Phật Học Online

Thiên đàng hay địa ngục
THÍCH PHƯỚC ĐẠT

Sống giữa xã hội hiện đại của những năm cuối cùng của thập kỷ 90 mà nói chuyện thiên đàng hay địa ngục tưởng chừng như là chuyện phi thực, thế mà có thực ! Một trăm phần trăm, bạn cứ thử mà xem, ngay cả khi trong khối óc bạn chứa đầy ắp kiến thức khoa học công nghệ hiện đại, trong tay đầy đủ phương tiện kỹ thuật. Thiên đàng địa ngục là gì nhỉ? Bạn tự hỏi lòng mình ắt biết !

Chắc bạn còn nhớ câu chuyện báo hiếu của Ngài Mục Kiền Liên năm xưa, nhờ có đôi mắt tuệ giác mà nhìn thấy mẹ mình đọa vào địa ngục làm thân quỷ đói. Với lòng thương mẹ dạt dào, Ngài liền dâng cơm cho mẹ. Do đói khát lâu ngày, mẹ Ngài mừng rỡ vô cùng ! Một tay che chắn bát cơm, một tay định bốc ăn. Than ôi! Cơm chưa đến miệng đã hoá thành lửa cháy. Hỏi ra mới biết, Phật dạy thân mẫu Ngài do lúc sinh tiền vốn giàu lòng bủn xỉn, phàm làm việc gì cũng bủn xỉn, rồi suốt đời tạo nghiệp bủn xỉn, nên khi lâm chung đọa làm thân quỷ đói. Đã thế , khi nhận bát cơm của Ngài Mục Kiền Liên, vẫn khởi lòng tham lam, ích kỷ tột cùng, nên lửa tham trong lòng mẹ Ngài đã thiêu hủy bát cơm của sự hiếu thảo ngọt ngào! Bên kia bờ đại dương của nền văn minh cổ Hy Lạp vẫn còn đó câu chuyện về anh chàng lãng tử, siêng ăn nhác làm cộng thêm lòng tham vô đáy. Ngày ngày, chàng ta cứ ra bờ sông, tự hát khúc nhạc lòng muôn thuở với nước đầy ngần chấm chân, và trên đầu có những cành cây sai trái phủ xuống ngang mày. Cứ mỗi lần định đưa tay lên hái trái nào ăn thì cành cây cứ cất dần lên, vì thế chẳng bao giờ chàng hái được. Còn khi chàng định cúi xuống để vốc nước uống thì nước cạn dần không thể vốc được. Khổ đau thay cho thân phận kiếp người! Xem ra, phương Đông cũng như phương Tây, con người cùng chung cảnh ngộ để thọ hưởng cảnh giới thiên đàng hay đoạ lạc vào địa ngục trần gian. Điều này khiến cho ta suy nghĩ : hễ tâm chứa chất đầy tham lam, bủn xỉn thì hoá ma, còn tâm dung chứa từ bi hỷ xả thì hoá Phật. Phật từ nơi tâm hoá hiện, ác ma cũng từ tâm. Thế thì trong thế giới sinh động đầy ảo giác này, ai biết hướng tâm theo đường thiện, tạo việc thiện thì thọ hưởng cảnh giới an lành, ai hướng tâm theo đường ác, tạo việc ác thì sẽ đoạ lạc vào trong cảnh giới ác khổ đau! Đức Phật dạy :

"Một số sinh bào thai

Kẻ ác sinh địa ngục

Người thiện lên cõi trời

Vô lậu chứng Niết bàn"

(Pháp Cú 126)

Đến đây chắc bạn đã biết cảnh giới địa ngục hay thiên đàng là có thật rồi đó. Hẳn nhiên, khi tâm ác, việc làm ác có thật, thì cảnh giới ác ắt cũng có thật . Đó là địa ngục trần gian. Khi tâm thiện, việc làm thiện có thật, thì cảnh giới thiện ắt cũng có thật . Aáy là thiên đàng hạnh phúc vĩnh cửu. Dẫu bạn tin hay không, cánh cửa thiên đàng hay địa ngục vẫn mở. Vấn đề tối hậu là bạn phải chọn cho mình một hướng đi đến cảnh giới vô sinh bất tử, giải thoát khổ đau đang vây bủa chính mình .

Chính Đức Phật đã xác định giữa pháp của bậc thiện và pháp của kẻ ác rất sai khác và rất xa vời lẫn nhau bằng một hình ảnh tuyệt đẹp đầy sống động, dễ nhớ :"Thật là xa, thật xa, khoảng cách giữa mặt đất và bầu trời. Thật là xa, thật xa, khoảng cách bờ biển bên này với bờ biển bên kia. Thật là xa, thật xa, khoảng cách chỗ mặt trời mọc và chỗ mặt trời lặn. Nhưng còn cách xa, cách xa hơn nữa, là khoảng cách giữa pháp của bậc thiện và pháp của kẻ ác"(Tăng Chi) .

Thế nên, bạn phải biết phân biệt trong sự vàng thau lẫn lộn của cuộc sống đời thường thế nào là pháp thiện, thế nào là pháp bất thiện để chọn cho mình một hướng đi đúng với những con đường hướng nội, nơi đó để lại cho bạn một sự bình an trong tâm hồn . Chính du sĩ Vachhagota đã thỉnh cầu Đức Phật giảng vắn tắt các pháp thiện và pháp bất thiện một cách rõ ràng để tấn tu cầu giải thoát an lạc :"Tham là bất thiện, vô tham là thiện, sân là bất thiện, vô sân là thiện; si là bất thiện, vô si là thiện. Như vậy, ba pháp là bất thiện, ba pháp là thiện . Sát sanh là bất thiện, từ bỏ sát sanh là thiện. Lấy của không cho là bất thiện, từ bỏ của không cho là thiện. Tà hạnh trong các dục là bất thiện, từ bỏ tà hạnh trong các dục là thiện. Nói láo là bất thiện, từ bỏ nói láo là thiện. Nói hai lưỡi là bất thiện, từ bỏ nói hai lưỡi là thiện. Nói ác khẩu là bất thiện, từ bỏ nói ác khẩu là thiện . Nói lời phù phiếm là bất thiện, từ bỏ lời nói phù phiếm là thiện. Xan tham là bất thiện, từ bỏ xan tham là thiện. Sân là bất thiện, từ bỏ sân là thiện. Tà kiến là bất thiện, từ bỏ tà kiến là thiện. Như vậy là, Vachhagota, mười pháp là bất thiện, mười pháp là thiện"(Trung bộ II). Trong kinh Tăng Chi I do Đức Phật đã tuyên bố rõ ràng về sự lợi ích của pháp thiện, sự nguy hại của pháp bất thiện đối với mỗi người, để quyết định sự thác sanh vào thiên giới cõi thiện với những lợi ích an lạc, hay sự đọa lạc địa ngục cõi ác với những nguy hại khổ đau đang mong chờ :"Ta tuyên bố dứt khoát rằng, này A Nan Đà, thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện là điều phải nên làm. Nếu làm những điều nên làm ấy thời có những lợi ích như sau được chờ đợi : Tự mình không chê trách mình, sau khi biết thời kẻ trí tán thán, tiếng lành đồn xa, không bị si ám khi mệnh chung, sau khi chết được tái sanh vào cõi trời, cõi đời này. Ngược lại, Ta tuyên bố dứt khoát, này A Nan Đà, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác là điều không nên làm. Nếu làm những điều không nên làm ấy thời có những nguy hại như sau được chờ đợi : Tự mình chê trách mình, sau khi biết thời kẻ trí chê trách, tiếng ác đồn xa, bị si ám khi mệnh chung, sau khi chết sinh vào cõi dữ, cõi ác, địa ngục…". Cuối cùng chính bạn là người phải nỗ lực tiến sâu vào suối nguồn tuệ giác vô thượng bằng sự hành trì, tu tập tâm sau khi xác định pháp thiện. Đức Phật xác thực tâm có tu tập là tâm dễ sử dụng, dễ nhu nhuyến, đem lại lợi ích lớn, có khả năng dẫn tâm đặt đúng hướng thiện, hướng giải thoát, giác ngộ, Niết bàn. Ngược lại, tâm không tu tập là tâm đem lại khổ đau, đưa đến hướng tà, hướng cõi ác đoạ lạc địa ngục :"Này các Tỳ kheo, Ta không thấy một pháp nào khác, đem lại lợi ích lớn như tâm được điều phục, tâm được hộ trì, được phòng hộ, được bảo vệ, tâm được đặt đúng hướng…""Này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo với tâm đặt đúng hướng làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt Niết bàn. Sự tình này có thể xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỳ kheo, vì tâm đặt đúng hướng"(Tăng Chi I)

* Các đoạn kinh trong bài này được trích dẫn từ Đại tạng kinh VN, phần dịch của HT Thích Minh Châu, do viện nghiên cứu Phật học VN ấn hành .

(Nguyệt san Giác Ngộ số 29 / 1998)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage