Phật Học Online

Mai Vàng Mấy Độ
Như Nguyệt

Mai vàng sắp nở báo hiệu ngày xuân sắp đến, rồi từng cánh mai vàng rơi cũng là dấu hiệu ngày xuân sắp tàn, con người cũng chịu sự thay đổi trong từng sát na sinh diệt như những đóa hoa nở hay những cánh hoa rơi. Nhưng có mấy ai thức tĩnh biết mình đang chìm trong cơn mộng, mãi cứ đắm say với những lạc thú của thế gian, người ta cho rằng một hiện tượng không còn hiện hữu là kết thúc. Nhưng không, một sự vật kết thúc không phải là hết mà là một nhân tố để hình thành cái mới với một hình thức khác theo nhân đã tích tụ. Những thành quả của năm cũ là nguyên nhân dẫn đến một kết quả khác trong năm kế tiếp. Thế nên chu kỳ một năm được kết thúc bằng một sự vui mừng, nhộn nhịp...để hy vọng, mong mõi những thành quả kế tiếp sẽ được tốt đẹp hơn, vì vậy tập quán người Á Châu trong những ngày tết (ngày bắt đầu một năm mới) kiêng nói những lời không hay đẹp, mà phải chúc tụng lẫn nhau bất kể hiện thực ra sao.

Tập quán này được xuất hiện rất sớm trong dân gian chúng ta, đã là tập quán thì xấu tốt đều có. Không ít người quan niệm rằng: "Năm mới làm điều gì thì suốt năm ấy phải chịu như vậy", nên những ngày tết nhất phải nói lời tốt đẹp, làm việc có lợi thì suốt năm mới được như vậy. Khi tôi nghe ông bà căn dặn những trẻ nhỏ như vậy, tôi tự hỏi: Nếu những ngày tết không làm gì cả mà vẫn có ăn thì ngày thường không làm cũng được sung túc như vậy không? Người ta đâu biết rằng những vật chất hưởng thụ trong ba ngày tết là một sự dành dụm của một năm gian khổ làm việc. Thuở còn làm điệu tôi nghĩ nếu những ngày này lỡ có lầm lỗi gì cũng không bị đòn nữa, nhưng mà đâu được như vậy, thầy tôi cũng theo tập quán dân gian đó, kiêng cử những ngày tết không la rầy các điệu trong chùa nên lợi dụng những ngày đó các điệu chứng tôi tha hồ mà chơi giỡn, nhưng đâu ngờ rằng thầy chúng tôi sắp lớp để đó, sau ba ngày tết thầy tôi mang ra một lá sớ táo quân kể tội rành mạch từng đứa và mỗi điệu phải lãnh từng bản án khác nhau: quỳ nhang, nhổ cỏ...Lớn lên tôi mới hiểu đó chỉ là một phong tục của người Trung Quốc, của người thế tục nhưng người xuất gia lại là những người chịu ảnh hưởng nhiều hơn, vì cảnh chùa trong những ngày tết là nơi để người phật tử chiêm bái, cầu phúc...Thậm chí phật tử đến chùa còn được quý thầy cô cầu chúc, những lời chúc mừng đó nghe rất là đạo vị như: "Hưởng mùa xuân Di Lạc", "Bồ đề tâm kiên cố"...,nhưng ngặc nỗi người được cầu chúc cũng không hiểu đức Di Lạc là ai, bồ đề là gì nhỉ??? Có người mường tượng ngài Di Lạc là một ông bụng to lúc nào cũng vui vẻ. Thực ra lời cầu chúc đó không phải là không tốt đẹp, nhưng có lẽ đẹp hơn là vào ngày Vía đức Di Lạc chúng ta nên dạy cho phật tử biết về lược sử của một vị Bồ Tát Di Lạc thì có ý nghĩa hơn là những lời chúc thông thường mang tính truyền thống mà người đời thích nghe.

Thực sự ngài Di Lạc là một vị Bồ Tát sinh đồng thời với đức Phật Thích Ca, được phật Thích Ca thọ ký sẽ thành phật trong tương lai, hiện tại Ngài đang là một vị Bồ Tát giáo hóa chúng sinh tại cõi trời Đâu Suất, với tâm từ bi và hỷ lạc vô lượng vô biên đối với chúng sinh nên trong vô lượng kiếp về sau, ở kiếp Thành là kiếp mà tuổi thọ con người đến 84.000 tuổi, thì Ngài được bổ nhiệm giáng sinh tại cõi Diêm Phù Đề (Trung Ấn) để giáo hóa chúng sinh, vì chư Phật xuất thế đều giáng sinh tại một quốc độ trung tâm, không giáng sinh những nơi biên giới, Trung Ấn là vùng trung tâm của vũ trụ. Phật tử chúng ta ai cũng mong rằng được sinh trong thời Bồ Tát Di Lạc xuất thế, được trực tiếp nghe Ngài thuyết giảng, chỉ có mong mõi mà không thực hành thì làm

sao gặp được Ngài, được dự trong pháp hội của Ngài.

Mỗi gia đình, mọi chùa, mọi nơi...vào ngày tết truyền thống chúng ta, giàu nghèo, ít nhiều đều mua hoa dâng cúng Phật, tổ tiên hoặc chưng bày cho đẹp nhà cửa không khí vui tươi trong những ngày xuân. Rồi những cánh hoa ấy cũng theo một quy luật sinh – trụ – dị – diệt của vạn vật, lần lượt rơi rụng vào những ngày xuân trong mọi gia đình chúng ta, phật tử chúng ta nên nhận chân được thực tướng của nó, của mọi pháp là duyên khởi pháp, nhân duyên hội đủ thì hình thành, thiếu nhân thiếu duyên thì tan rả thì chúng ta đâu phải đau buồn khi mọi chuyện đến và đi, chúng ta không phải buồn nhớ cha mẹ, thầy tổ, bạn bè, quê hương...nhất là những người sống nơi đất khách phải xa nhà, xa chùa, xa tất cả những người thân...khi xuân về mà không thấy được hương vị quê hương, nhất là thiếu cành mai vàng mang nét đặc thù của xứ sở Việt Nam.

Mỗi độ mai vàng nở là biểu hiện một khoảng thời gian dài lại qua đi, phật tử chúng ta nên kiểm chứng lại chính mình đã trưởng thành những gì trong đời sống chánh pháp, khi chuỗi thời gian đã không ngừng biến đổi trên xác thân tứ đại này. Chúng ta đừng để thời gian đi qua một cách vô ích khi tuổi đời chồng chất mà đường trước mênh mông không biết phải đi về đâu, mấy độ mai vàng nở mà ta vẫn chưa trở về đến nơi.

Mùa xuân hoa nở

Mai cúc vàng tươi

Hương tỏa khắp nơi

Ong bướm thảnh thơi

Tranh nhau hút mật

Ngày xuân đi qua

Từng cánh hoa rơi

Trơ trọi cành lá

        ***

Bốn mùa đổi thay

Lại một cành mai

Báo hiệu xuân về

Lòng ta não nề

Đường về còn xa

Ngày qua!!!

Rồi lại ngày qua

Nguyệt San Liên Hoa Số 301 Tháng 1 năm 2003

http://www.thuvienhoasen.org

 


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage