Phật Học Online

Bệnh người xuất gia

         Trog số các đệ tử đầu tiên của Đức Phật, Tôn giả Xá Lợi Phất (Sàriputta) là vị Tỷ-kheo được nhiều người kính trọng và thương quý, do Tôn giả có trí tuệ siêu việt, đặc biệt là do thái độ ân cần đối với các Tỷ-kheo trẻ(1). Tôn giả có công chăm nom dạy dỗ các Tỷ-kheo mới nhập đạo, được xem là“sanh mẫu” (janettì) của Tăng chúng lúc bấy giờ (2). Đã là mẹ (sanh mẫu) thì phải hết lòng chăm lo cho con cái của mình, không để chúng phải thiếu thốn đói khát, nhất là không để chúng rơi vào ốm đau bệnh tật.

        Người xuất gia chấp trì nếp sống tri túc nên không bận lòng nhiều về cái ăn cái mặc, chỉ quan ngại tình trạng ốm đau bệnh tật, nhất là tâm bệnh (cetoroga). Tôn giả Sàriputta rất am tường về thế giới nội tâm(3), có thể giúp chẩn mạch các loại tâm bệnh cho các Tỷ-kheo(4). Người xuất gia còn trẻ người non dạ thường hay mắc phải các chứng tật gì, Tôn giả là người biết rất rõ.

         Một hôm, giảng dạy cho các Tỷ-kheo tân học, Tôn giả nói đến một số tâm lý không chính đáng (pàpaka- icchana) đôi khi phát sinh ở người xuất gia, được xem như các mầm bệnh (roganidda) làm ô nhiễm tâm thức, đồng thời phát tán ra bên ngoài tạo nên các hệ quả không lành mạnh khiến ảnh hưởng đến môi trường chung quanh. Đó là bệnh không tàm quý, cố tình che giấu lỗi lầm; bệnh sợ bị chỉ trích trong trường hợp vi phạm giới luật; bệnh ưa nổi danh, thích ăn trên ngồi trước; bệnh muốn được mọi người biết đến, muốn được mọi người tôn trọng, muốn được mọi người cúng dường… Đó là các loại tâm bệnh, lưu xuất từ lối suy nghĩ không chính đáng hay ác dục vọng (pàpaka- icchana), bị kích thích bởi tham dục và bị ám ảnh bởi ngã tưởng hay tâm vị kỷ hẹp hòi. Nguyên văn các phân tích của Tôn giả Sàriputta:

       “Này Hiền giả, sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: ‘Nếu ta có phạm giới tội, mong rằng các Tỷ-kheo chớ có biết ta đã phạm giới tội’. Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: các Tỷ-kheo có thể biết được Tỷ-kheo ấy đã phạm giới tội. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: ‘Các Tỷ-kheo đã biết được ta đã phạm giới tội’. Do đó, vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.

        Này Hiền giả, sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: ‘Nếu ta có phạm giới tội, mong rằng các Tỷ-kheo hãy quở trách ta ở chỗ kín đáo, không phải ở giữa Tăng chúng’. Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: các Tỷ-kheo quở trách Tỷ-kheo ấy ở giữa Tăng chúng, không phải ở chỗ kín đáo. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: ‘Các Tỷ-kheo quở trách ta ở giữa Tăng chúng, không phải ở chỗ kín đáo’. Do đó vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.

       Này Hiền giả, sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: ‘Nếu ta có phạm giới tội, mong rằng một Tỷ-kheo đồng đẳng hãy quở trách ta,chớ không phải một vị không đồng đẳng’. Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: một Tỷ-kheo không đồng đẳng quở trách Tỷ-kheo ấy, không phải một Tỷ-kheo đồng đẳng. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: ‘Một Tỷ- kheo không đồng đẳng quở trách ta, không phải một Tỷ-kheo đồng đẳng’. Do đó vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.

      Này Hiền giả, sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: ‘Mong rằng bậc Đạo Sư hãy hỏi ta nhiều lần trong khi giảng pháp cho chúng Tỷ-kheo. Mong rằng bậc Đạo Sư không hỏi Tỷ-kheo khác nhiều lần trong khi giảng pháp cho chúng Tỷ-kheo’. Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: bậc Đạo Sư hỏi một Tỷ-kheo khác nhiều lần trong khi giảng pháp cho chúng Tỷ-kheo, bậc Đạo Sư không hỏi Tỷ-kheo ấy nhiều lần trong khi giảng pháp cho chúng Tỷ-kheo. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: ‘Bậc Đạo Sư hỏi một Tỷ-kheo khác nhiều lần trong khi giảng pháp cho chúng Tỷ-kheo. Bậc Đạo Sư không hỏi ta nhiều lần trong khi giảng pháp cho chúng Tỷ-kheo’. Do đó, vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.

      Này Hiền giả, sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: ‘Mong rằng các Tỷ-kheo hãy để ta đi trước trong khi vào làng để dùng cơm. Mong rằng các Tỷ- kheo không để một Tỷ-kheo khác đi trước trong khi vào làng để dùng cơm’. Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: các Tỷ- kheo để một Tỷ-kheo khác đi trước trong khi vào làng để dùng cơm, các Tỷ-kheo không để Tỷ-kheo ấy đi trước trong khi vào làng để dùng cơm. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: ‘Các Tỷ-kheo để một Tỷ-kheo khác đi trước trong khi vào làng để dùng cơm, các Tỷ-kheo không để ta đi trước trong khi vào làng để dùng cơm’. Do đó vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.

     Này Hiền giả, sự tình xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: ‘Mong rằng tại chỗ ăn, ta được chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, đồ ăn khất thực tốt nhất. Mong rằng Tỷ-kheo khác tại chỗ ăn không được chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, đồ ăn khất thực tốt nhất’. Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: một Tỷ-kheo khác tại chỗ ăn được chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, đồ ăn khất thực tốt nhất; còn Tỷ-kheo ấy tại chỗ ăn không được chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, đồ ăn khất thực tốt nhất. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: ‘Một Tỷ-kheo khác tại chỗ ăn được chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, đồ ăn khất thực tốt nhất. Tại chỗ ăn, ta không được chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, đồ ăn khất thực tốt nhất’. Do đó vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.

     Này Hiền giả, sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: ‘Mong rằng tại chỗ ăn, sau khi ăn xong, ta sẽ thuyết tùy hỷ pháp, không phải Tỷ-kheo khác tại chỗ ăn, sau khi ăn xong, sẽ thuyết pháp tùy hỷ pháp’. Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: một Tỷ-kheo khác tại chỗ ăn, sau khi ăn xong, thuyết tùy hỷ pháp; Tỷ-kheo ấy tại chỗ ăn, sau khi ăn xong, không thuyết tùy hỷ pháp. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: ‘Một Tỷ-kheo khác tại chỗ ăn, sau khi ăn xong, thuyết tùy hỷ pháp. Ta tại chỗ ăn, sau khi ăn xong, không thuyết tùy hỷ pháp’. Do đó vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.

     Này Hiền giả, sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: ‘Mong rằng, ta sẽ thuyết pháp cho các Tỷ-kheo tụ tập tại ngôi tịnh xá, chớ không phải một Tỷ- kheo khác thuyết pháp cho các Tỷ-kheo tụ tập tại ngôi tịnh xá… Mong rằng, ta sẽ thuyết pháp cho các Tỷ-kheo-ni… ta sẽ thuyết pháp cho các Nam cư sĩ… ta sẽ thuyết pháp cho các Nữ cư sĩ tụ tập tại ngôi tịnh xá, chớ không phải một Tỷ-kheo khác thuyết pháp cho các Nữ cư sĩ tụ tập tại ngôi tịnh xá’. Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: một Tỷ-kheo khác thuyết pháp cho các Tỷ-kheo tụ tập tại ngôi tịnh xá; còn Tỷ-kheo ấy không thuyết pháp cho các Tỷ-kheo tụ tập tại ngôi tịnh xá… một Tỷ-kheo khác thuyết pháp cho các Tỷ-kheo…Tỷ-kheo Ni… Nam cư sĩ… Nữ cư sĩ tụ tập tại ngôi tịnh xá; còn Tỷ- kheo ấy không thuyết pháp cho các Tỷ-kheo… Tỷ-kheo Ni… Nam cư sĩ… Nữ cư sĩ tụ tập tại ngôi tịnh xá. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: ‘Một Tỷ-kheo khác thuyết pháp cho các Tỷ-kheo… Tỷ- kheo Ni… Nam cư sĩ… Nữ cư sĩ tụ tập tại ngôi tịnh xá; còn ta không thuyết pháp cho các Tỷ-kheo… Tỷ-kheo Ni… Nam cư sĩ… Nữ cư sĩ tụ tập tại ngôi tịnh xá’. Do đó vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.

      Này Hiền giả, sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: ‘Mong rằng các Tỷ-kheo cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường ta; các vị Tỷ-kheo chớ có cung kính, tôn trọng, lễ bái cúng dường một Tỷ-kheo khác… Mong rằng các Tỷ-kheo-ni… các Nam cư sĩ… các Nữ cư sĩ cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường ta. Các Nữ cư sĩ không cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường một Tỷ-kheo khác’. Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: các Tỷ-kheo… các Tỷ-kheo Ni… các Nam cư sĩ… các Nữ cư sĩ cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường một Tỷ-kheo khác; các Tỷ-kheo không cung kính,  tôn trọng, lễ bái, cúng dường Tỷ-kheo ấy; các Tỷ-kheo… các Tỷ-kheo Ni… các Nam cư sĩ… các Nữ cư sĩ cư sĩ cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường một Tỷ-kheo khác, các Tỷ-kheo… các Tỷ-kheo Ni… các Nam cư sĩ… các Nữ cư sĩ không cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường Tỷ-kheo ấy. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: “Các các Tỷ-kheo… các Tỷ-kheo Ni… các Nam cư sĩ… các Nữ cư sĩ cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường một Tỷ-kheo khác; các các Tỷ-kheo… các Tỷ-kheo Ni… các Nam cư sĩ… các Nữ cư sĩ không cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường ta’. Do đó vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.

      Này Hiền giả, sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: ‘Mong rằng ta nhận được các y phục tối thắng; Tỷ-kheo khác không nhận được các y phục tối thắng… Mong rằng ta nhận được các đồ ăn khất thực tối thắng… các sàng tọa tối thắng… các dược phẩm trị bịnh tối thắng; Tỷ-kheo khác không nhận được các dược phẩm trị bịnh tối thắng”. Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: một Tỷ-kheo khác nhận được các y phục tối thắng; Tỷ-kheo ấy không nhận được các y phục tối thắng… một Tỷ-kheo khác nhận được các dược phẩm trị bịnh tối thắng; còn Tỷ-kheo ấy không nhận được các dược phẩm trị bịnh tối thắng. Tỷ- kheo này nghĩ rằng: ‘Một Tỷ-kheo khác nhận được y phục tối thắng…các dược phẩm trị bịnh tối thắng; còn ta không nhận được y phục tối thắng… các dược phẩm trị bịnh tối thắng’. Do đó vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế”.(5)


       Các phân tích của Tôn giả Sàriputta cho thấy tâm phẫn nộ (kopa) và bất mãn (appaccaya) hay thái độ giận dữ bực phiền là hệ quả của ác dục vọng (pàpaka-icchana) hay lòng ham muốn bất thiện (akusala-icchana) không được đáp ứng hay không được thỏa mãn. Nó là sự bùng vỡ của các loại tâm bệnh mà Sàriputta đã chỉ ra. Kinh Phật gọi người xuất gia có các phản ứng phẫn nộ giận dữ như vậy là “bị mục nát bên trong”, nghĩa là kẻ ác giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh, có những hành vi đáng nghi ngờ, có những hành động che đậy, không phải Sa-môn nhưng hiện tướng Sa-môn, không phải Phạm hạnh nhưng hiện tướng Phạm hạnh, nội tâm bị hủ bại, ứ đầy dục vọng, là một đống rác bẩn(6), đáng ghê tởm, không nên gần gũi, không nên thân cận.(7)

     Để ngăn tránh các loại tâm bệnh như trên, Tôn giả Sàriputta gợi nhắc các Tỷ-kheo phải luôn luôn tập trung dò xét chính mình để nhận ra nội tâm mình có cấu uế hay không. Đây chính là cách giúp cho người xuất gia diệt trừ cấu uế nội tâm (ajjhatta-angana), cũng đồng nghĩa với việc loại bỏ các hệ quả ô uế phát tán ra bên ngoài, tức các ác dục vọng hay các ý tưởng tham muốn bất chính (pàpakàni-icchanàni) phát sinh ở nội tâm kéo theo sự phẫn nộ (kopa) và bất mãn (appaccaya) do không đạt được các ý muốn bất chính. Vị Tỷ-kheo phải thường xuyên quán sát tâm mình, xem nó là thiện hay bất thiện để có cách thái ứng xử cho đúng pháp. Nếu tâm thức là thiện, nghĩa là những suy nghĩ hay tư duy sinh khởi và vận hành không có bóng dáng tham dục, sân hận hay tà kiến đi kèm, thì nên nuôi dưỡng và phát triển loại tâm thức như vậy. Trái lại, nếu nó là bất thiện, tức là những tư tưởng hay ý nghĩ gắn liền với dục vọng, sân hận hay tà kiến, thì cần phải nỗ lực tìm mọi cách xua đuổi và loại trừ ngay dòng tâm thức ấy(8). Đạo Phật gọi phương pháp tu tập như vậy là “chú tâm cảnh giác” (jàgariya-yànuyoga), “đình chỉ tư duy” (vitakkasanthana)(9), “sự trừ diệt” (vinodana)(10) hay “kỷ luật tự nội” (ajjhattasìla), tức chú tâm theo dõi tâm thức của mình, không để cho các ý tưởng bất thiện như dục, sân, hại hay tà kiến dấy khởi làm ô uế tâm thức. Đây là cách thức phòng hộ và luyện tập tâm, khiến cho tâm thức không bị ô nhiễm bởi các pháp bất thiện, không rơi vào ốm đau bệnh tật, trở nên trong sáng, hiền thiện, khỏe mạnh, dần dần đạt đến an trú, an tịnh, định tĩnh, nhất tâm.

      Tóm lại, người xuất gia có thể mắc phải một số các chứng bệnh gắn liền với môi trường sinh hoạt đặc trưng của mình gọi là “bệnh người xuất gia”, như bệnh không tàm quý; bệnh cố tình che giấu lỗi lầm; bệnh sợ người khác chỉ trích trong trường hợp vi phạm giới luật; bệnh ưa nổi danh, thích ăn trên ngồi trước; bệnh muốn được mọi người biết đến, muốn được mọi người tôn trọng, muốn được mọi người cúng dường… Đó là các loại tâm bệnh hay các cấu uế nội tâm phát sinh do ác dục vọng hoặc do tập quán thiên nặng về tự ngã hay ngã tưởng. Chúng làm ô uế tâm thức người xuất gia và khi có điều kiện thì phát tán ra bên ngoài làm ô nhiễm môi trường chung quanh, gây tổn hại đến người khác. Chúng cần được nhận diện và chữa trị kịp thời bằng phương pháp thích hợp. Người xuất gia thực hành nếp sống tự lợi và lợi tha nên tuyệt nhiên phải thường xuyên xem xét và uốn nắn các hành vi hay việc làm của mình, đặc biệt là phải theo dõi và chữa trị tâm thức của mình, không để nó rơi vào xấu ác nhiễm ô, ốm đau bệnh tật gây tổn hại cho tự thân và ảnh hưởng không hay đến người khác. Khi người xuất gia chuyên tâm theo dõi và chữa trị tâm thức theo cách như vậy thì dần dần vị ấy thoát khỏi các loại tâm bệnh, không còn ác dục vọng, tâm tư trở nên trong sáng, lành mạnh, không cấu uế, có thể vận dụng năng lượng thanh tịnh sáng suốt của nó để làm mọi việc lợi ích cho mình và lợi lạc cho cuộc đời.■

Chú thích:
1. Kinh Cunda, Tương Ưng Bộ.
2. Kinh Phân biệt về sự thật, Trung Bộ.
3. Kinh Bất đoạn, Trung Bộ.
4. Kinh Anuruddha, Tăng Chi Bộ.
5. Kinh Vô uế, Trung Bộ.
6. Kinh Khúc gỗ, Tương Ưng Bộ.
7. Kinh Đáng ghê tởm, Tăng Chi Bộ; Kinh Tư lượng,
Trung Bộ.
8. Kinh Song tầm, Kinh An trú tầm, Trung Bộ; Kinh Kẻ lọc vàng, Tăng Chi Bộ.
9. Kinh Đình chỉ tư duy hay An trú tầm, Trung Bộ.
10. Kinh Tất cả lậu hoặc, Trung Bộ.


Thiện Năng
(TC. Văn Hóa Phật Giáo 160)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage