Những
người nghiện rượu, nghiện ma túy cũng có những vấn đề mặc cảm nào đó,
hay nói theo Phật giáo, có những phiền não không thể giải tỏa nào đó.
Với sự khám pha ra vô thức, cuộc sống bình thường của chúng ta phần
nhiều diễn ra một cách vô thức, không có ý thức. Chúng ta thường hành
động một cách vô ý thức, đây là điều Phật giáo gọi là hành động không
tỉnh giác, hành động vô minh.
Tâm phân học là ngành tâm lý học chiều sâu do Sigmund
Freud (1856-1939) sáng lập, mặc dù trước ông đã có những nhà tâm lý học
đi theo hướng này, ví dụ như Mesmer (1734-1815) đã sử dụng thôi miên để
chữa bệnh tâm lý, trường phái Nancy (cuối thế kỷ XIX) sử dụng thôi miên
để chữa bệnh tâm thần, hay Von Hartman viết một cuốn sách được tái bản
đến lần thứ 11 khi ông còn sống là cuốn Triết học về Vô thức (1869).
Đúng như nhận xét của Ellenberger (1970): “Đa số những gì được gán cho
công của Freud là những kiến thức đang phổ biến vào thời ấy, và vai trò
của ông là kết tinh nên chúng và cho chúng một hình thức độc đáo”. Sau
Freud một chút là Carl Jung (1875-1961). Jung đã quen biết và hợp tác
với Freud từ 1906 cho đến Đại hội Tâm phân học lần thứ IV (1912) và sau
đó tách riêng (dù Freud đã đề cử Jung làm Chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội
Tâm phân học thế giới) vì không đồng ý với quan niệm libido (dục lực)
đầy tính dục tình của Freud, trong khi ông quan niệm libido là một sức
mạnh bản năng tâm lực hơn.
Ngày nay có hàng trăm viện, trung tâm Jung trên khắp
thế giới. Hội Tâm lý học Phân tích quốc tế (IAAP) được thành lập năm
1955, có 2.500 nhà phân tích tâm phân học của Jung trên thế giới được
đào tạo chính quy, số tạp chí chuyên đề tâm phân học của Jung cũng lên
tới con số vài chục. Thập niên 1950, D.T. Suzuki đã có cuộc hội thảo với
những nhà tâm phân học, một số bài được in trong Thiền và Tâm phân học
(London 1960).
Sau đây chúng ta nhìn sơ lược qua một số chủ đề của
tâm phân học trong một viễn cảnh của Duy thức học Phật giáo. Và chúng ta
biết rằng Duy thức học không phải là tất cả “tâm lý học” Phật giáo, mà
chỉ là một phần, vì Duy thức học chỉ là một tông phái Phật giáo. Chúng
ta cũng cần ý thức rõ rằng tâm lý học nói chung còn là một khoa học mới
mẻ, chưa tiến được nhiều so với vật lý học, và cả hai vẫn đang mơ về một
lý thuyết thống nhất: “Tâm lý học chưa chiến thắng được cuộc chiến
thống nhất vĩ đại của nó. Nó đã có được những tia chớp về nhận thức, nó
đã có một ít chìa khóa, nhưng nó chưa đạt đến một tổng hợp hay một trực
giác thuyết phục và hợp lý” (Heidebreder-1933). Nhận xét này vẫn đúng
cho đến cuối thế kỷ XX, như các nhà tâm lý học hiện thời nhận định.
1. Vô thức
Sự khám phá ra vô thức đã đặt nền móng cho tâm phân
học, vì tâm phân học là tâm lý học về vô thức hay tiềm thức. Vô thức là
kho chứa những cảm xúc, những tình cảm, những tham muốn, những giận ghét
v.v... bị “dồn nén” (những chữ trong ngoặc kép là của tâm phân học) vào
bên trong, kho chứa những “mặc cảm mang màu sắc cảm xúc”. Để hiểu sơ vô
thức là gì, chúng ta nói đến thí nghiệm liên tưởng từ (association
test) của Jung. Người được thử nghiệm phải trả lời tức khắc khoảng 100
từ được đọc chậm bằng những từ đầu tiên vừa xuất hiện trong đầu mình.
Người kiểm tra sẽ ghi thời gian phản ứng đối với từng từ một. Khi trước
một từ mà đương sự phản ứng chậm, ngập ngừng, thì đây là từ có vấn đề:
từ ấy đã chạm đến một mặc cảm. Ví dụ tới từ “màu đỏ”, đương sự ngập
ngừng, thì có thể là hồi còn nằm trong nôi y đã bị ai đó đắp cho một cái
mền màu đỏ mà vô tình phủ lên mặt, và từ đó y rất sợ màu đỏ cho tới khi
lớn. Sự sợ hãi màu đỏ đã chìm vào vô thức và điều kiện hóa hành động
sống bình thường của y. Để làm cho y hết sợ màu đỏ, nhà tâm phân học
dùng “thôi miên” hay “liên tưởng tự do” hay “phân tích giấc mơ” (theo
phương pháp của Freud) hoặc dùng phương pháp “phân tích bằng cách nói
chuyện” (theo Jung) để đưa sự dồn nén (repression) hay mặc cảm
(complexe) ấy ra ánh sáng của ý thức. Khi được đưa ra ý thức, khi nó
được biết đến, mặc cảm đó sẽ được giải phóng, người ta lành bệnh, hết sợ
màu đỏ một cách “vô thức”.
Đời sống bình thường của con người bị quy định, bị
điều động rất nhiều bởi những mặc cảm này. Ví dụ, sự nghiệp của
Napoleon, ngoài tài năng quân sự và tham vọng cầm quyền, còn bị điều
động bởi một mặc cảm thấp lùn mà mọi người thường chế giễu khi ở trường
sĩ quan. Hoặc Hitler, dĩ nhiên ngoài tài năng của ông, còn có mặc cảm là
một người thợ sơn, một người lính tầm thường, ngoài ra người ta còn
thấy tính bạo dâm trong việc đưa 6 triệu người Do Thái vào phòng hơi
ngạt. Hoặc các thanh niên đua xe, ngoài sự thích tốc độ, còn có thể có
mặc cảm thua sút nên muốn tự chứng tỏ mình. Hoặc những người nghiện
rượu, nghiện ma túy cũng có những vấn đề mặc cảm nào đó, hay nói theo
Phật giáo, có những phiền não không thể giải tỏa nào đó. Với sự khám phá
ra vô thức, cuộc sống bình thường của chúng ta phần nhiều diễn ra một
cách vô thức, không có ý thức. Chúng ta thường hành động một cách vô ý
thức, đây là điều Phật giáo gọi là hành động không tỉnh giác, hành động
vô minh.
Bây giờ khi so sánh với Duy thức, thì cái vô thức của
những nhà tâm phân học đã đi gần đến cái thức thứ tám (alaya-vijnana),
kho chứa tất cả những ấn tượng, những cảm xúc, những thói quen... của
con người. Thức thứ tám hay thức a lại da là kho chứa (tạng thức) tất cả
những gì năm thức giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) cảm nhận, được
tô đậm thêm bằng sự phân biệt của thức thứ 6 là ý thức, được khúc xạ qua
mạt na (thức chấp ngã thứ 7). Thức thứ 8 là thức nền tảng của sinh
mệnh, chứa tất cả những hành động (nghiệp) của quá khứ. Những gì được
chứa là những chủng tử (hạt giống) chờ cơ duyên để biểu hiện ra (hiện
hành).
Vô thức của tâm phân học là thức thứ 8 của Duy thức. Có
điều thức a lại da của Duy thức thì rộng hơn và sâu hơn vô thức:
-
Rộng hơn: vô thức chỉ chứa những mặc cảm, những phiền não lớn (gây ra
bệnh tâm thần) còn a lại da thì chứa tất cả những kinh nghiệm sống của
con người có được qua 8 thức.
- Sâu hơn: vì a lại da không chỉ chứa
tất cả những kinh nghiệm sống trong một kiếp mà của tất cả kiếp, từ khi
có thời gian đối với con người.
Ở đây cũng nói thêm, với một số ít nhà tâm phân học và
cả một số nhà mà bây giờ chúng ta gọi là trường sinh học (như Edgard
Cayce), khi thôi miên bệnh nhân, họ có thấy một số nguyên nhân gây bệnh
không ở trong đời này mà ở một quá khứ vượt qua khỏi đời này. Ví dụ,
người sợ nước một cách vô cớ thì vì y đã chết đuối trong quá khứ, hoặc
người vào một phòng không có cửa sau hay một hẻm cụt là sợ, vì y đã chết
trong hầm mỏ thời trước, hoặc khi thôi miên có người nói bằng những
tiếng cổ ngữ rất xưa mà y chưa từng học hay gặp... Nhưng trong một số
truyền thống tôn giáo – triết học không tin có những đời trước, những
ghi nhận này không được công nhận chính thức. Ở đây chúng ta thấy thêm
một điều: công cụ để thăm dò vô thức là thôi miên thì kém rất xa công cụ
thăm dò vô thức của Phật giáo là thiền định và thiền quán.
Cũng chính vì không hình dung ra được những đời trước
cho nên khi thấy trong tâm thức những người khác nhau lại có những cổ
mẫu (arché type) giống nhau nên Jung đã cho là có một “vô thức tập thể”
chung. Theo quan điểm Phật giáo, có những cổ mẫu giống nhau là vì những
người ấy trong những đời trước đã sống cùng những nơi chốn như nhau nên
tâm thức họ được in vào những hình ảnh, những biểu tượng giống nhau. Nếu
vô thức là tập thể thì khi một người thành Phật, nghĩa là chuyển thức
hoàn toàn thành trí, như Đức Thích Ca, thì tất cả mọi người đều đồng
thời được tịnh hóa tâm thức, đều được giải thoát. Cho nên không thể có a
lại da tập thể, mà chỉ có sự tương tác giữa các vô thức hay a lại da
thức với nhau.
Nhờ sự khám phá ra vô thức, chúng ta biết nhân cách
con người rộng lớn hơn ý thức rất nhiều. Chỉ nói riêng về sự ứng dụng
của tâm phân học vào văn học, mặc dù tâm phân học vẫn là môn học phát
triển chậm và không mạnh ở Việt Nam, hiện nay chúng ta thấy những giáo
sư về văn học đã giới thiệu, nghiên cứu và có người đã dùng nó trong
nghiên cứu văn học: Đỗ Lai Thúy (Tâm phân học và văn hóa nghệ thuật, NXB
Văn Hóa Thông Tin, 2004), Phương Lựu (Lý luận phê bình văn học phương
Tây thế kỷ XX, NXB Văn Học, 2001), Nguyễn Văn Dân (Phương pháp luận
nghiên cứu văn học, NXB Khoa Học Xã Hội, 2004), Tạp chí Văn Học số 2, 7,
9 năm 1995...
2. Chữa bệnh
Như vậy với vô thức và sự dồn nén, theo quan điểm tâm
phân học, hầu hết mọi người đều có tâm bệnh, vì hầu hết đều có ít nhất
là một mặc cảm nào đó. Nhưng đối với Phật giáo, thì tất cả chúng ta, tất
cả chúng sinh đều có bệnh, và mầm bệnh không chỉ mới một đời này mà đã
tích tập từ nhiều đời trước. Đó là bệnh lo sợ, bệnh tham lam, bệnh giận
dữ, bệnh si mê, bệnh phiền não, tất cả những cái này là những sức mạnh
(nghiệp lực) tạo ra căn bệnh lớn nhất là sống và chết, vòng sinh tử tiếp
nối triền miên không dứt. Với Phật giáo, ngày nào con người hết phiền
não, không còn bị lôi kéo theo vòng quay của sống chết, ngày đó con
người mới được gọi là hết bệnh. Vì lẽ đó, Đức Phật được kinh điển xưng
là Bậc Đại Y Vương.
Cách chữa bệnh của tâm phân học là hữu thức hóa nội dung
bị che giấu trong vô thức, hay đưa ra ánh sáng của ý thức những mặc cảm
làm sinh bệnh ở trong vô thức. Sự “mở rộng ý thức” này, mở rộng ánh
sáng vào vùng bóng tối của vô thức là hướng chiến lược của chữa bệnh
theo tâm phân học.
Cũng bởi vì quan niệm về bệnh của Phật giáo sâu rộng như
vậy, người ta luôn luôn mang bệnh và tích tập thêm nguyên nhân của bệnh
trong người (Tập đế: chân lý thứ hai của bốn chân lý cao cả của Phật
giáo) nên không chờ đợi bệnh hiển lộ ra thành những triệu chứng tâm thần
như trầm uất, mất ngủ, ám ảnh, nổi mụt nhọt, động kinh... mà Phật giáo
chủ động chữa bệnh. Đó là sự thực hành những pháp môn Phật giáo, hay
theo ngôn ngữ thường dùng là “tu hành”.
Do quan niệm vô thức của tâm
phân học hạn hẹp hơn a lại da thức của Duy thức, phương pháp chữa bệnh
cũng giới hạn hơn, nên cùng lắm tâm phân học chỉ chữa lành được một số
bệnh trong đời này, còn sự lành bệnh của Phật giáo là sự lành bệnh tất
cả mọi đời, sự lành bệnh vĩnh viễn. Sự chữa lành của Phật giáo dựa trên
thiền định, thiền quán và định quán đồng đẳng, như nhiều kinh nói, mà
kinh Viên Giác là một thí dụ.
Phật giáo không chỉ giải tỏa những dồn nén, những mặc
cảm – những cái này chỉ là những phiền não thô – mà còn giải tỏa nguyên
nhân sâu xa của những phiền não, dồn nén, mặc cảm, đó là sự chấp ngã và
chấp pháp (chấp vào một cái ta giả tạo và chấp rằng những hiện tượng là
có thật không bao giờ biến đổi). Hai cái chấp này đã tạo ra hai sự che
chướng, phiền não chướng và sở tri chướng. Những “vô minh” này đã che
chướng, cắt lìa con người khỏi thực tại, làm cho tâm thức con người
thành què cụt, méo mó, biến dạng và chính những cái này tạo ra khổ đau.
Khổ đau kết đọng trong tâm (tâm bệnh) sẽ thành khổ đau kết đọng nơi thân
(thân bệnh), đây cũng là quan điểm của y học phương Tây hiện đại, y học
tâm thể (médecine psychosomatique). Như thế sự chữa lành của Phật giáo
sâu xa hơn, và do đó sự phục hồi con người trở lại trạng thái lành bệnh
(hết vô minh) cũng toàn diện hơn, đến mức con người tổng thể (chữ dùng
của Jung để chỉ con người đã lành hẳn bệnh) của Phật giáo là một trạng
thái sâu xa và rộng lớn không thể nghĩ bàn.
3. Sự tiếp cận của tâm phân học với phương Đông
Khi đào sâu vào ý thức và vượt qua ý thức để đến một
vùng gọi là vô thức, tâm phân học cho chúng ta biết rằng con người thì
vốn rộng lớn hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Với Freud thì con người gồm
có bản năng tính dục (Id), ngã (ego) và siêu ngã (superego, cái vượt
khỏi cái tôi). Với Jung thì cái vượt lên khỏi cái tôi là “vô thức tập
thể”, một chiều sâu chung của các tâm thức con người. Đây là những thực
thể cần phải bàn, vì như chúng ta đã nói ở trên, tâm phân học mới chỉ đi
những bước đầu tiên của nó. Nhưng trong phạm vi một bài ngắn, chúng ta
không bàn đến những giới hạn và có thể cả những sai lầm của những ý niệm
trên. Chúng ta chỉ chú ý một điều: Tâm phân học phương Tây bắt đầu tiếp
cận với đạo học phương Đông, nghĩa là đi từ một chữ Tâm viết thường đến
một chữ tâm viết hoa, như truyền thống phương Đông đã làm. Chính vì
hướng đi tất yếu của tâm phân học là khám phá và mở rộng đào sâu con
người nói chung và tâm thức con người nói riêng mà phong trào tâm phân
học vẫn còn tồn tại và phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay. Khác với một
phong trào khác như cơ cấu luận hay cấu trúc luận (structurialisme)
xuất hiện ở Âu Mỹ vào thập niên 50 rất nổi đình nổi đám nhưng đã chìm
xuống chỉ sau hai, ba thập niên: cơ cấu luận đã trở lại với giới hạn nhỏ
hẹp của chính nó.
Nói về sự tiếp cận của tâm phân học phương Đông, có lẽ
tốt hơn, chúng ta trích vài đoạn trong lời giới thiệu của Jung tựa đề
“Bình giảng tâm lý học” (1935) viết cho cuốn Tạng thư về Đại giải thoát
(The Tibetan Book of the great Liberation) do Evans Wentz dịch:
“Sự
kiện phương Đông có thể sẵn sàng từ bỏ cái ngã (ego) khá dễ dàng hình
như chỉ ra một cái tâm không bị đồng hóa với cái tâm của “chúng ta”.
Chắc chắn cái ngã không đóng cùng một vai trò trong tư tưởng phương Đông
như nó đã giữ vai trò ấy trong văn hóa chúng ta. Có vẻ như tâm thức
phương Đông ít quy ngã hơn, những nội dung của nó nối kết lỏng hơn với
chủ thể, sự nhấn mạnh lớn lao hơn được đặt vào những trạng thái tâm thức
mang tính vô ngã...
“Chúng ta phải vươn tới được những giá trị
phương Đông từ bên trong mà không phải từ bên ngoài, tìm kiếm chúng
trong chính chúng ta, trong cái mà những nhà tâm phân học gọi là vô
thức. Bấy giờ chúng ta sẽ khám phá sự sợ hãi của chúng ta đối với cái vô
thức là lớn biết bao nhiêu và sự chống cự của chúng ta là kinh khủng
biết bao nhiêu. Do sự chống cự này mà chúng ta nghi ngờ sự kiện đích
thực có vẻ rất rõ ràng hiển nhiên đối với phương Đông, sự kiện có tên là
năng lực tự giải thoát của tâm hướng nội. Phương diện này của tâm không
được phương Đông biết đến một cách thực tiễn, dù cho nó là bộ phận cấu
thành quan trọng nhất của cái vô thức.
“Chúng ta đã không cho rằng tâm là một thực thể siêu
hình học hoặc có bất kỳ một mối nối kết nào giữa tâm cá nhân và một tâm
vũ trụ còn chưa được biết. Thế nên, tâm lý học của chúng ta là một khoa
học thuần túy hiện tượng mà không có một nội dung siêu hình học nào. Sự
phát triển của tâm lý học phương Tây trong hai thế kỷ vừa qua đã thành
công trong việc cô lập tâm thức vào lĩnh vực riêng của nó và cắt đứt nó
lìa khỏi tính nhất thể vốn có của nó với vũ trụ...
“Thành ngữ 'thấy thực tại' rõ ràng ám chỉ tâm như là
thực tại tối thượng. Tuy nhiên ở phương Tây, vô thức bị xem là một phi
thực tại kỳ quái. 'Thấy tâm' bao hàm tự giải thoát. Điều này có nghĩa
là, về mặt tâm lý học, chúng ta càng chú tâm vào tiến trình vô thức
chừng nào thì chúng ta càng tách lìa với thế giới của dục vọng và của
phân chia chừng đó, và chúng ta càng gần hơn với trạng thái vô thức với
những phẩm tính nhất thể, vô tướng và không có thời gian của nó chừng
đó... Tự – hiểu biết ở đây là được đồng hóa với 'biết tâm', nó có nghĩa
là sự hiểu biết cái vô thức là thiết yếu cho bất kỳ sự hiểu nào về tâm
lý của chính mỗi người...”.
Qua đoạn văn này chúng ta thấy được khuynh hướng tất yếu
của tâm phân học phương Tây khi nghiên cứu tâm thức con người là phải
trở về với cội nguồn, với nền tảng, bản tánh của tâm thức, nghĩa là trở
về với cái Tâm viết hoa của phương Đông.
4. Con người toàn diện
Vào những năm 60, Herbert Marcuse, một triết gia ở Mỹ
chịu ảnh hưởng của Freud (cuốn Eros and Civilization – Dục tính và Văn
minh) và Heidegger, nhận định rằng con người hiện đại là con người một
chiều (one – dimensional man). Theo quan điểm tâm phân học, con người
một chiều là con người chỉ sống trên chiều rộng của ý thức, không có
chiều sâu của vô thức trong đó có tâm linh. Như hiện nay chúng ta thấy,
vì thiếu chiều sâu của tâm linh nên con người chỉ biết tiêu thụ và sản
xuất điên cuồng, làm hư hỏng môi trường trái đất, tàn sát nhau bằng
những cuộc chiến gọi là “sự va chạm của những nền văn minh” (nhan đề một
cuốn sách của Samuel Hungtington), những bom và hỏa tiễn “thông minh”
cho đến “bom người” của khủng bố, những “cá lớn nuốt cá bé” trong kinh
tế... Đúng như Freud đã nói (1930) trong Văn minh và những bất toại
nguyện của nó (Civilization and its discontents), văn minh chẳng phải
đang thay thế cho dã man bằng cách dồn nén cái dã man vào chỗ sâu kín
(sao không triệt để như Phật giáo là hóa giải thay vì dồn nén?), mà
chính là đang chuẩn bị để cho sự dã man thực hiện những đợt phun trào
mới. Và người phương Tây nghĩ thế nào về lời tiên tri của André Malraux
rằng “thế kỷ XXI là thế kỷ của tôn giáo” hay thế kỷ của tâm linh?
Tâm phân học hy vọng đưa chúng ta tới đâu? Đâu là một
con người toàn diện cho chúng ta hướng tới? Chúng ta phải tự hoàn thiện
theo chiều hướng nào?
Trong quan niệm của Jung, đó là một nhân cách tổng thể
gồm cả ý thức và vô thức hài hòa với nhau: “Nhà phân tích phải thiết lập
được mối liên hệ với cả hai nửa của nhân cách người bệnh, bởi vì chỉ từ
đó mới có thể có được con người trọn vẹn và tổng thể”. Sự thống nhất
hài hòa này được Jung gọi là sự “tự thể hiện mình”. Không hẹn mà gặp,
đây là điều nòng cốt của triết học Heidegger: “Con người hiện đại, và
như vậy cả triết học của nó, đều đã bỏ quên thể tính”. Thể tính (Être,
Sein) của Heidegger chính là cái Vô thức viết hoa của Jung.
Theo Jung, con người tiến hóa đến sự hoàn thiện của
chính nó bằng một quá trình mà ông gọi là cá nhân hóa
(individualization). Cá nhân hóa không phải là chủ nghĩa cá nhân hay sự
quy ngã, mà ngược lại, đó là sự mở rộng của ý thức cá nhân để xuyên thấu
và hòa hợp được với vô thức: “Tính cách một mặt, một chiều của ý thức
cần được sửa chữa, được bù trừ bởi sự tương tác giữa ý thức và vô thức.
Điều này mô tả sự đấu tranh để đạt đến sự trọn vẹn mà Jung tin là sẵn có
trong tất cả mọi người” (E.A. Bennet – What Jung really said? 1966).
Đây là lời của chính Jung: “Quá trình này trên thực tế là sự nhận biết
một cách tự phát tính toàn thể của con người... Nhưng bởi vì mọi thứ
hiện hữu hướng tới cái tổng thể, nên tính một mặt, một chiều tất định
của đời sống ý thức của chúng ta tiếp tục được sửa chữa và được bù trừ
bởi một con người chung trong chúng ta (nhấn mạnh của người viết bài
này), mục tiêu của nó là sự hoàn toàn hòa nhập giữa ý thức và vô thức,
hay đúng hơn, sự đồng hóa cái tôi vào một nhân cách rộng lớn hơn”.
Con đường đi đến một con người toàn diện, “tổng thể”, đi
đến “một con người chung trong chúng ta”, hay nói theo ngôn ngữ của
Thiền tông, đi đến “khuôn mặt xưa nay”, “con người chân thật không có
danh vị” (vô vị chân nhân của Thiền sư Lâm Tế), con đường ấy vẫn được
tiếp tục cho đến các nhà tâm lý học ngày nay.
Chẳng hạn, chúng ta đọc cuốn sách Những thành tựu lẫy
lừng trong tâm lý học hiện đại của Pierre Daco (biên dịch Võ Liên
Phương, NXB Thống Kê, 2004). Cuốn sách giới thiệu P. Daco: “Một nhà tâm
lý học có nhiều kinh nghiệm, có một chỗ đứng vững chắc để trả lời vô số
câu hỏi mà cuộc sống hiện đại đặt ra cho chúng ta. Ông rất nổi tiếng với
các cuộc nói chuyện trên đài phát thanh, các bài báo cũng như các buổi
diễn thuyết, đã trả lời hàng ngàn lá thư về các vấn đề liên quan đến con
người. Ông đã chứng minh cho chúng ta thấy khoa tâm lý học đã đem lại
nhiều lợi ích cho con người hơn là khoa phẫu thuật đã đem lại cho cơ
thể”. Piere Daco đã chấm dứt cuốn sách của mình bằng những lời như sau:
“Bản
thân sự giáo dục cũng không quan trọng cho lắm. Nếu nó không dạy cho
con người biết tổng hợp cuộc đời thì nó vẫn khô khan và không có chút
giá trị nào... Con người không nên tìm kiếm sự giáo dục mà là tìm kiếm
sự sung mãn, trọn vẹn. Anh ta phải tự tìm hiểu các khả năng của chính
mình và thực hiện chúng trong sự hài hòa của chính anh ta... Đạt được
chủ thể tính (tương đương với cá nhân hóa của Jung) là mục tiêu cao quý
nhất. Không có chủ thể tính, con người “tưởng” đã hiểu, nhưng thực ra nó
chỉ nhìn qua “cái tôi” đã hóa đá. Chủ thể tính chỉ có thể đạt được với
sự giải tỏa chính mình và các vấn nạn vô thức...
“Với một tính chủ thể sáng suốt, con người đạt đến sự
tỏa sáng. Đến lúc đó anh ta là một sức mạnh ổn định để ban phát. Sự tỏa
sáng không bao giờ được tìm thấy trong lo sợ hoặc yếu đuối. Nó được tạo
ra trong sự thoải mái tinh thần, và con người không còn phải trốn chạy
các vấn đề của nó.
“Chúng ta không nên chiêm ngưỡng những gì vĩ đại ở vài
con người. Sự vĩ đại đó chỉ là hậu quả của những khả năng đã được giải
tỏa. Nhưng chúng ta phải thương xót vì có một cái gì còn thiếu ở nhiều
người khác, thay vì những gì họ có thể là... Và như thế, bằng tâm lý
học, con người có thể đứng vững trên đôi chân mình trong hàng ngũ các
nhà nhân bản tích cực. Sự quân bình của nó là bệ phóng. Sự lo âu và sợ
hãi đã biến mất với niềm vui của thiên nhiên vừa tìm lại được. Anh ta
bước lên một vùng cao, với sức mạnh được tăng thêm nhiều, sự khoan dung
sáng suốt và cao thượng. Anh ta nhã nhặn, hướng về những người khác. Sự
hào phóng và lòng tốt của anh ta không xuất phát từ một nhu cầu bên
trong, nhưng do một sức mạnh bình lặng. Anh ta có sự thông hiểu bởi vì
trong tâm trí của anh mọi đấu tranh đã chấm dứt... Tính khả ái của anh
đến từ một sức mạnh vĩ đại, chứ không từ sự yếu đuối”.
Chúng ta có thể nói, một con người tổng thể, toàn diện
và hài hòa là một con người “tỏa sáng”. Chúng ta đã gặp những sự tỏa
sáng mạnh mẽ và trọn vẹn hơn nữa suốt con đường lịch sử Phật giáo, với
chính Đức Phật và những vị Thánh, cả xuất gia lẫn cư sĩ (sự tỏa sáng này
được vẽ ra cụ thể thành những “hào quang” của trí tuệ và từ bi bao
quanh đầu các ngài). Những nhân cách tỏa sáng bằng trí tuệ, từ bi và đức
hạnh đó đã làm nên con đường lịch sử cụ thể của Phật giáo.
Để chấm dứt, chúng ta đọc một diễn tả cụ thể của Lục tổ
Huệ Năng (thế kỷ thứ VII) về con đường tiến đến một con người tổng thể
toàn diện như thế nào, từ một thức a lại da (vô thức) như một biển lớn
đầy các thứ thủy quái phiền não đáng sợ đến sự tỏa sáng của con người
tổng thể toàn diện như thế nào. Sự chuyển hóa này, đối với Duy thức
tông, được gọi là “chuyển thức thành trí”, nghĩa là chuyển cả ý thức và
vô thức thành trí tuệ, và trí tuệ là sự tỏa sáng rốt ráo trọn vẹn (Trí
tuệ Ba la mật):
“Đại chúng! Người đời thì cho rằng thân vật chất là
thành, mắt tai mũi lưỡi là cửa. Ngoài có năm cửa trong có cửa ý. Tâm là
đất, tánh là vua... Muốn thấy Phật, hãy hướng vào tánh mà nhìn, chớ
hướng ra bên ngoài tìm kiếm... Chấp ta, chấp người là núi Tu Di, tham
dục là biển nước, phiền não là sóng lớn, lòng độc hại là rồng dữ, lòng
giả dối là quỷ thần, lòng tà vạy là rùa, trạnh, lòng tham sân là địa
ngục, lòng ngu si là súc sinh.
“Các thiện tri thức! Thường làm mười
điều thiện thì thiên đường tự đến, trừ bỏ chấp ta chấp người thì núi Tu
Di đổ, bỏ lòng tà vạy thì biển nước khô, không có phiền não thì sóng lớn
diệt, bỏ độc hại thì cá rồng tuyệt.
“Trên đất tâm mình có tánh giác Như Lai, phóng ra ánh
sáng lớn, ngoài chiếu sáu cửa sạch trưng, phá hết cõi trời lục dục, tự
tánh chiếu vào bên trong, ba độc liền dứt, các tội địa ngục nhất thời
tiêu diệt. Trong ngoài đều sáng suốt như vậy, chẳng khác gì cõi Phật ở
Tây phương”.