Gần đây, báo chí phản ánh nhiều về các điểm ăn chơi thác loạn, việc xâm
phạm đời sống riêng tư, những ổ mại dâm mà người can dự không thuộc dạng
khó khăn về kinh tế, những động ma túy, thuốc lắc mà thanh thiếu niên
là đối tượng chủ yếu; rồi nạn tham nhũng, môi trường bị ô nhiễm trầm
trọng, bạo động liên miên... , đó là những biểu hiện của một đời sống
thiếu niềm tin.
Niềm tin là động cơ cho hành động tích cực và kết qủa tích cực. Chẳng hạn gia đình (
và rộng hơn là xã hội) đang xảy ra lộn xộn, khủng hoảng
(gia đình và xã hội khi đang tiến về phía trước thì luôn luôn gặp trở ngại, khủng hoảng, thách thức). Là một thành viên trong gia đình, nếu ta có thái độ tiêu cực, không có niềm tin (
tôi chẳng làm được gì đâu, và chẳng có ai có thể thay đổi tốt hơn đâu)
thì tình thế chắc chắn sẽ xấu hơn. Khi không có niềm tin, chúng ta dễ
dàng đổ thừa, dễ dàng để mặc, buông xuôi, dễ dàng sống chung với cái
tiêu cực, cái xấu và như vậy là sẵn sàng tiếp tay cho cái tiêu cực, cái
xấu.
Niềm tin là cần thiết cho mỗi người và cho xã hội, cho cả thế giới.
Nhưng niềm tin là gì, là tin vào cái gì? Làm sao để có niềm tin?
Trước hết chúng ta tìm hiểu con người lý tưởng từ một số đoạn trong kinh Duy Ma Cật. Một con người lý tưởng
(Bồ tát) có những tính cách sau: "
Không
lìa bỏ tình thương và lòng bi, chỉ dạy cho người khác không hề mệt
chán, tâm rộng rãi (bố thí), lời nói dịu dàng (ái ngữ), hàng động vị tha
(lợi hành), cùng làm việc với người khác (đồng sự), trồng các căn lành
không hề nhàm mỏi, cầu chân lý không lười biếng, diễn bày chân lý không
tiếc giữ, với vinh nhục không mừng hay lo, không khinh thường người mới
học, kính trọng người đang tự hoàn thiện, không ham cái vui của mình,
vui theo cái vui của người, thấy người không đạo đức khởi tưởng cứu độ,
luôn luôn trang nghiêm cho thế giới để thành một cõi sạch đẹp, thoát
khỏi các ràng buộc mà gánh vác chúng sinh, điều phục thân khẩu ý do đó
tiến bộ thường trực, dùng nhẫn nhục để nhiếp độ sân hận, không sợ hãi
trước khó khăn của thế giới sinh tử, dùng các thiện căn để cứu vớt những
người ít phước đức..."
Qua chỉ một số tính cách này, chúng ta thấy con người lý tưởng tỏa sáng
niềm tin và những điều tích cực. Niềm tin này, cư sĩ Duy Ma Cật đã nói
ra, trước khi giảng về tính cách của Bồ tát: "
Vì chúng sinh bệnh cho
nên tôi bệnh". Niềm tin ấy là thế gới này có thể chữa được. Sự có mặt
của một người theo con đường lợi tha của Bồ tát nơi thế giới này là sự
khẳng định niềm tin "thế giới này có thể cứu chữa được".
Đời sống con người có ba phạm trù căn bản, ba mối tương quan căn bản:
với chính mình, với người khác và với thế giới. Chúng ta hãy xem xét
niềm tin là gì trong ba phạm trù ấy.
Với chính mình: Niềm tin đối với chính mình là tin vào
khả năng mình có thể tiến bộ hơn, tốt hơn. Đó là niềm tin vào khả năng
tự hoàn thiện, và do đó, đời sống là nơi để hoàn thiện chính mình. Khả
năng tự hòan thiện đến mức độ Chân Thiện Mỹ, nói theo thuật ngữ Phật
giáo Đại thừa thì khả năng ấy là Phật tánh, khả năng thành một con người
toàn thiện, thành Phật, và khả năng đó luôn luôn hiện hữu một cách tiềm
thể nơi mỗi con người như một hạt giống của Chân Thiện Mỹ. Với niềm tin
vào chính mình này, cuộc đời con người có ý nghĩa: mỗi ngày mỗi hoàn
thiện, mỗi ngày mỗi đổi mới, mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn, như câu nói của
Khổng giáo, "
Nhật tân, nhật nhật tân" (Đại học). Từ đó, người
ta không chỉ có niềm tin đối với chính mình, mà còn cả yêu: tin yêu
mình. Đây là nguồn gốc cho mọi sự tích cực tốt đẹp của con người đối với
cuộc đời mình.
Với người khác: Niềm tin cũng như thương yêu, người ta
không thể thương yêu người khác nếu không thể thương yêu chính mình,
cũng thế, người ta không thể tin vào người khác nếu chưa tin vào chính
mình. Và càng tin vào chính mình chúng ta càng tin vào người khác, ngược
lại, càng nghi ngờ mình thì càng nghi kỵ người khác. Khi cuộc đời chúng
ta bắt đầu dựa trên khả năng tự hoàn thiện mình và cảm thấy nơi mình có
sự hiện diện của hạt giống tự hoàn thiện ấy, và khi chúng ta bắt đầu có
sự tin yêu đối với chính mình và cuộc sống của mình, tất nhiên chúng ta
thấy mọi người khác đều có khả năng ấy. Tất cả mọi con người đều xứng
đáng sống để khai thác khả năng tự hoàn thiện, đều đáng được tin yêu như
Phật giáo quan niệm: "
Tất cả chúng sinh đều có Phật tính".
Tin rằng mọi người đều có khả năng tự chuyển hóa, tự cải thiện, tự hoàn
thiện là một điều rất quan trọng. Sở dĩ tôi khoan dung , nhẫn nhục, kiên
nhẫn với anh mặc dù anh rất sai trái, rất xấu xa, rất tệ hại, rất tàn
ác là vì tôi không cắt đứt hoàn toàn với anh, và bởi vì tôi vẫn tin rằng
nơi anh cũng có hạt giống của sự tự chuyển hóa, tự hoàn thiện mà đến
một lúc hội đủ những duyên lành khác sẽ nứt mầm và lớn lên. Lịch sử nhân
loại cũng có lúc đi vào ngõ cụt tưởng không có lối ra, như Đại chiến
thế giới thứ hai với 6 triệu người chết trong các trại tập và phòng hơi
ngạt, và với hàng chục triệu người chết vì giết nhau, nhưng rồi sau đó,
nhân loại vẫn tiến tới...
Niềm tin vào con người (
dù tệ hại, tàn ác) này được diễn tả
trong kinh Pháp Hoa, với Bồ tát Thường Bất Khinh khi đối xử với những kẻ
theo chế nhạo, đánh đập mình. Ngài chỉ nói: "
Tôi không dám khinh thường các người vì các người sẽ thành Phật". Thái độ của Đức Thích Ca đối với người suốt đời làm hại mình là Đề Bà Đạt Đa cũng vậy, Ngài nói: "
Tất
cả công đức của ta đều là nhờ Thiện tri thức Đề Bà Đạt Đa cả, qua vô
lượng kiếp về sau, ông Đề Bà Đạt Đa sẽ thành Phật, hiệu là Thiên Vương
Như Lai...". Tất cả mọi giới hạnh Phật giáo đều căn cứ vào niềm tin
yêu con người như vậy, và đó là niềm lạc quan vô bờ bến đối với người
khác, đối với toàn bộ cuộc đời. Chính niềm tin yêu con người bất chấp
trở ngại, bất chấp thời gian đã làm nên cốt lõi đời sống lạc quan của
con người.
Cũng xin nói thêm, niềm tin yêu mỗi người là một hoa sen, dù trong bùn
dưới nước, chưa nở hay đã nở cũng là một điểm quan trọng trong truyền
thống Phật giáo Việt Nam. Thiền sư Chân Nguyên (1647-1726) trong Thiền
tông bản hạnh viết:
Trần trần sát sát Như lai
Chúng sinh mỗi người mỗi có hoa sen
Hoa là bản tính tự nhiên
Bao hàm thiên địa phương viên cùng bằng
Ai ai đạt giả đồng đồ
Mỗi người mỗi có minh châu trong nhà
Mùa xuân vạn thụ khai hoa
Cành cao cành thấp vậy hòa chứng nên.
Tin vào chính mình và vào người khác là tin vào sự chiến thắng tối hậu,
sự vinh quang tối hậu, sự tốt đẹp tối hậu của mỗi con người, và những
khuyết điểm, xấu ác đều có thể chữa lành vì chúng và nguyên nhân sinh ra
chúng là vô minh, vô thường. Từ niềm tin này, chúng ta mới có thể phát
khởi được tâm từ bi với mỗi con người. Có thể nói thêm, theo những nhà
tâm lý học liệu pháp, mọi sự chữa lành những phức cảm (complexes) đều
dựa vào tình thương, không có tình thương sẽ không có sự chữa lành tâm
thần nào (
có thể xem: The Road Less Traveled của bác sĩ M. Scott Peck, cuốn sách bán chạy nhất trong gần 600 năm liên tiếp ở Mỹ).
Với thế giới: thế giới không chỉ cho chúng ta chỗ ở, thực phẩm, và y phục (
điều kiện căn bản nuôi dưỡng sự sống của chúng ta)
mà nó còn dạy cho chúng ta những bí mật của sự sống: sự hài hòa của thế
giới, sự tiến hóa của sự sống. Thế giới ẩn giấu cái bí mật của con
người và vật chất, nên bản chất tối sơ và tối hậu của sự vật và con
người là gì là mục đích nghiên cứu của mọi khao học, mọi tôn giáo.
Với một thế giới đã giữ gìn và cưu mang cho sinh mạng và sự phát triển
tinh thần của chúng ta như vậy, chúng ta không những không nên tiêu phí
quá đáng cho nhu cầu vật chất để làm cho nó hư hoại, còm cõi đi, mà
chúng ta còn phải nuôi dưỡng nó, làm cho nó tốt đẹp như chính sự sống
của chúng ta. Nói theo Phật giáo, phải trang nghiêm cho nó để biến nó
thành một cõi tốt đẹp, một Tịnh độ. Thế giới như chúng ta hiện có là một
thiên nhiên thứ hai, vì nó đã qua sự chuyển hóa, sáng tạo một lần nữa
của con người. Thế giới đó là tác phẩm của chúng ta, thế giới của chúng
ta như thế nào thì tâm hồn của chúng ta cũng sẽ như vậy. Nó không chỉ là
anh em sinh đôi của chúng ta mà còn chính là chúng ta, nên tin yêu thế
giới cũng chính là tin yêu con người.
Chúng ta có những niềm tin: tin vào chính mình, vào người khác, vào thế
giới và vào cứu cánh rốt ráo của ba cái đó. Chúng ta cũng được dạy rằng
cứu cánh rốt ráo của ba cái đó nằm ngay tại đây và bây giờ, không chờ
một lịch sử xa xôi nào hay một đấng tạo hóa nào se ban phát cho chúng
ta. Ba niềm tin trên tương tác với nhau, hòa trộn với nhau, cái này nâng
cấp cái kia, để thành một niềm tin duy nhất: tin yêu toàn bộ đời sống,
tin yêu toàn bộ hiện hữu. Niềm tin ấy là một cuộc cách mạng cho mỗi một
đời người. Vì chính từ đây người ta mới bắt đầu trả lời cho câu hỏi tối
hậu của mỗi người: Sống để làm gì? Đâu là ý nghĩa của đời người? Và cũng
chính từ đây mà con người có hòa bình thực sự, không còn thù hận, chiến
tranh, giành phần thắng về cho mình, không còn vì điều lợi cho mình còn
người khác thì sao cũng mặc. Chính từ đây mà chúng ta mới thực sự biết
hai chữ đơn giản "tin yêu" là gì, vì hiện giờ, đời sống của chúng ta
vẫnnằm trong vòng vây của nghi kỵ, sợ hãi, tham tàn, hiếu chiến và ích
kỷ.
Toàn bộ đời sống, toàn bộ hiện hữu là cái còn lâu xa chúng ta mới biết
được trọn vẹn, vì nói theo kinh Pháp Hoa, đó là cái mà chỉ những người
tiến hóa đến tột đỉnh mới có thể biết: "
chỉ có Phật với Phật mới có thể thấu tột".
Nhưng trên con đường đi đến sự thấu biết tất cả và thương yêu tất cả -
biết và thương là điều mà hiện giờ, ngay cả những người hàng đầu của xã
hội con người cũng còn lờ mơ thì chỉ sự tin yêu và mong muốn học hỏi,
khám phá thôi cũng đã đủ ý nghĩa cho một kiếp người.
Nguyễn Thế Đăng