trong địa ngục.
Vọng tưởng khởi lên liên tục mà mình chạy theo là từ địa ngục này qua
địa ngục khác, nó tương tục mà mình không chuyển hóa được thì rất đáng
sợ. Chẳng hạn mình có niệm tật đố, ích kỷ, san tham, hại người này người
kia thì vừa chết liền xuống địa ngục bởi vì nó tương xứng với tâm của
mình. Còn Bồ Tát quán chiếu, biết được vọng tưởng không có thật tánh,
luôn sống trong ánh sáng Bát Nhã thì tự nhiên vọng tưởng tan biến. Lúc
này đang ở trong cõi Phật, đơn giản vậy thôi.
“Nếu
một niệm tâm dấy lên tức là có hai niệm thiện ác, có thiên đường, có
địa ngục. Nếu một niệm tâm chẳng dấy lên tức là không có hai niệm thiện
ác, cũng không có thiên đường, địa ngục. Vì thế chẳng phải có, chẳng
phải không, ở phàm là có, ở thánh tức không, thánh nhân không có tâm ấy
nên trong tâm rỗng suốt cùng với trời đồng lượng”.
Một
ngày, nếu quý vị luôn nhìn lại tâm mình để chuyển hoá thì tu rất có kết
quả, chứ không chỉ đợi ngồi thiền mới tu. Quét nhà chúng ta cũng tu,
nấu cơm chúng ta cũng tu, rửa chén tu, ngồi trên xe cũng tu, làm cái gì
cũng tu, tức là chăn nơi tâm. Tôi hay kể câu chuyện có hai huynh đệ tu
trên núi, sư đệ suốt ngày ngồi thiền, ngược lại ông sư huynh thì nằm
ngủ, không chịu ngồi thiền. Ông sư đệ chịu hết nổi, cầm cục than viết
lên vách tường: “Đời người rất ngắn, sao cứ nằm hoài. Kiếp sau thành rắn, khổ ơi là khổ”. Sư huynh thấy bài kệ đó, lấy cục than ghi kế bên: “Ngồi mãi chẳng nằm, kiếp sau thành cóc. Rầu ơi là rầu”.
Quý vị thấy con cóc ngồi hay là nằm? Con cóc ăn cũng ngồi, ngủ cũng
ngồi. Ông sư đệ sau khi thấy bài kệ tức khắc đốn ngộ. Nếu chúng ta chấp
ngồi thiền, lấy đó là công phu thì cũng không phải, nhưng nếu bỏ ngồi
thiền thì cũng không được. Cho nên, ngay chỗ ngồi thiền, chúng ta nhìn
lại từng ý niệm khởi lên trong tâm mình để chuyển hoá. Như vậy dù ra vào
đời sống hàng ngày nhưng chúng ta vẫn còn năng lượng tỉnh giác của lúc
ngồi thiền để hoá giải những chuyện xảy đến với mình trong cuộc đời. Đó
là lợi ích của ngồi thiền. Niệm Phật cũng như thế, chứ không phải đợi
lúc ngồi xuống mới niệm Phật, còn ngoài lúc đó ra chúng ta vẫn tạo tác
ác pháp thì chưa phải là người tu giỏi.
VI. THIỀN VÀ TỊNH CÓ LIÊN QUAN GÌ KHÔNG?
Thiền sư Suzuki nói: “Thiền
và niệm Phật dường như không đồng, nhưng đồng, vì đích đến của thiền là
thấu hiểu ý nghĩa của cuộc sống và đích đến của niệm Phật cũng thế”.
Quý vị thấy một người tu thiền, một người niệm Phật thì hai người này
có làm thiện pháp không? Vẫn làm thiện pháp như nhau. Cũng đều phải giữ
giới, đều có lòng thương cảm đối với chúng sanh đồng khổ. Hai người vẫn
đồng thấy các pháp vô thường, vô ngã, không có tự tánh. Từ cái thấy đó
mới dấn thân vào cuộc đời làm lợi ích cho người khác và hiểu được ý
nghĩa cuộc sống, chúng sinh khổ thì mình khổ, chúng sinh vui thì mình
vui. Người nào tu mà không có lòng thương cảm đối với chúng sinh thì
người đó chưa phải là người tu chân chánh.
Đại sư Liên Trì dạy: “Hành
giả niệm Phật là phải hợp nhất với tánh đức thường hằng của Đức Phật A
Di Đà, do đó toàn thể của Đức Phật A Di Đà là tự tánh của mỗi chúng ta”.
Một hôm, có một ông Tăng đến hỏi Thiền sư Triệu Châu: “Thế nào là Phật?”. Thiền sư đáp: “Ngày đêm trăm lẻ tám”. Tức là một ngày một đêm mà thường tỉnh, thường giác, thường nhớ ông Phật của mình thì đó là Phật.
Đại sư Châu Hoằng dạy trong Di Đà sớ sao: “Trọn
ngày niệm Phật tức là trọn ngày niệm tâm, nao nức cầu vãng sanh mà tịch
nhiên vãng sanh đi đâu cả, vì tự tánh Di Đà tức là duy tâm Tịnh độ. Xem
thế thì tôn chỉ của Thiền và Tịnh độ tuy khác nhau về đường lối hành
trì nhưng đều quy về một mục đích, vì cả hai đều không tách rời tự tâm.
Tự tâm đó là gì? Chính là Đức Phật A Di Đà”.
Sơ Tổ Trúc Lâm có bài kệ:
“Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây Phương
Di Đà là tánh sáng soi, mựa phải tìm về Cực Lạc”.
Tâm
mình đã tịnh thì khi chết có Thánh chúng đến đưa rước. Cũng giống như
có tư lương đầy đủ rồi thì muốn đi đâu cũng được. Chúng ta có phúc duyên
lớn là trong đời mạt pháp này vẫn còn biết đường hướng để tu và chuyển
hoá, vì trong Kinh Đại Bảo Tích, Đức Phật dạy: “Giả
như có một chúng sanh, một ngày một đêm tu ở cõi Ta Bà này thì bằng các
chúng sanh tu ở cõi Tây phương của Đức Phật A Di Đà tu một năm”. Mà
một ngày một đêm ở cõi Tây phương thì bằng ở dưới cõi Ta Bà một kiếp,
bởi vì ở cõi Ta Bà rất khó kham nhẫn. Chẳng hạn ngày lễ, quý vị không ở
nhà vui chơi mà lặn lội tới đây tu học Phật pháp để chuyển hoá nội tâm,
thì cái thúc đẩy mình đến chính là hạt giống thiện pháp của mình còn sót
lại. Mình chỉ tu một ngày một đêm mà bằng các cõi khác tu một năm thì
tại sao mình không bỏ ra một ngày một đêm để tu. Thấy được điều đó thì
mới thấy đời này mình vẫn còn phúc duyên nghe được Thánh pháp của Phật,
biết được con đường nào là chánh, con đường nào là tà, ác thì chúng ta
tránh, thiện thì chúng ta làm. Như vậy là mình rất có phước rồi, sao lại
nói là mình kém phước? Chỉ cần chúng ta dừng tâm, không tạo tác thì lo
gì không đến cõi Tây phương.
VII. SỰ CHỨNG NGỘ GIỮA THIỀN VÀ TỊNH
Thiền sư Huyễn Trụ nói: “Thiền
là cốt soi sáng ý nghĩa của sống và chết. Còn niệm Phật dạy cho thanh
toán vấn đề cũng sống và chết. Hãy chọn một trong hai đường vì chẳng có
tranh luận nào nổi lên ở đó”. Nếu tranh cãi thì không phải là Thiền,
cũng không phải là Tịnh, bởi vì ý nghĩa hai bên đều soi sáng lại con
đường sống và chết. Sống mà chúng ta không biết mình đang sống, không
biết mình đang ăn cơm, uống nước thì các Ngài nói mình như một cái xác
sống. Nếu chúng ta biết cách sống có ý nghĩa cho trọn vẹn thì chết không
còn sợ nữa. Kinh Pháp cú Phật dạy:
Ai sống một trăm năm
Ác giới, không thiền định
Tốt hơn sống một ngày
Trì giới, tu thiền định.
Như
vậy, giữa Thiền và Tịnh có một mắt xích, nếu chúng ta chịu khó chiêm
nghiệm thì hai pháp là một, chỉ có phương pháp hành trì hơi khác một
chút. Một bên ngồi yên lặng quán chiếu tự tâm, từ tự tâm đó đi ra.
Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Phật dạy: “Mỗi
một Đức Phật Như Lai hiện thân trong pháp giới và thâm nhập trong tâm
của tất cả hữu tình. Vậy mỗi khi các ngươi tưởng đến Phật, chính tâm của
các ngươi được trang nghiêm bằng 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Tâm ấy là gì?
Tâm ấy được chuyển thành Phật tánh. Tâm ấy chính là Phật, chánh biến
tri của chư Phật nổi dậy trong tâm tưởng của các ngươi. Vì lẽ đó, các
ngươi hãy nhất tâm tu tập, quán tưởng Phật Như Lai, Ngài là bậc A la
hán, Chánh đẳng chánh giác”.
Thấm được chỗ này, Thiền sư Suzuki dạy tiếp: “Cứ
để cho sự chú tâm lên tới cao độ của nó thì sẽ có một trực giác về
những chân lý huyền diệu. Như vậy, vãng sanh tức là vô sanh, niệm Phật
tức là không còn gì để niệm. Bởi vì tâm này chính là Như Lai, dù sắc
thân còn lệ thuộc thế giới này mà tâm thì đang vui sướng hạnh phúc nơi
Tịnh độ”.
Thiền
cũng như thế, ngay cái thân ràng buộc, ô uế, bất tịnh này mà tâm vui
sướng, hạnh phúc như ở trong cõi Phật. Vì niệm tức là không còn gì để
niệm, mà vô niệm mà rõ biết tức là niệm chân như.
Do đó, cổ đức nói:
Di Đà trí tánh thể như như
Sẵn có xưa nay chẳng thiếu dư
Mặt thật xưa nay ai khám phá
Đông Tây qua lại thảy gặp y.
Qua
điểm này, quý vị thấy giữa Thiền và Tịnh là một thực tại duy nhất, ngay
tại đây và bây giờ. Tâm mình thanh tịnh, tự tại, yên ổn thì đó tức là
Tịnh độ. Chư Phật và chư Tổ khai huyền xiển giáo để chúng sanh trong đời
này có đường hướng để đi, mà đường hướng nào cuối cùng cũng gặp nhau
nơi tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ.