Phật Học Online

Tự ngã trong năm uẩn giống như “lõi” cây chuối

     Theo đạo Phật, những nỗi khổ của con người đều phát xuất từ sự thiếu hiểu biết. Vô minh được coi là nguyên nhân khổ đau lớn nhất của chúng sanh. 

  

    Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, tất cả những nỗi sợ hãi, thất vọng, vấp ngã và tai nạn đều do ngu si mà sanh khởi”(Kinh Đa giới, Trung bộ kinh). Đức Phật khuyên mọi người hãy trở thành kẻ hiền trí bằng cách suy tư quán chiếu để nhận chân được bản chất của nhân sinh và vũ trụ, qua đó giập tắt ngọn lửa ngu si, thành tựu trí tuệ và đoạn diệt khổ đau.

     Chúng ta cần suy tư quán chiếu về cái gì và như thế nào để có trí tuệ và đoạn diệt khổ đau? Đối tượng mà chúng ta cần suy tư quán chiếu là đời sống của chính chúng ta. Đạo Phật đã phân tích, hệ thống và khái quát hóa những cái tưởng như phức tạp ấy thành những điều có thể nắm bắt được, đó là Uẩn, Xứ, Giới. Biết rõ về các lãnh vực này là biết rõ về bản chất con người và thế giới.

     Đức Phật đã dạy các pháp đều vô ngã, nghĩa là vạn vật hữu tình hay vô tình - tất cả không có bản ngã hay thực thể. Vô ngã là một đề tài đặc sắc của Phật giáo, ngoại đạo thường cho tự ngã là một thực thể cố định, còn đạo Phật thì tận lực quán sát nó về phương diện lưu động, coi nó cũng như “dòng thác”. Để loại bỏ mọi quan niệm cố định, thuyết vô ngã có hiệu lực làm tăng thêm giá trị của con người, đó là lý do thực tiễn. Những tội ác của con người phát xuất từ ngã chấp, lấy cái tôi làm trung tâm. Nên phủ định cái tôi thì sẽ ngăn ngừa được mọi tội ác, vì thế đạo Phật chủ trương thuyết vô ngã. Để diệt trừ ngã chấp, trước hết cần hướng đến thiết lập đạo đức và tình thương. Tâm lý và luân lý là cơ sở của thuyết vô ngã, thiếu một trong hai sẽ dẫn ta dễ đi đến hữu ngã, tức là sẽ có khổ đau.

      Một con người hiện hữu là “hiện hữu tùy thuộc vào một tràng nhân duyên”. Mọi hiện hữu đều do nhân duyên và nó sẽ tan biến khi những tác dụng của tràng nhân duyên đó chấm dứt. Như vậy, một người không thể xem hạt nhân hay hồn của người đó là một thực ngã. Thí dụ những làn sóng trên mặt nước quả là hiện hữu, nhưng có thể gọi mỗi làn sóng đều có tự ngã không? Sóng chỉ có khi gió lay động. Mỗi làn sóng đều có riêng đặc tánh tùy theo sự phối hợp của những nhân duyên, cường độ của gió và phương hướng của gió… Nhưng khi những tác dụng của nhân duyên đó chấm dứt, sóng sẽ không còn nữa. Cũng vậy, không thể nào có cái ngã biệt lập với nhân duyên được (Tinh hoa Triết học các Tông phái Đạo Phật, Tuệ Sỹ dịch).

     Đối với người muốn tìm cầu tự ngã trong năm uẩn thì cũng giống như tìm cầu lõi cây trong thân cây chuối vậy. Để tìm lõi của thân cây chuối thì ta sẽ không bao giờ thấy được, từ cây nhỏ cho đến cây lớn. Vì thân cây chuối do những bẹ chuối kết hợp lại, không bẹ chuối nào là bẹ chủ đạo làm nên thân cây chuối. Nếu tách ra từng bẹ, ta sẽ thấy cuối cùng là số không, cho nên muốn tìm lõi cây chuối thì sẽ không bao giờ thấy được.

     Năm uẩn là gì? Tiếng Pàli là Panca Khandha. Panca là năm, Khandha là nhóm, là yếu tố tích tụ, ngài Huyền Trang dịch là ngũ uẩn; ngài La Thập dịch là ngũ ấm, ấm là ngăn che, chướng ngại (che mất chân tánh). Năm uẩn (ngũ uẩn) được dùng phổ biến hơn. Năm uẩn là năm nhóm kết hợp lại tạo thành con người. Nói cách khác, con người là một hợp thể của năm yếu tố: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Theo Duy thức học thì có tám thức, thức là tâm vương; thọ, tưởng, hành là tâm sở. Trong Kinh tạng Nikàya và A-hàm thường dùng từ năm thủ uẩn, nghĩa là năm uẩn, là đối tượng của sự chấp thủ, của tâm tham ái, là nguyên nhân của khổ đau. Để dễ hiểu, có thể phân tích sâu hơn về năm uẩn như dưới đây.

     Sắc là yếu tố vật chất, bao gồm vật lý và sinh lý. Có bốn yếu tố vật chất căn bản là địa (chất rắn), thủy (chất lỏng), hỏa (nhiệt độ), phong (chất khí). Các yếu tố do bốn đại tạo ra thuộc về sinh lý như: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân; các đối tượng của giác quan như: hình sắc, âm thanh, mùi vị, vật xúc chạm. Đức Phật dạy: “Phàm sắc gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy là sắc uẩn” (Kinh Đại mãn nguyệt, Trung bộ kinh). Như vậy, yếu tố vật chất là thân thể hay ngoài thân thuộc vật chất hay năng lượng, thuộc thời gian hay không gian đều bao hàm trong sắc uẩn. Thân thể là sắc uẩn, vì vậy chúng không phải là một thực thể độc lập mà là một hợp thể vật chất biến động và mâu thuẫn, thân thể muốn tồn tại phải nương vào các yếu tố trợ duyên. Quan điểm của Phật giáo về thân thể vật lý dựa trên cơ sở lý duyên sanh, nghĩa là trình bày rõ về mối tương hệ bất khả phân ly giữa các yếu tố con người với yếu tố vũ trụ thiên nhiên gồm môi trường, hoàn cảnh,… Bản chất của sắc uẩn là vô thường, vô ngã và chuyển biến bất tận theo duyên sanh. Vậy bản chất của chúng là không, không tự ngã. Sự chấp thủ, tham ái thân thể hoặc bất cứ đối tượng vật lý, sinh lý nào cũng đều tiềm ẩn nguy cơ đau khổ.

     Thọ là cảm giác, do sự tiếp xúc giữa các giác quan và đối tượng mà sanh ra thọ. Đức Phật dạy có sáu thọ: mắt tiếp xúc với hình sắc mà sinh thọ, tai với âm thanh, mũi với mùi, lưỡi với vị, thân với vật cứng - mềm, ý với đối tượng tâm ý. Cảm giác có ba loại: cảm giác khổ, cảm giác vui, cảm giác không khổ không vui. Đức Phật dạy: “Phàm cảm thọ gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy gọi là thọ uẩn” (Sđd). Như vậy, những loại cảm giác về thời gian không gian, cảm giác sâu sắc bên trong tâm như thiền định chẳng hạn hay cảm giác bên ngoài qua các giác quan, cảm giác cường độ mạnh hay yếu đều nằm trong thọ uẩn. Phân tích ta sẽ thấy có những cảm giác đến từ thân thể như: ăn uống, khoái khẩu hay bị thương tích đau đớn, những cảm giác đến từ tâm lý như thiền định hay tưởng tượng; có những cảm giác đến từ tâm lý và vật lý như thưởng thức một bản nhạc hoặc ngắm một bức tranh,…tất cả những cảm thọ ấy tạo thành một dòng sông cảm thọ tâm lý chi phối hệ thống tâm thức, chúng sinh khởi biến hiện thay đổi vô thường, chúng chuyển biến vô tận, vô thường, vô ngã và hiện hữu có điều kiện. Vì vậy, chấp thủ vào cảm thọ bao giờ cũng sai lầm và gặt hái khổ đau.

     Tưởng uẩn là nhóm tri giác có khả năng nhận biết đối tượng là cái gì, đây là khả năng kinh nghiệm của sáu giác quan và sáu đối tượng của giác quan. Sự nhận biết đối tượng có hai loại: một là nhận biết đối tượng bên ngoài như: mắt thấy sắc nhận biết đó là hoa hồng,..; hai là khả năng nhận biết đối tượng bên trong như: những khái niệm, hồi tưởng ký ức… Như vậy, tưởng uẩn là cái thấy, cái biết của mình về con người, hoặc sự việc hay sự kiện. Đức Phật dạy: “Phàm tưởng gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy gọi là tưởng uẩn” (Sđd). Như vậy, những tri giác về các đối tượng bên ngoài, bên trong thuộc thời gian, không gian, đơn giản hay phức tạp đều gồm trong tưởng uẩn. Sự có mặt của tri giác là sự có mặt của kinh nghiệm. Tri giác tùy thuộc vào những kinh nghiệm đã qua, như khi thấy hoa hồng biết đây là hoa hồng, cái tri giác về hoa hồng đã có sẵn nên cái kinh nghiệm đã cho biết đó là hoa hồng. Vì vậy, tri giác dễ bị đánh lừa bởi kinh nghiệm do vì thực tại thì luôn sinh động. Tri giác tồn tại có điều kiện. Vì vậy, chúng vô thường, trống rỗng và do duyên sinh nên tri giác đầy hư vọng mà thường gọi là vọng tưởng.

     Hành là mọi hiện tượng sinh diệt như trong câu kệ:“Chư hành vô thường”. Hành uẩn ở đây có nghĩa là các hiện tượng tâm lý mang tính chất tạo tác nghiệp, có năng lực đến quả báo của nghiệp, nói cách khác hành tạo động lực cho tái sinh. Hành uẩn cũng có sáu loại do sự tiếp xúc giữa sáu giác quan và sáu đối tượng, hành còn gọi là tư. Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, thế nào là hành? Có sáu tư thân này: sắc tư, thinh tư, hương tư, vị tư, xúc tư và pháp tư. Đây gọi là hành” (Sđd). Tư là động lực quyết định, là ý chí, ý muốn, tâm sở này tạo động lực dẫn dắt tâm theo xu hướng thiện và bất thiện. Hành uẩn tồn tại nhờ các điều kiện do duyên sinh nên chúng vô thường, trống rỗng và biến động bất tận.

     Thức có khả năng rõ biết, phản ánh thế giới hiện thực. Khi giác quan tiếp xúc với đối tượng, thức nhận biết sự có mặt của đối tượng, thức không nhận ra đối tượng ấy là gì, là cái gì, màu gì,… Thức chỉ nhận biết sự hiện diện của đối tượng giống như tấm gương phản chiếu tất cả những hình ảnh đi ngang qua nó. Thức là nền tảng của thọ, tưởng, hành, thức. Thức là nền tảng của các hiện tượng tâm lý, còn gọi là yếu tố căn bản của tâm lý, và căn cứ để các hiện tượng phát khởi. Mặc dù, thức uẩn là nền tảng của tâm lý nhưng nó không thể tồn tại độc lập, chúng hiện hữu do duyên sinh, cụ thể là do sắc, thọ, tưởng, hành; mối quan hệ giữa chúng với nhau là bất khả phân ly. Đức Phật dạy trong kinh Tương ưng: “Thức tồn tại nhờ sắc làm điều kiện, làm đối tượng, sắc làm nơi nương tựa…Thức phát triển hưng thịnh nhờ sắc. Thức tồn tại nhờ thọ… nhờ tưởng… nhờ hành làm điều kiện, làm đối tượng, hành làm nơi nương tựa… Nếu có ai nói tôi sẽ chỉ ra sự đi, sự đến, sự sinh, sự diệt của thức biệt lập với sắc, thọ, tưởng, hành thì người ấy đã nói một điều không thực”. Như vậy, thức là một hợp thể của bốn uẩn kia, không chấp nhận có một thức nào đó độc lập, tự chủ như khái niệm về một linh hồn bất tử chẳng hạn. Thức vô thường, lưu chuyển, vô ngã và do duyên sinh.

    Con người dưới sự phân tích năm nhóm trên thì thân thể thuộc một nhóm là vật lý, sinh lý; tâm lý thì chia thành bốn nhóm: cảm giác, tri giác, động lực (hay ý chí) và thức. Mỗi nhóm là một tập hợp của các yếu tố, đồng thời mỗi nhóm đều nương tựa vào nhóm kia mà tồn tại, nhóm này có trong nhóm kia và ngược lại. Nói cách khác, trong sắc có thọ, trong thọ có sắc, chúng nương vào nhau mà có mặt. Năm nhóm là các khía cạnh khác nhau của một thể thống nhất là con người. Thể thống nhất ấy mới nhìn qua tưởng như độc lập, bất biến được điều khiển bởi một chủ thể nhưng thật ra chúng chỉ là một hợp thể vô ngã, vô thường và rất tạm bợ. Đức Phật dạy trong Tiểu kinh Saccaka: “Này các Tỳ-kheo, sắc là vô thường, thọ là vô thường, tưởng là vô thường, hành là vô thường, thức là vô thường. Này các Tỳ-kheo, sắc là vô ngã, thọ là vô ngã, tưởng là vô ngã, hành là vô ngã, thức là vô ngã. Tất cả hành là vô thường, tất cả pháp là vô ngã”.

    Con người có thói quen hay tư duy về cái ngã, về cái tồn tại, cái chủ động đằng sau cái biến động, nên mọi sự rối loạn từ đó mà sinh. Mặt khác, chúng ta thường bị dính mắc, bị cột chặt vào một cái gì đó như thân thể, tình cảm hay tư tưởng… Nếu bị mất mát, bị lấy đi, tâm tư chúng ta sẽ trống rỗng, bị khủng hoảng ngay. Mục đích phân tích năm uẩn là để nhìn thấy rõ bản chất của con người và thế giới hiện tượng. Những đau khổ của con người là do vô minh, là không thấy rõ bản chất của sự sống, do vô minh nên chấp ngã, chấp vào cái chủ thể bất biến, do chấp ngã mà có tham ái, có sân hận, có si mê, có sợ hãi, thất vọng, vấp ngã, tai nạn, đau khổ và có sanh tử triền miên. Cho nên, người học Phật phải luôn tu tập và quán chiếu sâu sắc về năm uẩn là không thường hằng bất biến, mọi sự vật đều do duyên sinh duyên diệt. Bản chất năm uẩn vốn không có tự ngã, nếu chúng ta đi tìm cái tự ngã trong thân năm uẩn của con người và vũ trụ thì cũng giống như đi tìm lõi cây trong thân cây chuối vậy. 

Diệp Thiên


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage