"Học Phật lúc nào cũng trễ"
Đó là câu nói khá ấn tượng của một em gái bị nhiễm
HIV và đang điều trị tại TTCBCN Phú Văn (tỉnh Bình Phước). Em gái nhỏ
nhắn hát rất hay này đã từng nghiện ma túy và bị bắt. Những ngày ở
TTCBCN, em nói rằng mình đã may mắn khi được gặp quý Sư cô chùa Châu An
(Q.Gò Vấp). Quý Sư cô đã đem đến những điều tốt lành nhất từ lời Phật
dạy. Dù những lời Phật dạy em học được thật sự chưa hiểu nhiều, nhưng ít
nhất em cũng thuộc 14 điều Phật dạy. 5 năm sống bạt mạng ngoài giang
hồ, em chưa từng nghe lời ai ngay cả mẹ mình, nhưng bây giờ em thấy có
lỗi nhiều và biết là cần phải đứng dậy để đi tiếp, dù muộn. "Em nghĩ học
Phật bao giờ cũng trễ, nó giúp em nhận ra chính mình và phải cố gắng
nhiều", em nói.
Học viên tập thiền tại Tĩnh Tâm đường TTCBCN Phú
Nghĩa
Khi đem Phật pháp vào những TTCBCN, chư
tôn đức Tăng Ni PG quận Gò Vấp cũng mong rằng đó sẽ là những giây phút
chia sẻ và cảm thông thật sự. Thế nhưng, có những thanh niên nhờ những
phút giây học những lời Phật dạy trong thời gian rất ngắn mà đã tự mình
phấn đấu và tìm thấy niềm an lạc. Gần 2.500 bạn trẻ chữa trị ở 6 TTCBCN
tỉnh Bình Phước trực thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM:
Bình Đức, Phú Văn, Đức Hạnh, Phú Đức, Phú Nghĩa và Bệnh viện Nhân Ái, đa
số họ là những người trẻ bị lầm đường, lạc lối và được gom lại để học
tập.
Thế giới nhỏ của những kỷ luật lắm lúc làm cho các
học viên thật sự bức bối, nên mỗi học viên cần phải vượt qua và cố gắng
nhiều. Khi tiếp cận và sinh hoạt với những vị thầy áo lam qua nhiều giờ
trò chuyện, văn nghệ, thi Phật pháp… họ trở thành con người khác, nhiệt
tình, linh hoạt và đầy sức sống của tuổi trẻ. Có hòa mình cùng với họ
qua những buổi văn nghệ, thi học Phật pháp tại các TTCBCN mới thấy hết
sự nhiệt huyết của học viên. Tranh nhau phát biểu về những cảm nhận của
riêng mình qua 14 điều dạy của Đức Phật, từng lời từng chữ như thấm vào
bên trong những con người chưa một lần biết Phật. "Sai lầm lớn nhất của
đời người là đánh mất mình".
’’Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất
hiếu" là những câu chữ tâm đắc nhất được nhiều học viên tự chọn để cảm
nhận và áp dụng. Có học viên nước mắt lăn dài trên má vì khi đọc những
lời này là nhớ đến người mẹ vất vả của mình, người mà khi gần chẳng ai
biết nghe lời. Những giây phút đó đối với nhiều học viên là giây phút
thật sự xúc động, mình đã trở về, đã được cảm thông và chia sẻ.
Từng đợt người về, người đến, trong số đông các bạn
trẻ đó có những người đã vĩnh viễn nằm lại ở 3 nghĩa trang dành riêng
tại Bình Phước vì căn bệnh AIDS. Những ngày cuối đời đau đớn ở Bệnh viện
Nhân Ái, lời Phật dạy và những lời chia sẻ của quý thầy cô trở thành
"phao cứu sinh" cho những bạn trẻ đang bơi trên biển nước vô vọng.
Ở Bệnh viện Nhân Ái, một buổi chiều muộn, có những
người còn rất trẻ trở về bên Đức Quán Thế Âm nương tựa, nhờ sự chở che.
Họ hướng về tượng Bồ tát Quán Thế Âm với những dòng nước mắt lăn dài.
Những nghi thức cầu siêu đơn giản cho các học viên nằm lại ở các nghĩa
trang trong những đợt đoàn viếng thăm có một ý nghĩa đặc biệt cho những
người ở lại và đã ra đi.
Nỗ lực vì cộng đồng
Đến với các học viên cai nghiện từ những ngày đầu
TP.HCM bắt đầu "phong trào 3 giảm", từ đó đến nay đã qua 10 năm. Sự
thương cảm và muốn chia sẻ với những sai lầm của tuổi trẻ mà chư Tăng Ni
PG quận Gò Vấp không quản khó nhọc để tận tâm tận lực. Mỗi tháng một
lần, có khi hai tháng, dù giới hạn thời gian nhưng những trại viên ở đây
luôn dành một tình cảm đặc biệt với đoàn.
Lớp cắt may do BĐDPG Q.Gò Vấp tài trợ
Những giờ thi học Phật pháp và sinh hoạt văn nghệ của
đoàn PG đã trở thành những ngày hội thật sự đối với học viên. Và, sau
mỗi giờ chia tay bao giờ cũng là những giây phút thật cảm động, các học
viên viết thư tay gởi về gia đình. Có học viên còn cho số điện thoại của
gia đình nhờ đoàn gọi cho cha mẹ và nhắn gởi những lời hối lỗi, yêu
thương. Ni sư Lệ Phát, trụ trì chùa Châu An cho biết, chính vì những
buổi giao lưu trao gởi thân tình đó mà đoàn không thể nào không đến nơi
này.
Trong nỗ lực cùng chung tay với xã hội giúp các bạn
trẻ hòa nhập cộng đồng, ngoài trao gởi tình thương, chia sẻ và đồng cảm
với các em, đoàn còn giúp nhiều cơ sở vật chất để các em trực tiếp tham
gia học tập nâng cao thể chất, học nghề và sản xuất. Đoàn đã tặng mỗi
trung tâm một chiếc máy cày, hỗ trợ hàng trăm chiếc máy may và tìm công
ty để liên kết sản xuất, giúp nuôi trồng nấm...
Công trình có ý nghĩa tâm linh nhất, đó là hai Tĩnh
Tâm đường được chùa Châu An xây dựng tại TTCBCN Phú Văn dành cho khoảng
300 học viên và TTCBCN Bình Đức dành cho khoảng 1.000 học viên. Tọa
thiền là một "việc khá phức tạp" đối với những người trẻ này, thế nhưng
đã có những buổi sáng hai Tĩnh Tâm đường chật hết chỗ ngồi, những người
trẻ lắng lòng qua từng nhịp thở. Nhìn cảnh tượng này, Ni sư Lệ Phát thật
sự xúc động và nhận thấy bao nỗ lực của chư Tăng Ni và Phật tử đã không
hoài công như một số người nghi ngại. "Bước đầu giúp các bạn trẻ tĩnh
tâm nhìn lại mình thì đã là một bước đến gần hơn với học viên và làm một
người bạn. Chúng tôi đến bằng trái tim đồng cảm và đã tìm thấy sự tin
cậy từ nhiều trái tim". NS Lệ Phát nói.
Những chuyến thăm, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm
sống, ứng xử, những lời dạy của Đức Phật thiết thực trong cuộc sống… đã
giúp học viên đối diện và vượt qua những khó khăn trong điều trị, chữa
bệnh. Và, đó cũng là hành trang chuẩn bị trở về với cuộc sống mới, đủ
nghị lực để vượt lên những kỳ thị, hòa nhập cộng đồng.
Nhiều Phật tử tham gia những chuyến đi cho rằng khi đã dấn thân bằng
sự chia sẻ, những khó khăn với các học viên là chính mình đã có thêm
những người bạn. Chính mình học thêm những bài học sinh động từ lời Phật
dạy và chính từ các em. Những đổ vỡ gia đình và sự ruồng rẫy của một xã
hội bất an đã làm nên con người nổi loạn, bất cần và sai lầm hôm nay…
Chính những lý do đó mà người lớn cần phải nhìn lại, xã hội cần cảm
thông và dang tay chào đón các bạn trở lại một cách nguyên vẹn.