Phật Học Online

Hiểu "phúc" qua câu "đầu năm đi chùa cầu phúc”...

Đầu xuân năm mới đi chùa cầu phúc là một truyền thống văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, nhưng có nơi, có lúc các giá trị truyền thống đang dần mất đi giá trị tư tưởng triết lý và giá trị nhân văn sâu sắc, chỉ còn mang nặng hình thức tín ngưỡng tâm linh thuần túy.

“Phúc” theo cách hiểu thông thường là những điều lành được biểu hiện: mưa thuận gió hòa, muôn vật sinh sôi, cuộc sống ấm no, đất nước hòa bình, gia tộc bền vững, gia đình sung túc, con cháu thảo hiền, người người được bình an...Với ý nghĩa đó “phúc” không phải là sản phẩm tín ngưỡng tâm linh thuần túy.

Ngay từ khi chưa có văn tự, cộng đồng người Việt sơ khai với trình độ tư duy thô phác, tư tưởng về “phúc” với ý nghĩa như trên đã được thể hiện qua các hình khắc họa trên di sản văn hóa Đông Sơn hay qua các truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ, bánh chưng bánh dày, Sơn Tinh Thủy Tinh...

Như vậy, tư tưởng về “Phúc” sơ khai không phải là tín điều tôn giáo hay tín ngưỡng tâm linh, mà nó hàm chứa tính bản thể luận chất phác của con người thượng cổ, có khuynh hướng chủ nghĩa duy vật biện chứng.

Tư tưởng về “phúc” cũng hình thành trong văn hóa Trung Hoa thượng cổ, trước khi các tư tưởng tôn giáo ra đời (Nho giáo, Lão giáo...). Theo truyền thuyết của người Trung Hoa, tư tưởng về “phúc” đã có từ thời vua Nghiêu, vua Thuấn. Tương truyền nhân dân đã lần lượt chúc vua Nghiêu nhiều điều tốt đẹp thể hiện Phúc Lộc Thọ nhưng vua Nghiêu đều từ chối và ban cho bách dân trăm họ lời chúc đa phúc đa lộc đa thọ (tam đa). Thời Nghiêu - Thuấn là thời thượng nhân – thánh đức, con người giữ tính nết hiền hòa thuần hậu, không tham vọng, không đam mê vật chất phù hoa, dân sống an nhàn hạnh phúc, không thù nghịch giết hại lẫn nhau, đầy đủ cơm ăn áo mặc ở nhà, không lo trộm cướp. Đây quả là tư tưởng ứng với chữ phúc của muôn dân mà các nhà hiền triết thời sau vẫn thường mơ ước xây dựng một xã hội thịnh trị như vậy.

Trong một truyền thuyết khác của người Trung Hoa về Phúc – Lộc – Thọ, nói về ba vĩ nhân làm quan đại phu ở các triều đình khác nhau, mỗi vị đều có được hoặc nhiều phúc hoặc nhiều lộc hay nhiều thọ (tuổi thọ) nhưng không vị nào có trọn vẹn được cả ba thứ đó. Điều này mang giá trị nhân văn sâu sắc: con người không thể đòi hỏi một sự hoàn mãn, một hạnh phúc trọn vẹn trong cuộc sống?.
Cầu phúc trên chùa. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Triết lý nhà Phật chỉ đưa ra một khai niệm “phúc báo”. Thực chất cả ba phương diện Phúc Lộc Thọ đều nằm trong phạm trù “phúc báo” của triết lý Phật giáo.

Triết lý Phật giáo khẳng định “phúc” nằm trong quy luật nhân quả, làm phúc thì được phúc, phúc phải do gieo trồng mà có, không phải tự nhiên sinh ra hay do thần linh ban tặng. Tư tưởng này thể hiện tính bản thể luận, “phúc báo” là một phạm trù của triết lý duy vật biện chứng; trong giới hạn của triết lý duy vật biện chứng thì “phúc” là hữu hạn. Chỉ có “đức” thuộc triết lý duy tâm mới sản sinh được “phúc vô lượng”; nếu mọi sự đều viên mãn thì danh tự “phúc” hay “đức” cũng không còn, lúc này là triết lý tối hậu của nhà Phật! (Phật giáo nói “Phúc báo hữu lậu” là thuận theo quan điểm duy vật, nói “công đức vô lậu” là thuận theo quan điểm duy tâm, nói “giả có danh tự phúc – đức” là thuận theo bản thể trung đạo).

Đi lễ chùa đầu năm, nếu là cầu “phúc hữu hạn” thì năm trong ý nghĩa của việc “cúng dường làm phúc và bố thí làm phúc”. Tức là cúng dường Phật Pháp Tăng vì đây là ba ngôi mẫu mực đạo đức ở đời; nếu là cầu phúc bền vững (phúc vô lượng) tức là học hỏi cái “đức” của nhà Phật, nhờ gần gũi chư tăng chỉ bảo cho. Cái phúc ấy vừa có ý nghĩa triết lý vừa có giá trị nhân văn sâu sắc.

Trong quá trình phát triển lịch sử tư tưởng và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tư tưởng về “phúc” luôn được gắn liền với tư tưởng về “đức”. “Đức” trong tư tưởng người Việt được kết hợp từ các ý nghĩa: “Đức nhân quân tử” của nhà Nho, “đức vô vi” của đạo Lão, “đức hiếu sinh” của nhà Phật và sau này là “đạo đức Hồ Chí Minh” thời hiện đại.

Đại diện tiêu biểu cho lịch sử tư tưởng Việt Nam là hai nhà tư tưởng lỗi lạc của dân tộc: Lại bộ Thượng thư Nguyễn Trãi và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai Danh nhân Văn hóa thế giới.

Nguyễn Trãi là một nhà tư tưởng lớn của dân tộc trong thời kỳ nhà nước xã hội phong kiến. Tư tưởng của ông được biểu hiện trên nhiều phương diện nhưng nổi bật hơn cả là tư tưởng về “nhân nghĩa”. “Nhân nghĩa” được xem là tư tưởng xuyên suốt và mang giá trị thời đại của ông. “Nhân nghĩa” vốn là hai đức đầu tiên của bậc quân tử (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) theo quan điểm Nho giáo, nhưng lại được biểu hiện bằng cái phúc của muôn dân.

Mở đầu Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi viết:

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”

Đây là tư tưởng nhân nghĩa cốt yếu là vì dân, thương dân, an dân.

Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi cũng thể hiện sự khoan dung, độ lượng

“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo”

Họ đã tham sống sợ chết mà hòa hiếu thực lòng. Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức...?

Đây cũng là cái “đức hiếu sinh” của nhà Phật vậy.

Tư tưởng về nhân nghĩa của ông cũng được thể hiện ở ước muốn xây dựng một đất nước thái bình:

“Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
Muôn thuở nền thái bình vững chắc”

Cũng có lúc Nguyễn Trãi vận dụng cái “đức vô vi” của Lão tử để an nhàn khi lui về ở Côn Sơn:

“Côn Sơn suối chảy rì rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Côn Sơn có đá rêu phơi,
Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm.”

Khi được vua Lê Thái Tông mời về Kinh đô giúp việc nước, mặc dù tuổi đã cao Nguyễn Trãi vẫn hăng hái đem hết tài trí để phục vụ cho dân cho nước, không quên khát vọng xây dựng một xã hội thịnh trị như thời Nghiêu Thuấn. Có thể nói cái “đức” của Nguyễn Trãi hướng về cái “phúc” của muôn dân.

Kết tinh của truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa nhân ái Việt Nam, kết tinh tinh hoa văn hóa phương Đông, phương Tây và Chủ nghĩa duy vật đã hình thành lên tư tưởng vị lãnh tụ kiệt suất của dân tộc thời hiện đại – Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống những quan điểm, quan niệm, luận điểm về giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, về xây dựng xã hội mang bản chất nhân đạo cao cả, dựa trên nền tảng chủ nghĩa yêu nước, kết hợp tinh hoa văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa thế giới.

Trong điều kiện hoàn cảnh đương thời, yêu cầu về giải phóng dân tộc, giải phóng con người là cấp bách trọng yếu. “Phúc – đức” tuy không được trực tiếp đề cập tới nhưng vẫn luôn hiện diện trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng con người của Hồ Chí Minh là sự kế thừa tinh hoa văn hóa nhân loại: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Lời suy luận của Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn độc lập cũng thể hiện tư tưởng về cái “phúc” của muôn dân, mở rộng ra là tất cả dân tộc trên thế giới.

Tư tưởng của Hồ Chí Minh cũng thể hiện tinh thần khoan dung độ lượng của dân tộc ta: “Với thực dân Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chay qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng, tài sản của họ.

Mặc dù trong những hoàn cảnh kháng chiến gian khổ như Hồ Chí Minh vẫn thể hiện cái “đức vô vi” tự tại của bậc thánh hiền: 

“Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang”

Tư tưởng về “đức” của Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ trong quan điểm “Tư cách một người kách mệnh”

"Tự mình phải:
Cần kiệm.
Hoà mà không tư.
Cả quyết sửa lỗi mình.
Cẩn thận mà không nhút nhát.
Hay hỏi.
Nhẫn nại (chịu khó).
Hay nghiên cứu, xem xét.
Vị công vong tư.
Không hiếu danh, không kiêu ngạo.
Nói thì phải làm.
Giữ chủ nghĩa cho vững.
Hy sinh.
Ít lòng tham muốn về vật chất.
Bí mật.

Đối với người phải:
Với từng người thì khoan thứ.
Với đoàn thể thì nghiêm.
Có lòng bày vẽ cho người.
Trực mà không táo bạo.
Hay xem xét người.

Làm việc phải:
Xem xét hoàn cảnh kỹ càng.
Quyết đoán.
Dũng cảm.
Phục tùng đoàn thể"

Rõ ràng trong đây có đủ đức “nhân nghĩa”của nhà Nho, “đức thiểu dục, tri túc” của đạo Lão, “đức hổ thẹn, tinh tiến, nhẫn nhục, tự lợi, lợi tha...” của nhà Phật....Như vậy tư tưởng về “đức” của Hồ Chí Minh là sự kế thừa và phát triển cái “đức” của nhân loại.

Như vậy, có thể khẳng định tư tưởng “phúc – đức” là một trong những dòng tư tưởng truyền thống của dân tộc ta, mang ý nghĩa triết lý và giá trị nhân văn sâu sắc. “Phúc – đức” không phải là tín ngưỡng tư tưởng tâm linh thuần túy, cũng không phải là tín điều riêng của một tôn giáo nào. Bởi “PHẬT” là bậc đầy đủ PHÚC - ĐỨC nhất ở đời nên chúng ta tôn kính và tưởng nhớ tới Ngài, điều đó vượt ra khỏi phạm vi tôn giáo.

Thiết nghĩ trong thời đại ngày nay, đất nước hòa bình, xã hội phát triển, nhân dân cả nước cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, những tư tưởng đúng đắn về "phúc – đức” cần được khơi dậy trong tinh thần dân tộc ta.

Thích Minh Tuấn
Chùa Hội Xá, ngày 25/02/20215

phatgiao.org.vn


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage