Phật Học Online

Khi doanh nhân niệm Phật, sửa mình


Để kinh doanh thành công, giảm stress và tìm được niềm vui trong công việc, ngày càng có nhiều doanh nhân tìm đến triết lý đạo Phật. Với họ, tu là để sửa mình

Anh Vương Vũ Thắng trong một lần giao lưu 
về tu trong công việc
Anh Vương Vũ Thắng trong một lần giao lưu về tu trong công việc.

Sau gần chục năm lăn lộn trên thương trường, gặt hái không ít thành công, nhưng có quãng thời gian anh Vương Vũ Thắng, SN 1979, Phó TGĐ Cty CP Truyền thông Việt Nam, rơi vào tình trạng buồn chán, thấy cuộc đời vô vị, bị stress cáu kỉnh vô cớ. Anh Thắng tìm đến đạo Phật.

“Và cuộc đời tôi bước sang trang mới. Tôi trở thành người hoàn toàn khác. Tôi luôn giữ được tâm thế bình an trước mọi việc; nhìn nhận, đánh giá sự việc xuất phát từ lòng từ bi. Điều này rất quan trọng đối với một doanh nhân”, anh Thắng chia sẻ.

Kinh doanh thường gây căng thẳng. Theo anh Thắng để tránh được cáu giận trong bộn bề công việc, điều quan trọng là có lòng bao dung, cảm thông, không nhìn mọi việc trên bề mặt. Doanh nhân này cũng chia sẻ, nhiều “sếp” quát mắng khi thấy nhân viên ngủ gật trong giờ làm mà không biết rằng, đêm qua họ đã thức đến 3h sáng để hoàn thành một việc quan trọng...

Trong cuộc sống, dù là tu sĩ, người bình thường, hay người làm kinh doanh, việc sửa mình luôn là điều cần thiết để cuộc sống tốt đẹp hơn
Thầy Thích Quang Định, dịch giả của bộ sách Phật pháp ứng dụng chia sẻ 
Trước đây khi phát hiện nhân viên sai phạm trong công việc, có thể “sếp” Thắng sẽ đùng đùng nổi giận ngay, nhưng giờ thì khác. Sau hơn 4 năm học triết lý đạo Phật, anh Thắng nghiệm ra: Giận dữ chỉ tốt khi cái giận đó làm thay đổi người khác; thay đổi sự việc theo hướng tốt hơn và phải kiểm soát được cơn giận dữ đó, hay nói cách khác là cơn giận có chủ định.

Với Đoàn Thanh Hải, SN 1983, Phó Giám đốc Cty Cổ phần sách Thái Hà, Năng đoạn kim cương là cuốn sách gối đầu giường vì nó được xem là sự kết hợp độc đáo, kỳ ảo giữa trí tuệ của Phật giáo được áp dụng vào hoạt động kinh doanh. Những triết lý trong những cuốn sách kiểu này giúp cô thay đổi quan điểm, thái độ làm việc.

Trước đây, Hải khá cứng nhắc, lúc nào cũng ép nhân viên làm việc để mang lại lợi nhuận cho Cty nên gây căng thẳng, mâu thuẫn. “Nếu làm việc với sự thoải mái, tìm thấy niềm vui, hạnh phúc trong công việc, nhân viên mới thực sự phát huy hết khả năng của họ và mang lại lợi ích cho Cty”, Phó Giám đốc Hải chia sẻ.

Chủ tịch Tập đoàn Hiệp Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nhân Hà Nội, bà Đoàn Thị Hữu Nghị dù luôn bộn bề với công việc, nhưng vẫn chắt chiu quỹ thời gian nhất định cho Phật pháp. Bà thường đi nghe buổi nói chuyện của các thầy về Phật pháp trong kinh doanh, rồi sang cả Nepan để nghe giảng giải về đạo Phật.

“Công việc là phần quan trọng của cuộc sống. Ai cũng cần làm việc để phát triển bản thân, giúp ích cho mình, cho gia đình và xã hội. Với một doanh nghiệp, việc kiếm tiền, tăng doanh thu... rất quan trọng. Điều đó khiến những người lãnh đạo luôn bị áp lực phải kiếm thật nhiều tiền. Với tôi, luôn cố gắng hết mình, làm việc thành tâm, thành thật, hướng tới lợi ích chung cho cộng đồng thì tiền bạc sẽ tự đến”, bà Nghị chia sẻ.

Lưu Trinh ( Tiền Phong)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage