Phật Học Online

Im lặng như chánh pháp

     Tương tự “Nói năng như Chánh pháp”, “Im lặng như Chánh pháp” là câu nói nhà Phật, đôi khi cũng được thể hiện đâu đó trong chốn thiền môn nhằm gợi nhắc những người con Phật, nhất là người xuất gia, cần phải quan tâm tu tập và hướng dẫn tâm thức của mình sao cho phù hợp với Chánh pháp hay ứng dụng tâm thức đúng như lời Phật dạy.

    Nghĩa là tâm thức cần phải được uốn nắn và phát triển một cách đúng pháp để từng bước rời xa các yếu tố gây phiền muộn khổ đau, hướng đến “yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”.

     Trong bài kinh Thánh cầu (Ariyapariyesansutta) thuộc tuyển tập Trung Bộ, Đức Phật nhấn mạnh đến hai việc làm quan trọng của người xuất gia. Đó là thảo luận Chánh pháp (Dhamma-kathà) hay giữ sự im lặng của bậc Thánh (Ariya-tunhibhàva). Việc thứ nhất – thảo luận Chánh pháp, ngụ ý rằng người xuất gia phải tập trung học hỏi, nghiên cứu và thảo luận về giáo pháp của Phật để hiểu rõ về ý nghĩa, phương pháp và mục đích của việc tu học Phật pháp. Việc thứ hai – giữ sự im lặng của bậc Thánh, hàm ý sự chuyên tâm tu tập hay hành trì giáo pháp của Phật, cụ thể là việc tu thiền hay phát triển nội tâm theo lời Phật dạy. Người xuất gia quyết tâm đi theo con đường của Phật nhằm mục đích đoạn tận khổ đau, thực nghiệm hạnh phúc Niết-bàn; vì thế học kinh và tu thiền là hai việc chính đáng. Học và tu để tìm thấy an lạc cho mình và gợi mở cho người khác cách thức thực nghiệm an lạc. Hết học kinh thì tu thiền, hết hành thiền lại học kinh; người xuất gia mà chuyên tâm làm được hai việc “giản đơn” như vậy thì được xem là “đã làm rất nhiều”1, xứng đáng được tôn trọng, cung kính, cúng dường. Vậy, thế nào là “Im lặng như Chánh pháp” hay thực tập và phát triển tâm thức đúng như lời Phật dạy?

     Thông thường chúng ta hiểu rằng im lặng tức là giữ sự lặng thinh, không phát ngôn, không nói ra lời nào. Vào đầu giờ học, các học sinh đang tụm ba tụm bảy nói chuyện làm huyên náo cả phòng học thì thầy giáo nghiêm trang bước vào bảo các em trở về chỗ ngồi và giữ im lặng. Giây lát sau, cả lớp học bắt đầu lặng yên không còn một tiếng động. Các học sinh đang giữ im lặng, không còn trao đổi nói chuyện với nhau nữa. Họ im lặng nghe thầy giáo giảng bài. Thế nhưng các ý tưởng và suy nghĩ thì vẫn tiếp tục nhảy múa trong tâm họ. Đó là im lặng bề ngoài, không phải “im lặng như Chánh pháp”.

     “Im lặng như Chánh pháp” là im lặng bên trong, là tĩnh lặng tâm thức. Nghĩa là dừng lại, làm cho im lắng các ý tưởng, các suy tư, ý niệm phân biệt, các vọng thức hay tạp niệm. Đó là im lặng tự nội, kết quả của phép điều tâm rất căn bản và sâu sắc trong đạo Phật. Kinh Trung Bộ2 kể rằng, lúc tướng cướp Angulimàla cố rượt theo Đức Phật với ý định làm hại Ngài, Phật dùng thần thông khiến cho tên cướp không thể nào bắt kịp Ngài dù Ngài vẫn bước đi rất khoan thai. Cố rượt đuổi mãi mà không được, Angulimàla đành dừng lại và lên tiếng gọi Đức Phật hãy dừng lại. Phật bảo Ngài đã dừng rồi, còn Angulimàla thì chưa dừng. Tên cướp lấy làm phân vân, sao Phật vẫn bước đi mà Ngài bảo Ngài đã dừng rồi, còn mình thì đã dừng lại, không rượt theo Phật nữa mà sao Phật bảo mình chưa dừng. Phật giải thích cho Angulimàla, sở dĩ Phật vẫn đi mà bảo Ngài đã dừng ấy là bởi Phật đã chấm dứt mọi ý tưởng làm hại chúng sinh, làm hại người khác; còn Angulimala tuy đã dừng lại, không đuổi theo Phật nữa, nhưng ý nghĩ làm hại người khác thì vẫn sôi sục ở trong tâm. “Im lặng như Chánh pháp” trước hết là dừng lại hay đóng lại các ý tưởng ác, bất thiện.

    Một cách khái quát, Đức Phật nói về nếp sống “im lặng như Chánh pháp” hay phương pháp thanh lọc và phát triển tâm thức(adhicitta-bhàvanà):

    “Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập tăng thượng tâm, còn tồn tại các kiết sử thô tạp, như thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành. Tỷ-kheo có tư lự, có thông minh, từ bỏ, gột sạch, chấm dứt, không cho chúng sanh khởi.

     Làm như vậy xong, làm như vậy hoàn tất, Tỷ-kheo tu tập tăng thượng tâm, còn tồn tại các kiết sử thuộc bậc trung, như dục tầm, sân tầm, hại tầm. Tỷ-kheo có tư lự, có thông minh, từ bỏ, gột sạch, chấm dứt, không cho chúng sanh khởi.

     Làm như vậy xong, làm như vậy hoàn tất, Tỷ-kheo tu tập tăng thượng tâm, còn tồn tại các kiết sử tế nhị, như tư tưởng về gia tộc, tư tưởng về quốc độ, tư tưởng không bị khinh rẻ. Tỷ-kheo có tư lự, có thông minh, từ bỏ, gột sạch, chấm dứt, không cho chúng sanh khởi.

      Làm như vậy xong, làm như vậy hoàn tất, chỉ còn lại các pháp tầm (tư tưởng về pháp).

     Định như vậy không có an tịnh, không có thù thắng, không được khinh an, không đạt đến nhất tâm, nhưng là một trạng thái chế ngự thường xuyên dằn ép. Nhưng đến một thời, này các Tỷ-kheo, tâm của vị ấy được nội trú, lắng đứng lại, được nhứt tâm, được định tĩnh. Định ấy được an tịnh, được thù diệu, được khinh an, đạt đến nhứt tâm, không phải một trạng thái chế ngự thường xuyên dằn ép; tùy thuộc theo pháp gì tâm vị ấy hướng đến để thắng tri, để chứng ngộ, vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến pháp ấy, dầu thuộc loại xứ nào”3.

     Cứ theo lời Phật thì “im lặng như Chánh pháp” hay sự thực tập chuyển hóa và thăng tiến tâm thức có các cấp độ khác nhau. Thứ nhất là tập loại bỏ các hành vi bất thiện thuộc thân hành và khẩu hành, đặc biệt là tập dừng lại hay làm cho im lắng các khuynh hướng tâm thức bất thiện như tham dục, sân hận và tà kiến, cũng được gọi là thực tập ý hành thanh tịnh. Kinh Phật mô tả: “Vị ấy không có tham ái, không tham lam tài vật kẻ khác, không nghĩ rằng: “Mong rằng mọi tài vật của người khác trở thành của mình”. Vị ấy không có sân tâm, không khởi lên hại ý, hại niệm, nghĩ rằng: “Mong rằng những loài hữu tình này sống lo tự ngã, không thù hận, không nhiễm loạn, được an lạc”. Vị ấy có chánh kiến, không có tư tưởng điên đảo: “Có bố thí, có cúng thí, có tế lễ, các hành vi thiện ác, có kết quả dị thục, có đời này, có đời sau, có mẹ, có cha, có các loại hóa sanh, trong đời có các Sa-môn, Bà-la-môn chân chánh hành trì, chân chánh thành tựu, sau khi tự tri, tự chứng, lại tuyên bố cho đời này và cho đời sau”.

     Tương tự, vị ấy nỗ lực loại bỏ hay làm cho dừng lại các tư tưởng tầm cầu bất chánh như dục tầm (hướng tâm đến các đối tượng thuộc tham dục), sân tầm (khởi nghĩ không thân thiện về người khác), hại tầm (nghĩ đến việc gây tổn hại cho người khác hay rơi vào tà kiến); hoặc các tư duy bất thiện như dục tư duy (dòng tư duy gắn liền với tham dục), sân tư duy (dòng suy nghĩ liên hệ đến sân hận), hại tư duy (dòng tâm thức liên hệ đến việc gây tổn hại cho mình và cho người). Đức Phật nhắc nhở: “Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát không có chấp nhận dục niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại dục niệm ấy; không có chấp nhận sân niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại sân niệm ấy; không có chấp nhận hại niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại hại niệm ấy; không chấp nhận các ác bất thiện pháp khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại các ác bất thiện pháp ấy”4. Kinh Đình chỉ tư duy5 nêu rõ năm cách thức khiến dừng lại hay làm cho im lắng các tư tưởng bất thiện: 1/ Nghĩ đến một vấn đề hiền thiện khác,

    2/ Quán sát sự nguy hiểm của các tư tưởng bất thiện, 3/ Loại bỏ hay cắt đứt dòng suy nghĩ, 4/ Điều chỉnh hướng vận hành (tác ý đến hành tướng và sự an trú) của các tư tưởng bất thiện cho đến lúc im lắng, 5/ Nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm.

    Một phương diện khác, đó là sự làm cho vắng lặng năm triền cái (nìvarana) hay năm yếu tố khiến ngăn che thiện tâm và làm muội lược trí tuệ gồm dục tham, sân hận, hôn trầm thụy miên, trạo hối và nghi ngờ. Người xuất gia phải ngày đêm tập trung thanh lọc tự nội, khiến cho tâm thức trở nên trong sáng, vắng lặng các pháp bất thiện, các pháp chướng ngại như dục tham, sân hận, hôn trầm thụy miên, trạo hối và nghi ngờ, không để chúng sinh khởi làm u ám tâm thức. Kinh Phật gọi sự nỗ lực như vậy là chú tâm cảnh giác: “Chúng ta phải chú tâm cảnh giác. Ban ngày đi kinh hành hay trong lúc ngồi, chúng ta phải tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại. Ban đêm canh một đi kinh hành hay trong lúc ngồi, chúng ta phải tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại. Ban đêm canh giữa, chúng ta phải nằm dáng nằm con sư tử, nghiêng bên hông tay phải, một chân đặt trên chân kia, chánh niệm tỉnh giác, tâm nghĩ đến lúc thức dậy lại. Ban đêm canh đầu thức dậy, đi kinh hành hay trong lúc ngồi, chúng ta phải tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại”.

     Bước tiếp theo trong quá trình huấn luyện tâm đúng như lời Phật dạy hay thực hành nếp sống “im lặng như Chánh pháp”, đó là sự chuyển hóa tâm thức hay thực tập tăng thượng tâm (adhicitta-bhàvanà) thông qua bốn cấp độ Thiền chứng. Đây là trạng huống của tâm thức đã rời xa hay vắng mặt các triền cái (tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối và nghi) và bắt đầu phát triển trên cơ sở sự sinh khởi và tịnh chỉ các thiền chi (tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm), khiến tâm thức càng lúc càng trở nên trong sáng, an tịnh, định tĩnh, thuần tịnh, nhất tâm. Đức Phật nói về bốn cấp độ phát triển này của tâm thức:

    “Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo, sau khi đã đoạn trừ năm triền cái này, những thứ làm ô nhiễm tâm tư, làm yếu ớt trí tuệ, ly dục, ly ác, bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ.

    Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ- kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm.

    Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là “xả niệm lạc trú”, chứng và trú Thiền thứ ba.

    Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh6.

     Một hình thái tu tập khác thể hiện nếp sống “im lặng như Chánh pháp” hay sự hướng dẫn tâm thức đúng như lời Phật dạy, đó là thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày: “Tỷ-kheo, khi bước tới bước lui, biết rõ việc mình đang làm; khi ngó tới ngó lui, biết rõ việc mình đang làm; khi co tay, khi duỗi tay, biết rõ việc mình đang làm; khi mang áo Sanghati ( Tăng già lê), mang bát, mang y, biết rõ việc mình đang làm; khi ăn, uống, nhai, nếm, biết rõ việc mình đang làm; khi đại tiện, tiểu tiện, biết rõ việc mình đang làm; khi đi, đứng, ngồi, ngủ, thức, nói, im lặng, biết rõ việc mình đang làm. Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh”7.

      Đây là hình thái thực tập an trú tâm vào pháp hiện tại, thể hiện qua việc chú tâm nhận biết và thức tỉnh về mọi hoạt động trong đời sống thường nhật, lấy các hoạt động làm đối tượng nhiếp tâm, an trú tâm, không để cho tâm chạy nhảy lăng xăng, nghĩ nhớ chuyện này chuyện khác. Nói cách khác, đây là phương pháp làm im lắng mọi ý tưởng phát sinh liên quan đến các hoạt động xúc chạm hàng ngày, do tâm chuyên chú và thức tỉnh về pháp hiện tại, khiến các vọng niệm không có lý do sanh khởi, không còn bóng dáng của ngã tưởng biểu lộ dưới hình thức các ký ức, vọng tưởng hay tạp niệm8. Sự im lặng ở đây là đồng nghĩa với tâm trong sáng, tỉnh giác, vắng lặng, giải thoát, an nhiên tự tại, vắng bặt hoàn toàn mọi ý niệm phân biệt, mọi ý nghĩ so sánh, mọi tư duy liên hệ đến tự ngã hay ngã tưởng. Đó chính là tâm giải thoát, không dính mắc, không vọng động, không uế nhiễm, không có tham-sân-si, không phiền muộn, không sầu não, an nhiên tự tại, được thể hiện sinh động trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.

      Tóm lại, “im lặng như Chánh pháp” là câu nói ngụ ý pháp môn tu tập và huấn luyện tâm thức theo lời Phật dạy, từng bước thanh lọc và phát triển tâm đạt đến trong sáng, an tịnh, định tĩnh, thuần tịnh, giải thoát, an nhiên tự tại. Nó là kỷ luật tự nội, có công năng làm lắng sạch nội tâm, khiến cho tâm thức dần dần đạt đến thanh tịnh, giải thoát. Người con Phật được khuyên “giữ sự im lặng của bậc Thánh” hay thực tập “im lặng như Chánh pháp” vì đây chính là nếp sống đặc trưng của các bậc giác ngộ và cũng là cách duy nhất (ekayàna-magga) giúp cho người con Phật tìm thấy an lạc thanh thản thực sự giữa muôn vàn biến động khổ đau của cuộc đời. (TC. Văn Hóa Phật Giáo)

Chú thích

1. Đại kinh Thí dụ dấu chân voi, Trung Bộ.

2. Kinh Angulimàla, Trung Bộ.

3. Kinh Kẻ lọc vàng, Tăng Chi Bộ.

4. Kinh Tất cả lậu hoặc, Trung Bộ.

5. Kinh Đình chỉ tư duy hay Kinh An trú tầm, Trung Bộ.

6. Mã ấp đại kinh, Trung Bộ.

7. Kinh Thân hành niệm, Trung Bộ.

8. Kinh Nhất dạ hiền giả, Trung Bộ.


Nga Ngọc
Nguon: Phatphapungdung.com


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage