Phật Học Online

Giác ngộ là gì?

Giác ngộ là gì? Đây là câu hỏi và đề tài thật phức tạp luôn gây tranh cãi. Bởi vậy, khi tìm trong sách hoặc search trên mạng, quí vị sẽ không tìm thấy câu trả lời thật rõ ràng và thật thỏa mãn cho mình. Ngược lại các câu trả lời luôn luôn có vẻ rất khác nhau, rất mơ hồ và …rất bế tắc! Nói theo kiểu Thiền Tông Trung Quốc là “không thể giải bày” (bất khả ngôn thuyết).


Chữ “giác ngộ”, tiếng Anh là “enlightenment” hay “awakening”. Với một số người, chữ  “enlightenment” có thể làm liên tưởng đến phong trào triết học gọi là thời kì khai sáng ở giữa thế kỉ 19. Chữ “awakening” cũng vậy, từ lâu chữ này đã mang một ý nghĩa phục sinh, phục hưng, phục dựng cho các phong trào tôn giáo hay văn hóa của phương Tây. Nếu muốn tạm dung tiếng Anh, thì phải gọi là “Buddhist enlightenment” hay “Buddhist awakening” để rõ nghĩa và phân biệt giác ngộ của Đạo Phật với các loại giác ngộ của các giáo phái hay tôn giáo khác.

Nếu hỏi giác ngộ là gì? Nên biết rằng giữa các giáo phái có nguồn gốc từ triết học Bà La Môn, các tông phái của Đạo Phật phát triển và Đạo Phật nguyên thủy có những quan điểm và cách giải thích hoàn toàn khác nhau. Như vậy, Giác Ngộ chỉ là một từ chung chung, mang những nội dung khác biệt. Cùng nói đến một từ “giác ngộ”, nhưng nếu tìm hiểu cặn kẽ thì rõ ràng cách hiểu về giác ngộ của từng tôn giáo, pháp môn có khác biệt nhau.  Phải nắm vững một điều rằng: Từ những quan điểm triết học khác nhau đã dẫn đến những phương pháp tu tập khác nhau và kết quả là những nội dung giác ngộ không giống nhau.

I. Có nhiều loại giác ngộ

1. Giác ngộ của các tôn giáo thần khải (đạo Do Thái, đạo Thiên chúa, đạo Hồi): là do sự ban ơn (blessing), ban phúc của đấng Thượng Đế, để một người tỏ ngộ, nhận ra Đấng Thượng Đế và đạt được thiên đàng sau khi chết. Thiên đàng này là duy nhất, do Chúa dựng lên và do chúa ngự trị. Trong các thánh đường Hồi giáo (mosque), người ta thấy cảnh giới thiên đàng được vẽ trên các bức vách mô tả cảnh hoan lạc vui sướng, tương tự như khái niệm các cõi trời của dục giới. Sự  giác ngộ trong các tôn giáo thần khải được cho là xảy ra trong khi mặc khải (revelation). Ví dụ: Đấng Christ mặc khải trong sa mạc. Đấng Mohamed mặc khải trên núi Sinai.

2. Giác ngộ của Ấn Giáo (gồm nhiều tông phái, đa số thuộc Bà La Môn giáo): là sự  câu thông và nhận biết các cõi trời bằng các kĩ thuật thiền định, yoga hoặc thậm chí bằng sức mạnh của đức tin. Theo Ấn giáo, khi giác ngộ, bản ngã cá nhân (Atman) không còn thu thúc trong cơ thể trần gian mà mở rộng đến những cõi to lớn hơn, cao siêu hơn, tùy theo mức độ tu chứng. Cuối cùng là sự “trở thành một” với Đại ngã (Bhraman). Các đạo sư Ấn Độ nổi tiếng như Vivekananda, Krishnamurti, Osho, Thakar Sing, v.v… thường ca ngợi về sự trở thành một với thượng đế. Sự giác ngộ trong Ấn giáo thường được diển tả bởi cụm từ “Một là tất cả, tất cả là một” (One is all and all is one), hoặc “câu thông với thượng đế” .

Truyền thống Vedanta [1] thường đề cập đến tha lực, lực gia trì trong quá trình tu tập đi đến giác ngộ. Vedanta luôn nhấn mạnh đến sự cần thiết của minh sư còn sống (living teacher). Minh sư hay Guru của giáo phái Sanmat (Sihkism) có thể truyền năng lực tâm để khai tâm (initiate) cho đệ tử [2]. Mật tông của Phật giáo phát triển có các nghi thức quán đảnh. Hiện nay có rất nhiều giáo phái mới phát sinh. Rất nhiều guru, tổ sư, minh sư  nói về giác ngộ. Tuy nhiên các loại giác ngộ đó không có cùng bản chất với sự giác ngộ của sa môn Gautama tại Bodhgaya. Đại Giác Ngộ của Đức Phật là kì tích duy nhất và khác biệt hoàn toàn với mọi loại giác ngộ của các giáo phái hay tôn giáo khác. Tôi không hề phủ nhận giá trị của những loại giác ngộ khác (của các tôn giáo hay giáo phái khác). Các con đường tu tập khác nhau dẫn đến các loại giác ngộ, tức các đẳng cấp tâm linh khác nhau. Các loại giác ngộ đều có giá trị riêng và có vai trò nhất định của nó trong tiến hóa của loài người. Điều muốn nhấn mạnh ở đây là sự phân biệt minh bạch giữa các loại Giác ngộ khác nhau. Một số rất đông người đã chọn con đường tu tập của các giáo phái Bà La Môn vì nhầm rằng đó là Đạo Phật. Ví dụ, một guru Sanmat lại tự nhận mình là Phật (Buddha). Vị này dạy phương pháp tu tập theo truyền thống Sanmat (thuộc Sikhism) bằng những khái niệm và ngôn ngữ quen thuộc của Đạo Phật để mọi người tin rằng đây là giáo pháp của Đức Phật đã từng giảng dạy. Như vậy là không chân thật và không công bằng! Tại sao vị gọi là “minh sư” đó lại không đủ can đảm để cho tín đồ của họ biết rõ sự thật về nguồn gốc giáo phái của mình? Tại sao các vị minh sư đó lại không dám trình bày so sánh về những cứu cánh giải thoát khác nhau, để những người “sơ cơ” chưa kịp hiểu biết, có thể chọn lựa con đường mình muốn chọn.
Để thu hút tín đồ, có vị minh sư Sanmat đã lập lờ khái niệm “khai ngộ” và “giác ngộ”. Khi ngài nói “tức khắc khai ngộ, hiện đời giải thoát” thì đừng nên tin rằng mình sẽ giác ngộ ngay tức khắc trong lúc này. Cẩn thận, vì sau đó ngài sẽ lại nói: “Khai ngộ rồi sẽ… tu tiếp đến khi giác ngộ”. Chiêu thức này cũng là cái trick, giống hệt khi Thiền Tông Trung Quốc nói “Đốn Ngộ” rồi sau đó sẽ “Tiệm tu”. Ở đây, vì phải trả lời câu hỏi “Giác ngộ là gì ? cho nên bất đắc dĩ phải đề cập tới những khái niệm lập lờ như “đốn ngộ’ và “khai ngộ” vốn xa lạ với kinh điển nguyên thủy. Đối với nhiều giáo phái, có khi chỉ với một vài trải nghiệm tâm linh không đáng kể trong các kĩ thật thiền định, đã được gọi là giác ngộ! Ví dụ, các tín đồ Sanmat khi trải nghiệm được ánh sáng thì coi như đã thành công trong thiền định vì họ tin rằng ánh sáng là bản thể của thế giới và là “Phật tánh”. Có khi chỉ với vài ảo giác như nghe âm thanh lạ hay nhìn thấy những cảnh giới lạ v.v…họ cũng nhận là thành quả của tu tập thiền định. Ngược lại như vậy, Phật giáo hiểu biết rất sâu sắc về bản chất của ánh sáng trong định (nimitta). Ánh sáng trong định (nimitta) chỉ là phương tiện để nhập vào chánh định (apana samadhi). Rõ ràng hai nhận thức rất khác biệt nhau. Nếu ánh sáng trong thiền định là cứu cánh của Sanmat thì ánh sáng trong thiền định của Đạo Phật chỉ là phương tiện tu tập. Với một số người, khi ngồi thiền rồi thấy cái này, nghe cái nọ, thì rất vui mừng. Nếu đã gọi là thiền định thì đây phải là nổ lực dừng tâm vọng động lại, cho nên nghe và thấy các âm thanh lạ hay những hình tướng nào đó v.v…có khi đó lại là dấu hiệu của thất bại trong tu tập thiền định! Khi tọa thiền, hệ thống sinh lý thần kinh dễ bị xáo trộn, tâm rất dễ rơi vào các trạng thái “ảo giác”[3].

Ngoài ra cũng thường dễ có sự lẫn lộn giữa thiền định và thiền quán. Ví dụ, khi Sanmat nói về pháp “quán âm” và “quán quang”, thực chất đó là hai pháp thiền định mà đối tượng (object) dùng để quán là âm thanh và ánh sáng. Tất cả các giáo phái Bà La Môn không có pháp quán nào có thể tạo ra “tuệ giác ngộ” để chấm dứt luân hồi sinh tử. Phật giáo nguyên thủy có pháp Tuệ quán (Vipassana) dùng để tu tập các Tuệ cần thiết để giải thoát khỏi sự tái sinh vào tam giới, tức các Tuệ giúp nhận biết Níp Bàn (Nibbana). Các thiền định Bà La Môn chỉ có thể phát sinh ra các tuệ gọi là “tuệ của Định”. Tuệ phát sinh từ các loại Định Bà La Môn chỉ giúp đạt tới các cảnh giới thiên đàng trong tam giới. Các loại tuệ này (phát sinh từ thiền định) không có khả năng giúp nhận biết Níp bàn, nghĩa là không có khả năng chấm dứt luân hồi sinh tử. Tuy nhiên vẫn có các đạo sư Bà La Môn khi thuyết giảng vẫn luôn đề cập đến một giác ngộ chấm dứt luân hồi sinh tử! Có lẽ cách giảng thuyết này là nhằm để các tín đồ có truyền thống Đạo Phật dễ thấy gần gũi và tin tưởng hơn.

3. Giác ngộ của Đạo Phật phát triển

Hơn hai trăm năm sau khi Đức Phật nhập diệt, đạo Phật thoái trào. Các triết gia xuất phát từ cái nôi Bà La Môn đã giải thích và qui kết minh triết của Đức Phật với các giá trị thuộc triết học Bà La Môn. Từ đó hình thành các tông phái Phật giáo mà về sau này các học giả gọi là Đạo Phật phát triển. Phát triển về đâu? Khi cứu cánh giác ngộ của Đức Phật đã là mức cùng tột. Chỉ có một hướng phát triển duy nhất là kéo giáo pháp cao vời của Đức Phật Gautama xuống tầm vóc của các triết gia trần thế.  Ví dụ như các khái niệm “Đạo Phật thỏng tay vào chợ”, “Đạo Phật đi vào cuộc đời”, “Đạo Phật phù hợp với các hình thái xã hội” v.v và v.v…

Tịnh Độ Tông

Trong khi “phát triển”, các tông phái của Đạo Phật phát triển đã thay đổi cứu cánh giác ngộ vô thượng của Đức Phật thành một cứu cánh tạm bợ như khả năng tái sinh nơi cõi cực lạc của A Di Đà Phật. Lý do thì ai cũng hiểu. Vì sự thích hợp với trình độ của số đông. Tịnh Độ tông, tức pháp môn niệm Phật, không thể trả lời câu hỏi “Giác Ngộ là gì?” vì không có chủ trương tu để giác ngộ.

Thiền Tông Trung Quốc

Khi Thiền tông Trung Quốc xuất hiện, người ta nói đến một kỹ thuật hay nghệ thuật gì đó, có thể làm cho phàm phu tức khắc thành thánh nhân. Đó là khái niệm về đốn ngộ, tức chứng ngộ một cách đột ngột phi thường! Suzuki, một thiền sư học giả, đã viết trong cuốn sách Thiền Luận của ông như sau:

-          “…vậy nội dung của Giác Ngộ là gì? Ta có thể mô tả nó bằng cách nào dễ hiểu để trí thức hiếu biện của ta có thể nắm lấy và đặt thành đề tài suy tư không? Bốn Diệu Đế không phải là nội dung của Giác Ngộ, cả đến Mười Hai Nhân Duyên, cả đến Tám Chánh Đạo. Chân lý nhoáng lên trong tâm Phật không phải như một tư tưởng có thể luận giải bằng lý trí…”

-          “Thế nghĩa là gì? Chắc vậy, chứng La Hán không phải là vấn đề chuyên học, mà đó là một cái gì hốt nhiên xảy đến, trong chớp mắt, sau bao năm tinh chuyên tu tập. Thời gian chuẩn bị có thể kéo dài nhiều năm dài dẳng, nhưng đến một lúc nào đó thì chớp nhoáng cơn khủng hoảng vỡ bùng và người ta thành La Hán, hoặc thành Bồ Tát, hoặc thành Phật luôn nữa. Có thể lắm, nội dung của Giác Ngộ giản dị vô cùng ở bổn thể, nhưng sức chấn động thì thực là kinh khủng. Tôi muốn nói, về trí giải, nó phải vượt qua tất cả thế kẹt thuộc phạm vi nhận thức và ngôn ngữ văn tự; về tâm giải, nó phải là sự tái thiết toàn thể phẩm cách con người.”

-          “…Rồi nay bỗng dưng cái Ngộ chụp lấy họ, một cách hoàn toàn bí mật, không ngờ trước, ấy thế là tất cả được giải quyết một lần; họ thành La Hán, hoặc Phật nữa.” [4].

Ngay chính một kinh Đại Thừa nổi tiếng là Thủ Lăng Nghiêm nói rằng, bất cứ khi anh đạt tới trải nghiệm ở mức độ gì, lúc nào trải nghiệm đó cũng có vẻ là to lớn vĩ đại khôn cùng, giống như một cái gì đã cùng tận không thể hơn thế được nữa! Trạng thái ngộ, như Suzuki định nghĩa, không biết là ở mức độ cùng tận hay chưa cùng tận. Nó đã đạt đến tâm giác ngộ tối thượng (Nibbana) hay chưa phải là tối thượng. Đọc Suzuki, đối với một số người thật là khó hiểu. Sự khó hiểu đó, không phải ở cái cao siêu và phức tạp của vấn đề đang được thảo luận, mà chính là sự lúng túng của Suzuki khi ông cố quanh co biện giải cho cái “hốt nhiên đại ngộ” của Thiền Tông. Suzuki muốn cái “hốt nhiên đại ngộ“ đó có một chất lượng giá trị như trạng thái chứng ngộ quả vị Phật, tức quả vị A La Hán) trong Đạo Phật nguyên thủy. Chính bản thân một số các thiền sư cũng luôn phân vân về chất lượng (quality) của cái gọi là “Hốt nhiên đại ngộ”. Càng về sau, dường như Thiền tông Trung Quốc có khuynh hướng trung thực hơn và ta thấy xuất hiện trong Thiền tông cụm từ “Đốn ngộ, Tiệm tu”. Nghĩa là, sau khi giác ngộ “kiểu Thiền Tông”, người tu còn phải tiếp tục tu tập thêm nữa mới đến được giác ngộ tối thượng.

Mật tông Phật giáo

Mật tông Phật Giáo tại Ấn Độ xuất hiện rất muôn, khoảng một ngàn năm sau khi Đức Phật nhập diệt. Không bị suy thoái như Thiền Tông, hiện nay Mật Tông phát triển rất mạnh với vô số các chi phái khác nhau. Đây là truyền thống tu tập bí mật có rất nhiều kĩ thuật tu tập. Trong rất nhiều kĩ thuật đó, có thể phân tích ra rất nhiều nguyên lý tu tập để dẫn tới giác ngộ [5]. Khi sử dụng Yoga Ấn giáo với các kĩ thuật tu tập trên luân xa, luồng hỏa hầu kundalini, Mật Tông đã đi lại con đường giác ngộ theo Ấn Giáo. Khi sử dụng năng lực tính dục để thực hiện giác ngộ thì Mật Tông đã không còn mối liên hệ nào với Đạo Phật nguyên thủy nữa. Đây không phải nói đến mối liên hệ về phương pháp tu tập mà nói đến mối liên hệ về bản chất của Giác ngộ. Phái thiền Dzogchen của Mật tông Tây Tạng có quan niệm giác ngộ rất giống với Thiền tông Trung Quốc. Mật tông có những kĩ thuật nhằm đồng hóa thân tâm của người đệ tử chưa giác ngộ với thân tâm một vị thày đã giác ngộ hoặc với biểu tượng của một vị hóa thần (yidam). Do vậy có thể thấy sự giác ngộ của Mật tông bắt đầu bằng sự tu tập dựa trên tha lực. Một điều phải nhắc lại ở đây rằng mọi phương pháp tu tập đều có những giá trị riêng của nó. Bài viết ngắn này chỉ nhằm phân biệt các loại giác ngộ đến từ các con đường tu tập khác nhau.

II. Giác ngộ theo giáo pháp của Đức Phật Gautama

Đối với Đạo Phật, một cách khái quát, giác ngộ là khi vượt thoát khỏi cái hữu hạn của sinh mệnh, thoát khỏi cái khống chế của quá trình sinh tử tiếp nối, do đó vượt thoát khỏi tất cả những đau khổ vốn có của đời sống. Giác Ngộ trong giáo pháp thực sự của Đức Phật do nổ lực hoàn toàn tự thân. Sự giác ngộ này không nương nhờ tha lực hay sự ban phúc của một vị thày, vượt thoát các cõi trời, không tồn tại như một Đại Ngã mà hoàn toàn “Vô Ngã”. Tuy nhiên tâm giác ngộ Níp bàn [6] không phải là hư vô. Khi thực hiện được đại giác ngộ, Đức Phật và các bậc A La Hán có thể sống trong trạng thái an lạc của Níp Bàn hữu dư. Điều này cho thấy trạng thái Níp bàn là một hiện hữu, vẫn câu thông và chan hòa với một sinh mệnh trần gian.  Theo các triết học khác, mọi hiện hữu đều là Sắc (vật chất) hoặc là Danh (khái niệm, tinh thần).  Riêng với Đạo Phật, như Abhidamma mô tả, thế giới gồm: Danh, Sắc và một phạm trù thứ ba là Níp-bàn. Níp-bàn không thuộc Sắc hay Danh mà là một phạm trù riêng biệt. Chỉ riêng Đạo Phật nguyên thủy mới có pháp thiền quán gọi là Vipassana và chỉ riêng Đạo Phật mới có bốn mức độ giác ngộ (còn gọi là bốn tầng thánh trí) [7]. Bốn mức độ giác ngộ trong Đạo Phật đều có tiêu chuẩn để nhận biết cũng như  các bậc thiền định cũng có các tiêu chuẩn để hành giả xác nhận được mình đang ở bậc thiền nào. Các bậc thiền định hay thiền quán của Đạo Phật nguyên thủy đều được mô tả rõ ràng, đồng thời cũng có những chuẩn mực, tiêu mốc để xác định và còn ghi lại trong các bộ Nikaya. Ví dụ: Sơ thiền là khi cái tôi tan biến (absorb) vào ánh sáng nimitta, đồng thời hành giả phải nhận biết rõ ràng năm thiền-chi (tầm, tứ, hỉ, lạc, định nhất tâm). Các giáo phái giả mạo Đạo Phật không bao giờ biết đến những chuẩn mốc này. Có giáo phái khi ngồi thiền thấy ánh sáng bèn cho mình đã đạt tới bản thể của thế giới, đã chứng ngộ Phật tánh. Có người khi ngồi thiền thấy các hình ảnh của chư thiên, thấy rồng phượng bay lộn trong phòng bèn vui mừng cho rằng mình đã đắc thiền! Nếu hỏi đó là thiền gì? Định gì? Cấp độ gì? thì chắc chắn không thể trả lời!
Bởi vì nội dung giác ngộ có khác nhau nên phương cách tu tập và thực hành phải khác nhau. Một tu sĩ bà La Môn giữ  phạm hạnh tuyệt đối để thực hành thiền định (samadhi), nếu thành công (đắc định) người tu sĩ này sẽ đạt đến cõi trời tương ứng của mức độ định mà mình tu tập được. Đức Phật cũng từng chứng đắc đầy đủ tám định của Bà La Môn nhưng Ngài không thấy cõi trời tối cao là giác Ngộ tối thượng. Không thỏa mãn với các tầng trời và bằng sự tự tin mãnh liệt đã khiến ngài thực hành một phương pháp riêng và đã tạo nên một kì tích tại cội Bồ Đề. Kinh điển có ghi lại diễn tiến tâm thức của Đức Phật dưới cội Bồ Đề trong khi Ngài thực hiện giác ngộ. “Chánh pháp” của Đạo Phật là tất cả những gì Đức Phật đã thực hành 49 ngày dưới cội Bồ Đề tại Bodhgaya. Bởi vì giác ngộ là đỉnh điểm cuối cùng cho một quá trình tu chứng, là trải nghiệm duy nhất và riêng biệt trong tâm của người tu chứng, cho nên không dễ dàng gì để nói hay mô tả về trạng thái này. Tuy nhiên dù sao ta vẫn có thể hình dung gián tiếp “trạng thái giác ngộ” qua con đường tu tập dẫn đến giác ngộ.  Ta sẽ thấy giác ngộ của Đạo Phật nguyên thủy là kết quả của một quá trình tu tập rất khoa học để nhận biết tâm, để phát triển các loại trí và cuối cùng nhận ra Níp bàn như một đối tượng đặc biệt của tâm. Hoàn toàn không có tính thần bí trong sự  giác ngộ, không có sự ban phúc từ thượng đế hay một vị thày nào cho người tu tập Các giáo phái thuộc hệ tư tưởng Bà La Môn hoặc các giáo phái bí mật như Sanmat cho rằng Thầy có thể truyền tâm, khai ngộ (initiate) cho đệ tử (cẩn thận chữ “khai ngộ” ở đây không phải là giác ngộ hoàn toàn). Điều này đúng, vì tâm của tất cả các chúng sanh đều nằm trong một thể thống nhất (continuum) cho nên có những mối liên hệ nhất định với nhau. Tuy nhiên “initiation” chỉ là những tương tác thuận lợi (trong tam giới) để cố giúp sự tương đồng tâm đệ tử với tâm người thày. Initiation không thể thay thế cho nổ lực tu tập tự thân của người đệ tử. Hai nữa, initiation là kĩ thuật trong sự tu tập thiền định của các giáo phái Bà la Môn, tức những định đưa đến giác ngộ các cõi trời (thiên đàng) trong tam giới. Điều này khác hẳn với việc tu tập thiền quán (Vipassana) mà Đạo Phật nhằm mục đích là  một giác ngộ vượt thoát sự tái sinh trong tất cả các cõi trời trong tam giới. Sự tu tập của từng cá nhân có tiến bộ hay không còn tùy thuộc vào nghiệp người đó tốt hay xấu. Lịch sử Đạo Phật còn biết rõ Anan vốn là thị giả, người thân cận nhất, đồng thời cũng là người anh em cùng cha khác mẹ với Đức Phật, nhưng mãi tận đến sau khi Đức Phật nhập diệt ngài mới chứng quả A La Hán. Rõ ràng Đức Phật không thể gánh nghiệp cho Anan hoặc cho bất cứ ai, cũng như không thể gia trì cho Anan hoặc cho bất cứ ai sớm chứng đắc đạo quả được. Điều này quả không làm phấn khởi cho sự mong ước của đa số Phật Tử, nhưng thực sự Giáo Pháp nguyên thủy là như vậy! Chân lý là như vậy!
Ai cũng muốn sự tu tập của mình được nhanh chóng, ai cũng muốn tìm được con đường tắt, nhưng cũng nên hiểu rõ tính gian khó của việc tu tập qua lịch sử của Đạo Phật còn để lại. Cái nào cũng có cái giá của nó! Chẳng thể nào một người bất ngờ, tự nhiên hay “hốt nhiên” mà đại ngộ được! Nhưng Thiền Tông Trung Quốc lại tin rằng chỉ với hình ảnh chiếc lá rụng hoặc âm thanh một giọt nước rơi v.v… hoặc đại loại như vậy, cũng có thể là hoàn cảnh hay điều kiện cho một người…hốt nhiên mà đạt được Giác Ngộ!
Đạo Phật thời Đức Phật còn tại thế đã mô tả một đạo lộ Giới-Định-Tuệ rõ ràng cho sự tu tập. Dùng chữ “Đạo lộ” là ý muốn nói đến một chương trình tu tập theo thứ tự (step by step) để người tu biết cách rèn luyện để chuyển biến một tâm thức phàm phu đến các tầng bậc chứng ngộ (bốn đạo quả) và cuối cùng giác ngộ Níp-bàn.

III. Nibbana (Níp bàn)

Đối với Đạo Phật nguyên thủy, để trả lời câu hỏi “Giác Ngộ là gì?”, ta có thể tìm một phần câu trả lời trong kinh điển qua cách mô tả Níp-bàn (Nibbana) [6]. Trong kinh Milindapanha (Mi Lin Đa vấn đạo), đức vua Milinda hỏi về sự chứng ngộ Níp-bàn:

- “Thưa ngài Nāgasena, ngài nói rằng: ‘Niết Bàn không là quá khứ, không là hiện tại, không là vị lai, không phải là được sanh lên, không phải là không được sanh lên, không phải là sẽ được làm cho sanh lên.’ Thưa ngài Nāgasena, ở đây người nào đó thực hành đúng đắn và chứng ngộ Niết Bàn, thì người ấy chứng ngộ cái (Niết Bàn) đã được sanh lên, hay là làm cho (Niết Bàn) sanh lên rồi chứng ngộ?”

Trưởng lão Nagasena đã trả lời:

- “Tâu đại vương, người nào đó thực hành đúng đắn thì chứng ngộ Niết Bàn, người ấy chứng ngộ không phải cái (Niết Bàn) đã được sanh lên, không phải là làm cho (Niết Bàn) sanh lên rồi chứng ngộ. Tâu đại vương, tuy nhiên có cảnh giới Niết Bàn ấy, người ấy thực hành đúng đắn và chứng ngộ cái ấy.”[8]

Thực sự với đầu óc phàm phu chúng ta không thể hình dung Níp-bàn là thế nào. Đây là lãnh vực trải nghiệm riêng của các bậc thánh. Vâng, đây mới đúng thật là phạm trù không thể giải bày, bất khả ngôn thuyết. Tuy nhiên, quy trình để đi đến giác ngộ để trải nghiệm Níp-bàn thì hoàn toàn có thể mô tả được! Trong Vi diệu pháp (abhidhamma), Phân tích đạo (patisambhidamagga), rải rác trong các bộ Nikaya, có những phần mô tả về Đạo Lộ đến Níp Bàn cũng như lộ trình tâm khi giác ngộ. Chính sự mô tả quy trình của tâm khi Giác Ngộ còn lưu giữ trong kinh điển là những tài liệu quý giá nhất giúp ta thấu hiểu Giác Ngộ là gì?

IV. Lộ Trình Tâm khi giác ngộ

Giáo pháp nguyên thủy của Đức Phật đã phân tích chi tiết tâm thức của một người giác ngộ thành các tâm (citta) và các lộ trình tâm (citta vithi)

1. Lộ trình tâm trong “ý thức bình thường” của tất cả mọi người (phàm phu)

Bắt đầu và theo thứ tự như sau:

- Tâm “Hộ kiếp rúng động” (một sát na)

- Tâm “Hộ kiếp dứt dòng” (một sát na)

- Tâm “Ý môn hướng” (một sát na)

- Tâm “Đổng Tốc” (7 sát na)

- Tâm “Thập Di” (2 sát na)

Cuối cùng, ý thức rơi trở vào dòng Hộ kiếp còn gọi Tâm Hữu phần (life continuum). Nếu kể cả tâm Hộ kiếp, thì một lộ trình tâm của ý thức của một người bình thường trong đời sống hàng ngày gồm có 13 tâm.

Khác với cách giải thích mù mờ, thần bí và huyễn hoặc về sự giác ngộ của tất cả các tôn giáo thần khải cũng như Bà la môn, Sanmat v.v…và kể cả các Đạo Phật gọi là “phát triển”, giác ngộ trong Đạo Phật nguyên thủy là một hiện tượng minh bạch. Với sự hổ trợ của năng lực Thiền định, người thực hành Tuệ quán (Vipassana) có thể nhận biết rõ ràng từng tâm (citta) và các lộ trình tâm (citta vithi) của mình, trong lúc chưa giác ngộ cũng như trong lúc giác ngộ. Đây không phải chỉ là một lý thuyết trên kinh điển. Trong hiện tại, đang có các vị sư thực hiện thành công pháp tuệ quán này. Khi giác ngộ, người tu tự nhận biết sự giác ngộ của mình bằng một lộ trình tâm giác ngộ với 11 tâm như sau:

2. Lộ trình “Tâm Giác Ngộ”

với kí hiệu cụ thể như sau:

- Đối với người có trí tuệ chậm lụt (Mandapanna)

Na – Da – Ma – Pa – U – Nu – Go – Magga – Phala – Phala – Bh –

- Hoặc đối với  người có trí tuệ nhạy bén (Tikkhapana)

Na – Da – Ma – U – Nu – Go – Magga – Phala – Phala – Phala – Bh -

Giải thích các kí hiệu :

Na = bhavaṅga-calana – hữu phần (hộ kiếp) rúng động, – vibrating life-continuum

Da = bhavaṅgu-paccheda – hữu phần (hộ kiếp) dứt dòng – arrested life-continuum

Ma = manodvārāvajjana – ý môn hướng tâm -door adverting consciousness

Pa = parikamma – chuẩn bị của Đạo (magga) – preparation of the Path (magga)

U = upacāra – cận hành của Đạo (magga) – proximity of the Path (magga)

Nu = anuloma – thuận thứ cho cái đi trước và cái theo sau – conformity to what preceeds and to what follows

Go = gotrabhu – chuyển tộc – change-of-lineage

Magga = sotāpattimagga – Đạo Nhập Lưu – the Path of stream-entry

Phala = sotāpatti-phala – Quả Nhập Lưu – the Fruition of stream-entry

Bh = bhavaṅga – hữu phần (hộ kiếp) – life-continuum

Chỉ trừ một số người, mà Pháp Học chưa được nắm vững, thì có thể không nhận biết được các tâm trong tiến trình giác ngộ (nhập lưu). Một người thuần thục về Pháp học, với tuệ quán đúng cách, sẽ nhận biết rõ các tâm trong tiến trình giác ngộ, thấy được sát-na của tâm chuyển tộc, ngay lúc chuyển phàm thành thánh.

Kể từ khi Đức Phật đại giác ngộ và tuyên thuyết giáo pháp của Ngài cho tới ngày nay, chưa có một tôn giáo hay tông phái nào có khả năng mô tả “lộ trình tâm” của một người khi giác ngộ. Qua sự mô tả chi tiết lộ trình tâm giác ngộ, Đạo Phật có cái nhìn về sự giác ngộ rất rõ ràng, rất minh bạch và rất chuẩn mực so với sự mơ hồ đầy thần bí trong sự giác ngộ của tất cả mọi tôn giáo khác.

Một điều phải khẳng định ở đây là để có một lộ trình tâm giác ngộ, phải có một sự tu tập bài bản theo một đạo lộ nhất định. Đây là một một con đường duy nhất, một phương pháp duy nhất, một chánh pháp rất quí giá gọi là pháp bảo. Qui vị có thể tham khảo thêm về đạo lộ tu tập của Đạo Phật nguyên thủy do ngài Pa Auk Tawya Sayadaw giảng dạy sau đây, để biết thêm một số chi tiết có tính chuyên sâu.

IV. Đạo lộ đưa đến giác ngộ của Đạo Phật nguyên thuỷ

Hành giả trước tiên thanh lọc thân tâm bằng giới (sila), sau đó thực hành thiền định (samadhi) để hỗ trợ giới và hỗ trợ tuệ quán (vipassana) sau này.  Sự giác ngộ được thực hành tuần tự qua 16 tầng thiền tuệ từ thấp lên cao. Thiền tuệ là phương pháp quan sát thế giới (vật chất và tinh thần) bằng cách quan sát thân tâm của chính hành giả. Bằng năng lực của Định, hành giả thấy rõ từng tâm phát khởi, thấy rõ quá trình tâm duyên hợp phát sinh rồi hủy diệt. Sự biết và thấy rõ các tâm phát sinh ra các trí. Qua mười một tầng tuệ đầu tiên hành giả sẽ bắt đầu trực nhận Níp bàn:

“…Sau khi chứng đắc các tuệ này, hành giả vẫn tiếp tục công việc thấy sự trôi qua và diệt mất của mỗi hành khi chúng khởi lên, với ước muốn thoát khỏi chúng, hành giả sẽ thấy ra rằng cuối cùng tất cả các hành đều diệt. Tâm hành giả trực tiếp biết và thấy Niết-bàn – đó là ý thức trọn vẹn về (vô vi) Niết-bàn kể như đối tượng.

Khi tâm thấy Niết-bàn, hành giả kinh qua năm tuệ còn lại cùng với sự khởi lên của tiến trình tâm đạo (maggavīthi). Năm tuệ đó là:

12. Tuệ Thuận Thứ (Anulama ñāṇa)
13. Tuệ Chuyển Tộc (Gotrabhù ñāṇa)
14. Tuệ Đạo (Magga ñāṇa)
15. Tuệ Quả (Phala ñāṇa)
16. Tuệ Phản Khán (Paccavekkhana ñāṇa)

Tiến trình tâm đạo qua đó năm tuệ cuối cùng này sanh lên có bảy giai đoạn:

1. Một ý môn hướng tâm khởi lên thấy các hành kể như vô thường, khổ hoặc vô ngã tùy theo cách Tuệ Xả Hành khởi như thế nào.

2. Một tốc hành tâm (javana) đầu tiên khởi lên (làm “công việc chuẩn bị” – Parikamma), thấy các hành theo cùng cách ấy. Nó duy trì tính tương tục của tâm.

3. Một tốc hành tâm thứ hai khởi lên (“cận hành” – upacāra), cũng thấy các hành theo cùng cách ấy.

4. Một tốc hành tâm thứ ba khởi lên (“thuận thứ”” – anuloma), cũng thấy các hành theo cùng cách ấy.

Thực ra, ba tốc hành tâm (chuẩn bị, cận hành và thuận thứ) này là thành phần của tuệ thứ mười hai – Tuệ Thuận Thứ (anuloma ñāṇa).

Thuận (thứ) theo cái gì? Theo những gì đã đến trước và theo những gì sẽ đến sau. Tuệ này thuận theo những phận sự thấy sự thực trong tám tuệ minh sát đã đến trước (từ Tuệ Quán Sự Sanh Diệt đến Tuệ Xả Hành), và nó cũng thuận theo ba mươi bảy pháp thuộc tâm đạo dự phần vào sự giác ngộ sẽ đến sau. Tuệ Thuận Thứ là tuệ cuối cùng có các hành kể như đối tượng của nó.

5. Một tốc hành tâm thứ tư khởi lên có Niết-bàn làm đối tượng. Đây là tuệ thứ mười ba là Tuệ Chuyển Tộc (Gotrabhū ñāṇa).

Mặc dù tâm này biết (vô vi) Niết-bàn, nó vẫn không hủy diệt các phiền não, nhiệm vụ của nó là chuyển tâm từ phàm tộc sang thánh tộc mà thôi.

6. Một tốc hành tâm thứ năm khởi lên, có Niết-bàn làm đối tượng. Đây là tuệ thứ mười bốn, vốn tiêu diệt các phiền não thích đáng – Tuệ Đạo (Magga ñāṇa).

7. Tốc hành tâm thứ sáu và thứ bảy khởi lên với Niết-bàn làm đối tượng. Chúng là tuệ thứ mười lăm – Tuệ Quả (Phala ñāṇa).

Phản Khán Tuệ (Paccavekkhana ñāṇa)

Tuệ thứ mười sáu và cũng là tuệ cuối cùng là Tuệ Phản Khán. Tuệ này làm nhiệm vụ xét lại năm pháp:

1. Xét lại Đạo Tuệ
2. Xét lại Quả Tuệ
3. Xét lại Niết-bàn
4. Xét lại những phiền não đã bị tiêu diệt
5. Xét lại những phiền não chưa bị tiêu diệt.

Như vậy hành giả đã đạt đến chánh trí về Tứ Thánh Đế và đã tự mình chứng ngộ Niết-bàn. Với sự chứng ngộ này, tâm hành giả đã được tịnh hóa và thoát khỏi mọi tà kiến. Nếu hành giả cứ tiếp tục theo cách này, có thể hành giả sẽ đạt đến A-la-hán Thánh quả và nhập Vô Dư Niết-bàn…” [9]

Đạo lộ tu tập thời Đức Phật được tìm lại căn cứ theo các bộ Nikaya, theo Vi diệu pháp, theo Phân tích đạo, theo Thanh Tịnh đạo luận (Visudhimagga). Những thông tin về cách tu tập và sự giác ngộ có ghi trong các bộ Nikaya và như Ngài Pa Auk vừa trình bày có thể làm rất nhiều người thấy xa lạ và ngỡ ngàng. Tại sao? Bởi vì người Việt chúng ta sống trong khu vực bị ảnh hưởng ưu thế của Đạo Phật Đại Thừa (mà ngày nay gọi là Đạo Phật phát triển) cho nên chỉ biết và đọc được sách vở kinh điển đến từ Trung Quốc. Cho đến tận thời điểm này, rất tiếc, những thông tin quí giá đó vẫn không được phổ biến nhiều trên sách vở cũng như qua mạng Internet. Tuy nhiên khi đã “hữu duyên” biết đến những thông tin này, những ai tha thiết với sự truy tìm giác ngộ sẽ phải bật khóc khi biết đến cái to lớn và vĩ đại của giáo pháp mà Đức Phật đã thực sự giảng dạy và thực sự muốn trao truyền lại cho nhân loại. Chính giáo pháp này mới được gọi là Chánh Pháp. Tuyệt đối chỉ có một chánh pháp vĩ đại này. Không thể có một “chánh pháp” thứ hai. Càng không thể có đến tám vạn bốn ngàn “chánh pháp” dẫn đến lộ trình tâm giác ngộ như vậy!

Đạo lộ Giới-Định-Tuệ đã được Đức Phật Gautam tự thân thực hành để giác ngộ, sau đó giảng dạy công khai, không dấu diếm, không bí truyền [10]. Tính thần bí và bí truyền cũng như tính luôn đề cao vai trò của minh sư, giáo chủ hay của tha lực là một đặc diểm của Ấn giáo. Sự truyền tâm (initiation) chỉ là một kĩ thuật hổ trợ loại giác ngộ trong tam giới. Kĩ thuật truyền tâm không có tác dụng gì trong Giác Ngộ Tối Thượng của Đạo Phật Phật (ý nói Đạo Phật chính thống và nguyên thủy). Nguyên lý trong sự giác ngộ của Đạo Phật là sự phát tiển các Tuệ (wisdom) tức sự hiểu biết hướng đến giải thoát. Tuệ giác ngộ không phải là phạm trù mơ hồ hay thần bí. Tuệ để thực hiện giác ngộ có thể liệt kê, đếm và mô tả được [11]. Mười sáu tuệ trong sự thực hành Vipassana là những tuệ căn bản nhất. Chỉ có đầy đủ tuệ giác ngộ mới có được lộ trình tâm giác ngộ.

Lời cuối:

Trên con đường tâm linh, ta nhất thiết phải hình dung về cái đích đến của mình. Nghĩa là phải xác định loại giác ngộ nào mà mình muốn nhắm đến. Tức phải tìm câu trả lời thật chính xác cho câu hỏi “Giác Ngộ là gì?”. Như trên đã trình bày, có rất nhiều loại giác ngộ do các minh sư, guru, giáo chủ đã từng thuyết giảng qua nhiều thời đại. Đây là sự lựa chọn của riêng từng mỗi cá nhân. Đối với những ai ngưỡng mộ giáo pháp của Đức Phật, có thể tìm thấy câu trả lời thuyết phục nhất, qua sự mô tả minh bạch về lộ trình tâm giác ngộ mà Đức Phật đã từng giảng dạy.

BS. Phạm Doãn

(Bài đã được viết lại ngày 22/06/2011)

Chú thích:

[1] Vedanta là một trường phái triết học Ấn Độ dựa trên Upanisad.

[2] Đạo của ngài Thanh Hải (một nhánh của Sanmat) dùng chữ “truyền tâm ấn”. Xem phả hệ dòng Sanmat của ngài Thanh Hải tại link này: http://santmat.livingcosmos.org/surat-shabd-yoga/ssy-navtree.html

[3] tham khảo thêm tại link này: http://bsphamdoan.wordpress.com/cac-bai-vi%E1%BA%BFt-cu/psychological-view-of-meditative-experiences/

http://bsphamdoan.wordpress.com/cac-bai-vi%E1%BA%BFt-cu/th%E1%BB%83-nghi%E1%BB%87m-kundalini/

[4] Thiền Luận, quyển thượng, luận hai, đoạn: Thiền và Ngộ

[5] Giới thiệu mật tông Việt Nam: http://bsphamdoan.wordpress.com/cac-bai-vi%E1%BA%BFt-cu/gi%E1%BB%9Bi-thi%E1%BB%87u-m%E1%BA%ADt-tong-vi%E1%BB%87t-nam/

[6] Milindapañhā – Milinda Vấn Đạo (2011), Phẩm Niết-bàn, Tỳ Khưu Indacanda dịch từ Pali sang tiếng Việt.

Nibbana: http://bsphamdoan.wordpress.com/tham-kh%E1%BA%A3o-references/nibbana-nip-ban/

[7] Bốn tầng thánh trí: http://bsphamdoan.wordpress.com/tham-kh%E1%BA%A3o-references/b%E1%BB%91n-t%E1%BA%A7ng-thanh-tri/

[8] Milindapañhā – Milinda Vấn Đạo (2011), câu hỏi về sự chứng ngộ Niết-bàn

[9] Biết và Thấy (Knowing and Seeing), đoạn: Biết và thấy niết bàn, tác giả: Pa-Auk Tawya Sayadaw (U Acinna), Tỳ khưu Pháp Thông dịch.

[10] “…Này Ananda, chúng Tỷ-kheo còn mong mỏi gì nữa ở Ta! Này Ananda, Ta đã giảng Chánh pháp, không có phân biệt trong ngoài (mật giáo và không phải mật giáo), vì này Ananda, đối với các Pháp, Như Lai không bao giờ là vị Ðạo sư  còn nắm tay (còn giữ lại một ít mật giáo chưa giảng dạy). (Kinh Đại Bát Niết bàn, đoạn 25)

[11] Để hiểu rõ hơn về Tuệ Giác Ngộ của Đạo Phật nguyên thủy, quý vị có thể đọc thêm phân tích chi tiết trong bài:  “Tuệ và Giác Ngộ

(Nguồn: http://bsphamdoan.wordpress.com)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage