Trong Tăng Chi Bộ, chương 10 Pháp, kinh số 92, Đức
Phật giảng cho ông Cấp Cô Độc:
"Ở
đây, này Gia chủ Cấp Cô Độc, vị Thánh đệ tử quán sát như sau:
Do cái này có, cái kia
có.
Do cái này sinh, cái kia sinh.
Do cái này không có, cái kia không có.
Do cái này diệt, cái kia diệt."
Đó là tóm lược lý Duyên khởi. Rồi Ngài giảng rộng
ra:
"Tức là do duyên vô
minh, có các hành.
Do duyên các hành, có thức.
Do duyên thức, có danh sắc.
Do duyên danh sắc, có sáu nhập.
Do duyên sáu nhập, có xúc.
Do duyên xúc, có thọ.
Do duyên thọ, có ái.
Do duyên ái, có thủ.
Do duyên thủ, có hữu.
Do duyên hữu, có sinh.
Do duyên sinh, có già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.
Như
vậy, là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này."
Tiếp theo, Đức Phật giảng về sự đoạn diệt các khổ
uẩn:
"Do vô minh diệt,
không có dư tàn, nên các hành diệt.
Do các hành diệt, nên thức diệt.
Do thức diệt, nên danh sắc diệt.
Do danh sắc diệt, nên sáu nhập diệt.
Do sáu nhập diệt, nên xúc diệt.
Do xúc diệt, nên thọ diệt.
Do thọ diệt, nên ái diệt.
Do ái diệt, nên thủ diệt.
Do thủ diệt, nên hữu diệt.
Do hữu diệt, nên sinh diệt.
Do sinh diệt, nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt.
Như vậy
là toàn bộ khổ uẩn này diệt.
Ðây là
Thánh lý được khéo thấy và khéo thể nhập với trí tuệ."
Như thế, khi thuyết giảng lý Duyên khởi, Đức Phật
dạy cho chúng ta thấy rằng vì vô minh và bị mê si mà sự hiện hữu và khổ đau
hiện tại đã phát sinh; do sự diệt tận của vô minh, và từ đó ái diệt và thủ
diệt, mà không còn sự tái sinh nào sẽ tiếp theo; và như vậy, tiến trình hiện hữu
được dừng lại, và cùng với sự dừng lại ấy, là sự chấm dứt mọi đau khổ.
*
Ở đây, xin trình bày sơ lược tóm tắt về các liên hệ
giữa 12 thành tố của lý Duyên khởi như sau:
"Vô minh duyên hành": Do vô minh (avijjà), các hành (sankhara) có điều kiện để
sinh ra. Hành là những tư tâm sở (cetanà) hay ý chí, đưa đến tái sinh,
còn gọi là hành nghiệp. Vô minh ở đây chủ yếu là vô minh về Tứ Diệu Ðế, vô minh
về lý nhân duyên, vô minh về quá khứ và hiện tại của chúng ta.
Do vô minh, đôi khi chúng ta làm những hành động
thiện, nhưng phần lớn chúng ta làm những hành động bất thiện, vì đa phần những
điều chúng ta làm đều bắt nguồn từ tham và sân. Dưới ảnh hưởng của vô minh
chúng ta làm đủ mọi loại hành động. Thật ra, vì chúng ta không biết đâu là
đúng, đâu là sai, hoặc chúng ta chỉ hiểu chung chung rằng những hành động thế
này là thiện, những hành thế kia là bất thiện. Vì mù quáng bởi vô minh mà chúng
ta thường làm những điều lầm lạc, dù rằng đôi khi chúng ta cũng làm được những
việc tốt.
Hai chi phần này, Vô Minh và Hành, thuộc thời quá
khứ, và đây là hai yếu tố đã đem chúng ta đến thế gian này. Những hành động
thiện trong quá khứ của chúng ta như bố thí, trì giới, có những ý nghĩ tốt đẹp,
v.v. là những thiện nghiệp (kusala-kamma), đã giúp chúng ta sinh
ra làm người, có mặt trong thế gian này.
"Hành duyên thức": Tùy thuộc nơi hành nghiệp, thiện và bất thiện, chi phần
thứ ba khởi sinh, đó là Thức (vinnàna), tức tái sinh trong thế gian này.
Thức là thời hiện tại và thuộc nhóm quả dị thục. Thức sinh khởi như kết
quả của Vô Minh và Hành trong quá khứ. Ở đây, Thức không có nghĩa là tất cả các
loại tâm mà chỉ là tâm tục sinh sau khi chết. Như vậy, khởi đầu của kiếp sống
hiện tại này, chúng ta có Kiết Sinh Thức - Thức nối liền - nghĩa là Thức nối
liền kiếp sống hiện tại với quá khứ. Thức tái sinh phát khởi, chúng ta được tái
sinh, đó là lý do tại sao ta dùng chữ "tái sinh", mà không dùng chữ
"đầu thai" với ý nghĩa một linh hồn đi tái sinh. Bởi vì không có một
linh hồn bất tử trong quan niệm của đạo Phật.
"Thức duyên danh sắc": Tâm không thể làm việc một mình, nó có một số tâm sở (cetasika) phối
hợp làm việc chung với nó, và vì là tâm nên nó không thể tồn tại đơn độc, nó
cần một cái thân vốn là kết quả của những hành động trong quá khứ. Do vậy, tùy
thuộc nơi Kiết sinh thức - thức nối liền, chúng ta có tâm và thân, tức là Danh (nàma)
và Sắc (rùpa). Danh là phần tinh thần, còn Sắc là phần vật
chất.
"Danh sắc duyên lục nhập": Do có thân và tâm, hay danh và sắc, ta có 6 Căn hay 6 Nhập (àyatana).
Chúng ta có năm căn bên ngoài: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt và thân. Còn gọi là
"ngũ môn" hay năm cửa. Chẳng hạn qua nhãn môn, chúng ta tiếp nhận một
đối tượng của sự thấy, và qua nhãn môn, chúng ta buông bỏ đối tượng đó; vì thế,
con mắt có hai chức năng: thu nhận và buông bỏ. Chữ "căn" được
dùng ở đây với ý nghĩa của một "căn cứ", dựa vào đó mà tâm có thể
thực hiện. Căn thứ 6 là ý căn. Đây là một căn thuộc bên trong, hay nội
môn. Nó không những chỉ là một căn hay môn, mà nó cũng còn là dòng tiến sinh
của chúng ta - trong Pàli gọi là Bhavanga hay "hữu phần".
Chính dòng tiến sinh này dẫn chúng ta đi hết kiếp sống này đến kiếp sống khác
trong vòng sinh tử luân hồi.
"Lục nhập duyên xúc": Tùy thuộc vào 6 căn, ta có Xúc (phassa). Xúc là sự va
chạm hay tiếp xúc giữa một đối tượng giác quan bên ngoài với bề mặt của bộ máy
cảm giác tương xứng, hay giữa căn và cảnh (trần). Tùy thuộc nơi năm cửa giác
quan (ngũ môn) và ý căn (ý môn), ta có Xúc. Chẳng hạn, khi một cảnh sắc
và phần nhạy cảm của con mắt (tức nhãn căn) nằm trong một khoảng cách thích hợp
và có ánh sáng thích hợp, lúc đó, sự tiếp xúc giữa căn và cảnh khởi sinh, hình
sắc đó tiếp chạm với phần nhạy cảm của con mắt. Tương tự như vậy với âm thanh
và nhĩ căn, v.v.
"Xúc duyên thọ": Vì có xúc nên ta có cảm giác, như vậy, Thọ (vedanà) phát sinh.
Khi có sự tiếp chạm với một đối tượng qua căn, ta có cảm thọ. Nếu sự
tiếp xúc là mềm mại, ta có thể cảm nghe một cảm giác dễ chịu; nếu sự tiếp xúc
là thô nhám, ta cảm thấy một cảm giác khó chịu; hoặc đôi khi, ta có một cảm thọ
trung tính, không khổ không lạc, v.v.
"Thọ duyên ái": Vì có thọ mà Ái (tanhà) khởi sinh, không có thọ thì tham ái
không sinh khởi. Khi có cảm thọ dễ chịu - qua thấy, nghe, ngữi, nếm, v.v., tham
ái, thích thú sinh khởi. Còn đối với các cảm thọ khó chịu thì sao? Trong bộ
luận Thanh Tịnh Ðạo, có giải thích: "Một bệnh nhân đang có một cơn đau
kinh khủng, có một cảm thọ khó chịu. Lúc đó,
tham vẫn khởi lên, bởi vì người ấy có một ước muốn thoát ra khỏi cơn đau
đó, muốn thoát ra khỏi cái cảm thọ khó chịu đó. Như vậy tham khởi lên bằng hai
cách: theo cảm thọ dễ chịu và theo cảm thọ khó chịu".
"Ái duyên thủ": Một khi ái đã sinh thì Chấp Thủ (upàdàna) liền theo sau.
Sự khác biệt giữa Ái và Thủ rất rõ ràng: Ái là tham muốn nhẹ nhàng, trong khi
Thủ lại là ăn rễ thâm sâu, buộc chặt chúng ta vào một cái gì đó. Tham tự nó thì
không dính mắc, không tiến đến trạng thái chấp thủ, nó chỉ là sự ước muốn hay
mong muốn bình thường. Tuy nhiên, với một phàm nhân không giác niệm, tham ái
liền dẫn theo lòng chấp thủ.
"Thủ duyên hữu": Vì có chấp thủ, nên tạo duyên để tạo hiện hữu. Hữu (bhava)
nghĩa là ta đang khởi sự trở thành, thu thập nghiệp lực mới cho đời sống tương
lai. Hữu có hai mặt: nghiệp hữu (kamma-bhava) là hành động tích lũy của
quả dị thục, và sinh hữu (upapatti-bhava) là quả dị thục hướng đến tái
sinh. Nói một cách khác, do duyên Ái và Thủ, chúng ta hành động tạo nghiệp, bây
giờ là những hành động hiện tại (là nghiệp hữu), và đồng thời, chúng ta đang
chuẩn bị cho cuộc tái sinh trong tương lai (là sinh hữu).
"Hữu duyên sinh": Do bởi những hành động hay nghiệp hiện tại, chúng ta đang chuẩn bị cho
lần tái sinh sắp tới, đó là tái sinh hay Sinh (jàti), mang ý nghĩa của
sự khởi đầu của kiếp sống tương lai.
"Sinh duyên già chết": Do tái sinh trong thế gian nên ắt sẽ đưa đến Già Chết (jarà-marana).
Jarà là tuổi già, già một cách dần dần, và rồi, Marana là chết.
Tất cả mọi hiện tượng xảy ra như một hệ quả tất nhiên. Chúng ta đã sinh ra nên
phải chịu buồn rầu, bi, khổ, ưu, não, tuyệt vọng, v.v. vì chúng sẽ hiện khởi
như kết quả của việc sinh.
*
Chúng ta thấy ở đây có cả thảy 12 chi phần, thường
được phân thành 3 thời: quá khứ, hiện tại, và vị lai. Hai chi Vô Minh và Hành
thuộc về quá khứ; năm chi: Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ thuộc hiện tại,
xem như là quả dị thục của quá khứ. Ái, Thủ, Hữu cũng thuộc hiện tại và làm
nhân cho tương lai. Sinh và Già chết thuộc về tương lai, kết quả của những nhân
đã gieo trong hiện tại. Từ Sinh đến Già chết, chỉ có hai chi được đề cập
ở thời tương lai; tuy nhiên, chúng bao hàm cả năm chi phần trong nhóm quả dị
thục hiện tại - từ Thức đến Thọ. Sự kết hợp của năm chi phần này tạo ra cái gọi
là đàn ông hay đàn bà, và chính năm chi phần này là cái được sinh ra, già chết
và rồi lại tái sinh, cứ tiếp tục mãi mãi không ngừng, do những hành nghiệp từ
quá khứ cũng như trong hiện tại.
Trong quyển sách "Cây Giác Ngộ" (The Tree
of Enlightenment), Giáo sư Peter Santina phân chia 12 chi phần thành 3 nhóm: 1)
nhóm tai ách (ô trược): vô minh, ái và thủ; 2) nhóm hành động (nghiệp): hành và
hữu; và 3) nhóm khổ đau: thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, sinh, và già chết.
Trong nhóm thứ nhất, vô minh là căn bản. Do vô minh
mà chúng ta tham đắm vào các dục lạc giác quan, vào hưởng thụ, vào những ý
tưởng sai lầm, nhất là ý tưởng về cái ta độc lập và thường còn. Do vậy, vô
minh, ái và thủ là nguyên nhân của nghiệp (hành động).
Nhóm thứ hai là nghiệp (hành động), gồm có hành và
hữu. Hành bao hàm những dấu ấn, hay thói quen hình thành trong dòng tâm thức,
hay sự tiếp diễn không ngừng của thức. Những dấu ấn ấy được tạo thành bởi những
hành động lập đi lập lại từ nhiều kiếp trước, trở thành thói quen. Những thói
quen đó dẫn dắt nhiều hành động của ta trong hiện tại. Ngoài ra, còn có những
hành động tạo tác trong kiếp sống này, và được gọi là hữu. Những thói quen vốn
phát triển từ nhiều kiếp trước cùng với những hành động tạo tác trong kiếp này
dẫn đến tái sinh với thân ngũ uẩn, rồi già chết, khổ đau, v.v. Đó là nhóm thứ
ba.
Khi hiểu được sự vận hành của lý Duyên khởi, ta có
thể phá vỡ vòng luân hồi sinh tử đó, bằng cách gột bỏ những bất tịnh của tâm -
là vô minh, ái và thủ. Một khi các bất tịnh này bị loại bỏ, sẽ không còn hành
nghiệp, và nguồn thói quen cũng không sanh khởi. Khi những hành nghiệp ngưng
thì tái sinh và khổ đau cũng ngưng.
*
Trong Trường Bộ, kinh số 15, Ðức Phật có dạy ngài
Ananda rằng: "Nầy Ananda, giáo pháp Duyên Khởi rất thâm sâu, thật sự
thâm sâu. Chính vì không thông hiểu giáo pháp này mà thế gian giống như một
cuộn chỉ rối ren, một tổ chim, một bụi rậm lau lách, và không thể thoát khỏi
các đọa xứ, cõi dữ, phải chịu khổ đau trong vòng luân hồi sinh tử."
Trong một đoạn kinh khác, thuộc Trung Bộ 28, Ngài dạy rằng: "Ai hiểu
được lý Duyên khởi, người ấy hiểu Pháp; và ai hiểu được Pháp, người ấy hiểu lý
Duyên khởi".
Cho nên, giáo lý Duyên khởi là một giáo lý tinh
yếu, thâm sâu, quan trọng, không phải dễ dàng thực chứng và thông hiểu. Là một
phàm nhân cư sĩ còn đang tu học, ở đây, chúng tôi chỉ có thể trình bày tóm tắt
sơ lược theo kiến giải thô thiển của mình.
Bình
Anson,
Perth, Tây Úc