Tăng Ni là hàng xuất gia đều biết
tính quan trọng của phép Lục hòa đối với đời sống Tăng đoàn. Quý vị phải
ứng dụng cho được những điều căn bản Đức Phật đã dạy, đồng thời nhắc
nhở Gia đình Phật tử cùng hiểu biết, sống đúng với tinh thần ấy. Khi lập
thiền viện, nghiên cứu kỹ giới luật nhà Phật, tôi thấy sáu phép hòa
thuận là phần căn bản Đức Thế Tôn dạy cho hàng tu sĩ chúng ta. Thế nên
nói tới Tăng, Ni là nói tới Lục hòa.
Tam quan thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã
- Ảnh: Đặng Ninh Phương
Tăng, chữ Phạn là Sangha, Trung Hoa dịch âm là Tăng
già, dịch nghĩa là hòa hợp chúng. Tức chỉ một số tu sĩ, hoặc Tăng hoặc
Ni sống chung với nhau trong tập thể, hòa hợp vui vẻ tu hành, nên còn
gọi là hòa hợp Tăng. Quý thầy, quý cô sống hòa hợp thì gọi là Tăng,
không hòa hợp thì không đủ nghĩa của Tăng. Đức Phật đặt sự hòa hợp trên
tất cả các giới luật. Nếu chúng ta sống không hòa hợp thì sự tu hành
không bao giờ tiến. Đa số Tăng Ni đều biết Lục hòa rồi, nhưng ở đây tôi
cũng xin nhắc lại từng phần để quý vị thấy được chỗ thấu đáo Phật dạy.
1. Thân hòa đồng trụ: Điều
này vào thời Đức Phật thực hiện rất dễ, nhưng thời chúng ta ngày nay
hơi khó một chút. Bởi vì sống chung một chùa, một tinh xá thì chư Tăng
hoặc chư Ni cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng tu như nhau không khó. Tất
cả nếp sống, công tác, hạnh kiểm tu hành hàng ngày đều như nhau, gọi là
thân hòa đồng trụ. Trong trường hợp mỗi thầy, mỗi cô ở mỗi chùa thì việc
hòa hơi khó. Vì vậy thân hòa đồng trụ là chỉ cho một tập thể chung sống
một chỗ, chứ không chỉ cho những người sống rời rạc. Cho nên các vị
sống riêng tư phải chịu thiệt thòi này.
Chúng ta sống trong chùa hay thiền viện thì thực hiện
thân hòa đồng trụ dễ. Bởi vì không ở riêng, không có quyền lợi riêng
nên làm cùng làm, ăn cùng ăn, mặc cùng mặc, mọi công tác hay giờ tu hành
đều nhịp nhàng với nhau. Hòa hợp như vậy thì nếp sống đạo đức rất tốt.
Đó là nói về thân hòa đồng trụ.
2. Khẩu hòa vô tránh: Tức
miệng cùng hòa hợp nhau, không gây gổ, không nói những lời dữ, lời nặng
nề, không tranh hơn thua với nhau. Ở đây tôi nhắc chung cho cả các Phật
tử tại gia. Chúng ta sống làm sao được khẩu hòa vô tránh, tức là miệng
nói những lời hòa nhã, nhẹ nhàng, dễ mến, chớ không cãi lẫy, rầy la lớn
tiếng. Nhưng e rằng có vị làm trụ trì hoặc tri sự nói: "Sai làm mà không
làm, không rầy sao được?" Mới nghe thấy có lý nhưng trên tinh thần đạo
đức thì khác.
Chúng ta lâu nay có quan niệm, những gì mình nghĩ đều
cho là đúng, ai nói khác hơn mình không vui, mà không vui thì có cãi.
Ví dụ có hai người, một người khen hoa hồng đẹp, một người chê xấu.
Người khen hoa hồng đẹp bị người kia chê: "Nói bậy, nó xấu như vậy mà
nói đẹp, đẹp ở chỗ nào?" Bấy giờ người khen hoa hồng đẹp chắc khó nín
được. Khi mình nói đẹp, người khác chê xấu thì bực bội nên cãi nhau. Cả
hai đều không biết điều đó không đúng. Mỗi người có quyền nhìn, có quyền
nhận định riêng. Ta thấy đẹp, đó là nhận định riêng của mình. Người
khác thấy xấu, đó là nhận định riêng của họ. Cho nên muốn khỏi cãi nhau,
chúng ta lắng nghe Phật dạy trong kinh A-hàm: Người biết tôn
trọng chân lý là khi nói điều gì, chỉ nói "đây là cái nghĩ của tôi".
Ngang đó thôi, không thêm chữ "đúng". Nếu nói tôi nghĩ đúng thì sanh
chuyện ngay.
Hôm trước tôi ngồi trên núi, thấy hướng Nam có cụm
mây đen, gió thổi lùa qua, một lát mưa xuống ào ào. Hôm nay tôi thấy cụm
mây đen như thế, nghĩ thế nào cũng mưa nên bảo quí thầy đem đồ vô. Nếu
thầy nào không nghe lời tôi sẽ giận và rầy la. Đó là do tôi lấy kinh
nghiệm hôm trước đặt cho hôm nay. Nhưng không ngờ một lát gió đổi hướng,
mây tan, trời không mưa. Lúc đó sao? Mình kêu người ta đem đồ vô, nhưng
trời không mưa, mình có xin lỗi không? Lỡ rồi làm thinh, không ai nhắc
tới thì thôi, thông qua luôn. Quý vị làm trụ trì, tri chúng hay vấp phải
lỗi này lắm.
Trên thế gian, mọi sự việc xảy ra đều tùy duyên. Hôm
qua duyên khác, hôm nay duyên khác. Vậy tất cả suy nghĩ của chúng ta có
đúng không? Đúng một phần thôi, chứ chưa phải tuyệt đối. Nhưng khi suy
nghĩ điều gì, ta thường cho đó là đúng tuyệt đối, ai làm khác thì nổi
giận liền. Do nổi giận nên gây ác khẩu, nói bậy, nói những lời vô nghĩa,
khiến cho người ta đau buồn. Đó là phạm lỗi khẩu hòa vô tránh.
Tăng Ni phải nhớ, sống sao cho người đến chùa, tinh
xá không nghe một tiếng la hét nào hết. Như thế mới tốt, mới vui hòa.
Nếu vào chùa lát nghe cô này la, cô kia cự thì có hòa không? Người tu
còn không hòa, làm sao dạy Phật tử sống hòa vui được. Cho nên Phật bắt
buộc chúng ta phải lấy chữ "Hòa" làm nền tảng tu và dạy người. Nhiều khi
ta cãi trước khi sự việc đến. Đó là điều không tốt trong đạo. Cho nên
Tăng Ni phải tự kiểm để biết những gì sai lầm của mình mà chỉnh lại cho
đúng.
3. Ý hòa đồng duyệt: Ý
của chúng ta hòa hợp, vui vẻ với nhau. Hòa thì vui. Muốn hòa vui thì
phải làm sao? Phải đừng cho cái nghĩ của mình là đúng. Ta thích điều đó
mà người khác không làm, không giúp, còn ngăn cản thì mình giận. Nhưng
quý vị thử nghiệm lại xem, huynh đệ sống chung, tất cả ý niệm, suy gẫm
đều giống hệt hay mỗi người mỗi ý? Hầu hết là mỗi người mỗi ý, không ai
giống ai. Nếu giống hệt Phật không bắt chúng ta hòa làm chi. Người nghĩ
thế này, người nghĩ thế nọ, không giống nhau thì sống chung có vui
không? Sống gượng thôi chớ không vui. Người tu mà bực bội, không vừa
lòng mãn ý thì sống năm mười người, hai ba chục người hoặc cả trăm
người, chắc lộn xộn lắm. Bởi vậy nên cái hòa của ý hết sức quan trọng.
Phật dạy muốn hòa thuận với nhau, trước hết không nên
bám giữ, cố chấp ý riêng của mình. Tại sao? Vì ý là cái suy nghĩ luôn
luôn sanh diệt. Mà suy nghĩ thì không bao giờ đúng 100%, mười phần trúng
được năm ba phần thôi. Có sai nên biết ý mình chưa toàn vẹn, chưa bảo
đảm, làm sao cố chấp được. Nếu trên thế gian, suy nghĩ cái gì đúng cái
ấy thì người ta sẽ không nghèo khổ. Bởi vì suy nghĩ đâu đúng đó, thiên
hạ đều làm giàu hết rồi. Trong đạo cũng vậy, nếu ta nghĩ gì đều đạt hết
thì ngày nay chùa nào cũng to, Phật cũng lớn, mọi người đều quy hướng về
mình, nhưng sự thật không phải vậy. Ý nghĩ không hoàn toàn đúng mà ta
cố chấp, bảo vệ, đó là sai lầm. Từ sai lầm này sanh ra tranh cãi, bực
bội với nhau, đi đến chỗ không còn tình, không còn nghĩa gì cả. Nên biết
Phật dạy người tu sống giữ ý hòa đồng duyệt để cuộc sống hòa vui, chớ
không buồn giận, oán hờn nhau.
Thực tế ở trong chùa hay thiền viện, tất cả Tăng Ni
đều hoàn toàn hài lòng, vui vẻ hay ráng nhịn nhau? Ráng nhịn nhau mới
yên, chớ không ai bằng lòng ai. Đó là chuyện thường. Trong việc tu hành,
chúng ta phải xét thật kỹ, tu là để giải thoát sanh tử, cứu độ chúng
sanh. Nếu trong chúng năm mười người, mỗi người nghĩ khác, ai cũng cố
chấp ý nghĩ của mình là đúng thì cuộc sống không hòa vui. Đã không hòa
được, nói gì độ chúng sanh! Chẳng lẽ độ cho nhiều để cãi cho lắm sao?
Cho nên quý vị thu đệ tử, phải khéo hòa hợp chúng, không để có những ý
niệm riêng tư.
Sống được hòa vui như vậy, ai đến chùa cũng thấy niềm
vui toát ra cả, không có gì khó chịu. Ngược lại nếu nội bộ trong chùa
không hòa vui, ý Tăng Ni không hợp, Phật tử bắt gặp những bất bình của
mình, khiến họ kinh sợ, không dám đến chùa nữa. Thế nên quan trọng là
chúng ta phải hòa vui với nhau. Điều này không thể thiếu được ở một
người tu.
4. Kiến hòa đồng giải: Tức những thấy biết của mình, chúng ta cùng đem ra giải thích để huynh đệ cùng hiểu, cùng thông cảm với nhau.
5. Giới hòa đồng tu: Chúng ta cùng giữ giới với nhau, không dám sai phạm để cùng an vui tu tập.
6. Lợi hòa đồng quân: Ở
trong chùa hay tinh xá, nếu có ai cúng dường thì Tăng Ni cùng chia đồng
đều nhau, không được người nhiều, kẻ ít. Nhưng bệnh của Phật tử bây giờ
thấy thầy, cô nào dễ thương thì cúng nhiều, thầy cô nào quý vị không
thích thì cúng ít hoặc không cúng. Người được nhiều cũng không dám chia
cho người ít, sợ bổn đạo biết được buồn. Do đó, sau một thời gian trong
chùa có người giàu, kẻ nghèo. Người nghèo không có xu con, người giàu dư
dả xài không hết. Như vậy đâu thể gọi là lợi hòa đồng quân.
Trên thế gian, mọi sự việc xảy ra đều tùy duyên. - Ảnh: Đặng Ninh Phương
Bởi thế, muốn thực hiện điều này tôi bắt buộc Tăng Ni
trong các thiền viện không được nhận tiền riêng. Ai cúng thì cúng chung
cho tập thể, Ban quản chúng nhận rồi dùng cho những nhu cầu chung, chia
đều toàn chúng, không được thương người này chia nhiều, ghét người kia
chia ít.
Tóm lại, trong sáu điều "hòa"
của nhà Phật, chúng ta xét thật kỹ để ứng dụng tu hành. Nếu chư Tăng,
chư Ni sống chung trong một chùa hoặc tinh xá hòa hợp như vậy, thì Phật
pháp truyền bá rất dễ dàng. Ta khỏi cần thuyết pháp cho
Phật tử nghe, chỉ cần nhìn thấy nếp sống của mình, trên dưới hòa thuận
vui vẻ thì họ liền quý mến. Quý vị thuyết pháp hay, người ta mới nghe
thì phục, nhưng tới chùa mình thấy lục đục, kẻ phiền người giận tất
nhiên Phật tử sẽ thối Bồ-đề tâm.
Thế nên trọng tâm của người tu, dù không giỏi
nhưng khéo sống đúng với tinh thần lục hòa của đạo Phật thì việc tu tập
sẽ được tiến triển đều, đồng thời giúp cho tín tâm Phật tử ngày càng sâu
đối với Tam bảo, nhất là Tăng bảo. Tăng Ni trong mùa an cư kiết hạ, quý
vị cố gắng tập sống theo tinh thần lục hòa. Dù chưa trọn vẹn nhưng
chúng ta cố tập, từ từ cũng sẽ được hoàn bị. Có thế việc tu mới lợi lạc.
Nếu chúng ta không tập sống lục hòa thì sự tu chỉ có hình thức thôi,
niềm an vui lợi lạc không được bao nhiêu. Đó là lời nhắc nhở của tôi đối
với Tăng Ni không chỉ trong ba tháng an cư, mà suốt đời tu tập đều phải
cố gắng giữ gìn và thực hiện đúng lời Phật dạy.
Hòa thượng THÍCH THANH TỪ