Phật Học Online

Suy nhược thần kinh
Nguyễn Xuân Hoà

Trong xã hội hiện đại, suy nhược thần kinh (SNTK) là căn bệnh khá phổ biến. Tuỳ theo từng mức độ nặng nhẹ, bệnh có thể tự khỏi hoặc trầm trọng thêm


Ở một số người, SNTK gây nhiều phiền toái, lo nghĩ và người bệnh có thể bị cuốn vào vòng xoắn bệnh lý đáng lo ngại. Tuy nhiên, não không hề xảy ra thay đổi bệnh lý mà bệnh là do thiếu cân bằng chức năng sinh lý của hệ thống thần kinh trong trạng thái quá căng thẳng. Đặc trưng chủ yếu của bệnh là tinh thần dễ hưng phấn nhưng cũng dễ mệt mỏi, cơ thể hay khó chịu nhưng đi kiểm tra sức khoẻ lại không thấy bệnh tật gì. Người bệnh hay đau đầu, trí nhớ giảm sút, ăn không ngon, hiệu quả học tập, làm việc giảm sút, ngủ nhiều mộng mị, ban ngày buồn ngủ nhưng đêm lại khó ngủ…gây tâm lý hoang mang.

 

Những nguyên nhân chính

 Nguyên nhân bên trong, do những nhược điểm tính cách và tố chất tâm lý của con người. Những người thể chất hơi yếu, tính cách yếu đuối tự ti, tâm lý hay căng thẳng, người hướng nội đa sầu đa cảm…khả năng chống chịu với những áp lực tinh thần không tốt dễ bị SNTK.

 Nguyên nhân bên ngoài, do những kích thích tinh thần mạnh và liên tục trong cuộc sống, như chuyện buồn trong gia đình, trắc trở trong tình yêu, thất bại trong sự nghiệp, căng thẳng với đồng nghiệp hay hàng xóm, chịu áp lực quá nặng nề trong công việc hay thi cử, bị hiểu nhầm tai hại, ân hận, dằn vặt quá mức...Mặt khác, quá lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá hoặc một số loại tân dược cũng có thể gây ra SNTK. Lao động trí óc quá sức và kéo dài, mất ngủ, mất cân bằng giữa hưng phấn và ức chế của vỏ não sẽ dẫn tới bệnh này.

 

Một số triệu chứng

Não lực không đủ, khó tập trung chú ý, trí nhớ giảm, hay rơi vào tình trạng buộc  phải suy nghĩ khó dứt ra được.

Chức năng thần kinh thực vật bị rối loạn, tim đập nhanh, bụng trướng, tự ra mồ hôi, thở gấp, chức năng tình dục bị ảnh hưởng…làm một số người nhầm tưởng là mắc bệnh  nghiêm trọng.

 Nhạy cảm với những kích thích bên trong và bên ngoài. Ví dụ, trước khi ngủ cứ nhớ lại mọi chuyện đã qua, suy nghĩ miên man, hay suy diễn, quá nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn xung quanh. Người bệnh mẫn cảm với những thay đổi của các bộ phận bên trong cơ thể. Ví dụ, cảm thấy dạ dày co bóp, mạch máu giãn, ngứa trong bụng, đau xương… Càng chú ý đến một bộ phận nào đó , một triệu chứng nào đó thì sự đau đớn và không bình thường càng rõ rệt. Người bệnh thường cho rằng đã mắc nhiều căn bệnh nan y, kể rất nhiều triệu chứng với thầy thuốc, sợ thầy thuốc không tin vào mình.

 Phòng bệnh 

 Hoàn toàn có thể phòng bệnh SNTK ,bệnh chủ yếu do yếu tố tinh thần gây ra nên cần sự điều chỉnh tâm lý, giảm các nhân tố có hại tác động đến con người.

 Nên duy trì tâm lý vui vẻ, coi vui vẻ là trạng thái thường trực của tinh thần, điều này rất có lợi trong việc điều hoà chức năng, duy trì cân bằng môi trường bên trong cơ thể. Cần có không khí gia đình đầm ấm, xây dựng mối quan hệ bạn bè tốt đẹp. Trong cuộc sống cần vị tha, bồi dưỡng tâm thiện, có nếp sống lành mạnh, rèn luyện tinh thần điềm tĩnh có thể ứng phó với những tác động bên ngoài. Tránh cô độc, bảo thủ cố chấp, tăng giao tiếp, nên nhìn cuộc sống bằng con mắt lạc quan, yêu đời. Những người luôn vui vẻ, hài hước, nụ cười luôn nở trên môi khó có thể mắc SNTK.

 Kết hợp lao động và nghỉ ngơi một cách khoa học. Khi làm việc thì tập trung để đạt hiệu suất cao, giờ nghỉ cơ thể phải được thư giãn. Có những người lao động trí óc xong lại lao vào chơi cờ, đánh bài thâu đêm suốt sáng. Một số trẻ em tiểu học   đã nghiện chơi game với thời gian quá mức cho phép rất có hại cho mắt và thần kinh. Nên xen kẽ lao động trí óc với chân tay. Ngoài thời gian nghỉ dài, trong công việc nên có giải lao ngắn 5- 10 phút . Một số trường học vẫn duy trì được thể dục giữa giờ rất tốt cho học sinh.

 Muốn hệ thần kinh hoạt động tốt thì cơ thể phải được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và an toàn. Một cơ thể suy dinh dưỡng không thể có hệ thần kinh tốt. Hấp thu đầy đủ protein, chất béo, can xi có lợi cho giấc ngủ. Ăn uống cần đúng giờ, thực phẩm nên thay đổi cho đa dạng. Một số phụ nữ trẻ và người cao tuổi ăn ít hoặc  kiêng khem quá mức dễ dẫn đến thiếu chất cũng làm suy yếu hệ thần kinh. Uống một cốc sữa ấm trước khi đi ngủ giúp ngủ ngon hơn. Nên  bổ sung các vitamin A, C, E, B1, B6, B12  từ thực phẩm và thuốc bổ.

 Nếu mắc các căn bệnh khác cần điều trị kịp thời, tích cực và dứt điểm để tránh việc lo lắng, căng thẳng không cần thiết. Các chứng đau đớn, ho, bệnh ngoài da, tiêu hoá… dễ gây mất ngủ.

Vận động vừa sức là điều hết sức cần thiết có thể nâng cao thể trạng, phòng bệnh hữu hiệu. Khi các cơ bắp được vận động là lúc các tế bào thần kinh được thư giãn, não tiết ra một loại moocphin giúp giấc ngủ ngon hơn. Người bình thường nên

dành 30- 45 phút mỗi ngày cho tập luyện,  vào bình  minh hay hoàng hôn đều tốt.

 

  Liệu pháp ẩm thực

Một số thức ăn và vị thuốc bổ dưỡng, phòng chống SNTK dễ kiếm:

Trứng gà (công nghiệp) tính bình, bùi, có tác dụng dưỡng huyết an thần, thích hợp với người âm huyết không đủ dẫn đến mất ngủ, hay quên, phiền muộn.

Sữa bổ khí, giải nhiệt, giải độc, chứa axit amin tốt cho não.

Quả dâu có tác dụng bổ can huyết, điều trị thiếu máu, ra mồ hôi trộm. Sách Bản thảo cương mục viết: Dâu có tác dụng an hồn, trấn thần.

Hạt sen có công dụng dưỡng tâm, bổ tỳ, ích thận cố tinh, hạ huyết áp.

Quả vải và quả nhãn vị ngọt, tính ấm, giúp dưỡng tâm, giải độc, chữa tân dịch hao tổn.

Có thể dùng thêm một số loại trà thảo dược theo kinh nghiệm dân gian từ lạc tiên, lá vông, lá dâu non, tâm sen… giúp an thần tránh uống nước trà đặc sau 4h chiều . Không nên ăn quá no vào buổi tối dễ dẫn đến tì vị bất hoà gây khó ngủ.

 

Nguyễn Xuân Hoà

 (sưu tầm)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage