Phật Học Online

Savatthi (Xá Vệ) & tịnh xá Jetavana (Kỳ Viên)

Savatthi là kinh đô của nước Kosala (Kiều-tát-la), một trong sáu thành phố lớn và sầm uất bậc nhất vào thời Đức Phật

Nơi được xác định là hương thất của Đức Phật tại tịnh xá Kỳ Viên.
Savatthi là kinh đô của nước Kosala (Kiều-tát-la), một trong sáu thành phố lớn và sầm uất bậc nhất vào thời Đức Phật

Từ giã Sarnath, chúng tôi lên đường đi Savatthi (Sravasti, Shravasti). Năm giờ sáng, anh tài xế đã đánh xe đến chờ sẵn trước cổng chùa, đúng giờ chúng tôi yêu cầu chiều hôm trước. Người Ấn vốn rất ít chính xác giờ giấc. Họ vẫn thích xài giờ “dây thun” như kiểu ở Việt Nam. Người Ấn và người Việt có những nhược điểm mà tôi thấy khá giống nhau, đó là thói quen xả rác, trễ giờ, ít giữ lời hứa, và quan liêu…

Đường đi Savatthi không lớn, nhưng tương đối tốt; vừa mới qua mùa mưa nên cây cối rất xanh tươi. Hai bên đường không có nhiều nhà cửa mà hầu hết là ruộng đồng - những cánh đồng bát ngát. Nếu chỉ nhìn những cánh đồng vào mùa này và đừng đi qua những khu dân cư, ta khó nghĩ là người nông dân của Ấn nghèo khó. Vào thời điểm chúng tôi đang đi chiêm bái này, người nông dân Ấn đang khởi lên phong trào biểu tình đòi phân chia lại quyền sở hữu ruộng đất. Sự phát triển kinh tế của Ấn đã khiến cho khoảng cách giàu nghèo tăng lên một cách đáng ngại. Người nông dân mặc dù không bị chính phủ bỏ rơi, nhưng trong đời sống thực tế họ đang bị bỏ lùi lại phía sau. Chính phủ Ấn thực sự rất khó giải quyết vấn nạn này, bởi do số lượng dân nghèo quá lớn, sự gia tăng dân số không kìm hãm được ở nông thôn, cộng thêm ý thức hệ đẳng cấp vốn tồn tại hàng ngàn năm vẫn chưa tẩy trừ được…

Chúng tôi đến Savatthi vào buổi trưa, nghỉ lại ở một ngôi chùa Thái Lan do một cư sĩ quản lý. Trong chùa có một vài sư đang trú để đi học, hầu hết là người Cam-pu-chia. Các sư đang học tin học và cổ ngữ ở những ngôi trường trong vùng. Cam-pu-chia là một nước theo Phật giáo Theravāda và hầu hết dân chúng đều là Phật tử. Nhưng không được như các nước theo Phật giáo Theravāda khác như Thái Lan, Sri Lanka, Miến Điện,… Cam-pu-chia có rất ít chùa ở các Phật tích và họ cũng không có ngôi chùa nào ở Savatthi. Và Việt Nam, vào thời điểm tôi chiêm bái, vẫn chưa thấy có ngôi chùa nào hiện diện ở địa danh này.

Sơ lược lịch sử

Savatthi là kinh đô của nước Kosala (Kiều-tát-la), một trong sáu thành phố lớn và sầm uất bậc nhất vào thời Đức Phật. Kinh thành này ngày nay thuộc quận Gonda, bang Uttar Pradesh. Tên gọi của kinh thành này có nhiều cách giải thích khác nhau, nhưng theo truyền thống Phật giáo thì do vị hiền nhân Savattha sống ở đây nên nó được gọi là Savatthi. Vào thời Đức Phật, Savatthi nằm bên bờ con sông Aciravati mà ngày nay được gọi là sông Rapti, và vị vua trị vì kinh thành này là Pasenadi (Ba-tư-nặc), cũng là một vị đệ tử thuần thành của Đức Phật. Buddhaghosa (Phật Âm) nói rằng, vào thuở đó, nơi đây có 57 ngàn gia đình sinh sống. Bấy giờ có hai tịnh xá nổi tiếng ở Savatthi là Jetavana (Kỳ Viên) và Pubbarama. Ngoài ra còn có một ngôi tịnh xá khác có tên gọi là Rajakarama, do vua Pasenadi xây. Không xa kinh thành có một khu rừng rậm có tên gọi là Andhavana, và các Tỳ-kheo thường đến tu tập ở đó. Bên ngoài kinh thành có một ngôi làng có năm trăm gia đình làm nghề ngư phủ…

Wooward thống kê và đưa ra số liệu rằng, trong kinh tạng Pāli, có 871 bài kinh được Đức Phật thuyết ở đây. Trong số này, 844 kinh được thuyết tại Kỳ Viên, 23 được thuyết tại Pubbarama, và 6 kinh được giảng bên ngoài kinh thành Savatthi. Các bộ luận giải nói rằng, Đức Phật đã trải qua 25 kỳ an cư mùa mưa ở Savatthi; và trong 25 kỳ an cư này, 19 ở Kỳ Viên và 6 ở Pubbarama - ngôi tịnh xá do nữ cư sĩ Visakha (Tỳ-xá-khư) xây dựng cúng dường cho Tăng đoàn. Savatthi như vậy là nơi Đức Phật đã lưu trú lâu nhất và cũng từng thuyết nhiều bài kinh nhất.

Sau thời Đức Phật, lịch sử của Savatthi không còn được rõ ràng mãi cho đến thời kỳ Ashoka vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch. Theo nhiều tài liệu, Ashoka đã từng viếng thăm tịnh xá Kỳ Viên khi ông thực hiện một cuộc hành hương đến tất cả các thánh tích liên quan đến Phật giáo, và ông cũng cho xây dựng ở nơi đây những trụ đá và đền tháp để đánh dấu thánh địa. Ngài Huyền Trang cho rằng, Ashoka đã dựng hai trụ đá hai bên cổng phía đông của tịnh xá. Nhà chiêm bái cũng nói thêm, Ashoka đã cho xây dựng một ngôi tháp để thờ xá-lợi của Đức Phật sát bên một giếng nước mà Đức Phật từng dùng nước ở đó. Savatthi trong thời đại của Ashoka nói chung rất thịnh vượng.

Suốt kỷ nguyên đầu Tây lịch, dưới triều đại Kushan, Phật giáo trở thành một tôn giáo phổ biến với sự ủng hộ của các vua chúa. Các chùa tháp ở Kỳ Viên đã được trùng tu lại. Trường phái Nhất thiết hữu bộ (Sarvastivada) được thực tập thịnh hành ở đây. Các chùa tháp mới được xây dựng thêm và nhiều tượng Phật cũng như Bồ-tát được khắc chạm. Hầu hết những bức tượng này ngày nay được tìm thấy. Một trong số các bức tượng được tìm thấy là bức tượng Bồ-tát ngồi, mà chữ khắc ở đó cho biết nó được hai anh em Kshatriya tạc cúng. Và một bức tượng khác là tượng Phật ngồi trên một tòa sư tử, do Sihadeva tạc cúng. Hình như tập tục tạc tượng và khắc tên người hiến cúng lên đó đã phổ biến vào thời bấy giờ.

Dưới triều đại Gupta (thế kỷ IV-VII), ở tịnh xá Kỳ Viên vẫn còn nhiều Tăng nhân tu học, mặc dù ở trong kinh thành các chùa tháp đều đổ nát và một vài trong số đó bị các ngôi đền của Bà-la-môn giáo lấn chiếm. Ngài Pháp Hiển đến đây vào đầu thế kỷ thứ năm có đề cập đến ngôi tháp Angulimala và tịnh xá Mahaprajapati ở trong kinh thành, và cho rằng các Bà-la-môn đã không thành công trong việc hủy hoại các chùa tháp này. Ngài cũng nhắc đến hai trụ đá do vua Ashoka dựng ở Kỳ Viên, và có một hương thất mà theo ngài là nơi Đức Phật đã lưu trú trong những kỳ an cư mùa mưa ở đây. Bên ngoài tịnh xá, nhà chiêm bái vẫn còn nhìn thấy ngôi tịnh xá Purvarama do nữ cư sĩ Vishakha xây, nhưng đã đổ nát.

Ngài Huyền Trang viếng Savatthi vào thế kỷ thứ VII, dưới triều vua Harsha, đã mô tả kinh thành là một vùng đất hoang vu, có một vài Tăng sĩ Phật giáo sống ở đó, nhưng hầu hết vẫn là ngoại đạo. Trong số những chùa tháp đổ nát mà ngài nhìn thấy là tháp Sudatta (tháp Cấp Cô Độc), tháp Angulimala và tịnh xá của Tỳ-kheo-ni Prajapita, tất cả như được Pháp Hiển ghi nhận trước đó. Trong vòng hai thế kỷ, khoảng thời gian giữa ngài Pháp Hiền và Huyền Trang đến đây, tịnh xá Kỳ Viên đã đổ nát quá nhiều, và không còn người nào sống trong các tịnh xá lúc ngài Huyền Trang chiêm bái nơi này.

Không lâu sau khi ngài Huyền Trang chiêm bái, Phật giáo đã hồi sinh trở lại ở vùng này. Một vài hình ảnh khắc chạm và những bức tượng Phật và Bồ-tát được tìm thấy ở đây thuộc về thế kỷ thứ VIII và thứ IX đã cho thấy điều đó. Lịch sử về Savatthi hoàn toàn không được biết đến từ sau thế kỷ XII. Tuy nhiên những dấu tích của người Hồi giáo lại được tìm thấy ở đây. Có một ngôi mộ mà các nhà sử học cho là của Miran, vị thủ lĩnh Hồi giáo đầu tiên cai trị vùng này. Và Savatthi được biết trở lại vào năm 1863, khi nhà khảo cổ học A. Cunningham đã tìm đến khai quật địa danh này.

Di tích ngày nay

Ngày nay một số di tích của kinh thành vẫn còn. Trong số này, có ba địa điểm đáng chú ý và có nhiều người viếng thăm nhất, đó là tịnh xá Kỳ Viên, tháp Trưởng giả Cấp Cô Độ và tháp thờ Trưởng lão Vô Não (Angulimala).

Tịnh xá Kỳ Viên là một trong nhưng ngôi tịnh xá nổi tiếng vào thời Đức Phật, được nhắc nhiều trong kinh sách. Lịch sử hình thành ngôi tịnh xá, gắn liền với vị trưởng giả đầy nhiệt tâm Cấp Cô Độc, đã trở thành một câu chuyện huyền thoại khiến nhiều người biết đến. Chuyện kể rằng khi trưởng giả tìm đất để cất tịnh xá, ông đã nhìn thấy một khu vườn có đất đai bằng phẳng cây cối tươi tốt, và khi hỏi thăm chủ nhân của khu vườn này thì ông biết nó thuộc quyền sở hữu của Thái tử Kỳ-đà (Jeta). Nhưng Thái tử Kỳ-đà vì không muốn bán khu vườn nên mới bảo với trưởng giả rằng nếu ông đem vàng lát kín khu vườn thì thái tử sẽ bán. Ngỡ rằng lời thách đố đó sẽ làm Trưởng giả Cấp Cô Độc bỏ đi dự định, nào ngờ ông đã đem vàng phủ kín khu vườn theo yêu cầu của thái tử và lấy khu vườn về. Điều ấy đã khiến cho thái tử vô cùng ngạc nhiên, và cũng chính sự nhiệt tâm của trưởng giả đã đưa thái tử đến với Đức Phật.

Ngày nay toàn cảnh tịnh xá là một khu vườn khá lớn có nhiều cây xanh. Trên nền vườn, ngoài những nền gạch còn lại, hầu hết được trồng cỏ và được cắt xén cẩn thận. Trên nền gạch đó, các nhà khảo cổ đã xác định đâu là vị trí hương thất của Đức Phật, đâu là thiền đường, chỗ ở của Tăng chúng... Và trên lối vào tịnh xá, có một cây bồ-đề được cho là do Tôn giả A-nan trồng. Câu chuyện Tôn giả A-nan trồng cây bồ-đề này được đề cập trong Pujavaliya, một tác phẩm cổ của Sri Lanka. Tài liệu này thuật lại rằng, Đức Phật mặc dù sống ở đây một thời gian khá dài, nhưng hầu hết Ngài chỉ ở đây vào 3 tháng mùa mưa, các tháng còn lại trong năm Ngài vân du giáo hóa nhiều nơi. Những đệ tử của Ngài ở Savatthi mong muốn Ngài lưu trú hẳn ở trong kinh thành, nhưng điều này là không thể, và vì thế họ thỉnh Ngài để lại một vật gì đó để họ tưởng niệm là Ngài đang hiện diện trong khi Ngài không có mặt ở kinh thành. Để đáp lại thỉnh nguyện của các Phật tử, Tôn giả A-nan, được sự cho phép của Đức Phật, đã cho trồng một cây bồ-đề được chiết nhánh từ cây bồ-đề tại Bồ Đề Đạo Tràng để cho các Phật tử chiêm ngưỡng những khi Thế Tôn vắng mặt. Tài liệu cũng thuật lại rằng, tôn giả Mục Kiền Liên là người mang nhánh cây đó về, và Trưởng giả Cấp Cô Độc chính là người trồng nhánh cây đó.

Cách tịnh xá Kỳ Viên không xa là tháp Pakki Kuti, một trong hai ngôi tháp lớn còn sót lại. A. Cunningham đã xác nhận rằng ngôi tháp này chính là tháp thờ Tôn giả Vô Não như được ngài Pháp Hiển và Huyền Trang đề cập trong ký sự của mình. Tuy vậy, Hoey đã viện dẫn chứng cớ và cho rằng đó là một Chánh pháp đường do vua Passenadi xây cúng dường cho Đức Phật. Nhưng với cách bố trí của nó, thì đây không có gì khác hơn ngoài một ngôi tháp. Niên đại xây dựng ngôi tháp này vẫn chưa được xác định. Tôn giả Angulimala là một người được nhắc đến khá nhiều trong kinh sách Phật giáo, một phần do bởi hoàn cảnh đặc biệt trước khi xuất gia của tôn giả, cũng như sự kiện tôn giả gặp Đức Phật và rồi trở thành một vị đệ tử của Ngài. Angulimala vốn là một tên tướng cướp khét tiếng thời bấy giờ. Cái tên Angulimala có nghĩa là “chiếc vòng những ngón tay”. Bởi vì khi còn là một tướng cướp, ông đã từng giết rất nhiều người và mỗi lần giết chết một người ông lấy một lóng xương tay xâu lại làm thành một chiếc vòng. Nhưng sau khi gặp Đức Phật, ông đã quy phục, xuất gia theo Ngài và chứng đắc Thánh quả A-la-hán.

Tháp Trưởng giả Cấp Cô Độc (tháp Kachchi Kuti) là một trong những công trình kiến trúc quan trọng nhất được khai quật tại Maheth. Di tích này được xác định là ngôi tháp Suddata như được ngài Pháp Hiển và ngài Huyền Trang nhắc đến. Di tích có một lối kiến trúc phức tạp, mang dấu ấn của nhiều thời kỳ, bắt đầu từ triều đại Kushan cho đến thế kỷ XII sau Tây lịch. Hai ngôi tháp Pakki Kuti và Kachchi Kuti cách nhau khoảng chừng vài chục mét, nằm bên một con đường nhỏ giữa một vùng đất khô cằn nghèo khó. Cả hai đều không được bảo quản tốt, không có hàng rào bao bọc nên trâu bò mặc sức vào gặm cỏ xung quanh.

Savatthi ngày nay vẫn là một vùng đất nghèo khó, bao gồm sáu ngôi làng trên một diện tích 2.019 hecta; và dân chúng ở đây hầu hết đều là nông dân và có thu nhập thấp. Điện ở đây luôn bị cắt. Vào thời điểm tôi chiêm bái nơi này, thời gian có điện trong ngày ít hơn thời gian bị cắt điện. Trong cảnh cúp điện vào buổi hoàng hôn, nhìn những bóng người đen đủi lấm lem bước đi uể oải lờ đờ trên những con đường đầy bụi bặm, những chú bò chú dê thẩn thờ ngơ ngác bên những căn nhà lụp xụp liêu xiêu, thấy thật não lòng.

Savatthi của hơn 2.500 năm được mô tả là rất thịnh vượng, sung túc, vậy nhưng 25 thế kỷ sau lại vô cùng nghèo khó. Vô thường! Nhưng người dân và chính quyền Savatthi vẫn chờ đợi, vẫn trông mong một ngày nào đó xứ sở của mình sẽ trở nên khấm khá, xán lạn hơn nhờ vào việc khai thác du lịch.

Cách đến Savatthi

Savatthi cách Kushinagar khoảng 247km, cách Kapilvastu khoảng 198km, cách Lumbini khoảng 165km, cách Sarnath khoảng 315 km, và cách Lucknow khoảng 176km. Savatthi ngay này là một địa danh nằm cách xa thành thị, và cũng khá xa các sân bay và ga tàu. Sân bay gần nhất là ở Lucknow (thủ phủ bang Uttar Pradesh), cách Savatthi khoảng 151km. Nhà ga gần nhất là ở Balrampur, cách Savatthi khoảng 19km. Như vậy nếu đi bằng máy bay, ta phải bay đến sân bay ở Lucknow và sau đó đi xe đến Savatthi. Cũng tương tự như vậy với việc đi tàu lửa, là sau khi đi đến ga Balrampur, ta sẽ đón xe đến Savatthi. Về đường bộ, Savatthi có các tuyến đường nối trực tiếp với những thành phố lớn của bang Uttar Pradesh như Lucknow và Varanasi.

Về thời điểm chiêm bái, cũng như việc chiêm bái những Phật tích khác, thích hợp nhất là từ tháng 10 đến tháng 3. Những tháng còn lại rơi vào mùa nắng nóng và mùa mưa nên sẽ rất bất tiện cho việc đi lại. Nhiệt độ mùa hè ở đây từ 30°C-43°C; và mùa đông từ 3°C - 25°C.

Nguyễn Đăng (NSGN).


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage